Nữ Tu hát Đăng lúc: Thứ bảy - 24/05/2014 13:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ sáu - 02/08/2019 21:45
khởi đi từ sự kiện một nữ tu hát để gợi lên đôi nét thể hiện đời dâng hiến cho các chị em khấn sinh năm nay 2014, tập trung vào ba chữ hát “Hạnh phúc, Hồn nhiên và Hòa nhập”: Hạnh phúc với lựa chọn hiến dâng cho Chúa; Hồn nhiên với xã hội mà mình là thành phần và Hòa nhập vào đời sống cũng như sứ vụ của Giáo Hội. Cách riêng với các chị em MTG là những người “chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí”, chị em hãy gắn bó không ngừng với Thánh Giá Chúa Kitô để có thể trao ơn cứu rỗi của Chúa cho những người Giáo Hội, qua Hội Dòng, gửi cho mình giữa lòng xã hội hôm nay. Đó là linh đạo chủ yếu của các chị em.
NỮ TU HÁT

Bài nói chuyện của ĐGM Giuse,  trong buổi gặp gỡ Khấn Sinh MTG Phan Thiết, sáng 24.05.2014.

 
Hơn hai tháng nay (từ 20.03.2014), qua các phương tiện truyền thông, người ta nhắc nhiều đến tên tuổi của một nữ tu: sơ Cristina Scuccia, 25 tuổi, thuộc Hội Dòng Ursuline Thánh Gia, Milano. Đơn giản chỉ vì sơ tham gia chương trình The voice of Italy của đài TV RAI 2 mùa giải năm nay và đã vượt qua được những vòng thi đầy hứng thú. Ở vòng giấu mặt, khi nghe sơ hát bài hit “No One” của Alicia Keys, cả 4 giám khảo (2 nam, 2 nữ) đều nhanh chóng quay mặt lại, tròn xoe đôi mắt kinh ngạc từ chăm chú đến thích thú. Trên YouTube, màn trình diễn của sơ chỉ qua ba ngày đã đạt 13 triệu lượt xem. Tính đến nay, số lượt xem đã hơn 49 triệu.
Alicia Keys, tác giả bài hát đã bày tỏ sự thán phục bằng chữ “beautiful”. Diễn viên nổi tiếng Whoopi Goldberg, vai chính trong phim Sister Act cũng để lời tán thưởng. Đặc biệt, Hồng y Gian Franco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, trên trang Twitter đã khích lệ bằng một câu Kinh Thánh: “Mỗi người hãy dùng ơn Chúa ban để phục vụ người khác (1Pr 4,10)”.

Đó là về nữ tu hát, còn hôm nay nhân dịp gặp gỡ các nữ tu khấn của Hội Dòng MTG/PT, tôi muốn khởi đi từ sự kiện trên để chia sẻ về một cách sống trong đời dâng hiến.

1. Hạnh phúc với lựa chọn đời mình

-Sau khi quay ghế lại để giáp mặt, nữ giám khảo Raffaella Carra kinh ngạc thấy bóng dáng thí sinh trong trang phục của một hội dòng với khăn lúp và thánh giá đầy đủ, cô không tin vào mắt mình, nên hỏi thí sinh xem có phải là nữ tu thực thụ hay chỉ là cách hóa trang ấn tượng để tham gia chương trình. Câu trả lời là: “Phải, tôi thực sự, thực sự là một nữ tu”.
Nghe câu trả lời, bất giác tôi liên tưởng tới lời xác quyết tương tự của thánh Maximilien Kolbe trong trại tập trung vào chính thời khắc định đoạt mạng sống: người lính Đức quốc xã hỏi thánh nhân, lúc ngài giơ tay tình nguyện chết thay cho người cha trẻ của một gia đình. Hỏi: “Ông là ai?” Đáp: “Tôi là linh mục Công giáo!”
-“Tôi là” trong cả 2 câu trả lời đều công khai nói lên bản chất đích thực của con người mình, không mắc cở giấu diếm, không hoa lá điểm trang, cũng chẳng khiêm tốn nửa mùa. Có thế nào xưng ra thế ấy. Trung thực đến từng chi tiết. Nếu trong trường hợp thánh Maximilien Kolbe, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đánh giá như một lời tuyên xưng đức tin, thì trong trường hợp nữ tu Cristina phải coi như một lời tự giới thiệu về mình trong niềm hạnh phúc. Ở đâu “chiếc áo không làm nên thầy tu”, chứ ở đây trong bối cảnh cuộc thi The voice of Italy, chiếc áo dòng kia dẫu mang màu tối sắc đen, đã toát lên nét trong sáng của tâm hồn và ánh lên nét chân thực của đời hiến dâng.
-“Tôi thực sự là một nữ tu”. Đó là nét đẹp hạnh phúc của đời dâng hiến. Tối Chúa Nhật (25.05), ở Phan Thiết sẽ diễn ra đêm chung kết Hoa Hậu Đại Dương, với sự góp mặt của các chân dài đến từ nhiều miền đất nước. Không biết kết quả sẽ ra sao, nhưng chắc chắn một điều, tham dự viên đều là những người được cho là đẹp khi đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định kiểu “nhất tóc nhì da thứ ba là dáng” chẳng hạn; còn khấn sinh MTG/PT chúng ta trong những ngày chuẩn bị cho lễ khấn, cũng là chung kết một giai đoạn trong quá trình tu luyện, để hóa thân thành nữ tu với áo dòng khăn lúp phù hợp. Mong chị em làm gì thì làm theo phân nhiệm phân công, đừng bao giờ hổ thẹn với chính mình, nhưng hãy hạnh phúc với lý tưởng đã lựa chọn hiến dâng. Hãy để người khác nghe được qua cách sống của mình một lời âm thầm giới thiệu “tôi thực sự là một nữ tu”.

2. Hồn nhiên với xã hội

-Điều chiếm được cảm tình đầu tiên của sơ Cristina khi xuất hiện trước khán giả trường quay là nét mặt tươi tắn, điệu bộ tự nhiên, không gò bó theo kịch bản mà dường như cứ tuôn chảy theo nhịp điệu dòng ca. “Hồn nhiên quá đi thôi!” Một linh mục cùng theo dõi chương trình bên cạnh tôi đã buột miệng thốt lên như thế. Mà hồn nhiên thật. Từ ánh nhìn đến giọng hát, từ tầm cữ tay vung cho đến bước nhún đôi chân, nhất là giọng hát không khác gì chuyên nghiệp. Thảo nào những người hiện diện nơi trường quay rất tự nhiên chuyển từ vị thế khán giả sang fan ủng hộ lúc nào không hay, với điệp khúc cổ võ cho sơ không ngớt: “Sorella! Sorella! Sorella!”.
Lâu lâu ống kính lại quét vào góc khán đài, ở đó có ba sơ lớn tuổi cùng Hội Dòng Ursuline và ông bà cố của sơ Cristina tham gia vỗ tay nồng nhiệt, thậm chí cũng nhảy lên reo mừng chẳng khác gì người trẻ. Hào hứng không cưỡng lại được. Cứ nhìn vào hiệu ứng nhất quán từ giám khảo đến khán giả do bài hát đem lại, cộng thêm những nhận xét của các thành viên ghế nóng sau đó, người ta thấy kết quả tích cực cho nữ tu này là điều không thể đảo ngược.
-Tham gia sinh hoạt văn hóa là điều bình thường của các nữ tu trong xã hội. Nhiều sơ đàn giỏi hát hay vũ đẹp, nhiều sơ được gửi đi học nâng cấp chuyên sâu về các lãnh vực. Rất đáng khích lệ. Để nối dài cánh tay phục vụ khi tham gia đời sống mục vụ tại Giáo Hội địa phương. Chả phải nói đâu xa, hai tuần trước (13/05) các nữ tu “nhí, nhỡ, nhớn” đủ cả của Hội Dòng MTG/PT đã có giờ dâng hoa tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao với cả tâm tình sốt sắng. Tuyệt vời! Đó là việc đạo. Nhưng góp mặt tại một chương trình đời thuần túy như dự thi The voice of Italy của sơ Cristina thì quả là họa hiếm. Giả như có nữ tu nào trong chúng ta tham gia tiếng hát Idol của đài truyền hình TP.HCM chắc người ta sẽ thấy lạ lắm, ấy là không muốn nói đến hiệu ứng bên lề nữa. Hồi tôi tham gia hát trong hội chợ văn hóa tại khuôn viên Nhà thờ Phủ Cam Huế, chị em biết không? Giáo dân thì cổ võ còn mấy sơ ở dưới lại chép miệng “Đức Cha mà cũng hát với hỏng”.
Điều muốn ghi nhận ở đây là sự hồn nhiên khi xuất hiện với xã hội. Như phần đóng góp và cũng như phần sẻ chia. Giống sơ Cristina giải thích khi góp mặt trong chương trình: “Tôi có một món quà để trao tặng. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng”. Thế thôi.

3. Hòa nhập với Giáo Hội

-Tất nhiên, dòng tu nào, thuộc thẩm quyền giáo hoàng hay giám mục giáo phận, mà chả hòa nhập với Giáo Hội, từ Giáo Hội hoàn vũ đến Giáo Hội địa phương, vì một lẽ đơn giản: mình là con cái thì phải hòa nhập với đời sống cha mẹ trong nhà. Nhưng điều tưởng chừng đơn giản ấy lại là cả một “triết lý” đời tu. Nếu trong thần học người ta có châm ngôn “sentire cum Ecclesia” (cảm nghĩ cùng Giáo Hội) để định hướng cho những suy tư dù bay bổng cao siêu đến đâu cũng không quên căn tính thuộc về Giáo Hội và mục đích phục vụ Giáo Hội, thì đời thánh hiến coi mối tương quan với Giáo Hội như là một trong những chiều kích cốt yếu, để tô đậm ý nghĩa hiến dâng và cũng để gia tăng nét ngời dấu chỉ. Không có đời thánh hiến đúng nghĩa khi ở bên ngoài hoặc bên lề Giáo Hội. Do đó, sống hòa nhập với Giáo Hội là cần thiết như cá với nước vậy. Không biết khi đòi truyền chức linh mục cho nữ giới, một vài nữ tu ở Mỹ có nghĩ về mối tương quan hòa nhập với Giáo Hội không; nếu có, chắc chẳng dám làm điều ngược ngạo này, phải không?
-Giải thích về việc tham gia cuộc thi, sơ Cristina cho biết: “Vì ĐGH Phanxicô kêu gọi hãy mang tiếng nói của Chúa đến với mọi người”. Chính với câu nói đơn giản này, người ta thấy xuất hiện tiếng nói của Chúa và bóng dáng của ĐGH một trật. Báo chí dựa vào đây để khẳng định tiếng hát của sơ là cách đem Chúa đến với mọi người, nhất là các bạn trẻ vốn gần gũi với ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời cũng cho thấy dẫu là môi trường đời hay ngay cả những bài hát đời, nếu trình bày với hết tâm hồn, cũng có thể quy hướng người ta về nguồn chân thiện mỹ là chính Thiên Chúa. Còn chúng ta ở đây lại muốn nói đến sự gắn bó với Giáo Hội qua việc nêu danh ĐGH Phanxicô và lời kêu gọi của ngài cho công cuộc truyền giáo mới vốn cần đến nhiệt tình mới, phương pháp mới và ngôn ngữ mới. Hát chính là một trong những ngôn ngữ hiệu quả rất nên được khai thác và sử dụng khi thi hành sứ vụ truyền giáo. Kinh nghiệm, các chị em cũng biết đó: người ta thuộc lời bài hát hơn là nhớ lời bài giảng!
-Được hỏi có ngại gì không nếu Tòa Thánh biết việc nữ tu tham dự cuộc thi, sơ Cristina nói: “Hy vọng ĐGH Phanxicô sẽ điện thoại cho tôi bây giờ!” Hát do gợi ý của vị cha chung và hát xong lại mong được tiếp nguồn vào sứ vụ chung của Giáo Hội. Đó là một sự hòa nhập có chung có thủy. Ước mong các nữ tu cũng canh cánh bên lòng mối hòa nhập giàu sức sống này, để dù làm những việc nhỏ bé và âm thầm chẳng ai biết đến, cũng có cả Giáo Hội bao la đồng hành đồng cảm và đồng lòng. Thành công thì góp lại, còn thất bại thì sẻ chia: lúc nào cũng bình an.

Tóm lại, khởi đi từ sự kiện một nữ tu hát để gợi lên đôi nét thể hiện đời dâng hiến cho các chị em khấn sinh năm nay 2014, tập trung vào ba chữ hát “Hạnh phúc, Hồn nhiên và Hòa nhập”: Hạnh phúc với lựa chọn hiến dâng cho Chúa; Hồn nhiên với xã hội mà mình là thành phần và Hòa nhập vào đời sống cũng như sứ vụ của Giáo Hội. Cách riêng với các chị em MTG là những người “chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí”, chị em hãy gắn bó không ngừng với Thánh Giá Chúa Kitô để có thể trao ơn cứu rỗi của Chúa cho những người Giáo Hội, qua Hội Dòng, gửi cho mình giữa lòng xã hội hôm nay. Đó là linh đạo chủ yếu của các chị em. Nói đến Thánh Giá, tự dưng ta có thêm một chữ hát nữa là chữ “Hy sinh”. Cũng dễ hiểu thôi. Vì yêu mến được chứng thực bởi hy sinh. Yêu mến mà không hy sinh chỉ là hoang tưởng; còn hy sinh mà không yêu mến lại là hoang đường, bởi lẽ thiếu vắng động lực, thiếu vắng lý tưởng để sẵn sàng gánh chịu mọi khó khăn mà đi tới.

Trong huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” ngày 19.05.2002, Bộ Đời sống thánh hiến và Hiệp hội tông đồ đã kêu gọi những người thánh hiến hãy say mê Đức Kitô và sẵn sàng dấn bước truyền giáo, cách riêng các nữ tu MTG gặp thấy mình trong đó vì huấn thị minh nhiên nhắc đến “Chúa Kitô chịu đóng đinh” ngay từ câu khởi đầu: “Khi chiêm ngưỡng khuôn mặt vinh quang của Đức Kitô chịu đóng đinh và làm chứng cho tình yêu của Người trong thế giới, những người thánh hiến hân hoan đón nhận lời mời gọi cấp thiết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba “Chèo ra chỗ nước sâu thả lưới! / Duc in altum!” (Lc 5,4)”.

Cầu nguyện cho các chị em một mùa khấn nhiều niềm vui. Cầu chúc các chị em không chỉ là nữ tu của giọng hát, mà còn là nữ tu của ba chữ H “hòa nhập, hồn nhiên và hạnh phúc”!
 
GM GIUSE VŨ DUY THỐNG

Nguồn tin: gpphanthiet.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây