Đức Hồng Y John Henry Newman thường được mô tả và ngưỡng mộ như là người đã hình thành nên cấu trúc Đại Học như ta thấy hiện nay tại Anh, Âu Châu và nhiều nơi khác trên thế giới.

Trong dịp tuyên thánh cho ngài, nhà văn và cũng là một đạo diễn phim K.V. Turley, người Anh, sống tại Luân Đôn, có bài đăng trên tờ National Catholic Register hôm 12/10 nhấn mạnh đến một khía cạnh khác: Đức Hồng Y John Henry Newman là một nhà văn thư tín. Ngài viết rất nhiều: ít nhất 20,000 thư để lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo, mở dạy kẻ mê muội, hộ giáo, trình bày các chân lý Kitô Giáo, và mở đường cho nhiều người đến với Chúa.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


John Henry Newman the Letter Writer: Revelations of a Charitable Soul

His writing apostolate included more than 20,000 letters.

K.V. Turley

John Henry Newman Nhà Văn Thư Tín: Những tiết lộ về một tâm hồn bác ái

Hoạt động tông đồ thư tín của ngài bao gồm hơn 20,000 thư.


Thế kỷ 19 là thời viết thư. Việc mở rộng dịch vụ bưu chính, đường sắt, kênh đào và tàu hơi nước ở Quần đảo Anh và xa hơn đã mang đến cho các tầng lớp tri thức những phương tiện để thư của họ có thể đến được những nơi xa xôi, với chi phí thấp và chắc chắn đến được những mục tiêu họ nhắm đến một cách an toàn.

Những người Victoria nổi tiếng như Charles Dickens thường được xem là những nhà kỷ lục về viết thư. Tuy nhiên, số lượng thư của Đức Hồng Y John Henry Newman vượt xa nhiều người đương thời. Vào thời điểm ngài qua đời vào năm 1890, tính chất phi thường - và phong phú – của những lá thư do Đức Hồng Y Newman đã được nhiều người biết đến.

Con người của những bức thư

Năm 1961, trong phần giới thiệu tập đầu tiên các lá thư đã được công bố của Đức Hồng Y Newman, Cha Charles Dessain giải thích rằng Đức Hồng Y Newman “sống lâu như vậy, quá nhiều bạn bè như vậy, dự phần vào biết bao các công việc khác nhau như vậy, cho nên phần lớn cuộc sống của ngài đã được dành để tham gia vào một hoạt động tông đồ sôi nổi qua các bức thư, đến mức các trước tác về thư tín này quá to lớn.”

Vào thời điểm ngài qua đời vào năm 1976, Cha Dessain đã viết được 21 cuốn sách về các lá thư của Đức Hồng Y Newman. Và công việc biên tập và thu thập các lá thư của vị Hồng Y quá cố vẫn chưa hoàn thành.

Công việc này tiếp tục là một điều rất quan trọng, nhất là vì nhiều lá thư của Đức Hồng Y Newman thường cho ta thấy những ý tưởng sâu thẳm nhất của ngài.

Tiếp nối truyền thống của Cha Dessain, Andrew Nash, tác giả một cuốn sách về Hồng Y Newman: cuốn Essays Critical and Historical: Volume One (Gracewing 2018), nói với tờ National Catholic Register rằng “Trong những lá thư của Hồng Y Newman chúng ta thấy tình yêu và tình bạn của ngài khi ngài viết cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là khi ngài còn trẻ, và những thư viết cho bạn bè thân thiết. Bạn có được cái nhìn sâu sắc về bản chất tình cảm và đồng cảm của ngài và cả sự dí dỏm, vui tươi và hài hước của ngài nữa. Đôi khi các lá thư này đề cập đến các chủ đề thực tế: tiền bạc, tổ chức, du lịch. Đây là một khía cạnh của Hồng Y Newman mà chúng ta có thể bỏ lỡ nếu chúng ta chỉ biết đến các tác phẩm được công bố của ngài.”

Có thể hiểu được là Nash, giống như rất nhiều học giả về Hồng Y Newman, rất ngạc nhiên trước những trước tác không ngừng nghỉ của con người thánh thiện này khi đề cập đến thư tín “Có một khối lượng rất lớn các thư tín của ngài, tổng số lên đến hơn 20,000. Ngài phải dành bao nhiêu thời gian trong cuộc sống hàng ngày để viết cho mọi người, giữa chập chùng cơ man các trách nhiệm mục vụ và công việc tri thức của mình! Các lá thư này cho thấy năng lượng làm việc lớn lao và chăm chỉ của ngài.”

Hồng Y Newman, con người của tình yêu

Và các lá thư ấy cũng thể hiển lòng bác ái của vị thánh. Cá tính của Newman, theo Nash, được tỏ lộ qua các lá thư của ngài. “Những lá thư ấy cho chúng ta thấy thật là sai lầm khi xem ngài như một trí thức ẩn dật hay một nhà tu khổ hạnh thuộc về một thế giới khác không quan tâm gì đến các vấn đề trần tục,” ông nói. “Những người Hồng Y Newman thường viết thư cho là những người có những thắc mắc hoặc khó khăn về đức tin. Điều này tương tự như các tác phẩm đã được xuất bản của ngài, ngoại trừ việc ngài tập trung vào cá nhân của người mà ngài viết thư. Bạn thấy sự minh bạch của ngài trong việc đi thẳng vào trung tâm vấn nạn của người đó. Ngài không bao giờ bác bỏ và không ngại tham gia vào một vấn đề chuyên sâu và mất nhiều thời gian. Ngài không bao giờ bút chiến, ngay cả khi viết thư cho một người có ý tưởng thù địch với niềm tin Kitô. Nhiều lúc ngài có thể rất nhiệt thành; chẳng hạn, khi ngài phản đối chiến thuật của những người Ultramontan, là những người muốn áp đặt một sự giải thích cực đoan về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng đối với các tín hữu.”

Những lá thư của Hồng Y Newman tiết lộ về ngài với tư cách là một con người và một mục tử. Bên cạnh đó, chúng cũng cho chúng ta biết nhiều về nhà văn Newman. Như Nash giải thích: “Thật khó có thể khái quát phong cách của những lá thư ngài viết khi có rất nhiều và chúng được viết cho một phạm vi đa dạng những người trong xã hội qua biết bao năm tháng. Đôi khi chỉ là các trao đổi thông thường. Nhưng trong những thư khác, ngài viết thật văn hoa bóng bẩy như chúng ta thấy trong các tác phẩm đã được xuất bản của ngài. Những câu văn của ngài rất cân bằng, điều đó khiến người đọc thấy nơi ngài một con người đầy lý lẽ thuyết phục. Ngài nhận ra quan điểm của người khác và phản ứng với sự nhạy cảm trong khi đặt bút viết về các vấn đề tiềm ẩn bên dưới các quan điểm ấy.”

Đối với những ai muốn tìm hiểu thêm về Hồng Y John Henry Newman, vị thánh mới nhất của Giáo Hội, Nash có một thông điệp đơn giản: “Hãy tập chú vào một trong cơ man các thư tín của ngài và đọc chăm chú!”

Những nét mực Công Giáo

10 năm cuối đời của Hồng Y Newman là một thời gian suy giảm sức khỏe và thể lực. Tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục viết thư, ngay cả khi thị lực của ngài ngày càng tệ, cùng với sự cứng đờ ở ngón tay, điều đó có nghĩa là ngài cảm thấy rất khó khăn khi cầm bút. Đến cuối đời, ngài phải đọc cho người ta viết hộ.

Lá thư cuối cùng của ngài là một hành động hòa giải. Đó là với cháu gái của ngài, cô Grace. Cô là đứa con duy nhất của Harriet, em gái đã tuyên bố đoạn tuyệt với Đức Hồng Y Newman. Harriet đã cắt đứt tình anh em với anh trai mình sau khi ngài cải đạo sang Công Giáo. Anh trai và em gái chưa hề hòa giải khi Harriet qua đời vào năm 1852. Do đó, Newman đã không gặp Grace kể từ khi cô được đưa sang Úc khi còn nhỏ. Bây giờ là một phụ nữ, Grace Longford đã trở về Anh và muốn gặp bác mình.

Nhà nguyện Birmingham. Ngày 2 tháng Tám 1890

Cháu Grace yêu của bác,

Cảm ơn cháu đã mong muốn gặp bác. Bác sẵn sàng đón nhận cơ may này và bác sẽ gặp cháu bất cứ ngày nào trong tuần tới thuận tiện cho cháu.

Thương mến, JHN

Tái bút: đôi khi có bác sĩ đến thăm bác.

Grace đến gặp ngài vào ngày 9 tháng 8. Sau đó, tay trong tay, cháu gái và bác ngồi nói chuyện trong phòng khách của nhà nguyện Birmingham.

Thánh Newman ngã bệnh vào ngày hôm sau. Vào lúc 8:48 tối ngày 11 tháng 8 năm 1890, ngài giã từ thế giới này để đi vào cõi vĩnh hằng.


Source:National Catholic RegisterJohn Henry Newman the Letter Writer: Revelations of a Charitable Soul