Cao Gia An, S.J.
Các bạn thân mến,
Làm người, ai cũng chào đời trong tiếng khóc. Từ khởi đầu cuộc đời, tiếng khóc như có mặt trong suốt những chặng hành trình làm người. Có tiếng khóc của buồn phiền sầu não. Có tiếng khóc của thất vọng khổ đau. Có tiếng khóc của nỗi kinh hoàng sợ hãi. Có cả những tiếng khóc âm thầm tức tưởi. Tiếng khóc phản ánh sự bất lực và mỏng manh của con người.
Nhiều người nhìn tiếng khóc như là điều gắn liền với thân phận làm người. Trong bài thơ “Lệ”, tác giả Xuân Diệu viết:
“Trăm ngàn kiếp lệ cuốn theo sông
Biển chứa long lanh sóng vạn trùng
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung”…
Xuân Diệu nhìn thế giới quanh mình như đang ngập chìm trong biển lệ, và trái đất như một giọt lệ rơi trong số kiếp chơi vơi giữa lòng vũ trụ. Cái nhìn ấy phù hợp với quan niệm của những người cho rằng: đời là bể khổ ! Nhìn như thế, nhiều người mang khát vọng tốt lành là giải thoát con người khỏi đau khổ của cuộc đời. Có những người chủ trương rằng cuộc sống con người thì ngắn ngủi, do đó con người phải sống làm sao để giảm tối thiểu những đau khổ buồn phiền và tăng tối đa những khoái cảm vui vẻ. Có những người chủ trương giải thoát con người khỏi kiếp sầu vạn khổ bằng cách dạy con người thoát ly khỏi cuộc đời này.
Thế nhưng có thật sự tiếng khóc chỉ là tiếng than van của thân phận con người? Có thật sự những đau khổ là điều làm cho cuộc sống con người thêm nặng nề yếu đuối? Những đau khổ than khóc có giá trị gì trong cuộc đời của một con người chăng?
Trong cuộc đời của Đức Giêsu chúng ta thấy rõ dấu ấn của những giọt nước mắt. Là con người, ắt hẳn Giêsu cũng chào đời trong tiếng khóc. Âm vọng của tiếng khóc đầu đời ấy còn kéo dài mãi cho đến tận cái chết trên Thập giá. Giêsu khóc thổn thức tiếc thương trước cái chết của bạn mình là Lazarô (Ga 11, 36). Giêsu khóc run rẫy sợ hãi trong đêm hấp hối ở Vườn Dầu (Lc 22, 41-44). Giêsu khóc ai oán trong tiếng kêu van trước khi từ giã cõi đời: Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?(Mt 27, 46).
Tại sao Đức Giêsu phải đau khổ, tại sao Đức Giêsu phải khóc? Chẳng phải Ngài đến trần gian là để cứu độ con người sao?
Với những người đang đau khổ và khóc lóc, điều họ cần nhất là gì? Rõ ràng, điều an ủi những người đau khổ nhất không hẳn là những chỉ dẫn giúp họ vượt khổ, cũng không hẳn là những phân tích lý luận giúp họ thấy tại sao họ khổ và đau khổ có giá trị gì với họ. Điều trước nhất mà những người đau khổ cần là một sự hiện diện yêu thương và đồng cảm. Một sự hiện diện yêu thương khiến cho những giọt nước mắt không phải rơi trong tuyệt vọng cô đơn. Một sự đồng cảm sẻ chia khiến cho những đau khổ được nguôi ngoai nhẹ nhõm. Có lạ quá không khi nói rằng Đức Giêsu vào đời là để chung tiếng khóc với con người? Có lạ quá không khi nói rằng Đức Giêsu làm người là để chia với con người bao thăng trầm đau khổ trong kiếp sống?
Sự hiện diện và chung chia đau khổ là cách hiện diện đẹp nhất mà Thiên Chúa dành cho con người. Hơn ai hết, Thiên Chúa là Đấng gần thật gần với những giọt nước mắt con người. Tiếng khóc là ngôn ngữ của con tim. Thế nên chắc hẳn tiếng khóc là lời kinh nguyện dễ được Thiên Chúa lắng nghe nhất. Thế nên, Tin Mừng của Đức Giêsu là Tin Mừng đặc biệt loan báo cho những người phải đau khổ và khóc lóc: “Phúc cho anh em là những người đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười”(Lc 6, 21). “Phúc thay ai lo buồn sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”(Mt 5, 4). Lời Tin Mừng trên mang đến một sự giải phóng đặc biệt cho nội tâm của con người. Khi tâm hồn được giải phóng, người ta có thể sống hạnh phúc ngay giữa những khổ đau và bình an ngay giữa trăm chiều thử thách.
Nơi Đức Giêsu, chúng ta có một cái nhìn khác về những đau khổ và tiếng khóc. Đau khổ buồn phiền thì ai cũng sợ. Nhưng đó không phải là điều gì quá đỗi khủng khiếp đến độ người ta phải chạy trốn bằng mọi giá. Đó càng không phải là một hình phạt Thiên Chúa giáng xuống con người. Ngược lại, đó là một ân huệ của Thiên Chúa. Con người biết đau vì con người không chai sạn như sỏi đá. Con người biết khổ vì con người không vô tâm như cỏ cây. Đau, vì con người có một thân xác mẫn cảm. Khổ, vì con người có một trái tim nhạy bén. Thế nên, chối bỏ đau khổ là chối bỏ chính thân xác, chính trái tim, chính con người thực của mình.
Đức Giêsu không bao giờ mong muốn người ta có một cuộc đời đau khổ. Tuy nhiên, Ngài nhìn ra giá trị của những đau khổ trong cuộc đời con người. Ngài chúc phúc cho những người đau khổ, vì trong con tim của Thiên Chúa, những người đau khổ có một giá trị đặc biệt. Đức Giêsu cũng không dạy người ta lảng tránh đau khổ, vì chắc rằng đi qua đau khổ, cuộc đời sẽ dạy cho con người nhiều bài học quý giá. Nếu người ta chấp nhận cuộc đời này có một giá trị đặc biệt, những thăng trầm buồn vui cùng với hạnh phúc khổ đau của nó đều có một giá trị đặc biệt. Có vui mừng thì cũng có lo buồn, có hạnh phúc thì cũng có khổ đau… Đó là lẽ công bằng của cuộc sống. Chỉ người nào trải nghiệm qua cả hai mặt của cuộc sống như thế thì mới hiểu thế nào là sống thực.
Đi qua ngày nắng để biết yêu hơn những ngày mưa. Đi qua đau khổ để biết yêu hơn những thời khắc bình yên vui sướng. Có đi qua những thử thách thăng trầm thì mới biết được giá trị thực của cuộc sống. Chỉ những ai dám đón nhận đau khổ như một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống thì mới có thể sống bình an. Chỉ những ai đi tìm ý nghĩa của khổ đau trong Thiên Chúa mới nhìn thấy được ánh sáng và được dẫn vào sống trong ân phúc của Chúa.
Lạy Chúa,
là những người Kitô hữu,
chúng con yêu mến cuộc đời này.
Cuộc đời không chỉ là bể khổ,
nhưng còn cho chúng con nhiều niềm vui ấm áp.
Tiếng khóc không chỉ là ngôn ngữ của khổ đau
nhưng cũng có thể diễn tả niềm vui và hạnh phúc.
Nước mắt ăn năn hướng chúng con về đường ngay nẻo chính.
Nước mắt cảm thông hướng lòng chúng con đến với tha nhân.
Nước mắt vui mừng làm niềm vui chan chứa.
Nước mắt hạnh phúc khiến cuộc sống thêm ngọt ngào.
Trong Chúa, mỗi giọt nước mắt của chúng con là một hạt ngọc quý.
Chúng con cầu nguyện cho mình
là những người hay lo sợ buồn phiền và đau khổ.
Xin cho chúng con biết đọc ra ý nghĩa
của những niềm đau đến trong cuộc đời mình
nhờ đó chúng con được lớn lên và vững vàng hơn mỗi ngày.
Chúng con cầu nguyện cho những người đang đau khổ
xin cho họ nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa
để những nỗi đau của họ được chia sẻ
và cuộc đời họ luôn tìm thấy ý nghĩa trong Chúa. Amen.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn