SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
Người xưa từng nói: tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ. Tất cả bắt đầu từ chính việc hoàn thiện bản thân mình. Hôm nay, cùng với Hội Thánh vũ hoàn chúng ta long trọng cử hành lễ Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ, Vua muôn vua, Chúa các chúa. Phụng vụ Hội Thánh đặt lễ này như đỉnh cao của năm phụng vụ, vì tuần tới, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới với Chúa Nhật thứ I mùa vọng. Nhìn như thế, toàn bộ năm phụng vụ được thấy như hành trình làm vua của Chúa Giê-su - từ lúc Nhập Thể đến cái chết trên thập tự giá rồi được Chúa Cha tôn vinh, đặt làm Đức Chúa muôn loài trên trời dưới đất. Trong ý hướng này, tôi muốn cùng với anh chị em, dưới ánh sáng lời Chúa, chiêm ngắm hành trình làm vua của Chúa Giê-su, để mỗi chúng ta, theo gương Người trong hành trình làm vua của mình. Chúa Giê-su làm vua vũ trụ bằng con đường làm vua chính bản thân của mình.
- Làm vua chính mình là chấp nhận hủy mình ra không để lãnh nhận mọi sứ từ Chúa Cha
Tác giả sách Đanien, trong một thị kiến về Con Người và vương quyền của Ngài đã được cho biết: đó là một vương quyền phổ quát “bao gồm mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ”; vững bền qua muôn thế hệ “Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người chẳng bao giờ suy vong.” Tuy nhiên, dù có nguồn gốc từ Trời, Con Người lại khiêm tốn đến lãnh nhận “quyền thống trị, vinh quang và vương vị từ Đấng Lão Thành.” Trong các Tin Mừng, Chúa Giê-su dùng nhiều tước hiệu đến nói về mình.Tuy nhiên tước hiệu thường được Chúa dùng để nói về mình, nhất là những tuyên bố liên quan đến cuộc khổ nạn và phục sinh của mình, chính là Con Người. Dĩ nhiên, tước hiệu này kết hợp với hình ảnh người Tôi Trung Gia-vê trong sách ngôn sứ Isaia.
Thánh Phaolo trong một suy niệm về hành trình Chúa Giê-su được Cha tôn vinh đã viết những lời tuyệt vời cho những tín hữu thành Philipphê “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hành với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi moài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa.” (Philiphê 2, 6 -11).
Trong tư cách là Thiên Chúa, Ngôi Hai ngang bằng với Chúa Cha trong mọi sự: vinh quang, danh dự và uy quyền. Tự thân, trong vai trò Đấng Tạo Hóa cùng với Cha và Thánh Thần, Người là Vua muôn loài muôn vật. Tuy nhiên, theo ý muốn của Chúa Cha từ muôn đời, Ngôi Lời đã tự nguyện trút bỏ tất cả đến độ hủy mình ra không để mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: Vì muốn chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiên và nên nghĩa tử của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã sai Con Mình đến trần gian, không phải để lên án thê gian nhưng để thế gian nhờ tin nhận Con của Người mà được sống. Tình yêu ấy là thế này, không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Người yêu thương chúng ta trước và sai Con của Người đền thay vì tội lỗi chúng ta. Thánh Gioan sau bao nhiêu năm suy niệm về những trải nghiệm của mình với Chúa Giê-su đã long trọng công bố “Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi thí ban Con Một Mình.” Thư Do Thái nhìn mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời như là tiếng “xin vâng” của Chúa Con với Chúa Cha: “Lạy Cha, này Con xin đến để thi hành thánh ý Cha.” Chính Chúa Giê-su luôn khẳng định: Người đến không làm theo ý mình mà theo ý Chúa Cha. Ý Cha trở nên lương thưc, sự sống và sức mạnh cho Người trong suôt cuộc sống dương gian, nhất là trong khi thi hành sứ vụ cứu thế. Trong một lời, Chúa Giê-su không ngừng trút bỏ chính mình để trở nên “ra không, trông rỗng,” hầu có thể đón nhận mọi sự từ Chúa Cha, ngay cả cái chết trên thập tự và cuộc phục sinh vinh hiển của Người. Phục sinh là hành vi đón nhận Thần Khí của Cha của Chúa Giê-su để từ đó, Người sống trong, với và như Thần Khí. Chúa Giê-su đón nhận từ Cha không phải cho mình, nhưng để mang đến cho nhân loại tình yêu, sự sống và niềm vui ơn cứu độ. Cho và nhận từ Thiên Chúa là hai nhịp của một hành vi hiến dâng và tự hủy trong hành trình làm vua của Chúa Giê-su
- Làm vua chính mình là chấp nhận hủy mình ra không để tha nhân được sống và sống dồi dào
Ngay từ đầu Tin Mừng, khi Nathanael nói về Chúa “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel!” Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Vì Tôi đã nói với anh là Tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa…Thật Tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời mở ra và thiên thần Chúa lên xuống tên Con Người.” Con Người trở thành chiếc thang Gia-cop, để Thiên Chúa và con người đi lại, gặp gỡ, nhờ đó con người được sống và sống dồi dào. Khi Tô-ma, thay cho các môn đệ, bày tỏ sự lo lắng xuyến xao trước lời tiên báo ra đi về với Chúa Cha: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường đi?” Ông sợ rằng, khi Chúa đi rồi chẳng còn ai sống và hương dẫn họ. Họ sẽ bơ vơ như những đứa con côi cút. CGS tuyên bố “Thầy là Đường, Là sự thật và là sự sống. Không ai có thê đến được với Cha mà không qua Thầy” Chúa chấp nhận mình là Con Đường để Cha đến với nhân loại và qua Người, nhân loại đến cùng Cha. Tuyên bố mình là Con Đường vì thế, như là tuyên bố “hủy mình” ra không để đưa Thiên Chúa và con người gặp nhau. Người ví mình như hạt giống được Cha gieo vào lòng đất, chết đi, thối đi để sinh hoa trái ơn cứu độ cho đời; Người ví mình là Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình để chiên được sống và sống dồi dào. Thầy Piere trong một suy niệm, đã nhìn thấy trong chân dung người con hoang đàng trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” của Tin Mừng Luca, chính là dung mạo của Chúa Ki-tô: vì yêu Cha và yêu trần gian, một ngày kia, Người đã bỏ lại Cha mình để đến với trần gian tội lụy. Ở đó, Người đã phung phí mọi sự cho tình yêu nhân loại;đã làm bạn với quân tội lỗi, phường thu thuế, thậm chí gái điếm. Cuối cùng Người đã chết cô đơn như một tên tử tội trong tiếng gièm pha chê cười của bao người. Người đã trở về với Cha trong tấm thần rách nát, đầm đìa máu. Tuy nhiên, Người không trở về một mình như một kẻ bại trận, mà của một người chiến thăng. Người dẫn theo mình một đàn em đông đúc, nhưng người đã lưu lạc xa Cha vì tội. Cha đón anh trong niềm vui hạnh phúc và mở hội ăn mừng. Một nhà thần học người Pháp đã viết thật hay “trong đức Giê-su Ki-tô thành Nagiaret, Thiên Chúa đã chọn chỗ chót nhất để không ai có thể xuống thấp hơn Người được nữa.” Vâng, với cái chết và sự chôn táng trong mồ, Người đã chọn chỗ thấp nhất của kiếp người, để từ đó, chúng ta có ngã cũng vẫn ở trên lưng Người. Người sẽ nâng chúng ta lên và dẫn chúng ta về với Cha nếu chúng ta tin theo Người.
Tự hạ trước một người ngang hàng mình đã khó, càng khó hơn trước một người dưới mình. Tuy nhiên, tự hạ trước những đối thủ của mình đòi hỏi một sự kiểm soát chính mình rất cao – Chúa Giê-su đã làm điều khó khăn này nơi thập giá.
- Là vua chính mình là kiểm soát chính mình, nhất là trước mọi nghịch cảnh
Tin Mừng ghi lại, khi chứng kiến Chúa bị treo trên thập giá, nhiều người qua lại buông lời chế giễu. Những tên lính và thậm chí một trong hai người cùng chịu đóng đinh với Chúa cũng buông lời chế giễu thách thức “nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy …” Những lời này cũng đã được ma quỷ đưa ra trong cơn cám dỗ Chúa nơi hoang địa. Những lời tưởng đơn giản, nhưng thực sự đây là cơn cám dỗ đánh vào cái tôi còn lại của chính Chúa Giê-su. Lời cám dỗ mang hình thức một câu điều kiện “nếu ông là Con Thiên Chúa” thì “hãy xuống khỏi thập giá,…cứu mình và cứu chúng tôi.” Và do đó, nếu ông không xuống khỏi thập giá, không tự cứu mình…ông không phải là Con Thiên Chúa. Chúa Giê-su biết mình là Con Thiên Chúa, là Đấng được Cha sai đến. Tuy nhiên, nếu Chúa khẳng định mình, Chúa phải làm theo lời thách thức của ma quỷ và những ai thuộc về chúng. Làm theo ma quỷ, Chúa cứu được mình, được hai người tử tội và có thể một số người chung quanh sẽ tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Khi làm theo ma quỷ để cứu mình và một vài người khác, Chúa đã tự lấy lại những gì đã buông bỏ. Kế hoạch cứu độ của Cha và tuyên bố của Chúa trong tư cách là mục tử nhân lành: “hy sinh mạng sống để chiên được sống và sống dồi dào” sẽ phá sản.
Chiến thăng cơn cám dỗ này, cho thấy Chúa Giê-su kiểm soát cái tôi, kiểm soát toàn bộ hoàn cảnh cách thật tuyệt vời. Người vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra cái bẫy và cơn cám dỗ của ma quỷ và những ai theo chúng. Người đã chọn ý Cha bằng việc hủy bỏ cái tôi còn lại khi thinh lặng trước những lời sỉ nhục.
Thánh Gioan trong trình thuật về phiên xử Chúa Giê-su trước tòa án Philato cho thấy: không phải Philato là trung tâm mà chính Chúa Giê-su. Trong khi Philato đi ra với dân rồi trở vào với Chúa như con thoi, Chúa Giê-su ngồi như một vị quan tòa. Cũng thế, Philato khởi đầu như một người thẩm vấn, nhưng trong phiên xử, ông trở thành người trả lời những chất vấn của Chúa Giê-su. Ông đánh mất kiểm soát chính mình trong tư cách của một người quyền lực; còn Chúa Giê-su trở thành người dẫn Philato vào việc khám phá vương quyền cũng như vương quốc mà Người đề cập. Trình thuật phiên xử án kết thúc với câu hỏi của Philato:“Vậy ông là vua sao?” dường như không còn là giọng của kẻ thẩm vấn nữa. Câu trả lời của Chúa Giê-su cũng đặc biệt: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về về sự thật thì nghe tiếng Tôi.” Không phải Tôi mà chính ông nói. Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, đặc biệt thánh Marco trình thuật cái chết của Chúa Giê-su như một chiến thắng khi người trộm lành và viên sĩ quan ngoại giáo nhận ra mầu nhiệm về Chúa Giê-su: là vua của một vương quốc sau cái chết và là Con Thiên Chúa – một vị vua đích thực vì bản thân, vương quyền đến từ Thiên Chúa chứ không phải phàm nhân. Còn thánh Gioan trình bày cái chết của Chúa như một sự hoàn tất kế hoạch Cha trao phó cho Người – đó là bài ca chiến thắng, bài ca Con tôn vinh Cha, và dĩ nhiên, Cha tôn vinh Con là Vua, Thủ lãnh mọi vương đế trần gian, Vua các vua, Chúa các Chúa, Đấng xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ! Chúng con tạ ơn Chúa vì nhờ việc “Chúa yêu chúng con và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng con” mà “chúng con được trở thành vương quốc và hàng tư tế của Chúa.” Nhờ hồng ân Thánh Tẩy, chúng con được tắm mình trong cuộc sống, cái chết tự hủy của Chúa để được sống lại với Chúa. Chúng con được tham dư vào sứ mang tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa. Xin giúp chúng con biết sống tư cách vương đế theo gương Chúa bằng con đường hủy mình, làm vua chính mình vì vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc của con người. “Người phải lớn lên, còn tôi nhỏ dân mất đi.” Xin giúp chúng con sống tâm tình khiêm hạ của thánh Gioan Tiền Hô, không phải chỉ với những người ở trên mình, ngang hàng với mình, thậm chí thấp bé hơn mình, mà khi Chúa muốn, chúng con cũng dám hủy mình trước những đối thủ, không phải vì sợ hãi, nhưng với mong ước để họ tìm nhận ra sự thật tinh ròng là chính Chúa và bước đi theo Người. Xin cho chúng con biết kiểm soát bản thân của chúng con để nhờ đó, chúng con không phí công tốn sức vô ích vào những chuyện chóng qua, nhưng tập trung xác thân – tâm – trí của mình vào chính Chúa và những gì thuộc về Chúa. Amen
Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi