Thánh Lêo Cả, Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh

Thứ ba - 09/11/2021 07:31

Ngày 10/11: Thánh Lêo Cả, Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh

 Lm. Giuse Đinh Tất Quý
 

1.ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Thánh Lêô Cả có lẽ sinh tại Etrurie nước Ý khoảng năm 400. Ngài là phó tế của giáo đoàn Rôma. Chức vụ phó tế lúc đó là chức vụ rất quan trọng vì người giữ chức vụ đó giữ vai trò đại diện cho Ðức Thánh Cha trong các công việc tài chính...

Tháng 8 năm 440, ngài được cử lên ngôi Giáo Hoàng lấy hiệu là Lêô I.

Công việc chính của ngài là lo tẩy trừ các tệ nạn đồi phong bại tục trong Giáo Hội. Ngài luôn để ý đến việc gìn giữ Giáo Hội khỏi những lầm lạc do các bè rối đem lại, nhất là lạc giáo Nestoriô và Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính ra khỏi Thiên tính của Chúa Giêsu và gán cho Ngài hai ngôi vị. Ðể chấm dứt các hậu quả tai hại do các bè rối gây nên, ngài đã triệu tập công đồng năm 451 tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám Mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các hoàng đế, công đồng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Ngài có tài hùng biện và ngoại giao đặc biệt, có thể thuyết phục được những người hung dữ. Ðiển hình là tháng 8 năm 452, Attila chúa rợ Hung (Huns) dẫn quân xâm chiếm Âu Châu, gieo rắc kinh hoàng cho mọi người. Attila kéo quân về Rôma, cả kinh thành run sợ. Nhưng nhờ có Chúa và nhờ tài đức, ngài đã khắc phục được vị tướng đó rút quân trở lại con đường cũ. Năm 455, lại có Gensérie nổi lên đốt phá, hãm hiếp và tàn sát dân lành, chính nhờ ngài mà loạn quân không còn gieo tai họa nữa.

Thêm vào đó, ngài còn lo chấn hưng tinh thần đạo đức của giáo dân đã sa sút. Các bài giảng của ngài tuy đơn sơ, nhưng luôn bao hàm nhiều tính chất thần học. Ngài cũng đã viết nhiều sách vở để bênh vực Giáo Hội, chống lại tà thuyết.

2. BÀI HỌC

Có lẽ bài học rõ ràng nhất về cuộc đời vị Giáo Hoàng đặc biệt này là uy quyền và lòng can đảm trong công việc bảo vệ và canh tân Hội Thánh cũng như khi phải đối diện với những thử thách trong cuộc sống của mọi người.

Một trong những việc đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của Đức Lêô Cả Giáo Hoàng là hoàn cảnh lúc ngài mới nhận nhiệm vụ coi sóc và hướng dẫn Hội Thánh. Hồi đó Giáo Hội và đế quốc Rôma phải đương đầu với tình trạng khủng hoảng là nguy cơ dân man di xâm lăng Rôma và sự đe dọa phá hoại niềm tin của lạc giáo Nestoriô và EutychesVới tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường, vị tân Giáo Hoàng đã can đảm đương đầu với những thế lực đen tối kia.

Công việc đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ngài là điều chỉnh lại những sai lầm về đức tin và phong hoá trong Giáo Hội, nhất là bảo vệ niềm tin tinh tuyền của Hội Thánh khỏi bị lầm lạc. Bởi lẽ lạc giáo Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính khỏi thần tính Chúa Kitô và chủ trương Đức Kitô có hai ngôi vị. Ngài đã rút phép thông công những người cố chấp theo lạc giáo đồng truyền đốt hết các sách vở lạc giáo.

Để chấm dứt những sai lạc do các bè rối gây ra, đức Lêô Cả đã triệu tập một công đồng chung tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các Hoàng đế, công đồng đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy ngài không đích thân đến chủ tọa, nhưng đã cử đặc sứ đến đại diện. Bức thư ngài viết gởi Phavianô được tất cả các Đức Giám mục hoan nghênh. Cả về từ ngữ và tư tưởng thần học trong bức thông điệp đều được dùng làm nền tảng cho những nghị quyết về tín lý của Công đồng.

Điểm tiếp theo là ngài để tâm chăm sóc đặc biệt đến hàng giáo phẩm, cấm các giáo sĩ không được tham gia các chức vụ phần đời. Chính ngài đã ban nhiều thông điệp khuyên hàng giáo sĩ hãy cố gắng sống đời sống thánh thiện gương mẫu xứng với chức vụ của mình. Ngài lưu ý các linh mục và các Giám mục phải thận trọng trong việc tuyển chọn những người có tư cách xứng đáng để lãnh nhận các chức vụ thánh vì nếu không sẽ gây thiệt hại cho Giáo Hội và quốc gia.

Cuối cùng một sự kiện lịch sử mà người ta không thể không nói tới. Tháng 8 năm 452 Áttila một lãnh chúa oai hùng của người Hung mà vó ngựa của ông đã dày xéo khắp Á Châu, nay lại muốn dày xéo cả Âu Châu. Áttila đem đoàn quân kỵ mã tiến về Rôma. Cả kinh thành run sợ khiếp vía. Nhưng chính lúc đó, Thiên Chúa, qua vị đại diện của Ngài là đức Lêô I đã làm một việc khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc.

Trước đó, đức Lêô I đã hiệu triệu Rôma và toàn thế giới Công giáo cầu nguyện và hy sinh một tuần. Hàng vạn kỵ binh quân Hung do Áttila cầm đầu rầm rộ tiến về hướng Rôma và dừng lại bên bờ sông Minsiô để quan sát tình hình. Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Lêô I với trang phục đại trào dẫn đầu một đoàn rước đông đảo tiến về phía bờ sông. Theo sau ngài có một đoàn các Giám mục, Linh mục, tu sĩ mặc lễ phục hay tu phục vừa đi vừa hát thánh ca, thánh vịnh. Khi hai biển người giáp mặt đối diện với nhau ở hai bên bờ sông Minsiô thì người ta nhận thấy có một sự tương phản hết sức rõ rệt: Một bên là bừng bừng sát khí, bên kia là hiền hoà khả ái; một bên là hận thù ghen ghét, bên kia là tha thứ yêu thương. Tiếng ngựa hí xen lẫn tiếng lẻng kẻng của võ khí không lấn át tiếng hát lời Kinh.

Lãnh Chúa Áttila ngồi bất động trên lưng ngựa, ra chiều suy nghĩ. Tiếng hát huyền diệu và lời Kinh đã nâng lòng ông lên chăng? Hay một sức linh thiêng nào đó đã cuốn hút ông đưa ông trở về cái cốt lõi của con người là lòng nhân ái. Thế rồi ông giơ cao thanh kiếm ra lệnh rút quân trong thinh lặng. Đoàn con Chúa trở về trong tiếng hát mà không phải đổ một giọt máu nào. Tạ ơn Chúa vô cùng.

Sau cuộc chiến thắng vẻ vang không đổ một giọt máu, đức Lêô khải hoàn vào thành giữa tiếng hoan hô của muôn người.

Sau gần 21 năm cai trị Giáo Hội trên toà thánh Phêrô, công lao của đức Lêô đối với Giáo Hội thật đáng kể. Ngày 11 tháng tư năm 461 ngài êm ái từ trần trong tay Chúa để lại bao mến thương cho toàn thể Giáo Hội nói chung và dân tộc Italia nói riêng. Xác ngài được an táng tại đại giáo đường thánh Phêrô. Lịch sử đã gọi ngài là Lêô Cả vì quả thực ngài là một trong những vị Giáo Hoàng vĩ đại của lịch sử Hội Thánh.
 

Thứ Tư tuần 32 thường niên. – Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".

 

* Thánh nhân sinh tại Ê-tru-ri-a. Năm 440, người làm giáo hoàng. Với tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường, người đã đương đầu với nguy cơ xâm lăng của dân man di và lạc giáo của Êu-ti-khê đang đe dọa niềm tin về mầu nhiệm Nhập Thể. Nhưng trong tư cách một mục tử, người ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình và không ngừng nhắc nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Người qua đời năm 461.

 

Lời Chúa: Lc 17, 11-19

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch.

Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

 

Suy niệm 1: Sấp mình tạ ơn

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ)

Giáo dục cho trẻ em về lòng biết ơn là điều quan trọng.

Cha mẹ thường dạy con cám ơn người làm ơn cho mình.

Cám ơn là đi từ món quà đến người trao tặng.

Mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng trong đời,

nên chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn.

Bản thân tôi là một quà tặng do nhiều người cho:

cha mẹ, ông bà tổ tiên, các anh hùng dân tộc…

Chỉ cần để lòng biết ơn đi lên mãi, lên tới nguồn,

tôi sẽ gặp được Thiên Chúa như Người Tặng Quà viết hoa.

Đức Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài.

Nhưng ít khi Tân Ước nói đến chuyện họ cám ơn,

mà Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ.

Bởi đó bài Tin Mừng hôm nay thật độc đáo.

Mười người phong ở với nhau trong một ngôi làng.

Họ biết tiếng của Đức Giêsu và biết cả tên của Ngài.

Họ vui mừng thấy Ngài vào làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.

Tiếng kêu của họ vừa bi ai, vừa đầy hy vọng được chữa lành:

“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (c. 13).

Đức Giêsu đã chẳng chữa lành cho họ ngay lập tức,

như từng làm với một người phong khác trước đây (Lc 5, 12-16).

Dù họ chưa được sạch, Ngài đã bảo họ đi trình diện với các tư tế

để cho thấy là mình đã khỏi rồi.

Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra đi, và được khỏi bệnh.

Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại.

Anh ấy lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Đức Giêsu.

Đó là một người Samaria, thời đó bị coi như người nước ngoài (c. 18).

Anh được ơn lành bệnh, và hơn nữa anh có lòng biết ơn.

Tôn vinh Thiên Chúa thì làm ở nơi nào cũng được.

Nhưng anh muốn trở lại để gặp người Thiên Chúa dùng để thi ân cho mình.

Cám ơn, biết ơn, tạ ơn, là mở ra một tương quan riêng tư mới mẻ.

Người phong xứ Samaria không chỉ được chữa lành.

Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu.

Ơn này còn lớn hơn ơn được khỏi bệnh.

Đức Giêsu có vẻ trách móc khi hỏi ba câu hỏi liên tiếp (cc. 17-18).

Ngài ngạc nhiên vì không thấy chín người Do thái kia trở lại cám ơn.

Đôi khi người Kitô hữu chúng ta cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện.

Dường như chúng ta ít mãn nguyện với những ơn đã được tặng ban.

Chúng ta chỉ buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được.

Nhận ra ơn Chúa ban cho đời mình và biết tri ân: đó là một ơn lớn.

Người có lòng biết ơn bao giờ cũng vui.

Họ hạnh phúc với những gì Chúa ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại.

Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.

Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được,

thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi.

 

Cầu nguyện:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

những ơn con thấy được,

và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng

con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì

Cha không ban cho con,

và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì

Cha cương quyết không ban

bởi lẽ điều đó có hại cho con,

hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

dù con không hiểu hết những gì

Cha làm cho đời con.

 

Suy niệm 2: Tạ ơn

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tạ ơn là một hành vi nhân văn cao đẹp. Phát xuất từ một nhận thức đúng đắn. Nhưng trong đời sống thiêng liêng tạ ơn còn đem đến ơn cứu độ. Nên hành vi tạ ơn còn cao sâu hơn nhiều. Phát xuất từ nhận thức nền tảng. Thiên Chúa là tất cả. Ta không là gì hết. Thiên Chúa có tất cả. Ta không có gì hết. Sự sống là món quà quí nhất Thiên Chúa ban cho con người. Có sự sống là có tất cả. Không có sự sống là không có gì hết. Hành vi tạ ơn vì thế vừa sâu xa vừa hân hoan vô vàn. Người bệnh phong ngoại đạo nhận thức được ân huệ lớn lao đó. Bệnh phong bị lên án tử. Sống cũng như chết. Được khỏi bệnh là được lại sự sống. Hơn nữa anh lại là người ngoại đạo. Nên hồng ân thật không kể xiết. Vì anh không xứng đáng. Nhưng lại được ơn trọng hậu. Một niềm vui khôn tả dâng lên trong tâm hồn. Anh vội vàng chạy lại tạ ơn. Anh phủ phục vì nhận thức Thiên Chúa mới có quyền ban sự sống. Nhận thức đó đưa anh đến một ân huệ lớn lao hơn. Được làm con Chúa. Được ơn cứu độ.

Được ơn Chúa phải biết tạ ơn. Phải biết sử dụng ơn Chúa xứng đáng. Đó là điều những người quyền thế trên trần gian thường quên lãng. Hay cậy quyền cậy thế. Hay tự cao tự đại. Hay áp bức bất công. Đó thực là thiếu khôn ngoan. Sách Khôn ngoan khuyên họ nên ý thức ân huệ Chúa ban. Chính họ phải tuân giữ luật Chúa. Để biết sử dụng quyền thế cho đúng thánh ý Chúa. Để phục vụ nhân loại. Vì cuối cùng họ sẽ bị xét xử nghiêm nhặt hơn thường dân vì quyền hành đã được trao cho họ. “Vậy, hỡi các bậc vua chúa quan quyền, những lời tôi nói đây, xin gửi tới chư vị để chư vị học biết lẽ khôn ngoan, mà khỏi phải sẩy chân trật bước. Ai sống thánh và tuân giữ luật thánh, thì được kể là bậc thánh nhân” (năm lẻ).

Thánh Phao-lô khuyên chúng ta phải tuân phục thế quyền. Vì đó là quyền Chúa ban. Nhưng trên hết phải tuân phục Thiên Chúa. Thánh nhân tạ ơn Chúa vì ân huệ sự sống thiêng liêng nhờ bí tích Rửa tội. Đó là ân huệ nhưng không. Nhưng lại vô cùng cao quí. Vì ban cho ta sự sống đời đời: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (năm chẵn).

Ý thức hồng ân sự sống. Ý thức sự bất xứng bất toàn. Ý thức tình yêu thương vô cùng và vô vị lợi của Thiên Chúa. Lòng ta sẽ không ngừng dâng lời tạ ơn. Đó là hành vi phải lẽ. Đem lại niềm vui cho cuộc đời. Đem lại ơn cứu độ cho ta.

 

Suy niệm 3: Thể Hiện Của Tự Do Thực Sự

Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Ðể đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Ðó là lý do tại sao người Do thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.

Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.

Ðó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.

Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.

Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Ðền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Ðấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Ðó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Dâng Lời Tạ Ơn

Chờ đợi Chúa đến là một trong những chủ đề trọng tâm của Kinh Thánh. Vì không nắm bắt và sống sứ điệp này nên chúng ta thường thiếu kiên nhẫn và do đó hầu hết những khó khăn của cuộc sống đều là kết quả của thái độ vội vã của chúng ta. Chúng ta thường không chờ đợi cho cây trái được chín muồi nhưng lại vội vã hái lấy khi nó còn xanh.

Chúng ta không thể chờ đợi sự đáp trả của Chúa cho lời cầu nguyện của chúng ta, bởi vì chúng ta quên rằng Chúa muốn chúng ta phải mất nhiều ơn thánh để chuẩn bị đón nhận ơn Ngài. Chúng ta được mời gọi để tiến bước với Chúa nhưng Chúa thường đi những bước rất chậm rãi. Thật ra, không phải chúng ta chờ đợi Chúa mà chính Chúa đang chờ đợi chúng ta. Lắm khi chúng ta không muốn đón nhận ơn Chúa đã dọn sẵn bởi vì chúng ta không muốn đến với Ngài. Có những lúc chúng ta phải sẵn sàng tiến tới với những bước đi đầy tin tưởng. Tất cả những lời hứa của Chúa đều có điều kiện. Chúa chờ đợi sự đáp trả của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhìn lại cuộc đời của tổ phụ Abraham để thấy rõ điều đó. Chúa đã hứa ban cho Abraham rất nhiều điều cả thể nhưng chắc chắn không một lời hứa nào sẽ được thực hiện nếu tổ phụ vẫn ở lại xứ Canđê. Abraham phải lên đường, ông phải bỏ lại đàng sau nhà cửa, bạn bè, xứ sở và dấn bước vào cuộc hành trình mà ông không thể nào lường trước được những gì có thể xảy ra. Hành trang duy nhất của tổ phụ Abraham là lời hứa của Chúa và lòng tin tưởng của ông.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta mặc lấy thái độ tin tưởng phó thác ấy của tổ phụ Abraham. Chúa Giêsu quả thật là người đã chữa trị cho mười người phong cùi, nhưng khác với những phép lạ khác, ở đây thay vì sờ vào những người phong cùi hoặc nói một lời, Chúa Giêsu sai họ đi trình diện với các tư tế theo như luật Môisen qui định. Thánh Luca ghi lại rõ ràng rằng trong khi họ đi, họ được lành sạch. Quả thật, nếu họ đứng yên tại chỗ để chờ đợi, họ sẽ chẳng bao giờ được lành bệnh. Chúa chờ đợi để chữa trị họ và chính lúc họ tin tưởng để ra đi, ơn Chúa mới đến. Chúa luôn chờ đợi lòng tin, sự kiên nhẫn và cả sự chờ đợi của chúng ta. Có khi ơn Ngài chỉ đến sau nhiều năm tháng chờ đợi và nhất là sau nhiều năm tháng chiến đấu hy sinh của chúng ta. Một sự thất bại, một nỗi mất mát lớn lao, một căn bệnh bất trị, bao nhiêu đau khổ là bấy nhiêu tiến tới và chờ đợi để ơn Chúa được chín muồi.

Thật ra, đối với những ai có lòng tin thì tất cả mọi sự đều là ân sủng của Chúa. Có điều gì thuộc về chúng ta mà không do Chúa ban tặng, có điều gì chúng ta làm được mà không là hồng ân của Chúa, và ngay cả những thất bại, rủi ro và đau khổ trong cuộc sống cũng đều là những cơ may của muôn ơn lành Chúa không ngừng tuôn đổ trên chúng ta. Con người vốn chỉ vô ơn bạc nghĩa. Trong mười người phong cùi được chữa lành chỉ có một người biết quay trở lại để cám ơn Chúa Giêsu. Biết ơn, xem ra không phải là điều tự nhiên của con người. Tâm tình ấy cần được dạy dỗ trau dồi ngay từ lúc con người vừa bập bẹ biết nói và nuôi dưỡng trong suốt cuộc sống. Tâm tình cảm mến tri ân cũng cần phải được trao dồi trong cuộc sống của người tín hữu Kitô. Trong một kinh Tiền Tụng, Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện rằng: "Dâng lời tạ ơn Chúa cũng là một hồng ân Chúa ban tặng cho chúng ta". Cầu nguyện trong tin tưởng phó thác và không ngừng dâng lời tạ ơn, đó phải là tâm tình cơ bản và thường hằng của người tín hữu Kitô chúng ta.

Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn được sống trong tâm tình ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Lòng tin chữa khỏi phong cùi

Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc. 17, 12-13)

Vẫn còn trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đi qua làng biên giới Sa-ma-ri, Người gặp những kẻ bị loại ra khỏi xã hội vì mắc bệnh ngoài da, người ta gọi là phong cùi.

Một thứ bệnh mất hết vẻ đẹp.

Những người cùi hủi đứng đàng xa đón gặp Người. Họ kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu”. Như thế họ đã nhận biết Đức Giêsu là Đấng tỏ quyền phép và lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ xin Người thương xót. Người không thể từ chối trước lời van xin này, vì Người đến để giải thoát những kẻ bị ngược đãi, áp bức bởi bệnh tật và xã hội.

Đức Giêsu nhìn họ với ánh mắt bốc lửa tình yêu và đầy thương cảm. Người bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế, để chứng nhận cho họ đã sạch như luật buộc. Trong khi đi thì họ được lành bệnh”.

Chín người là Do thái, rất thỏa thích vì họ đã lại được thuộc về dân tuyển chọn của Thiên Chúa. Họ cho mình là đáng được Thiên Chúa trả công. Sự lành bệnh của họ đã trả lại quyền cho họ.Nhưng chỉ có một người được hưởng niềm vui nhất trong tâm hồn.

Chỉ có người thứ mười là dân Sa-ma-ri thấy mình được khỏi, là kẻ tội lỗi đáng thương, bị Do thái khinh tởm, anh thấy mình được lành sạch nhất là trong tâm hồn mình, anh ý thức Thiên Chúa đang ngự trong con tim anh, vì anh đã nhận được sứ điệp tình yêu của Đức Giêsu. Anh trở lại và sấp mình xuống chân Người mà tạ ơn, vì Thiên Chúa đang hiện diện trước mặt anh. Gặp gỡ được Thiên Chúa, lòng anh xúc động khôn tả, ăn sâu vào tận căn tính của anh, tận bản chất hữu thể của anh, anh chỉ có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng cất cao lời xin thương xót tha thứ tội lỗi của anh với hết lòng khiêm tốn. Đó là một bài ca giải phóng, một bài ca trong sáng phát ra từ đáy con tim. “Anh đứng dậy đi về! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Lòng tin nhờ lời Người gọi anh, nhờ ánh mắt Người nhìn anh làm bừng dậy đức tin này. Đức tin này đã cứu chữa anh cả thân xác lẫn tâm hồn anh.

RC

 

Suy niệm 6: Hãy tạ ơn Chúa

Xem lại CN 28 TN C.

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu trước khi được lành bệnh, ông là một người ngoại đạo. Lúc thập tử nhất sinh, ông đã được giới nghệ sĩ chuẩn bị tang lễ cho ông cách chu đáo. Tuy nhiên, khi có người Công Giáo đến thăm và gợi ý đưa ông đến đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Dòng Chúa Cứu Thế để cầu khấn Đức Mẹ, ông đã đồng ý. Khi đến nơi, kỳ lạ thay, ông không xin cho mình được khỏi bệnh, nhưng ông lại xin đức tin. Thật nhiệm mầu, không những ông được ơn đức tin, mà ông còn được lành luôn căn bệnh xơ gan cổ trướng của mình. Sau đó, ông đã được đón nhận Bí tích Thánh Tẩy và dành thời gian còn lại để tạ ơn Chúa bằng việc sống đạo thật tốt, làm nhiều việc từ thiện bác ái.

Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, hẳn ít có ai dán can đảm để xin ơn đức tin như Lê Vũ Cầu! Bởi vì khi xin ơn đức tin, chúng ta phải thay đổi đời sống, dám chấp nhận lội ngược dòng để làm chứng cho đức tin mà mình đã lãnh nhận.

Ngược lại, chúng ta thường chạy đến với Chúa, Mẹ và các thánh để xin cho mình những ơn như: giàu sang, chức vị, sức khỏe... Xin những điều đó là tốt, tuy nhiên, xét về cấp độ trong ân sủng thì ơn đức tin là cao trọng nhất, vì nếu có đức tin, chúng ta dễ dàng an vui và hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại, miễn sao danh Chúa được cả sáng và thánh ý Chúa được thực hiện.

Thật vậy, khi có đức tin, chúng ta sẽ nhận ra tất cả là hồng ân, vì thế, cần phải tạ ơn Chúa và yêu thương anh chị em mình.

Lời Chúa hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy mẫu gương đức tin của người phong cùi xứ Samaria. Chính nhờ lòng tin mà ông được chữa lành. Cũng nhờ lòng tin mà tâm tình đầu tiên của ông là tạ ơn Chúa. Thái độ này của người Samaria ngược lại hẳn với 9 người cùng bị phong cùi Dothái. Họ đã được lành bệnh, nhưng không một ai quay lại để cám ơn Chúa!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có thái độ yêu mến Thiên Chúa, tin tưởng vào Ngài. Mặt khác, Lời Chúa còn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: nếu những người trong Tin Mừng hôm nay đã mắc phải những căn bệnh ghê sợ là bệnh cùi, thì hẳn mỗi người chúng ta cũng có những căn bệnh cùi tâm linh đáng sợ hơn rất nhiều, vì cùi tâm linh nó có thể hủy diệt cả tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, nhờ đức tin, chúng ta có hy vọng được lòng nhân từ của Thiên Chúa chữa lành và ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Tuy nhiên, khi được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta phải biết cám ơn Ngài và thay đổi đời sống nhờ hồng ân đức tin soi dẫn.

Thực ra, Thiên Chúa đâu cần con người phải cám ơn thì Ngài mới được vinh dự, nhưng việc chúng ta tạ ơn Ngài lại đem lại ơn cứu độ cho mình và mọi người nữa. Đồng thời, khi cám ơn Chúa, chúng ta đón nhận được lòng khiêm tốn và tôn nhận Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Như vậy, khi ta biết tỏ lòng tri ân Thiên Chúa thì “ơn lại thêm ơn”. Còn khi không biết cám ơn Chúa, thì “ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” vì đã không biết sử dụng ơn Chúa cho hữu ích...

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con ơn sám hối để đáng được Chúa chữa lành bệnh cùi tâm linh của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Biết ơn cảm tạ Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Lòng biết ơn cảm tạ Chúa xuất phát từ việc nhận ra ơn phúc Chúa ban. Không nhận ra hồng của Chúa, không những đưa đến sự vô ơn mà còn ngăn cản chúng ta đến với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, “quen quá hóa nhàm”; “gần chùa gọi bụt bằng anh”: đó là những thái độ làm cho con người trở nên xơ cứng khô cằn, không còn bén nhậy tinh tế với những gì xảy đến cho mình.

Mười người cùi được Chúa chữa lành, thế mà chỉ có một người thấy được ơn cao trọng Chúa ban, mà người đó là người Samaria, một người bị coi thường, bị hạ giá. Con thấy những người thấp hèn, kém cỏi, có lẽ cảm nhận được ơn huệ hơn là người cao sang quyền quý.

Riêng con, nhiều lần con đã vong ân đối với Chúa, nhiều lần con không nhận ra được hồng ân và tình yêu thương Chúa dành cho con. Đời sống con được tràn ngập đầy hồng ân Chúa, cả tâm hồn lẫn thể xác. Con có được sức khỏe, có một gia đình ấm cúng, con được tham dự thánh lễ, được lắng nghe Lời Chúa và rước Chúa mỗi ngày… Biết bao nhiêu điều may lành, hạnh phúc phủ ngập đời con, nhiều khi con biết được, nhưng lắm khi con quên rằng tất cả đều do Chúa ban. Thật sự con đã uống nước mà quên nguồn!

Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho những vong ân bội nghĩa của con. Xin cho con nhận ra hồng ân và tình thương của Chúa, để con đến với Chúa, để con đền đáp tình yêu bao la của Chúa cho xứng đáng. Xin giúp con mỗi ngày biết dâng lên Chúa lời tạ ơn. Amen.

Ghi nhớ: “Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

 

Suy niệm 8: Sống tâm tình tạ ơn trong đời sống

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Kurt Emmerich - bác sĩ giải phẫu trong quân đội của Đức, đã kể câu chuyện sau đây về một kinh nghiệm ông đã trải qua ở biên giới Nga:

Hàng ngàn thương binh đã được ông giải phẫu tại bệnh viện dã chiến, nhưng chỉ có một trường hợp làm ông không bao giờ quên. Người lính trẻ đó được đưa vào bệnh viện với một khuôn mặt bị vỡ tan nát. Bác sĩ phải làm việc rất nhiều ngày để sửa lại khuôn mặt của anh với tất cả nỗ lực có thể được qua hàng loạt những phẫu thuật cấy và ghép da.

Trong lần giải phẫu cuối cùng, bác sĩ đã phải khâu nối kết toàn thể các phần còn lại với nhau ở khóe miệng của bệnh nhân. Những y tá phụ đã giúp cho anh thương binh ngồi lên. Vì thuốc tê chung quanh miệng bệnh nhân vẫn còn hiệu quả, nên bác sĩ nói với anh: “Bây giờ công việc đã hoàn tất, chúng tôi muốn nghe anh phát biểu một điều gì với môi miệng mới của anh”.

Anh thương binh trẻ từ từ cử động những bắp thịt quanh miệng một cách rất cẩn thận và rồi với nụ cười mỉm đầu tiên của anh, miệng anh uốn theo những chữ: “Cám ơn” (Theo Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa… năm C, tr. 343).

Suy niệm

Tin mừng Luca 17,11-19 gợi lại trong tâm hồn chúng ta tâm tình sống nhớ ơn, tạ ơn. Tinh thần này không chỉ là nét đẹp trong đời sống nhân văn mà còn là giá trị cao quý của tâm tình đức tin: Chúa Giêsu đánh giá cao lòng biết ơn qua biến cố Ngài chữa lành mười người bị phong hủi nhưng chỉ có người Samaria ngoại đạo quay lại tạ ơn Ngài và ca tụng Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu luôn sống trong tâm tình tạ ơn: Mỗi khi làm việc, Ngài cũng tạ ơn chúc tụng Chúa Cha, Ngài tạ ơn Chúa Cha khi làm cho Ladarô phục sinh (x. Ga 11,41-42), Ngài tạ ơn Cha khi làm phép lạ bánh (x. Mt 15,36; Mc 8,6...). Chúa Giêsu trở nên gương mẫu cho chúng ta về đời sống tâm tình tạ ơn mỗi ngày. Thánh Phaolô học tập gương Thầy Chí Thánh thể hiện qua các thư gửi các giáo đoàn, Ngài luôn tạ ơn Thiên Chúa, Ngài nhớ ơn sự quảng đại các cộng đoàn đã quảng đại giúp đỡ Ngài trên đường sứ vụ và Ngài cũng mời mỗi người tín hữu sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa với Ngài.

Sống tâm tình tạ ơn trong đời sống là một nét đẹp nhân bản và tác động của tâm tình đức tin. Tôi và bạn có được ngày hôm nay là do công lao của biết bao bàn tay và tâm hồn đưa chúng ta vào đời. Trước hết phải kể đến ơn tạo dựng của Thiên Chúa, không lạ gì khi Kinh Thánh có rất nhiều Thánh Vịnh, bài ca ca tụng Thiên Chúa, cụ thể như những câu Thánh Vịnh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho?” (Tv 116,12); “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở” (Tv 117,1)... Chúng ta phải mang bổn phận biết ơn, vì “Từ nguồn sung mãn của Người (Đức Giêsu), tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).

Cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những gì chúng ta có được trong đời, dù rằng như Kinh Tiền tụng trong thánh lễ nhấn mạnh: “Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời” (Kinh Tiền tụng IV). Sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chính lời tạ ơn trở nên hoa trái ân sủng cho chúng ta như phương pháp “Hồi tâm” của thánh Ignaxiô, nhấn mạnh đến tâm tình tạ ơn, tâm tình này giúp con tim chú ý đến những món quà mà chúng ta nhận được trong ngày. Nhờ đó cuộc sống của chúng ta với thiên nhiên, với anh chị em, với bạn bè và thế giới xung quanh, đặc biệt với Thiên Chúa sẽ được sung mãn và dồi dào hơn trong tình yêu.

Hãy ghi nhận và biểu lộ lòng biết ơn với những người thân quen sống bên ta... Lòng biết ơn gắn kết chúng ta trong tình yêu, như là những bông hoa nhỏ chớm nở xua đuổi mùa đông băng giá nơi tình người và bắt đầu nảy nở “mùa xuân” trong cuộc sống mỗi ngày.

 Ý lực sống

“Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,

Kể ra đây muôn việc lạ Chúa làm.

Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa,

đàn hát kính danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao”. (Tv 9,2-3)

 

Suy niệm 9: Chúa chữa mười người phong cùi

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trên hành trình của Đức Giêsu về Giêrusalem, khi qua biên giới hai miền Samari và Galilê thì có mười người phong cùi  đến xin Chúa chữa cho mình. Đức Giêsu không trực tiép chữa mà chỉ bảo họ đi trình diện với các tư tế để chúng tỏ mình đã được sạch. Họ tin lời Chúa, đang khi đi trên đường họ đã được khỏi bệnh. Nhưng sau khi được lành thì chỉ có một người trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, còn chín ngưới kia thì không. Còn chúng ta, có nhận ra ơn lành Chúa ban và biết dâng lời cảm tạ Người hay không?

2. Tin Mừng hôm nay Chúa muốn nhắc nhở chúng ta phải có tinh thần biết ơn. Đức Giêsu đã chữa lành 10 người phong cùi, nhưng chỉ có một người quay trở lại để cám ơn Ngài, mà người đó lại là người Samaria, một người ngoại giáo. Những người có đạo lại trở thành ngoại đạo, vì họ không biết nói lời cám ơn, không biết sống tình người. Trong khi đó, dưới cái nhìn của Đức Giêsu, một người ngoại đạo lại trở thành có đạo vì đã biết sống tình người. Đức Giêsu đã nói với người Samaria:”Lòng tin của ngươi đã cứu ngươi”. Lòng tin ở đây là biết trở lại tìm Đức Giêsu và nói lên niềm tri ân của mình. Người Samaria ra về được lành không những trong thân xác, mà nhất là được chữa lành trong tâm hồn. Từ nay tâm hồn của ông được mở ra  vì đã biết sống tình liên đới với tha nhân. Trong khi đó 9 người Do thái kia  được hồi phục trong thân xác, nhưng vẫn tiếp tục cắt đứt tâm hồn họ khỏi mọi liên đới và ràng buộc với tha nhân, và đó chính là sự cùi hủi đáng thương nhất của con người (Mỗi ngày 1 tin vui).

3. Tin Mừng kể lại việc 10 người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành, nhưng chỉ có một người ngoại giáo trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Sở dĩ, 9 người Do thái được chữa lành không trở lại tôn vinh Thiên Chúa, có lẽ vì họ quá chú trọng đến việc thi hành lề luật là đi trình diện tư tế, để được công nhận đã khỏi bệnh và được hòa nhập vào cộng đoàn trở lại. Cũng có thể vì quá vui mừng tìm đến gia đình bạn hữu  mà quên Đấng đã cứu mình. Nhưng dù lý do nào đi nữa, thì sự thật vẫn là những người được ơn đã quên mất Đấng là mọi nguồn ơn lành.

4. John Hughes là một tài xế taxi nại Nữu ước. Một sáng nọ, trong khi lau chùi xe, ông bắt gặp một chiếc nhẫn bằng ngọc bảo trên xe. Ông cố nhớ xem chiếc nhẫn này là của người hành khách nào. Cuối cùng, ông nhớ đến một người phụ nữ đã mang theo rất nhiều tiền. Sau hai ngày tìm kiếm, ông gặp lại người phụ nữ và hồi hộp trả lại  chiếc nhẫn cho bà ta. Chẳng những không thưởng, mà bà ta cũng chẳng nói một lời cám ơn. Sau đó, ông John Hughes nói:”Tôi rất mừng vì dù sao cũng đã gặp được bà ta. Đó là việc tôi phải làm”.

5. Mười người đều được khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn chúa. Tỉ lệ 1/10 thật là đáng buồn. Vì thế có người nói rằng: “Con người ta thường  hay ích kỷ: muốn người khác phải trả ơn mình, biết ơn mình, còn mình không để ý cám ơn ai”. Hơn nữa, người ta dễ quên ơn và mau quên ơn Đời là thế: Lẽ ra phải

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Ăn cây nào rào cây ấy,

Uống nước phải nhớ nguồn,

Thì lại:

Ăn cháo đá bát,

Vắt chanh bỏ vỏ,

Có trăng phụ đèn,

Ăn mật trả gừng,

Ăn sung trả ngải...

Kẻ muốn được ơn thì quá nhiều, còn kẻ biết ơn, hàm ơn, thì lại quá ít, và số người này lớn quá (Phạm văn Phượng).

6. Truyện: Nhật ký của một bà già.

Đây là những lời của một bà già  viết trong Nhật ký:

Chúa ban cho tôi biết bao ơn lành của Chúa,

Chúa cho tôi đôi mắt, để tôi nhìn ngắm bao kỳ công,

Chúa cho tôi đôi tai, để tôi nghe đủ âm thanh,

Chúa cho tôi đôi môi, để tôi hé mở nụ cười,

Chúa ban cho tôi hai tay, để tôi bưng chén cơm, cầm bút,

Chúa cho tôi đôi chân, dẫn tôi đi khắp nẻo đường,

Chúa cho tôi khối óc, để tôi biết phân biệt điều thực điều hư,

Mà đã có lần nào tôi nhớ đến những thứ ấy để cám ơm Chúa chưa?

Hay phải đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, tôi mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.

 

Suy niệm 10: Lòng biết ơn

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Bài Tin Mừng này được đọc nhiều lần trong năm. Mỗi lần đọc câu chuyện này tôi lại cảm thấy có cái gì đó xót xa trong lòng. Xót xa vì số người “biết ơn” trên cõi đời này ít quá. Người Á đông chúng ta rất trọng sự biết ơn, nhất là đối với những bậc sinh thành: Biết ơn ông bà tổ tiên. Lòng biết ơn ấy đã được nâng lên thành một đạo: Đạo ông bà.

Bởi vậy, thái độ vô ơn sẽ là một thái độ khó hiểu trong cuộc sống.

Một cậu bé ngồi hàng ghế đầu trên xe buýt. Thấy một cụ già lên xe, cậu nhường ghế cho cụ. Ông cụ ung dung ngồi xuống, không nói một tiếng nào. Cậu bé hỏi:

- Thưa ông, ông vừa nói gì thế?

- Tôi có nói gì đâu.

- Vậy mà cháu tưởng ông nói “cám ơn” chứ. (Quote)

2. Lòng biết ơn là giá trị cốt yếu nhất của một đời người, vì nó nhắc nhở cho con người về chân lý nền tảng của cuộc sống, đó là sự sống không tự nhiên mà có. Tôi không tự mình mà hiện hữu, tôi không tự mình mà nên người. Tôi không thể sống mà không cùng sống với người khác. Tôi không thể hạnh phúc mà không cần nhờ đến người khác. Nếu tôi là con người có suy nghĩ một chút, tôi sẽ không thoát khỏi câu hỏi: Tôi bởi đâu mà ra? Và nếu tôi là người thành tâm đi tìm giải đáp cho vấn đề nhân sinh thì cuối cùng, tôi sẽ thấy rằng, tôi không thể là một con người biết ơn mà lại có thể là một người vô thần.

Đây là những lời của một bà cụ già viết trong Nhật ký:

Chúa ban cho tôi biết bao ơn lành của Chúa

Chúa cho tôi đôi mắt, để tôi nhìn ngắm bao kỳ công

Chúa cho tôi đôi tai, để tôi nghe đủ âm thanh

Chúa cho tôi đôi môi, để tôi hé mở nụ cười

Chúa cho tôi hai tay, để tôi bưng chén cơm, cầm bút

Chúa cho tôi đôi chân, dẫn tôi đi khắp mọi nẻo đường

Chúa cho tôi khối óc, để tôi biết phân biệt điều thực điều hư

Mà đã có lần nào tôi nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa chưa,

Hay phải đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, tôi mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.

3. Thật là cảm động khi người trở lại cám ơn Chúa lại là một người ngoại đạo! “Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,15).

Hồi còn học Trung Học, có một cuốn sách tôi rất thích đọc đó là cuốn “Những Tấm Lòng Cao Cả” của Edmondo Amicis. Trong tác phẩm này tôi thấy có rất nhiều chuyện hay. Và đây là một trong những chuyện đó. Chuyện kể rằng:

Có một thầy giáo nọ ở tỉnh Torino nước Ý được phân công đến dạy học cho những người tù trong suốt mùa đông.

Để giảng bài, ông đứng giữa một căn phòng hình ống, chung quanh là tường cao trần trụi có rất nhiều những ô cửa sổ nhỏ gắn chấn song sắt: Mỗi ô cửa là một xà lim, bên trong những ô cửa đó là những khuôn mặt hốc hác, râu tóc bù xù và những ánh mắt hết sức dữ tợn của những tội nhân với nhiều loại tội khác nhau, hay là những khuôn mặt của những tội nhân đang bị dày vò bởi những lỗi lầm đã trót phạm của mình...

Thầy giáo cứ thế giảng bài, đi đi lại lại quanh phòng, còn học sinh thì áp sát cuốn vở vào song sắt mà hí hoáy ghi chép.

Trong đám tù có một người mang số 78 là chăm chỉ chuyên cần nhất. Anh nhìn xuống thầy giáo với đôi mắt cung kính mến phục. Anh còn trẻ. Trước đây làm thợ mộc. Trong một lần bị oan ức, anh đã tức giận ném mạnh cái bào gỗ vào đầu tên chủ xưởng khiến hắn bị tử thương. Anh bị kết án 20 năm cấm cố. Chỉ trong ba tháng học mùa đông, người tù ấy đã biết đọc biết viết khá thông thạo.

Một hôm, buổi học vừa xong, anh đưa tay ra hiệu mời thầy giáo lại gần ô cửa sổ của anh. Anh buồn rầu báo tin rằng, hôm sau anh sẽ phải chuyển đi trại giam khác. Anh ngỏ lời từ biệt và xin được hôn lên đôi bàn tay thầy giáo. Thuyết phục nài nỉ mãi, anh mới được toại nguyện. Người thầy khi rút tay lại thì thấy tay mình đẫm nước mắt...

Thời gian thấm thoát trôi qua, chợt một hôm, thầy giáo ra mở cửa thì thấy một người lạ mặt quần áo nghèo túng, râu tóc đã bắt đầu muối tiêu. Người ấy nghẹn ngào tự giới thiệu:

- Thầy ơi, con chính là người tù số 78 mà thầy đã dạy cho con biết đọc biết viết trong một mùa đông giá lạnh cách đây 6 năm. Bây giờ thì con đã được mãn hạn tù, con đến xin thầy vui lòng nhận cho một vật nhỏ mà tự tay con đã làm ra trong tù, con chỉ thành tâm muốn biểu lộ lòng biết ơn vô hạn của con đối với thầy.

Thầy giáo lại một lần nữa xúc động đỡ lấy món quà, ông nhận ra ngay đó là một chiếc bình mực làm bằng gỗ, trên mặt có khắc tỉ mỉ hình một quyển tập và một dòng chữ nắn nót trân trọng: “BIẾT ƠN THẦY...”

 

Suy niệm 11: Biết nhận ra ân huệ Chúa để cảm tạ tri ân

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Thái độ của 10 người cùi trong đoạn Tin Mừng này: biết phận mình nên khi thấy Chúa Giêsu thì “dừng lại đàng xa” và kêu xin.

2. Khi của Chúa Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế”, Chúa Giêsu vừa thử đức tin của họ vừa mời họ tin tuyệt đối vào Ngài:

  - Thử thách đức tin: vì Ngài không chữa bệnh ngay

  - Mời gọi đức tin: nếu họ đi là chứng tỏ họ tin Ngài chữa họ.

3. 9 người cùi do thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Một người cùi xứ Samari trở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được.

B.... nẩy mầm.

1. Cám ơn là gì ? Điểm đáng chú ý là Thánh Luca không ghi lại lời cám ơn của Người Samari cho nên chúng ta không biết anh ta đã nói gì. Nhưng Thánh Luca ghi khá tỉ mỉ thái độ của anh ta: anh “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài”. Thực ra nói cám ơn Chúa thì chúng ta đã nói nhiều. Nhưng lòng biết ơn thực còn xuất phát từ sự nhận thấy tình thương Chúa, thức đẩy ta quay trở lại với Chúa, thôi thúc ta tôn vinh Chúa và sấp mình thờ lạy Chúa nữa.

2. Hai tiếng “Cám ơn” giúp ích rất nhiều chẳng những cho ta mà còn cho người được nghe nó nữa:

- Khi ta cám ơn ai, người đó sẽ hài lòng, và lần sau họ sẽ sẵn sàng giúp ta nữa.

- Nghe ta nói cám ơn, lòng người ta vui, mặt người ta sáng, người ta sẽ làm việc vui vẻ hơn.

Hai tiếng “cám ơn” khi được thốt ra bởi những người lớn hơn thì càng sinh hiệu quả nhiều hơn. Chẳng hạn cha mẹ cám ơn con cái, thầy cô cám ơn học trò, chủ cám ơn tớ...

Nhưng tại sao người ta thường cám ơn “người dưng” hơn là cám ơn “người nhà” ? (Frank Mihalic).

3. Tâm lý chung:

- Ta quen nghĩ đến mình và quên nghĩ tới người, nhất là trong những lúc quá mừng, quá lo  (những ngày đại tiệc, dễ quên cám ơn những người phục vụ bếp núc đã vất vả cho buổi lễ của ta).

- Ta dễ vụ lợi, ích kỷ, vô ơn: ‘Hữu sự vái tứ phương, vô sự đồng hương không mất’, ‘Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi’.

4. Người Á đông chúng ta có thói quen trọng sự biết ơn: Biết ơn ông bà tổ tiên, Đạo ông bà… Nhưng cũng nên đề phòng thái độ biết ơn chỉ ngừng lại ở phạm vi công bằng, biết điều, ‘Ơn đền; oán trả’, và đi đến chỗ phải mau lo đền ơn để  rũ nợ cho sớm.

5. Một cậu bé ngồi hàng ghế đầu trên xe buýt. Thấy một cụ già lên xe, cậu nhường ghế cho cụ. Ông cụ ung dung ngồi xuống, không nói tiếng nào. Cậu bé hỏi:

- Thưa ông, ông vừa nói gì thế ?

- Tôi có nói gì đâu.

- Vậy mà cháu tưởng ông nói “cám ơn” chứ. (Quote)

6. Các tâm tình tạ ơn gương mẫu: - Magnificat - Benedictus - Nunc dimmittis - Thánh Lễ (Eucharistie).

7. “Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,15)

Chúa cho con đôi mắt, con nhìn bao kỳ công

Chúa cho con đôi tai, con nghe đủ âm thanh

Chúa cho con đôi môi, con hé mở nụ cười

Chúa cho con hai tay, bưng chén cơm, cầm bút

Chúa cho con đôi chân, dẫn con khắp nẻo đường

Chúa cho con khối óc, phân biệt điều thực hư…

Những điều con có đó, tưởng tầm thường nhưng thật vĩ đại, thật cao cả.

Mà đã lần nào con nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa.

Chắc đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, con mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con nhiều điều. Nhưng xin ban cho chúng con một điều nữa là cho chúng con luôn biết nhận ra những ân huệ Chúa mà không ngừng cảm tạ tri ân. Amen. (Hosanna)
 

Anh sấp mình dưới chân Đức Giêsu và tạ ơn Người – SN song ngữ ngày 10.11.2021

Wednesday (November 10):  “He fell at Jesus’ feet giving thanks”

Scripture:  Luke 17:11-19  

11 On the way to Jerusalem he was passing along between Samaria and Galilee. 12 And as he entered a village, he was met by ten lepers, who stood at a distance 13 and lifted up their voices and said, “Jesus, Master, have mercy on us.” 14 When he saw them he said to them, “Go and show yourselves to the priests.” And as they went they were cleansed. 15 Then one of them, when he saw that he was healed, turned back, praising God with a loud voice; 16 and he fell on his face at Jesus’ feet, giving him thanks. Now he was a Samaritan. 17 Then said Jesus, “Were not ten cleansed? Where are the nine? 18 Was no one found to return and give praise to God except this foreigner?”  19 And he said to him, “Rise and go your way; your faith has made you well.”

 

Thứ Tư     10-11                 Anh sấp mình dưới chân Đức Giêsu và tạ ơn Người

Lc 17,11-19

11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! “14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch.15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? “.19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”19 “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”

 

Meditation: What can adversity teach us about the blessing of thanksgiving and the healing power of love and mercy? The Book of Proverbs states: A friend loves at all times; and a brother is born for adversity (Proverbs 17:17). When adversity strikes you find out who truly is your brother, sister, and friend. The Gospel records an unusual encounter between two peoples who had been divided for centuries. The Jews and Samaritans had no dealings with one another even though Samaria was located in the central part of Judaea. Both peoples were openly hostile whenever their paths crossed. In this Gospel narrative we see one rare exception – a Samaritan leper in company with nine Jewish lepers. Sometimes adversity forces people to drop their barriers or to forget their prejudices. When this band of Jewish and Samaritan lepers saw Jesus they made a bold request. They didn’t ask for healing, but instead asked for mercy.

Mercy is heartfelt sorrow at another’s misfortune

The word mercy literally means “sorrowful at heart”. But mercy is something more than compassion, or heartfelt sorrow at another’s misery and misfortune. Compassion empathizes with the sufferer. But mercy goes further – it removes suffering. A merciful person shares in another’s misfortune and suffering as if it were his or her own. And such a person will do everything in his or her power to dispel that misery.

Mercy is also connected with justice. Thomas Aquinas (1225-1274), a great teacher and scripture scholar, said that mercy “does not destroy justice, but is a certain kind of fulfillment of justice. ..Mercy without justice is the mother of dissolution; (and) justice without mercy is cruelty.” Mercy..”moves us to do what we can do to help the other.” Mercy seeks to remedy the weakness of others, and where sin is involved to lead others to recognize their need for repentance and turning away from wrongdoing. Pardon without repentance negates justice.

 

 

God’s mercy brings healing of mind, heart, and body

So what is the significance of these ten lepers asking Jesus to show them mercy? They know they are in need of healing, not just physical, but spiritual healing as well. They approach Jesus with faith and with sorrow for their sins because they believe that he can release the burden of their guilt and suffering and restore both soul and body. Their request for mercy is both a plea for pardon and release from suffering. Jesus gives mercy to all who ask with faith and contrition (true sorrow for sin).

 

Why did only one leper out of ten return to show gratitude? Gratefulness, a word which expresses gratitude of heart and a thankful disposition, is related to grace – which means the release of loveliness. Gratitude is the homage of the heart which responds with graciousness in expressing an act of thanksgiving. The Samaritan approached Jesus reverently and gave praise to God.

Ingratitude leads to lack of love and kindness, and intolerance towards others

If we do not recognize and appreciate the mercy and help shown to us, we will be ungrateful and unkind towards others. Ingratitude is forgetfulness or a poor return for kindness received. Ingratitude easily leads to lack of charity and intolerance towards others, as well as to other vices, such as complaining, grumbling, discontentment, pride, and presumption. How often have we been ungrateful to our parents, pastors, teachers, and neighbors? Do you express gratitude to God for his abundant help and mercy towards you and are you gracious, kind, and merciful towards your neighbor in their time of need and support?

“Lord Jesus, may I never fail to recognize your loving kindness and mercy. Fill my heart with compassion and thanksgiving, and free me from ingratitude and discontentment. Help me to count my blessings with a grateful heart and to give thanks in all circumstances.”

 

Suy niệm: Nghịch cảnh có thể dạy cho chúng ta điều gì, về năng lực chữa lành của tình yêu và lòng thương xót? Sách châm ngôn nói rằng: Bạn bè thương nhau mọi thời mọi lúc; vào ngày hoạn nạn chỉ có anh em (Cn 17,17). Khi nghịch cảnh ập đến, bạn sẽ biết ai mới thật sự là anh em, chị em, và bạn bè của mình. Phúc âm ghi lại một cuộc gặp gỡ bất thường giữa những người đã được phân cách trong nhiều thế kỷ. Người Do Thái và Samaria không có tiếp xúc với nhau. Và họ công khai bày tỏ sự thù ghét khi gặp mặt nhau. Trong đoạn Phúc âm này, chúng ta thấy một ngoại lệ hiếm có – một người cùi xứ Samaria trong số chín người cùi người Do Thái. Đôi khi nghịch cảnh ép buộc chúng ta buông thả những chướng ngại của mình, hoặc để quên đi những thành kiến của mình. Khi những người cùi nhìn thấy Đức Giêsu, họ đã thực hiện một yêu cầu táo bạo. Họ không cầu xin cho được chữa bệnh, nhưng cầu xin lòng thương xót.

 

Thương xót là đau đớn từ cõi lòng trước sự bất hạnh của người khác

 

Hạn từ thương xót nghĩa đen là “phiền muộn trong lòng”. Nhưng lòng thương xót là cái gì còn hơn cả lòng trắc ẩn, hay phiền muộn chân thành về sự bất hạnh của người khác. Lòng trắc ẩn thương cảm với người đau khổ. Nhưng lòng thương xót đi xa hơn, nó sẽ cất đi sự đau khổ. Một người có lòng thương xót chia sẻ sự bất hạnh và đau khổ của người khác như thể nó là của riêng mình. Và họ sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để xua đuổi sự đau khổ đó.

 

Lòng thương xót cũng được nối kết với công lý. Thánh Thomas Aquinas (1225-1274), một giáo sư lỗi lạc và nhà nghiên cứu Kinh thánh cho rằng lòng thương xót “không tiêu diệt công lý, nhưng là sự thi hành công lý… Lòng thương xót mà không có công lý là mẹ của sự phân hủy; và công lý mà không có lòng thương xót là tàn ác”. Lòng thương xót thúc đẩy chúng ta làm những gì chúng ta có thể làm để giúp người khác”. Lòng thương xót tìm hóa giải sự yếu đuối của người khác, và ở đâu có tội lỗi thì dẫn họ tới sự nhận ra sự cần thiết phải sám hối và từ bỏ những việc làm sai trái. Tha thứ mà không có hối hận là phủ nhận công lý.

 

Lòng thương xót của TC đem lại sự chữa lành cho trí óc, tâm hồn, và thân xác

 

Vì vậy, ý nghĩa của mười người phung cầu xin lòng thương xót là gì? Họ biết họ đang cần chữa bệnh, không chỉ về phần thể lý, nhưng còn về phần thiêng liêng nữa. Họ đến gần với Đức Giêsu lòng thống hối và đức tin, vì họ tin rằng Người có thể gỡ bỏ gánh nặng tội lỗi và đau khổ và phục hồi cho thân xác và tâm hồn. Yêu cầu của họ cho lòng thương xót vừa là sự cầu xin cho tha thứ, và giải thoát khỏi đau khổ. Đức Giêsu tỏ lòng thương xót cho tất cả những ai cầu xin với lòng tin và lòng thống hối (hối tiếc thật sự vì tội lỗi).

 

Tại sao chỉ có một người cùi trong số mười người trở lại để bày tỏ lòng biết ơn? Sự biết ơn diễn tả tấm lòng tri ân và cảm tạ, được kết nối với ơn sủng – Có nghĩa là sự bày tỏ vẻ đẹp. Lòng biết ơn là sự kính trọng của tâm hồn mà đáp lại với lòng tốt, trong việc thể hiện một cử chỉ tạ ơn. Người Samaria đến gần Đức Giêsu một cách cung kính, và dâng lời ngợi khen Chúa.

 

Sự vô ơn dẫn tới sự thiếu tình yêu, nhân hậu và bất dung đối với người khác

 

Nếu chúng ta không nhận ra và tri ân lòng thương xót đã dành cho chúng ta, chúng ta trở thành người vô ơn. Sự vô ân là sự quên đi hoặc thái độ lạnh nhạt đối với lòng tốt đã nhận được. Sự vô ân dễ dàng dẫn đến sự thiếu lòng mến và không có sự khoan dung đối với những người khác, cũng như tội lỗi khác, như sự bất mãn, không hài lòng, than trách, càu nhàu, kiêu ngạo và ngạo mạn. Chúng ta có thường vô ơn với cha mẹ, cha xứ, các giáo viên, và hàng xóm của chúng ta không? Bạn có bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa về lòng thương xót của Người dành cho bạn, và bạn có tỏ lòng thương xót đối với tha nhân không?

 

Lạy Chúa Giêsu, ước gì con không bao giờ lơ là để nhận ra lòng nhân hậu và thương xót yêu thương của Chúa.  Xin lấp đầy trái tim con lòng trắc ẩn và biết ơn, và giải thoát con khỏi sự vô ân và bất mãn. Xin giúp con ghi nhớ những phúc lành của con với lòng biết ơn, và dâng lời cảm tạ Chúa trong mọi trường hợp.

 

Theo The Word Among Us
Br. Paul Thanh Vu, SDD. chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây