Hết Xuân Vì Nhậu
Thứ sáu - 08/02/2019 21:19
HẾT XUÂN VÌ NHẬU
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay ngày 7/2 (mùng 3 Tết) cả nước xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 15 người chết và 40 nạn nhân khác bị thương. Ngoài ra, một vụ tai nạn đường sắt cũng làm 1 người tử vong.
Cùng ngày, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm, phạt hành chính gần 1 tỷ đồng và tạm giữ trên 400 phương tiện, 85 giấy tờ các loại.
Đường dây nóng của Ủy ban ATGT cũng không tiếp nhận cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh về tình hình giao thông.
Thống kê 6 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, toàn quốc xảy ra 177 vụ tai nạn giao thông làm chết 112 người, bị thương 150 người.(x. news.zing.vn).
Những ngày Tết, ra đường cảm thấy sợ hãi. Xe cộ chạy bát nháo đến phát khiếp. Các bãi biển đông nghẹt những đoàn người ăn nhậu. Các Bệnh viện quá tải ở khoa cấp cứu. Hàng trăm vụ tai nạn làm nhiều người chết và hàng ngàn người mang thương tích. Nguyên nhân chủ yếu là do uống nhiều bia rượu. Người ta thường nói là nhậu nhẹt. Nhậu có thể hàm nghĩa là uống khi đang ăn mà hình như uống mới là chính, chứ ăn chỉ là phụ. Vì vậy, “ăn nhậu” mới dẫn đến “nhậu nhẹt” là khi vì nhậu quá nhiều người ta mới thành nhão “nhão nhẹt”.
Đọc trang: vnexpress.net, có bài: “Đàn ông Việt tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới”.
Hãng bia ngoại sửng sốt vì dân nhậu Việt, bình quân mỗi ngày người Việt chi 81 tỷ đồng uống Bia Sài Gòn.Tạp chí y khoa Lancet (Anh) vừa công bố báo cáo Global Burden of Disease Study 2016, nghiên cứu về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 195 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2016.Theo đó, mỗi ngày, đàn ông Việt nạp vào người hơn 5 ly tiêu chuẩn (mỗi ly tiêu chuẩn chứa 10 gram cồn). Trên thế giới, chỉ Việt Nam, Bồ Đào Nha và các nước bán đảo Balkan là có mức tiêu thụ này. Ngược lại, con số này của phụ nữ Việt thuộc hàng thấp nhất, với chưa đầy một ly tiêu chuẩn mỗi ngày.
Đàn ông Việt thuộc nhóm tiêu thụ hơn 5 ly tiêu chuẩn mỗi ngày - cao nhất thế giới.
Cũng theo báo cáo, tỷ lệ người dân uống đồ uống có cồn trong vòng một năm trước đó của Việt Nam ở mức trung bình với nam giới, với 40 - 59,9% dân số. Tỷ lệ này của nữ vẫn thuộc nhóm thấp nhất - dưới 19,9%.
Báo cáo của Lancet sử dụng 694 nguồn dữ liệu về mức độ tiêu thụ cồn của cá nhân và quốc gia, cùng hơn 590 nghiên cứu về rủi ro khi sử dụng đồ uống có cồn. Từ đó, họ ước tính và phân loại các nước dựa trên nhiều tiêu chí, như tỷ lệ người dân sử dụng đồ uống có cồn trong một năm trở lại đây, tỷ lệ không sử dụng, hay số ly tiêu chuẩn được tiêu thụ mỗi ngày.
Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp bốn lần người Singapore.
“Tại hội thảo cung cấp thông tin về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 8/6, ông Nguyễn Phương Nam, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết; Lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, 64 thế giới, với mức trung bình 8,3 lít năm 2016. Dự báo đến năm 2025, mức độ tiêu thụ rượu bình quân sẽ là 7 lít/người/năm” (x.msn.com).
***
Ông bà ta ngày xưa có câu: “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Ngày xưa uống rượu là một phần nghi lễ trong đời sống văn hóa, xã giao của người Việt, người ta uống đúng nơi, đúng chổ, đúng lúc.
Cụ Nguyễn Khuyến viết: “Rượu ngon không có bạn hiền.
Không mua không phải không tiền không mua”
Cụ Nguyễn chỉ nhậu với “bạn hiền”, còn “bạn” dạng khác hay không phải “bạn” thì cụ thà nhịn chớ không nhậu chung.
Con cháu các cụ thời nay thì lại khác. Ăn nhậu trở thành “mốt” trong những mối quan hệ xã hội. Nhậu nhẹt, say sưa, tai nạn, gây biết bao đau khổ cho bản thân gia đình và xã hội.
Thời nay, bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng: nhậu; ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp: nhậu; có chuyện vui: nhậu; gặp chuyện buồn: nhậu; hết giờ làm việc đồng nghiệp cùng nhau thư giãn: nhậu; ra ngoài đi công tác rồi “giao lưu”, “kết nghĩa: nhậu; có khách đến nhà: nhậu. Gặp người quen: nhậu, gặp người lạ mời: cứ nhậu trước rồi khắc quen sau. Nói chung là bất cứ việc gì cũng nhậu trước nói sau, “uống rồi nói mới tin”, ai không muốn nhậu thì bị coi là “chơi không vô”, “không cùng hội cùng thuyền”, thuộc loại “cần phải đề phòng”…
Nhậu có muôn hình vạn trạng, nhưng nói đi nói lại thì cũng chỉ có hai loại là nhậu kiểu nhà nghèo và nhậu kiểu nhà giàu. Nhắc đến nghèo thì cứ nhắm hướng nông thôn và tiến. Về đấy ta thấy đa phần thanh niên đều say nàng men như điếu đổ. Chiều chiều, tối tối, sáng sáng lại tụ tập với nhau, chén tù chén tạc trông rất vui vẻ. Lâu ngày thành thói quen, không nhậu thấy nhớ bạn nhớ mồi, nhậu riết thành nghiện. Nghiện rồi thì rượu là nhất thế gian hơn cả vợ con. Bởi vì sao nên nông nổi? Mọi người đều có nhu cầu vui chơi giải trí. Nhưng ta thấy đó, ở nông thôn có gì để thỏa mãn nhu cầu này. Một vài nơi tương đối khá thì có một sân khấu ngoài trời, cỏ mọc tới tận gối vì hiếm hoạ mới có đoàn văn nghệ về diễn hai ba đêm. Đi khắp các làng xã xuôi nam ngược bắc đố kiếm được nơi nào có rạp chiếu phim, chỉ thinh thoảng phòng thông tin văn hoá huyện hợp đồng được với ai đó dựng màn ảnh phục vụ cho vài ba hôm là quý lắm rồi.
Câu lạc bộ thể thao, sân vận động là những thứ xa xỉ chỉ dành cho thành phố, vì thành phố mới thu lại được nhiều tiền. Sách báo cũng khó có đất sống ở nông thôn, vì nhà nước chả quan tâm mà tư nhân ai can đảm lắm thì cũng chỉ dám mở một tiệm lèo tèo vài ba thứ cho có vị. Truyền hình thì có, phát thanh cũng có, mà điện thì chập chờn lúc có lúc không, lúc mạnh lúc yếu, chưa kể những vùng còn leo lét đèn dầu, và không phải nhà ai cũng có tiền sắm tivi hay mua cassette. Muốn vui chơi không lẽ cứ lông nhông ngoài bờ đê, ruộng cỏ như đám con nít. Mỗi xị rượu gạo chỉ vài ba ngàn, bia tươi thì uống tính lít chứ không tính chai, thêm một con khô hay một gói đậu phụng, cũng chẳng mất bao nhiêu tiền mà anh em ta kéo nhau lại hàn huyên cũng vui. Không nói đến trình độ văn hoá kém dẫn đến nhận thức cũng kém ở nông thôn, vì đó là chuyện dài của vấn đề đầu tư cho giáo dục. Ta chỉ giả sử nếu có nhiều khu vui chơi giải trí lành mạnh bổ ích và ưu đãi cho nông thôn, liệu hiện tượng làm bạn với ma men có còn phổ biến?
Cũng có thể nói ngược lại, ở thành phố thiếu gì nơi vui chơi sao bà con vẫn cứ kéo nhau đi nhậu. Những tiếng "dzô, dzô" rất khí thế từ các bàn nhậu vang ra tận ngoài đường cũng cho ta thấy ở thành phố nhậu khác dưới quê. Sinh viên thực tập phải mời cả phòng nhậu mới được gọi là biết điều. Ông trưởng phòng "A lê, anh em!" thế là phải khăn gói tháp tùng, nếu không sẽ bị cho là không hoà đồng, hay lỡ may ông trưởng phòng cho là ghét ông thì cũng khó sống. Các cơ quan, công ty phải lo chiêu đãi các sếp lớn từ trung ương đến để còn an tâm không bị khó dễ sau này. Vì miễn cưỡng nên không ít người vừa nghe đến chữ nhậu là sởn tóc gáy, thế mà vẫn phải lê lết tiếp khách hết trận này đến trận khác. Những bữa nhậu ở đây tính từ tiền trăm cho đến tiền triệu, tính từ tiền đồng cho tới tiền đô. Nhưng không phải bữa nhậu nào cũng phải móc tiền túi ra trả, hoá đơn ta cứ đem về kiếm cách thanh toán lại. Thế nên, cứ nhậu chẳng cần bận tâm chia trí. Đây không còn là vì nhu cầu vui chơi nữa, mà là nhu cầu làm vừa lòng các cấp trên. Nhiều người trong chúng ta phải chiều lòng những kẻ có quyền thế để mua lấy cái sự bảo đảm cho mình. Thế nên, chừng nào còn sự đòi hỏi của các quan thì chừng đó nhậu vẫn còn tràn lan ở thành phố.(x. Nhậu: Từ Nông Thôn Đến Thành Phố; Lam Châu).
***
Gần 3.500 người vào viện, 11 người chết do đánh nhau trong dịp Tết
Trong dịp Tết Kỷ Hợi, có tới 3.442 trường hợp tới khám và cấp cứu do đánh nhau, trong đó 1.820 ca phải nhập viện điều trị, và có tới 11 trường hợp tử vong.
Đây là những con số mới nhất được Bộ Y tế công bố vào sáng 8/2 về tình hình khám, chữa bệnh từ ngày 28 đến hết ngày mồng 3 dịp Tết Kỷ Hợi.
Riêng ngày 6/2 (mùng 2 Tết) cả nước ghi nhận 734 trường hợp nhập viện do đánh nhau, trong đó số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 435 trường hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, so với Tết năm trước, số ca đánh nhau phải nhập viện vẫn “duy trì” về cả số khám và cấp cứu như cũ. Trong đó, số ca phải cấp cứu được xác định do rượu, bia là 98 trường hợp.
So với Tết năm trước, dịp nghỉ Tết năm nay tại các cơ sở y tế, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 22%, nhưng số ca khám, cấp cứu do pháo nổ tăng lại tăng tới 32%.
Cụ thể, các cơ sở y tế đã khám và cấp cứu 7.280 trường hợp do tai nạn giao thông, trong đó có tới 2.794 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, theo dõi và 648 trường hợp nặng phải chuyển tuyến trên điều trị.
Đến cuối ngày mồng 3 Tết, đã có 117 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông.
Đối với việc khám cấp cứu do pháo nổ, đã có tới 275 trường hợp nhập viện khám, cấp cứu do pháo nổ các loại. Riêng ngày mồng 2 Tết có 18 trường hợp khám cấp cứu do pháo nổ cùng với 3 trường hợp nhập viện do chất nổ khác.
Bên cạnh đó, trong 5 ngày Tết vừa qua các bệnh viện còn tiếp nhận 1.982 ca bị ngộ độc thức ăn và 488 ca phải nhập viện điều trị. Trong số các ca đến khám và cấp cứu, có hàng trăm trường hợp được xác định là ngộ độc và say rượu, bia.
Tuấn Minh
(Tri thuc VN)
***
Tết là ngày lễ của mùa xuân. Ngày Tết không một người nào có vẻ nghèo cả! Mọi người đều có một chút gì để mà “ăn Tết”. Người ta chấp nhận mang công mắc nợ để rồi sau đó sẽ vất vả làm lụng để trả nợ, nhưng vào ngày Tết người ta cần phải tận hưởng. Mọi người đều có quyền “ăn Tết”, mọi người đều cảm thấy có bổn phận vui hưởng Tết.
Biết bao là những nét đẹp thanh cao, tao nhã của truyền thống ngày Tết cổ truyền Dân tộc. Ước mong mọi người biết “chay tịnh”, biết “hãm mình”, luôn tự chủ bản thân để những ngày vui xuân thật sự hạnh phúc, an lành cho mình và cho gia đình, cho xã hội.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Mồng 5 Tết Kỷ Hợi