Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Giở trang sách của cuộc đời, tôi đọc được mấy hàng tâm sự của Alfred Delp, một linh mục dòng Tên, bị Đức quốc xã bắt giam ở Bá-Linh trong chiến tranh thế giới thứ hai. Trước khi bị tử hình vào ngày 02.02.1945, cha Alfred đã để lại những tâm tình sau:
“Vào một buổi tối tôi cảm thấy tâm hồn mình chao đảo. Tôi bị hành hạ rất dã man và sau đó bị tống trở lại vào ngục. Những tên lính phát xít giải tôi vào ngục đã nói những lời như sau: “Như vậy là đêm nay mày không thể nhắm mắt được đâu. Mày sẽ cầu nguyện, nhưng không có một Thiên Chúa và cũng chẳng có một thiên thần nào đến, để cứu thoát mày. Phần chúng ta sẽ đánh một giấc ngon lành, và sáng sớm ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục hành hạ mày.“
Alfred kể tiếp: “Thiên Chúa đã thử thách tôi. Giờ đây làm thế nào để có thể bền bỉ đứng vững được thôi. Tôi vẫn luôn tin tưởng vững vàng và hy vọng nơi Bàn Tay nhân từ, Bàn Tay đã đón nhận chúng ta và hướng dẫn chúng ta…. và Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi một không gian thật đẹp với sự bình tâm thẳm sâu. Tôi cảm thấy lúc này Chúa thật gần và thương tôi thật nhiều.
Với tôi có những lúc thật là khó khăn. Tôi đã trải qua những giờ phút rất đau thương với nước mắt và máu. Nhưng tôi đã luôn luôn cố gắng đưa những giọt nước mắt và máu của mình vào trong hai hành động thật nhỏ bé, để nhờ đó có thể đứng vững được. Hai hành động đó là: Cầu Nguyện và Yêu Thương. Tất cả mọi hành động khác trong lúc này đều sai cả.“
“Hôm nay là một ngày tồi tệ. Thiên Chúa như đang thử thách tôi , xem tôi có giữ những lời mà tôi đã từng xác tin không: Chỉ với Chúa thì cuộc sống mới tồn tại và phận người mới đứng vững được.“
“Giờ phút của Phêrô lại đến. Gió bão và sóng lớn lại đe dọa… Phêrô bắt đầu run lẩy bẩy… Giờ đây mọi sự nằm trong bàn tay của Chúa… Ngài có nhiều cách để vực chúng ta dậy và dìu chúng ta tiếp tục tiến bước. Tôi đã thường cảm thấy điều này trong những tuần lễ thê thảm đầy sợ hãi và dài đằng đẳng. Tôi luôn hy vọng vào Thiên Chúa, và vào tình yêu cùng sự trung thành của Ngài.
Tôi muốn đốt lên những ngọn lửa cho các bạn. Các bạn đã cùng đi với tôi trong những đêm đen của cuộc đời. Các bạn cũng đã từng bị gió bão và sóng lớn đe dọa, và các bạn đã đứng vững. Vai kề vai chúng ta cùng gánh vác chung với nhau nhé… Giữa đêm đen Ánh sáng sẽ bừng lên!”
Những tâm tình của Cha Alfred Delp làm tôi chìm sâu trong dòng đời cách đây gần 50 năm. Tôi ngạc nhiên về niềm tin vững vàng của Alfred. Trước đe dọa của sự ác và bất nhân, Alfred vẫn can đảm bám vào Chúa của mình. Alfred đã đối diện cái chết, nước mắt cùng máu đã chảy ra. Nhưng những giọt nước mắt và máu đó cần được đưa vào trong nguyện cầu và yêu thương. Những ngày còn lại trong đời chẳng còn gì quý giá hơn là: Gặp gỡ Chúa và yêu thương mọi người. Tuyệt vời quá!
Tôi tự hỏi nếu mình ở trong vị trí của Alfred thì không biết sẽ thế nào? Chẳng biết có thể bền bỉ đứng vững được như cha không. Chẳng hiểu sức người có hạn và lòng tin nhỏ bé này có thể can đảm nhìn Chúa và khẩn cầu cùng Ngài, khi gió bão và sóng lớn của cuộc đời đang đe dọa tôi không? Và chẳng biết lúc đó tôi còn có thể tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa không? Một Thiên Chúa là Ánh Sáng vẫn chiếu sáng trong bóng đêm. Một Thiên Chúa là tất cả đời tôi.
Và nếu đứng trước ngưỡng cửa của sự chết, thì tôi sẽ thấy điều gì là ý nghĩa và quan trọng trong cuộc đời? Trang sách của cuộc đời được lật tiếp. Tôi đọc được câu chuyện thật cảm động từ quê hương:
11 giờ ngày 18.2.2002, em HTT trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời vừa tròn 22 cái xuân. Người cô ruột của em điện thoại cho tôi biết hiện trạng của em trước khi qua đời. Tôi vội vã đến chia buồn với gia đình. Cùng với gia đình em, tôi làm một số việc trong lúc tang gia bối rối.
Em HTT là ai và tại sao lại ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ như vậy ? Có lẽ chúng ta sẽ không bỡ ngỡ khi nghe tin một người bị tai nạn giao thông hay bị nhiễm HIV / AIDS. Vâng, em là một chàng trai trẻ đầy hứa hẹn và đã bị nhiễm HIV / AIDS. Chuyện quá khứ của em tôi không muốn bàn đến nhiều, vì đến “thánh nhân còn có quá khứ” nữa là. Tôi chỉ muốn nói đến sự biến đổi không ngờ của em từ ngày em biết mình bị nhiễm vì “tội nhân còn có tương lai” mà. Tôi không dám phong cho em làm thánh vì đó là chuyện của Giáo Hội, song em đã để lại trong tôi một ấn tượng đẹp từ ngày tôi gặp em.
Đầu tháng 5 năm 2001, tình cờ cô ruột của em cho tôi biết em bị nhiễm HIV / AIDS khi đi khám bác sĩ. Em buồn lắm và không còn thiết sống nữa. Qua sự việc đó tôi đã tìm gặp em và tâm sự như một người bạn. Lúc đầu em còn ngại ngùng và không muốn thổ lộ, song dần dần em đã cho tôi biết về cuộc sống và về nguyên do hư hỏng của em. Từ một cậu học trò đầy hứa hẹn nhưng do buồn chuyện gia đình và chiều theo lối sống buông thả của một số bạn xấu, em đã tập hút, chích và làm những chuyện xấu xa khác nữa.
Rồi chuyện gì đến phải đến. Em vẫn qua được kỳ thi tú tài, nhưng trong một đợt khám nghĩa vụ quân sự theo lứa tuổi, người ta đã cho em biết em có vấn đề về máu. Nửa tin, nửa ngờ, cô ruột của em đưa em đi xét nghiệm tại trung tâm thành phố, cả cô cháu đều tối sầm mặt mũi khi cầm tờ giấy xét nghiệm với ký hiệu HIV dương tính. Trời đất dường như sụp đỗ, song người cô em đã bình tĩnh động viên, an ủi và đưa em về Sài-gòn để lo lắng và chăm sóc. Và lúc đó tôi đã gặp em. Em nói từ ngày biết mình bị nhiễm, em buồn lắm dù có cô luôn lo lắng. Nhiều lúc cơn nghiện đến em muốn bỏ đi và tiếp tục làm những chuyện xấu cho quên sự đời.
Tôi và một số bạn bè đã động viên và giúp em lấy lại tinh thần để luôn nghĩ đến điều tốt đẹp mà hiện nay em có thể làm. Em đã nghe theo và sẵn sàng giúp việc cho gia đình một người bà con của em, với những công việc vừa sức mình. Trong khi đó, người cô ruột của em vì công việc nên phải đi xa một thời gian nhưng luôn viết thư, điện thoại động viên tinh thần của em. Dù đang bận công việc, nhưng cô vẫn luôn tìm kiếm, hỏi han thầy hay thuốc giỏi để chữa trị cho em. Song lực bất tòng tâm với cơn bệnh quái ác này, cơ thể của em dần dần suy sụp đã khiến người cô tốt lành và gia đình em thật đau khổ.
Chính lúc này, em lại là người an ủi và chấp nhận nỗi đau em đã tự gây nên mà không một lời oán trách hay giận hờn ai nữa. Em đã cố gắng làm những gì có thể để có ích cho gia đình và những người thân yêu của em trong những ngày em còn sống. Trong dịp tết Nhâm Ngọ vừa rồi, người cô ruột ấy lại muốn tặng em một món quà em ưa thích, song em bảo: “Đừng cô ơi, tốn tiền lắm. Cô hãy để số tiền mua quà ấy cho người khác cần hơn con.” Câu nói dễ thương ấy làm cô em ứa nước mắt. Trước những ngày em vĩnh viễn ra đi, em đã sống như một vị thánh nhỏ, sẵn sàng chấp nhận việc mình đã làm và xin mọi người hãy tha thứ vì những việc em đã làm.
Em đã được Chúa gọi về trong bình an và thánh thiện. Mọi người khóc thương em vì tuổi đời còn quá trẻ. Ba mẹ em đứng bên xác con mà lòng nặng trĩu và đầy ân hận. Mọi người không ngờ em lại ra đi đột ngột vào lúc này vì em vẫn còn khá khoẻ mạnh và lẽ ra ngày hôm sau sẽ đi tái khám theo định kỳ.
Xong, mọi việc đã được an bài. Chúa đã thương gọi em về như một phần thưởng dành cho em, kẻo sự đời lại làm hoen úa một người con vừa mới quay về sau sự lầm lỗi. Không có sự gì là muộn màng, khi con người biết hối lỗi.
Khi đọc câu chuyện về em HTT lòng tôi sen lẫn xao xuyễn với phấn chấn, đau khổ với hy vọng, bất an với bình an. Tôi cảm phục HTT về sự can đảm của em. Từ trong thế giới của đêm đen em đã vươn dậy. Dù sóng gió cuộc đời là xì ke ma túy đang đe dọa trong chính em, nhưng em vẫn lướt thắng. Đứng trước ngưỡng cửa của sự chết em đã can đảm cúi đầu nhận lỗi của mình trước cuộc đời, trước mẹ cha và người thân. Với quá khứ đó và với vết thương cùng căn bệnh hiểm nghèo đang đe dọa, em vẫn tiếp tục bước những chặng đường còn lại trong đời. Những chặng đường của ăn năn, của đền đáp và của dựng xây. Thật vậy, con đường của tình yêu và con đường của niềm tin vào Chúa cần được dựng xây trở lại. Đường cong của cuộc đời cần được nắn thành đường thẳng đưa về vương quốc của nước Trời.
Đặt mình trong vị trí của HTT tôi tự hỏi mình xem có thể sống như em không? Tôi không biết mình có đủ can đảm để nhìn thấy được tội lỗi của mình, hay lại như Ca-in trốn chạy? Rồi cơn nghiện tiếp tục quấy rầy, làm sao tôi có thể thoát ra đây? Cơn bệnh hiểm nghèo ngày càng gặm nhấm cơ thể tôi, làm cho tôi mất đi sức đề kháng trước các vi-trùng, tôi có thể chịu đựng được không? Và nếu đứng trước ngưỡng cửa của sự chết, thì tôi sẽ thấy điều gì là ý nghĩa và quan trọng trong cuộc đời?
Với Alfred và với HTT tôi trở về với câu chuyện cuộc đời của tôi. Tôi muốn đi tìm thực sự cho mình cái ý nghĩa cuộc đời. Cái ý nghĩa mà thường ngày tôi không nhìn thấy được. Có lẽ do đôi mắt tôi quá mù tối. Có thể do những lo lắng cuộc đời đã vùi câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời vào trong “đất khô”. Cũng có lúc câu hỏi đó xuất hiện và bắt tôi phải đi tìm câu trả lời. Tôi cũng suy nghĩ và tìm được những tia sáng cho ý nghĩa cuộc đời. Tiếc rằng, khi trở về cuộc đời, tôi lại lạc bước trong lo lắng, trong bận bịu và trong đam mê, để rồi tôi sống mà chẳng biết mình sống để làm gì. Tệ hơn là tôi sống mà chẳng còn màng tới ý nghĩa của cuộc sống.
Hôm nay, trong dòng đời tôi gặp Alfred và HTT, những người đã sống và đã vất vả vật lộn với câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời. Cuối cùng họ đã tìm được. Con người của họ đã để lại cho tôi một vấn nạn cho chính cuộc sống của tôi, và thúc đẩy tôi lần nữa phải đi tìm cho mình câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời. Hy vọng rằng, tôi sẽ tìm được câu trả lời. Và câu trả lời đó sẽ không bị dòng đời cuốn trôi, mà ở lại với tôi trong đời sống thường ngày, nhờ đó tôi có thể sống mà biết mình sống để làm gì.
Trong quá trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống, tôi phải bắt đầu ở đâu và với cái gì?
Với Alfred và với HTT, tôi mường tượng:
Dòng đời vẫn trôi đều, cuộc sống thường ngày với công việc và với bao lo lắng vẫn ở với tôi. Nhưng một ngày nọ tôi cảm thấy mình mệt mỏi và đau trong cơ thể, mà tôi chẳng biết đau cái gì và chẳng biết chính xác ở chỗ nào trong phần bụng. Sau đó tôi đi khám bệnh. Mấy ngày trôi qua tôi đến phòng khám và chờ nhận kết quả khám nghiệm. Cô y tá gọi tên tôi. Tôi vào phòng khám. Bác sĩ chào đón tôi và mời tôi vào phòng riêng. Sau đó, một cách nghiêm chỉnh bác sĩ báo tin là ông kiếm thấy một cục bướu gần ruột. Giờ đây cần phải mổ để thử xem cục bướu đó lành hay ác. Nghe bác sĩ nói mà tôi bối rối và bất an vô cùng. Tôi như rơi vào một hố sâu của cuộc đời. Nhưng trấn tĩnh lại, tôi hẹn bác sĩ tuần sau sẽ đến để được mổ.
Đúng ngày hẹn tôi tới nhà thương. Bác sĩ mổ xong, hai ngày hôm sau ông ta vào phòng tôi nằm. Thật đau lòng, ông báo cho tôi biết đó là cái bướu ác. Không thể tin vào những gì mình nghe được. Tôi bối rối và suy nghĩ lung tung. Tôi lo lắng vô cùng và chẳng còn thiết đến ăn uống nữa. Tối đến mắt tôi không thể nhắm lại được.
Ngày qua ngày tôi “ôm ấp” cơn bệnh mới. Tôi chẳng hiểu tại sao với tuổi đời còn trẻ tôi lại phải mang cơn bệnh hiểm nghèo này. Càng lo lắng, càng suy nghĩ tôi càng bế tắc. Tôi đau đớn và gia đình của tôi cũng đớn đau với tôi. Sau đó tôi được bác sĩ làm những phương pháp trị liệu và mổ tới mổ lui, để hy vọng có thể diệt được những cái “bướu ác độc” kia. Mấy tháng trị liệu và giải phẫu qua đi, tôi khỏe lại được chút, nhưng sau đó lại cảm thấy đau đớn ở chỗ khác. Cuối cùng, bác sĩ khám và đành nói sự thật, là ông bất lực, vì bệnh Ung Thư của tôi ở thời kỳ cuối. Các ung bướu ác độc đã lan khắp mọi nơi trong cơ thể, vì vậy tôi không còn sống bao lâu nữa. Có thể cuộc đời còn kéo dài khoảng từ 04 – 06 tháng.
Tôi đau đớn khi nghe ông nói. Tại sao lại như vậy? Cuộc đời còn dài trước mắt tôi mà. Mới hơn ba mươi, tại sao tôi lại phải chào vĩnh biệt cuộc đời?
Không, tôi còn muốn sống lắm. Còn bao nhiêu điều tôi muốn làm. Vừa đi dạy học được mấy năm, giờ đây tôi phải giã biệt nghề nghiệp mà tôi đã ôm ấp bao năm trời sao? Rồi ai sẽ lo các em học sinh của tôi? Và gia đình tôi nữa?
Trong đau khổ tôi sống những ngày còn lại. Nhưng rồi tôi suy nghĩ và thấy rằng: “Nếu mình cứ đau khổ mãi như vầy thì cũng chẳng đi tới đâu!” Tôi nhớ lại hình ảnh của Alfred và HTT, giờ đây là hai người bạn thân của tôi. Họ cũng đã đau khổ và bị hành hạ nhiều, nhưng họ đã đứng vững trước những đe dọa của cuộc đời, cuối cùng dù biết rằng chẳng bao lâu mình phải chết, nhưng họ đã biết chọn một thái độ sống đúng đắn cho những ngày còn lại
Ba chúng tôi mỗi người đều có sự đe dọa riêng và khác nhau, nhưng chúng tôi có một mẫu số chung là phải đối diện với sự chết. Sự chết gần kề, cuộc sống gần tàn, nhưng ý nghĩa cuộc sống không thể mất đi.
Nhưng ý nghĩa cuộc đời là gì và tôi tìm thấy ý nghĩa đó ở đâu? Giờ đây câu hỏi này trở nên sống động trong cuộc sống của tôi. Tôi loay hoay và bắt đầu tìm kiếm.
– Đầu tiên tôi nhìn HTT. HTT đã ăn chơi, đã lầm lỡ và rồi cuối cùng em đã phải “ôm ấp” hậu quả đau thương. Hơn nữa em phải mang một cơn bệnh hiểm nghèo. Trong hoàn cảnh đó em đã đau. Nỗi đau của cuộc đời, của chính một lần sa chân lỡ bước. Thật thê thảm biết bao khi nhìn thấy HTT đang đau và đau…. Tệ hãi hơn, cái đau đó được tăng theo cấp số nhân khi em biết rằng, chẳng bao lâu em sẽ chết.
Nhưng cái quý báu ở đây, là HTT không chỉ biết ở lại trong đau đớn để nếm mùi đớn đau, mà sâu hơn em đã đón nhận mình là kẻ tội lỗi, và đã xin mọi người tha thứ. Em đã “gật đầu đồng ý” với những hậu quả tệ hại để lại cho chính mình sau những cuộc ăn chơi.
Nơi Alfred tôi cảm được sự đau khổ và sợ hãi. Trong đêm tối của ngục tù và đe dọa của ác thần từ bên ngoài, Alfred đã run lẩy bẩy. Nước mắt và máu của cuộc đời đã chảy ra. Đau thương chừng nào, khi chứng kiến Alfred đang đau và đau… Trong đêm đen của ngục tù, Alfred đã đồng ý đón nhận đau khổ, đồng ý sự thử thách mà Chúa gởi tới cho cha. Giờ đây phần còn lại là làm sao vững vàng và bền tâm.
Qua tấm gương của HTT và Alfred, tôi học được điều đầu tiên cần có trong lúc tôi đang mang cơn bệnh hiểm nghèo và sẽ phải chết là: “Can đảm ở lại trong đau đớn, cảm nhận mùi vị của đớn đau và biết “gật đầu đồng ý” cùng đón nhận thực tại cuộc sống của tôi. Thêm vào đó, tôi cần vững vàng và bền tâm.”
– Nhìn Alfred tôi đặt câu hỏi, tại sao cha lại có thể tìm được một sự bình an thẳm sâu ngay trong lúc Cha bị hành hạ, tra tấn và đe dọa? Điều gì giúp Alfred có được sự bình an như vậy?
Cả HTT cũng thế, tại sao em lại có thể can đảm ăn năn trở về và quyết tâm thay đổi cuộc đời, dù đời em chỉ còn sống một vài tháng nữa thôi? Dựa vào đâu mà em có thể “quay 180 độ” như vậy và tìm được bình an trong cuộc sống?
“Thiên Chúa đã thử thách tôi. Giờ đây làm thế nào để có thể bền bỉ đứng vững được thôi. Tôi vẫn luôn tin tưởng vững vàng và hy vọng nơi Bàn Tay nhân từ, Bàn Tay đã đón nhận chúng ta và hướng dẫn chúng ta…. và Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi một không gian thật đẹp với sự bình an thẳm sâu. Tôi cảm thấy lúc này Chúa thật gần và thương tôi thật nhiều.“
“Tôi luôn hy vọng vào Chúa, và vào tình yêu cùng sự trung thành của Ngài”.
Lời của Alfred vẳng đến tai tôi làm cho tôi tỉnh người và khám phá ra rằng. Điều giúp Alfred có được bình an trong đêm đen là niềm tin và hy vọng vào Chúa của Alfred. Nơi HTT tôi cũng cảm được sự tin tưởng và hy vọng vào Chúa. Thực vậy, nếu không tin tưởng vào Chúa và hy vọng vào Ngài, thì làm sao em có thể “gật đầu” chấp nhận lầm lỗi, và “quay gót” lìa xa đường cũ để trở về với chính lộ? Với HTT có lẽ những ngày còn lại trong đời em mọi sự nằm trong bàn tay của Chúa… Ngài có nhiều cách để vực em dậy và dìu em tiếp tục tiến bước.
Như vậy, Alfred và HTT đã ngỏ lời với tôi rằng: “Trong lúc này tôi cần phải tin tưởng và hy vọng tuyệt đối vào Chúa.” Đó là tâm tình thứ hai tôi cần có.
– Trong niềm tin và hy vọng vào Chúa Alfred và HTT đã sống, dù đường đời có thật nhiều bóng đêm. Cho dù bóng đêm có dày đặc và mạnh mẽ đến đâu, vẫn không nuốt chửng được ánh sáng. Ánh sáng của Thiên Chúa. Ánh sáng đó đã được chiếu tỏa trong chính đời sống trong bóng đêm, trong chính đau khổ của Alfred: ,,Với tôi có những lúc thật là khó khăn. Tôi, Georg (tên ngoài của cha Alfred) đã trải qua những giờ phút rất đau thương với nước mắt và máu. Nhưng Georg đã luôn luôn cố gắng đưa những giọt nước mắt và máu của mình vào trong hai hành động thật nhỏ bé, để nhờ đó có thể đứng vững được. Hai hành động đó là: Cầu Nguyện và Yêu Thương.”
Trước khi chết, các tử tội thường được hỏi mình muốn hưởng điều gì trong giây phút cuối cùng. Người thì muốn có một bữa ăn thật ngon, người thì muốn được gặp lại người thân… Còn với Alfred thì chỉ có hai thái độ rất nhỏ bé quan trọng nhất đối với Cha: “Cầu nguyện và Yêu thương.” Tại sao vậy? Cầu nguyện là một hành động quan trọng nhất và đem lại ý nghĩa cuộc đời cho Alfred sao? Trong giây phút tuyệt vọng và cuối đời này còn cầu nguyện với Chúa để làm gì? Ngài có đến để giải thoát không? Với những tên lính thì chắc chắn là không rồi: “Mày sẽ cầu nguyện, nhưng không có một Thiên Chúa và cũng chẳng có một thiên thần nào đến, để cứu thoát mày.”
Nhưng với Alfred, thì cả cuộc đời của cha là thuộc về Chúa, và Chúa là tất cả đối với cha. Vì vậy, cuộc đời cha dù vui hay buồn, dù sung sướng hay đau khổ, cha vẫn cầu nguyện. Đặc biệt trong lúc đau thương này, Alfred còn cảm thấy cần thiết phải cầu nguyện hơn bao giờ hết. Trong thinh lặng Alfred gặp Chúa, và chính Ngài sẽ xoa dịu nỗi đau khổ mà cuộc đời gây ra cho cha. Ngài sẽ giải thoát Alfred khỏi mảnh lưới bất nhân với đe dọa, với sợ hãi, và dẫn Alfred tới đồng cỏ xanh tươi, nơi đó Alfred tìm được bình an. Một sự bình an nội tâm thẳm sâu, mà quyền lực của ác thần, của loài người không thể hủy diệt.
Yêu thương – gần chết mà vẫn còn muốn yêu thương?!
Yêu Chúa, vì cuộc đời của Alfred thuộc về Chúa. Yêu Chúa, nên Alfred dành thời giờ để gặp Chúa, để nguyện cầu, tán dương và phụng sự Chúa. Phụng sự Chúa trong chính đau khổ của mình.
Yêu thương cả những người hành hạ mình, yêu thương những người muốn bá chủ thế giới, và gây ra bao nhiêu đau khổ cho nhân loại, yêu thương cả ngục tối cuộc đời đang bao phủ mình.
Vâng, gần chết nên cần yêu thương. Không chỉ yêu thương người mà còn yêu thương mình. Thực vậy, chính vì yêu thương mình, mà Alfred biết ý thức chịu và đón nhận đau đớn, biết vững tâm và cậy trông tin tưởng vào Chúa. Vì yêu mình mà Alfred đã tỉnh táo biến đổi nước mắt và máu của chính mình thành nguyện cầu và yêu thương. Và vì yêu mình mà Alfred muốn yêu anh chị em, dù người đó là kẻ mỗi ngày hành hạ mình. Cái sâu sắc của yêu mình là vậy. Yêu mình giúp mình yêu người và yêu Chúa.
Nơi HTT tôi cũng cảm thấy hương hoa yêu thương rất rõ ràng và sống động.
Vì yêu mình mà HTT đã biết nhìn lại và ăn năn. Nhưng không chỉ thế, yêu mình còn thúc đẩy mình tới một hành động rất cụ thể là biết đón nhận đau thương và hậu quả tội lỗi mình gây ra. Yêu mình nên dám can đảm nói với mình rằng: “Tôi là người tội lỗi.”
Yêu mình giúp tôi yêu người. Khi biết tự mình đau đớn thế nào về những gì mình gây ra cho mình, thì anh chị em mà mình một cách trực tiếp hay gián tiếp gây đau khổ cho họ, cũng đau đớn như vậy và đôi khi hơn mình nữa. Vì thế, cần phải “mở cửa”, cần phải bỏ mặt nạ cuộc đời xuống và không sợ mắc cở, để đi đến anh chị em và xin họ tha thứ. Một hành động yêu thương tuyệt vời. Với yêu thương, HTT đã tiếp tục sống những ngày còn lại thật tốt lành với anh chị em và với chính mình. Một hành động diễn tả sự yêu thương anh chị em của HTT để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc: “Trong dịp tết Nhâm Ngọ vừa rồi, người cô ruột ấy lại muốn tặng em một món quà em ưa thích, song em bảo : “Đừng cô ơi, tốn tiền lắm. Cô hãy để số tiền mua quà ấy cho người khác cần hơn con.”
Yêu mình và yêu anh chị em được gói gọn trong tình yêu dành cho Chúa. Chắc chắn khi thay đổi cuộc đời mình, HTT đã hiểu được tình Chúa dành cho mình ra sao, nên có lẽ những ngày còn lại trong đời HTT đã sống với Chúa cách gần gũi. Người kể chuyện đã nói: “ Trước những ngày em vĩnh viễn ra đi, em đã sống như một vị thánh nhỏ.”
Nhìn Alfred và HTT tôi gẫm lại cuộc đời mình lúc này. Chỉ còn một vài tháng nữa tôi sẽ chào cuộc đời. Tôi sẽ làm gì để những giây phút còn lại sẽ tràn đầy ý nghĩa? Không gì khác hơn là cần ý thức sống Yêu Thương và Nguyện Cầu.
Trở về với mình, với hoàn cảnh bệnh hoạn và sẽ phải chết trong mấy tháng sắp tới, mà tôi đang mường tượng. Tôi cám ơn Alfred và HTT, hai người bạn của tôi thật nhiều. Tôi cảm tạ Thiên Chúa từ nhân dường bao. Giờ đây, tôi đã biết mình phải sống thế nào. Tôi cần:
Đóng cuốn sách cuộc đời lại và kết thúc bài tập mường tượng. Tôi muốn dừng viết ở đây và đứng lên để trở lại cuộc sống thường ngày của tôi, thì tôi lại nghe được lời Thánh I-Nhã nhắc nhở: “ Xét coi, ví như tôi đang ở vào giờ chết, thì thái độ và quy tắc mà lúc ấy tôi muốn mình tuân theo trong công việc lựa chọn hiện bây giờ như thế nào, và rắp tâm quyết định hoàn toàn tuân theo quy tắc đó.”(Linh Thao 186) Lời dạy bảo của I-Nhã nhắc nhở tôi rằng: “Tôi có làm bao nhiêu bài tập mường tượng, tôi có rút ra nhiều bài học thật hay qua những tấm gương đi trước, hay tôi có biết bao nhiêu ý tưởng tốt lành và đẹp đẽ, hơn nữa tôi có tìm được cho mình ý nghĩa cuộc đời là gì, mà tôi không rắp tâm quyết định hoàn toàn tuân theo những giá trị, những quy tắc, những kim chỉ nam tôi đã tìm thấy, thì tất cả sẽ chẳng giúp ích gì.
Như vậy, thật đẹp khi tôi nói với mình rằng: “Cuộc đời tôi chỉ có ý nghĩa, khi tôi biết sống đón nhận mọi sự, cả niềm vui lẫn nỗi buồn và ý thức vững tâm và bền bỉ sống, đặc biệt trong những lúc khổ đau. Cuộc đời của tôi chỉ giá trị thực sự, khi tôi biết tin tưởng và hy vọng vào Chúa. Và cuộc đời tôi cần phải được sống động hóa trong hai thái độ đơn sơ và nhỏ bé: Nguyện cầu và Yêu Thương.”
Nhưng thật tệ hại, khi tôi nói mà tôi không ý thức tập sống những điều đó. Như vậy, thì thật uổng cho những gì tôi mới mường tượng, mới học được. Một cách nào đó, tôi đang đánh lừa chính bản thân mình.
Hai người bạn của tôi là Alfred và HTT sẽ nhìn và buồn với tôi, khi họ chỉ thấy tôi nói hay, nghĩ tốt mà sống chẳng ra gì. Và nếu lời nói tôi và suy nghĩ của tôi không đi đôi với cuộc sống tôi, thì tôi có yêu thương mình thật không?
“Yêu thương phải đặt trong hành động hơn là trong lời nói „ (Linh Thao 230).
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn