Lúc 9h30 tối thứ Ba 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ bẩy ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 30 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến lên bàn thờ, ca đoàn cùng cộng đoàn hát bài “The First Noel - Noel đầu tiên” bằng tiếng Ý là “Nella notte”

Mùa Giáng Sinh đầu tiên, các thiên thần kể lại rằng

Là khi có một nhóm người chăn cừu nghèo trên cánh đồng

Nơi mà họ thường chăn dắt những chú cừu

Vào một đêm mùa đông lạnh giá

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Họ đã nhìn và thấy một ngôi sao

Rực chói cả bầu trời phương Đông xa kia

Và khi đó mặt đất bừng toả sáng

Thế là liên tục như vậy cả ngày và đêm

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Nhờ ánh sáng của ngôi sao ấy

Từ đất nước phương xa có ba người đàn ông đã đến

Vì mục đích tìm kiếm một vì vua

Thế là họ dõi theo ngôi sao ấy

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Ngôi sao kia di chuyển mãi gần đến hướngTây Bắc

đến vùng Bethlehem, nó dừng lại

Dừng và nghỉ hẳn tại nơi

Chính nơi đây, nơi Chúa Giêsu đã ra đời

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Và ba người đàn ông ấy bước đến

Họ cung kính quỳ xuống

Dâng lên vì vua của mình

Nào là vàng bạc, nhũ hương và mộc dược qúy giá

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Nào thì chúng ta cùng hợp tiếng

Ngợi ca Thiên Chúa

Đã làm cho Trời và Đất giao hoà

Với tất cả tình thương nhân loại

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một ca trưởng đang hát bài công bố Tin Mừng Giáng Sinh, thường được gọi là Kalenda

Ngày thứ bảy trong tháng âm lịch. Nhiều thời đại đã qua kể từ khi Chúa tạo thành Trời Đất và hình thành nên con người theo hình ảnh của Người; nhiều thế kỷ đã trôi qua sau trận Đại Hồng Thủy, khi Đấng Chí Thánh đặt một cầu vồng trên trời như một dấu hiệu của giao ước và hòa bình;

Bao năm đã trôi qua sau cuộc di cư của Ápraham, là tổ phụ trong đức tin của chúng ta, từ miền Ur của người Chanđê, và hai mươi mốt thế kỷ sau đó là cuộc di cư của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, dưới sự hướng dẫn của Môise, mười ba thế kỷ sau khi Ða-vít được xức dầu phong vương, một ngàn năm sau đó; trong tuần lễ thứ sáu mươi lăm theo lời tiên tri Ða-ni-ên; vào năm thứ một trăm chín mươi bốn triều Olympiad; sau khi thành Rôma được thành lập năm bảy trăm năm mươi hai, vào năm thứ 40 dưới thời cai trị của Caesar Octavian Augustus, khi toàn thế giới đang sống trong hòa bình: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.

Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” ( Is 9: 1 ). Lời tiên tri được nêu trong Bài đọc thứ nhất đã được hiện thực hóa trong bài Phúc Âm: thực thế, trong khi những người chăn cừu đang trông coi vùng đất của họ vào ban đêm, “vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh” ( Lc 2:9). Trong đêm tăm tối của trái đất, một ánh sáng đã xuất hiện từ trời cao. Ánh sáng này xuất hiện trong tăm tối có nghĩa là gì? Tông đồ Phaolô gợi ý với chúng ta rằng: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ”. Ân sủng của Thiên Chúa, “đem ơn cứu độ đến cho mọi người” ( Tt 2:11), đã bao trùm thế giới tối nay.

Nhưng ân sủng này là gì? Thưa đó là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu làm thay đổi cuộc sống, canh tân lịch sử, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, đem lại hòa bình và niềm vui. Đêm nay tình yêu của Thiên Chúa đã được chỉ ra cho chúng ta: tình yêu ấy là Chúa Giêsu. Nơi Chúa Giêsu, Đấng Tối Cao đã tự làm cho mình nhỏ lại, để được chúng ta yêu mến. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa trở thành một Hài Nhi, để được chúng ta ôm ấp. Nhưng, chúng ta vẫn có thể tự hỏi, tại sao Thánh Phaolô gọi việc Thiên Chúa đến với thế giới của chúng ta là một “ân sủng”? Tại sao thánh nhân nói với chúng ta rằng đó là một ân sủng nhưng không. Trong khi ở đây, trên trái đất này, mọi thứ dường như phải tương ứng với luận lý trao ra để nhận lại, thì Chúa lại đến với chúng ta như một ân sủng nhưng không. Tình yêu của Người không thể đổi chác: chúng ta chưa làm gì để xứng đáng với điều đó và chúng ta sẽ không bao giờ có thể hậu tạ lại cho Ngài.

Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ. Tối nay, chúng ta nhận ra rằng dù chúng ta không đáng với điều đó, Ngài đã tự làm mình trở nên nhỏ bé vì chúng ta; và trong khi chúng ta tiếp tục bận rộn với công việc của mình, Ngài đã đến giữa chúng ta. Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng Chúa tiếp tục yêu mến mọi người, ngay cả những kẻ rốt cùng nhất. Với tôi, với anh chị em, với mỗi người trong chúng ta hôm nay, Chúa nói: “Ta yêu mến con và sẽ luôn luôn yêu mến con, con thật quý giá trong mắt Ta”. Chúa không yêu mến anh chị em vì anh chị em nghĩ đúng và cư xử chừng mực; Ngài đơn giản là yêu mến anh chị em. Tình yêu của Ngài là vô điều kiện, nó không phụ thuộc vào anh chị em. Anh chị em có thể có những quan niệm sai lầm, anh chị em có thể đã kết hợp lẫn lộn những quan niệm của mình trong tất cả các sắc màu, nhưng Chúa không ngừng yêu thương anh chị em. Đã bao lần chúng ta nghĩ rằng Chúa nhân từ nếu chúng ta tốt và Ngài trừng phạt chúng ta nếu chúng ta xấu. Không phải như thế. Dù chúng ta sống trong tội lỗi, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta. Tình yêu của Người không thay đổi, không dao động; Người chung thủy, và kiên nhẫn. Đây là ân sủng chúng ta tìm thấy trong biến cố Giáng Sinh: chúng ta khám phá với sự kinh ngạc rằng Chúa là tất cả những nhưng không/ có thể có, và tất cả sự dịu dàng/ có thể được. Vinh quang của Ngài không làm chúng ta choáng váng, sự hiện diện của Ngài không làm chúng ta sợ hãi. Ngài sinh ra nghèo khó về mọi thứ, để chinh phục chúng ta bằng sự phong phú trong tình yêu của Người.

Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ. Ân sủng đồng nghĩa với vẻ đẹp. Tối nay, trong vẻ đẹp của tình yêu Chúa, chúng ta cũng tái khám phá vẻ đẹp của mình, bởi vì chúng ta là những người thân yêu của Chúa. Dù tốt dù xấu, dù khỏe mạnh hay đau yếu, dù vui hay buồn, trong mắt Chúa, chúng ta đều trông rất đẹp: không phải vì chúng ta làm gì, nhưng vì chúng ta là ai. Trong mỗi người chúng ta, có một vẻ đẹp không thể xóa nhòa, một vẻ đẹp không thể thay thế, đó là cốt lõi của bản thể chúng ta. Hôm nay, Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta về điều đó, khi Ngài từ ái mặc lấy nhân tính của chúng ta và biến nó thành của riêng mình, “kết hôn” với nó mãi mãi.

Thật vậy, “niềm vui trọng đại” được loan báo cho các mục đồng tối nay là niềm vui “của tất cả mọi người”. Trong những người chăn cừu, những người chắc chắn không phải là các vị thánh, chúng ta thấy mình ở đó, với những mỏng dòn và yếu đuối của chúng ta. Khi gọi các mục đồng này, Chúa cũng gọi chúng ta, vì Ngài yêu mến chúng ta. Và, trong những đêm đen của cuộc đời, Ngài nói với chúng ta “Đừng sợ” ( Lc 2,10). Hãy can đảm, đừng mất niềm tin, đừng mất hy vọng, đừng nghĩ rằng yêu thương là mất thời gian! Đêm nay tình yêu đã vượt qua nỗi sợ hãi, một hy vọng mới xuất hiện, ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa đã chinh phục bóng tối kiêu ngạo của con người. Hỡi nhân loại, Thiên Chúa yêu mến ngươi và trở thành con người vì ngươi, ngươi không còn cô đơn!

Anh chị em thân mến, chúng ta phải làm gì khi đối diện với ân sủng này? Một điều thôi: đó là chào đón ân sủng ấy. Trước khi đi tìm Chúa, chúng ta hãy để cho mình được Người tìm kiếm, Người luôn tìm kiếm chúng ta trước. Chúng ta không bắt đầu từ khả năng của mình, nhưng từ ân sủng của Người, bởi vì Người là Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta hãy dán mắt nhìn vào Hài Nhi và để bản thân mình được bao bọc bởi sự dịu dàng của Người. Chúng ta sẽ không còn lý do để từ khước tình yêu của Người: những gì là sai lầm trong cuộc sống, những gì vẫn còn là bất toàn trong Giáo Hội, những gì vẫn còn là vấn đề của thế giới sẽ không còn là một lời biện minh. Nó sẽ lui vào hậu trường, vì khi đối mặt với tình yêu điên rồ của Chúa Giêsu, một tình yêu quá sức hiền lành và gần gũi, không còn có lý do nào để thoái thác. Câu hỏi được đưa ra trong ngày lễ Giáng Sinh này là: “Tôi có để mình được Chúa yêu không? Tôi có phó thác chính mình trong tình yêu cứu độ của Ngài hay không?”

Một hồng ân tuyệt vời như thế xứng đáng với lòng biết ơn. Chấp nhận ân sủng là biết làm sao cảm ơn. Nhưng cuộc sống của chúng ta thường xa cách lòng biết ơn này. Hôm nay là ngày thích hợp để chúng ta đến gần nhà tạm, máng cỏ và nôi Chúa Hài Đồng, để nói lên lời cảm ơn. Chúng ta chào đón ân sủng là Chúa Giêsu, để sau đó trở thành một ân sủng cho người khác như Chúa Giêsu. Trở thành một ân sủng là mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Và đó là cách tốt nhất để thay đổi thế giới: chúng ta thay đổi, Giáo Hội thay đổi, lịch sử thay đổi khi chúng ta bắt đầu biết thay đổi chính chúng ta để biến chúng ta thành một hồng ân, chứ không phải bắt đầu bằng mong muốn thay đổi người khác.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy điều đó tối nay: Ngài không thay đổi lịch sử bằng cách ép buộc ai đó hoặc thúc bách bằng hàng loạt những lời nói, nhưng bằng ân sủng là chính cuộc sống Ngài. Ngài không chờ đợi chúng ta trở nên tốt để yêu mến chúng ta, nhưng Ngài đã trao ban chính Ngài cho chúng ta một cách nhưng không. Chúng ta cũng vậy, đừng chờ đợi người khác trở nên tốt mới cư xử tốt với họ, cũng đừng chờ đợi Giáo Hội hoàn thiện mới yêu mến Giáo Hội, đừng chờ đợi người khác đánh giá cao chúng ta rồi mới phục vụ họ. Hãy bắt đầu. Đây là cách để chào đón ân sủng này. Và sự thánh thiện không gì khác hơn là bảo vệ sự nhưng không này.

Một truyền thuyết đáng yêu kể rằng, khi Chúa Giêsu ra đời, những người chăn cừu đã đổ xô đến hang đá với nhiều món quà khác nhau. Mỗi người mang đến những gì người ấy có, là thành quả của công việc họ, hay là những thứ quý giá đối với họ. Nhưng trong khi mọi người lên đường với những món quà hào phóng của họ, có một người chăn cừu không có gì. Anh ta rất nghèo, anh ấy không có gì để trao tặng Chúa Hài Đồng. Trong khi mọi người tranh nhau tặng quà, anh ta đứng cách xa, lòng đầy hổ thẹn. Một lúc nào đó, Thánh Giuse và Đức Mẹ, đặc biệt là Đức Mẹ, gặp khó khăn trong việc nhận tất cả những món quà này, vì quá nhiều người muốn giúp đỡ Hài Nhi. Sau đó, khi nhìn thấy người chăn cừu với hai bàn tay trắng, Đức Mẹ bảo anh ta đến gần. Và Mẹ đặt Chúa Giêsu vào tay anh. Người chăn cừu đó, khi chào đón Chúa Hài Đồng, nhận ra rằng anh ta đã nhận được những gì mình không xứng đáng, và rằng anh ta đang nhận được một hồng ân lớn nhất trong lịch sử trong tay mình. Anh nhìn đôi tay mình, đôi bàn tay luôn có vẻ là hai bàn tay trắng đối với anh: nhưng giờ đây hai bàn tay ấy đã trở thành chiếc nôi của Chúa. Anh cảm thấy mình được yêu thương và vượt qua được sự xấu hổ, anh bắt đầu chỉ cho người khác thấy Chúa Giêsu, vì anh không thể giữ hồng ân lớn lao ấy cho riêng mình mà thôi.

Anh chị em thân mến,

Nếu bàn tay của anh chị em dường như là hai bàn tay trắng đối với anh chị em, nếu anh chị em thấy trái tim mình nghèo nàn trong tình yêu, thì đêm này là đêm dành cho anh chị em. Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện để tỏa sáng trong cuộc sống của anh chị em. Hãy chấp nhận ân sủng ấy và ánh sáng Giáng Sinh sẽ tỏa sáng trong anh chị em.


Source:Libreria Editrice VaticanaSOLENNITÀ DEL NATALE DEL SIGNORE CAPPELLA PAPALE OMELIA DEL SANTO PADRE FRANCESCO Basilica Vaticana Martedì, 24 dicembre 2019