Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng.

Thứ sáu - 17/12/2021 06:36

Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng.

"Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Ðavít".

 

LỜI CHÚA: Mt 1, 18-24

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

 

Suy Niệm 1: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thiên Chúa bất ngờ và mãi mãi bất ngờ.

Ngài muốn cứu độ nhân loại bằng cách sai Con Một làm người.

Cách trở thành người của Con Thiên Chúa

vừa bình thường, lại vừa tuyệt đối khác thường.

Bình thường vì Ngài được một phụ nữ sinh ra (x. Gl 4, 4).

Khác thường vì Ngài được sinh ra không do một người cha ruột,

nhưng do quyền năng của Thánh Thần (cc. 18. 20).

Đây là niềm tin ngay từ thuở ban đầu của các Kitô hữu.

Giáo Hội sung sướng đến với máng cỏ

để chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu và Mẹ đồng trinh của Ngài.

Nhưng chúng ta không được quên thánh Giuse.

Giuse đã bối rối, đau khổ khi thấy vị hôn thê của ông mang thai,

dù Maria chưa về chung sống với ông, dù chưa làm đám cưới.

Ông không muốn tố cáo Maria vì tội ngoại tình,

nhưng ông cũng không thể lấy Maria làm vợ,

với thai nhi trong bụng không phải của ông.

Cuối cùng ông chọn giải pháp là chia tay bà một cách kín đáo (c. 19).

Như thế ông hy vọng sẽ bảo vệ được danh dự và an toàn cho Maria.

Nhưng Thiên Chúa Cha cần Giuse,

cần một người cha nhân loại cho Con mình.

Con Thiên Chúa không thể sinh ra trong một gia đình không cha.

Người cha cần biết bao cho sự phát triển quân bình của đứa trẻ.

Maria cũng cần chỗ dựa và không thể một mình nuôi con.

Qua sứ thần, Thiên Chúa mong Giuse đón Maria về làm vợ (c. 20),

nghĩa là làm đám cưới chính thức với Maria.

Việc này đi kèm với việc đặt tên cho người con trai của Maria,

nghĩa là nhận người con ấy là con của mình trước pháp luật (c. 21).

Một lời mời quan trọng chờ nơi Giuse một tiếng Xin Vâng.

Đâu phải Thiên Chúa chỉ cần tiếng Xin Vâng của Maria là đủ.

Giuse có thể từ khước vì thấy mầu nhiệm khó hiểu và khó tin.

Làm sao quyền năng Thánh Thần lại có thể làm cho Maria mang thai?

Giuse có thể sợ vì thấy mình phải chịu trách nhiệm làm chồng làm cha,

dù thực sự mình chẳng hề là thế.

Thiên Chúa đã mời Giuse trong giấc ngủ đêm khuya.

Và ông đã làm y như lời sứ thần truyền khi thức dậy (c. 24).

Tiếng Xin Vâng của Giuse quá quan trọng cho kế hoạch cứu độ,

nhờ đó Con Thiên Chúa đàng hoàng bước vào cuộc đời,

có một mái nhà, có mẹ, có cha, có tên, có tuổi.

Nếu không có những tiếng Xin Vâng của Maria và Giuse,

thì điều gì sẽ xảy ra cho nhân loại đang cần ơn cứu độ?

Thiên Chúa chỉ ở-với-chúng ta nếu có những tấm lòng xin vâng.

Ngài vẫn cần tấm lòng của người mẹ biết cưu mang như Maria,

và tấm lòng của người cha dám chịu trách nhiệm

để Giêsu có chỗ đứng hợp pháp trong thế giới.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con

và thuộc về con từ lâu. Amen.

 

Suy Niệm 2: Triều đại công chính

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Từ xưa người nghèo luôn bị bóc lột. Dân nghèo luôn bị nô lệ. Vì thế luôn mong chờ một triều đại công chính. Giê-rê-mi-a loan báo sẽ có vua công chính từ dòng dõi Đa-vit. Sẽ thi hành điều chính trực công minh. Sẽ là “sự công chính của chúng ta”.

Công bình chính trực. Công bình là của ai phải trả lại cho người ấy. Người ta bất công vì muốn chiếm đoạt của người khác. Vì thế sinh ra chiến tranh, oán hờn, bất ổn. Đặc biệt người ta chiếm đoạt quyền của Thiên Chúa. Cần phải “của Xê-da trả cho Xê-da; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”(Mc 12,17). Chỉ khi Vua Công Chính đến ta mới được hưởng nền “thái bình thịnh trị”.

Thánh Giu-se thuộc về triều đại công chính. Nên Người sống công chính. Chỉ dám nhận những gì thuộc về mình. Không dám nhận Ma-ri-a vì Mẹ thuộc về Thiên Chúa. Không dám nhận Chúa Giê-su vì Chúa là Con Thiên Chúa. Không dám tố cáo Ma-ri-a vì quyền xét đoán thuộc về Thiên Chúa. Thánh nhân chỉ biết lặng lẽ rút lui. Để Thiên Chúa ra tay. Vì quyền thuộc về Thiên Chúa. Quả nhiên Thiên Chúa đã nói với thánh Cả: “Đừng sợ nhận Ma-ri-a”. Lại còn truyền cho ngài đặt tên cho con trẻ. Đặt tên là có quyền trên con trẻ. Con trẻ được trinh nữ sinh ra. Trinh nữ làm sao sinh con. Đó chỉ có thể là quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng Giu-se được quyền. Vì Chúa là Em-ma-nu-en. Là Thiên Chúa ở với loài người. Chỉ khi được Thiên Chúa trao quyền, Giu-se mới dám trở về lãnh nhận. Đó là người công chính.

Người công chính. Thuộc về triều đại công chính. Xứng đáng đón nhận Vua Công Chính. Đó là tấm gương cho ta. Ta cũng phải sống công chính. Để được là thần dân của Vua Công Chính. Ta phải làm chứng cho Vua Công Chính. Nên phải sống công chính. Ta phải cùng người xây dựng triều đại công chính. Nên phải sống công chính.

Lạy Vua Công Chính, xin hãy đến. Xin hãy giúp con sống công chính. Để góp phần thay đổi thế giới này. Một thế giới còn quá nhiều bất công. Nơi người mạnh ức hiếp người yếu. Người giầu chèn ép người nghèo. Người có quyền chà đạp người dân lành. Xin cho con biết xây dựng triều đại công chính. Để Chúa ngự trị trên thế giới. Để muôn dân được hưởng nền thái bình thịnh trị.

 

Suy Niệm 3: Dòng Tộc Của Chúa Kitô

Có một vị vua kia đã già cả nhưng lại không có con nối dõi tông đường, nên nhà vua đã ra lệnh mời các chàng trai trẻ đến cung vua để chọn một người làm dưỡng tử mà sau này sẽ lên ngôi cai trị. Ðiều kiện thật đơn giản, chỉ cần người đó biết mến Chúa và yêu mến anh em hết lòng.

Từ một vùng quê xa xôi, một chàng thanh niên cũng biết đến việc chọn này của nhà vua. Chàng muốn đến cung vua ứng thi nhưng khốn nỗi chàng chẳng có một bộ áo quần nào xứng cho buổi triều yết. Sau một thời gian dành dụm, cuối cùng chàng cũng cố gắng sắm cho mình một bộ đồ tạm xứng với lối triều yết.

Ðến gần hoàng cung, chàng gặp một ông lão xá lạy bên vệ đường trong bộ quần áo rách rưới. Ông lão ngửa tay xin bộ đồ chàng đang mặc.

Ðộng lòng thương, chẳng chút ngần ngừ chàng đổi cho ông già bộ quần áo của mình.

Khi đến gần cửa thành, lòng chàng lại hoang mang chẳng biết lính canh có cho chàng vào với quần áo tả tơi như vậy không. May mắn thay chẳng một ai hạch hỏi về quần áo của chàng và khi đến trước ngai rồng chàng càng ngạc nhiên hơn nữa, vị vua đang ngồi trên ngai chính là ông già ăn xin đã được chàng giúp cho bộ quần áo. Chàng không tin vào mắt của mình. Nhưng kìa, vua đang mỉm cười nhìn chàng: "Hỡi con yêu dấu, hãy đến đây, ta đang chờ con".

Anh chị em thân mến!

Chàng thanh niên đã được chọn làm dưỡng tử và làm thừa kế nhờ tấm lòng quảng đại bao dung của anh. Hôm nay thánh sử Matthêu cũng tường thuật việc Vua trời đất chọn lựa một người Cha cho mình trước khi Ngài đến ở với con người.

Xét về nguồn gốc, thánh Giuse đích thực thuộc dòng dõi David, hậu duệ của vua David. Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong dòng dõi này để ứng nghiệm lời các tiên tri đã báo trước: "Này đây đã tới ngày Ta gây cho David một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm Vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan thực hiện công lý và công bình trên đất nước". Hoặc ở một chỗ khác: "Chúa sẽ tạo lập cho David một nhà. Nhà của Người và triều đại của Người sẽ vững chắc đến muôn đời. Ngôi báu của Người sẽ vững bền mãi mãi".

Tuy nhiên, hậu duệ của David không phải chỉ có một mình Giuse nhưng đã có hàng trăm hàng ngàn hậu duệ ấy Giuse đã được chọn làm dưỡng tử của Con Thiên Chúa, vì Ngài quảng đại và bao dung.

Một gia đình sống đời vợ chồng ai lại chẳng mơ ước đến chuyện chung chăn gối, thế mà Giuse lại ký kết hôn ước với một người đã thề hứa suốt đời không biết đến người Nam. Và rồi người Nữ mà Ngài hết lòng yêu mến và quí trọng ấy bỗng dưng lại mang thai. Nàng là người đức hạnh đoan trang sao lại bụng mang dạ chửa cách lén lút?

Theo luật Do Thái, Giuse có thể tố cáo người Nữ ấy trước Hội Trường Do Thái để nàng bị ném đá vì tội ngoại tình. Nhưng do tấm lòng bao dung ngài đã không làm thế. Ngài chỉ muốn âm thầm rút lui, không cãi vã to tiếng. Ngài tôn trọng nàng, ngài muốn để mặc cho nàng tự phân xử.

Ðang khi định tâm như vậy thì Thiên Chúa đã ra tay can thiệp, vì ngần ấy diễn tiến cũng đủ để cho Giuse làm dưỡng tử của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Lời của sứ thần đã soi sáng giải đáp thắc mắc bấy lâu đang dày vò tâm hồn Giuse. Hơn thế nữa, sứ thần đã trao cho Giuse nhiệm vụ đặt tên cho con trẻ mới sinh. Với người Do Thái chỉ có người cha là người có quyền tối hậu trong việc đặt tên cho đứa trẻ, dù cho bà con thân thuộc có muốn gì đi nữa khi chưa có ý kiến của người cha thì việc đặt tên cũng không mang lại giá trị gì.

Như chúng ta đã thấy buổi lễ đặt tên cho Gioan Tẩy Giả cũng phải do người cha đặt tên. Ở đây cũng vậy, Giuse được Thiên Chúa ra tay can thiệp để lòng yêu thương nơi Ngài không bị rạn nứt, sứt mẻ, mà từ đây lòng yêu thương đã có dịp bộc lộ trọn vẹn. Giuse đã đón nhận người bạn đời về nhà mình và hết lòng yêu thương chăm sóc cho nàng cũng như cho người Con nàng đang cưu mang.

Thật thế, cuộc đời của mỗi người cũng có lúc căng thẳng, phân vân, đau khổ vì phải chọn lựa quyết định, nhưng Thiên Chúa Ngài đã thông suốt tất cả những giai cấp này, thế nhưng Ngài vẫn im lặng chờ đợi. Ngài chờ phản ứng nơi mỗi người chúng ta do yêu thương hay giận ghét, nếu chúng ta xử sự với tấm lòng yêu thương quảng đại thì chắc chắn Ngài sẽ kịp thời trợ giúp và chẳng bao giờ Ngài để cho lòng yêu thương bị rạn nứt sứt mẻ. Trong mùa đón chờ vị Vua tình yêu giáng thế, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ luôn dùng thái độ bao dung quảng đại làm kim chỉ nam hướng dẫn các suy tưởng và hành động của mỗi người chúng ta.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Đấng Emmanuel

Giữa lúc dân Israel đang bị lưu đầy ở Babylon, Thiên Chúa đã sai Yêrêmia loan báo một Tin mừng là Ngài sẽ ban cho họ một vị vua sẽ đưa dân lưu đầy trở lại quê hương và thiết lập một dân Israel mới. Vị vua ấy được thánh Matthêu giới thiệu là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã ở giữa dân Ngài. Ngài đã ở với họ trong áng mây, cột lửa, Ngài đã ở nơi họ trong Hòm Bia giao ước và nơi các nhân vật đặc tuyển. Nhưng vì muốn ở với họ một cách sâu xa hơn. Ngài đã trở nên Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

Tuy nhiên, để có thể ở giữa loài người, Ngài đã muốn có sự cộng tác của con người. Đức Maria là người đầu tiên và gương mẫu của việc thực hiện kế hoạch Emmanuel. Đứng trước kế hoạch hoàn toàn trái ngược với hoài bão và mơ ước của mình, Người đã tự xoá bỏ mình và cúi đầu vâng phục. Thánh Giuse cũng vậy, sau khi đã được giải thích cho biết về kế hoạch thần linh, Người cũng đã sẵn lòng quên mình để  cho ý định của Thiên Chúa được hoàn tất. Chính việc tự xoá mình và hoàn toàn giao phó đời mình cho Thiên Chúa đã làm cho tình yêu của các ngài sung mãn và đạt đến mức thiên giới mà không cần quan hệ giới tình.

Đấng Emmaanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi vẫn đang làm cho nhân loại xoá bỏ những chia rẽ, đố kỵ, ngăn cách để được hợp nhất với nhau trong tình yêu, bởi vì, Ngài là Tình yêu, Ngài sẽ không thể tìm được nơi ở, bao lâu nhân loại còn đầy những ích kỷ, oán hận, tranh chấp.

Nhưng trên tất cả, Ngài muốn có một chỗ trong tâm hồn chúng ta. Ước gì chúng ta biết mở rộng lòng đón lấy Ngài, nên một với Ngài, nhờ đó Ngài có thể mãi mãi là Đấng Emmanuel cho ta và cho nhân loại hôm nay.

 

Suy Niệm 5: Trong kế hoạch của Thiên Chúa

Ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. (Mt. 1, 20-21)

Nhiều khi chúng ta làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa vì không biết được tính chất huyền nhiệm. Hôm nay, Tin mừng cho chúng ta thấy Giu-se như chống lại đường lối huyền nhiệm của Thiên Chúa.

Giu-se bị đặt trước sự kiện một con trẻ được cưu mang bởi một nữ đồng trinh. Đức Maria, vị hôn thê của ông, được chọn làm Mẹ theo ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mẹ được chọn đi vào đường lối khác thường. Thái độ của Mẹ thế nào? Thái độ của người công chính ra sao? Không phải thứ công chính giữ theo luật pháp, cũng không theo ý niệm loài người của Maria. Công chính đây theo nghĩa riêng của Kinh thánh là hợp với thánh ý Thiên Chúa. Giu-se công chính vì ông kính trọng công trình của Thiên Chúa và thực thi vai trò Thiên Chúa xếp đặt cho ông. Trong khi thánh Giu-se chuẩn bị cho Maria hoàn toàn tự do theo đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa đã se định, thì Thiên Chúa đã làm cho ông khám phá ra rằng ông cũng giữ một vai trò thiết yếu đối với xã hội là bảo lãnh cho Đức Giêsu thuộc gia hệ ông. Thực vậy, chính nhờ ông, Đức Giêsu thuộc dòng Đa-vít. Ông đã làm tròn vai trò đó khi nhận Maria làm vợ, đồng thời bảo đảm cho con trẻ sắp sinh ra có cha trước luật pháp. Nhờ thế Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch đã định cho Đấng Cứu thế thuộc con dòng Đa-vít.

Khi nhận ra thân phận loài người chúng ta, Đức Giêsu cho chúng ta thấy rõ rằng chính trong lịch sử đời mỗi người chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày Chúa Cha cũng thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài. Chúng ta có thể noi theo thái độ của người công chính như thánh Giu-se không? Với con mắt đức tin, chúng ta có sẵn sàng luôn luôn chú ý tuân theo ý Chúa đang thực hiện trong đời sống chúng ta không?

R.St.G

 

Suy Niệm 6: Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Giữa lúc dân Israel đang quằn quại trong cảnh lưu đầy tại Babylon. Dân mong ngóng được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh sầu thương tang tóc. Sự mong đợi của dân đã được Thiên Chúa nhìn đến khi cho xuất hiện tiên tri Giêrêmia đến để loan báo tin vui cho dân, ngài loan báo: một vị Vua Công Chính, Khôn Ngoan sẽ ngự trị để lãnh đạo dân, và Ngài sẽ được gọi là: “Chúa công bình của chúng ta”. Sứ vụ của vị vua này chính là đưa dân trở về quê hương để lập lại một dân mới.

Sang bài Tin Mừng, thánh Mátthêu giới thiệu cho chúng ta biết vị vua đó chính là Đấng Emmanuel, nghĩa là  Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ngự giữa dân cách cụ thể và cứu dân bằng con đường tự hủy. Ngài vốn là một Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không dành cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mà Ngài đã tự hủy mình đi, nhận lấy thân phận người phàm, trở nên giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi để cứu chuộc chúng ta.

Thật vậy, Đức Giêsu, Đấng là Emmanuel đó đã xóa đi mọi ngăn cách để ở giữa loài người và không ngừng thi ân giáng phúc cho mọi người.

Trong những ngày này, nhiều nơi đang chuẩn bị làm hang đá, tập những bài thánh ca... để chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, những việc làm đó sẽ trở nên vô ích khi chính đời sống nội tâm chúng ta không chuẩn bị thanh lọc những thứ như đố kỵ, giận hờn, ghen ghét... Vẫn còn bộn bề với lối sống hình thức bên ngoài...!

Nếu không chừng, Đấng Emmmanuel, đã ở cùng nhân loại nhưng vô phúc cho chúng ta vì Ngài lại không có một chỗ để ở trong cung lòng của ta!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau, đón nhận nhau trong tình huynh đệ. Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn để trong sâu thẳm nội tâm, chúng ta có một chỗ cho Đấng Emmanuel ở cùng chúng ta.

Lạy Đấng Emmanuel, xin cho tâm hồn chúng con xứng đáng là máng cỏ cho Ngài ngự trị. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Hạnh phúc khi để Chúa thực hiện điều Chúa muốn

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở giữa loài người để yêu thương và ban ơn cứu độ. Ngài mời gọi ta cùng thực hiện kế hoạch này theo gương Đức Maria và thánh Giuse.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con phải tri ân và cảm phục biết bao vì Đức mẹ và Thánh Giuse vâng phục và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Đứng trước việc Mẹ sẽ thụ thai và sinh con, Mẹ hoàn toàn choáng váng, ngỡ ngàng, nhưng khi hiểu ra được Thánh Ý Chúa, Mẹ hết lòng xin vâng. Đứng trước việc Đức Maria mang thai, thánh Giuse thực sự bối rối và hốt hoảng, nhưng khi hiểu ra được kế hoạch của Chúa về Đấng Em-ma-nu-en, Thánh Giuse xin hết lòng cộng tác.

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay giúp con hiểu được rằng: con chỉ có thể có được sự bình an, sự cảm thông và hạnh phúc, khi con để cho Chúa thực hiện điều Chúa muốn. Sở dĩ bao gia đình công giáo hôm nay vẫn bất hòa chia rẽ, nghi ngờ nhau và đi đến tình cảnh bi đát là li dị nhau, phải chăng vì đã không để cho Đấng Em-ma-nu-en ngự trị trong lòng họ và họ đã chối từ Thánh Ý Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết cộng tác với kế hoạch Em-ma-nu-en của Chúa, để con nỗ lực xóa tan đi những đố kỵ ngăn cách giữa người với người. Xin Chúa hãy cắm lều và ở lại trong lòng con, để biến đổi trái tim chai lì khô cứng của con thành một trái tim yêu thương, luôn biết nhạy cảm trước những nỗi đau khổ của tha nhân. Xin cho con biết chấp nhận thánh giá, những nghịch cảnh trong cuộc đời, để Ý Chúa được nên trọn trong con. Và xin Đấng Em-ma-nu-en ở giữa gia đình con cũng như bao gia đình trên thế giới, để xua đuổi đi những hiểu lầm, tranh chấp, những ích kỷ nhỏ nhen, và ban ơn bình an hiệp nhất cho muôn người. Amen.

Ghi nhớ: “Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Ðavít”.

 

Suy Niệm 8Khiêm tốn đón nhận và thực thi ý Chúa

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

Phân tích

Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu nét thứ hai của Chúa Cứu Thế sắp sinh ra: Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở với loài người (C.23). Bài Tin mừng cũng giới thiệu một người đóng vai trò tích cực cho việc Ngài sinh ra: Thánh Giuse.

1. Phần đóng góp của Thánh Giuse vào công trình nhập thể của Chúa Giêsu là:

a/ Cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Đavít, nhờ thế thực hiện đúng lời Thiên Chúa đã hứa xưa từ thời Cựu Ước C.20b: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít”; C.21 “Ông sẽ đặt tên cho con trẻ”: Thánh Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu nghĩa là nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý.

b/ Bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu: C.20c “Đừng ngại đón Maria về; c.24 “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”; c.25 “Và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.”

2. Về ý định ban đầu, Thánh Giuse muốn bỏ đi cách âm thầm kín đáo, các chuyên viên Thánh Kinh còn chưa nhất trí nhau ở một số chi tiết. Nhưng mọi người đều nhất trí về động cơ hướng dẫn mọi hành động của thánh Giuse (ý định ban đầu, và quyết định ở lại sau đó), đó là vì “Giuse là người công chính.” Một giải thích rất đáng lưu ý là: Ban đầu, Giuse biết mình không phải là cha của đứa bé nên vì công chính mà không dám nhận quyền làm cha, bởi đó định âm thầm ra đi (Công chính=không xâm phạm quyền lợi của người khác); sau đó khi biết ý Thiên Chúa muốn mình bảo bọc Đức Maria và Chúa Giêsu thì, cũng vì công chính nên Ngài đã ở lại (Công chính=thi hành ý Thiên Chúa).

3. Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thể sống chung với loài người, bất chấp mọi nghèo nàn, túng thiếu, hèn hạ, khổ sở... Yêu thương là chia vui sẻ buồn, chia sẻ thân phận...

Suy gẫm

1. Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”: Chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu Kitô. Muốn cứu người, không phải chỉ đứng xa chỉ tay năm ngón, hoặc vẽ kế hoạch rồi cho người khác thực hiện. Nhưng là chia sẻ thân phận, đồng hành, và cuối cùng là chịu thiệt vào thân, leo lên cây Thập Giá. Thập Giá là bước cuối cùng của nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu Kitô. Lạy Chúa, xin dạy con biết dấn thân phục vụ như Chúa.

2. Giuse đã thay đổi kế hoạch của mình để theo ý Chúa. Những nhận định và tính toán của ta, dù đầy thiện chí, nhiều khi lại không hợp với chương trình và ý định của Thiên Chúa. Người công chính là người biết bỏ ý riêng, biết thi hành ý Chúa, biết sống lời Fiat như Mẹ Maria, biết sống câu “Xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha” như Chúa Giêsu.

3. Với con mắt người đời, tình yêu của đôi nam nữ Giuse và Maria xem ra chỉ là chuyện bình thường. Nhưng với kế hoạch của Thiên Chúa, với sự quảng đại đáp trả ơn Chúa gọi, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã góp phần cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết dùng tình cảm và tình yêu của con để phục vụ Nước Chúa.

4. “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như thiên thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24)

Tên thánh của tôi là Giuse. Tôi rất tự hào về điều đó và thường tự hỏi “Mình phải làm thế nào để trở nên giống thánh bổn mạng?” Thánh Giuse đã làm như thiên thần dạy là đón nhận Đức Maria. Ngài chấp nhận cuộc sống âm thầm để phục vụ Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Còn tôi thì sao? Một lần, tôi nhờ mẹ giặt hộ một bộ quần áo để đi dự tiệc. Vì bận việc, mẹ tôi đã quên. Tôi cằn nhằn và bỏ luôn buổi tiệc… Ngay cả chuyện nhỏ như vậy mà tôi chưa sẵn sàng vui vẻ đón nhận thì kể gì đến những chuyện lớn lao.

Xin Thánh Giuse dạy con biết khiêm tốn đón nhận và thực thi ý Chúa cách trọn vẹn như Ngài.

 

Suy Niệm 9Truyền tin cho ông Giuse

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng cho chúng ta biết: Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse... Vì cả hai đã khấn giữ mình đồng trinh nên không chung sống với nhau. Nhưng Maria lại có thai, nên thánh Giuse buồn sầu  định lén bỏ đi. Chúa liền sai Thiên thần đến báo cho ông biết: Maria mang thai là do phép Đức Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, phải đặt tên là Giêsu. Đây là Đấng Cứu chuộc nhân loại, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo và gọi là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Thánh Giuse đã làm đúng như lời Thiên thần truyền, ông tiếp nhận Maria và khi bà sinh con thì đặt tên là Giêsu.

2. Mẹ Người là Maria đã đính hôn với Giuse (Mt 1,18).

Chúng ta cần tìm hiểu phong tục cưới hỏi của người Do thái. Luật Do thái phân biệt rõ ràng trong hôn nhân: việc đính hôn và cưới xin. Tuy cũng có lễ hỏi và lễ cưới nhưng giá trị và ý nghĩa khác với Việt nam chúng ta.

Lễ đính hôn (cũng gọi là lễ hỏi) được diễn ra như sau:

Thời gian đính hôn kéo dài trong một năm. Trong năm đó đôi bạn được kể như vợ chồng dù họ không có những quyền của vợ chồng. Lễ hỏi Việt nam chưa làm vợ chồng, còn lễ hỏi Do thái coi như thành vợ chồng. Chứng cớ là theo luật:

- Vị hôn thê bất trung sẽ bị ném đá như vợ chính thức.

- Vị hôn phu có chết thì vị hôn thê trở thành quả phụ.

- Vị hôn thê cũng giống như người vợ chính thức chỉ có thể bỏ nhau bằng tờ ly dị.

- Đứa con cưu mang trong thời gian đính hôn được coi là con chính thức.

Như thế luật cho hai người quyền ăn ở với nhau trong thời gian này.

Giuse và Maria đang ở trong giai đoạn này.

3. Giuse được báo mộng trong giấc mơ về chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua cuộc hôn nhân  giữa ông và Maria, việc nàng có thai không phải ý của phàm nhân nhưng dưới tác động của Chúa Thấn Thân. Vì thế ông đã đón nhận Maria  về nhà mình theo sự báo mộng của Thiên Thần thay vì ý định ruồng bỏ nàng lúc phát hiện người bạn đời có thai (không phải của mình). Giấc mơ của Giuse đã thành hiện thực bởi sự trung tín vào Thiên Chúa với báo mộng về lời phán truyền của tiên tri Isaia về Đấng Thiên Sai sẽ thành hiện thực ở nơi gia đình ông (x.Is 7,14-16). Chính con trẻ này sẽ trở nên ơn cứu độ và bao bọc cho cả nhân loại.

4. Ông Giuse là người công chính.

Kinh thánh gọi Giuse là người công chính: “Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).

Chúng ta biết, nơi người Do thái, không phân biệt rõ  thời kỳ đính hôn và cưới hỏi. Mặc dù chưa cưới, hai người đã đính hôn cũng có thể ăn ở như vợ chồng mà không có lỗi gì đối với lề luật. Do đó, người ta thấy vị hôn thê có thai, thì chỉ một mình vị hôn phu có thể phán đoán trong việc đó là có tội hay không. Như vậy, thánh Giuse có thể hành động bằng hai cách: hoặc là tuyên bố theo sự hiểu biết tự nhiên của mình là Maria đã phạm tội ngoại tình, và như thế Maria mất thể diện hoàn toàn; hoặc là để mặc cho người ta tin rằng ngài là cha của đứa bé sắp sinh. Giuse chọn giải pháp nào?

Đang phân vân lo nghĩ không biết xử trí ra sao thì Thiên Chúa báo mộng  cho ông: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về làm vợ mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Ông Giuse được báo mộng và ông yên tâm nhận Maria làm vợ. Việc này thường xẩy ra trong Cựu ước khi Thiên Chúa muốn truyền cho ai một điều gì. Vậy hôm nay, việc báo mộng cho Giuse là cách thức Thiên Chúa dùng để tỏ ra thánh ý của Ngài về việc thụ thai đồng trinh của Đức Maria.

5. Hài nhi  sinh ra sẽ được gọi là Emmanuel nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thể sống chung với loài người, bất chấp con người xấu xa tội lỗi, nghèo nàn, túng thiếu, khổ sở... Thiên Chúa làm người đã vui lòng chia sẻ thân phận với người trần thế. Ngài muốn cho ngày Giáng sinh trở thành ngày Đấng Tối Cao xa lạ trở thành thân quen, thành bạn hữu con người để kêu gọi con người hãy nhận nhau là anh em, là bạn hữu.

6. Truyện: Thiên Chúa nói bằng tiếng nào?

Ngày xưa có chú bé Phi châu tên là Emmanuel. Chú luôn thắc mắc: “Thiên Chúa nói bằng tiếng nào”? Chú hỏi thầy giáo thì thầy cũng không biết. Sau đó chú Emmanuel lại đi hỏi các nhà trí thức trong làng cũng như các vùng lân cận, nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.

Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin có người biết được điều ấy.

Một đêm nọ, Emmanuel đến ngôi làng Belem. Chú cố tìm chỗ để nghỉ đêm trong các nhà trọ, nhưng tất cả đều không còn chỗ. Vì thế, chú quyết định tìm cái hang ngoài trời để trú đêm. Quá nửa đêm chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào, chú nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, người mẹ liền nói: “Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng tôi đang mong chờ con”.

Chú bé quá sửng sốt, và người mẹ trẻ nói tiếp: “Đã từ lâu, con đi tìm để hỏi xem Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây cuộc hành trình của con đã có câu trả lời. Ngài nói bằng ngôn ngữ của tình yêu. “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một của Ngài”.

 

Suy Niệm 10: Lời chứng của Thiên Chúa mới có giá trị

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Chúng ta đã đi được hơn một nửa đường của Mùa Vọng. Ngày mai chúng ta bước vào tuần bát nhật để chuẩn bị mừng Màu Nhiệm Giáng Sinh. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về hai lời chứng: Một của Gioan Tẩy Giả và Một của Thiên Chúa. Chúa Giêsu coi lời chứng của Thiên Chúa mới là Lời chúng có giá trị.

1. Trước hết là Lời chứng của Gioan Tẩy Giả.

Tin Mừng ghi Gioan là ngọn đèn cháy sáng. Ông đến để làm chứng, làm chứng cho Chúa Giêsu, làm chứng cho sự thật

Chúa Giêsu nói đến những chứng cớ để người ta nhận ra người là do Thiên Chúa gửi đến. Chứng cớ đó chính là Gioan. Tin Mừng thứ Tư nói về Ông như thế này: "Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (Ga 1,7-8)

"Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Kitô." Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?” Ông nói: "Không phải." "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: "Không." Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người." (Ga 1,19-27)

Rất rõ ràng và dứt khoát. Không có gì mờ ám trong những lời làm chứng náy.

2. Bên cạnh Lời chứng của Gioan, chúng ta còn được thấy cả lời chứng của Thiên Chúa nữa.

Lời chứng cùa Thiên Chúa được Tin Mừng ghi lại trong hai biến cố xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu.

Lần thứ nhất khi Chúa đến xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Tin Mừng ghi ghi: "Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." (Mt 3,16-17)

Lần thứ hai khi Chúa biến hình trên núi. Lúc ba môn đệ đang ngây ngất trước cảnh biến hình của Chúa và lúc các: Ông còn đang nói, thì chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" (Mt 17,5).

Thật là rõ ràng và minh bạch thế nhưng kết quả như thế nào thì chúng ta hãy đọc lại một đoạn trong Tin Mừng thứ tư: "Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1,10-12)

3. Lời chứng của chúng ta.

 Chúng ta là những người đón nhận, tức là đã tin vào danh Người, và được Người cho quyền trở nên con Thiên Chúa. Nói thế có nghĩa là chúng ta phải làm chứng cho Chúa. Chúng ta có thể làm chứng bằng nhiều cách nhưng cách tốt nhất vẫn là bằng cuộc sống của chúng ta.

Vào các ngày từ 4 đến 5 tháng 10 năm 1997 “Ngày Gia Đình Thế Giới gặp gỡ Đức Thánh Cha” họp tại Rio de Janeiro, nước Brazil, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã đến chủ tọa Đại Hội này. Trong Đại Hội, ngoài các phần nghi lễ, phát biểu, còn có phần chứng từ. Một trong số đó có chứng từ của chị Emmanuella đã khiến mọi người cảm động sâu xa trước tình yêu cao cả của một người mẹ, mẹ của chị. Emmanuella năm nay 36 tuổi, chị đã đứng trước Đại Hội để làm chứng về trường hợp của chị. Chị nói:

“Cách đây vừa tròn 36 năm, mẹ tôi, một người mẹ Công Giáo bình thường như bất cứ một người mẹ nào. Và bà cũng có một trái tim, trái tim của một người mẹ biết yêu thương và biết hy sinh tất cả cho con cái. Tấm lòng bình thường của một người mẹ đã không còn bình thường, không còn tầm thường nữa mà đã trở nên phi thường đứng trước một chọn lựa thiết thân liên quan đến sinh mạng của bà.

Mẹ tôi lúc đó đang mang thai tôi. Bà bị bệnh nặng. Bác sĩ bảo phải phá thai mới cứu được mẹ. Nếu để thai thì mẹ sẽ phải chết, và thai nhi cũng khó sống. Đứng trước chọn lựa sinh tử đó, mẹ tôi đã chọn cái chết để thai nhi được sống. Thật là một chọn lựa anh hùng và can đảm. Chỉ có con người, và chỉ có tấm lòng của một người mẹ có một tình thương bao la mới có thể có chọn lựa đó mà thôi. Bà đã không lầm khi chọn điều đó.

Kết quả là 36 năm sau tôi được vinh dự đứng trước Đại Hội về Gia Đình để làm chứng cho tình yêu bất diệt của mẹ tôi. Đây cũng là cơ hội để tôi nói lên lòng biết ơn sâu xa đối với người mẹ đã cưu mang tôi, đã sinh ra tôi và đã hy sinh vì tôi. Mạng sống tôi đã được đổi bằng chính mạng sống của mẹ tôi. Thật là một sự hy sinh cao cả, sự hy sinh này đã là dấu chỉ họa lại sự hy sinh lớn lao của Đức Ki-tô, Đấng đã hy sinh mạng sống mình vì nhân loại.

Tôi xin làm chứng cho điều đó. Và tôi xin nhân danh những người con tỏ lòng biết ơn cha mẹ, tán dương công ơn trời bể của các bậc sinh thành.”

Được biết, bà mẹ của chị Emmanuella đã được Giáo Hội tôn phong Chân Phúc.
 

Joseph, son of David, do not be afraid – Suy niệm song ngữ theo WAU, ngày 18.12.2021
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – December, 2021

Giuse, con Vua Đavít, đừng sợ (Mt 1, 20)

Còn một tuần nữa là đến Lễ Chúa Giáng Sinh! Khi chúng ta bắt đầu đếm ngược, Kinh thánh hướng sự chú ý của chúng ta đến thánh Giuse, người cha dưới đất của Chúa Giêsu.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Giuse ở một điểm quan trọng trong cuộc đời: đính hôn với Maria, ngài đã phát hiện ra rằng cô đang mang thai một đứa con không phải của mình. Ngài đang đối mặt với một mầu nhiệm mà ngài không hiểu và đang gặp rắc rối một cách dễ hiểu. Ai lại không lo lắng?

Sau đó, một thiên thần xuất hiện trong một giấc mơ và phá vỡ kế hoạch ly hôn với Maria một cách lặng lẽ của Giuse. Nhưng thiên thần không giải thích mọi thứ. Ngài chỉ đơn giản bảo đảm với Giuse rằng đây là việc Thiên Chúa đang thực hiện – bao gồm cả vai trò của chính Giuse trong kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài bảo Giuse hãy đón nhận Maria về nhà mình và hoàn thành vai trò làm cha của mình bằng cách đặt tên con trẻ là Giêsu.

Là một người công chính, Giuse gạt những lo lắng của riêng mình sang một bên và làm theo những gì thiên sứ đã nói với ngài.

Tuy nhiên, quyết định của ngài có hậu quả. Giuse và vợ sẽ phải tìm cách nuôi dạy con trẻ lạ thường này. Các ngài sẽ phải dạy con trẻ mọi thứ: cách nói, cách đi, cách làm việc, cách quan hệ với người khác. Từ cha mẹ, con trẻ sẽ học được Thiên Chúa là ai và cách cầu nguyện với Ngài.

Là người cha dưới đất của mình, trước tiên Giuse thể hiện cho Chúa Giêsu những thuộc tính của Cha trên trời. Hãy tưởng tượng tác động phải có! Chúa Giêsu thấy ngài quảng đại gác lại những lo toan riêng tư để lo cho gia đình. Chúa Giêsu thấy ngài vẫn vững vàng bất chấp những xoay vần của số phận. Chúa thấy ngài sống trung thành với lời Chúa. Sự khiêm tốn và lòng dũng cảm đó hẳn là một ví dụ điển hình!

Thánh Giuse cũng là một tấm gương cho chúng ta. Hãy nhìn vào ngài khi bạn đối mặt với một con đường không chắc chắn, cho dù đó là một thay đổi lớn trong cuộc sống, như trở thành cha mẹ hay một khởi đầu nhỏ, như một ngày mới với những thách thức và cơ hội bất ngờ. Sau đó, hãy cầu xin ngài cầu bầu cho bạn có được sức mạnh và lòng dũng cảm như những gì ngài đã thể hiện.

Lạy thánh Giuse, là Đấng Bảo Trợ của Chúa Cứu Thế, xin cầu cho chúng con!

***

DAILY MEDITATION: MATTHEW 1:18-25

Joseph, son of David, do not be afraid. (Matthew 1:20)

Christmas is a week away! As we begin the countdown, Scripture turns our attention to St. Joseph, Jesus’ earthly father.

Today’s Gospel shows us Joseph at a pivotal point in his life: betrothed to Mary, he finds out that she is expecting a child that is not his own. He is facing a mystery he does not comprehend and is understandably troubled. Who wouldn’t be anxious?

Then, an angel appears in a dream and disrupts Joseph’s plan to divorce Mary quietly. But the angel doesn’t explain everything. He simply assures Joseph that this is God’s doing—including Joseph’s own role in the divine plan. He tells Joseph to welcome Mary into his home and to fulfill his fatherly role by naming her child Jesus.

A righteous man, Joseph puts aside his own anxieties and does just what the angel told him.

His decision had consequences, though. Joseph and his wife would have to work out how to parent this extraordinary child. They would have to teach him everything: how to speak, how to walk, how to work, how to relate to other people. From them he would learn who God is and how to pray to him.

As his earthly father, Joseph first embodied for Jesus the attributes of his heavenly Father. Imagine the impact that must have had! Jesus saw him generously put aside his own concerns to care for his family. He saw him remain steadfast despite the twists and turns of fate. He saw him living in faithfulness to God’s word. Such humility and courage must have been a compelling example!

Joseph is an example for us too. Look to him the next time you face an uncertain path, whether it’s a major life change, like becoming a parent, or a small beginning, like a new day with its unexpected challenges and opportunities. Then ask him to pray for you to have the same strength and courage that he showed.

“St. Joseph, Guardian of the Redeemer, pray for us!”

He will save his people – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 18.12.2021
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Saturday (December 18)
He will save his people from their sins”

Scripture: Matthew 1:18-25

18 Now the birth of Jesus Christ took place in this way. When his mother Mary had been betrothed to Joseph, before they came together she was found to be with child of the Holy Spirit; 19 and her husband Joseph, being a just man and unwilling to put her to shame, resolved to divorce her quietly. 20 But as he considered this, behold, an angel of the Lord appeared to him in a dream, saying, “Joseph, son of David, do not fear to take Mary your wife, for that which is conceived in her is of the Holy Spirit; 21 she will bear a son, and you shall call his name Jesus, for he will save his people from their sins.” 22 All this took place to fulfill what the Lord had spoken by the prophet: 23 “Behold, a virgin shall conceive and bear a son, and his name shall be called Emmanuel” (which means, God with us). 24 When Joseph woke from sleep, he did as the angel of the Lord commanded him; he took his wife, 25 but her knew her not until she had borne a son; and he called his name Jesus.

 

Thứ Bảy ngày 18-12
Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ

Mt 1,18-25

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

Meditation: Do you hold on to the promises of God at all times, especially when you are faced with uncertainty or adversity? The prophet Isaiah spoke words of hope in a hopeless situation for Israel. When Ahaz, the apostate king of Judah and heir to the throne of David (735 B.C.) was surrounded by forces that threatened to destroy him and his people, God offered him a sign to reassure him that God would not abandon the promise he made to David and his descendants. King Ahaz, however, had lost hope in God and refused to ask for a sign of favor. God, nonetheless, gave a sign to assure his people that he would indeed give them a Savior who would rule with peace and righteousness (Isaiah 7:11ff). Like the prophet Isaiah we are called “in hope to believe against hope” (Romans 4:18) that God can and will fulfill all his promises.

Mary was found to be with child of the Holy Spirit

Mary had to face an enormous challenge to her faith and trust in God and to the faith of her family and Joseph, the man she chose to marry. She was asked to assume a burden of tremendous responsibility. It had never been heard of before that a child could be born without a natural father. Mary was asked to accept this miraculous exception to the laws of nature. That required faith and trust in God and in his promises. Second, Mary was not yet married. Pregnancy outside of wedlock was not tolerated in those days. Mary was only espoused to Joseph, and such an engagement had to last for a whole year. She was asked to assume a great risk. She could have been rejected by Joseph, by her family, by all her own people. Mary knew that Joseph and her family would not understand without revelation from God. She nonetheless believed and trusted in God’s promises.

Joseph believed the angel’s message “that which is conceived in her is of the Holy Spirit

Joseph, a just and God-fearing man, did not wish to embarrass or punish his espoused wife, Mary when he discovered that she was pregnant. To all appearances she had broken their solemn pledge to be faithful and chaste to one another. Joseph, no doubt took this troubling matter to God in prayer. He was not hasty to judge or to react with hurt and anger. God rewarded him not only with guidance and consolation, but with the divine assurance that he had indeed called Joseph to be the husband of Mary and to assume a mission that would require the utmost faith, confidence, and trust in Almighty God. Joseph believed in the divine message to take Mary as his wife and to accept the child in her womb as the promised Messiah. 

A model of faith for us

Like Mary, Joseph is a model of faith for us. He is a faithful witness and servant of God’s unfolding plan of redemption. Are you ready to believe in the promises of God, even when faced with perplexing circumstances and what seems like insurmountable problems? God has not left us alone, but has brought us his only begotten Son, our Lord and Savior Jesus Christ. Let us celebrate Christmas, the feast of the Incarnation, with joyful hearts and let us renew our faith and hope in God and in his redeeming work.

 

“Lord Jesus, you came to save us from sin and the power of death. May I always rejoice in your salvation and trust in your divine plan for my life.”

 

Suy niệm: Bạn có luôn luôn bám chặt vào những lời hứa của Thiên Chúa, đặc biệt khi bạn đương đầu với sự bất thường hay nghịch cảnh không? Ngôn sứ Isaia nói những lời hy vọng trong tình huống tuyệt vọng cho dân Israel. Khi Ahaz, vị vua bội giáo của Giuđa và là người thừa kế ngai vàng Đavít (735 B.C) bị các lực lượng bao vây và đe dọa tiêu diệt ông và dân của ông, Thiên Chúa đã cho ông một dấu chỉ bảo đảm với ông rằng Thiên Chúa sẽ không quên lời hứa với Đavít và miêu duệ của ông. Tuy nhiên, vua Ahaz đã đánh mất niềm hy vọng vào Thiên Chúa và từ chối cầu xin một dấu chỉ yêu thương. Thế nhưng, Thiên Chúa đã ban cho dân người một dấu chỉ và bảo đảm rằng Người sẽ ban cho họ một vị Cứu Tinh, Đấng sẽ cai trị bằng bình an và công chính (Is 7,11ff). Giống như ngôn sứ Isaia, chúng ta được kêu gọi “tin tưởng trong sự hy vọng hão huyền” (Rm 4,18) rằng Thiên Chúa có thể và sẽ thực hiện tất cả lời hứa của Người.

 

Maria chịu thai bởi Chúa Thánh Thần

Maria phải đối diện với một thách đố to lớn với niềm tin cậy vào Thiên Chúa của mình và với niềm tin của gia đình mình và Giuse, người mà cô đã chọn kết hôn. Maria được mời gọi để đảm nhận một gánh nặng trách nhiệm vô cùng to lớn. Người ta chưa bao giờ nghe thấy trước đây rằng một con trẻ có thể sinh ra mà không cần đến người cha theo tự nhiên. Maria được mời gọi đón nhận sự ngoại thường đối với những quy luật tự nhiên này. Điều đó đòi hỏi lòng tin cậy vào Thiên Chúa và vào những lời hứa của Người. Hơn nữa, Maria vẫn chưa kết hôn. Sự mang thai ngoài hôn nhân là điều không thể chấp nhận được vào thời đó. Maria chỉ mới hứa hôn với Giuse, một lời hứa hẹn như thế kéo dài trọn một năm. Maria được mời gọi để đón nhận sự mạo hiểm to lớn. Cô có thể bị Giuse, gia đình, và tất cả mọi người loại bỏ. Maria biết rằng Giuse và gia đình cô sẽ không thể hiểu được nếu không có sự mặc khải từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, cô vẫn tin cậy vào những lời hứa của Thiên Chúa.

 

Giuse tin tưởng vào sứ điệp của thiên thần rằng người con cưu mang trong lòng Maria là do bởi Chúa Thánh Thần

Giuse, một người công chính và kính sợ Thiên Chúa, đã không muốn làm xấu hổ hay trừng phạt Maria, người bạn đã hứa hôn của mình, khi ông khám phá ra rằng cô đã có thai. Về bên ngoài, cô đã vi phạm lời hứa trọng thể là trung thành và trinh khiết với nhau. Giuse, chắc chắn đã trình bày vấn đề này lên Thiên Chúa trong lúc cầu nguyện. Ông đã không vội vàng đoán xét hay phản ứng với sự tổn thương và giận dữ. Thiên Chúa đã ban thưởng cho ông, không chỉ với sự hướng dẫn và an ủi, nhưng còn với sự bảo đảm của Thiên Chúa rằng chính Người đã thật sự gọi ông làm chồng của Maria, và đảm nhận một sứ mạng đòi hỏi niềm tin, phó thác, và trông cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa toàn năng. Giuse đã tin tưởng vào sứ điệp của Thiên Chúa và tiếp nhận Maria làm vợ mình và đón nhận người con trong bụng cô là Đấng Mêsia theo lời hứa.

Gương mẫu đức tin cho chúng ta

Giống như Maria, Giuse là một mẫu gương đức tin cho chúng ta. Ngài là một chứng nhân trung thành và là người tôi tớ của kế hoạch cứu độ đang bộc lộ của Thiên Chúa. Bạn có sẵn sàng tin tưởng vào những lời hứa của Chúa, thậm chí khi đương đầu với những tình huống phức tạp và những gì xem chừng như những vấn đề nan giải không? Thiên Chúa không để chúng ta một mình, nhưng mang đến cho chúng ta Con một yêu dấu, Đức Chúa và Đấng cứu độ của chúng ta, Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy mừng lễ Giáng sinh, ngày lễ của sự Nhập thể, với tâm hồn phấn khởi và chúng ta hãy phục hồi niềm tin và hy vọng của mình vào Thiên Chúa và vào chương trình cứu độ của Người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để cứu chúng con khỏi tội lỗi và quyền lực của sự chết. Chớ gì con luôn luôn vui mừng về ơn cứu rỗi của Chúa và trông cậy vào kế hoạch của Chúa dành cho cuộc đời con.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây