Mẹ vẫn ở cùng con

Thứ bảy - 31/10/2020 02:10

Trong một dịp được viếng trung tâm hành hương Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen, có nhiều điều khiến tôi phải bất ngờ, và cảm xúc ấy vẫn lưu giữ trong tôi đến hiện tại, như những cảm nghiệm cá nhân quý báu mà Chúa nhắn nhủ đến tôi qua Mẹ.

  1. Diện mạo Đức Mẹ là điều khiến tôi bất ngờ đầu tiên. Ấn tượng nhất với tôi là bức tượng Đức Mẹ không đẹp, không tươi tắn và rực rỡ như những bức tượng khác. Chân dung Đức Maria hiển hiện trước mắt tôi là một phụ nữ có khuôn mặt buồn, dáng vóc nhỏ nhắn với trái tim rướm máu. Riêng tôi, tôi lại yêu thích bức tượng cách đặc biệt, vì đó là những nét miêu tả rất chân thực về Đức Mẹ Sầu Bi. Nếu ở nước ngoài có bức tượng Pietà miêu tả khuôn mặt Mẹ ủ rũ, héo hon khi ôm xác Đức Giêsu trong cánh tay; thì ở Việt Nam có Mẹ Sầu Bi Măng Đen cũng được miêu tả cùng tâm trạng như thế. Mẹ đang cùng chia sẻ nỗi đau buồn với con cái mình nơi trần gian. Mẹ cũng là một con người, cũng có những cảm xúc vui buồn, và trải qua nhiều kinh nghiệm để dần nhận ra ý Chúa trong cuộc đời mình. Như thế, chắc chắn Mẹ hiểu con cái mình cũng đang kinh qua những kinh nghiệm thực tế như vậy.
  2. Bức tượng Đức Mẹ tại điểm hành hương Măng Đen không có đôi bàn tay. Lạ quá! Tương truyền về đôi bàn tay của Mẹ thì rất nhiều, nhưng tôi nhìn vào chính ý nghĩa của điều lạ lùng này hơn. Cuộc sống con người còn nhiều đau khổ trong khi ước mơ đời người là đạt tới một sự viên mãn, tròn đầy và hạnh phúc. Nhưng để đạt tới điều đó thì cam go và thách đố triền miên. Vì thế, tôi tạm gọi tên sự thiếu hoàn hảo ấy trong cụm từ “giấc mơ chưa tròn”. Đôi tay bị thiếu của Mẹ thể hiện lên chính ước mơ còn khiếm khuyết ấy. Nhưng cũng một ý nghĩa khác khi tôi hiểu ra câu nói: “Các con là đôi tay của Mẹ”. Rồi thì giấc mơ ấy sẽ được nối dài qua chính từng thế hệ con người. Mẹ đặt niềm tin vào con cái nơi trần gian này, rằng các con sẽ tiếp tục nối dài việc thực hiện ước mơ ấy. Đến cuối, thì cả Mẹ và con cùng chiến thắng thế gian, nhờ ơn Chúa, sự đồng hành của Mẹ và nỗ lực của mỗi người.
  3. Dòng người từ khắp núi rừng cũng như đồng bằng đã và đang đổ về ngày này qua ngày khác. Trong đám đông ấy có cả anh chị em thuộc nhiều dân tộc tại Việt Nam, cùng hòa lên những tiếng kinh nguyện bằng nhiều thứ tiếng, cung giọng khác nhau. Nhìn vào đôi mắt mọi người, tôi nhận ra họ cùng chung một lòng, một ý. Nơi đây có cả người giàu cũng như người nghèo; người giai cấp thấp lẫn giai cấp cao; người khỏe mạnh cũng như bệnh tật; công giáo cũng như không công giáo. Các đoàn hành hương từ nhiều nơi tuôn về với bao nhiêu là lời khẩn nguyện, xin ơn và tạ ơn. Hướng về một góc nào đó, tôi cũng thấy những nhóm anh chị em đồng bào Xơ-đăng, Ba-na, Cơ-ho… đang quây quần lần hạt mân côi, họ đang thầm thĩ xin Mẹ điều gì đó cho bản thân, gia đình, bản làng mình.
  4. Trước cơn đại dịch Covid 19 đang hoành hành, trong những cơn thiên tai để lại biết bao đau thương, tôi nhớ về Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen. Tôi vẫn thấy nét mặt của Mẹ buồn, vì thấy con cái của Mẹ ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới còn chịu nhiều đau khổ. Tôi vẫn thấy đôi tay cụt của Mẹ đang vươn ra, để chúng ta nối tiếp cánh tay ấy cho trọn vẹn. Tôi vẫn thấy tràng chuỗi Mân Côi được quàng lên đôi tay cụt của Mẹ, Mẹ đang trao tràng chuỗi ấy cho toàn thể nhân loại này, như một lời nhắn nhủ âm thầm ý nghĩa. Mẹ vẫn nhìn, vẫn thấy, vẫn cảm, vẫn hiểu và vẫn chuyển cầu cùng Chúa cho nhân loại không ngừng.

Tháng Mân Côi sắp kết thúc, nhưng tình Mẹ vẫn mãi là ánh trăng sáng trên bầu trời. Mẹ vẫn vươn đôi tay khiếm khuyết ra để con người tiếp nối ước mơ còn dang dở, để tiếp thêm nghị lực cho sự bấp bênh kiếp người.

Mẹ ơi! Con chạy đến bên Mẹ trong những gian nan khốn khó của kiếp người. Không phải để con kể khổ với Mẹ, vì Mẹ đã nhìn, đã thấy và đã hiểu từ lâu rồi. Chỉ xin Mẹ tiếp tục đồng hành cùng đoàn con. Có sự hiện diện của Mẹ, chúng con sẽ thấy đôi chân mình mạnh dạn hơn mà tiến về nhà Cha trên trời. Amen.

Little Stream

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây