Người bạn nhỏ

Thứ năm - 23/04/2020 03:17

Trong ngày lễ kính Lòng Thương Xót, tôi cảm nhận Chúa đang nhìn tôi cách trìu mến. Tôi rất vui khi thấy khuôn mặt thật dễ thương của Người. Trong bài giảng của Cha chủ tế về Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện qua bài Tin Mừng theo Thánh Ga 20,19-31: Chúa hiện ra với các Tông Đồ khi các ông đang sợ hãi đóng kín cửa.

Các ông sợ người Do Thái đến bắt các ông như khi họ đến bắt Chúa trong vườn cây dầu. Họ hung dữ đến để bắt kéo Người đi xét xử và tử hình. Thầy mà còn bị người ta xử như thế, thì huống chi là người môn đệ của Chúa. Họ ra tay bắt thì dễ dàng thôi. Thế nên, các ông trốn trong phòng đóng kín cửa và không dám nói to tiếng vì sợ phát hiện. Nhưng Chúa đã bất ngờ hiện ra ngay giữa các ông. Chúa trấn an các ông bằng lời chúc bình an: “Bình an cho anh em”. Các ông đón nhận bình an đích thực từ Chúa. Các ông thấy tận mắt Chúa Phục Sinh, nhưng các ông vẫn không thể nào hết sợ hãi hoàn toàn được. Chúa cảm thông nỗi yếu hèn của các ông. Chúa thấu biết các ông là những con người nhút nhát, sợ sệt trước sự dữ đang hiện diện. Chúa không chê trách như những lần trước: “sao anh em kém tin thế, sao anh em nhát thế…..”. Chúa vẫn kiên nhẫn trước sự nhút nhát đó. Thêm một lần nữa, Chúa hiện ra với các ông sau tám ngày, lúc đó có ông Tôma ở đó nữa. Ông Tôma cứng cỏi không chịu tin. Ông còn thách thức Chúa: “Nếu tôi không đụng ngón tay vào lỗ đinh, không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Nhưng không vì thế mà Chúa giận ông, ngược lại Chúa đã đáp ứng yêu cầu của ông. Chúa hiện ra cho ông thấy, Chúa bảo ông là hãy làm những điều mà ông nói. Ông đã được Chúa lắng nghe và đáp ứng điều mà ông cho là bằng chứng thực nghiệm, mắt thấy, tai nghe. Ông không còn nghi ngờ gì nữa về việc Chúa đã chết và nay đã phục sinh. Chúa kiên nhẫn để dạy dỗ các môn đệ, kiên nhẫn với từng người, từng cá tính riêng biệt, từng hoàn cảnh, từng lối suy nghĩ và văn hóa khác nhau. Điều đặc biệt là Chúa không nổi nóng, giận giữ, khó tính, xét phạt các môn đệ, khi mà các ông vừa nhút nhát, lại vừa cứng tin.

Chúa luôn tin tưởng và giao phó trách nhiệm cho các ông. Khi đã chọn thì Chúa cũng luôn tin tưởng. Không vì bề ngoài mà Chúa không tin tưởng vào khả năng của các ông. Không vì sự nhút nhát, cả sợ mà Chúa không giao trách nhiệm. Chúa tin tưởng vào thiện chí của các ông. Chúa tin là các ông sẽ làm được điều mà Chúa muốn. Bởi vì, khi Chúa giao nhiệm vụ thì Chúa cũng ban ơn cho các ông có thể hoàn thành nhiệm vụ đó. Và Chúa tin là các ông sẽ mở lòng để đón nhận Thần Khí Chúa trao: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…”. Chúa trao cho các ông nhiệm vụ đi loan báo cho người khác biết về việc Đức Giêsu đã chết và nay đã phục sinh. Một điều mà người Do Thái muốn giấu kín khi họ cho quân lính tiền để giữ bí mật về điều đó. Và chính điều đó mà các ông sợ hãi, các ông không dám nói lớn tiếng vì sợ người khác nghe thấy mà tố cáo. Chính điều các ông sợ không dám nói ra, thì nay Chúa lại sai các ông nói ra cho mọi người biết mà tin vào Người. Thật khó cho các môn đệ, khi phải làm điều mà mình cảm thấy sợ hãi. Nhưng với sức mạnh Chúa ban, các ông đã vượt lên con người yếu đuối của mình để làm điều Chúa muốn. Trong thời gian này, Chúa cũng đang hiện ra với mỗi người chúng ta. Khi mà chúng ta sợ hãi trước những gì đang xảy ra trên thế giới. Dịch bệnh đang đe dọa mạng sống của chúng ta và mỗi người chúng ta cảm thấy hoang mang và tự hỏi: “Thiên Chúa ở đâu trong cơn đại dịch này, nếu có Chúa và Chúa thương yêu con người thì tại sao con người lại chịu nhiều đau khổ đến thế ấy?” Đây cũng là thách thức của chúng ta đối với Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta cũng chẳng khác gì Tôma ngày xưa. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ rơi nhân loại này. Một nhân loại có những con người đầy kiêu căng, tự phụ, cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, là có thể làm được tất cả mọi sự, có thể hô mưa, gọi gió, điều hành vũ trụ này theo ý mình. Thiên Chúa vẫn đang kiên nhẫn để dạy dỗ, hướng dẫn như Người Thầy huấn luyện trong sự khôn ngoan của Người. Chúa cũng đang trao nhiệm vụ đó cho mỗi người chúng ta là những người môn đệ Chúa: “Hãy đi loan báo Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân”. Nói cho họ biết về Đức Giêsu đã chết mà nay đã phục sinh để cứu độ muôn người. Chính Lòng Thương Xót Chúa sẽ cùng đồng hành với chúng ta, thế nên chúng ta cũng là chứng nhân cho Lòng Thương Xót Chúa trong thời đại này.

Thật vậy, những đặc tính cảm thông, kiên nhẫn, tin tưởng trao nhiệm vụ của Chúa Giêsu đối với các môn đệ ngày xưa cũng rất quan trong trong việc giáo dục ngày hôm nay. Người trẻ rất cần nơi nhà huấn luyện những đặc tính này. Trong vị trí là một người được huấn luyện, cũng như là một người huấn luyện tôi nhận ra điều đó. Tôi xin kể về một người bạn nhỏ mà tôi đã từng dạy giáo lý cho em. Em là một học sinh rất cá biệt trong lớp. Ngày đầu tiên tôi đến nhận lớp, hình ảnh của em đã chụp lại trong mắt tôi. Em tỏ thái độ chống đối tôi. Em quậy phá chạy nhảy lung tung, mặc kệ cho những lời nhắc nhở của tôi truyền đến em. Suốt buổi học hôm đó, tôi tự nhủ lòng mình, cần quan tâm đến em này nhiều hơn. Tôi giả vờ như không nhìn thấy em. Tôi không chú ý đến em nữa, mặc cho em tự do làm những điều mà em muốn. Tôi vẫn cứ tiếp tục dạy. Tôi xem như em không hiện diện. Tôi giả vờ như quan tâm đến các em khác. Nhưng không vì thế mà em dừng lại sự phá rối của mình. Tôi tỏ thái độ khó chịu dùng những hình phạt dành cho em. Tôi gọi em lên bảng đứng vòng tay lại, quay mặt vô tường. Em đứng một hồi, rồi lại nhúc nhích, phá cái này đến cái kia, lấy phấn viết lên bảng, làm đổ thùng rác, lấy chổi quét nhà. Tôi hết kiên nhẫn, bắt em ra hành lang đứng, để đỡ làm các em khác lo ra chia trí. Em cũng ra ngoài hành lang đứng, nhưng không đứng yên được, cứ chạy lui chạy tới ở cửa sổ để chọc ghẹo, làm trò hề cho các bạn trong lớp phải phân tâm. Tôi gọi em vô lớp, dọa sẽ mời phụ huynh. Nhưng em vẫn tỏ thái độ xem nhẹ lời nói của tôi. Kết thúc giờ học, tôi vào nhà thờ quỳ xuống làm dấu thánh giá, mà sao thấy nặng nề đến thế, lúc đó tôi như muốn khóc. Khóc vì sự bất lực của mình trước người mà tôi muốn dạy dỗ. Tôi muốn giao trả bạn nhỏ này lại cho Chúa. Tôi không muốn chấp nhận em nữa. Tôi không muốn đón nhận em trong gia đình lớp học của tôi. Tôi trầm ngâm một lúc, rồi tôi phải chuẩn bị cho thánh lễ tiếp đến.

