Trong tuyên bố được đưa ra hôm 22/9, tại Cuộc họp Cấp cao của Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 20 năm Tuyên bố Durban và Chương trình Hành động New York, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh khẳng định “Toà Thánh tham gia chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bài ngoại và thái độ bất khoan dung”.
Trong bài phát biểu, trước hết, Đức Tổng Giám mục nói, Toà Thánh vui mừng tham gia cuộc họp kỷ niệm này. Một cuộc họp tập trung vào “sự bồi thường, công bằng sắc tộc và bình đẳng cho người gốc Phi”. Toà Thánh là thành viên của Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, điều này phù hợp với bản chất và sứ vụ cụ thể của Giáo hội Công giáo. Vì vậy, trong tinh thần hợp tác, Toà Thánh tham gia chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bài ngoại và thái độ bất khoan dung.
Cách riêng đối với những người gốc Phi đang sống trong tình trạng di cư và tị nạn, thường bị phân biệt đối xử, Toà Thánh hy vọng rằng việc thành lập Diễn đàn Thường trực gần đây cho người gốc Phi sẽ đóng góp vào nỗ lực của các quốc gia và quốc tế nhằm cung cấp công lý và hỗ trợ cho các nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc.
Theo Đức Tổng Giám mục, phân biệt chủng tộc có thể bị đánh bại qua một nền văn hoá gặp gỡ, huynh đệ và liên đới. Tuyên bố Durban là một bước quan trọng và cần thiết nhưng chúng phải dẫn đến sự thay đổi thực sự qua các hành động của các chính phủ, giáo dục và truyền thông đạo đức, cung cấp thông tin khách quan tôn trọng nhân phẩm và không nuôi dưỡng thái độ chia rẽ.
Tuyên bố Durban bày tỏ lo ngại về thái độ bất khoan dung, các hành vi thù địch và bạo lực chống các nhóm tôn giáo. Việc coi thường quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng dẫn đến nhiều vi phạm nhân quyền. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc bách hại tôn giáo của cả các tổ chức Nhà nước và không phải Nhà nước. Các cá nhân và các dân tộc bị phân biệt đối xử vì đức tin trong khi thủ phạm thường không bị trừng phạt. Một số tôn giáo thiểu số ở một số khu vực thậm chí phải đối mặt với nguy cơ chấm dứt, trong đó có cả các Kitô hữu, là nhóm bị bách hại nhiều nhất trên toàn cầu.
Một hình thức phân biệt khác là việc áp dụng thuyết ưu sinh trong các kỹ thuật sinh sản nhân tạo và việc chẩn đoán thai nhi. Theo đó, nếu bào thai bị khuyết tật hoặc có những điểm khác thường thì không đáng sống. Đức Tổng Giám mục khẳng định rằng, ý tưởng này hoàn toàn trái ngược với Tuyên bố Durban.
Cuối cùng, Ngoại trưởng Toà Thánh nhắc lại rằng, Tuyên bố Durban nhìn nhận vai trò của tôn giáo trong việc thúc đẩy nhân phẩm và giá trị của mỗi con người, xoá bỏ phân biệt chủng tộc, bài ngoại và thái độ bất khoan dung. Tất cả những điều này phải được kết hợp với luật pháp và các thể chế hoạt động, nhưng cuối cùng “phân biệt chủng tộc sẽ biến mất chỉ khi sự phân biệt này không còn tồn tại trong con tim mọi người”. (CSR_6373_2021)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News
Phát biểu tại Đại hội đồng lần thứ 65 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (Aiea), hôm thứ Hai 20/9, tiến sĩ Francesca Di Giovanni, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh phụ trách về các quan hệ đa phương, nhắc lại lời kêu gọi “kiềm chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân và cung cấp công nghệ hạt nhân hoà bình vì ích lợi cho toàn thể nhân loại”, đồng thời nhấn mạnh “Tòa Thánh luôn ủng hộ một thế giới không vũ khí hạt nhân”.
Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh nhìn nhận vai trò duy nhất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, liên quan đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây là một hành động dựa trên sự tin tưởng, bởi vì khi “các quốc gia mở cửa các nhà máy hạt nhân của họ cho các thanh tra viên vào làm việc, họ sẽ giúp xây dựng lòng tin và giảm sự nghi ngờ. Bằng cách này, Cơ quan góp phần đáng kể vào việc tạo ra một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Hướng đến người nghèo, những người dễ bị tổn thương, thành phần phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc khủng hoảng đại dịch, bà Francesca Di Giovanni nói: “Chúng ta có trách nhiệm thúc đẩy một nền văn hóa quan tâm, trong đó đặt nhân phẩm và công ích vào trung tâm của mọi việc chúng ta làm”.
Với cái nhìn này, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh đánh giá cao đối với “Zodiac”, chương trình hành động hòa nhập của Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh từ động vật. Được triển khai vào năm 2020, dự án này nhằm mục đích cải thiện sự tương tác giữa khoa học, các nhà hoạch định chính sách và xã hội, thúc đẩy sự hợp tác để xác định các nguy cơ và giải quyết các đợt bùng phát dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, với mục đích đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến đối với các giải pháp.
Đại diện Tòa Thánh cũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với các dự án của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đối với việc sử dụng công nghệ hạt nhân “để kiểm soát ô nhiễm nhựa” và “để điều trị ung thư, trồng nhiều lương thực hơn, quản lý và bảo vệ nguồn nước dự trữ”. Bà Giovanni nói thêm rằng, Cơ quan này đã đóng góp quan trọng “trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, giám sát ô nhiễm đại dương và hệ sinh thái, đồng thời giúp các quốc gia thích ứng với thực tế khí hậu mới, bao gồm cả sự khan hiếm thực phẩm và nước”. Theo nghĩa này, bà nhắc lại những dấn thân của Tòa Thánh trong hoạt động “thúc đẩy giáo dục đối với hệ sinh thái toàn diện, cũng như các biện pháp chính trị và kỹ thuật ủng hộ một mô hình văn hóa phát triển bền vững dựa trên tình huynh đệ và liên minh giữa con người và môi trường”. (CSR_6383_2021)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn