Hẳn rằng các bạn đã nghe rất nhiều người định nghĩa về tình yêu. Nhưng nếu có người nào đó hỏi bạn, bạn định nghĩa như thế nào là tình yêu, bạn sẽ trả lời thế nào?
Theo tôi, bản chất của tình yêu đó là việc ở lại và sinh hoa trái. Thử hỏi nếu bạn yêu một ai đó mà bạn không thực sự ở lại với họ, không dành thời gian cho họ, không hy sinh cho họ thì liệu rằng bạn có yêu thương họ thực sự hay không? Ngược lại nếu ai đó nói yêu bạn mà họ không ở lại với bạn thì thực sự họ có yêu bạn hay không? Nếu chỉ yêu chính mình hoặc tìm kiếm cái tôi của mình trong người bạn yêu, thì đây không phải là một tình yêu thực sự. Có thể đó chỉ là tìm kiếm cảm xúc và tìm kiếm ai đó để khỏa lấp nỗi cô đơn của chính mình. Đây thực sự không phải là tình yêu và việc ở lại đích thực.
Ở lại là cách bạn diễn tả tình yêu của mình vời người mình yêu và thông qua việc ở lại bạn làm cho tình yêu của bạn được lớn mạnh hơn. Việc sinh hoa trái chính là kết quả của tình yêu. Tình yêu đòi hỏi một sự thân mật và sự nên một. Chính trong sự thân mật và nên một một cách trọn vẹn ấy mà người ta cảm thất hạnh phúc, ấm áp. Hoa trái của tình yêu chính là sự sống. Sự sống chính là kết tinh của tình yêu. Tình yêu nuôi dưỡng sự sống và sự sống kéo dài tình yêu đến vô tận. Trong tình yêu đích thực không có sự chết mà chỉ có sự thay đổi về mặt không gian. Chính khi chúng ta nên một với Chúa thì tình yêu của Ngài sẽ làm cho chúng ta sống. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.”[1] Ở lại với thầy chính là để chia sẻ sự sống với thầy. Nếu tình yêu mà không làm phát sinh hoa trái, đó là một tình yêu ích kỷ. Còn nếu việc sinh hoa trái mà thiếu tình yêu thì đó là một sự cưỡng ép, thiếu tự do. Cho dù mối tương quan đó có còn tồn tại, thì nó cũng không cho con người cảm thấy hạnh phúc và niềm vui.
Tinh Mừng Chúa Nhật Tuần V Mùa Phục Sinh hôm nay diễn tả về mối tương quan thân thiết của người môn đệ với thầy của mình như cành nho với cây nho. Sức sống của cành nho gắn liền với cây nho thế nào thì sức sống nơi người môn đệ gắn bó với thầy mình cũng như vậy. Chính tình yêu là nguyên lý gắn kết người môn đệ với thầy và thầy với người mộ đệ. Sự tách lìa của cành nho khỏi cây nho sẽ dẫn đến sự khô héo và tàn phai. Sự tách lìa cũng đồng nghĩa với viêc thiếu vắng sự sống, thiếu vắng ân sủng điều này cũng đồng nghĩa với Tội và sự chết. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”[2] Chỉ khi được ở lại trong thầy cách trọn vẹn, người môn đệ với cảm thấy đời mình có ý nghĩa và có thể sinh hoa trái.
Ở đây, chúng ta không chỉ thuần túy nói đến tình yêu lứa đôi, nhưng còn nói đến một nguyên tắc chung chi phối mọi cấp độ: đó là tương quan giữa Đấng Sáng tạo và thụ tạo. Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài đã thông truyền và trao ban sự sống của Ngài cho mỗi người qua công trình sáng tạo và qua chính người Con Yêu Dấu của Ngài. Ngài không ngừng mời gọi bạn đến để kết hợp mật thiết với Ngài và để nhận lãnh sự sống đời đời. Tình yêu hiến thân trọn vẹn và duy nhất của Ngài trên thánh giá, không ngừng trao bạn sự sống và đổi mới tâm hồn mỗi người. Ngay cả cây cỏ, thiên nhiên, vạn vật cũng đang kết hợp để thông chia sự sống của nó, tùy theo loài.
Hoa trái của tình yêu lứa đôi có thể mở ngỏ cho một sự sống mới ra đời. “Một lịch sử gia đình” được hình thành. Hoa trái trong đời sống gia đình có thể là sự chuyển dịch và đánh đổi tuổi xuân của bố mẹ dành cho con cái. Mái tóc còn xanh ngày nào giờ đây đã điểm sương, vì tình yêu, bố mẹ chấp nhận tất cả những vất vả, nhọc nhằn. Để rồi khi những đứa con ngày nào còn thơ ngây, nay đã thành người, thì có khi bố mẹ đã không còn nữa, nhưng sự sống và tình yêu của bố mẹ vẫn chảy trong huyết quản của những người con, cho dù nó có đi đến chân trời nào. Hoa trái của đời sống dâng hiến chính là việc phục vụ và hiến thân vì người khác như các tu sỹ nam nữ. Tình yêu thúc đẩy họ dấn thân và phục vụ. Như thế khi nói đến việc ở lại trong tình yêu và sinh hoa trái là nói đến một tình yêu rộng lớn và phổ quát.
Việc ở lại trong tình yêu là nói đến tương quan hai chiều, cho và nhận, biến đổi và được biến đổi. Đó chính là ở lại trong nhau và thuộc về nhau, là việc nên một và được biến đổi trong nhau. Khi quen nhau, các bạn có thể phát hiện ở mình hay ở người mình yêu những tật xấu khó bỏ như hút thuốc, đánh bài, mê game. Nhưng khi đã quyết định tiến sâu hơn trong mối quan hệ đó, bạn phải chấp nhận thay đổi để gìn giữ tình yêu. Và chính trong mối tương quan tình yêu đó, bạn cũng được biến đổi chính mình. Còn nếu không, tình yêu của bạn có nguy cơ bị úa tàn.
Tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn đã thay đổi chính bạn và đã thay đổi chính Ngài. Dĩ nhiên bản chất của Ngài không thể thay đổi. Ngài là Thiên Chúa và vẫn mãi là Thiên Chúa. Không ai có thể thay đổi chính Ngài. Nhưng chính tương quan của Ngài với bạn đã thay đổi chính Ngài. Bạn trở nên con người mới, còn Ngài thì tự hạn chế tự do của chính mình. Vì yêu thương bạn, Ngài chấp nhận tự hạn chế tự do của chính mình. Sự thay đổi ở đây là do tương quan tình yêu, không phải do bản chất.
Ví dụ, người tu sĩ cần thay đổi chính mình cho phù hợp với tương quan của Chúa Giêsu và cung cách ứng xử của hội dòng. Chính tình yêu thân thiết và cá vị với Chúa Giêsu và tình yêu mến dành cho Dòng, mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ, cung cách và hành vi của người tu sĩ. Chính trong tương quan thân thiết và cá vị với Chúa mà người tu sĩ đó cảm thấy yêu mến linh đạo, yêu mến sứ vụ và con người hơn. Và ngược lại càng dấn thân vào sứ vụ với tất cả lòng nhiệt thành và sự yêu mến, người tu sỹ đó càng cảm nhận được ý nghĩa của đời sống dâng hiến và càng cảm thấy gắn bó với Chúa hơn.
Thánh A-tha-na-si-út nói rằng: “Thiên Chúa làm người để chúng ta có thể được làm thiên chúa.”[3] Vì yêu thương nhân loại Chúa Giêsu đã chấp nhận làm người, chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh và để trao ban sự sống thần linh cho con người. Khi bạn mở lòng để đón nhận tình yêu trao ban của Ngài, bạn bước vào một cuộc trao đổi kỳ diệu với Ngài. Đó là chính là việc bạn được đón nhận chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa hằng thông truyền sự sống và tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách cá vị. Chính khi bạn mở lòng ra với tình yêu Thiên Chúa thì tình yêu ấy cũng biến đổi bạn, khi ấy bạn sẽ trở nên khác.
Tới đây, chúng ta thấy hoa quả của tình yêu được thể hiện qua: tình yêu vợ chồng, cha mẹ và con cái, tình yêu dâng hiến và phục vụ. Tất cả đều có chung một điểm, đó chính là việc đi vào tương quan thân mật và việc mở ngỏ cho sự sống. Sự sống là hoa trái của tình yêu và là sự kết tinh của tình yêu. Tình yêu làm phát sinh sự sống, nuôi dưỡng sự sống, và làm cho sự sống được luân chuyển. Chính sự sống làm cho tình yêu được tồn tại mãi. Sự sống của bạn sẽ được trường tồn nếu bạn ở lại trong Đấng là cội nguồn của sự sống và tình yêu. Khi hạt muối không còn là chính mình thì nó sẽ trở nên trường tồn mãi, bởi vì nó đã hòa làm một với đại dương. Đó chẳng phải là hình ảnh đẹp về tình yêu và sự sống sao?
Gioan Phạm Duy Anh, SJ
[1] Ga 15,9
[2] Ga 15, 5
[3] Athanasius of Alexandria: “He was made human so that he might make us gods” (De incarnatione 54,3, cf. Contra Arianos 1.39)
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn