Cha anh em là Đấng nhân từ, cho nên…

Thứ năm - 21/02/2019 19:17
C07V Layer 22
C07V Layer 22
Năm C
Suy niệm Tin Mừng Lc 6:27-38
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN
 
 
Gioan Lm. Nguyễn Văn Ty SDB

            Bất cứ ai thoạt nhìn vào điều quen gọi là ‘giới luật yêu thương’ ràng buộc mọi Ki-tô hữu, thì ấn tượng đầu tiên là nhận ra tính bất khả thi của nó. “Yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét anh em, cầu phúc cho kẻ nguyền rủa, cầu nguyện cho kẻ vu khống” thì đơn giản không ai có thể làm được. Thế nhưng đó lại điều đã được chính Đức Giê-su khẳng định như đặc điểm độc đáo nhất tạo nên khác biệt không thể nhầm lẫn giữa môn đệ của Người với những kẻ khác: “Nếu chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi… dân ngoại cũng yêu thương kẻ yêu thương họ…”
Rất may là Đức Giê-su chưa hề gọi yêu cầu trên là ‘giới luật’, Người chỉ đơn giản: “Hãy yêu thương kẻ thù… Ai vả anh má bên này thì hãy giơ cả má bên kia nữa…” Dựa vào đó, nhiều người đưa ra giải thích rằng: giới luật yêu thương của Ki-tô hữu thực ra phải là ‘… yêu cận nhân như yêu chính mình’, còn yêu kẻ thù chỉ là lời khuyên mà thôi. Nói như thế tức là ta lộ rõ lối suy nghĩ quá Cựu Ước, đầu óc duy luật pháp đặt nền tảng đời mình trên nền móng giữ các giới răn hay luật điều hợp lý. Ta không nên quên rằng: khi xác định “Yêu Thiên Chúa hết lòng hết sức… và yêu cận nhân như yêu chính mình” là giới luật quan trọng hơn hết, thì Đức Giê-su còn them giải thích: “Tất cả lề luật Mô-sê và các sách ngôn sứ (tức toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước) đều tùy thuộc vào hai điều răn này” (xem Mt 22:34-40). Do đó Đức Giê-su đã không coi ‘yêu kẻ thù’ như một luật phải giữ, cũng như không xác định ‘yêu cận nhân’ là giới luật của Người, Người đơn giản mong ước: ‘yêu kẻ thù’ là biểu lộ chân chính nhất của những kẻ tin vào Người.
Trước hết môn đệ Ki-tô phải là người tin vào một Thiên Chúa từ nhân và hay tha thứ. Sự tha thứ của Người thật bao la; nó bao trùm tất cả, người tốt cũng như kẻ xấu, người lành cũng như kẻ dữ… Phải chăng đó là mạc khải Tin Mừng vĩ đại nhất mà nhân loại chưa từng nghe biết đến! Thậm chí, căn cứ vào các hình ảnh Đức Giê-su dùng để minh họa Thiên Chúa như cha già tìm đứa con đi hoang, như mục tử tìm con chiên lạc, như bà lão tìm đồng tiền đánh mất, hay thầy thuốc tới chữa bệnh nhân…, cùng với thái độ khoan dung nhân hậu kỳ lạ của Người đối với tội nhân, với các kẻ yếu hèn. Thái độ này Người biểu lộ xuyên suốt trong suốt thời gian rao giảng…, đặc biệt qua cái chết tự hiến trên Thập Giá; điều làm cho bất cứ người môn đệ nào cũng phải kinh ngạc ngỡ ngàng! Vì thế khi Người long trọng công bố: ‘Người và Chúa Cha là một’, thì không một môn đệ nào mà không hiểu rằng: Thiên Chúa của Đức Giê-su chính là Thiên Chúa tình yêu, đầy từ tâm và hay thương xót. Môn đệ Gio-an đã hiểu ra điều này, các tông đồ khác cũng vậy, cho dù trước đó họ không thể hiểu nổi. Đúng là niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su phải luôn dính liền với niềm tin vào Thiên Chúa Cha nhân hậu, từ bi và hay tha thứ.
Chỉ riêng với các môn đệ của mình, Đức Giê-su mới có quyền đòi họ phải “Hãy yêu thương kẻ thù…” Điều này Người không có quyền, và không thể đòi hỏi nơi các biệt phái luật sĩ… nói chung nơi tất cả những ai chưa tin vào Người. Và cũng dựa trên niềm tin đó, Người xác định cho lòng nhân ái Ki-tô hữu một chỉ tiêu cao ngất ngưởng, tới độ thoạt nghe hầu như không ai nghĩ rằng mình có thể đạt tới được: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Phải, làm sao một người phàm, dù thiện chí có lớn tới mấy đi nữa, có thể trở nên nhân từ như Chúa Cha; cũng như không ai có thể “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Riêng với các môn đệ Đức Ki-tô thì, trở nên nhân từ như Chúa Cha chắc chắn là có thể được tới một mức độ nào đó, với điều kiện họ phải không ngừng chiêm ngắm khuôn mẫu của lòng nhân từ đó được thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, nhất là nơi Thập Giá của Người.
Còn một điều khác nữa: đòi hỏi ‘trở nên hoàn thiện như Cha’ sẽ mãi mãi là bất khả thi bao lâu ta còn hiểu ‘hoàn thiện’ theo cách thức đạo lý thông thường; và lý do thì thật đơn giản, đã có ai biết Thiên Chúa hoàn thiện ra sao đâu! Nhưng nếu hiểu ‘hoàn thiện’ trong nội dung mạc khải của Đức Giê-su thì nó đồng nghĩa với ‘nhân từ’, và khi đó ‘nên hoàn thiện’ mới trở thành đich đến mà các phàm nhân như chúng ta có thể đạt tới được.
Còn vấn nạn ‘làm sao có thể chiêm ngắm không ngừng Đức Giê-su Ki-tô và Thập Giá của Người?’ thì mỗi người môn đệ phải tự giải quyết cho mình thôi. Hội Thánh chỉ đề ra cho các Ki-tô hữu những phương thế hữu hiệu như đọc / suy niệm Lời Chúa hàng ngày, cử hành / tham dự Thánh Lễ… và nhiều việc đạo đức suy tôn Thánh Giá… Phương tiện thì nhiều lắm, nhưng sử dụng chúng hay không là quyền của mỗi chúng ta!
Còn trong tư cách linh mục, tôi tự hỏi: mình đã sử dụng các phương tiện đó như thế nào, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ, đồng thời đã hướng dẫn cũng như giúp đỡ các giáo dân sử dụng chúng ra sao?
 
            Lạy Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Cha đã trao cho chúng con một hình mẫu không thể chính xác hơn, và lời mời gọi tha thiết để con trở nên ‘nhân từ như Cha’. Con biết ‘trở nên nhân từ’ sẽ tỷ lệ thuận với khả năng chiêm ngắm Con Cha, và sẽ chỉ đạt tới đỉnh điểm một khi con thành công trong việc ‘trở nên Ki-tô’ (becoming Christ). Chính vì nhận ra ‘Alter Christus’ là mục tiêu khó đạt, nên con khẩn khoản xin Cha dạy cho con biết luôn đồng hành cùng Đức Giê-su Thập Giá trong cuộc sống thường ngày. A-men          
 
 
 
 

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây