[Radio Người Trẻ] Phúc thay ai khao khát sự công chính

Thứ sáu - 16/10/2020 01:33

Cao Gia An, S.J.

Các bạn thân mến,

Được sống như một người công chính lương thiện là một trong những khao khát căn bản và chính đáng nhất của con người. Nhân di sơ tính bản thiện. Cho dù con người có bị chìm ngợp giữa vòng vây bọc của bất công đau khổ hay của tội lỗi xấu xa, sự công chính lương thiện vẫn là một tia sáng lấp lánh tiềm tàng trong tận thẳm sâu tâm hồn của mỗi con người. Trong tác phẩm “Chí Phèo”, sau khi đã để cho nhân vật chính của mình bị dồn đẩy đến độ phải sống như một con quỷ giữa một xã hội bất công, thối nát được thu nhỏ trong ngôi làng Vũ Đại, tác giả Nam Cao đã đặt vào miệng nhân vật chính lời khao khát: Trời ơi, hắn thèm lương thiện, hắn thèm làm hòa với mọi người biết bao!

Theo nghĩa bình dân nhất, người công chính là người sống lương thiện. Người sống theo lương tâm ngay lành và hướng thiện của mình là người công chính. Người sống chính trực với mình và công minh với người khác là người công chính. Vấn đề là, có phải lúc nào người ta cũng hoàn toàn có đủ tự do để sống với lương tâm ngay lành và hướng thiện của mình chăng? Giữa những phức tạp của xã hội hiện đại, có phải ai cũng có cơ hội sống chính trực với mình và công minh với người khác chăng? Một lương tâm công chính có giá trị gì? Một tâm hồn khao khát sự lương thiện còn có chỗ đứng nào trong xã hội nhiều những điều bất lương chăng? Chung quanh môi trường sống của mình, chúng ta có còn thấy những người thực sự liêm chính, là những người không vì những cám dỗ lợi lộc bên ngoài mà làm ngơ với những đòi hỏi đạo đức của lương tâm?

Đúng ra, con người tự do là con người được quyền sống công chính. Đúng ra, một xã hội tốt đẹp là một xã hội tạo được điều kiện để con người được sống đúng với phẩm giá đời mình, được sống thật với lương tâm ngay lành của mình. Thất bại tệ hại nhất của một đời người là phải sống cuộc đời mình như một kẻ bất lương. Thất bại lớn nhất của một xã hội là không kiến tạo được những con người công chính. Không có người công chính, xã hội không còn công lý. Thiếu những người công chính, xã hội không thể tồn tại bền vững được.

Theo lề luật dân sự, những người sống đúng theo luật lệ và những nguyên tắc xã hội được coi là người công chính. Luật lệ dân sự đặt ra những ranh giới và khép con người vào những khuôn phép nhất định. Tuy nhiên, đó là những luật lệ bên ngoài áp đặt trên con người. Những luật lệ ấy có thể kiến tạo nên một xã hội trật tự. Tuy nhiên, nếu sự công chính chỉ được đánh giá theo việc tuân giữ lề luật, người ta có nguy cơ trở nên máy móc và lạnh lùng. Xã hội chỉ dựa trên những luật lệ khuôn phép là một xã hội vô hồn và trống rỗng. Thế nên có những cơ cấu xã hội chằng chịt những luật lệ mà lại tạo ra nhiều con người gian dối lươn lẹo. Có những tổ chức ồn ào hào nhoáng mà lại chỉ có tác dụng thúc đẩy người ta chạy theo bệnh thành tích. Kết quả là nhiều lúc người ta phủ cho mình lớp vỏ bên ngoài thật hoành tráng, mà thực chất bên trong thì trống rỗng. Đó phải chăng là hậu quả của sự bất chính! Phải chăng những khuôn thước của lề luật xã hội luôn cần được nâng đỡ bởi một điều gì đó có ý nghĩa sâu xa hơn?

Sự công chính thực sự của con người luôn cần có một chiều kích nội tâm thiêng liêng. Trong tôn giáo, người công chính là người bước đi theo nẻo đường của Thiên Chúa. Đây không phải là một sự công chính hình thức. Bởi lẽ luật của Thiên Chúa không phải là một hệ thống từ bên ngoài áp đặt trên con người. Luật ấy được ghi khắc trong tâm trí và tâm hồn của những con người có lương tri (x. Đnl 30, 14). Luật ấy trở thành lý tưởng sống, được người ta suy đi gẫm lại suốt đêm ngày và hướng đời mình bước theo (x. Tv 1). Người công chính dưới mắt của Thiên Chúa là người bước theo lối đường của Chúa với niềm xác tín và lòng yêu mến.

Sống công chính theo lối đường của Thiên Chúa là ưu tiên trước hết của một người môn đệ Đức Giêsu, như lời Đức Giêsu đã dạy: “Trước hết, anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Đức công chính của Ngài” (Mt 6, 33). Đức Giêsu chúc phúc cho những người khao khát sự công chính: “Phúc cho người khao khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5, 6).
Môn đệ Đức Giêsu là người mang trong mình khao khát sống động đức công chính của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng công chính và là cội nguồn của mọi sự công chính. Chẳng có ai theo Chúa thật sự mà lại không khao khát nên người công chính. Niềm khao khát sống động ấy sẽ thôi thúc người môn đệ sống giữa xã hội như một nhân chứng công chính của Thiên Chúa, và đóng góp vào những giá trị tốt đẹp của xã hội bằng chính sự công chính của mình.

Thế nên, môn đệ của Đức Giêsu cũng là người ra tay kiến tạo một xã hội công chính. Cuộc đời sẽ chẳng bao giờ có được những giá trị đẹp nếu không có khởi đầu là những người dám sống đẹp. Xã hội chẳng bao giờ có được công lý nếu không có khởi đầu là những người dám sống công chính. Môn đệ là người tìm kiếm và kiến tạo sự công chính của Nước Thiên Chúa. Người môn đệ không thể là người dễ dãi buông mình theo chủ nghĩa tục hóa của những người xung quanh, để ai sao thì mình vậy. Nhiệm vụ của những người môn đệ Giêsu là sống như những người công chính, ngay cả khi xã hội quanh mình không còn một ai công chính. Thế giới được cứu rỗi là nhờ những người công chính. Người công chính kiên vững gìn giữ những lề thói của đạo làm người, gìn giữ những nét đẹp cho cuộc đời. Người công chính trở nên một lời chứng hùng hồn về Thiên Chúa, Đấng Công Chính.

Lạy Chúa,

Xã hội hiên đại đặt ra nhiều thách đố lớn lao
cho những người khát khao sự công chính
và ước muốn xây dựng một xã hội công chính.
Luôn có đó nhiều cám dỗ
của bao phương tiện bất chính
của bao con đường bất chính,
giúp chúng con làm giàu nhanh chóng,
đưa chúng con lên đài danh vọng nhanh chóng.

Lạy Chúa,

Xin dạy chúng con về Đức công chính của Chúa.
Xin cho chúng con cảm nghiệm được
nét đẹp của một cuộc đời công chính.
Xin cho chúng con mang nơi mình
vẻ đẹp rạng ngời của Thiên Chúa,
khi giữa lòng chúng con luôn sống động
một niềm khao khát sự công chính,
khi niềm khao khát ấy đủ mạnh
để thúc đẩy chúng con sống tới cùng
như một người công chính của Chúa. Amen

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây