Thứ Bảy tuần 2 mùa vọng.
"Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông".
LỜI CHÚA: Mt 17, 10-13
Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: "Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?"
Chúa Giêsu trả lời: "Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".
Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.
Suy Niệm 1: Êlia đã đến rồi
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Các nhà thông luật, dựa trên ngôn sứ Malakhi,
nói rằng Êlia phải đến trước để dọn đường cho Chúa (c. 10),
để “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu,
và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3, 1. 24).
Đức Giêsu nhất trí với họ, nhưng nhấn mạnh:
“Êlia đã đến rồi, và họ đã không nhìn nhận ông,
nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn” (c. 12a).
Theo Đức Giêsu, chẳng cần phải đợi Êlia nữa.
Gioan Tẩy giả chính là Êlia (c. 13).
Gioan đã đến để chỉnh đốn mọi sự (c. 11).
Đời ông là một tiếng kêu to trong hoang địa.
Ông mời mọi người sinh hoa trái diễn tả lòng sám hối ăn năn.
Dân chúng đã đổ xô đến với ông như đến với một ngôn sứ,
để thú tội và nhận phép rửa của ông ở sông Giođan.
Ông trở nên nổi tiếng đến độ có người tưởng ông là Đấng Mêsia.
Gioan đã không bao giờ nhận mình là Đấng Cứu thế.
Ông chỉ xin được cúi xuống cởi dây giày
cho Đấng đến sau ông, nhưng cao trọng hơn ông.
Kết cục của đời ông là bị cầm tù (Mt 11, 2),
và sau đó là một cái chết bi đát và đột ngột (Mt 14, 10-12).
Đầu ông rơi dưới tay của Hêrôđê, người vừa sợ, vừa kính nể ông.
Vào Mùa Vọng, chúng ta lại được Đức Giêsu nhắc đến cái chết
của người đã giới thiệu Ngài cho chính đồng bào của mình.
Gioan đã chu toàn nhiệm vụ của tiếng, nhưng ông không phải là lời.
Ông là ngọn đèn, nhưng không phải là ánh sáng (Ga 1, 8; 5, 35).
Bạo quyền có thể làm cho tiếng phải im, ngọn đèn phải tắt,
nhưng lời chứng của Gioan thì vẫn còn mãi trong dòng lịch sử cứu độ.
Ông đã sống một đời sống tuyệt vời, hoàn toàn xóa mình,
nên nhân loại hôm nay, qua ông, có thể tin vào Đức Giêsu.
Êlia đã chịu nhiều đau khổ.
Gioan và Đức Giêsu cũng không được nhìn nhận (c.12b).
Số phận của các ngôn sứ trong mọi thời đại đều như nhau.
Họ chịu khổ vì phải nói hay làm một điều gì đó đòi người ta thay đổi.
Họ gây khó chịu cho những người có quyền thế vững vàng.
Nhìn kết cục của đời ông Gioan và Đức Giêsu ta thấy khó tin.
Một người chết vì bị xử trảm, một người chết vì bị đóng đinh.
Khó mà tin được một vị là Êlia, vị kia là Mêsia.
Êlia phải quyền thế hơn nhiều, Mêsia thì không hề nếm mùi thất bại.
Để đón lấy một Êlia như Gioan, đón lấy một Mêsia như Giêsu,
phải bỏ những định kiến khô cứng, vì Chúa đi đường chẳng ai ngờ.
Thế giới hôm nay vẫn cần những ngôn sứ như Gioan,
làm chứng bằng lời giới thiệu và bằng đời sống.
Lời giới thiệu hấp dẫn nhờ đời sống thanh liêm.
Đời sống thu hút nhờ lời giới thiệu soi sáng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa. Amen
Suy Niệm 2: Xe ủi mở đường
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Mỗi khi muốn làm đường, người ta cho xe ủi đi trước để san lấp, tạo mặt bằng tốt. Xe ủi thật mạnh mẽ. Nó càn lướt qua các chướng ngại. Nó bạt núi san đồi. Đi đến đâu xe ủi làm cho mặt đất bằng phẳng đến đấy. Không một chướng ngại nào có thể ngăn chặn xe ủi. Ê-li-a và Gio-an Tẩy giả là những chiếc xe ủi mở đường cho Chúa Cứu Thế đến.
Như chiếc xe ủi các ngài có một đời sống mãnh liệt. Đó là những cuộc đời rực lửa. Sách Huấn ca miêu tả Ê-li-a là ngọn lửa bừng bừng nên đã đem lửa thiêu đốt mặt đất. Gio-an Tẩy giả được Chúa khen là ngọn đèn rực nóng. Ê-li-a có thể đi một mạch 40 đêm ngày đến núi của Thiên Chúa. Gio-an Tẩy giả từ bỏ thị thành sống trong hoang địa, ăn châu chấu và mật ong rừng, y phục chỉ là tấm da thú khoác trên mình. Thật là những cuộc đời rực lửa lý tưởng.
Như chiếc xe ủi, các ngài đưa ra những sứ điệp mãnh liệt. Trên núi Các-men, Ê-li-a bắt họ phải lựa chọn dứt khoát hoặc chọn Chúa hoặc Ba-an. Ngài thách thức 500 sãi của thần Ba-an đem lửa bởi trời xuống thiêu đốt lễ vật. Ngài đã thắng và bắt dân chúng phải trở về với Chúa. Gio-an Tẩy giả cũng đưa ra những sứ điệp đanh thép: Cái rìu đã đặt sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh hoa trái sẽ bị chặt bỏ ngay. Chúa dùng nia mà sàng xảy sân lúa. Trấu sẽ bị thiêu đốt trong lò lửa.
Như chiếc xe ủi, các ngài chiến đấu mãnh liệt. Lên án những bất công, dối trá. Lên án cả giới thượng lưu, quan quyền. Lên án cả nhà vua và hoàng hậu. Ê-li-a chống lại vua A-kháp và hoàng hậu Giê-sa-ben. Gio-an Tẩy giả lên án Hê-rô-đê và cuộc loạn luân với Hê-rô-đi-a-đê.
Như chiếc xe ủi, các ngài có cái chết mãnh liệt. Ê-li-a chết một cái chết hùng tráng khi được đưa về trời bằng chiếc xe lửa do ngựa lửa kéo đi trong cơn gió lốc. Gio-an Tẩy giả chết trong một cái chết bạo liệt khi bị Hê-rô-đê chém đầu trong ngục.
Nếu tôi muốn dọn đường đón Chúa đến, tôi cũng phải sống cuộc sống mãnh liệt trong các chọn lựa tốt. Phải mãnh liệt trong dứt khoát với cái xấu. Phải chiến đấu mãnh liệt với cái xấu. Phải quyết liệt đi theo đường tốt. Có thế tôi mới có hi vọng gặp được Chúa.
Suy Niệm 3: Họ không nhận ra Ngài
Lời Chúa đối với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng áp dụng cho người đó trong cuộc sống hiện tại của mình. Chúa Thánh Thần là Ðấng soi sáng cho chúng ta hiểu biết rõ ràng hơn về chân lý niềm tin, cho nên Ngôi Ba được gọi là Thần Chân Lý và mỗi người đều múc lấy ý nghĩa sống cho mình qua Lời Chúa. Tuy nhiên, vì trình độ mỗi người khác nhau, vì hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác cho nên có thể hiểu Lời Chúa sai lệch đi.
Chúa Giêsu trao quyền rao giảng Lời Chúa cho Giáo Hội qua thánh Phêrô, vị đại diện tối cao của Giáo Hội tiên khởi và kế tiếp là trao cho các Tông Ðồ cho đến ngày nay. Cho nên chúng ta thấy trong Do Thái giáo, các luật sĩ là những người cắt nghĩa luật Chúa và họ đã nói với các môn đệ Chúa Giêsu: "Elia phải đến trước đã". Theo truyền thuyết, Elia là một tiên tri đại diện cho các tiên tri trong Cựu Ước, không chết nhưng được đưa về trời và sau này ông sẽ trở lại và các luật sĩ cắt nghĩa: Cần phải đợi Elia trở lại đã.
Chúa Giêsu cũng xác nhận với các môn đệ: "Thật, Elia phải đến để chấn hưng mọi sự". Elia ấy chính là Gioan Tẩy Giả đã rao giảng sự ăn năn thống hối, hãy sửa lối đi cho ngay thẳng, lối đi quanh queo hãy san cho bằng. Những nơi gồ ghề, hố sâu hãy lấp cho bằng thì mọi người sẽ thấy ơn cứu độ. Gioan tiền hô đã đi trước để dọn đường cho Chúa Kitô sẽ đến sau, Ngài đến để mang ơn cứu độ xuống cho trần gian và một số môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu để xem Ngài, đồng thời Gioan cũng đã xác định vị thế của mình trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi".
Con người của Gioan Tẩy Giả thật là khiêm nhường trong vị thế của ông: "Còn tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người". Gioan Tẩy Giả mang sứ mệnh như tiên tri Elia trong Cựu Ước nhưng cũng là một con người ăn chay hãm mình trong rừng vắng, khiêm nhường, đơn sơ trong công việc dọn đường cho Ðấng Cứu Thế sẽ đến.
Thật là một tấm gương cao quí đáng cho chúng ta bắt chước noi theo. Gioan Tẩy Giả không cao trọng nhờ sự lạ lúc sinh ra nhưng cao trọng do sứ mệnh dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến mà ông đã làm trong sứ mệnh của mình. Trong ngục tối, ông dám nói thẳng sự thật, dám làm chứng nhân cho Thiên Chúa ở giữa trần gian.
Chúa Kitô đến mang sứ mệnh cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Người ta không nhận ra Người, và người ta cũng đối xử với Ngài như các tiên tri trong Cựu Ước, đó là bắt bớ, đánh đập, hành hạ và sau cùng bị lãnh bản án tử hình treo trên thập giá một cách nhục nhã đau thương.
Bao nhiêu năm tháng chờ đợi Ðấng Cứu Thế đến, trải dài trong Cựu Ước vậy mà khi Ngài đến con người đã không nhận ra Ngài. Mỗi người chúng ta đôi lúc cũng đã không nhận ra Ngài trong cuộc sống, chúng ta vẫn nhớ Lời Chúa nhắc với chúng ta: "Ai làm cho một kẻ bé mọn nhất trong anh em ấy là làm cho chính Ta".
Những kẻ bé mọn đó là ai? Thưa, họ là những người mà Chúa Giêsu đã nói::Ta đói các con cho Ta ăn, Ta khát các con cho Ta uống. Ta rách rưới các con đã cho áo mặc. Khi Ta ở tù các con đã viếng thăm". Lời nói của Chúa Giêsu làm mỗi người trong chúng ta suy nghĩ và tự nhận: Ailà anh em tôi? Không phải những ai xa lạ, không phải là những ai ở xa để rồi chúng ta không thấy được. Không phải là những bậc giàu có sang trọng trong xã hội, những người thiếu thốn, những người chạy gạo ăn bữa hôm lo bữa mai, những người không có thân nhân bà con, không mái nhà che mưa che nắng vào những trưa hè nóng oi bức, vào những cơn mưa tàn tã của thời tiết thu đông.
Mỗi người trong chúng ta tự hỏi như người luật sĩ và biệt phái trong Phúc Âm hỏi Chúa Giêsu: "Nhưng ai là anh em tôi?" Chúng ta cùng nhau xin Chúa cho chúng ta biết rõ, cảm nhận một cách sâu xa hơn câu trả lời của mình trong Mùa Vọng này để chúng ta đi đến niềm nở với người anh chị em, cùng nhau nắm chặt bàn tay thân ái đón mừng Chúa đến.
Lạy Chúa, Gioan Tẩy Giả đến để chuẩn bị cho Chúa mang ơn cứu độ đến. Xin cho mỗi người trong chúng con chuẩn bị tâm hồn trong sáng hân hoan để đón Chúa đến trong chúng con và trong gia đình thân yêu của chúng con. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con biết yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau tất cả tinh thần và vật chất để trọn niềm vui mừng đón chờ Chúa đến. Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Suy Niệm 4: Êlia sẽ đến lại.
Ngày 10/11/1948, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã long trọng công bố bản Tuyên ngôn nhân quyền. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ. Gia nhập Liên hiệp quốc có nghĩa là ký tên vào bản tuyên ngôn này và đương nhiên cam kết bênh vực quyền con người.
Thật ra, chỉ Thiên Chúa là Đấng có thể ban cho con người quyền và phẩm giá được làm người mà thôi. Trong tác phẩm: “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” Đức Gioan Phaolô II đã viết:
“Thật hiển nhiên là quyền con người đã được Đấng sáng tạo ghi khắc trong trật tự của công cuộc sáng tạo. Như vậy chúng ta không thể nói đến những ban nhượng từ phía các tổ chức của con người. Những tổ chức này không làm gì khác hơn là diễn tả những gì chính Thiên Chúa đã ghi khắc trong trật tự Ngài đã tạo dựng: trong lương tâm hay trong quả tim con người như Phaolô đã giải thích trong thư Rôma. Tin Mừng là sự khẳng quyết trọn vẹn nhất về mọi quyền con người. Không có Tin Mừng, chúng ta rất dễ xa lạc với chân lý về con người. Thật thế, Tin Mừng cho thấy các luật thần linh đang bảo toàn trật tự luân lý của vũ trụ và củng cố nó, nhất là qua cuộc Nhập thể. Con người là ai mà Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính con người. Con người phải là ai nếu Con Thiên Chúa đã phải trả một giá đắt nhất cho phẩm giá của nó. Mỗi năm, phụng vụ diễn tả sự thán phục sâu xa của mình khi chiêm ngắm chân lý và mầu nhiệm này trong lễ Giáng sinh cũng như trong đêm Vọng Phục Sinh. “Ôi tội hồng phúc vì ngươi đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu chuộc cao cả”. Đấng Cứu chuộc khẳng quyết quyền con người bằng cách tái lập sự toàn ven của phẩm giá mà con người đã lãnh nhận khi Thiên Chúa tạo dựng nó theo và giống hình ảnh Thiên Chúa.
Những lời trên đây giúp chúng ta hiểu được sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến Êlia, Gioan Tẩy giả và chính thân phận của Ngài. Êlia là hiện thân của một cuộc tranh đấu không ngơi nghỉ cho công bằng và quyền con người, Ngài mở ra một thế hệ các tiên tri luôn lên tiếng tố cáo những bất công và kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người, nhất là những người cùng khổ, bị áp bức. Chúng ta cũng bắt gặp dung mạo ấy trong vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước là Gioan Tẩy giả. Lời kêu gọi sám hối của Gioan cũng là một cảnh cáo trước những bất công xã hội và vi phạm nhân quyền, nhất là những người thấp cổ bé miệng trong xã hội. Chúa Giêsu xuất hiện trong truyền thống tiên tri ấy. Ngài là tiên tri của các tiên tri, Ngài không những lên tiếng tố cáo bất công, mà còn đề cao quyền và phẩm giá cao trọng của con người nơi những kẻ bé mọn, bị đẩy ra bên lề xã hội. “Con Người cũng phải đau khổ như thế”. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá trước hết là một điển hình cho những vi phạm tôn giáo, nhân danh quyền lợi dân tộc và theo một hình thức tố tụng tùy tiện và độc đoán nhất, người ta đã kết án Ngài phải chết cách bỉ ổi nhất. Tuy nhiên, cũng qua cái chết ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện phẩm giá cao cả của con người.
Chân lý của con người đã được thể hiện trong cái chết của Chúa Giêsu. Cái chết ấy là một lời ngỏ của Thiên Chúa với con người. Con người cao cả đến độ Thiên Chúa đã thí ban người Con Một của Ngài. Dù muốn hay không, không ai chối cãi được rằng ý niệm về nhân quyền như được đề cao trong bản Tuyên ngôn nhân quyền đã cắm rễ sâu trong mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Kitô giáo. Người ta không thể hiểu và chấp nhận phẩm giá cũng như các quyền con người, nếu không nhìn nhận nền tảng là con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa và được cứu chuộc bằng chính cái chết của Chúa Giêsu.
Ước gì cái nhìn ấy luôn là động lực thúc đẩy các kitô hữu nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá và quyền con người trong cuộc sống từng ngày nhất là phẩm giá và quyền của những người cùng khổ bị đẩy ra bên lề xã hội.
Suy Niệm 5: Tranh cãi của luật sĩ
Nhưng Thầy nói cho anh em biết: Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo như ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả. (Mt. 17, 12-13)
Dân Ít-ra-en cứ tưởng rằng Thiên Chúa sẽ sai Ê-li-a đến dọn đường cho Đấng Thiên sai. Ma-la-ki-a, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước đã viết: “Đây Ta sai Ê-li-a làm sứ giả đến trước ngày quang minh chính đại lạ lùng của Đức Chúa. Ông sẽ hướng con tim của cha ông về cùng con cháu, và hướng con tim của con cháu về những con tim của cha ông kẻo Ta đến chúc dữ xứ này” (3, 23-24). Điều gì sẽ xảy ra nếu lời tiên tri này không thực hiện?
Chính lối tranh luận về lời tiên tri trên mà người ta thường phi bác thái độ cứu thế của Đức Giêsu. Người đã sẵn sàng mất thời gian chịu đựng cách phi thường lối sống cuồng tín lầm lẫn đáng sợ đó.
Đối với môn đệ, Người quả quyết cho các ông biết rằng Ê-li-a đã đến và đã phục hưng tất cả, nhưng Người thêm rằng: Người ta đã không nhận biết ông và còn xử tệ với ông như đã hãm hại tất cả các tiên tri. Ông đã san phẳng những con đường, đã lấp đầy những thung lũng, đã bạt thấp những núi đồi … Ông đã loan báo Đấng đến sau ông. Ngài lớn hơn ông, cầm sàng sẵn trong tay, xẩy sạch các hạt lúa phơi trong sân, đốt sạch rơm rạ, đưa cất những lúa tốt vào kho lẫm của Thiên Chúa … Bấy giờ các môn đệ hiểu Người nói về Gioan tẩy giả.
Đức Giêsu nói về các luật sĩ rằng họ đã không nhận ra dấu chỉ của thời đại, nên họ không thể nhận ra đặc tính của Đấng Cứu thế. Cho nên Con Người sẽ phải chịu khốn khổ bởi họ.
Nếu các luật sĩ cố chấp không hiểu, thì các môn đệ đã hiểu sứ vụ của Người và các ông bắt đầu tìm hiểu lời tiên báo về thập giá.
Chúng ta dễ thấy bực mình về những rắc rối của luật sĩ, vậy chúng ta cần phải thi hành lời Chúa để đáp lại những lý luận của những kẻ mê muội đó. Đức Giêsu đã không ngừng rao giảng sự cứu độ cho cả những tối dạ không biết suy nghĩ đó. Người cũng không ngừng bị cám dỗ chỉ nói cho những kẻ đón nhận lời Người thôi. Chúng ta tuy vào số những người hiểu lời Chúa, nhưng lại nhốt lời Chúa như nhốt tù, không lo sống và rao giảng lời Chúa.
G.M
Suy Niệm 6: Đau khổ vì sứ vụ
Trong Mùa Vọng, người được nhắc nhiều nhất chính là Gioan Tẩy Giả. Bởi vì Ngài vừa là vị tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước, vừa là người loan báo, chuẩn bị dọn đường trực tiếp cho Đấng Cứu Thế. Có thể nói: Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri kết thúc thời Cựu Ước, và khai mào cho thời Tân Ước.
Mặc dù ngài là người sống trong sa mạc, tuy nhiên, những lời giảng của ngài đã lay động nhiều tâm hồn, và ngày càng đông người đến để xin thụ huấn.
Sứ mạng của Gioan đến là để canh tân các tâm hồn, kêu gọi sám hối để được ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế. Sứ mạng này cũng chính là của Êlia thời Cựu Ước.
Thật vậy, Êlia đến để loan báo về tình thương của Thiên Chúa trên dân Người, ngài cũng trở thành trung gian để khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, làm nguôi cơn thịnh nộ của Người. Ngài còn đóng vai trò làm người giao hòa giữa mọi người với nhau, xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong xã hội. Đến thời Gioan cũng vậy. Ông đến để kêu gọi dân quay trở lại đường chính nẻo ngay để chuẩn bị tâm hồn, dọn lòng thanh sạch để đón mừng Đức Giêsu đến. Hai con người nhưng cùng chung một sứ mạng. Hai thời điểm, nhưng cùng hướng về một mục đích. Vì thế, nếu Êlia đã phải chịu bách hại vì sứ vụ, thì Gioan cũng không thoát khỏi cảnh tù đầy và bị giết chết. Đặc biệt, chính Đức Giêsu, Ngài cũng đồng số phận với các tiên tri khi thực thi sứ mạng cứu chuộc nhân loại.
Điều này đã được Đức Giêsu nhắc lại trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài nói: “Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối, ăn năn vì những lỗi lầm thiếu sót của chính mình.
Noi gương Gioan Tẩy Giả, sống cuộc sống hy sinh để làm gương cho dân chúng noi theo. Đồng thời, chia sẻ bác ái cho những người khó khăn. Sẵn sàng loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người bằng nhiều cách, nhất là bằng gương sáng.
Nếu có phải nguy hiểm đến tính mạng thì hãy nhớ rằng: đây chính là số phận của Êlia, Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu cũng như những môn đệ của Ngài trên khắp thế giới.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả mà hăng say vì sứ vụ, sẵn sàng dấn thân vì Chúa. Ước mong sao Mùa Vọng này, chúng con có được một tâm hồn mới, nhờ sự sám hối chân tình để xứng đáng đón mừng đại lễ Giáng Sinh sắp tới. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Chúa đến với ta trong cuộc sống hằng ngày
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Đứng trước lịch sử hoặc các sự kiện xảy ra trong đời, chúng ta thường hời hợt và cắt nghĩa nông cạn. Ta cần phải tìm hiểu Thánh Ý Chúa. Hãy đến để hỏi Chúa Giêsu như các môn đệ xưa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, Chúa có đau lòng không, khi Chúa đến giữa Dân Chúa mà Dân Chúa không nhận ra Chúa là Đấng phải đến? Chỉ vì họ đã cắt nghĩa lời hứa của Chúa Cha một cách hẹp hòi. Họ cứ chờ đợi Ê-li-a phải đến trước.
Trong cuộc sống con, chắc chắn con không từ chối tiếp nhận Chúa đến với con dưới hình ảnh một vị Vua uy nghi. Nhưng hằng ngày Chúa đến với con thật sự, mà con lại dửng dưng. Con không thấy hấp dẫn và cần thiết mấy. Nhiều khi con còn coi như bị mất giờ nữa. Nếu con hiểu được sự hiện diện cao siêu của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, chắc mỗi lần đến với Chúa, con phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu con hiểu được sự hiện diện của Chúa trong những người nghèo khổ, chắc con đã không khinh miệt họ. Chúa đang đến với con qua những lần con gặp gỡ những ai bệnh tật, nhưng con ít khi nhìn ra Chúa.
Vâng, lạy Chúa Giêsu, các thánh khác chúng con ở chỗ: các ngài luôn nhận ra Ý Chúa trong bất cứ cảnh sống nào, và luôn nhận ra khuôn mặt của Chúa trong bất cứ người nào.
Xin cho Mùa Vọng năm nay mang lại cho con sự khôn ngoan chân thật của Chúa để con biết nhận ra Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Xin cho con luôn thấu hiểu Thánh Ý Chúa đầy tình yêu thương trong mọi cảnh sống. Amen.
Ghi nhớ: “Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông”.
Suy Niệm 8: Cách nhìn và đánh giá các biến cố
(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Văn mạch: đoạn trước là chuyện Chúa Giêsu biến hình. Khi ấy Người trở nên vinh quang, có Môsê và Êlia hiện đến đám đạo với Ngài (17,1-8).
Vì đã thấy Êlia cho nên khi thấy trò từ núi đi xuống, các môn đệ thắc mắc: tại sao Êlia chỉ xuất hiện trong chốc lát rồi biến mất, trong khi các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước Chúa Giêsu để dọn đường cho Ngài. Người do thái tin rằng xưa kia Êlia được đưa lên trời, để rồi sẽ trở xuống trần thế dọn đường trước khi Đấng Messia tới. Sở dĩ người ta nghĩ như vậy vì người ta đã hiểu quá sát nghĩa đen câu tiên tri của Malakhi 3,23-24.
Đáp lại, Chúa Giêsu ngầm nói phải hiểu câu tiên tri ấy theo nghĩa bóng chỉ về kẻ tiền hô cho Đấng Messia. Đấng Messia ấy chính là Chúa Giêsu, còn người tiền hô chính là Gioan Tẩy giả.
Vì dân do thái đã không hiểu như thế cho nên khi Gioan đến thì họ bách hại, và khi Chúa Giêsu đến, họ cũng bách hại.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử tệ với ông theo ý họ muốn” (câu 12). Ngày xưa dân do thái không nhận ra Gioan Tiền Hô là kẻ dọn đường cho Đấng Messia, lại còn giết hại ông. Ngày nay cũng có nhiều kẻ đang dọn đường cho Chúa nhưng người ta cũng không nhận ra, có khi còn thù ghét. Những Êlia ấy của thời nay là ai? Là gì?
2. “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử tệ với ông theo ý họ muốn” (câu 12).
Lời của Chúa Giêsu trên đây mở ra cho chúng ta một cách nhìn và đánh giá các biến cố. Nên nhìn theo tinh thần hơn là quá cứng rắn theo chữ nghĩa.
Gioan Tiền hô không mang tên là Êlia, thậm chí ông đã từng tuyên bố mình không phải là Êlia (Ga 1,21), nhưng ông lại là hiện thân của Êlia, ông đóng vai trò của Êlia, ông nói lên tinh thần của Êlia.
3. Gioan Tiền hô là Êlia mới. Nếu Êlia đã xuất hiện, thì Đấng Thiên Sai và “Ngày của Giavê” mà dân Chúa hằng mong đợi đã bắt đầu. Chính bản thân của Gioan Tiền hô đã là một dấu chỉ, là một thời điềm.
- Tôi có là một dấu chỉ, một thời điềm để đưa anh chị em tôi tới với Chúa?
- Tôi có nhận ra Chúa nơi anh chị em tôi không? (Gặp Chúa: - qua Lời Chúa - qua nơi con người - qua biến cố).
4. “Thầy nói cho anh em biết: Ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn đối xử với ông theo ý họ muốn” (Mt 17,12)
Ngôn sứ Êlia đã đến, nhưng dân Israel không nhận ra ngài. Đức Giêsu cũng đã đến, tệ hơn, họ đã đóng đinh Người vào Thập giá. Còn tôi, tôi đã đón nhận Chúa thế nào trong cuộc sống? Có lần, một cậu bé khẩn khoản xin tôi giúp đỡ. Tôi lạnh lùng quan sát cậu từ đầu đến chân. Vì nghi ngờ, tôi đã đuổi cậu. Cậu bé đi rồi, nhưng hình ảnh cậu cứ lởn vởn mãi trong tâm trí tôi. Và tôi bắt đầu cảm thấy ray rứt vì đã nhẫn tâm khước từ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã không nhận ra Người khi thản nhiên khước từ một người bé mọn, vì đã quên: mỗi lần như thế là con đã làm cho chính Chúa. (Epphata)
Suy Niệm 9: Êlia phải đến trước
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Theo tiên tri Malakia loan báo: ông Elia sẽ đến dọn đường cho Đấng Cứu thế đến, người Do thái tin như thế và cứ mong chờ Đấng Cứu thế, mặc dầu ông Êlia đã đến rồi. Nhưng khi ông Gioan rao giảng về Ngài, họ lại không chấp nhận. Điều làm họ không nhận ra vì họ nghĩ Đấng Cứu Thế đến theo nghĩa chính trị, sẽ giải thoát họ khỏi cái khổ trần gian. Cái nhìn hẹp hòi và lối nghĩ thiển cận khiến con người khó chấp nhận sức điệp của Đức Giêsu.
2. Các nhà thông luật dựa vào lời tiên tri Malakia loan báo thắc mắc: Êlia phải đến trước để dọn đường cho Chúa để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông (Ml 3,1.24).
Đức Giêsu trả lời họ khi khi nhấn mạnh: “Êlia đã đến rồi, và họ đã không nhìn nhận ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn (Mt 17,12). Êlia mà Chúa nói chính là Gioan Tẩy Giả vậy. Đức Giêsu có ý ngầm nói với họ là phải hiểu câu tiên tri ấy theo nghĩa bóng chỉ về kẻ tiền hô cho Đấng Messia. Đấng Messia ấy là Đức Giêsu, còn người tiền hô chính là Gioan Tẩy Giả. Vì người Do thái đã không hiểu như thế cho nên khi Gioan đến thì họ bách hại, và khi Đức Giêsu đến , họ cũng bách hại.
3. Vì thế, Gioan trong vai trò Êlia mà tiên tri Malakia loan báo, ông đến để chỉnh đốn mọi sự: kêu gọi lòng sám hối ăn năn, sửa chữa tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế. Dân chúng đã đổ xô đến với ông như đến với một tiên tri, để thú tội và nhận phép rửa của ông ở sông Giođan. Nhưng các luật sĩ và biệt phái không chấp nhận và còn chống đối. Sau này ông bị cầm tù và chết thảm thương trong ngục. Gioan đã chu toàn nhiệm vụ tiên tri Êlia.
4. Thánh Gioan Tẩy giả làm gương cho chúng ta trong việc dọn đường, chúng ta hãy theo gương Ngài mà dọn đường cho Chúa bằng chính đời sống khắc khổ để khơi dậy lòng sám hối trong mọi người. Chúng ta, người tông đồ của Chúa, cũng phải làm chứng bằng đời sống khó nghèo, bác ái, yêu người và khổ chế để nêu gương cho các Kitô hữu biết ăn năn sám hối trong tinh thần Mùa Vọng để chuẩn bị cho Chúa đến bằng ơn thánh trong cuộc sống hằng ngày.
5. Đức Giêsu nói với các môn đệ ràng: “Ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ bị đau khổ vì họ như thế”Mt 17,12).
Trong tác phẩm “Đường Hy vọng”, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận nói: “Thông thường người ta rất quí trọng những người mang dấu thánh của Chúa, nhưng lại sợ chính mình phải mang những dấu thánh ấy”. Đức Giêsu, dẫu là Con Thiên Chúa, nhưng đã phải trải qua đau khổ và cái chết mới được đến với vinh quang phục sinh.
Người Kitô hữu không bao giờ tôn sùng đau khổ, nhưng sẵn sàng đón nhận đau khổ vì tình yêu. Đức Giêsu đã được phục sinh cùng với những dấu thánh của mình, thì cũng vậy, chúng ta sẽ chỉ được phục sinh, một khi chúng ta được giương lên cao cùng với thánh giá đời mình. Điều này nhắc nhở mọi người hãy vác thánh giá cuộc đời trong tâm tình vui vẻ, đồng thời kết hợp với đau khổ của Đức Giêsu trên Thánh giá năm xưa, hầu đền tội cho mình và cầu nguyện cho mọi người (Học viện Đa Minh).
6. Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều trong Mùa Vọng này, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta để xứng đáng chờ Chúa đến. Xin Mẹ Maria cũng hãy giúp chúng ta là con cái Mẹ để có tâm tình như Mẹ khi chờ đợi Chúa giáng trần. Chúng ta hãy nóng lòng chờ đợi Chúa đến hằng ngày , nhất là trong dịp lễ Giáng Sinh. Maranatha: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
7. Truyện: Muốn gặp Chúa.
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo, có một câu truyện sau đây:
Một đệ tử đến thưa vị linh sư của mình: - Thưa thầy, con muốn gặp Chúa.
Vị linh sư chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau người môn sinh trở lại và bầy tỏ cùng một ước muốn. Vị linh sư cũng chỉ mỉm cười và tiếp tục giữ thinh lặng.
Rồi một ngày đẹp trời, ông dẫn người đệ tử đến một dòng sông. Thầy trò cùng dìm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát. Bất thần vị linh sư mới túm lấy cổ anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để ngóc đầu lên khỏi mặt nước.
Bấy giờ vị linh sư mới hỏi anh:
- Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?
Không chút suy nghĩ, người đệ tử đáp ngay:
- Thưa, con cần không khí để thở.
Lúc bấy giờ vị linh sư mới giải thích:
- Con có cảm thấy ước ao được gặp Chúa như vậy không? Nếu con khao khát Chúa như vậy con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không có ước muốn ấy, thì cho dù có vận dụng hết cả tài năng và sức lực con sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài.
Suy Niệm 10: Biết nhìn biến cố theo tinh thần của Chúa
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Lời Chúa chúng ta vừa nghe, mở ra cho chúng ta một cách nhìn và đánh giá mới về các biến cố. Hãy biết nhìn các biến cố theo tinh thần của Chúa muốn.
Gioan Tiền Hô tuy không mang tên là Êlia, nhưng ông lại là hiện thân của Êlia. Ông xuất hiện trong vai trò của Êlia. Ông đã sống và đã nói lên tinh thần của Êlia.
Như vậy, có thể nói: Gioan Tiền Hô là Êlia mới. Và nếu Êlia xuất hiện, thì Đấng Thiên Sai và "Ngày của Giavê" mà dân Chúa hằng mong đợi cũng đã bắt đầu. Chính bản thân của Gioan Tiền Hô đã là một dấu chỉ, là một thời điểm.
Vâng! Đấng mà Gioan loan báo: Ngài đã đến rồi. Đó là Đức Giêsu Kitô Chúa của chúng ta.
Chúng ta đã biết rõ nơi Ngài đã sinh, những nơi Ngài đã sống.
Chúng ta đã biết những lời Ngài đã dạy dỗ chúng ta.
Chúng ta đã biết những việc Ngài đã làm, những đau khổ Ngài đã chịu.
Chúng ta đã biết cái chết đau thương của Ngài ở trên cây Thánh Giá.
Chúng ta đã biết sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài.
Trước khi về trời Ngài còn tuyên bố một lời mà tất cả chúng ta vẫn còn nhớ: "Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20)
Đức Giám mục Curtis giáo phận Wilington và Đức Hồng Y Newman là hai người bạn thân thiết. Cả hai trước kia là Anh giáo, nhưng đã trở lại công giáo. Một bữa nọ, Đức Giám mục Curtis đến thăm Đức Hồng Y. Trong câu chuyện, Đức Hồng Y cho biết Ngài đã được đặc ân của Tòa Thánh giữ Mình Thánh Chúa trong nhà ngài ở. Ý nghĩ Thiên Chúa ở với các ngài trong cùng một nhà đã gây xúc động nhiều cho Đức Giám mục Curtis, nhưng khi Đức Hồng Y mời ngài ở lại đêm với mình, ngài từ chối và nói: "Con sẽ không chợp mắt được tí nào trong đêm, nếu con nghĩ và biết rằng Chúa đang ở cùng một nhà với con".
2. Chúa đã đến, nhưng chúng ta đã gặp được Chúa chưa? Muốn gặp được Chúa tôi phải làm gì?
Trong kho tàng truyện ngụ ngôn của người Tây Phương có câu chuyện này:
Vào buổi sáng nọ, bác thợ giầy thức dậy thật sớm. Bác quyết định sửa soạn chiếc xưởng nhỏ của bác cho tươm tất rồi vào phòng chờ cho được vị khách quí. Và người khách đó không ai khác là Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho bác biết Ngài sẽ đến thăm bác trong ngày hôm sau.
Người thợ giầy ngồi đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng vừa rọi qua khung cửa, bác đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng bác hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đã đến. Bác ra mở cửa. Thế nhưng, người đang đứng trước mặt bác không phải là Chúa mà là người phát thư.
Sáng hôm đó là ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để ông run lẩy bẩy ngoài cửa. Bác mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.
Người thợ giày trở vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn ra cửa sổ bác thấy có một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Bác gọi em bé đó lại để hỏi cho biết lý do. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy tờ giấy viết vài chữ để trên bàn, báo cho người khách quí biết là mình phải đi ra ngoài.
Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà. Mãi đến chiều tối bác ta mới tìm thấy nhà đứa bé, và khi bác về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.
Vừa bước vào nhà bác thấy có người đang đợi, nhưng không phải là Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Suốt mấy ngày nay, bà đã không có gì bỏ bụng. Vì bị đói như thế cho nên bà cũng không còn sữa cho con bú. Bác thợ giầy tận tụy lo lắng cho cả hai mẹ con.
Công việc xong xuôi thì đã quá nửa đêm. Mệt quá bác để nguyên quần áo và lên giường ngủ.
Thế là một ngày đã qua mà chưa thấy Chúa đến, nhưng đột nhiên trong giấc ngủ người thợ giày nghe thấy tiếng Chúa nói với bác:
- Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống.
- Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà.
- Cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta.
- Cám ơn con đã tiếp đón Ta trong ngày hôm nay.
Giáng Sinh lại sắp về với chúng ta. Chúa đã đến và Ngài đang đến với mỗi người, đến qua Lời của Ngài, qua những biến cố và qua những con người. Ai là người sẽ gặp được Chúa? Đó là những con người có một trái tim quảng đại, đôi bàn tay giang ra, với cặp mắt cảm thông. Ngài cần một tách trà, một chén cơm, một ly nước, một lời khích lệ, một sự đồng cảm, tha thứ.
Lạy Chúa xin mở đôi mắt con thật to để con có thể nhìn thấy Chúa. Xin mở tâm hồn con thật rộng để con có thể đón Chúa vào lòng. Amen.
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ
Saturday (December 11) “Elijah must first come” Scripture: Matthew 17:9a,10-13 9a And as they were coming down the mountain 10 the disciples asked him, “Then why do the scribes say that first Elijah must come?” 11 He replied, “Elijah does come, and he is to restore all things; 12 but I tell you that Elijah has already come, and they did not know him, but did to him whatever they pleased. So also the Son of man will suffer at their hands.” 13 Then the disciples understood that he was speaking to them of John the Baptist. |
Thứ Bảy 11-12 Ông Êlia phải đến trước Mt 17,9a.10-13 9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, 10 Các môn đệ hỏi Người rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước? “11 Người đáp: “Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự.12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.”13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
|
Meditation: God gives signs to show what he is about to do. John the Baptist is one such sign who pointed to Jesus and prepared the way for his coming. John fulfilled the essential task of all the prophets: to be fingers pointing to Jesus Christ. John is the last and greatest prophet of the old kingdom, the old covenant. The Jews expected that when the Messiah would come, Elijah would appear to announce his presence. John fills the role of Elijah and prepares the way for the coming of Jesus Christ by preaching a baptism of repentance and renewal. As watchful servants, we, too must prepare for the Lord’s coming again by turning away from sin and from everything that would keep us from pursuing his will. Are you eager to do God’s will and are you prepared to meet the Lord Jesus when he returns in glory?
“Lord Jesus, stir my zeal for your righteousness and for your kingdom. Free me from complacency and from compromising with the ways of sin and worldliness that I may be wholeheartedly devoted to you and to your kingdom.”
|
Suy niệm: Thiên Chúa ban các dấu chỉ để bày tỏ những gì Người sắp thực hiện. Gioan Tẩy giả là một dấu chỉ như thế, người giới thiệu về Đức Giêsu và dọn đường cho Ngài đến. Gioan đã hoàn thành sứ mạng quan trọng của tất cả các ngôn sứ: giới thiệu về Ðức Kitô. Gioan là vị ngôn sứ lớn nhất và cuối cùng của vương quốc cũ, của giao ước cũ. Người Dothái tin rằng khi Đấng Mêsia đến, Êlia sẽ xuất hiện để loan báo về sự xuất hiện của Người. Gioan hoàn tất vai trò của Êlia và dọn đường cho Đức Kitô ngự đến bằng việc rao giảng phép rửa sám hối và canh tân. Như các đầy tớ tỉnh thức, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho việc Chúa đến lần nữa, bằng việc từ bỏ tội lỗi và mọi điều có thể ngăn cản chúng ta theo đuổi ý Người. Bạn có hăm hở thi hành ý Thiên Chúa và bạn có sẵn sàng gặp Chúa Giêsu khi Ngài trở lại trong vinh quang không? Lạy Chúa Giêsu, xin khơi dậy lòng nhiệt thành của con cho sự công chính và cho vương quốc của Chúa. Xin giải thoát con khỏi sự tự mãn và khỏi sự thỏa hiệp với những đường lối tội lỗi và thế tục để con có thể dâng hiến trọn vẹn đời con cho Chúa và cho vương quốc của Chúa. |
Nguồn: The Word Among Us – November, 2021
Đang khi họ từ trên núi xuống… (Mt 17, 9)
Bài Tin Mừng hôm nay ngay sau câu chuyện Chúa Biến Hình. Phêrô, Giacôbê và Gioan đã lên núi ở một mình với Chúa Giêsu. Khi họ gác lại những sự kiện đang xoay quanh mình, họ có thể chứng kiến Ngài trong vinh quang trên trời. Sự mặc khải này đã giúp hình thành suy nghĩ của họ về Chúa Giêsu là ai và tại sao Ngài đến. Kết quả là, họ xuống núi chuẩn bị tốt hơn để cùng Ngài lên đường đến Giêrusalem và thập tự giá của Ngài.
Một điều tương tự đã xảy ra với một người phụ nữ bị mất thị lực ở mắt phải. Cô lo lắng làm thế nào để có thể lo cho gia đình và tiếp tục làm công việc của mình. Sau một lần đi bác sĩ khám, cô chán nản trở về nhà để cầu nguyện. Nhưng khi cô hướng những suy nghĩ và lo lắng của mình lên Chúa, lòng cô tràn ngập những bài hát và câu Kinh thánh về sự uy nghiêm và thánh khiết của Thiên Chúa. Cô cảm thấy như thể Chúa Giêsu đang ở ngay đó với cô, trong tất cả vinh quang của Người. Những lo lắng về đôi mắt của cô không còn bao trùm, và cô có thể tin tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ ở bên cô trong bất cứ điều gì phía trước.
Mỗi ngày, Chúa Giêsu mời bạn “lên núi” với Ngài để cầu nguyện. Ngài biết rằng, giống như Phêrô, Giacôbê và Gioan, tâm hồn của bạn có thể thay đổi khi bạn dành thời gian cho Ngài. Đôi mắt của bạn có thể được mở ra để nhìn Ngài rõ ràng hơn. Những gánh nặng của bạn có thể được nhẹ đi. Và khao khát bước theo Ngài của bạn có thể được củng cố.
Khi bạn đến cầu nguyện hôm nay, hãy tưởng tượng bạn đang leo núi với những môn đồ đó. Mỗi bước đi sẽ giúp bạn quan tâm hơn và mở rộng hy vọng của bạn. Khi bạn leo lên, hãy cầu xin Chúa Giêsu cho bạn thấy vinh quang của Ngài. Nói với Ngài rằng bạn biết ơn như thế nào khi ở bên Ngài. Hình dung Ngài đang ngồi trên ngai vàng trên Thiên đàng và tưởng tượng các thiên thần đang ca hát – có thể là một trong những bài thánh ca yêu thích của bạn! Khi bạn tập trung chú ý vào Chúa Giêsu, từng chút một, Ngài sẽ thay đổi cách bạn nhìn sự việc. Và điều đó có thể tạo nên sự khác biệt.
Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa vì đã cho con một cái nhìn thoáng qua về vinh quang của Chúa ngày hôm nay!
As they were coming down from the mountain . . . (Matthew 17:9)
Today’s Gospel immediately follows the story of the Transfiguration. Peter, James, and John had gone up the mountain to be alone with Jesus. As they set aside the events that had been swirling around them, they were able to witness him in his heavenly glory. This revelation helped shape their thoughts about who Jesus was and why he had come. As a result, they came down from the mountain better prepared to journey with him to Jerusalem and his cross.
A similar thing happened to a woman who had lost the vision in her right eye. She worried how she would be able to care for her family and continue to work at her job. After a discouraging visit to her doctor, she returned home to pray. But as she turned her thoughts and anxieties over to the Lord, her heart was flooded with songs and Scripture verses about God’s majesty and holiness. She felt as if Jesus were right there with her, in all his glory. Worries about her eye were no longer overwhelming, and she was able to trust that Jesus would be with her in whatever lay ahead.
Every day, Jesus invites you to come “up the mountain” with him in prayer. He knows that, like Peter, James, and John, your heart can be changed as you spend time with him. Your eyes can be opened to see him more clearly. Your burdens can be lightened. And your desire to follow him can be strengthened.
As you come to prayer today, imagine yourself climbing the mountain with those disciples. Each step puts your cares farther behind you and expands your hope. As you climb, ask Jesus to show you his glory. Tell him how grateful you are to be with him. Picture him seated on his heavenly throne and imagine angels singing—maybe one of your favorite hymns! As you fix your attention on Jesus, little by little he will change the way you see things. And that can make all the difference.
“Jesus, thank you for giving me a glimpse of your glory today!”
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn