https://dongten.net/wp-content/uploads/2020/02/03-I-Swear.mp3
“Cảm xúc là xu hướng đến gần đối tượng mà trực giác đánh giá là tốt (thích) hoặc tránh xa đối tượng mà trực giác đánh giá là xấu (không thích). Cảm xúc xét như một xu hướng thì không đương nhiên đưa tới hành động”. Tuy nhiên, gần như đồng thời khi cảm xúc xuất hiện (0,2s), một loạt các thay đổi về mặt thể lý diễn ra do hoạt động của hệ thống hormone trong cơ thể. Đến đây, có một sự thôi thúc hành động mãnh liệt để phản ứng lại với kích thích mới nhận được. Nhưng nếu chủ thể đưa ra hành động ngay lúc này, thì đó tuyệt nhiên là hành động mang tính bản năng, không có sự cân nhắc và phản tỉnh của trí trôn, cũng không phải là hành động mang đặc nét tự do của con người. Ngoài trừ trường hợp các nhân đức đã được tập luyện tới mức tự động hóa.
Cảm xúc tự nhiên hay còn gọi là cảm xúc cảm tính thường có cường độ rất mạnh và tốc độ rất nhanh. Khi ấy ngoài việc bị bản năng chi phối (thông thường nhất là bản năng tính dục và bản năng gây hấn), ta còn dễ dàng bị ma quỷ mê hoặc và gieo vào đầu ta những tư tưởng xấu xa và ngụy biện khôn cùng. Do đó, Thánh I-Nhã đã khuyên các thao viên cách riêng và tất cả chúng ta nói chung, khi quá vui (Linh thao số 14) hoặc khi quá buồn (Linh thao số 318) thì ta không nên đưa ra bất kỳ một quyết định nào hay thực hiện một hành động nào. Vì hành động trong lúc cảm xúc mạnh như thế dễ khiến ta phạm phải những sai lầm đáng tiếc do thiếu sự cân nhắc của lý trí.
Chẳng hạn cơn giận dữ là một ví dụ điển hình. Nó như một cơn sóng thần, một trận lốc xoáy sẵn sàng nhấn chìm tất cả, huỷ diệt tất cả những gì xung quanh – nơi nó hiện diện. Nó khiến ta không còn biết mình là ai! Đôi khi “sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ”. Sự nhỏ nhen ấy có thể là những việc làm ám muội, có thể là một lời nói ác ý, hoặc chỉ đơn giản là khước từ thực hiện một điều tốt cho người khác…vv. Tất cả đều dẫn đến một kết cục chung là thiệt hại cho cả phía người giận lẫn người bị giận. Vì “giận dữ giống như việc người ta tự uống một viên thuốc độc nhưng lại muốn người khác chết” (Đức Phật). Chính vì thế, Thánh Phao-lô cũng đã khuyên nhủ các tín hữu Ê-phê-xô rằng: “đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26). Vậy nên, “Người chậm giận thì hơn trang hào kiệt, người tự chủ hơn kẻ chiếm được thành”. (Sách Châm Ngôn 16, 32)
Cảm xúc tự nhiên ấy còn có thể nhấn chìm ta trong những ham muốn vô độ của bản năng tự nhiên. Trong đó phải kể đến lục dục, bao gồm: sắc dục: ham muốn nhìn thấy sắc đẹp; thính dục: ham muốn nghe âm thanh êm tai; hương dục: ham muốn ngửi mùi thơm dễ chịu; vị dục: ham muốn món ăn ngon miệng; xúc dục: ham muốn xác thân sung sướng; pháp dục: ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn. Đành rằng đã là con người, ai cũng có những cái dục trong mình, nhưng nếu để những cái dục ấy trở nên mất kiểm soát, ắt hẳn ta sẽ tự chuốc hoạ vào thân.
Tựu chung lại, cảm xúc tự nhiên thường dẫn ta đến một nơi hoang dại của những loài hoang dã. Khiến ta thực hiện một cú nhảy ngoạn mục, ngược dòng về lối sống của những loài không có lý trí, ý chí và tự do. Trong đó, sự thống trị của bản năng chiếm thế độc tôn và những phản ứng thuần tự nhiên cứ thế nổi loạn và đòi thỏa mãn những khoái lạc giác quan bao nhiêu có thể. Bởi thế, cảm xúc chỉ làm cho cuộc sống trở nên thi vị và đáng sống khi nó được song hành cùng với lý trí, trí khôn và ý chí. Vậy nên, trước mỗi kích thích từ bên ngoài hay từ bên trong, ta cần phản ứng chậm lại, để các tài năng của linh hồn có thời gian và cơ hội được biểu lộ chức năng đặc trưng của mình là phản tỉnh và chọn lựa cách tự do, nhờ đó không những ta không bị cảm xúc tự nhiên dẫn lối, mà còn giúp ta tận dụng và làm chủ được nó!
Hv. Văn Tài, S.J.