Kh 7, 2-4.9-14
Bài đọc I, được trích từ sách Khải Huyền của thánh Gioan, miêu tả một đoàn người không kể siết cử hành phụng vụ hùng vĩ tràn đầy niềm vui và tạ ơn trước ngai Thiên Chúa.
1Ga 3, 1-3
Trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan nhắc nhở vận mệnh của người Kitô hữu: vì là nghĩa tử của Thiên Chúa, họ được mời gọi nên giống với Con Một, Đức Giê-su Kitô, và vì thế, dự phần vào vinh quang của Ngài.
Mt 5, 1-12
Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giê-su công bố “các mối phúc thật”, bản Hiến Chương Nước Trời.
BÀI ĐỌC I (Kh 7, 2-4.9-14)
Bài đọc I được trích từ sách Khải Huyền của thánh Gioan miêu tả một đoàn người đông đúc khôn kể xiết vui hưởng nhan thánh Chúa và niềm hoan lạc thiên quốc. Lễ Chư Thánh được mừng trước Lễ Các Đẳng, cả hai hình thành nên bộ đôi diễn tả đức cậy của người tín hữu.
1.Mục đích của văn chương khải huyền:
Bối cảnh khiến người đọc rối trí. Nhà thị kiến của sách Khải Huyền diễn tả những xuất thần của mình bằng thể loại văn chương khải huyền. Thể loại văn chương nầy đã được tác giả sách Đa-ni-en khai mạc vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Tác giả này nhận nguồn cảm hứng từ các vị tiền nhiệm của mình, đặc biệt thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ở nơi vị ngôn sứ này sách Khải Huyền Gioan vay mượn một số lượng biểu tượng của mình.
Tuy nhiên, giữa các sách khải huyền của thế kỷ thứ hai và thứ nhất trước Công Nguyên (thể loại nầy nở rộ) và sách Khải Huyền của thánh Gioan, có một sự khác biệt bao la. Kỷ nguyên Mê-si-a được loan báo bây giờ đã xảy ra. Thời Mê-si-a đã đi vào trong Lịch Sử; từ đây, kỷ nguyên này đã chiếu soi kỷ nguyên cánh chung. Trong sách Khải Huyền của thánh Gioan, một dung mạo ngự trị: dung mạo Con Chiên, hình ảnh của Đức Kitô. Con Chiên vẫn mang những vết thương hy tế của mình, nhưng là Con Chiên khải hoàn. Như vậy, những viễn cảnh khai mở cho niềm hy vọng không còn là những giả sử: mọi lời hứa đã được thực hiện.
Sách Đa-ni-en được viết vào thời kỳ bách hại của vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê, vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, để an ủi dân Do thái trong gian nan thử thách. Cũng vậy, sách Khải Huyền của thánh Gioan chắc hẳn được biên soạn vào thời kỳ bách hại của hoàng đế Rô-ma, Domitien, cuối thế kỷ thứ nhất (91-96), vài phần có thể được đặt vào niên biểu của cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Nê-ron (64-68). Sách này cũng nhằm mục đích tương tự: gởi đến cho các Kitô hữu sứ điệp chứa chan hy vọng, cho họ thoáng thấy niềm hoan lạc thiên quốc, vì niềm hy vọng nầy thật đáng phải chịu những đau khổ kể cả sự chết.
Sách Khải Huyền là một cuốn sách được mã hóa: các tín hữu bị bách hại có thể đọc và chuyền tay nhau mà không sợ những kẻ bách hại mình đọc và hiểu được. Rô-ma không bao giờ được gọi đích danh, nhưng dưới biệt hiệu Ba-by-lon hay Con Thú, hay Con Điếm hoặc số 666 (con số 666 dường như tương ứng với Nê-ron Xê-da theo cách tính số của mẫu tự Do thái. Về giá trị biểu tượng, con số nầy muốn nói lên sự bất toàn tận căn, đối lập với con số 7). Nhưng cũng vì thế, chúng ta không thể nào giải mã tất cả. Tác phẩm tiên báo cuộc sụp đổ của đế quốc Rô-ma, cuộc khải hoàn của Giáo Hội và mô tả những viễn cảnh của thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc.
Bản văn mà chúng ta đọc hôm nay trình bày hai viễn cảnh liên tiếp nhau: viễn cảnh thứ nhất xảy ra trên mặt đất, gợi ra Giáo Hội đang chịu đau khổ và ơn cứu độ của những người công chính ở giữa lòng những gian nan khốn khó nầy; viễn cảnh thứ hai là phụng vụ tạ ơn ở trên trời được cử hành bởi một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc đủ mọi dân, mọi nước.
2.Thị kiến thứ nhất: ở dưới thế (7, 2-4):
Để hiểu ý nghĩa thị kiến thứ nhất nầy, phải đặt nó trở lại vào trong bối cảnh lịch sử của nó.
-Giáo Hội chịu đau khổ:
Những Kitô hữu bị bách hại tự hỏi là những nỗi khốn cùng nầy sẽ kéo dài cho đến khi nào? Khi nào những kẻ bách hại bị trừng trị? Nhà thị kiến rõ ràng nêu lên những vấn đề nầy, và trả lời trong chương 6, 9-11, trước đoạn trích của chúng ta: “Tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng. Họ lớn tiếng kêu: “Lạy Cha chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải nền nợ máu chúng con?” Bấy giờ mỗi người trong số họ được lãnh một áo trắng; và có lời phán bảo họ cứ nghỉ yên một thời gian ngắn nữ, chờ cho đủ số những người cũng là tôi tớ Thiên Chúa và là anh em của họ, sắp bị giết như họ”.
Như vậy, những Kitô hữu được báo trước: thời kỳ bách hại không chấm dứt. Nhưng giờ trừng phạt của những ác nhân sẽ đến. Những tai ương khủng khiếp được loan báo trong viễn cảnh khải huyền về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vào thời cánh chung: chiến tranh, nạn đói, ôn dịch, động đất xảy đến trước khi Thiên Chúa xét xử.
-Ấn tín:
Tuy nhiên, các Kitô hữu không phải lo lắng, vì Con Chiên cứu độ ngự trên ngai xét xử muôn dân. Những người công chính sẽ được đóng ấn của Ngài.
“Tôi lại thấy một thiên thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên”. Đây là biểu tượng kinh điển: chính từ phía mặt trời mọc nầy mà ánh sáng và sự sống đến, trong khi phía Tây là dấu chỉ của bóng tối và sự chết.
Hình tượng “ấn” được mượn từ Ed 9, 4: “Hãy rảo khắp thành, khắp Giê-ru-sa-lem. Hãy ghi dấu chữ thập trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành”. Xuất xứ của đề tài nầy còn xa hơn nữa, đến tận sách Xuất Hành, trong đó sứ thần hủy diệt, lãnh sứ mạng gieo rắc các tai ương khắp xứ Ai-cập, trừ các nhà của dân Do thái, được bôi máu con chiên vượt qua trên khung cửa.
Ấn tín được ghi trên trán các Kitô hữu thì khác, thuộc thực tại tinh thần. Thánh Gioan dùng từ “ấn tín” theo tiếng Hy-lạp mà không xác định. Chắc chắn đọc giả của ông biết ấn tín cốt là gì: thuật ngữ nầy được dùng để chỉ phép Rửa ngay từ thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Ý nghĩa của nó xuất hiện rồi trong thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô (2Cr 1, 21-22) và trong mạch văn Ba Ngôi.
-Ý nghĩa của những biểu tượng khác:
Như vậy, qua mật mã và các biểu tượng nầy, những Kitô hữu bị bách hại được mời gọi nhớ lại rằng họ được Thiên Chúa đóng ấn, vì thế họ thuộc về gia đình đông đúc sở hữu những đảm bảo về ơn cứu độ đời đời.
Con số những người được đóng ấn là 144.000 người. Rõ ràng 144.000 là con số biểu tượng. 144 là tổng số của 12 x 12, con số viên mãn, được nhân lên gấp ngàn lần: 144.000, con số khuếch trương vô tận. 12 bộ tộc là 12 bộ tộc của dân Ít-ra-en mới, 12 tông đồ tiếp tục sự nghiệp của 12 người con Gia-cóp / Ít-ra-en.
Trong viễn cảnh của mình, truyền thống khải huyền có thói quen lồng vào với nhau quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở đây Giáo Hội, đương đầu với “quyền phá hoại đất trời”, đó là Giáo Hội muôn đời, đối mặt với biết bao gian nan thử thách, nhưng được Thiên Chúa bảo vệ và che chở.
3.Thị kiến thứ hai: ở trên trời (7, 9-14):
Thị kiến thứ hai là việc tham dự trước thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc, được mô tả ở phần cuối sách. Sau khi đã loan báo những tai ương sắp xảy đến, ngay tự bây giờ cần phải mang đến một sứ điệp chứa chan hy vọng.
-Đoàn người khải hoàn:
Một đoàn người thật đông khôn kể xiết của thị kiến thứ hai nầy phải chăng cũng là đoàn người được chỉ ra một cách biểu tượng bởi con số 144.000, hay nhà thị kiến đồng thời đã thoáng thấy một đoàn người công chính, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước mọi ngôn ngữ, đã thuộc về thân thể mầu nhiệm của Giáo Hội, dù họ không biết?
Dù thế nào, “chiều kích ơn cứu độ phổ quát” được hàm chứa trong việc mô tả nầy, như trước đây: “Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân” (5: 9-10). Đây không phải là lời hứa được ban cho tổ phụ Áp-ra-ham rằng hậu duệ của ông sẽ đông đúc như sao trên trời như cát dưới biển sao (St 15, 5; 22, 17)?
-Phụng vụ thiên quốc:
Chỗ vinh dự được ban cho những ai đã được phúc tử đạo: “Họ đứng trước ngai Thiên Chúa và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: ‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta’”.
“Mình mặc chiếc áo trắng” của sự vô tội và vinh quang; “tay cầm nhành lá thiên tuế” của sự khải hoàn; “họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao”, bởi vì “họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”.
Phụng vụ thiên quốc nầy rất trang trọng. Những người được tuyển chọn công bố rằng ơn cứu độ của họ phát xuất từ Thiên Chúa và Con Chiên. Các thiên thần và những nhân vật khác đều cung kính phủ phục và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô bằng bảy lời tán tụng: lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh (chúng ta gặp thấy bài Vinh Tụng Ca tương tự ở 5, 12).
Chúng ta ghi nhận rằng Thiên Chúa không được miêu tả gì cả; chỉ duy “ngai” chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, được bao quanh bởi triều thần gồm các thiên thần, hai mươi bốn Kỳ Mục và bốn Con Vật.
-Các Kỳ Mục:
Ở chương 4, hai mươi bốn Kỳ Mục được trình bày đang ngồi trên các ngai, mình mặc áo trắng, đầu đội triều thiên vàng. Họ có vai trò vừa tư tế vừa vương đế. Họ ngồi bên cạnh ngai Thiên Chúa. Đây không là thiên thần nhưng là những con người. Ở Ít-ra-en, tước hiệu Kỳ Mục được ban cho các thủ lãnh của dân (70 Kỳ Mục bên cạnh ông Mô-sê), cho những vị hữu trách trước các hội đường và cho một phần thành viên của Đại Hội Đồng. Trong Giáo Hội tiên khởi, đó cũng là tước hiệu dành cho các người chịu trách nhiệm trước các cộng đoàn Kitô hữu. Ý nghĩa của họ vẫn mầu nhiệm.
-Bốn Con Vật:
Bốn Con Vật kỳ bí nầy cũng đã được miêu tả ở chương 4: “Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt” (4, 7-8).
Những dung mạo nầy được gợi hứng từ thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ed 1, 5-21). Xuất xứ của chúng là từ Ba-by-lon. Bốn bức tượng của bốn con vật thần thoại canh giữ cung điện Ba-by-lon. Đó là các Karibu (ngữ căn của từ “chérubin”), các con vật đầu người, mình sư tử, chân bò rừng và cánh đại bàng, bốn biểu tượng của sức mạnh và quyền năng. Trong thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en, những con vật lai tạp nầy được thắng vào xe của Đức Chúa, diễn tả sự siêu việt của Thiên Chúa Ít-ra-en.
Bốn Con Vật của sách Khải Huyền lấy lại bốn biểu tuợng, được phân phối trên bốn con vật tách biệt. Chúng cũng được gộp vào trong một thị kiến về Thiên Chúa ngự trên ngai trong vinh quang của Ngài, nhưng ý nghĩa của chúng thì hơi khác. Bốn con vật gợi lên bốn phương trời, nói chính xác hơn, số bốn là số của vũ trụ (biểu tượng của nghệ thuật và kiến trúc tôn giáo). Xem ra chúng biểu thị sự vĩ đại, sức mạnh, sự hoàn thiện của công trình sáng tạo và sự có mặt khắp nơi của Thiên Chúa trong công trình của Ngài (mắt của chúng không kể xiết); chúng được đồng hóa với các thiên thần, ngày đêm không ngừng ca ngợi kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa.
Chúng ta biết rằng thánh I-rê-nê, thành Ly-on đã thấy trong bốn Con Vật nầy biểu tượng bốn tác giả Tin Mừng, việc giải thích của thánh nhân đã xuất hiện trong tranh ảnh thánh Kitô giáo. Thị kiến được hoàn tất với việc gợi lên niềm hoan lạc của những người được tuyển chọn: “Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ”.
BÀI ĐỌC II (1Ga 3, 1-3)
Đoạn văn nầy được trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan tập trung trên một chủ đề duy nhất: “nghĩa tử của Thiên Chúa”. Người Kitô là con cái của Thiên Chúa ngay từ bây giờ, nhờ tình yêu của Chúa Cha, nhưng nghĩa tử nầy sẽ trở nên viên mãn chỉ khi chúng ta nên giống với Đức Kitô vào ngày quang lâm của Ngài.
1.Nghĩa tử của Thiên Chúa.
Thiên Chúa là tình yêu, đó là chủ đề hàng đầu của thần học Gioan. Thánh Gioan ngây ngất trước điều kỳ diệu nầy: Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nổi chúng ta được gọi là con cái của Ngài. Đây không là một tước hiệu mà Ngài ban thưởng cho chúng ta, nhưng một thực tại thâm sâu: “thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”.
Theo văn hóa Sê-mít, danh xưng diễn tả chân lý thâm sâu của con người: như vậy Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nổi liên kết chúng ta với Con Một của Ngài khi Ngài gọi chúng ta là “con của Ngài”. Phẩm chất nầy làm cho chúng ta khác với thế gian: đó là lý do tại sao “thế gian không nhận biết chúng ta”. Những lời nầy xem ra vang dội lời của Đức Giê-su nói với các môn đệ Ngài, được tường thuật chính xác trong Tin Mừng Gioan: “Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15, 19).
Toàn bộ thư nầy được xây dựng theo phép đối ngẫu. Cuộc sống Kitô hữu đối lập với cuộc sống của những người không tin hay những người theo lạc thuyết. Ở đây, phản đề bao phủ một phạm vi rộng lớn: thế gian, theo nghĩa tiêu cực, là thế giới tội lỗi “đã không nhận biết Thiên Chúa”.
2.Việc biến đổi trong tương lai:
Đoạn trích thư nầy có thể được đặt nhan đề: “từ phép rửa tội đến việc biến đổi”. Đây không là những chữ nhưng là sự chuyển động của tư tưởng.
Chúng ta được biến đổi rồi bởi sự sống làm con Thiên Chúa của chúng ta, nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu tiên. Việc chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa chỉ được thành toàn khi mà chúng ta nên giống như Con Một của Ngài. Điều này sẽ xảy ra vào thời cánh chung. Bản văn như muốn nói rằng chiêm ngắm Người Con trong vinh quang sẽ biến đổi chúng ta. Đó không là ý tưởng vì việc chúng ta được thay hình đổi dạng được ươm mầm rồi ở nơi phẩm chất con cái Thiên Chúa của chúng ta.
Lời khẳng định của vị tông đồ là một lời khẳng định của đức tin, nhưng cũng dựa trên kinh nghiệm: thánh Gioan đã là chứng nhân của cuộc Biến Hình, xem ra được ám chỉ trong Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).
Chúng ta cũng gặp thấy sự thay hình đổi dạng trong tương lai nầy trong thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê: “Còn chúng ta, quê hương của chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Kitô từ trời xuống cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3, 20-21).
Trong ánh sáng vinh quang của ngày lễ Chư Thánh, bản văn này gợi lên sự biến đổi hình dạng tương lai của chúng ta: “Chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Niềm hy vọng này làm cho chúng ta tinh tuyền vì nó thúc đẩy chúng ta mỗi ngày mỗi nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô hơn nữa.
TIN MỪNG (Mt 5, 1-12).
Tin Mừng hôm nay được trích từ bài diễn từ đầu tiên trong loạt năm bài diễn từ hình thành nên cấu trúc của Tin Mừng Mát-thêu. Bài diễn từ đầu tiên nầy bao gồm các chương 5 đến 7 và được gọi là “Bài Giảng Trên Núi”, vì ngay từ đầu, diễn từ nầy được định vị trong bối cảnh: “trên núi” (5, 1-2).
Phần thứ nhất của bài diễn từ trên núi (5, 3-16) được bắt đầu với các Mối Phúc (5, 3-12) và được trình bày như sự thành tựu của Lề Luật. Các mối phúc nầy được kèm theo hai lời khuyến dụ mời gọi các tín hữu hãy trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (5, 13-16). Tin Mừng của Chúa nhật nầy chỉ trích dẫn các mối phúc (5, 3-12).
I-DẪN NHẬP
1.Chiều kích hoàn vũ (5, 1-2)
Trong khi Lu-ca đặt bối cảnh của bài diễn từ các mối phúc thật “trên đồng bằng” (Lc 6, 17), Mát-thêu đặt bối cảnh “trên núi” (5, 1-2). Núi là nơi thuận lợi cho những mặc khải thần linh. Chính trên núi, núi Si-nai, mà Thiên Chúa ban Lề Luật cho dân qua Mô-sê (x. Xh 24, 1-2.9). Chính cũng trên núi, núi Ga-li-lê, mà Chúa Giê-su ban “các Mối Phúc” trực tiếp bằng uy quyền của chính Ngài. Nhưng đó không là Lề luật, càng không phải là những huấn lệnh: Ngài đưa ra những cách sống mở lối vào Nước Trời, vì chúng cho phép họ cư xử như con cái đích thật của Thiên Chúa.
Thính giả của Đức Giê-su bao gồm “đám đông” (5, 1), họ sẽ tái xuất hiện ở cuối bài diễn từ (Mt 7, 28) để tạo thành thể đóng khung cho toàn bộ bài diễn từ; và “các môn đệ của Ngài,” thành ngữ mà Mát-thêu dùng ở đây lần đầu tiên trong Tin Mừng của mình. Vì thế, sứ điệp được gởi đến cho tất cả mọi người, đặc biệt hơn cho các môn đệ: “Thấy dân chúng từ khắp nơi kéo về đông đảo, Đức Giê-su lên một ngọn núi. Khi Người ngối xuống, thì các môn đệ đến gần bên. Người lên tiếng dạy họ”.
Quả thật, con đường thì hẹp; tuy nhiên nó mở rộng cho tất cả mọi người, cho đám đông thân cận và cho đám đông mênh mông, vô danh, tản mác trong thời gian và không gian, đám đông của những ai, dù không biết Ngài, thuộc về Nước Trời, nếu đức hạnh của họ phù hợp với sứ điệp nầy, phù hợp với khoản Giao Ước mới của Thiên Chúa với nhân loại. Trong những mối Phúc, Đức Giê-su đã mở rộng “Kitô giáo.”
2.“Phúc thay ai…” :
Diễn từ trên núi bắt đầu với việc công bố các mối phúc. Thánh Mát-thêu định vị bài diễn từ nầy vào giai đoạn Chúa Giê-su khai mạc sứ vụ của Ngài ở Ga-li-lê, như một “loại diễn từ hoạch định một chương trình hành động” còn được gọi là “Hiến Chương Nước Trời.”
Những “ lời chúc phúc” thuộc về thể loại văn chương Cựu Ước và khá thịnh hành trong văn chương Do thái gần thời Chúa Giê-su. Ví dụ như Trong sách le Secret d’Hénoch (thế kỷ thứ hai A. D.) xin đan cử một trích dẫn trong sách le Secret d’Henoch (thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên:
“Phúc thay người mở môi miệng để ca tụng Thiên Chúa…
Khốn thay người mở môi miệng để vu khống và khinh bỉ người thân cận của mình.”
“Phúc thay cho ai trồng hòa bình và tình yêu.
Khốn thay ai gây phiền hà cho những ai yêu mến người lân cận của họ…”.
Chung chung, đối lập với những lời chúc phúc là những lời chúc dữ, theo sự cân đối rất sê-mít như nguồn gợi hứng cho cách trình bày song đối nghịch: “Phúc thay” và “Khốn thay” của thánh Lu-ca (Lc 6, 20-23).
Vì thế, Hiến chương về sự thánh thiện nầy không hoàn toàn mới mẻ; nó đã được chuẩn bị lâu dài bởi giáo huấn của các ngôn sứ và các bậc hiền nhân của Cựu Ước. Những người nghèo, khiêm hạ, công chính, những người có tấm lòng thanh sạch, … được thánh vịnh gia tán dương. Đức Giê-su minh nhiên quy chiếu đến những bản văn Cựu Ước nầy.
Nhưng những đức hạnh hoàn thiện được phác họa ở đây xem ra có thể được thực hiện chỉ trong thời đại thiên sai. Chính xác, Đức Giê-su kiện toàn chúng ở nơi con người của Ngài. Khi công bố những mối phúc nầy, Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta rằng hạnh phúc đích thật ở trong tầm tay của chúng ta: ở nơi Ngài, bởi vì Ngài là Thiên Chúa, cội nguồn của tất cả những gì có thể làm cho chúng ta mãn nguyện.
II-CÁC MỐI PHÚC (5, 3-12)
1-“Phúc thay ai có tấm lòng nghèo khó…” (5, 3):
Thánh Lu-ca nói một cách giản dị: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khổ.” (Lc 6, 20). Thánh Mát-thêu mở rộng những viễn cảnh cho tất cả những ai có tấm lòng nghèo khó, theo đúng chiều hướng nội tâm hóa luật luân lý mà Đức Kitô muốn. Sự nghèo khó không được ca ngợi ở nơi chính nó, bởi vì sự nghèo khổ có thể do sự biếng nhác, ăn không ngồi rồi, nhưng ở nơi sự giải thoát khỏi mọi gắn bó với của cải trần thế và mở lòng ra trước sự giàu có tinh thần.
Cuối cùng, khía cạnh thiên sai của mối phúc nầy thật hiển nhiên: Đức Giê-su sinh ra trong cảnh nghèo hèn và chết trong sự trần trụi để là quà tặng của Thiên Chúa được trao ban trọn vẹn cho con người. Đối với những ai lắng nghe Ngài và từ bỏ mọi sự mà theo Ngài, Ngài sẽ sai họ ra đi trên mọi nẽo đường thế giới, không tiền bạc không bao bị, hoàn toàn trơ trụi, nhưng giàu có tận mức sứ điệp tinh thần cần được công bố.
2-“Phúc thay ai hiền lành…” (5, 4):
Mối phúc nầy được gợi hứng từ Thánh vịnh 37, Thánh vịnh gợi ra số phận khác nhau của những người công chính và quân gian ác: “Ít lâu nữa ác nhân sẽ chẳng còn, đến chỗ xưa cũng không tìm thấy hắn. Còn kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp và vui hưởng cảnh an lạc chan hòa” (Tv 37, 10-11).
“Đất Hứa” là đất Ca-na-an. Chủ đề nầy vang vọng lên đến lời Thiên Chúa hứa với tổ phụ Áp-ra-ham (St 15: 7; 28: 4), được phát triển phong phú trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 1, 8, 39; 4, 1.5.14…), nhưng mang lấy sắc thái cánh chung trong sách I-sai-a (Is 57, 13; 60, 21; 65, 9), và sẽ vang dội trong sách Khải Huyền ở đó cốt là thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời (Kh 21, 2). Trong Tin Mừng Mát-thêu, “Đất Hứa” không còn là đất Ca-na-an nữa, nhưng mang một ý nghĩa biểu tượng và thiên sai như trong các mối phúc khác. Chủ đề “thừa hưởng” thường trở lại trong Tân Ước: chung chung, người ta thích “thừa hưởng Nước Trời” (Mt 25, 34; 1Cr 6, 9-10…) “thừa hưởng cuộc sống đời đời” (Mt 19, 29; Mc 10, 27; Lc 10, 25…) hơn cách nói: “thừa hưởng đất làm gia nghiệp.”
Đức tính hiền lành được gợi lên là một sự hiền lành không nhu nhược: đó cũng là sự hiền lành của Đức Kitô, mà thánh Mát-thêu nhấn mạnh nhiều lần: “Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Và trong chương 12 của mình, Mát-thêu nhắc lại cung cách hiền lành của “Người Tôi Tớ”, dung mạo được hiện thực nơi Đức Giê-su.
3-“Phúc thay ai sầu khổ…” (5, 5):
Trong Tin Mừng Mát-thêu, mạch văn chung của các mối phúc có khuynh hướng thấy trong sự sầu khổ sắc thái tinh thần. Xem ra thật khó xác định đối tượng của nỗi sầu muộn khóc than nầy.
Đây là mối phúc mâu thuẫn nhất trong các mối phúc, nhưng có thể cũng mang chiều kích thiên sai nhất. Trải qua tất cả những thử thách của mình, Ít-ra-en đã luôn luôn trông chờ được Thiên Chúa ủi an. Trong truyền thống Do thái, Đấng Thiên Sai phải đến được gọi là “niềm an ủi của Ít-ra-en”, trong Tin Mừng, cụ già Si-mê-on cũng mong chờ “niềm an ủi của Ít-ra-en.”
Không thể chối cải, Đức Giê-su là Đấng an ủi những người nghèo khó, đau khổ, bệnh hoạn: Ngài chữa lành, nâng dậy, phục sinh họ: “Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28). Cuối cùng, Ngài dâng hiến cho những ai sầu khổ một niềm ủi an tuyệt mức khi chính Ngài dự phần vào những cơn hấp hối khủng khiếp của cái chết.
Ngài không đề nghị hủy bỏ sự đau khổ, nhưng rút ra từ đó một giá trị vượt qua nó, nâng cao nó và có thể biến nó thành nguồn mạch của niềm vui. Niềm vui hiện tại – khó đạt được – được bổ túc bởi viễn cảnh của niềm an ủi tương lai, trong Nước Trời: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21, 3).
Tuy nhiên, không nên ngộ nhận viễn cảnh của Mát-thêu: tác giả Tin Mừng nầy rất quan tâm đến chiều kích tinh thần của các Mối Phúc. Thánh ký chắc chắn chủ yếu nhắm đến nỗi sầu muộn của các tín hữu đối diện với thực tại trong đó sự ác chiến thắng trên những ý định của Thiên Chúa. Trên hết, Đức Giê-su hoàn lại niềm hy vọng cho những người công chính và đảm bảo cho họ sự chiến thắng tối hậu trên sự ác và sự chết.
4-“Phúc thay ai khát khao nên người công chính…” (5, 6):
Thánh Lu-ca viết: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no thỏa.” (Lc 6, 21), nghĩa là, sẽ xảy ra một sự đảo lộn của những hoàn cảnh trong Vương Quốc Thiên Chúa. Thánh Mát-thêu, như trước đây, tinh thần hóa mối phúc nầy: “Phúc cho ai đói khát sự công chính.”
Chữ “công chính” mà Đức Giê-su công bố, chất nặng lịch sử Kinh Thánh nên không thể được hiểu trọn vẹn theo nét nghĩa thông thường hiện nay của sự công bình trần thế. Chắc chắn sự công bình trần thế hàm chứa ở đây, nhưng rất gián tiếp. Người công chính trong Cựu Ước và trong Tin Mừng (cụ già Si-mê-on, thánh Giu-se, vân vân) là một con người mà cách hành xử của họ luôn luôn phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa; đó là một con người đạo hạnh nhắm đến một lý tưởng hoàn thiện. Đức “công chính” chính là lý tưởng nầy. Vì thế, chữ “thánh thiện” là từ thích hợp nhất. Đức Giê-su định vị sự công chính nầy như sự tiếp nối và vượt qua sự công chính của Lề Luật: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng vào Nước Trời.” (Mt 5, 20).
Bởi vì sự thánh thiện của những “người công chính” đích thật nầy, theo hình ảnh của sự công chính của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu việt, nó vốn nội tại trong cõi thâm sâu của đời sống. Những ai hết lòng hết dạ khao khát nhân đức nầy, sẽ được mãn nguyện– trên bình diện tinh thần.
5-“Phúc thay ai xót thương người…” (5, 7):
Trong Cựu Ước, lòng xót thương thường được liên kết với sự công chính (theo nghĩa pháp lý). Quả thật, lòng xót thương là nhân đức cho phép tình yêu và sự công chính gặp gỡ nhau; nó là một khía cạnh của tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa đặc biệt đối với tội nhân. Ít-ra-en đã thụ hưởng tấm lòng nhân hậu nầy nhiều lần trong suốt lịch sử của mình và đã ca ngợi Đức Chúa là “Thiên Chúa giàu lòng xót thương” (x. Gioan-Phaolô II, Dives in misericordia, tr. 18-25).
Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su khai triển mối phúc nầy: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ…Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6, 36-38).
6-“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…” (5, 8):
Cách diễn tả: “tấm lòng thanh sạch” là thành ngữ Kinh Thánh: sự thanh sạch luân lý đối lập với sự thanh sạch nghi thức, hoàn toàn bên ngoài, không thể mang lại sự thanh sạch bên trong.
Các Thánh vịnh ca ngợi “kẻ tay sạch lòng thanh” (Tv 24); “Thiên Chúa nhân hậu biết là dường nào …với những kẻ có lòng trong sạch!” (Tv 73). Trong lời cầu nguyện của mình, tín hữu kêu cầu Thiên Chúa cứu giúp “tạo cho con một tấm lòng trong trắng.” (Tv 51)
“Tấm lòng” theo tiếng Híp-ri chỉ những chiều sâu thẳm của con người. Chúa Giê-su lấy lại cách diễn tả nầy vì nó nêu rõ nét đặc trưng của chiều kích nội tâm hóa luật luân lý. Sau nầy, Ngài quở trách những người Pha-ri-sêu chỉ “rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những gian ác” (Mt 9, 6; 23, 25)
7-“Phúc thay ai kiến tạo hòa bình…” (5, 9):
Mối phúc nầy mang một chiều kích rất thiên sai. “Vị vua công chính” tương lai đã được loan báo là “Hoàng Tử Bình An” (Is 9, 6.). Thật vậy, Hòa Bình và công lý xã hội được gắn bó mật thiết với nhau trong Cựu Ước. Mối phúc nầy đích thật cấu tạo nên một lời mời gọi gởi đến con người để mời gọi họ hãy làm cho công lý ngự trị giữa họ.
Theo truyền thống, ngôn sứ Ê-li-a phải tái xuất hiện để chuẩn bị việc Đấng Thiên Sai ngự đến qua sứ mạng hòa giải: “Nầy Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi…Nó sẽ đưa tấm lòng cha ông trở lại với con cháu, và đưa tấm lòng con cháu trở lại với cha ông.” (Ml 3, 23-24).
Ngay trước thời Đức Kitô, các kinh sư đã đề ra những cử chỉ hòa bình trong gia đình, giữa bà con láng giềng…Đức Giê-su đòi hỏi phải hòa giải ngay cả trước khi dâng hy lễ lên Thiên Chúa: “Vậy nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5, 24).
Chúa Giê-su đã để lại cho các tông đồ của Ngài “Bình An của Ngài”, vả lại, bình an nầy được định vị trong dòng chảy nối tiếp của tình yêu. Theo bước chân của Ngài, những người thợ kiến tạo hòa bình sẽ được gọi “con Thiên Chúa” như Ngài.
8-“Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính…” (5, 10):
Mối phúc thứ nhất và thứ tám loan báo cho chúng ta rằng Nước Trời hiện diện rồi: “Vì Nước Trời là của họ” (5, 3 và 10), trong khi sáu mối phúc khác, nằm ở giữa thể loại đóng khung nầy, vẫn còn là lời hứa, trong tương lai: “Vì họ sẽ được…” Sự căng thẳng giữa hiện thực và lời hứa, giữa hiện tại và tương lai nầy xuất hiện ngay từ đầu, ở lòng sự thành tựu, bày tỏ tính chất vừa tuyệt đối vừa lịch sử của Vương Quốc nầy đang được trương rộng ra trên trần thế ở nơi con người của Đức Giê-su. Sự căng thẳng nầy bày tỏ điều mà chúng ta gọi tính chất “cánh chung” của Nước Trời.
9-“Phúc thay anh em khi vì Thầy…” (5, 11-12)
Ở câu 11, bài diễn từ đột nhiên chuyển qua ngôi thứ hai số nhiều: “anh em”. Trong Tin Mừng Mát-thêu, mối phúc thứ tám và thứ chín đều ca ngợi những người bị bách hại. Trong khi mối phúc thứ tám mang chiều kích hoàn vũ, được gởi đến với toàn thể nhân loại: “Phúc thay ai bị bách hại…”, mối phúc thứ chín được ngỏ lời trực tiếp với các môn đệ: “Phúc thay anh em bị bách hại…” Mối phúc thứ chín đóng vai trò hiện tại hóa và cụ thể hóa của mối phúc thứ tám vào trong hoàn cảnh của các môn đệ của Đức Giê-su như một sự chuyển tiếp từ lý tưởng được đề nghị: “vì chính đạo” đến thực tại cụ thể được cảm thấy và được sống: “vì Thầy.” Ở vào giây phút các môn đệ bị bách hại và bị giết chết, nếu họ chấp nhận đặt mối liên hệ trực tiếp với Đấng công bố những mối phúc nầy, họ có thể khám phá rằng mối phúc được thành tựu ở nơi họ.
Vào giây phút mà người môn đệ cảm thấy niềm vui được liên kết mật thiết với cuộc tử nạn của Đức Kitô, người ấy nhận thức rằng Nước Trời thực sự đã đến. Cũng thế, phần thưởng lớn lao dành cho họ là ở trên trời (5, 12), phần thưởng nầy, nói một cách chính xác, không bất cứ cái gì khác ngoài hiện thực hóa sự thành tựu mà Đức Giê-su mang đến, Đấng đưa họ vào “trong Nước Trời,” nghĩa là, trong thực tại của Cha ở trên trời. Ai khám phá, ở nơi những đau khổ mà mình phải chịu vì Thầy mình, hạnh phúc của người đó là người con chí ái, người ấy bắt đầu bày tỏ cho những người khác sự hiện diện tại thế nầy của Cha, Đấng ở trên trời.
Như vậy mối phúc thứ chín thăng hoa những mối phúc khác. Các nhà thần học nhấn mạnh tính chất Kitô học của mối phúc thứ chín nầy: ai dám hứa phần thưởng Nước Trời cho những người phải chịu đau khổ “vì mình,” nếu không là Đấng có thể sánh ngang bằng với Cha?
Chúa Giê-su đã nhiều lần báo trước cho các môn đệ mình về những bách hại mà họ sẽ phải chịu. Vào lúc thánh Mát-thêu soạn thảo Tin Mừng của mình, những lời báo trước nầy đã trở thành những thực tại khắc nghiệt. Giáo Hội Pa-lét-tin chịu những cuộc công kích liên tục của những người Do thái nhiệt thành với Luật cũ, họ xem những người cải đạo Kitô như những kẻ bội giáo. Rồi, thánh Tê-pha-nô bị một đám đông giận dữ ném đá, thánh Gia-cô-bê, anh của thánh Gioan Tin Mừng, bị xử trảm vào năm 44.
Thánh Phao-lô, thánh Ba-na-ba và những người đồng hành của họ bị đuổi bắt, đánh đập, giam tù…Tiếp đó là những cuộc bách hại của chính quyền dân sự Rô-ma. Nhưng sách Công Vụ nói với chúng ta rằng các tông đồ, dù bị bách hại như thế, “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Kitô.” (Cv 5, 41).