Từ hôm đó, tôi luôn nhớ về em, ngay cả trong giờ cầu nguyện, hình ảnh của em cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Nhiều lần tôi hỏi Chúa, nếu em là học trò của Chúa thì Chúa sẽ làm gì? Tôi hỏi lui hỏi tới câu hỏi đó mỗi khi tôi gặp Chúa. Tôi bận tâm về em, bận tâm về cách nào có thể làm thay đổi được em. Tôi được Chúa Thánh Thần soi sáng là lấy Luật sống xem Hội Dòng dạy gì khi làm huấn luyện, tôi giở ngay đến điều 111: “Tinh thần sư phạm của Mẹ Maria”_ “Huấn luyện là dùng sức mạnh của sự dịu hiền… ” Đọc đến đây tôi dừng lại, tôi nhớ đến hồi tôi ở Nhà tập, khi bà Cephas Diệp dạy luật sống cho chúng tôi. Trong bài kiểm tra 1 tiết, bà hỏi: “Huấn luyện là gì?” Tôi đã làm sai câu này. Bây giờ, tôi biết được định nghĩa của huấn luyện là: “dùng sức mạnh của sự dịu hiền, khiêm tốn, kiên nhẫn, và vận dụng đức bác ái trong chân lý, để giúp những con người giao phó cho chúng ta đào tạo lớn lên trong ơn gọi” (LS điều 111).

Tôi suy nghĩ mãi hai từ “dịu hiền”. Vì tôi đã sai khi dùng những hình phạt dành cho em. Vì điều đó đối với em đã quá quen thuộc, em đã chịu nhiều hình phạt từ các thầy cô khác, từ ba mẹ, từ những người mà em tiếp xúc. Anh giáo lý viên cùng dạy với tôi lúc ấy, khi thấy tôi lúng túng trong cách sửa dạy cho em. Anh bảo tôi rằng: “Dì không biết là em đó bị tăng động hả”. Tôi trả lời: “Vậy à, dì mới đến đây nên chưa biết rõ”.

Tôi nhớ lại câu nói của anh nên tôi quyết định thay đổi chiến thuật. Nếu dùng hình phạt không thay đổi được em, thì tôi dùng phương pháp “khổ nhục kế”_ một phương cách nhẹ nhàng nhưng đầy tình thương, ý định đó lóe lên trong đầu tôi. Tôi vận dụng hết khả năng hiểu biết của mình để học biết cách huấn luyện của Chúa, của Mẹ Maria, của các chị tiền bối qua Tin Mừng và Luật sống.

Tôi nhận ra một điều là: tôi phải thay đổi thái độ từ giận dữ, khó chịu sang cảm thông và yêu thương. Chính nhờ phát hiện đó tôi cảm thấy vui và háo hức mong đến ngày được gặp lại em. Ngày Chúa nhật đã đến, hôm ấy tôi thấy lòng mình hồi hộp khác thường. Tôi đến lớp sớm hơn bình thường. Tôi mở toang các cửa sổ, quét nhà, lau bảng sạch sẽ để chuẩn bị đón các em vào lớp. Tôi cố gắng để học thuộc tên các em, vì khả năng nhớ tên của tôi hơi kém. Tôi nhớ mặt mà chậm nhớ tên. Khi nhìn thấy em đến lớp tim tôi như đập mạnh hơn. Vì trong tâm trí tôi đã có một kế hoạch để chinh phục bạn nhỏ này. Giờ lên lớp của tôi diễn ra như mọi khi, đọc kinh đầu giờ, xin Chúa sáng soi, rồi cho các em ôn bài cũ và kể câu chuyện để chuyển tiếp sang bài mới. Hôm nay, em cũng quậy phá như trước, nhưng tôi thì bình tâm hơn. Em không mang vở, cũng chẳng mang bút. Đến giờ ghi bài, em giật vở bạn này, rồi lôi tóc bạn kia. Tôi không nhắc nhở như ngày trước. Tôi lặng lẽ bước xuống chỗ em ngồi_ là bàn cuối cùng. Tôi ngồi xuống gần bên em, em ngước mắt nhìn tôi. Lúc này, tôi cố giữ một nét mặt có vẻ buồn và thất vọng. Tôi nói nhỏ vào tai em: “Dì cảm thấy buồn, khi thấy em cứ như vậy. Em có biết rằng khi em quậy phá như thế sẽ làm cho dì mệt lắm không? Cổ họng của dì rất đau khi phải cố gắng nói lớn tiếng để cho tất cả các em cùng nghe rõ, lại thêm việc nhắc nhở em. Em có thể hứa với dì là ngồi học nghiêm túc để nghe giảng và giúp dì không phải nói nhiều để cổ họng của dì bớt đau không? Nếu em đồng ý thì nghéo tay với dì”. Lúc bấy giờ, em nhìn tôi với ánh mắt đầy cảm thông và đồng cảm. Tôi giơ tay ra để nghéo và em cũng giơ tay ra nghéo với tôi. Tôi đứng dậy và cám ơn em.

Từ lúc đó, tôi bước lên bục giảng với lòng nhẹ nhõm hẳn. Tôi giảng khí thế hơn, nhưng lâu lâu tôi cũng ghé mắt nhìn xem phản ứng của em thế nào. Tôi thấy em ngồi im, không còn động đậy như trước nữa, mắt em luôn hướng về tôi để lắng nghe lời tôi nói. Cuối giờ học, tôi cố ý lại gần em để nói lời động viên và cám ơn em. Em vui vẻ chạy thật nhanh để về kịp cùng các bạn. Tôi dạy xong thì đi vào hàng ghế cuối cùng trong nhà thờ để tạ ơn Chúa. Tôi quỳ xuống làm dấu thánh giá, nhưng hôm nay làm nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Tôi cám ơn Chúa về tất cả.

Quả thật, sự tin tưởng giao trách nhiệm cũng là một phương thế hữu hiệu trong giáo dục, trong ngày phân công nhiệm vụ cho các em trong lớp, tôi đề cử cho em làm lớp phó kỷ luật kiêm làm tổ trưởng của tổ 4. Em lấy làm thích thú khi được cộng tác vào việc chung của lớp. Em sẵn sàng đón nhận việc được giao và tỏ ra gương mẫu hơn. Mỗi khi tôi quét nhà, tôi thường nhờ em lấy giỏ rác và xúc rác để hốt rác, em nhanh nhẹn và làm việc rất gọn gàng. Những việc như sắp xếp bàn ghế, đóng các cửa sổ sau giờ học tôi cũng hay nhờ em cộng tác. Điều đó khiến em cảm thấy rằng mình không vô dụng trong một cộng đoàn, trong một tập thể. Và chính vì điều đó mà khiến cho tôi được gần gũi và hiểu về tính cách của em hơn.

Tôi chỉ dạy em trong 6 tháng nhưng tôi cảm thấy sự tiến bộ nơi em thật rõ ràng. Những tuần tiếp theo, em học hành chăm chỉ hơn, điều đó thể hiện qua những lần kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ, em đều đạt được điểm tối đa là 10 điểm. Có lần tôi gặp em ở sân nhà thờ trong ngày lễ thường. Tôi khen em: Bữa nay, dì thấy em đi lễ đều đặn đó. Em nói: Dạ, con đi cùng với bố con. Tôi hỏi tiếp: đã học bài để ngày mai kiểm tra chưa? Em trả lời: Dạ, con học thuộc rồi, con mong đến ngày Chúa nhật để đi học giáo lý. Tôi nghe câu trả lời của em mà mát cả ruột.

Thỉnh thoảng mỗi buổi chiều, em hay đạp xe sang chơi ở sân trường của các soeur. Giờ tan lớp, thấy tôi đi ra em nói với các bạn: Ê, dì dạy lớp giáo lý của mình đó. Thấy các em đang chơi với nhau, tôi cũng lại hỏi vu vơ mấy câu, rồi mời mỗi em một cái kẹo. Vì tôi dạy các em chậm phát triển, nên trong túi áo hay có kẹo để dụ dỗ các em học hăng say hơn, bằng cách phát thưởng cho những ai tích cực trong học tập, và mấy em nhỏ hay khóc nhè. Em có vẻ rất tự tin khi thấy tôi ở đó. Em làm bộ chơi hết trò này đến trò khác để gây sự chú ý, rồi hô hào gọi các bạn khác, tỏ ra như một thủ lãnh. Em nhanh nhẹn và nói nhiều, có những khi lý lẽ khiến tôi phải đau đầu mới khuất phục được.

Thật vậy, huấn luyện là một quá trình dài, đòi hỏi sự cảm thông, kiên nhẫn và tràn đầy yêu thương mới có thể thăng tiến được những con người mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta huấn luyện. Chính gương mẫu của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, và những người đi trước là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta trên con đường giáo dục trong thời đại hôm nay.

M. Anna Phạm Thị Hạnh (Kinh viện), FMI  

Nguồn tin: conducmevonhiem.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây