Nhật ký về cuộc khủng hoảng: sự hoán cải

Chủ nhật - 26/04/2020 00:12


NHẬT KÝ VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG
Bài 4: SỰ HOÁN CẢI

Federico Lombardi, S.J.
Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn dịch từ vaticannews.va

WHĐ - Bài viết thứ tư trong «Nhật ký về cuộc khủng hoảng» của cha Federico Lombardi: Đại dịch cũng được coi như một lời gọi mời hoán cải nội tâm, cho các Kitô hữu, mà cũng cho tất cả mọi người.


Image by ANSA

Nhiều người trong chúng ta đã vài lần trải qua kinh nghiệm đau bệnh nặng, hoặc chỉ là cảm thấy nỗi sợ hãi khi phải đối diện với nó. Nếu không để mình bị hoảng sợ, thì chúng ta trải nghiệm được một thời kỳ ảnh hưởng lớn trên chúng ta về mặt tinh thần, thường là trải nghiệm tích cực. Chúng ta hiểu rằng nhiều công việc và dự phóng vốn có vẻ rất quan trọng đối với chúng ta, cuối cùng chỉ là thoáng qua và tương đối. Rằng có những thứ qua đi và ngược lại có những thứ còn ở lại. Trên hết, chúng ta trở nên ý thức hơn về sự mỏng dòn của mình. Chúng ta cảm thấy nhỏ bé trước thế giới và trước mầu nhiệm lớn lao của Thiên Chúa. Chúng ta nhận ra số mệnh của chúng ta chỉ là một phần trong tay chúng ta, ngay cả khi y học và khoa học đem lại biết bao điều tuyệt vời. Nói theo kiểu trước kia, chúng ta trở nên khiêm tốn hơn. Chúng ta đã cầu nguyện nhiều hơn, chúng ta trở nên nhạy bén và chú ý hơn trong các tương quan với người khác, chúng ta quý mến họ trong sự quan tâm và gần gũi cách nhân bản và tinh thần hơn.

Nhưng rồi, khi sức lực của chúng ta từng bước trở lại và rủi ro đã được khắc phục, những thái độ này dần dần bị giảm bớt và chúng ta lại quay về ít nhiều với thái độ như trước đây: an toàn về chúng ta, quan tâm trước hết các kế hoạch của chúng ta và những đáp ứng ngay lập tức, ít chú ý đến sự tế nhị nơi các tương quan… và lời cầu nguyện lại trở về vị trí bên lề cuộc sống của chúng ta. Trong một cách nào đó, chúng ta phải nhận ra rằng trong sự yếu đau, chúng ta đã trở nên tốt hơn và trong lúc khỏe mạnh, chúng ta lại sớm quên đi Thiên Chúa.

Đại dịch là một căn bệnh lan tràn và chung chia. Đó là một kinh nghiệm phổ biến của những điều rất đỗi mong manh và ngoài mong đợi. Nó đặt câu hỏi nghiêm túc về nhiều khía cạnh nơi cuộc sống và thế giới của chúng ta, thứ mà chúng ta vốn coi là chắc chắn. Điều này trả giá với bao đau khổ và những xáo trộn. Nhưng nó chỉ là sự dữ hay nó còn là một cơ hội?

Trong cả lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu, có một từ lập lại với nhịp độ cao và mạnh mẽ: "Anh em hãy hoán cải". Nó không phải là một từ mà chúng ta yêu thích. Nó chất vấn chúng ta và làm chúng ta sợ hãi, bởi vì chúng ta cảm thấy nó không phải là vô hại. Trong suốt thời gian của Mùa Chay - ngay từ đầu đã đi kèm với biến cố đại dịch, một sự trùng hợp ngoại thường trong đời sống Kitô giáo của chúng ta! - chúng ta đã nghe và cảm nhận lại lời mời gọi hoán cải, chúng ta đã nghe lại những lời cầu nguyện sám hối tận căn trong Cựu Ước (Ette, Azaria...) và những lời nhắc nhở mang tính tiên tri vốn cho thấy những bất hạnh và đau khổ của dân như một lời kêu gọi mạnh mẽ cho sự hoán cải, trở về với Thiên Chúa... Chúng ta không được nhìn những bất hạnh của thế giới, trong đó có rất nhiều người vô tội bị liên lụy, giống như một hình phạt mà Thiên Chúa báo thù; nhưng chúng ta cũng không được ngây thơ và hời hợt đến mức chúng ta không nhận ra trách nhiệm của con người đan xen trong những gì đang xảy ra và chúng ta đừng quên rằng lịch sử của nhân loại ngay từ đầu đã bị thấm đẫm bởi những hậu quả của tội lỗi. Nếu không, Chúa Giêsu cần gì chết để dẫn đưa chúng ta và tạo hóa trở về với Thiên Chúa?

Trước sau gì đại dịch này cũng sẽ qua. Với một cái giá rất đắt nhưng nó sẽ qua. Giờ đây, tất cả chúng ta cầu mong đại dịch qua đi thật nhanh và chúng ta ước muốn điều đó cách mãnh liệt. Chúng ta muốn bắt đầu lại, lấy lại cuộc hành trình. Đúng thôi: Sự liên đới buộc chúng ta phải hy vọng rằng những người đau yếu sẽ tránh được các đau khổ hơn. Niềm hy vọng đòi hỏi chúng ta nhìn về phía trước và lòng bác ái phải được thực thi. Nhưng chúng ta sẽ biến đổi, ít là một chút, hay chúng ta sẽ ngay lập tức bắt đầu đi lại trên chính những con đường cũ trước đây?

Một chìa khóa để đọc Thông điệp Laudato sì trong tinh thần hoàn toàn theo Kitô giáo là để trả lời cho những câu hỏi lớn về tương lai của nhân loại, chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta là thụ tạo, rằng thế giới không phải là của chúng ta mà là được trao cho chúng ta; chúng ta không thể nghĩ đến việc thống trị nó và khai thác nó như chúng ta muốn, nếu không chúng ta phá hủy nó và tiêu diệt cả chúng ta nữa. Chỉ trên nền tảng của một sự khiêm tốn thật sự trước Thiên Chúa thì lẽ phải và khoa học mới có thể xây dựng và không phá hủy. Chúng ta muốn bắt đầu lại cách nhanh chóng. Chúng ta nói nhiều điều sẽ thay đổi. Có lẽ chúng ta nghĩ mình đã học được nhiều bài học – có thể như thế - về hệ thống y tế và trường học, về kỹ thuật số và những khả năng của nó... ngay cả y khoa cũng sẽ đạt được những bước tiến... Nhưng với những điều đó, chúng ta đang nghĩ nhiều về câu trả lời chủ yếu trong những thuật ngữ kỹ thuật, trong tính hữu hiệu và tổ chức hợp lý hơn.

Tốt thôi, nhưng đại dịch cũng là một lời mời gọi cho sự hoán cải nội tâm, sâu sắc hơn. Một lời mời gọi không chỉ cho các tín hữu Kitô giáo, mà cho tất cả mọi người, con người vẫn là thụ tạo của Thiên Chúa ngay cả khi họ không ý thức về điều này. Một cuộc sống tốt đẹp hơn trong ngôi nhà chung của chúng ta, trong hòa bình với các thụ tạo, với những người khác, và với Thiên Chúa; một cuộc sống đầy ý nghĩa, đòi hỏi phải hoán cải./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây