G. Trần Đức Anh, O.P.
Văn kiện này đã được trình bày trong cuộc họp báo, lúc 11 giờ 30, tại Phòng báo chí Tòa Thánh, do Đức Hồng y Luis Francisco Ladaria, S.J., Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, chủ tọa. Hiện diện trong cuộc họp báo, còn có Đức Tổng giám mục Giacomo Morandi, Tổng thư ký của Bộ, nữ giáo sư Gabriella Gambino, Phó Tổng thư ký Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, và giáo sư Adriano Pessina, thuộc Ban điều hành Hàn Lâm viện Tòa Thánh về sự sống.
Thư dài 26 trang (13.055 từ) mang tựa đề “Samaritanus bonus” [Người Samaritano nhân lành], được Bộ giáo lý Đức tin thông qua ngày 29/1/2020, trong khóa họp toàn thể, rồi được Đức Thánh cha Phanxicô phê chuẩn, ngày 25/6/2020 và Đức Hồng y Tổng trưởng và Đức Tổng giám mục Tổng thư ký, ký ngày 14/7/2020, lễ thánh Camillo de Lellis, sáng lập dòng phục vụ các bệnh nhân.
Ngoài phần nhập đề và kết luận, Thư “Người Samaritano nhân lành” được chia làm năm phần, lần lượt bàn tới: 1. Việc chăm sóc tha nhân, 2. Kinh nghiệm sinh động của Chúa Kitô chịu đau khổ và việc loan báo hy vọng, 3. “con tim nhìn thấy” của người Samaritano: sự sống con người là một hồng ân thánh thiêng và bất khả xâm phạm, 4. Những chướng ngại văn hóa làm lu mờ giá trị thánh thiêng của mỗi sự sống con người, 5. Sau cùng là giáo huấn của huấn quyền Hội Thánh.
Phần thứ năm này có tính chất thực hành nhiều hơn, và lần lượt đề cập đến giáo huấn của Giáo hội liên quan đến những vấn đề thực tiễn trong giai đoạn cuối đời hoặc ở trong tình trạng nguy kịch. 12 chương bàn về:
1. Cấm làm cho chết êm dịu (Eutanasia) hoặc kết liễu sinh mạng người bệnh, người già theo lời yêu cầu của đương sự, và cấm trợ giúp tự tử.
2. Nghĩa vụ luân lý phải loại trừ sự miệt mài trị liệu cho bệnh nhân khi không còn hy vọng.
3. Việc săn sóc căn bản: nghĩa vụ cung cấp lương thực và nước cho bệnh nhân.
4. Chữa trị chống đau
5. Vai trò của gia đình và các nhà dưỡng lão
6. Đồng hành và săn sóc thai nhi trước khi sinh ra và trẻ em
7. Những biện pháp trị liệu giảm đau và làm cho người bệnh mất ý thức
8. Tình trạng bệnh nhân sống như thực vật hoặc chỉ ý thức tối thiểu
9. Sự phản đối lương tâm của các nhân viên y tế và các cơ quan y tế Công Giáo.
10. Đồng hành mục vụ và nâng đỡ bằng các bí tích
11. Phân định mục vụ đối với người yêu cầu kết liễu sinh mạng của họ hoặc giúp tự tử.
12. Cải tổ hệ thống giáo dục và huấn luyện các nhân viên y tế
Trong Văn kiện dài này, Bộ giáo lý đức tin nhấn mạnh rằng “Không thể chữa lành được” (inguaribile), không bao giờ có nghĩa là “Không thể săn sóc”, (incurabile). Đây chính là chìa khóa để hiểu Thư “Người Samaritano nhân lành” mà Bộ vừa công bố, đứng trước sự lạc hướng của lương tâm nhiều người ngày nay về giá trị sự sống, cũng như trước những cuộc tranh luận trong dư luận quần chúng, quá nhiều khi bị ảnh hưởng vì một vài trường hợp đau thương mà báo chí nói đến.
Qua Văn kiện mới công bố, Bộ giáo lý đức tin tái khẳng định rằng “giá trị bất khả xâm phạm của sự sống con người là một chân lý nền tảng của luật luân lý tự nhiên và là nền tảng thiết yếu của trật tự pháp lý”. Vì thế, “không thể chọn lựa trực tiếp kết liễu mạng sống của một người, dù đương sự yêu cầu”. “Bất kỳ sự cộng tác chính thức hoặc thể lý trực tiếp vào hành vi kết liễu như thế, đều là tội nặng..., mà không một quyền bính nào có thể áp đặt hoặc cho phép một cách hợp pháp”.
Về phương diện này, Thư “Người Samaritano nhân lành” của Bộ giáo lý đức tin không chứa đựng những lập trường mới mẻ, vì cho đến nay, huấn quyền của Hội Thánh vẫn luôn phủ nhận mọi hình thức làm cho chết êm dịu hoặc giúp tự tử, và cũng quả quyết rằng việc tiếp tục cung cấp nước và lương thực cho người hôn mê nặng, là những hỗ trợ sinh tử cho bệnh nhân và không thể loại bỏ để chấm dứt sự sống của họ. Giáo hội vẫn luôn dạy không được “miệt mài trị liệu” cho bệnh nhân đứng trước cái chết gần kề và không thể tránh được. Trong những trường hợp đó, được phép quyết định từ bỏ những biện pháp trị liệu chỉ kéo dài sự sống một cách bấp bênh và cơ cực.
Vì thế Thư của Bộ giáo lý đức tin tái khẳng định các điều đã được các vị Giáo hoàng gần đây tuyên dạy và được coi là cần thiết, đứng trước nhiều luật lệ của các nước ngày càng tháo thứ, lỏng lẻo, về vấn đề này. Những điểm mới của Văn kiện là nhấn mạnh chiều kích mục vụ, liên quan đến việc đồng hành và săn sóc các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời: việc chăm sóc những người ấy không bao giờ được thu hẹp vào khía cạnh y khoa mà thôi, nhưng còn cần có sự hiện diện để đồng hành với họ trong tình thương mến, cần những biện pháp chữa trị thích hợp và tương xứng, cần sự trợ giúp về tinh thần.
Bộ cũng đặc biệt nhắc đến gia đình, họ cần được giúp đỡ và cần những phương tiện thích hợp. Nhà nước cần nhìn nhận chức năng xã hội hàng đầu và cơ bản của gia đình, vai trò không thể thay thế được của gia đình, cả trong lãnh vực này, và dành những tài nguyên và cơ cấu cần thiết để nâng đỡ gia đình trong việc săn sóc thân nhân bị bệnh ở giai đoạn cuối. Ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới, nhà thương vẫn còn là một đặc ân của một thiểu số và nhiều khi ở nơi xa xôi.
Trong phần kết luận, Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng: “Giáo hội học nơi người Samaritano nhân lành việc săn sóc bệnh nhân cuối đời và qua đó, tuân hành giới răn về hồng ân sự sống, đó là: “tôn trọng, bảo vệ, yêu mến và phục vụ sự sống, mỗi sự sống con người”. Tin mừng sự sống là một tin mừng cảm thương và thương xót được gửi đến con người cụ thể, yếu đuối và tội lỗi, để nâng họ lên, duy trì họ trong đời sống ơn thánh, và nếu có thể, chữa lành họ khỏi mọi vết thương có thể”.
“Tuy nhiên, không phải chỉ chia sẻ đau khổ, nhưng còn cần phải “dìm mình” trong những hoa trái mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô để chiến thắng tội lỗi và sự ác, không quên rằng nơi chính Thiên Chúa có ý chí “loại bỏ lầm than của tha nhân như thể của chính mình”. Nhưng sự lầm than lớn nhất hệ tại thiếu hy vọng đứng trước cái chết. Niềm hy vọng này được loan báo từ chứng tá Kitô; chứng tá này, để được hữu hiệu, phải được sống trong đức tin, với sự can dự của tất cả mọi người, thân nhân, y tá, bác sĩ, và việc mục vụ của giáo phận, cũng như các nhà thương Công giáo được mời gọi trung thành sống nghĩa vụ đồng hành với các bệnh nhân trong mọi giai đoạn của bệnh tật, đặc biệt là trong các giai đoạn nguy kịch và cuối đời”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn