1. Lo ngại về an ninh của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du Thái Lan sau khi ông Domenico Giani từ chức

Việc từ chức của ông Domenico Giani đã có tác động mạnh mẽ đến tình cảm của nhiều giáo sĩ và nhân viên làm việc tại Vatican. Tờ American Magazine của Dòng Tên tại Hoa Kỳ cho biết nhiều người ngạc nhiên, một số cảm thấy buồn và những người khác thì thất vọng về cách công việc của ông kết thúc.

Một số người khác tỏ ra quan ngại về an ninh của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Thái Lan sắp tới. Ông Giani đã là vệ sĩ chính của 3 vị Giáo Hoàng và là người đứng đầu lực lượng hiến binh Vatican. Ông luôn theo sát Đức Giáo Hoàng trong các buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô và luôn ở bên cạnh Đức Giáo Hoàng trong các chuyến tông du. Trước khi tham gia vào đội hiến binh Vatican, ông từng làm việc cho mật vụ Ý và đã đem cho lực lượng hiến binh Vatican một trình độ chuyên nghiệp không thể chối cãi được.

Ông tỏ ra rất bình tĩnh ngay cả trong các chuyến tông du căng thẳng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tại Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau bài diễn văn của ngài tại Đại Học Regensburg gây tức giận cho người Hồi Giáo, hay trong chuyến viếng thăm một đền thờ Hồi Giáo ở Cộng Hoà Trung Phi của Đức Thánh Cha Phanxicô nơi chỉ cách đó một tuần đã diễn ra một vụ bạo động khiến hàng trăm người chết.

Nhiều quan chức và phóng viên của Vatican nói rằng chỉ huy trưởng hiến binh Giani đã trở thành một trong những người quyền lực nhất ở quốc gia nhỏ bé này và trong suốt 20 năm phục vụ, với tư cách là người đứng đầu ngành an ninh, ông không chỉ có lắm bạn bè nhưng cũng không ít một số người bất mãn vì hệ thống giám sát và kiểm soát mà ông đã giới thiệu. Nhiều người nghĩ rằng việc từ chức của ông có nguồn gốc sâu xa hơn việc rò rỉ tài liệu bảo mật cho báo chí Ý.

Tân chỉ huy trưởng hiến binh Gauzzi, một chuyên gia về an ninh mạng, sẽ đối mặt với thử thách lớn đầu tiên của mình khi Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Thái Lan vào cuối tháng 11. Sau những cuộc biểu tình bạo động tại Bangkok từ tháng 11 năm 2013 đến tháng 5 năm 2014, tiếp theo bằng một cuộc đảo chính, tình hình tại Thái Lan vẫn chưa được kể là ổn định. 4 tỉnh miền Nam là Narathiwat, Yala, Pattani và Songkhla vẫn được xem là những vùng hoạt động mạnh của các nhóm ly khai và các nhóm thánh chiến Hồi Giáo.


Source:American MagazinePope Francis appoints cybersecurity expert to head Vatican Security Services
2. Các nhà khoa học tại Đại Học Harvard cho rằng đồng tính không phải là bẩm sinh

Trong bài “Born That Way” No More: The New Science of Sexual Orientation, nghĩa là “Không có chuyện sinh ra là đã như thế - Khoa học mới về định hướng tính dục”, tờ Public Discourse cho biết một nghiên cứu mới đã bổ sung thêm vào các bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy xu hướng đồng tính không phải do di truyền. Thay vào đó, khoa học cho thấy xu hướng tình dục và lựa chọn đối tác của một người phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển và thể hiện quyền tự chủ cá nhân liên quan đến khả năng tình dục của chính mình.

Nghiên cứu của Đại Học Harvard bao gồm hai phát hiện chính. Đầu tiên, các nhà khoa học thấy rằng tác động của các gen thừa hưởng từ cha mẹ (được gọi là “gen di truyền” ) liên quan đến định hướng đồng tính là rất yếu. Nói cách khác môi trường phát triển của một người, bao gồm chế độ ăn uống, gia đình, bạn bè, hàng xóm, tôn giáo và một loạt các điều kiện sống khác có những ảnh hưởng gấp nhiều lần đến khả năng phát triển hành vi hoặc định hướng đồng tính của một người.

Thứ hai, các nhà khoa học cũng phản bác một niềm tin phổ biến trong hàng thập kỷ qua là con người có thể có một loại gen được giới truyền thông gọi là ‘gen gay’ gây ra các hành vi tình dục đồng giới. Loại gen đó đơn giản là không tồn tại.

Cho nên, không đúng khi cho rằng ngay từ khi lọt lòng mẹ một người đã có xu hướng đồng tính. Khuynh hướng ấy là hệ quả của môi trường phát triển của một người và ý chí của người ấy.


Source:The Public Discourse
“Born That Way” No More: The New Science of Sexual Orientation
3. Ngôi nhà thờ xưa nhất Hoa Kỳ nơi tuôn đổ nhiều phép lạ được nâng lên hàng đền thánh quốc gia

Khi nói đến Đền Thánh Quốc Gia, có lẽ chúng ta nghĩ đó phải là một ngôi nhà thờ rất lớn uy nghi ở một nơi thị tứ phồn hoa đô hội. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục vừa quyết định nâng lên hàng Đền Thánh Quốc Gia một ngôi nhà thờ rất nhỏ bé.

Đức Giám Mục Felipe Estévez của giáo phận Thánh Augustinô, đã tuyên bố hôm thứ Sáu rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Đền thờ Đức Mẹ La Leche đã được nâng lên thành một đền thờ quốc gia.

Đền thờ được đặt tại cứ điểm truyền giáo Nombre de Dios, được thành lập vào năm 1587. Theo Giáo phận Thánh Augustinô, đó là đền thờ Thánh Mẫu lâu đời nhất nước Mỹ.

Đền thờ được dành riêng kính Đức Maria Mẹ của Thiên Chúa và là một địa điểm hành hương đặc biệt cho những người hy vọng mang thai hoặc sinh nở mẹ tròn con vuông.

Trong thánh lễ tại Đền thờ Đức Mẹ La Leche, Đức Cha nói:

“Đức Maria nhận ra Thiên Chúa hằng sống đang đóng cánh cửa lại với những kẻ hùng mạnh trên thế gian này này và nâng đỡ những người bé nhỏ, những người nghèo khổ trong tinh thần, là những người được Chúa ban phước. Mẹ ca ngợi Chúa vì lòng thương xót lớn lao Chúa dành cho những ai vâng lời Ngài và mở lòng ra với Ngài.

Khi nhìn vào hình ảnh Đức Mẹ La Leche, trong vẻ đẹp thuần khiết, chúng ta thấy toàn bộ mầu nhiệm Nhập thể. Hôm nay, Đức Maria có một thông điệp cho chúng ta, tôi tìm thấy thông điệp ấy trong những từ độc đáo xuất hiện trong Tin Mừng Thánh Thánh Gioan, khi Mẹ nói với các gia nhân trong tiệc cưới Cana: Các anh hãy làm những gì Ngài truyền cho các anh”.

Khoảng 200 người đã tham dự Thánh lễ, bao gồm các ân nhân, các thành viên của Hội Phụ nữ Đức Mẹ La Leche, Các Hiệp sĩ và Các Phụ nữ thuộc Hội Malta.

Thánh lễ đầu tiên tại cứ điểm truyền giáo Nombre de Dios đã diễn ra vào năm 1565, và cứ điểm truyền giáo được chính thức thành lập 22 năm sau bởi các cha Dòng Phanxicô. Một nhà nguyện dành riêng cho Đức Mẹ La Leche được thành lập vào năm 1609.

Từ ngày đó, các tín hữu không ngừng tuôn đến ngôi nhà thờ này. Tuy bé nhỏ, nhưng đây là ngôi nhà thờ cổ xưa nhất nước Mỹ và các tín hữu không ngừng nhận được các ơn lạ khi cầu nguyện tại đây. Đó là lý do khiến Hội Đồng Giám Mục nâng ngôi nhà thờ nhỏ bé này lên hàng Đền Thánh Quốc Gia.

Bức tượng Đức Mẹ La Leche sẽ được trao vương miện vào ngày 11 tháng 10 năm 2020, như một phần trong lễ kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Giáo phận Thánh Augustinô.


Source:National Catholic Register
Our Lady of La Leche Is Elevated to National Shrine by US Bishops
4. Cả hai Đức Thượng Phụ có thế giá nhất của Chính Thống Giáo viết lời tựa cho 2 cuốn sách mới của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt kéo dài từ 16 đến 20 tháng Mười, Nhà xuất bản Vatican – thuộc Bộ Truyền Thông Tòa Thánh đã có một gian hàng chung với viện Bảo Tàng Vatican. Trong hội chợ này, nhà xuất bản Vatican đã gặp gỡ các nhà xuất bản từ khắp nơi trên thế giới, để hỗ trợ và thúc đẩy việc truyền bá những lời giảng dạy của Đức Thánh Cha và các tài liệu từ nhà xuất bản Vatican.

Nhà xuất bản Vatican đã mang đến Frankfurt những tác phẩm quan trọng nhất trong năm nay và sẽ minh họa cho các dự án biên tập sớm được xuất bản. Một trong những sáng kiến mới quan trọng nhất là bộ sưu tập các lời mời gọi đại kết của Đức Thánh Cha được in thành sách với tựa đề, “Scambio dei Doni” nghĩa là “Trao đổi các ân sủng”, với các văn bản và các bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng. Bên cạnh đó, còn có một tác phẩm của Đức Thánh Cha cho đến nay chưa được công bố bao gồm các diễn từ của ngài trước đại diện của các Giáo hội anh em cũng như cộng đồng giáo hội riêng biệt đang đồng hành cùng Giáo Hội Công Giáo trên hành trình tái lập sự hiệp thông trọn vẹn.

Cuốn đầu tiên của bộ sưu tập mới có tên là “Nostra Madre Terra” – nghĩa là “Mẹ Trái đất của chúng ta” được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople viết lời tựa. Cuốn thứ hai “La preghiera” – nghĩa là “Cầu nguyện” được Đức Thượng Phụ Kyril của Mạc Tư Khoa viết lời tựa.

5. Đức Tổng Giám Mục Hilarion nhận định về việc Chính Thống Giáo Hy Lạp nhìn nhận Chính Thống Giáo Ukraine

Trong một diễn biến bất ngờ, Chính Thống Giáo Hy Lạp đã công nhận Giáo Hội Chính Thống tân lập Ukraine. Trước diễn biến này, Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã có dành cho thông tấn xã Tass của Nga một cuộc phỏng vấn.

“Những gì đã xảy ra ở Athens vào hôm thứ bảy làm sâu sắc thêm sự ly giáo này. Thật khó để có thể nói ngay bây giờ chuyện này có thể đi xa tới đâu,” ngài nói và giải thích thêm rằng “Năm 1054, các sứ giả của Đức Giáo Hoàng đến Constantinople để làm rõ mối quan hệ với Đức Thượng Phụ Constantinople, nhưng thái độ của Constantinople đã dẫn đến sự phá vỡ tình hiệp thông Thánh Thể giữa Giáo hội Rôma và Giáo hội Constantinople, lúc đó, không ai có thể lường trước được điều này đã gây sự phân chia kéo dài cả hàng ngàn năm và hậu quả của nó sẽ nghiêm trọng như thế nào.”

Ngài nhấn mạnh rằng “Thông cáo của Chính Thống Giáo Hy Lạp đã được công bố cùng với bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Hieronymousos. Tất nhiên, tất cả điều này phải được phân tích kỹ lưỡng, trước khi chúng ta có thể đưa ra bất kỳ kết luận nào. Một phản ứng cho sự kiện này sẽ xảy ra, và phản ứng này sẽ được Thánh Hội Đồng của Giáo hội chúng ta hình thành. Chúng tôi sẽ gặp nhau trong tương lai gần nhất để xem xét vấn đề này và các vấn đề khác.”

“Tôi nghĩ bây giờ điều quan trọng là cố gắng nhìn về phía trước. Trong số những người chơi cờ, có những người chỉ có thể tính được một bước tiếp theo mà thôi trong khi có những người có thể tính toán nhiều bước. Bây giờ chúng ta phải xác định các bước tiếp theo của mình là gì và những rủi ro có liên quan. Dù sao, chúng ta không nên hành động theo cảm xúc, dưới ảnh hưởng của sự phẫn nộ và hoang mang; chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng và bình tĩnh trong mọi sự và với lời cầu nguyện, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định mà chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm sau đó.”

Trước đây, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm sau đã chấp nhận thống nhất trong Giáo Hội Chính Thống tân lập. Nhóm Chính Thống trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa vẫn còn đang lưỡng lự. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy 74% các tín hữu Chính Thống Ukraine sẽ gia nhập vào Giáo Hội Chính Thống tân lập.

Vào ngày 5 tháng Giêng, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã cấp Tomos, tức là quy chế tự trị cho Giáo Hội Chính Thống tân lập của Ukraine.


Source:The Russian Orthodox
Metropolitan Hilarion: The rupture with Constantinople has not damaged either the Russian or the Ukrainian Church
6. Ham gọi điện thoại miễn phí, trọn băng bắt cóc và giết chết một linh mục sa lưới tại Kenya

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa cho biết một tin rất buồn là cha Michael Maingi Kyengo, là linh mục phó xứ Thatha thuộc giáo phận Machakos, Kenya đã bị bắt cóc vào ngày 8 tháng 10, và thi thể ngài được tìm thấy chôn cất gần bờ sông Mashamba thuộc quận Embu.

Cha Kyengo, 43 tuổi, được nhìn thấy lần cuối vào ngày 8 tháng 10. Vào ngày 11 tháng 10, các thành viên gia đình đã báo cáo vụ mất tích cho cảnh sát.

Một tên trong bọn cướp đã dùng điện thoại di động của cha Kyengo để gọi cho đồng bọn. Lần theo những số điện thoại này, cảnh sát đã bắt được toàn bộ bọn cướp, tịch thu lại xe hơi và thẻ tín dụng của cha Kyengo.

Chúng đã dẫn cảnh sát đến hiện trường nơi thi thể của Kyengo đã được tìm thấy. Những kẻ giết người rõ ràng đã bóp cổ ngài và sau đó cắt cổ họng của vị linh mục.

Thủ đoạn giết một linh mục tàn bạo như vậy khiến cảnh sát nghi ngờ bọn này không phải là một bọn giết người cướp của thông thường nhưng là một bọn khủng bố có liên quan đến nhóm cực đoan al-Shabab liên kết với al-Qaida.

Cha Kyengo đã được thụ phong linh mục năm 2012 và luôn phục vụ tại giáo xứ Thatha.


Source:Fides
Priest kidnapped and killed