1. Ý mừng ngày Cộng Hoà với lòng biết ơn Chúa đã cho thoát khỏi đại dịch coronavirus kinh hoàng

Hôm thứ Ba mùng 2 tháng Sáu, Ý đã mừng ngày Cộng Hoà với các thánh lễ và các diễn văn của các nhà lãnh đạo dân sự bày tỏ tâm tình tri ân Chúa Quan Phòng cho đất nước thoát khỏi đại dịch coronavirus kinh hoàng.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là một đoàn máy bay phản lực lượn một vòng trên bầu trời Rôma, thả các khói mầu tạo thành hình lá cờ Ý.

Ngày mùng 2 tháng Sáu hàng năm được gọi là ngày Cộng Hoà để kỷ niệm biến cố chấm dứt chế độ quân chủ tại Ý. Thật vậy, ngày 2 tháng 6 năm 1946, người Ý đã bỏ phiếu bãi bỏ chế độ quân chủ, và nền Cộng hòa Ý ra đời.

Sau một chế độ quân chủ 85 năm, phần lớn được người dân rất yêu thích, một cuộc trưng cầu dân ý nhằm bãi bỏ chế độ quân chủ đã dẫn đến 54% phiếu thuận và 45% phiếu chống.

Sau cuộc trưng cầu dân ý này, tất cả các thành viên nam, đặc biệt là những người thừa kế tương lai của Triều đình Savoy đều bị phế truất và lưu đày.

Triều đại Savoy đã cai trị Ý kể từ khi nước này được thống nhất vào năm 1861, nhưng vị vua cuối cùng của nó, Umberto Đệ Nhị, thường được gọi là Vua tháng Năm, chỉ thực sự cai trị từ ngày 9 tháng 5 đến ngày 12 tháng 6.

Vua Victor Emmanuel Đệ Tam đã liên minh quá chặt chẽ với chế độ phát xít Benito Mussolini. Do đó, khi Đức Quốc Xã và Phát Xít Ý bị đánh bại Victor Emmanuel Đệ Tam đã nhường ngôi cho con trai duy nhất với hy vọng điều này cải thiện được bộ mặt của triều đình nhưng mưu toan này đã thất bại.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, hiến pháp mới nghiêm cấm nước Ý quay lại chế độ quân chủ.


Source:Local ItFive things you should know about Italy’s Republic Day
2. Tòa Thánh mở lại Viện Bảo Tàng Vatican

Nếu bạn đã từng mơ ước được ở trong Nhà nguyện Sistina mà không cảm thấy như bạn đang phải chen vai thích cánh trong một chiếc xe buýt du lịch mui trần, thì bây giờ là cơ hội của bạn.

Bảo tàng Vatican đã mở cửa lại cho công chúng vào hôm thứ Hai sau khi đóng cửa gần ba tháng vì lệnh cô lập do đại dịch coronavirus.

Bảo tàng Vatican, nơi lưu giữ một số kiệt tác vĩ đại nhất thế giới thời Phục hưng cũng như các cổ vật của La Mã và Ai Cập cổ đại, giờ đây chỉ có thể được truy cập bằng cách đặt chỗ trực tuyến để kiểm soát số lượng người tham dự cùng một lúc.

Du khách được kiểm tra nhiệt độ bằng máy quét nhiệt từ xa và phải đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, đó chỉ là một bất tiện nhỏ khi được là một trong số khoảng 25 người được vào Nhà nguyện Sistina, với trần nhà nổi tiếng và bức bích họa Ngày Phán xét cuối cùng được vẽ bởi Michelangelo vào thế kỷ 16.

“Các bảo tàng Vatican thường không thể truy cập được vì có rất đông khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài”, Marisa, một người sống tại Rome cho biết.

“Chúng tôi đã lợi dụng thực tế là không có nhiều khách du lịch vào thời gian này để được vẻ đẹp ở đây và cảm giác của tôi là rất xúc động”, cô nói.

Bảo tàng đã nhận được khoảng 7 triệu du khách vào năm ngoái và là nguồn thu nhập đáng tin cậy nhất của Tòa Thánh, với khoảng 100 triệu đô la hàng năm.

Con số đó có thể sẽ không được nhìn thấy một lần nữa vì ảnh hưởng của đại dịch đối với ngành du lịch và khách sạn.

Trong thời gian đóng cửa, những người yêu thích nghệ thuật có thể ghé thăm Bảo tàng thông qua các chuyến tham quan ảo trực tuyến, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng không có gì giống như thật.

“Tất nhiên một chuyến tham quan kỹ thuật số rất quan trọng, nhưng một chuyến thăm thực sự đến các tác phẩm nghệ thuật thực sự không bao giờ có thể được thay thế bằng một chuyến tham quan ảo”, Barbara Jatta, giám đốc Bảo tàng cho biết.

Cùng với việc mở lại bảo tàng Vatican, đấu trường Côlôsêô cũng được mở lại. Đây là nơi thường diễn ra các buổi đi đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Đấu trường Côlôsêô ở Rôma cũng là địa điểm được thắp sáng với ánh sáng màu đỏ để thu hút sự chú ý đến cuộc bách hại các Kitô hữu trên toàn thế giới.


Source:Reuters
Vatican museums reopen with no crowds
3. Một người phụ nữ đã tự đề cử mình là ứng viên Tổng Giám mục của Lyon.

Ngay cả khi bà ta không sử dụng từ này, nhà thần học Anne Soupa lại một lần nữa đóng một vai trò khiêu khích đối với Giáo Hội.

Anne Soupa, 73 tuổi, là nhà báo và học giả Kinh thánh, một trong những nhà hoạt động nổi tiếng của Pháp chuyên đấu tranh để đòi hỏi các vai trò lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo. Hôm 25 tháng Năm, bà đã gửi một lá thư đến Sứ thần Tòa Thánh ở Paris nói rằng bà muốn lãnh đạo tổng giáo phận Lyon, là một tổng giáo phận đã có từ rất lâu trong lịch sử Giáo Hội.

Bên cạnh lá thư xin việc rất chi tiết, bà còn đính kèm một sơ yếu lý lịch của mình.

Soupa là người đồng sáng lập tổ chức “Hội Nghị Những Người Nói Tiếng Pháp Đã Được Rửa Tội”, gọi tắt là CCBF.

Đơn xin ứng cử của bà đã nhận được hỗ trợ từ nhóm Parole Libérée, là nhóm đã quyết liệt đưa Đức Hồng Y Philippe Barbarin ra tòa về tội “không tố cáo hành vi đối xử tệ bạc với trẻ vị thành niên” của cha Bernard Preynat. Hôm thứ Năm 30 tháng Giêng, Tòa Phúc Thẩm ở Lyon đã tuyên bố ngài vô tội. Tuy nhiên, sau vụ này Đức Hồng Y đã xin Đức Thánh Cha cho ngài từ chức Tổng Giám Mục Lyon vì theo Đức Hồng Y, ngài muốn anh chị em giáo dân “có thể được nên một”.

Tổng giáo phận Lyon là một trong những vị quan trọng nhất ở Pháp và thường do một Hồng Y đứng đầu, đã không có một vị lãnh đạo tinh thần kể từ đầu tháng 3 khi Đức Hồng Y Philippe Barbarin từ chức.

Nói về triển vọng bà được phong chức Tổng Giám Mục, Anne Soupa nói:

“Nó sẽ không xảy ra. Tôi biết điều đó. Nhưng tôi muốn chúng ta có thể tưởng tượng một người phụ nữ trở thành tổng giám mục mà không phải là một trò đùa”.

Không phải phụ nữ nào cũng đồng tình với các trò khiêu khích của bà Anne Soupa.

Cô Marianne Schlosser, một thần học gia người Đức là một thí dụ. Schlosser là một người miền Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, cũng là cố vấn cho Ủy ban Đức tin của Hội Đồng Giám Mục Đức và kể từ tháng Giêng năm 2018, cô là một thành viên của Ủy ban Thần học của Hội Đồng Giám Mục Áo.

Vào ngày 23 tháng 9 năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Schlosser làm thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế. Cô cũng được chỉ định là thành viên của ủy ban nghiên cứu điều tra việc phong chức phó tế cho nữ giới vào năm 2016.

Schlosser cũng là giáo sư thần học tại Đại học Vienna và là người đã nhận được Giải thưởng Ratzinger 2018. Cô đã được mời tham gia tiến trình công nghị tại Đức trong diễn đàn “phụ nữ trong các vai trò và chức vụ trong Giáo Hội”, với tư cách là một chuyên gia.

Tuy nhiên, tháng 9, 2019 cô tuyên bố rút lui. Schlosser cho biết cô không thể đồng ý với Tài Liệu Làm Việc của nhóm chuẩn bị. Cô đã nêu ra một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề “thành kiến cố hữu trong việc phong chức” cho phụ nữ.

Cái người ta gọi là “thành kiến cố hữu” này không phải là vấn đề có thể bàn cãi về mặt thần học, lịch sử, mục vụ hay linh đạo. Cô nói với KNA rằng Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Giáo Hội không có thẩm quyền trong việc phong chức cho phụ nữ.

Cô Schlosser cho biết các cuộc thảo luận về việc phong chức cho phụ nữ đã “được tiến hành từ rất lâu rồi”, tất cả các lý lẽ tranh luận đã được trao đổi và được đưa hết lên bàn thảo luận rồi.

Chức tư tế dành cho phụ nữ là điều không thể được vì điều đó không thuộc về thẩm quyền của Giáo Hội như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố một cách “chung cuộc về vấn đề này” với tất cả hiệu lực ràng buộc trên toàn thể Giáo Hội vào năm 1994 - và nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khẳng định như thế.

Cô Schlosser bày tỏ nỗi sợ hãi rằng những tranh luận vô ích như thế chỉ gây thêm sự phân cực trầm trọng trong Giáo Hội.


Source:La Croix
Woman theologian wants to become Catholic archbishop in France