Tu sĩ Tađêô Đào Duy Thiện, SVD
Tu sĩ nào cũng trải qua chương trình đào tạo lâu dài. Trong chương trình này, họ được đào tạo về nhiều mặt như nhân bản, tu đức, tri thức… Trên con đường học tập lĩnh hội tri thức, các tu sĩ, dù ít dù nhiều, phải hoàn tất chương trình Triết học tùy theo bậc sống mà mình đã chọn trong Nhà Dòng. Ai học Triết cũng có thể trả lời ngắn gọn rằng triết học là yêu mến, tìm kiếm sự khôn ngoan. Phần tôi, đang là sinh viên triết học năm thứ hai, tôi vẫn chưa dám đưa ra câu trả lời cách chắc chắn cho câu hỏi “khôn ngoan là gì?” Hãy nghĩ xem các tu sĩ đều là những người có cơ hội học Triết, họ sẽ trả lời câu hỏi trên như thế nào và sẽ biểu hiện sự khôn ngoan của mình ra làm sao.
Việt Nam chưa có một nền triết học cho riêng mình cũng như chưa có một học giả nào đạt được tầm của một triết gia. Thế nhưng người Việt bình dân lại có được ý niệm về khôn ngoan rất sớm. Qua những câu ca dao, tục ngữ như: Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe/ Thân em như giếng giữa đàng, người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân/ Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau… ta thấy người Việt cũng biết “làm” triết học như Tây phương chứ chẳng chơi.
Những câu ca dao trên không trả lời cho chúng ta biết được khôn ngoan là gì nhưng cho chúng ta biết được những biểu hiện của khôn ngoan như: ai khôn ngoan thì làm thế này chứ không làm thế khác; ai khôn ngoan thì tránh điều nọ mà làm điều kia… Phần tôi, một tu sĩ đang được học Triết, dù chưa thể nói được khôn ngoan là gì cách rốt ráo nhưng có thể thấy được những biểu hiện của sự khôn ngoan nơi những tu sĩ khác đang trong chương trình Triết học. Nhưng, có lẽ các tu sĩ sinh viên kia chưa hoàn tất chương trình Triết nên chưa kết nối được khôn và ngoan.
Sống “khôn” với anh em và sống “ngoan” với bề trên là lối sống mà nhiều người đi tu, trong đó có tôi, dễ bị mắc vào. Tại sao lại có sự tách rời như vậy? Có phải đời sống tu trì và sự khắc nghiệt của nó khiến cho người tu sĩ phải tách đôi “khôn ngoan” ra thành “khôn” và “ngoan” hay không? Có phải khi chọn lối sống như thế, người tu sĩ sẽ có được một con đường bằng phẳng và thênh thang hơn với ít gập ghềnh sóng gió trong đời tu?
Dù chưa đi và cũng không thể đi phỏng vấn tất cả các tu sĩ Việt Nam, nhưng tôi tin rằng ai sống trong nhà tu cũng biết đến lối sống khôn và sống ngoan này, cũng như ít nhiều nhận diện được những kẻ chọn lối sống đó. Có người thấy lối sống đó nơi người khác, có người nhận ra hiện tượng này nơi mình, số khác nghĩ điều đó chỉ có nơi người ta mà không biết mình cũng đang sống kiểu sống như vậy.
Sống “khôn” với anh em là lối sống không hết mình, sống không thật tình, và sống bằng tiểu xảo. Sống “ngoan” với bề trên là biết “nâng khăn sửa túi”, là chấp nhận vâng lời tuyệt đối nhưng không phải vì đức vâng lời mà là vì mình. Một tu sĩ không đụng chạm đến ai trong cộng đoàn thường cũng ít muốn đụng nhiều đến công việc trong cộng đoàn mình. Một tu sĩ hay nói ngược ý bề trên sẽ bị nói là không ngoan, là không có đức vâng lời. Cái khôn và cái ngoan đó có lẽ không phải là đức khôn ngoan của con cái ánh sáng mà có lần Đức Giêsu Kitô đã đề cập, âu chỉ là cái khôn khéo, tinh ranh của con cái đời này (x. Lc 16,1-8).
Khôn không đứng gần ngoan thì khôn đó là một thứ khôn lỏi. Ngoan không đứng gần khôn thì ngoan đó là một cái ngoan giả tạo, cái ngoan nín thở qua cầu. Khi khôn và ngoan đứng gần nhau tạo thành đức khôn ngoan thì đó quả là một điều tuyệt vời. Nhưng khôn và ngoan tách ra làm hai lối sống nơi một tu sĩ thì đó thật là một “thảm họa”.
Số 301 trong Hiến pháp của Hội Dòng chúng ta nói rằng: Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc, là nguyên mẫu và là sự thành tựu của mọi cộng đoàn nhân loại. Nếu thực sự học theo cộng đoàn nguyên mẫu của Ba Ngôi, thì mọi cộng đoàn tu trì sẽ rất tuyệt vời và mỗi thành viên trong cộng đoàn đều coi nhau là huynh đệ, là ruột thịt, là gia đình. Nhưng khi mỗi người đều coi người khác là mối nguy cho sự tồn tại của mình trong đời tu thì những lối sống méo mó sẽ xuất hiện. Lối sống khôn và sống ngoan là ví dụ cho kiểu sống méo mó này. Và đương nhiên, đó không phải là cách sống trong cộng đoàn theo khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nó càng không phải là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Và như thế, nó xa rời Linh đạo Dòng Ngôi Lời.
Trong nội dung bài viết này, tôi xin không đưa ra những giải thích cho nguyên nhân của hiện tượng sống khôn và ngoan cũng như không đưa ra những cắt nghĩa sâu xa và đầy đủ cho hiện tượng ấy. Tôi chỉ xin nêu lên vấn đề như một lời cảnh tỉnh cho chính mình để biết phải lấy tinh thần nào mà sống trong đời sống cộng đoàn. Tôi xin được trích một đoạn trong Hiến pháp của Hội Dòng để làm lời kết: Chính tình yêu thương huynh đệ chân thành mới thực sự hiệp nhất chúng ta nên một (x. HP. số 303). Tôi nghĩ rằng sống yêu thương chân thành là một trong những cách sống thể hiện sự khôn ngoan đích thực. Tôi tự hỏi mình: trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi đã sống khôn ngoan đích thực hay chưa?
(Trích: Nội San Học Viện Ngôi Lời Việt Nam – năm 2016)
Nguồn tin: ngoiloivn.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn