Tông hiến của Đức Phanxicô thay thế Quyển Sáu Bộ Giáo Luật 1983 theo giải thích của Tòa Thánh

Thứ sáu - 11/06/2021 14:24
Theo Edward Pentin, trong bài phỏng vấn đăng trên National Catholic Register ngày 1 tháng 6, sau mười ba năm tham khảo ý kiến, duyệt xét và bàn luận, ngày hôm nay, Vatican đã công bố Pascite gregem Dei (Hãy chăn dắt Đoàn Chiên của Thiên Chúa), tức tông hiến mới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô chứa các sửa đổi đối với phần Bộ Giáo luật bàn về các tội ác và hình phạt, bao gồm cả những tội ác và hình phạt liên quan đến việc giáo sĩ lạm dụng tình dục.


Được ký vào Lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Đức Thánh Cha nói rằng ngài hy vọng 21 trang gồm các tiêu chuẩn sửa đổi sẽ “chứng tỏ là một công cụ phục vụ lợi ích của các linh hồn” và các mục tử sẽ áp dụng chúng “một cách công bằng và đầy thương xót, vì biết rằng thuộc về chức vụ của các ngài, như một nghĩa vụ công lý - một nhân đức chính nổi bật - là áp đặt các hình phạt khi lợi ích của các tín hữu đòi hỏi việc này.

Đức Giáo Hoàng nói rằng, văn kiện mới, kết quả của cuộc tham vấn sâu rộng “trong tinh thần hợp đoàn và hợp tác”, đưa ra những sửa đổi đối với luật lệ và các chế tài cho một số vi phạm hình sự mới cũng như các cải tiến kỹ thuật.

Lưu ý rằng “trong quá khứ, nhiều thiệt hại đã gây ra như thế nào do Giáo hội không tri nhận được mối liên hệ mật thiết giữa việc thực thi bác ái và việc cần tới - khi hoàn cảnh và công lý đòi hỏi - kỷ luật trừng phạt”, Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của “việc áp dụng đúng” các qui định sửa đổi này.

Ngài nói thêm, “Bác ái đòi các mục tử phải nhờ đến hệ thống hình sự thường xuyên nếu cần thiết” để khôi phục công lý, sửa đổi người vi phạm và cung ứng việc việc sửa lại các tai tiếng.

Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp – tức cơ quan của Tòa thánh chịu trách nhiệm soạn thảo các bản sửa đổi - cho biết cuộc cải cách này là “cần thiết và đã quá hạn từ lâu,” và “nhằm mục đích làm cho các quy tắc hình sự phổ quát phù hợp hơn bao giờ hết để bảo vệ công ích và các cá nhân tín hữu, phù hợp hơn với các đòi hỏi của công lý và hữu hiệu hơn và thỏa đáng hơn trong bối cảnh giáo hội ngày nay, một bối cảnh rõ ràng khác với bối cảnh của những năm 1970, là thời điểm khi các quy tắc của Quyển VI, hiện bị bãi bỏ, được soạn thảo”.

Trong cuộc phỏng vấn của Register này với Đức Cha Markus Graulich, phó thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp giải thích thêm về văn kiện, lý do tại sao nó ra đời và tại sao người ta hy vọng các sửa đổi sẽ mang lại công lý lớn hơn trong bối cảnh các vi phạm khác và các trọng tội (grave delicts) cũng như các vi phạm liên quan đến giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Các sửa đổi mới sẽ có hiệu lực vào ngày 8 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn Đức Cha Graulich của Pentin:


Hỏi: Đâu là mục đích chính của Quyển VI mới của Bộ Giáo luật và tại sao nó lại được công bố vào lúc này? Có phải Quyển VI cũ quá yếu, hay có lẽ nó cần phải thay đổi theo thời gian?

Đáp: Cả hai giả định của ông đều đúng. Luật hình sự ban đầu của Bộ luật năm 1983 khá yếu và thường không đủ mạnh mẽ. Ông thường tìm thấy những cụm từ như “có thể bị trừng phạt” và toàn bộ việc thi hành bản văn chứa trong Quyển VI không khuyến khích việc áp dụng các hình phạt. Nhiều điều được để mặc cho quyết định của các giám mục và các bề trên khác trong Giáo hội, và không phải lúc nào các ngài cũng có thể (và đôi khi có lẽ không sẵn lòng) áp dụng luật hình sự vào thực tế. Ông nên nhớ rằng toàn bộ việc duyệt xét Bộ Giáo luật diễn ra sau Công đồng Vatican II khi nhiều nhà thần học và mục tử đặt câu hỏi liệu có cần phải có luật trong Giáo hội hay không, chứ chưa nói đến luật hình sự. Trong những năm gần đây, nhất là trong hai thập niên gần đây, mọi sự đã thay đổi. Có một ý thức mới tin rằng Giáo hội không chỉ cần bất cứ luật lệ nào mà cần một thứ luật lệ tốt. Cuộc khủng hoảng xung quanh việc lạm dụng các vị thành niên cũng đã dẫn đến một đánh giá mới về luật hình sự trong Giáo hội. Đã có một sự nhấn mạnh mới về hình phạt đối với những người lạm dụng các vị thành niên và Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI, và Đức Phanxicô đã ban hành các luật lệ chuyên biệt trong lĩnh vực này. Vì những luật này không phải là một phần của Bộ luật chung, một trong những mục đích của cuộc cải cách là tích nhập luật lệ mới này vào Bộ luật chung. Thời thế đã thay đổi và luật lệ cần phải được cập nhật.

Hỏi: Đối với Đức Cha, đâu là các lĩnh vực chính được lưu tâm và mới lạ sẽ mang lại lợi ích cho các mục tử và các tín hữu?

Đáp: Theo tôi thấy, toàn bộ việc cải cách luật hình sự sẽ là một lợi ích cho các mục tử và [các] tín hữu. Một trong những ưu điểm của Quyển VI sửa đổi là các trọng tội (delicts) đã được sắp xếp lại để cách trình bày của chúng có hệ thống hơn. Giờ đây, chúng ta đang phải đối phó với các vi phạm hoặc trọng tội chống lại đức tin và sự hợp nhất của Giáo hội, chống lại thẩm quyền Giáo hội và việc thi hành nhiệm vụ, chống lại các bí tích, chống lại danh tiếng và tội giả dối, chống lại các nghĩa vụ đặc biệt và sự sống, phẩm giá và tự do của con người.

Bây giờ cũng có một điều luật khá dài, điều 1336, với một danh sách các hình phạt có thể có. Trước đây, đối với các giám mục và bề trên, không phải lúc nào cũng dễ dàng nói “một hình phạt chính đáng” sẽ là như thế nào. Bây giờ các ngài có nhiều thí dụ sẵn đấy, bao gồm 14 mệnh lệnh, lệnh cấm và tước quyền bao gồm việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ. Cũng bao gồm trong đó là các hình phạt mà Bộ luật cũ đã không xem xét, thí dụ, mệnh lệnh trả một khoản tiền phạt hoặc một khoản tiền cho các mục đích của Giáo hội hoặc tước bỏ các khoản thù lao của Giáo hội. Tuy nhiên, đối với cả hai loại hình phạt này, các Hội đồng Giám mục phải thiết lập các hướng dẫn.

Hỏi: Đức Cha có thể cho biết thêm chi tiết về cách dùng lời của Quyển VI trước đây khiến dẫn đến các vấn đề phải áp dụng các điều luật đa dạng khác nhau?

Đáp: Cách dùng lời của bộ luật cũ thường không khuyến khích việc áp dụng luật hình sự. Điều này, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong Tông Hiến về việc ban hành Bộ luật mới, thường gây ra thiệt hại lớn hơn và dẫn đến những tình huống trong đó một số hành vi lệch lạc trở nên rõ ràng và không dễ sửa chữa. Tôi sẽ đưa ra một số thí dụ, cố gắng không quá kỹ thuật: Điều luật đầu tiên của Quyển VI, tức điều 1311, có đoạn thứ hai mới thiết lập giọng điệu cho những điều tiếp theo. Đoạn này quả quyết rằng một phần của việc lãnh đạo mục vụ trong Giáo hội cũng là việc hướng dẫn cộng đồng “qua việc áp đặt hoặc tuyên bố các hình phạt, phù hợp với các quy định của luật, luôn phải được áp dụng một cách công bằng theo giáo luật và lưu ý đến việc phục hồi công lý, cải tạo phạm nhân, và sửa chữa tai tiếng”. Ở đây, chúng ta cũng tìm thấy mục tiêu của các chế tài hình sự trong Giáo hội: khôi phục công lý, cải tạo người phạm tội và sửa chữa tai tiếng. Điều đó cũng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong Tông hiến của ngài.

Rồi điều luật 1341 trong phiên bản cũ xác định rằng, “Vị bản quyền phải thận trọng chỉ khởi xướng một diễn trình tư pháp hoặc hành chính để áp đặt hoặc tuyên bố các hình phạt sau khi đã xác định chắc chắn rằng việc sửa chữa hoặc quở trách theo tình huynh đệ hoặc các biện pháp mục vụ khác không thể sửa chữa đầy đủ việc tai tiếng, khôi phục lại công lý, cải tạo người phạm tội”. Bộ giáo luật sửa đổi nêu rõ: “Vị bản quyền phải bắt đầu một thủ tục tư pháp hoặc hành chính để áp đặt hoặc tuyên bố các hình phạt khi ngài nhận thấy mọi phương pháp chăm sóc mục vụ, đặc biệt là việc sửa chữa theo tình huynh đệ, lẫn việc cảnh cáo hoặc sửa sai, cũng không khôi phục được công lý, cải tạo được phạm nhân, sửa chữa được tai tiếng”. Điều này có vẻ như không phải là một thay đổi lớn, nhưng nó vẫn quan trọng, vì quan điểm đã thay đổi và hy vọng cả việc thực hành cũng vậy.

Trong một số điều luật của Quyển VI hiện nay, chúng ta thấy, đối với một số hành vi trọng tội nào đó, một người "có thể bị trừng phạt". Cụm từ này hiện đã không còn. Nếu ai đó mắc một vi phạm hoặc một trọng tội được liệt kê trong luật hình sự, người đó phải bị trừng phạt. Điều này lấy đi việc biện phân của các Giám mục và Bề trên, vì các ngài không còn có thể quyết định liệu có nên áp dụng hình phạt hay không, mà phải bảo đảm để luật lệ được áp dụng.

Hỏi: Văn kiện này gia tăng trách nhiệm giải trình của các nhà lãnh đạo Giáo hội đến mức nào, nhất là liên quan đến tội lạm dụng tình dục?

Đáp: Trách nhiệm giải trình các lạm dụng tình dục luôn phải được chấp pháp, nhất là trong thập niên vừa qua. Quyển VI sửa đổi có một số thay đổi làm cho việc chấp pháp này hy vọng rõ ràng hơn. Một mặt, các trọng tội liên quan đến việc lạm dụng tình dục các vị thành niên đã được chuyển từ tiêu đề nói đến “các vi phạm chống lại các nghĩa vụ đặc biệt” sang tiêu đề “các vi phạm chống lại sự sống, phẩm giá và tự do của con người”. Đối với nhiều độc giả, điều này có vẻ không phải là vấn đề lớn, nhưng nó rất quan trọng vì nó thay đổi quan điểm. Nói rằng ai đó đã phạm một trọng tội chống lại “nghĩa vụ đặc biệt” là một chuyện, nhưng nói rằng hành động của họ là một trọng tội chống lại phẩm giá con người lại là một chuyện khác hẳn. Chúng ta sẽ chờ xem liệu sự thay đổi này có gây ra hậu quả gì cho pháp lệ và các diễn trình hay không.

Về trách nhiệm giải trình, cũng cần phải xem xét tiết §6 mới của điều luật 1371: “Một người sơ suất việc báo cáo một hành vi phạm tội, khi được giáo luật yêu cầu làm như vậy, sẽ bị trừng phạt theo quy định của điều 1336 §§ 2-4, với việc bổ sung các hình phạt khác tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội”. Điều này rất phù hợp với các quy tắc được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố, chẳng hạn trong Vos estis lux mundi.

Trong cùng một hướng đó, có dự liệu của điều 1389: "Một người lạm dụng quyền lực hoặc chức năng trong Giáo hội sẽ bị trừng phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi hoặc sự thiếu sót, không loại trừ việc bị tước chức vụ, trừ khi luật hoặc giới luật vốn đã quy định hình phạt cho hành vi lạm dụng này". Bản văn này đã được thay đổi và bây giờ là điều 1378 §1: “Ngoài những trường hợp đã được luật pháp dự đoán trước, một người lạm dụng quyền lực, chức vụ hoặc chức năng trong giáo hội, sẽ bị trừng phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi hoặc sự thiếu sót, không loại trừ bằng việc tước bỏ quyền lực hoặc chức vụ, mà không ảnh hưởng đến nghĩa vụ phải đền bù sự thiệt hại”.

Một số định mức mới, có trong điều 1376 sửa đổi (trước đây là điều 1377) và điều 1393 §2, cũng đề cập đến trách nhiệm giải trình trong việc quản lý lợi ích của Giáo hội.

Hỏi: Làm thế nào những sửa đổi này có thể giúp đưa các giám mục ương ngạnh, chẳng hạn như các giám mục ở Đức và những nơi khác, vào hàng ngũ?

Đáp: Đó là một câu hỏi rất hay, nhưng không dễ trả lời. Hiệu quả sẽ được xác định bởi việc áp dụng luật hình mới. Nếu nó được áp dụng một cách chính xác ở bình diện hoàn vũ cũng như ở bình diện địa phương, chắc chắn sẽ có những cải thiện.

Hỏi: Đức Cha đề cập đến việc quan trọng là áp dụng các quy tắc sửa đổi này. Do đó, có thành vấn đề hay không khi phần này của giáo luật tuy chặt chẽ hơn nhưng ý chí, nhất là ý chí của các giám mục không có đó để áp dụng chúng?

Đáp: Điều đó hoàn toàn đúng.

Hỏi: Một điểm yếu có thể có trong các sửa đổi là chúng đề cập đến các lĩnh vực mà thế giới và Giáo hội coi là quan trọng, chẳng hạn như tội lạm dụng tình dục, nhưng ít chú ý đến các lĩnh vực khác của riêng và quan trọng đối với Giáo hội và các linh hồn, tức là các tội đặc biệt chống lại tôn giáo, hoặc lãnh vực thiêng liêng, thí dụ lạc giáo, bội giáo, hoặc những người Công Giáo cố chấp trong các tội trọng công khai khi rước lễ. Có phải một cơ hội đã bị bỏ lỡ trong vấn đề này hay không?

Đáp: Tôi không nghĩ vậy. Lạc giáo và bội giáo đã được đề cập đến, như chúng đã được đề cập trong Bộ luật năm 1983. Tuy nhiên, điều chúng ta phải ghi nhớ là sự kiện này: không phải mọi sự bất tuân đều đã là lạc giáo và sự bội giáo giả thiết “việc bác bỏ hoàn toàn đức tin Kitô giáo” (điều 751). Vì vậy, ta cẩn thận trong lãnh vực này.

Hơn nữa, tôi muốn nói rằng việc đổi mới luật hình sự khiến chúng ta lưu ý đến nhiều vấn đề về đức tin và các bí tích. Ngoài ra, trong diễn trình cải cách, người ta đặc biệt chú ý đến các bí tích. Tất cả các vi phạm chống lại các bí tích đã được tập hợp lại trong một tiêu đề mới và đã có một số bổ sung quan trọng. Không những mưu toan phong chức cho phụ nữ là một trọng tội mà còn bị trừng phạt bằng vạ tuyệt thông tiền kết. Và ông cũng có thể tìm thấy quy tắc mới qui định rằng “một người cố tình ban bí tích cho những người bị cấm nhận lãnh nó sẽ bị phạt ngưng chức, thêm vào đó còn có các hình phạt khác được đề cập trong điều 1336 §§ 2-4 có thể được thêm vào ”(điều 1379 §4).

Trong Giáo hội, “sự cứu rỗi các linh hồn… luôn phải là luật tối cao (điều 1752). Theo nghĩa này, luật hình sự phục vụ cho việc cứu rỗi các linh hồn. Điều đó rất rõ ràng trong điều gọi là hình phạt chữa trị (tuyệt thông, ngưng chức và cấm chế [interdict]). Tất cả đều như một lời mời gọi rút ra khỏi hành vi sai lạc. Các hình phạt khác được gọi là hình phạt đền tội vì chúng cố gắng khôi phục công lý và cải tạo người phạm tội. Nhưng - tôi xin nhắc lại ở đây - mục tiêu này chỉ đạt được nếu luật hình sự được áp dụng một cách chính xác và nếu các nền tảng tín lý rõ ràng. Hơn nữa, phải ý thức được tầm quan trọng của bí tích giải tội vì mọi vi phạm cũng là tội.

Hỏi: Đức Thánh Cha có hoàn toàn ủng hộ văn kiện mới này không?

Đáp: Tôi có thể bảo đảm với ông rằng ngài ủng hộ! Sau khi nhậm chức, ngài đã được thông báo về dự án sửa đổi Quyển VI và đã được cập nhật về các bước khác nhau của công việc này. Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cải cách trong bài phát biểu trước phiên họp toàn thể của chúng tôi vào năm ngoái và trong Tông Hiến ngài dùng để ban hành Quyển VI mới này.

Hỏi: Công việc sửa đổi bắt đầu vào năm 2008 - tại sao diễn trình này lại mất nhiều thời gian như vậy?

Đáp: Ý tưởng lần đầu tiên được nhắc đến trong một buổi tiếp kiến mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã trao cho chủ tịch và thư ký của cơ quan chúng tôi vào tháng 9 năm 2007. Năm 2008, các bước chuẩn bị đầu tiên được thực hiện và vào ngày 24 tháng 3 năm 2009, trong bước đầu tiên (trong số hơn 60 bước), các cuộc họp của ủy ban chuyên môn chuẩn bị các dự thảo cải cách đã được tổ chức. Sau bản dự thảo đầu tiên, đã có sự tham khảo khắp thế giới các Hội đồng Giám mục, các bộ sở của Giáo triều Rôma, các bề trên dòng, các chuyên gia về giáo luật và hình sự, các phân khoa giáo luật, v.v... Các nhận xét họ đưa ra đã được thu thập và nghiên cứu. Công việc này dẫn đến một dự thảo mới một lần nữa được gửi đi để tham khảo ý kiến hạn chế hơn, v.v. Giai đoạn cuối của cuộc cải cách bắt đầu với phiên họp toàn thể của chúng tôi vào tháng 2 năm 2020 khi các thành viên của cơ quan chúng tôi phát biểu ý kiến của họ. Cuộc họp này đã dẫn đến những sửa đổi cuối cùng trước khi bản văn được trình lên Đức Thánh Cha để phê duyệt lần cuối. Tất cả điều này cần có thời gian.

Nguồn tin: vietcatholicnews.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây