Tâm Sự Hạt Giống Đăng lúc: Chủ nhật - 27/07/2014 03:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ sáu - 02/08/2019 21:45
Lắng nghe tâm sự hạt giống để rồi lắng nghe tâm sự đời người. Trong căn tính, mỗi người là một thửa đất cần cải tạo vượt liếp khai mương. Trong hiệp thông, mỗi người cũng là một hạt giống phải gieo trồng dẫu thuận lợi hay không thuận lợi. Trong sứ vụ, mỗi người còn là người gieo hạt sẽ biết luôn quảng đại lên đường gieo vãi.

TÂM SỰ HẠT GIỐNG
Mt 13,1-23

 

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống
 

Đầu tuần vừa qua, đài HTV có chiếu đi thiên phóng sự tư liệu về trái sầu riêng ở miệt vườn Tiền Giang. Ngồi trước màn ảnh nhỏ, nhìn những vỡ đất và những con mương với bao công khó của những người chủ cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh; nhìn những cây sầu riêng con được chăm chút vun bồi thuần dưỡng từ thuở mới được chiết lìa cành cho tới lúc xếp hàng vươn cao trong vườn; rồi nhìn cây trĩu trái thấy mà mê sau những năm dài chờ đợi, và ẩn hiện phía sau là mái ngói cột ăng-ten tivi dấu hiệu một cuộc sống sung túc, nhất là lúc đó vẳng bên tai lời bình cũng là lời tâm sự của chính trái sầu riêng: “Sầu riêng ai khéo đặt tên, Ai sầu không biết riêng em không sầu”, bỗng dưng tôi nghĩ đến trang Tin Mừng hôm nay.
Cũng là người gieo hạt giống và đất đai mùa màng nhưng tôi nghĩ đến hạt giống, bởi cũng như cây sầu riêng, hạt giống Tin Mừng cũng có những tâm sự riêng, dẫu người ta có bảo “im như thóc giống”, tôi cũng nghe thấy những hạt giống nói lên tâm sự của mình.

1. Hạt giống nói lên tấm lòng quảng đại của kẻ gieo trồng

Đọc xong bài Phúc Âm, tôi thấy xuất hiện hình ảnh của một Người Gieo Hạt chẳng giống ai. Ông ta xem ra khá vụng về nếu không muốn nói là thiếu kinh nghiệm. Thay vì chọn đất để mà gieo như những nông dân Việt Nam, ông lại chẳng quan tâm gì mấy, người ta “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, còn ông chỉ có mỗi việc gieo hạt rồi khoang tay đợi chờ. Lạ đời! Đã thế, ông ta xem ra còn khá bừa bãi nếu không muốn bảo là phung phí. Người ta thóc giống quý như vàng, đói ăn giáp hạt thì phải đong lúa non mà ăn, có ai dám động đến thóc giống đâu, thế mà ông vung vãi chẳng tiếc xót gì, chẳng cần nỗi gì. Vô tư!

Nhưng chính lúc ấy, hạt giống lên tiếng nói: không phải thế đâu. Chẳng phải vì thiếu kinh nghiệm hay tại phung phí mà Người Gieo Hạt đã hành xử như vậy, mà chỉ vì tấm lòng quảng đại của ông. Người ta thì căn cơ chắt bóp đến độ phân biệt đối xử với nhau kẻ này đất tốt, người kia đất xấu; kẻ này “đất lành chim đậu”, người kia “đất phèn nổi váng”. Nhưng Thiên Chúa thì quảng đại nhìn mọi người với chính phẩm giá của họ trong niềm hy vọng của Ngài. Thế nên đất nào cũng nhận được hạt giống đồng đều. Ai cũng có cơ may nhận được ân sủng cứu độ Tin Mừng nếu như họ thành tâm thiện chí.
Lòng quảng đại không phân biệt đối xử, không ưu tiên ai mà cũng chẳng loại trừ ai, không thất vọng về hiện tại của người khác mà biết kiên tâm đợi chờ hy vọng vào tương lai sẽ khác đi của họ. Hôm nay có thể trời ảm đạm, nhưng ngày mại trời lại sáng.

2. Hạt giống nói lên sự sống tiềm ẩn nơi chính nó

Không biết hạt giống có buồn không, nhưng tôi thì cứ thấy tội nghiệp. Người ta bảo “phận con gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu”, trong đời ai chẳng muốn gặp bến trong để khỏi hờn duyên má hồng, vì thế mới phải xin xâm giải rủi cầu may. Nhưng xem ra ở đây phận giống nào có hơn gì. Gặp đất tốt sẽ được nhờ mọc lên xanh um xum xuê hoa trái đúng mùa, còn chẳng may gặp đất xấu cũng đành phải chịu héo úa èo uột hoặc cằn cỗi thui chột một đời. Tội nghiệp!

Nhưng chính lúc ấy hạt giống lên tiếng nói: “Sao lại lo chuyện bò trắng răng?” Sao lại lo lắng vu vơ, không biết rằng hạt giống là ánh sáng, là Tin Mừng Phúc Âm, là thiện hảo tốt lành, là giá trị Nước Trời tự nó có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt hay sao? Trong hạt giống có mầm sống cứ gặp điều kiện thuận lợi là mọc lên. Trong mầm sống có sự sống tiếp nguồn từ sự sống của Thiên Chúa, cứ đón nhận là xanh um cổ thụ.
Hạt giống là hồng ân của Thiên Chúa, mà mọi sự nơi Thiên Chúa thì vô cùng, nên hạt giống hồng ân của Ngài cũng vô cùng phong phú vô cùng bao la vô cùng mạnh mẽ. “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngời ca ơn Ngài”. Hạt giống là tình thương cứu độ sẵn sàng gửi trao đến bất cứ ai một cách khách quan, nhưng đến được với ai và đến như thế nào lại hoàn toàn tùy thuộc vào cách chủ quan của mỗi mãnh đất tâm hồn. Không phải vì chim đến đậu mà đất trở nên lành, mà vì đất trở thành vườn chim đẹp cảnh đẹp tình, đẹp cả về phương diện du lịch và kinh tế.
Điều quan trọng là hãy cho hạt giống một cơ hội để mọc lên.

3. Hạt giống nói lên niềm hy vọng một mùa gặt tương lai phong phú

Nếu Thiên Chúa vô cùng quảng đại và ân sủng của Ngài là một sức sống phong nhiêu thì đất đai có là gì, có ý nghĩa chi? Thiên Chúa làm gì mà chả được! Tôi toan nghĩ thế nhưng đoạn kết dụ ngôn cho thấy: đất nào cho năng suất nấy. Làm sao trên lề đường khô cằn sỏi đá có thể cho một mùa gặt bội thu? Làm sao trong bụi gai chằng chịt đến như cỏ rác còn không mọc nổi huống chi là lúa gạo? Và nếu dễ dàng mà có lúa ăn ai dại gì mà vất vả một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời? Và dân gian cũng đâu có kiểu nói “thóc cao gạo kém”?
Chính lúc ấy trên cao nghe như có tiếng nói: Dẫu Thiên Chúa quảng đại, dẫu hạt giống sống động đâu nhờ vào đất, nhưng sở dĩ đất tốt có năng suất tốt bởi vì Thiên Chúa rất trân trọng sự đóng góp của con người. Thực ra thì Thiên Chúa làm được mọi sự từ hư không dễ như bỡn. Thuở tạo dựng Ngài bảo vạn vật có là tức khắc có; lúc đến rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ từ tay không cũng dễ như đùa. Nhưng Thiên Chúa xem ra cần con người để con người hiểu rằng họ phải cần đến Chúa. Đó là chút đóng góp làm thành ý nghĩa đời sống, nên không thể “vô tư”. Đó là đóng góp trong tự do, nên trách nhiệm là điều không thể lẩn tránh.

Ai có tai thì nghe”, Chúa Giêsu đẩy mọi người về với trách nhiệm đổi đời. Nếu hôm nay tôi đang là thửa đất tốt cho năng xuất tốt gọi là “ăn nên làm ra” hay chí ít có thể “lấy thu bù chi” hoặc “của ruộng đắp bờ” thì hãy dâng cao niềm tạ ơn bằng cách gìn giữ đất luôn ủ mầu và phấn đấu để có được năng suất cao hơn như lòng Chúa mong ước.

Còn nếu so sánh cân đối thu chi tôi bỗng thấy mình đang là một thứ đất đem lại ít năng suất thì đừng thất vọng, nhưng hãy nỗ lực mà vươn lên. Không thánh nhân nào mà không có dĩ vãng và cũng chẳng tội nhân nào mà không có tương lai. Điều quan trọng là từng ngày chăm chỉ cải tạo vườn tạp đời mình và từng bước cày vỡ vun chăm nâng lên đất chuyên canh cho hạt giống đức tin. Nếu Người Gieo Hạt đã đặt hy vọng vào từng miếng đất kể mức độ tốt xấu, thì bổn phận của đất là không được phụ lại lòng hy vọng ấy. “Ba mươi, sáu mươi, một trăm” là cách đếm của Người Gieo Hạt lúc gặt hái, còn ruộng đất chỉ có một cách đếm duy nhất là đếm những giọt mồ hôi thiện chí đóng góp của mình.

Tóm lại, lắng nghe tâm sự hạt giống để rồi lắng nghe tâm sự đời người. Trong căn tính, mỗi người là một thửa đất cần cải tạo vượt liếp khai mương. Trong hiệp thông, mỗi người cũng là một hạt giống phải gieo trồng dẫu thuận lợi hay không thuận lợi. Trong sứ vụ, mỗi người còn là người gieo hạt sẽ biết luôn quảng đại lên đường gieo vãi.

Và được như thế thì tâm sự hạt giống chính là lời gieo hy vọng: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay” giống như điệp khúc trong “Bài ca cây lúa” của Hồng Vân.

Trích từ: Nút Vòng Xoay

Nguồn tin: gpphanthiet.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây