Thứ Bảy đầu tháng, tuần 31 thường niên.
"Nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối,
thì ai sẽ giao của chân thật cho các con".
Lời Chúa: Lc 16, 9-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.
Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn.
Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con. "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ.
Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".
Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: "Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa".
Suy niệm 1: Làm tôi tiền của
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Khi muốn nói đến sức mạnh của đồng tiền
người ta thường nói: đồng tiền là tiên là phật…
Đức Giêsu còn nói mạnh hơn nữa:
đồng tiền còn có thể là chúa của con người, bắt con người làm tôi.
Ngay cả các Kitô hữu, những người đã thuộc về Thiên Chúa,
và chỉ muốn phụng sự một mình Ngài,
cũng bị cám dỗ để đi hàng hai, bắt cá hai tay.
Họ nghĩ mình có thể làm tôi đồng thời cả Thiên Chúa lẫn Tiền Của,
nhờ đó được cả đời sau lẫn đời này.
Đức Giêsu cho thấy điều đó chỉ là một ảo tưởng (c. 13).
Phải chọn một trong hai, vì không thể yêu và gắn bó với cả hai.
Tôi muốn phục vụ ai bây giờ? Thiên Chúa hay Tiền Của?
Lúc đầu hẳn nhiên tôi muốn Tiền Của phục vụ tôi.
Nhưng sau đó Tiền Của trở thành một vị chúa bắt tôi làm nô lệ.
Mamôn (Tiền Của) trong tiếng Do thái cổ
có thể có nghĩa là điều mà ta cậy dựa.
Khi Tiền Của trở thành chỗ dựa vững chắc và bảo đảm cho tôi,
nó sẽ chiếm lấy chỗ của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta thực sự yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa,
thế nào chúng ta cũng phải ghét bỏ và khinh dể Tiền Của (c. 13),
nghĩa là dứt khoát đặt nó dưới Thiên Chúa.
Thánh Phanxicô Assisi đã trả lại bộ quần áo đang mặc cho người cha.
Thánh Inhaxiô Loyola đã đổi bộ đồ quý phái cho một người ăn xin.
Bước đường theo Chúa của các bậc thánh nhân
thường bắt đầu bằng hành vi từ bỏ mọi vướng víu vật chất.
Người thanh niên giàu có cũng được mời bán tất cả để cho kẻ nghèo.
Thắng được cám dỗ của vật chất và tiền bạc, là một thách đố lớn
cho mọi cá nhân và tập thể, đạo cũng như đời.
Chúng ta vẫn có nguy cơ thờ lạy Mamôn, ngẫu tượng của mọi thời đại.
Làm sao để tiền của trở nên đầy tớ của chúng ta,
để ta có thể sử dụng nó như đường vào Nước Trời?
Bill Gates, người giàu nhất thế giới vào năm 2009 với tài sản 40 tỷ đô.
Ông đã nghỉ điều hành công ty Microsoft từ năm ngoái,
để cùng vợ dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng quỹ từ thiện.
Quỹ hàng chục tỷ đô này đã giúp người nghèo, bệnh nhân ở khắp nơi,
và Bill Gates biết cách làm cho quỹ này lớn thêm mãi.
Dù không phải là một Kitô hữu đi lễ mỗi sáng Chúa Nhật,
nhưng ông cho ta hình ảnh của một người không quá bám vào của cải.
Kitô hữu không hẳn phải là người khố rách áo ôm,
nhưng chắc chắn phải là người siêu thoát với sức hấp dẫn của tiền bạc.
Trung tín trong việc rất nhỏ, và trong việc sử dụng của cải của tha nhân,
đó là điều Đức Giêsu nhắn nhủ ta khi sống trong nền kinh tế thị trường.
Làm sao để Thiên Chúa, chứ không phải Tiền Của, thực sự làm chủ đời ta?
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Suy niệm 2: Chúa là tất cả
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Sau cùng chỉ còn một cuộc chiến. Chỉ còn một đối thủ. Chỉ còn một lựa chọn. Thiên Chúa hay Tiền Tài. Với khẳng định này Chúa tóm tắt những gì cần phải nói về tiền bạc. Tiền bạc vốn chỉ là một phần trong đời sống. Chỉ là một tôi tớ. Một phương tiện phục vụ con người. Thường hay phản loạn. Cạnh tranh với Chúa. Chiếm vị thế của Chúa. Đó là điều rõ nét trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Tiền bạc chi phối tất cả sinh hoạt của con người. Tiền bạc thống trị thế giới. Tiền bạc lên tiếng mọi tiếng nói khác phải lặng im. Kể cả lương tâm. Kể cả đạo đức. Thật là đáng báo động,
Với khẳng định này Chúa cho biết Chúa là trên hết. Chúa là tất cả. Thực vậy có gì tôi có mà không phải do Chúa ban. Từ sự sống đến linh hồn. Từ thân xác đến trí khôn. Từ thời giờ đến sức khoẻ. Từ gia đình đến bạn hữu. Tất cả phải dâng lại cho Chúa. Tất cả là phương tiện Chúa ban giúp tôi đạt đến sự sống đời đời. Giúp tôi trở về với Chúa. “Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè. Phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”.
Thánh Phao-lô làm gương cho ta về điều này. Sau khi được biết Chúa, ngài đã dùng tất cả cuộc đời để phục vụ Chúa. Phục vụ Tin Mừng. Kể cả những mối quen biết của ngài. Cuối bức thư Rô-ma ta thấy ngài gửi lời chào thăm rất nhiều người. Nhưng không phải vì cá nhân ngài. Chỉ vì Nước Trời. Chỉ vì lợi ích thiêng liêng. Và cuối cùng qui về Chúa: “Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Amen” (năm lẻ).
Biết dùng mọi phương tiện trần gian. Đặc biệt tiền của. Để tôn vinh Thiên Chúa. Tạo hạnh phúc vĩnh cửu. Ngài còn khích lệ các tín hữu hãy biết dùng tiền của vì Chúa và vì lợi ích thiêng liêng. Khi nhận được trợ giúp của giáo đoàn Phi-líp-phê, ngài cám ơn họ. Không phải vì ngài cần vật chất. Nhưng vì họ đã biết sống đức tin. Và Chúa sẽ trả công bội hậu cho họ. Ngài viết: “Bởi vì ngay khi tôi còn ở Thê-xa-lô-ni-ca, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng. Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em.... Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận. Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su” (năm chẵn).
Tôi sử dụng tiền của hay để tiền của thống trị tôi?
Suy niệm 3: Sử dụng tốt tiền của
Tham nhũng là cám dỗ xưa như cõi lòng tội lỗi của con người. Người tham nhũng là người chỉ nghĩ đến mình, bất chấp thiệt hại có thể gây ra cho người khác. Xúc phạm đến con người, tham nhũng rốt cuộc cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa.
Chính vì tính cách trầm trọng của tham nhũng, nên Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: "Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của", bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.
Tham nhũng và lừa đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là một kết luận hiển nhiên. Thế nhưng "thà đốt lên một ngọn nến, hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối". Chúng ta hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo, ích kỷ ngay trong con người của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Nếu các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các con?". Nếu chúng ta chưa loại được tham lam, lừa đảo trong những sinh hoạt hằng ngày, liệu chúng ta có thể chống tham nhũng ở qui mô lớn hơn không?
Tham nhũng đối với mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới, cảm thông. Xét cho cùng, của cải là đển mọi người cùng hưởng dùng; nếu tham nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để dành riêng cho mình, thì bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ nào cũng là một hình thức tham nhũng. "Không ai có thể làm tôi hai chủ": của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất và đích thực là Thiên Chúa.
Trong khi mưu cầu cho cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời. Xin cho chúng ta biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối với tha nhân.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Giáo Huấn Của Chúa Giêsu
Có thể nói toàn chương thứ 16 Phúc Âm theo thánh Luca qui góp những lời dạy của Chúa Giêsu về việc sử dụng tốt những của cải cũng như về sự nô lệ cho tiền bạc. Ðoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây và muốn Suy niệm hôm nay tiếp liền và bổ túc cho những gì Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn về những khách được mời dự tiệc nhưng từ chối không đến, vì lòng họ còn quá bám víu vào những lợi lộc riêng tư.
Chúng ta cũng nên lưu ý nơi đây trước khi Suy niệm những lời Phúc Âm trên rằng Chúa Giêsu trình bày giáo huấn của Ngài cho tất cả mọi người, không phân biệt giầu nghèo. Việc sử dụng tốt tiền của hay việc lạm dụng sử dụng xấu tiền của không tùy thuộc vào số lượng ít nhiều, giầu nghèo nhưng tùy thuộc vào chính tâm hồn con người có thái độ như thế nào đối với tiền của. Nói cách khác, mọi người bất luận giàu hay nghèo đều có thể có thái độ sai lạc trước tiền của vật chất. Chúa Giêsu không lên án tiền của từ nơi chính nó nhưng Ngài cảnh tỉnh chúng ta về thái độ phải có trước tiền của.
Chúng ta hãy lưu ý đến câu nói của Chúa Giêsu: "Không ai có thể làm tôi cho hai chủ một lượt. Không thể nào phục vụ Chúa và làm tôi cho tiền của". Từ ngữ được dùng trong nguyên văn mà chúng ta dùng từ "làm tôi cho" hay "phục vụ" trong khung cảnh Kinh Thánh, có mang thêm một chút ý nghĩa của hành động phụng vụ tôn thờ. Như vậy, câu nói được hiểu như sau: "Không ai có thể tôn thờ hai chủ được. Các con không thể cúi mình thờ lạy Thiên Chúa và thờ lạy thần tiền tài một lượt được. Con người chúng ta chỉ tôn thờ, chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi. Ai tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em mình thật sự, thì không thể nào tôn thờ tiền của, đặt tiền của như là mục đích cuối cùng của đời mình". Nếu tiền của không phục vụ cho chúng ta để có được những người bạn mới trong nước Trời, hay nói cách khác, nếu chúng ta không đặt tiền của vào việc phục vụ cho anh chị em thì tiền của sẽ trở nên thần tượng không thể nào dung hòa được với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Ðấng đã nhập thể làm người, sống khó nghèo, đã làm cho chúng con được giàu có sự sống của Chúa.
Xin giúp chúng con sống trung thành với ơn gọi trong cuộc sống hàng ngày, để chúng con đừng rơi vào cám dỗ, thờ lạy tiền của mà bỏ quên Chúa và anh chị em. Xin cho chúng con biết sử dụng đúng tiền của, làm vinh danh Chúa và tạo ra phúc lợi cho anh chị em.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 5: Tích trữ tiền của thế nào?
Phần Thầy, Thầy bảo thật cho anh em biết: hãy dùng của cải bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn (Lc. 16, 9-10)
Lúc sáng tạo thế giới, Thiên Chúa đã thấy mọi thứ đều tốt để phục vụ con người, Đức Giêsu không kết án chống lại của cải bản chất, nhưng chỉ chống lại thói dùng của cải bất chính của con người. Người nói tiền của bất chính như một quyền lực nô lệ hóa con người, cám dỗ con người làm điều bất lương để kiếm hay tiêu xài tiền của và bắt con người phục dịch tiền của. Nhưng người ta có thể dùng tiền của để làm giàu trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô viết cho Ti-mô-thê đã khuyên những người giàu ở trần gian này như sau: “Họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân … Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy, họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1Tm. 6, 17a. 18. 19).
Thực hiện trung tín
Tiền của đời này phải phục tùng quyền quản lý của con người, yếu tố chính của người quản lý là trung tín. Tiền của đời này không phải là việc quan trọng mà Thiên Chúa trao phó cho con người. Đức Giêsu nói: “Đó là việc nhỏ. Nếu con người biết trung tín, tốt lành trong việc dùng tiền của, Thiên Chúa sẽ ủy thác cho họ quản lý việc lớn hơn là sự sống đời đời.
Để được quản lý việc quan trọng hơn
Sự sống đời đời là của chân thật, là sản vật ưu tiên hơn tất cả mọi vật. Chính khi quản lý tiền của bất chính, người ta tỏ ra trung tín vâng theo thánh ý Thiên Chúa, Ngài sẽ nói với họ: “Mọi sự của Cha là của con”. Nhưng Ngài chỉ có thể trao phó mọi sự của Ngài cho người quản lý nào đã được thử thách mà tỏ ra trung tín và công bằng.
Thực ra, tiền của chỉ là khách lạ đối với bản chất con người có tâm hồn cao thượng, có trí óc thông minh và thánh thiện.
Nếu con người chống cự lại sức cám dỗ của tiền của đã trao cho mình và không biến nó thành thần tượng, thì chứng tỏ mình có lòng trung thành với Thiên Chúa và chỉ tôn thờ một mình Ngài thôi.
Biệt phái mang tiếng tham lam tiền bạc vì họ coi nghèo khổ là sự chúc dữ. Họ tỏ vẻ ngạo mạn khinh bỉ Đức Giêsu, Đấng đã phá đổ sự an toàn dựa vào giàu có của họ, đồng thời Người tỏ cho thấy chỉ có lòng tin vững chắc được nên công chính trước mặt Thiên Chúa mới thực sự an toàn. Vinh quang trước mặt người đời là thứ gớm ghiếc trước mặt Thiên Chúa.
RC
Suy niệm 6: Không được làm tôi hai chủ
Xem lại CN 25 TN C
Tham nhũng trong xã hội hôm nay đang là cái tật khó cắt bỏ. Nó được ví như căn bệnh ung thư hay Sida của thời đại này! Tham nhũng cũng là đầu mối gây nên những điều bất chính khác. Có thể nói: tham nhũng như là nguyên nhân đệ nhất trong mọi nguyên nhân tiêu cực.
Tại sao lại xảy ra như vậy? Thưa điều đơn giản là con người ngày nay chỉ biết nghĩ đến mình mà không biết cảm thương người khác. Chúa của họ là cái bụng, là đồng tiền, vì thế, họ tìm mọi cách để vươn lên chức nọ việc kia, hầu có cơ hội kiếm trác...
Hôm nay, Đức Giêsu thấy được sự nguy hại của đồng tiền trong tiến trình theo Chúa của người môn đệ, vì thế, Ngài đã nói: "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".
Thật là nguy hiểm cho đời môn đệ! Nếu vì tiền, hẳn người môn đệ sẽ không chu toàn bổn phận trong lòng mến; sẽ thượng tôn điều bất chính và tận dụng mọi cơ hội để khai thác nguồn lợi cho mình...; sẽ bất nhân với anh chị em; ích kỷ, kiêu ngạo và chối bỏ cùng đích của chính mình, thay vì tìm Nước Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng cho người khác. Đồng tiền nó cũng rất dễ làm cho Lương Tâm bị chết nghẹt và đôi khi uốn nắn Thánh Ý của Thiên Chúa theo chủ đích của chính mình.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khởi đi từ chính mình để biết sống ngay thẳng, biết đặt cùng đích của chúng ta là Nước Trời để hướng tới. Có thế, chúng ta mới trở thành người trung tín trong việc quản lý gia sản của Thiên Chúa qua vai trò là tôi tớ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khám phá ra giá trị của Nước Trời để biết sử dụng của cải theo ý Chúa, ngõ hầu chúng con sẽ trở thành những người tôi tớ trung tín và khôn ngoan. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Không đặt bất cứ sự gì thay thế vị trí của Thiên Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, chỉ mình Ngài đáng được tôn thờ. Ta không được đặt bất cứ sự gì thay thế vị trí của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự Chúa dựng nên đều tốt đẹp, và Chúa muốn con biết sử dụng đúng ý Chúa. Của cải vật chất tự nó là tốt vì là kết quả của lòng Chúa thương. Nhưng Chúa dạy con phải làm chủ nó, để phục vụ Thánh Ý Chúa và phục vụ anh em.
Cám dỗ lớn nhất của loài người chúng con là trở nên tôi tớ cho tiền bạc và của cải trần gian. Con dễ say sưa làm giàu, thu vén bạc tiền mà quên đồng loại. Con dễ trở nên ích kỷ: “Ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi”. Con vô tình coi tiền bạc trên hết, trở thành nô lệ cho ông chủ tiền bạc. Trong cuộc sống của con, đã có lần con phế bỏ Chúa khỏi lòng con. Con để tiền của thay thế vị trí của Chúa nơi lòng con khi con dùng phương tiện bất chính để làm giàu.
Lạy Chúa, xin Chúa gìn giữ con để suốt đời con luôn biết làm tôi Chúa. Xin cho con đừng vì tham việc mà bỏ lễ Chúa Nhật, xin cho con đừng vì tham lời mà làm hại anh em.
Đặc biệt, xin cho con biết khôn ngoan như người tôi tớ trong
Tin mừng: biết dùng của cải là ân huệ Chúa ban mà sinh lợi thiêng liêng cho linh hồn con. Xin cho con luôn quảng đại mở rộng đôi tay chia sẻ những của cải Chúa ban, để giúp đỡ những anh em đang khốn khó hơn con. Xin cho con nhận ra rằng: một hạt gạo cho đi vì yêu mến Chúa sẽ trở thành một hạt vàng ân phúc tô điểm cho linh hồn con. Amen.
Ghi nhớ: “Nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao của chân thật cho các con”.
Suy niệm 8: Người quản lý tín trung của Chúa
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Đức cha Tihamer Toth đã kể lại cho chúng ta câu chuyện về nhà điêu khắc Michel Ange làm việc như thế nào.
Một lần, có một người bạn của Michel Ange đến thăm ông. Người bạn đó ngạc nhiên vì thấy ông vẫn hí hoáy mãi trước một pho tượng: “Tôi thấy công việc của anh không khác hơn hôm trước tí nào”.
Nhà nghệ sĩ trả lời: “Trái lại, tôi đã sửa chữa được nhiều lắm. Đây tôi bớt đi một ít đất sét, làm nổi bật vết nhăn này, uốn mềm lại nét khác, làm cho cái miệng tươi hơn lên”.
Bạn ông cãi lại: “Những cái đó nhỏ nhặt quá”.
Michel Ange mỉm cười trả lời lại: “Đúng, nhưng chính những cái nhỏ nhặt này làm cho pho tượng được hoàn mỹ hơn và sự hoàn mỹ lại không phải là sự nhỏ nhặt”.
Suy niệm
Chúng ta cùng được Chúa mời gọi vào việc quản lý chung tùy theo nhiệm vụ được trao phó. Chúa Giêsu khẳng định tư cách của người quản lý là phải hết lòng với nhiệm vụ được giao, thể hiện sự trung tín của mình với Thiên Chúa, vì trong đức tin, tôi và bạn là người quản lý được Thiên Chúa giao trách nhiệm công vụ.
Cho nên, người quản lý theo Tin Mừng đòi hỏi không đặt mình quỵ lụy dưới sức mạnh vạn năng của đồng tiền, vốn làm điên đảo bao nhà quản lý như thực tế mà chúng ta đã thấy nơi xã hội hôm nay. Người quản lý mà Chúa mời gọi tôi và bạn trở nên là sự tận tụy công vụ cho anh em đồng loại, đó là thể hiện sự tín trung của người làm tôi Thiên Chúa, cho nên Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Hơn lúc nào hết, đất nước và xã hội chúng ta cần những nhà quản lý theo ý muốn của Thiên Chúa: Người quản lý vì dân vì nước, những kẻ làm tôi cho tiền bạc, sẵn sàng vì “chủ tiền” mà phản bội hay thỏa hiệp cần phải loại trừ ra khỏi hàng ngũ những người quản lý.
Thật thế, trong việc quản lý đời mình và nhiệm vụ được giao, chúng ta cùng suy tư tâm tình của thánh Phaolô: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy” (Gl 6,7). Người gieo sự công chính trong cuộc đời sẽ gặt hoa trái công chính như người có năm nén làm lời năm nén, anh đã có lãi mà còn được cho thêm (x. Mt 25,29).
Người gieo sự tín trung sẽ gặt hái được niềm tin…
Ý lực sống
“Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36,27).
Suy niệm 9: Dùng tiền của mua Nước trời
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu tiếp tục mời gọi mọi người phải biết lo cho tương lai vĩnh cửu, khi biết dùng những của cải đời này sao cho ích lợi cho kho tàng mai sau trong nơi vĩnh cửu, để không bị nô lệ cho những của cải thế gian, nhưng biết chọn Chúa là chủ của đời mình. Vì thế Chúa bảo chúng ta phải biết lựa chọn: chọn Chúa hay của cải, bởi vì Chúa đã nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13).
Vào lúc khởi nguyên thế giới, Thiên Chúa đã thấy rằng: tất cả những gì Ngài làm để phục vụ con người đều tốt cả. Vậy Đức Giêsu không lên án những của cải vật chất nhưng chỉ lên án việc con người sử dụng của cải cách bất chính thôi. Vì vậy, Ngài nói đến “tiền của bất chính” như một sức mạnh nô lệ hoá con người, khi khiến họ trở thành bất lương trong việc chiếm đoạt và sử dụng nó, và đặt con người dưới quyền thống trị của nó. Nhưng người ta cũng có thể dùng tiền bạc mà làm giàu cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết cho Timôthêô nên khuyên người giàu có đời này “làm giàu về việc lành, ban phát rộng rãi và nghĩ đến kẻ khác, để thu góp một kho tàng sẽ làm vốn cho tương lai và để đạt được sự sống thật”.
Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu đưa ra đòi hỏi: “Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của”, bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự huỷ, chối bỏ cùng đích của cuộc sống (Mỗi ngày một tin vui).
Vì thế, Tin mừng hôm nay trước hết mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm về thái độ của chúng ta đối với của cải trần thế mà Thiên Chúa đã tạo dựng và ban phát cho chúng ta, để chúng ta hưởng dùng và phụng sự Ngài. Bao lâu của cải trần thế là phương tiện giúp con người đạt tới cùng đích, thì bấy lâu chúng ta còn là người quản lý trung tín của Thiên Chúa. Trái lại, khi tiền của đã trở thành cùng đích của cuộc sống, thì dĩ nhiên con người hiến tế cho nó không chỉ mạng sống của mình, mà còn hy sinh những gì quý giá và cao cả nhất trong trong cuộc sống, như nhân nghĩa, tình người, công bình, cũng như bác ái yêu thương.
Con người ai mà không thích tiền, ai mà không ham có nhiều tiền để tiêu dùng. Chúa dạy cho các môn đệ bài học về việc sử dụng tiền của. Tiền bạc là “đầy tớ tốt”, nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách hữu hiệu cho mình và cho người khác; nhưng nó lại là “ông chủ xấu”, nếu ta để tiền bạc lôi cuốn chúng ta vào chuyện bất chính, khi bất chấp mọi thủ đoạn để kiếm tiền hoặc khi sử dụng đồng tiền cho mục đích xấu. Người môn đệ Chúa hãy sử dụng tiền của cách khôn ngoan, dùng tiền để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi linh hồn của mình và tha nhân (5 phút Lời Chúa).
Gần đây ở nước Anh, bác sĩ Roger Henerson đã đặt ra cụm từ “Hội chứng ám ảnh về tiền bạc”, để nói đến những triệu chứng tâm sinh lý của người quá ham mê tiền của. Ông nhận xét: “Lo lắng thái quá về tiền bạc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm trạng căng thẳng”.
Hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ về cám dỗ của đồng tiền. Việc đi theo Chúa đòi hỏi ta phải chọn lựa giữa Thiên Chúa hay tiền của, chúng ta không thể làm tôi hai chủ. Qua đó, Chúa muốn dạy chúng ta phải biết sử dụng tiền bạc như phương thế, để mưu ích cho chính mình trên hành trình tìm kiếm Nước trời.
Truyện: Đồng tiền trên trời
Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn mang túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi, ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:
- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?
- Chỉ một đồng thôi.
- Còn tô lớn kia?
- Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:
- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không?
Người hà tiện chỉ vào túi tiền của mình. Nhưng chủ quán nói:
- Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.
- Thế tiền-cho-đi là tiền gì?
- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được bán lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình, nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.
Suy niệm 10: Thái độ đối với tiền bạc
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Chẳng cần phải dài dòng chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu muốn ta phải có một thái độ đối với tiền bạc. “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).
Qua câu này, chính Chúa Giêsu cho biết:
Tiền bạc là con dao hai lưỡi nên rất nguy hiểm.
Đây là những tư tưởng được loan truyền đó đây trong xã hội hôm nay.
Tiền trước tiên, tôn ta thành thần thánh, thành tiên thành thánh thượng.
Tiền tạo thành tích, thành tiên tiến, thành... tài, thành thân thế – tất thảy trân trọng.
Tay thủ tập tiền, trên tất thảy- tôn ti trật tự tiêu tán - tòa tù tội thảy tiêu tan - tội thành trong trắng, thất thu thành thành tựu - thấy tiền tựa thấy tiên - thấy trước tất thảy, thua thành thắng, tiền trợ thủ ta trên tất tật!
Túng tiền, tư tưởng, tinh thần tiêu tán, trên thiếu tin, thắng thành thua, tài tình thành tai tiếng. Thiếu tiền tất thua thiệt, tình tan tác, trong trắng thành tối tăm .
Thiếu tiền, thâm thủng, tủi thân, thành tham tàn, tù tội, thân thế tựa tre tàn, tất thảy thiếu tôn trọng, tư tưởng thiếu tự tin, tìm thang thuốc tự tử. . .! (Tầm Vông, Gò Dầu-Tây Ninh)
“Đồng tiền mạnh mẽ xiết bao.
Bẻ cong chân lý lật nhào công minh
“Vàng”, “Lầu”, “Đô”, “Xế” hiển linh
Có bây, “pháp luật nghiêm minh” trò đùa
Buồn thay! “Vật chất” làm vua
“Đức” “Trí” “Lễ” “Nghĩa” phải thua đồng tiền! (NT2-Vũng Tàu)
“Ông Tiền, ông Phật, ông Tiên,
Ba ông đứng lại, ông Tiền cao hơn!
Tiền nhiều: mặc kệ. . .vẫn hơn
Dẫu cho nhân sự ngã nghiêng tứ bề
Tiền nhiều chẳng ngán chẳng lo,
Phất tay một cái nhằm nhè gì ông? (Tuổi trẻ cười –Xuân Canh Ngọ)
Tiền bạc có thể làm cho người ta ra mù quáng, không còn phân biệt được thật giả.
Xưa kia, có người nước Tề thích vàng. Sáng sớm, thay xiêm y đi ra chợ, đến hàng người đổi tiền, chộp một khối vàng, rồi đi.
Người ta bắt anh và hỏi:
- Tại sao giữa đám đông người, mà anh dám đoạt vàng của người ta như thế?
Anh ta đáp lại:
- Lúc tôi thấy vàng, đâu còn thấy thiên hạ chung quanh nữa đâu, tôi chỉ thấy vàng thôi.
Vì tiền bạc, nhiều người đã đánh mất cả lương tâm, cả tình người.
Như vậy, có phải có tiền là có tất cả hay không? Một con người bình thường với một bộ óc lành mạnh, không bệnh tất cũng có thể trả lời là không mà không sợ sai lầm.
2. “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (Lc 16,9)
Đây là những lời khuyên của một người mẹ giành cho đứa con bé nhỏ yêu quí của mình:
Thứ ba, ngày 29
Enricô của mẹ,
Sáng nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con. Con nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng, con chẳng cho gì cả mà chính lúc ấy túi con có tiền. Nghe mẹ, con ơi!
Con đừng tập thói làm ngơ trước cái nghèo khó nó ngửa tay xin con; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho con. Con hãy nghĩ đến bụng đói của đứa trẻ thơ, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.
Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc tụng ấy nghe êm ái biết là dường nào! Và lòng tạ ơn họ không biết bao nhiêu.
Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, mẹ trở về rất hài lòng và tự nhủ:
- Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ!
Enricô ơi! Con hãy nghe mẹ: thỉnh thoảng nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không gạo, đứa trẻ không mẹ không cha. Những kẻ khó thích xin trẻ con vì như thế họ không nhục, vì trẻ con cũng như họ phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường thường có nhiều kẻ ăn xin không? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phúc mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền kèm với bông hoa ở trong tay nó rơi ra.
Con ơi! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một đám có bao nhiêu là nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới! Thực đáng buồn thay!
Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó nào mà không cho gì”.
Mẹ con. (Edmond de Amicis, trong Tâm Hồn Cao Thượng).
Suy niệm 11: Chúa Giêsu dạy về tiền của
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Những điểm đáng chú ý trong lời Chúa Giêsu dạy về tiền của:
- Ngài đánh giá tiền của là “gian dối”.
- Ngài khuyên dùng tiền của đời này để mua lấy những giá trị đời sau.
- Phải coi tiền của là đầy tớ phục vụ mình, chứ đừng coi chúng là ông chủ mà mình phải làm nô lệ.
- Chính những người được coi là đạo đức như biệt phái mà cũng mang tính tham lam.
B.... nẩy mầm.
1. “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”: Qua câu này, chính Chúa Giêsu cho biết:
a/ Tiền của có thể biến người sở hữu nó trở thành nô lệ cho nó;
b/ tiền của có thể được người ta tôn lên ngang hàng với Thiên Chúa, thậm chí cao hơn Thiên Chúa nữa!
2. Tôi thử xét lại liên hệ của tôi với tiền của xem tôi đang làm chủ nó hay làm nô lệ nó:
- Tôi vẫn còn làm chủ nó: khi tôi dám đem nó đi cho người khác, dám đưa nó cho người khác mượn, dám bỏ nó, khi tôi mất nó mà không đến nỗi như mất hồn…
- Tôi đã thành nô lệ nó khi ngày đêm tôi nghĩ tới nó, khi tôi trọng nó hơn tất cả mọi người khác, khi tôi sợ mất nó, khi vì nó mà tôi dám làm điều xấu…
3. Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:
- Ngài có định mua gì về không?
- Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.
Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:
- Nhà Ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý Ngài.
Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:
- Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước (Góp nhặt).
Saturday (November 6): “Who will entrust to you the true riches?” Scripture: Luke 16:9-15 9 And I tell you, make friends for yourselves by means of unrighteous mammon, so that when it fails they may receive you into the eternal habitations. 10 “He who is faithful in a very little is faithful also in much; and he who is dishonest in a very little is dishonest also in much. 11 If then you have not been faithful in the unrighteous mammon, who will entrust to you the true riches? 12 And if you have not been faithful in that which is another’s, who will give you that which is your own? 13 No servant can serve two masters; for either he will hate the one and love the other, or he will be devoted to the one and despise the other. You cannot serve God and mammon.” 14 The Pharisees, who were lovers of money, heard all this, and they scoffed at him. 15 But he said to them, “You are those who justify yourselves before men, but God knows your hearts; for what is exalted among men is an abomination in the sight of God.”
|
Thứ Bảy 6-11 Ai sẽ trao phó cho ngươi của cải chân thật? Lc 16,9-15 9 “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su.15 Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa. |
Meditation: What does “tainted money” (or “unrighteous mammon”) have to do with heavenly treasure and eternal life? Jesus exhorts his disciples to be like the shrewd steward who used money generously to make friends and win for himself a secure and happy future (see the parable of the dishonest steward in Luke 16:1-9). Generous giving is connected with alms-giving – the sharing of our financial and material resources with those in need (Luke 12:33). Those who receive alms become your friends because you are merciful to them in their time of need, just as God is merciful to you in your need for his forgiveness and help. The rabbis had a saying, “The rich help the poor in this world, but the poor help the rich in the world to come.” Ambrose, a 4th century bishop commenting on the parable of the rich fool who tore down his barns to build bigger ones to store his goods. said: The bosoms of the poor, the houses of widows, the mouths of children are the barns which last forever. The true treasure which lasts is the treasure stored up for us in heaven. God richly rewards those who give generously from the heart to help those in need.
True generosity does not impoverish – but enriches the giver What is the enemy of generosity? It’s greed, the excessive desire for personal gain and security. However, we do not need to be afraid for true generosity does not impoverish the giver, but enriches that person a hundredfold! Generosity expands the soul – but greed contracts it. God is generous and superabundant in lavishing his gifts upon us. We can never outmatch God in generosity. He has given us the best of gifts in sending us his only-begotten Son, the Lord Jesus Christ, who offered up his life for us on the cross. The Father also offers us the gift of the Holy Spirit who fills us with the fruit of peace, joy, patience, kindness, love, and self-control (Galatians 5:22) – and many other blessings as well. Everything we have is an outright gift of God. Do you know the joy and freedom of blessing others with the gifts and resources God has given to you?
What controls or rules your life? Jesus concludes his parable with a lesson on what controls or rules our lives. Who is the master (or ruler) in charge of your life? Our “master” is that which governs our thought-life, shapes our ideals, and controls the desires of the heart and the values we choose to live by. We can be ruled by many different things – the love of money or possessions, the power of position, the glamour of wealth and prestige, the driving force of unruly passions and addictions. Ultimately the choice boils down to two: God and “mammon”. What is mammon? “Mammon” stands for “material wealth or possessions” or whatever tends to “control our appetites and desires.”
When a number of the religious leaders heard Jesus’ parable they reacted with scorn (Luke 16:14). Jesus spoke to the condition of their hearts – they were lovers of money (Luke 16:14). Love of money and wealth crowd out love of God and love of neighbor. Jesus makes clear that our heart must either be possessed by God’s love or our heart will be possessed by the love of something else.
The Lord alone can satisfy our desires and give us generous hearts There is one Master alone who has the power to set us free from greed and possessiveness. That Master is the Lord Jesus Christ who died to set us free and who rose to give us new abundant life. The Lord Jesus invites us to make him the Master and Lord of our lives. He alone can satisfy the desires of our heart and transform us in his love through the power of the Holy Spirit.
Our money, time, and possessions are precious resources and gifts from God. We can guard them jealously for ourselves alone or allow the love of the Lord to guide us in making good use of them for the benefit of others – especially those in need – and for the work of the Lord in advancing his kingdom. Ask the Lord to fill your heart with a spirit of generosity and joy in sharing what you have with others.
“Lord Jesus, may the fire of your love burn in my heart that I may be wholly devoted to you above all else. Free me from greed and attachment to material things that I may be generous in using the gifts and resources you give me for your glory and for the good of my neighbor.”
|
Suy niệm: “Đồng tiền bất chính” có ý nghĩa gì với kho báu trên trời và sự sống đời đời? Đức Giêsu khuyến khích các môn đệ đi theo bước chân của người quản gia khôn ngoan, đã sử dụng tiền của cách quảng đại để tìm bạn bè cho mình (x. dụ ngôn người quản gia bất chính Lc 16,1-9). Cho đi cách quảng đại được liên kết với việc bố thí – trợ giúp tài chính cho những người thiếu thốn (hãy bán của cải của anh mà bố thí Lc 12,33). Những người nhận bố thí trở nên bạn hữu, bởi vì bạn thương xót đối với họ trong lúc họ thiếu thốn, giống như Thiên Chúa có lòng thương xót đối với bạn khi bạn cần sự tha thứ và giúp đỡ.
Các thầy Rabbi có câu nói “Người giàu giúp đỡ người nghèo trong thế giới này, nhưng người nghèo giúp đỡ người giàu trong thế giới mai sau”. Thánh Ambrose, một Giám mục ở thế kỷ thứ 4 giải thích dụ ngôn người giàu ngu dại đập phá kho lẫm để xây lớn hơn hầu chứa của cải của mình rằng: Tâm hồn của người nghèo, nhà cửa của góa phụ, miệng lưỡi của con trẻ là các kho lẫm tồn tại mãi mãi. Kho báu đích thật tồn tại mãi là kho báu tích lũy cho chúng ta ở trên trời. Thiên Chúa ban dư dật cho những ai quảng đại cho đi tự đáy lòng để giúp người túng thiếu.
Sự quảng đại đích thật không cạn kiệt – nhưng làm giàu – người cho đi
Kẻ thù của lòng quảng đại là gì? Đó là lòng tham lam, ước muốn quá sức về sự an toàn cho mình. Lòng quảng đại thật sự không biến người cho trở nên nghèo túng, nhưng làm giàu cho họ gấp trăm! Lòng quảng đại mở rộng tâm hồn; còn lòng tham lam làm cho nó teo lại. Thiên Chúa quảng đại và rất mực dồi dào trong việc ban phát thừa thải các ơn huệ cho chúng ta. Chúng ta không bao giờ trổi vượt Thiên Chúa về sự quảng đại. Người đã ban cho chúng ta những ơn huệ tốt nhất trong việc gởi đến chúng ta Con một yêu dấu, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình vì chúng ta trên thập giá. Chúa Cha cũng ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng đỗ đầy chúng ta với hoa trái bình an, niềm vui, kiên nhẫn, nhân hậu, yêu thương, và tự chủ (Gl 5,22) – và nhiều ơn huệ khác nữa. Mọi thứ chúng ta có hoàn toàn là ân huệ của TC. Bạn có biết niềm vui và sự tự nguyện làm phúc cho người khác với những gì Thiên Chúa đã ban cho bạn không?
Điều gì kiểm soát cuộc đời chúng ta?
Đức Giêsu kết thúc bài dụ ngôn với bài học về những gì kiểm soát hay thống trị cuộc đời chúng ta. Ai là chủ (hay người cai trị) quản lý cuộc đời bạn? “Chủ” của chúng ta là những gì cai quản những suy nghĩ, che phủ những lý tưởng, kiềm chế những ước muốn của linh hồn và những giá trị chúng ta chọn để sống. Chúng ta có thể bị quản thúc bởi nhiều thứ – sự yêu thích tiền của, quyền thế, sức quyến rũ của giàu có và uy tín, sức lôi kéo của những đam mê và nghiện ngập phóng túng. Cuối cùng, sự chọn lựa rút lại còn hai: Thiên Chúa và “tiền của”. Mammon – tiền của – là gì? Tiền của tượng trung cho “sự giàu có vật chất hay những sở hữu” hay bất cứ những gì có khuynh hướng “khống chế những khát vọng và đam mê của chúng ta”.
Khi một số nhà lãnh đạo tôn giáo nghe dụ ngôn của Đức Giêsu họ phản ứng cách coi thường (Lc 16,14). Đức Giêsu nói về tình trạng tâm hồn của họ – họ là người yêu thích tiền bạc (Lc 16,14). Yêu thích tiền bạc che lấp tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân. Đức Giêsu nói rõ ràng rằng một là lòng chúng ta phải được tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu hai là lòng chúng ta bị chiếm hữu bởi yêu thích những sự khác.
Một mình Chúa mới có thể thỏa mãn các ao ước và ban cho chúng ta tâm hồn quảng đại
Chỉ có một người Chủ duy nhất, có quyền năng giải thoát chúng ta khỏi sự tham lam và chiếm hữu. Người Chủ ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết để giải thoát chúng ta và sống lại để ban cho chúng ta sự sống mới sung mãn. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chọn Người làm Chủ và Chúa cuộc đời mình. Chỉ có mình Người mới có thể thỏa mãn các ước nguyện lòng chúng ta và biến đổi chúng ta trong tình yêu của Người qua quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Tiền bạc, thời gian, của cải của chúng ta là các nguồn lực và ân huệ quý giá từ Thiên Chúa. Chúng ta có thể chiếm giữ chúng cách ích kỷ cho riêng mình hay để cho tình yêu của Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc sử dụng chúng thật tốt vì lợi ích của người khác – đặc biệt cho những ai túng thiếu – và cho công việc của Chúa để mở mang nước Chúa. Hãy cầu xin Chúa lấp đầy lòng bạn tinh thần quảng đại và niềm vui trong việc chia sẻ những gì bạn có với người khác.
Lạy Chúa Giêsu, chớ gì ngọn lửa tình yêu của Chúa đốt lên trong lòng con, để con có thể yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Xin giải thoát con khỏi tính tham lam và dính bén với những của cải vật chất, để con có thể quảng đại trong việc sử dụng những ân huệ và tài nguyên Chúa ban cho con vì vinh quang của Chúa và vì lợi ích của tha nhân.
|
Theo The Word Among Us
Br. Paul Thanh Vu, SDD. chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn