CHỨNG TỪ ĐỨC TIN THỜI INTERNET
Trước lễ Hiển Linh vừa qua, tôi đã trải qua một ngày Thứ Bảy rất cảm kích.
Mười giờ sáng, có tiếng gọi cửa dồn dập. Nhìn ra, vườn nhà hưu dưỡng Tòa giám mục Qui Nhơn nắng đẹp như đón chờ lễ Hiển Linh, lễ của ánh sang, đang đến vào hôm sau. Tôi mở cửa. Không phải ba đạo sĩ nhưng là ba phụ nữ, so với khung cảnh nhà chung này, cũng cổ quái không thua gì các đạo sĩ từ phương Đông. Hai người đã trên sáu mươi, y phục cư sĩ Phật giáo, màu lam, vai mang tay nải. Người thứ ba là một nữ tu trẻ dòng Mến Thánh Giá, nhân viên của quầy sách… Chị đẩy hai vị khách vào. Có việc gì đây? Hai vị khách khệ nệ đặt xuống mười chai nước lớn và sáu cây nến màu vàng có dán hình thập giá màu đỏ.
- Xin cha làm phép giúp chúng con.
- Nhưng đầu đuôi câu chuyện thế nào ạ?
- Thưa cha, hai bà này người lương. Họ sẽ tự kể chuyện cho cha nghe.
Chị nữ tu trả lời và rút lui. Hai người tự giới thiệu:
- Chúng con đã tìm hiểu Kinh thánh và càng lúc càng thấy Chúa thương chúng ta quá. Chúng con rất thương Chúa. Mấy năm qua chúng con tu theo Phật. Nay nhờ Kinh thánh chúng con biết chỉ có Chúa là Đấng Tối cao Duy nhất. Chúng con tin Chúa. Xin cha cho chúng con được rửa tội.
Họ ở cách Tòa giám mục 90 km, tại một nơi mà 180 năm trước Thầy Sáu Do đã đi qua và về sau đã rải rác có vài nếp nhà thờ nhưng nửa thế kỷ nay không còn dấu vết. Nghe đâu còn ẩn khuất đâu đó dăm bảy gia đình Công giáo nhưng mấy lần về ăn giỗ đồng tộc tôi vẫn dò la mà chưa gặp được ai. Tôi còn quá nhát đảm ! Chỉ tìm gặp những người đồng đạo mà còn dè dặt đến thế, làm sao mà rao giảng Tin mừng ? Thế mà hôm nay từ chính địa phương ấy lại có những người được ơn tin Chúa thật mãnh liệt, đang tìm đến tận nơi ở của tôi !
- Các chị đã đọc những kinh sách nào rồi?
- Bản chỉ dẫn về chuỗi Mân Côi, mấy quyển này… Chúng con mới thỉnh, nhưng chúng con đã nghiên cứu Kinh thánh.
- Kinh thánh? Ai đã cho các chị?
- Con có cái Ipad này. Ở nhà con không dám mở nhưng chị Bốn đây sống một mình. Con gửi ở nhà chị, con sang đó cùng nhau đọc bài trên mạng rồi nghe các bài giảng của cha Long về Lòng Chúa Thương Xót, nghe mãi không chán. Ôi Chúa thương chúng ta biết chừng nào !
Tôi rất ngạc nhiên khi thăm dò về việc cầu nguyện hằng ngày, được nghe hai vị nói đến cả ba kinh Lạy Cha, Kính mừng và Sáng danh một cách hồn nhiên.
Hai vị quen biết một thiếu phụ Công giáo và đã nhờ chị đưa tới nhà thờ giáo xứ cách đó gần 50 km, vào một ngày Chúa nhật, có « ông cha đội mũ tím » về làm lễ. Họ đã được giới thiệu với cả cha sở và Đức Cha Matthêô, giám mục Giáo phận Qui Nhơn. Tôi bấm máy cho Đức Cha. Đức Cha hỏi thăm, khích lệ và xin Chúa ban phúc lành cho họ. Họ hết sức mừng rỡ.
Tôi cũng gọi đến cha sở. Đường tới nhà thờ khá trắc trở, họ lại không có xe máy. Nếu đi Qui Nhơn, họ có thể đón xe buýt trước cửa nhà và đi thẳng. Do đó, cha sở đề nghị tôi chăm sóc giáo lý cho họ rồi cử hành bí tích luôn.
- Các chị có tâm nguyện muốn được rửa tôi nhưng cần có một thời gian chuẩn bị nhé!
Tôi xin số điện thoại và đang tính hẹn ngày, thì chị lớn tuổi hơn nhanh nhẩu:
- Nếu được thì cho chúng con học chiều nay luôn, bốn giờ chúng con mới lên xe về.
- Vâng, để tôi nói các sơ dọn phòng cho các chị nghỉ trưa và mời các chị dùng bữa.
- Ồ, chúng con ăn chay trường, để chúng con ra ngoài ăn.
- Không sao, các sơ có đủ cơm trắng, rau luộc, xì dầu, dưa leo và muối đậu phụng.
- Vậy thì tốt quá!
Tới một giờ rưỡi, nghỉ trưa dậy, tôi đưa hai vị vào nhà nguyện, đến trước hang đá Bê lem, kể chuyện Chúa giáng sinh, chuyện các đạo sĩ, những ngày tháng bên Ai Cập rồi Gia đình thánh về Nazarét, tiếp đến là những năm rao giảng, cái chết thập giá và sự Phục sinh của Chúa.
Sau đó, tôi đưa hai vị trở lại phòng, tiếp tục câu chuyện ban sáng:
- Các chị muốn xin làm phép nước để dùng hằng ngày cho “đạo mỗi ngày một thấm thêm vào lòng”. Trong ước nguyện ấy có hai điểm: Trước hết là việc cầu nguyện xin Chúa ban phúc lành cho nước uống hằng ngày. Việc này chính các chị có thể tự làm lấy với lời nguyện trước bữa ăn ở trang 23 quyển Kinh Nguyện Gia Đình này.
Còn ý thứ hai là để cho “đạo mỗi ngày một thấm thêm vào lòng” là các chị đang linh cảm thấy nước hằng sống mà Chúa Cứu Thế đem đến. Xin mời các chị cùng đọc với tôi câu chuyện Chúa Giêsu trao đổi với người phụ nữ đến múc nước ở giếng Giacóp (Ga chương 4).
Hai vị tỏ ra kinh ngạc, không ngờ câu chuyện Kinh thánh rất giống với chuyện những chai nước họ khệ nệ đem tới đây.
- Các chị cũng hiểu là, bình thường Chúa Giêsu rất dè dặt, không nói rõ về bản thân Ngài cho đám đông, nhưng ở đây vì người phụ nữ đã lắng nghe và sẵn lòng đổi mới đời sống, nên khi chị ấy nhắc đến Đấng Cứu Thế, Chúa không ngần ngại tiết lộ rằng Ngài chính là Đấng ấy. Ngài là Nước hằng sống.
Đây chính là điểm khác biệt then chốt giữa Kitô giáo và mọi tôn giáo khác. Nơi các tôn giáo khác, vị giáo chủ nào cũng khẳng định con đường họ giới thiệu là chân lý: “Thưa quý vị, đây là con đường, đây là sự thật tuyệt đối”. Tuy nhiên không một vị nào dám nói và có thể nói như Chúa Giêsu: “Chính tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Mọi giáo chủ đều chỉ vẽ cho môn sinh thấy một con đường đến với Chân lý Tuyệt đối ở bên ngoài bản thân các vị, duy chỉ một mình Chúa Giêsu mới thẳng thắn quả quyết: “Tôi là Chân lý, là Sự thật tuyệt đối” (Ga 14,6). Điểm trung tâm của giáo lý Chúa Giêsu là chính bản thân Ngài. Cho nên điều quan trọng là phải xây dựng tình thân giữa mình với Ngài. Các chị có thể là chẳng bao giờ thầm nói với Đức Phật một lời mà vẫn là một cư sĩ Phật giáo tốt. Thế nhưng, khi các chị đã là môn đệ Chúa Giêsu thì Chúa muốn các chị phải trò chuyện với Ngài mỗi ngày nhiều lần, thân mật hơn là tình bạn giữa hai chị dành cho nhau. Mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và mỗi chúng ta tựa như giữa cây và cành, cành lìa khỏi cây sẽ chết.
- Thưa cha, Đức Bổn sư cũng có nói điều cha nói đó. Ngài nói ngài là ngón tay chỉ mặt trăng, và các bạn phải tự thắp đuốc mà đi tìm chân lý.
Tôi vói tay rút quyển Các Giờ Kinh Phụng Vụ, lấy cho hai vị xem một tấm ảnh ngăn trong đó. Một vị ngạc nhiên:
- Ô! Cha cũng giữ hình Đức Bổn sư!
- Vâng, tôi giữ tấm hình này để nhắc mình những lời hay ý đẹp của ngài và nhất là để cầu nguyện cho những người từng say mê giáo lý ngài như các chị.
Như các đạo sĩ xưa, các chị đã gặp được Đức Bổn sư như một ngôi sao dẫn đường đến với Chúa Cứu Thế.
Ba đạo sĩ đã để lại vàng, hương và một dược, còn hai vị cư sĩ? Một vị rút ra 200.000 đồng “cúng dường” để góp phần “ấn tống” kinh sách. Còn vị kia rút ra một gói gạo lứt sấy:
- Đây là đồ chay chúng con đem theo dự tính ăn trưa nay, nhưng đã được các sơ mời cơm rồi, xin gửi lại cha dùng cho vui.
Tôi đã không thể tìm được một con chiên lạc nào ở vùng ấy, rồi giờ đây Internet tìm giúp tôi những người ăn chay trường, giúp họ biết giáo lý Chúa và đưa họ về với Chúa. Nếu tôi bàn ra việc ăn chay tốt lành của họ, e rằng tôi tự chuốc lấy lời Chúa đã khiển trách người Pharisêu (x. Mt 23,15).
- Vâng, tôi cũng muốn nói với các chị điều ấy: Các chị đã được ơn ăn chay trường, hãy cứ tiếp tục. Trước hết, ăn chay trường có lợi cho sức khỏe. Tiếp đến, nó nhắc mình rèn luyện đức từ bi nhân ái. Tôi không ăn chay trường nhưng cũng có những thời gian ăn chay.
- Vậy thì con mừng quá. Theo Chúa, con được thêm nhiều điều hay mà không bỏ mất điều hay đã có được!
Mấy chục năm trước, đã có những đoàn dài những người H’Mông vượt núi rừng đi tìm nơi thờ phượng Chúa tại Giáo phận Hưng Hóa và Tổng giáo phận Hà Nội. Cũng đã có những đoàn người Êđê, Jarai, Bahnar tại Gia Lai và Kon Tum chia nhau đi lung tìm linh mục của Chúa. Họ đã nghe Lời Chúa qua các chương trình phát thanh Tin lành và Công giáo. Giờ đây anh chị em người Kinh, từ những vùng sâu, vùng xa lại kiếm tìm trên Internet rồi kéo nhau về tận Tòa giám mục.
Chiều đến, ngồi dùng bữa, tôi nhắc lại với các cha lời một anh em linh mục đã nói ngay tại bàn ăn này: “Rồi người ta sẽ ùn ùn trở lại nhưng mình sẽ tìm đâu ra người dạy giáo lý?” Người anh em ấy là linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Trí, đã về với Chúa năm 2014, thọ 70 tuổi. Quả tình những năm qua, câu nói của Cha Trí vẫn là một băn khoăn lớn cho tôi. Thế nhưng giờ đây, trong ngày vọng lễ Hiển Linh, tôi được tận mắt chứng kiến Thiên Chúa đang cho đáp số đến từ một phía không ngờ: Lời Chúa đang được rao báo trên mái nhà của truyền thông.
Trước công việc Thiên Chúa làm, tôi nhớ đến những lời hứa đầy lạc quan trong Gr 31,31-34; Is 62,1; đặc biệt là: “11Quả thật, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. 12Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. 13Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Israel, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. 14Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel. 15Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. 16Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,11-16).
Thật đầy an ủi, khi ta đã cố gắng hết sức mà không làm được, Thiên Chúa sẽ can thiệp. Tuy nhiên, liệu chừng ta đã cố gắng hết sức chưa? Ta làm sao có thể phớt lờ những câu thật đáng sợ đi liền trước đoạn vừa trích? “5Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. 6Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.
7Vì thế, hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa. 8Ta lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng -, bởi chiên của Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, 9nên hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa: 10Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa” (Ed 34,7-10).
Thiên Chúa không những ngỏ lời với các mục tử mà còn nói thẳng với đàn chiên: “17Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, Đức Chúa là Chúa Thượng phán. Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê. 18Được chăn trong đồng cỏ tốt tươi đối với các ngươi phải chăng còn quá ít, mà các ngươi lại lấy chân giày đạp phần đồng cỏ còn lại của các ngươi, được uống nước trong mà các ngươi lại lấy chân quậy đục phần còn lại ? 19Vì thế, đàn chiên của Ta phải gặm phần cỏ chân các ngươi đã giày đạp, phải uống phần nước chân các ngươi đã quậy đục.20Bởi vậy, Đức Chúa là Chúa Thượng phán với chúng như sau: Này Ta sẽ xét xử giữa chiên béo với chiên gầy.21Vì các ngươi thúc vào sườn, vào vai và lấy sừng mà húc vào mọi con chiên đau yếu đến độ các ngươi làm cho chúng phải tản mác ra ngoài, 22nên Ta sẽ cứu thoát chiên của Ta để chúng không còn bị cướp phá, Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên” (Ed 34,17-21; xt Gr 23,1-4).
Ta cũng không thể quên một lời khác, lời ông Marđôkê nhắn gửi con đỡ đầu của ông là hoàng hậu Esther, tiêu biểu cho những người ưu tú trong Dân Chúa: “Vì đến lúc này mà con vẫn cứ ngậm miệng làm thinh, thì người Do Thái sẽ nhận được sự trợ giúp và giải cứu từ một nơi khác; còn chính con và nhà cha con lại bị tru diệt” (Et 4,14).
Thiên Chúa từng ưu ái tỏ ra rằng Ngài cần đến chúng ta, tuy nhiên nếu chúng ta không quảng đại hưởng ứng lời Ngài mời gọi, Ngài cũng thẳng thắn cho thấy thật ra Ngài chẳng cần gì đến chúng ta. Nếu chúng ta không chịu lên đường rao giảng, thì chúng ta sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước mặt Ngài, còn Lời hằng sống sẽ vẫn cứ vang vang từ chân trời này tới chân trời khác, bằng nhiều cách, cụ thể ngày nay sẽ bằng cả Internet. Điều đáng mừng là cuối cùng nữ hoàng Esther đã chỗi dậy vì đồng bào, chính Chúa lại an ủi: “Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta; chúng sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi” (Gr 3,15). 31Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới,… 33Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. 34Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa (Gr 31,31.33-34).
Và rồi hôm nay, vẫn còn đó những anh chị em miệt mài lặng lẽ tải Lời của Chúa lên Internet mỗi ngày bằng nhiều cách thế. Xin cám ơn và chúc mừng những anh chị em đang dấn thân loan báo Tin mừng và đang gìn giữ để ánh sao Hiển linh không tắt mất.
“2Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
3Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
4Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
5mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 18/19,2-5).
Qui Nhơn, lễ Hiển Linh 06-01-2019
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn