CHÚA NHẬT THỨ II MÙA VỌNG
Hãy tỉnh thức để nhận ra cách Thiên Chúa hành động bất ngờ
Anh Chị em thân mến! Mùa vọng là mùa tỉnh thức và đón chờ Chúa đến lần thứ nhất, trong cử hành mầu nhiệm giáng sinh và xa hơn nữa, lần thứ hai, trong ngày Người đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng ta đón chờ Chúa đến vì đó là giờ cứu độ của chúng ta nếu Người thấy chúng ta “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” đón Người trong hân hoan; ngược lại sẽ là giờ án phạt, khi chúng ta “không chuẩn bị cho giờ đón Người”; khi Người bắt gặp chúng ta đang mê đắm trong những thực tại và thú vui trần đời. Giờ Người đến như kẻ trộm, như ông chủ đi ăn cưới trở về giữa đêm khuya; hay như chiếc lưới bất thần chụp xuống trên tất cả mọi người, vì thế, chúng ta phải tỉnh thức sẵn sàng. Tuy nhiên, tính bất ngờ của ngày Chúa đến không chỉ mang ý nghĩa của thời gian, mà còn mang tính bất ngờ trong cung cách Người đến cứu độ chúng ta nữa. Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta ý thức điều này, để không bị bất ngờ hay có thái độ phản kháng tiêu cực, chối từ nhưng tích cực đón nhận
Trang Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe bắt đầu với một loạt những nhân vật trong chính quyền, vua Chúa và thậm chí cả tôn giáo đi kèm với mốc thời gian: “Năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong -xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê. Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nit, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-ên, Kha-nan và Cai pha làm thương tế năm đó.” Quan tâm của Luca không chỉ nằm ở lịch sử khi liệt kê các nhân vật kể trên nhưng là thần học. Để ý chúng ta thấy các nhân vật được liệt kê theo mức độ giảm dần về quyền hành (hoàng đế, tổng trấn, tiểu vương) và dĩ nhiên lãnh thổ họ cai trị. Bảng liệt kê chấm dứt với các thượng tế, những người có quyền hành tôn giáo lớn nhất trong dân Chúa.
Chúng ta có khuynh hướng chờ đợi Thiên Chúa sẽ ngỏ lời với những người này, nhất là với các thượng tế, biểu tượng cho phẩm trật tôn giáo. Tuy nhiên, Luca làm mọi người ngỡ ngàng khi tiếp tục bản liệt kê “có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan, con ông Giacaria, trong hoang địa.” Đó là cách Thiên Chúa hành động. Người không hành động theo lối suy nghĩ của con người. Người không bị đóng khung bởi những tiêu chuẩn của con người hay thậm chí những quy định, trật tự của xã hội hoặc phẩm trật tôn giáo. Người hoàn toàn tự do thực hiện hành động theo ý của Người. Lời Chúa phán hay ơn gọi ngôn sứ không diễn ra nơi hoàng cung hay thậm chí nơi đền thờ, trung tâm sinh hoạt tôn giáo của dân Chúa, nhưng là với một con người chẳng có tiếng tăm gì đang sống trong hoang địa. Tính bất ngờ và đảo ngược về cách hành động của Thiên Chúa nơi sự kiện của Gioan không mới lạ bởi trước đó, ngôn sứ Ba-rúc đã được Thiên Chúa tuyển chọn để nói về việc phục hồi dân của Người đang sống cảnh lầm than trên đất lưu đày cũng như những gì còn sót lại nơi đất Giu-đa nơi có đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá bình địa
Ngôn sứ dùng một lúc ba câu mệnh lệnh trên Giê-ru-sa-lem (1) “hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; (2) Hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng vĩnh hằng ban tặng…(3) hãy vùng lên! Hãy đứng ở nơi cao và hướng nhìn về phía Đông: kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo Lời Đấng Thánh đã truyền dạy. Ba mênh lênh kèm với 3 hành động được mô tả như một sự kiện cứu độ của Thiên Chúa với dân Người mà Giê-ru-sa-lem là biểu tượng: hành động thứ nhất cất nỗi ô nhục của kiếp lưu đày của dân trên đất lưu đày và cảnh tang tóc, đổ nát của Giê-ru-sa-lem; hành động thứ hai phục hồi lại những gì nó vốn có “mặc lấy, đội lấy” sự công chính, ánh vinh quang của Thiên Chúa; hành động thứ 3 mang dân Người và Giê-ru-sa-lem lên một tầm cao mới, trở thành tâm điểm của muôn dân muôn nước tụ về. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, đoạn sách này được viết sau thời lưu đày và có thể sau khi Israel hoàn tất việc phục hưng lại đời sống tôn giáo và hoàn thành việc tái thiết Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đúng như tâm tình thánh vinh “họ ra đi trong nước mắt nhưng về giữa tiêng reo vui” vì Thiên Chúa không bỏ rơi, nhưng viếng thăm và cứu chuộc họ với lòng từ bi và sự công chính của Người. Hành động cứu độ của Thiên Chúa bất ngờ đến nỗi “họ cứ ngỡ mình đang mơ,” còn dân ngoại thì sững sờ ca vang “việc Chúa làm cho họ thật lớn lao.”Nhắc lại sự kiện này để cùng cố đức tin của dân vào Chúa trong hiện tại và tương lai
Nhưng cách hành động cứu độ bất ngờ của Thiên Chúa đạt tới tột đỉnh trong mầu nhiệm nhập thể. Thiên Chúa trở thành Đấng Emmanuel, thành xác phàm trong cung lòng của một trinh nữ nghèo hèn vô danh tiểu tốt; giáng sinh giữa đêm động giá lạnh nơi hang bò lừa. Sự kiện “Đấng Cứu Độ, Đức Chúa” giáng trần cứu độ ấy khiến vua chúa và cả những cơ cấu phẩm trật tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem hoang mang bối rối trước sự xuất hiện của những đạo sĩ từ Phương Đông theo ánh sao lạ tìm vua Do Thái mới sinh để kính thờ; còn mục đồng thì ngỡ ngàng vì được chọn là những người đầu tiên gặp gỡ và loan báo Đấng Cứu Độ toàn dân
Mầu nhiệm giáng sinh, mầu nhiệm cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa không phải là dấu chấm hết cho hành động cứu độ mang tính bất ngờ của Thiên Chúa mà đúng hơn, khai mở cho những hành động cứu độ của Người trong Đức Ki-tô nhờ Thánh Thần của Người. Một trong số đó chính là ơn gọi tông đồ của thánh Phaolo. Thật thế, trong cơ cấu phẩm trật, để được tuyển chọn làm tông đồ, một người phải có thời gian cùng sống với Chúa Giê-su từ lúc Người chịu phép rửa cho đến khi Người lên trời. Người ấy phải được chính Đức Ki-tô phục sinh sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Tuy nhiên, qua việc tuyển chọn Phaolo làm tông đồ dân ngoại, Đức Ki-tô đã thực hiện hành động cứu độ Phaolo và qua ông, với toàn thể dân ngoại cách ngoại thường. Cách hành động của Người vượt ra ngoài khuôn khổ và những tiêu chuẩn được đặt ra bởi phẩm trật. Cách hành động khiến những người thuộc cơ cấu phẩm trật bất ngờ đến sững sờ, thậm chí ghen tị và nghi kỵ. Ngay chính bản thân Phaolo cũng ngỡ ngàng để cuộc đời còn lại của mình luôn sống trong niềm tạ ơn Thiên Chúa và sống chết cho một mình Đức Ki-tô mà thôi
Chính vì cách thực hiện hành động cứu độ bất ngờ của Thiên Chúa, đặc biệt trong Đức Ki-tô, mà Thiên Chúa vấp phải sự kháng cự của con người. Dân Chúa kháng cự vì không tin hành động cứu độ phi thường của Thiên Chúa trong việc đổi thay số phận của dân Người. Bởi đó, ngôn sứ mời gọi dân Chúa tin tưởng vào Thiên Chúa và thực thi mệnh lênh của Người “phải bạt thấp núi cao và gò nổng tự lâu đời; phải lấp đầy thung lũng, cho mặt đất phảng phiu để Israel tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang Thiên Chúa.” Đó là một cuộc xuất hành mới mà chính Thiên Chúa sẽ dẫn dắt dân Người về Đất được hứa ban cho cha ông họ. Thiên Chúa cũng ra lệnh cho thiên nhiên vũ trụ phải tham gia với Người trong việc dọn đường cho cuộc xuất hành bằng việc “tỏa bóng che rợp cho Israel” thay vì nổi loạn chống lại cho con dân vì tội lỗi của họ. Gioan cũng dùng những lời này để mời gọi dân Chúa đón nhận Đức Chúa, Đấng Cứu Độ, Chúa Giê-su Ki-tô “mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho bằng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
Để ý chúng ta thấy cả ngôn sứ Ba-rúc và Gioan đều dùng mệnh lệnh mang tính bắt buộc “phải.” Không có chọn lựa cho những ai muốn đón nhận sự kiện Thiên Chúa cứu độ. Muốn đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, không phân biệt bất cứ ai, phải loại bỏ tất cả những tiêu chuẩn, khuôn mẫu, thái độ và tất cả những gì cản trở cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa
Trong mọi thời đại, công việc của Thiên Chúa luôn thực hiện ở giữa những người nghèo và người yếu thế. Một Hội Thánh với những người thuộc tầng lớp trung lưu, nhất là khi những lãnh đạo tôn giáo được coi như một giai cấp mới trong xã hội và giáo hội; và một giáo hội vui hưởng sự tự do tôn giáo chắc chắn sẽ khó khăn để nắm bắt và chấp nhận hành động “bất ngờ” của Thánh Thần Thiên Chúa. Cũng thế, khuynh hướng nhân loại và thậm chí Hội Thánh muốn khoanh tròn hoạt động của Thiên Chúa và giới hạn nó tới những loại người theo tiêu chuẩn xã hội và đạo đức riêng của chúng ta. Nhưng quan tâm của Thiên Chúa là đối với tất cả mọi xác phàm, và vì thế, Người liên tục đẩy chúng ta tới chỗ phá vỡ những biên giới mà chúng ta đặt ra cho Người. Thánh Gioan nói “phải để cho mọi xác phàm thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” điều này luôn bao hàm một cách chính xác những nhóm người không hiện diện trong Hội Thánh, hoặc bởi vì chúng ta không cho phép họ ở đó hoặc bởi vì chúng ta có những kiểu mẫu văn hóa hay truyền thống loại trừ họ
Chúng ta đang hướng đến một giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Điều này đòi hỏi mọi thành phần dân Chúa, nhất là những cơ cấu phẩm trật hay những truyền thống mà trong một mức độ nào đó, đang đóng kín trong chính mình cũng như trở thành những đồi cao, lũng sâu, quanh co, gồ ghề khiến Thiên Chúa và con người không thể gặp nhau trong chân lý và tình yêu cứu độ, phải phá vỡ thế bế tắc để ra khỏi chính mình. Sẽ chăng có hiệp thông đích thực nếu không có sự gặp gỡ đối thoại trong đó, không phải bất cứ ai mà chính Thiên Chúa trong Đức Ki-tô mới là tiêu chuẩn, nguyên lý của sự hiệp thông, là con đường để tất cả mọi người nắm chặt tay nhau cùng đi thi hành sứ mênh làm cho muôn dân nhận thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con đang sống trong một đất nước tràn đầy các loại khẩu hiệu hành động mà hầu như không làm được nhiều. Xin giúp Hội Thánh của Chúa, trong khi sống phúc âm giữa lòng dân tộc, sống tinh thần hội nhập văn hóa, thoát khỏi ảnh hưởng “chủ nghĩa khấu hiệu và thành tích” trong các hoạt động của mình, để khẩu hiệu “hướng tới một giáo hội hiệp hành” không chỉ dừng lại trong những hô hào hay nằm trên những kế hoạch to lớn mang tính bàn giấy theo kiểu hoặc hành động theo kiểu đầu voi đuôi chuột, nhưng ban Thánh Thần để thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa hành động cách tích cực và cụ thể, hầu Hội Thánh được phục hồi, chữa lành và rực rỡ ánh vinh quang, sự công chính của chính Chúa. Amen
Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi