Cô chèo đò lặng lẽ vượt qua sông,
Thuyền cập bến trong lòng cô vui lạ.
Dõi ánh mắt cô nhìn về các ngả,
Lớp học trò lệ chã lã tuôn rơi.
(Đặng Minh Mai)
Một ví von thật đẹp về những người làm thầy giáo, cô giáo – những người lái đò đưa khách sang sông. Đã từng là học sinh ngôi trên ghế nhà trường, tôi thật lòng biết ơn và ngưỡng mộ những người thầy giáo, cô giáo của mình. Tôi tự nhủ với lòng mình nếu có một ngày được là cô giáo, tôi sẽ dạy học trò bằng phương pháp như phương pháp của một vài thầy cô đã làm tôi ngưỡng mộ, và… tôi sẽ dành cho học trò thật nhiều tình thương như tôi đã từng nhận được từ thầy cô trong suốt bấy nhiêu năm qua.
Ước mơ ấy giờ đây vẫn chỉ là mơ ước, bởi tôi đã chọn cho mình một con đường khác – con đường dấn thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong bậc sống tu trì. Là một nữ tu, tôi đảm nhận nhiều công việc khác nhau, những việc tôi chưa từng biết hay nghĩ đến…
Phụ trách các em cấp 1, cấp 2 trong nhà nội trú, đó là công việc tôi được giao trong năm học này, một công việc tôi chưa từng biết đến, chưa từng nghĩ đến… và cũng không thuộc sở trường của mình. Xa lạ với mọi thứ, những tháng ngày đầu chập chững làm quen với công việc mới thật là vất vả, cam go.
Sơ ơi! con bị đau… con không có sách đi học.. con không làm gì bạn mà bạn đánh con… con không thích học thêm… bạn này lấy đồ của con…
Sơ ơi! Cháu này bướng quá, cô nói cháu không nghe… cháu này không hoàn thành bài về nhà… cháu này không mang đủ sách đi học… cháu lười không chịu cầm bút viết bài…
Sơ ơi! Cháu kia hay đánh con của con, sơ phải phạt, phải đe mạnh cho cháu chừa đi…
Áp lực công việc, sự quá tải, khó khăn liên tục xảy đến làm cho tôi thật sự chao đảo. Tại sao con phải giải quyết các vấn đề này? Trong ngõ tối của sự bế tắc, tôi đã đặt một câu hỏi như thế với Thiên Chúa… và Ngài đã trả lời tôi bằng một loạt câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?” “Con có yêu mến Thầy không?” “Con có yêu mến Thầy không?” và một lời dặn dò: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy!”. Lương tâm tôi bị chất vấn về tình yêu đối với Thiên Chúa khi tôi thi hành sứ vụ. Phải chăng vì con chưa yêu Ngài nên thập giá còn nặng vai? Phải chăng vì con chưa yêu Ngài nên những đứa trẻ là gánh nặng cho con? Hãy chăm sóc chiên con của Thầy, hai từ chăm sóc bỗng chốc ghi sâu vào tâm trí tôi, in vào trong trái tim tôi và tôi được tiếp thêm động lực để thực hiện hành vi chăm sóc những học trò Chúa gởi đến cho mình. Từ lúc ấy, tôi không còn bận tâm đến việc phải làm gì để giải quyết hàng loạt các vấn đề của học trò, tôi chỉ quan tâm đến một việc duy nhất: chăm sóc chúng.
Và rồi… sự chăm sóc của tôi đã sinh hoa kết trái. Học trò cảm nhận được tình thương tôi dành cho chúng qua việc chăm chút cho chúng từng miếng ăn, giấc ngủ, lo lắng cho sức khỏe của chúng. “Sơ ơi! Sơ giống mẹ con quá!” Lúc này, lần đầu tiên tôi được nếm cảm niềm hạnh phúc của sự cho đi, hạnh phúc khi nhìn thấy học trò vui tươi, khỏe mạnh.
Thế là hết… một kết thúc có hậu??? Không, Thiên Chúa không dành cho tôi một kết thúc có hậu nhanh chóng như thế. Ngài tiếp tục gởi đến cho tôi vấn nạn khác, đó là những trái tính trái nết của học trò: nói hỗn với người lớn, buôn bán trong trường học, đánh nhau, quậy phá, nói dối, ghen tị, phe nhóm… Tôi bắt đầu cảm thấy đau đầu, căng thẳng trước muôn vàn tính khí khó khăn của học trò. Trong sự bế tắc lần thứ hai, tôi nhận ra đó không phải là lỗi của chúng mà là do người lớn chưa biết cách giáo dục chúng, do môi trường gia đình bố mẹ ly hôn, ly thân đã tạo nên nhiều thương tổn cho chúng. Tôi loay hoay tìm cách để giáo dục chúng… một khởi sự thật gian nan. Và quả thật, hoa trái của giáo dục không thể có tức thì. Tôi đã thất bại hết lần này đến lần khác, một kinh nghiệm không xa lạ với dự đoán của tôi. Mặc kệ, tôi vẫn miệt mài tìm cách để giáo dục chúng. Rồi việc thay đổi nhiều cách thức sửa dạy của tôi cuối cùng cũng lóe lên những tia sáng thay đổi nơi chúng. Những dấu hiệu khả quan tuy thật ít ỏi song cũng đủ đem đến cho tôi một niềm vui và một xác tín rằng: Không có học trò dốt, chỉ có thầy giáo tồi. Đến lần này, tôi được nếm cảm hạnh phúc của một người được là kỹ sư tâm hồn của những đứa trẻ.
Ước mơ ấy giờ đây vẫn chỉ là mơ ước. Suy nghĩ ấy bây giờ có lẽ không còn đúng bởi tôi đã thực hiện được ước mơ của mình: trao tình thương tôi nhận được từ thầy cô cho những học trò của mình. Công việc của tôi không được là cô giáo, không được dạy học ở trường, không được cầm phấn đứng trên bục giảng; nhưng công việc hiện tại của tôi là Sứ mạng Giáo dục – một công việc thiêng liêng, cao cả, một công việc đem đến ý nghĩa đích thật cho đời tu của tôi.
Sao Băng (Kinh viện), FMI
Hits: 17
Nguồn tin: conducmevonhiem.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn