Hội chứng hậu COVID-19: một thách đố mới cho Y học hiện đại

Thứ ba - 12/10/2021 17:04

Hội chứng hậu COVID-19: một thách đố mới cho Y học hiện đại

12/10/2021
  •  
  •  


HỘI CHỨNG HẬU COVID-19:
MỘT THÁCH ĐỐ MỚI CHO Y HỌC HIỆN ĐẠI

BS Trần Như Ý Lan, CND
Ngày 11/10/2021
 
 
Mục lục
I. KHÁI NIỆM “HỘI CHỨNG HẬU COVID”
II. ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ HỘI CHỨNG HẬU COVID
III. NGUYÊN NHÂN HỘI CHỨNG HẬU COVID
IV. CÁC BIỂU HIỆN CỦA HỘI CHỨNG HẬU COVID VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ
        1. Mệt mỏi
        2. Di chứng hô hấp
        3. Di chứng tim mạch
        4. Di chứng tâm thần kinh đa dạng
        5. Các triệu chứng ít gặp hơn: Di chứng trên da, lông, tóc
        6. Suy thận cấp
        7. Di chứng nội tiết
        8. Di chứng tiêu hóa - gan mật
        9. Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C)
V. BỆNH NHÂN HẬU COVID-19 NÊN LÀM GÌ ĐỂ GIỮ GÌN SỨC KHỎE?
        1. Chọn thực phẩm lành mạnh
        2. Bảo vệ sức khỏe đường ruột
        3. Ngủ ngon
        4. Hãy vận động, Tập thở
        5. Tư duy lạc quan tích cực, tránh căng thẳng, lo lắng
        6. Đẩy nhanh hồi phục bằng bổ sung vitamin
        7. Giữ gìn sức khỏe tinh thần, tâm linh
        8. Giữ vững niềm hy vọng
TẠM KẾT
 

I. KHÁI NIỆM “HỘI CHỨNG HẬU COVID”

Tính đến ngày 11/10/2021, toàn cầu ghi nhận trên 238 triệu ca bệnh COVID-19 và hơn 4,8 triệu ca tử vong, số người khỏi bệnh trên 215 triệu.[1] The Lancet, tạp chí y học uy tín của Anh, ngày 26/8/2021 công bố kết quả của một nghiên cứu với sự tham gia của 1.276 bệnh nhân COVID-19 được khỏi bệnh, khoảng 50% trong số họ vẫn gặp các triệu chứng tương tự lúc nhiễm bệnh như mệt mỏi hoặc yếu cơ, thở nhanh, cảm giác nặng ngực khó thở,  rụng tóc, căng thẳng âu lo, hồi hộp, trầm cảm, mất ngủ … Giới khoa học gọi đây là tình trạng “Long COVID”, “COVID kéo dài”, “hội chứng hậu COVID”. Nhiều nghiên cứu uy tín ở Hoa Kỳ và trên thế giới cũng công bố di chứng y khoa lâu dài của bệnh COVID-19.[2] Tại Việt Nam, thời gian gần đây các bác sĩ cũng nhận thấy có tình trạng này, tuy nước ta chưa có thống kê nghiên cứu chính xác.
Trước hết, có lẽ hữu ích cho người đọc không chuyên ngành y khoa, phân biệt sự khác nhau giữa “hội chứng” (syndrome) và bệnh (disease) vì có thể có sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này. Một bệnh thường có nguyên nhân xác định, có các triệu chứng (symptom) đặc trưng (dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng) và cách thức điều trị rõ ràng. Hội chứng là một nhóm các triệu chứng thường đi với nhau mà không có một nguyên nhân xác định.[3]

II. ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ HỘI CHỨNG HẬU COVID

Hội chứng (HC) hậu COVID có thể xảy ra ở bất kỳ người bệnh COVID-19 đã khỏi bệnh, từ những người bệnh thể nhẹ đến những người bệnh nặng nhất. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm cho bệnh COVID-19 cấp diễn tiến nặng như: tuổi già, nam giới, béo phì, bệnh nền. Tuy nhiên, HC hậu COVID được Văn phòng thống kê quốc gia của Anh (ONS) báo cáo là gặp nhiều hơn ở nữ so với nam, và thường gặp nhất ở lứa tuổi 35 - 49. Theo các nghiên cứu, các tỉ lệ mắc HC hậu COVID rất khác nhau, dao động từ 20 - 80%, do sự khác biệt về đặc trưng dân số, hệ thống báo cáo số liệu và khả năng chăm sóc y tế ở mỗi quốc gia.[4]

III. NGUYÊN NHÂN HỘI CHỨNG HẬU COVID

Những hiểu biết về HC hậu COVID hiện vẫn còn ít ỏi và đang được tiếp tục nghiên cứu vì bệnh COVID-19 còn mới. Tạm thời, các chuyên gia cho rằng có ba cơ chế chính gây ra HC này.
Thứ nhất là sự xâm nhập trực tiếp của virus vào tế bào cơ thể người thông qua thụ thể của men chuyển hóa angiotensin 2 (ACE2), gây ra rất nhiều tổn thương cấu trúc và rối loạn chức năng của tế bào mang thụ thể ACE2 ở chuỗi các hệ thống cơ quan như hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh, cơ xương khớp, da lông.
Thứ hai là phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể trong quá trình chống lại sự xâm nhập và phát triển của virus, biểu hiện bằng HC nổi tiếng “cơn bão cytokines” - gây bệnh cảnh nặng, tổn hại đa tạng trong đợt bệnh cấp. 
Các chuyên gia cho rằng nồng độ cao cytokines tiền viêm độc hại này vẫn tồn tại lâu dài sau đợt cấp, cũng như sự hình thành các tự kháng thể có hại chống lại chính các thành phần tế bào của cơ thể người, hậu quả là sau khi cơ thể đã sạch virus (xét nghiệm RT-PCR âm tính) thì sự rối loạn chức năng tế bào vẫn tiếp diễn và gây hàng loạt triệu chứng trên nhiều cơ quan.
Thứ ba là các yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực từ đại dịch như: nhiễm bệnh, nghèo đói, thất nghiệp, cách ly, mất người thân, thay đổi thói quen ăn uống và hoạt động thể chất, sang chấn thể xác tinh thần, nhất là các bệnh nhân sống sót sau cơn nguy kịch, từng được điều trị tại khu chăm sóc tích cực (ICU).[5] 

IV. CÁC BIỂU HIỆN CỦA HỘI CHỨNG HẬU COVID VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ

Tương tự cơn cấp của COVID-19, HC hậu COVID-19 biểu hiện bằng nhiều triệu chứng với các mức độ khác nhau, tại nhiều hệ thống cơ quan như hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, cơ xương, da lông, kể cả các bất thường về xét nghiệm, các thăm dò chức năng và hình ảnh học. Sau khi khỏi bệnh COVID-19, các triệu chứng vẫn kéo dài đến 6 tháng và có thể còn lâu hơn, thậm chí là các di chứng vĩnh viễn như xơ phổi, đột quỵ tắc mạch... HC hậu COVID ảnh hưởng đến khả năng trở về cuộc sống bình thường và năng lực làm việc, từ đó tác động tới xã hội và làm tăng gánh nặng chăm sóc sức khỏe.
Theo Sandra Lopez-Leon và cộng sự từ 21 phân tích gộp trên gần 48.000 bệnh nhân (17- 87 tuổi) hậu COVID-19 ghi nhận có đến 55 triệu chứng tồn tại.[6] Còn theo Janet Diaz, trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp WHO, người đứng đầu công tác xử lý COVID-19 kéo dài, ghi nhận hơn 200 triệu chứng khác nhau.[7] Sau đây là một số triệu chứng.

1. Mệt mỏi

Đây là triệu chứng thường gặp nhất, bất kể mức độ nặng nhẹ của giai đoạn cấp tính. Tỉ lệ bệnh nhân bị mệt mỏi mạn tính rất khác nhau ở các báo cáo, từ 50-90%.
Hướng xử trí hiện nay là tập vật lý trị liệu bắt đầu bằng các vận động đơn giản nhất, cường độ tăng dần theo thời gian dưới sự hướng dẫn của chuyên viên, tùy khả năng từng người, tránh các hoạt động quá sức.


Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân hậu COVID theo hệ cơ quan[8]

2. Di chứng hô hấp

Thường gặp là ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi gắng sức. Tỉ lệ bị di chứng phổi khoảng 20-40%. Các bất thường chức năng và hình ảnh học lâu dài thường gặp nhất ở các bệnh nhân bị viêm phổi nặng do COVID-19, đặc biệt những người cần thở oxy lưu lượng cao và thở máy. 
Tổn thương xơ hóa phổi thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi, thời gian nằm viện dài, có bệnh phổi mạn tính, có liên quan đến nồng độ cytokines cao trong máu. Tình trạng xơ hóa này tạo điều kiện cho vi khuẩn thường trú trong phổi, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi sau khi khỏi COVID-19, góp thêm một nguyên nhân gây khó thở. 
Xử trí: để tầm soát và đánh giá khó thở, theo dõi độ bão hòa oxy máu ngoại vi (SpO2) tại nhà, kiểm tra khả năng vận động - phù hợp với từng bệnh nhân. Cần tập thở, duy trì tư thế tối ưu để giảm khó thở tư thế. 
Đối với các bệnh nhân khó thở kéo dài trên 12 tuần sau COVID-19 thì cần loại trừ các tổn thương thực thể ở phổi bằng siêu âm phổi, chụp X quang ngực thẳng, có thể cần chụp CT lồng ngực và các thăm dò chức năng hô hấp. 
Các bệnh nhân có bằng chứng xơ phổi hậu COVID-19 được khuyên điều trị như bệnh xơ phổi vô căn theo hướng dẫn của NICE. Những bệnh nhân bị đợt bùng phát của giãn phế quản hậu COVID, có thể dùng kháng sinh, kết hợp với các thủ thuật dẫn lưu đường thở để tống đàm ra ngoài. Một số nghiên cứu ở Anh và Trung Quốc cho thấy dùng corticosteroids ở các bệnh nhân di chứng phổi hậu COVID có thể giúp cải thiện triệu chứng.

3. Di chứng tim mạch

Bloomberg đưa tin ngày 7/10/2021, nghiên cứu mới từ dữ liệu của hệ thống chăm sóc y tế tích hợp lớn nhất ở Hoa Kỳ cho thấy COVID-19 gây ảnh hưởng lâu dài về tim mạch ở cả các bệnh nhân nhẹ. Các nghiên cứu khác cho thấy bất thường liên quan đến tim vẫn tiếp tục ở thời điểm 2 tháng và 6 tháng sau khi bị COVID-19 với tỉ lệ lần lượt khoảng 20-60% và 5-9%. Người trẻ, vận động viên các môn thể thao đối kháng ít có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch hậu COVID hơn nhóm bệnh nhân khác .
Các triệu chứng như hồi hộp, mạch nhanh khi nghỉ ngơi, hội chứng nhịp nhanh tư thế đứng có thể do rối loạn hệ thần kinh tự trị. Các biểu hiện đau ngực, tăng men tim kéo dài - thường được cho là do viêm cơ tim tiếp diễn từ đợt cấp. Khả năng bị suy tim và vấn đề cục máu đông gây nguy cơ chết người ngày càng tăng ở những người hậu COVID-19.
Nhà nghiên cứu Hoa Kỳ- Ziyad Al-Aly - giám đốc trung tâm dịch tễ học lâm sàng tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe St. Louis ở Missouri, nhận định hậu quả tim mạch lâu dài của COVID-19 rất lớn, các chính phủ và hệ thống y tế phải chú ý tới thực tế này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng tim mạch lớn khác ở người hậu COVID-19 trong 12 tháng đầu tiên của quá trình hồi phục tăng lên cùng với mức độ nghiêm trọng của bệnh ban đầu.[9]
Xử trí: Các bệnh nhân hậu COVID có biểu hiện tim mạch kéo dài trên 4 tuần cần được khám lâm sàng tim mạch cùng với các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp. Viêm cơ tim hậu COVID có thể tự khỏi sau đó, tuy nhiên, việc dùng các biện pháp hỗ trợ miễn dịch sẽ giúp bệnh nhân nhanh hồi phục hơn.

4. Di chứng tâm thần kinh đa dạng

Đau đầu, đau nửa đầu, được ghi nhận lên đến 40-60% số bệnh nhân. Ngoài ra có thể mất mùi- vị kéo dài, lên đến 6 tháng hoặc lâu hơn. Một số trường hợp bệnh lý thuyên tắc não - đột quỵ do tăng đông trong COVID-19, suy giảm nhận thức và tư duy: giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ, tư duy chậm, kém nhạy bén, rối loạn về tiếp nhận ngôn ngữ (nghe, đọc được mà không hiểu), rối loạn hành vi (giảm khả năng kiểm soát và điều chỉnh hành vi), hay thậm chí là Alzeimer. 
Rối loạn tâm lý: Nhiều nhất là rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu và trầm cảm. Người già, người sống trong viện dưỡng lão, người sa sút trí tuệ dễ mắc các triệu chứng tâm lý hậu COVID.
Xử trí:  bệnh nhân cần được tiếp cận cách bài bản, từ sàng lọc, đánh giá chẩn đoán đến quản lý lâu dài giống như những bệnh nhân không mắc COVID-19. 

5. Các triệu chứng ít gặp hơn: Di chứng trên da, lông, tóc

Thường gặp là rụng tóc, lên đến 20-30% trường hợp hậu COVID. Nguyên nhân là do tổn thương nang tóc làm mất khả năng mọc tóc mới.  Có 5 loại sang thương da chính như sau: 


Một số sang thương da trên bệnh nhân COVID-19[10]

6. Suy thận cấp 

Tỉ lệ bệnh nhân bị suy thận cấp do COVID-19 khoảng 5%, và lên đến 30% ở bệnh nhân COVID-19 nhập khoa ICU. Một số bệnh nhân sau đó tiến triển thành suy thận mạn, một số ít tử vong do suy thận cấp. Ở những bệnh nhân cần lọc máu liên tục trong giai đoạn cấp do tổn thương thận cấp, chỉ khoảng 46% còn sống sau 60 ngày. Trong số đó, 84% hồi phục chức năng thận bình thường. 

7. Di chứng nội tiết

Biểu hiện như nhiễm toan cetone do tăng đường huyết trên người chưa từng được chẩn đoán tiểu đường, viêm giáp bán cấp Hashimoto và nhiễm độc giáp, bệnh Graves, hay loãng xương.

8. Di chứng tiêu hóa - gan mật

Có thể gặp tiêu chảy kéo dài, khó tiêu, hội chứng ruột kích thích sau nhiễm trùng; được cho là do rối loạn hệ khuẩn đường ruột.
Các nhà khoa học Nhật Bản vừa báo cáo về một trường hợp “hội chứng hậu môn không nghỉ” ở bệnh nhân nam 77 tuổi sau vài tuần khỏi COVID-19.   Ông bị lo lắng và mất ngủ, cảm giác bồn chồn ở sâu bên trong hậu môn, liên tục muốn đi vệ sinh. Bệnh nhân này được chẩn đoán “HC hậu môn không nghỉ”, có thể thuộc HC hậu COVID-19. Hiện tại, các chuyên gia cho rằng biến chứng ở hệ thần kinh có thể là một trong số nguyên nhân của tình trạng này. Xử trí: bệnh nhân đã được điều trị bằng Clonazepam, một loại thuốc an thần dùng để trị chứng rối loạn vận động và rối loạn hoảng sợ. Bệnh nhân đã ổn định trở lại.[11]

9. Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C) 

Các biểu hiện của MIS-C bao gồm sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban da, tổn thương da và niêm mạc, hạ huyết áp và tổn thương tim mạch và thần kinh. Thời điểm xuất hiện MIS-C hầu hết bệnh nhân âm tính với nhiễm trùng cấp tính nhưng lại dương tính với kháng thể cho thấy rằng MIS-C có thể là kết quả của một phản ứng miễn dịch mắc phải. 
Xử trí: liệu pháp điều hòa miễn dịch với globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch, glucocorticoid hỗ trợ và aspirin liều thấp. Một số trường hợp đặc biệt có thể điều trị chống đông máu bằng enoxaparin hoặc warfarin và aspirin liều thấp...[12]

V. BỆNH NHÂN HẬU COVID-19 NÊN LÀM GÌ ĐỂ GIỮ GÌN SỨC KHỎE?

Hiện chưa có sách vở hay hướng dẫn hồi phục chính thức nào cho bệnh COVID-19 như các bệnh khác. Tạp chí The Lancet thừa nhận hiện chưa có phương pháp điều trị hoặc phục hồi nào được chứng minh là hiệu quả cho những người HC hậu COVID-19. Shivdasani, một bác sĩ Ấn Độ, cho lời khuyên “ 6 bí quyết” giúp loại bỏ các triệu chứng và hồi phục nhanh hơn trong cuốn sách “COVID và hồi phục sau COVID”. Các lời khuyên hữu ích về dinh dưỡng và lối sống có thể giúp bệnh nhân COVID-19 chữa dứt các triệu chứng còn sót lại và mau chóng hồi phục.

1. Chọn thực phẩm lành mạnh

Tăng cường protein (đạm), tránh carbohydrate (bột, đường...). Hạn chế tối đa ăn đường - đây là loại thực phẩm gây viêm và ức chế hệ miễn dịch. Tránh các thực phẩm chế biến. Tăng cường ăn chất béo tốt, chế độ ăn có chất béo sẽ giúp bạn không ăn nhiều. Chất béo bão hòa (xấu) làm tăng phản ứng viêm. Chọn chất béo tốt như dầu oliu, dầu trái nho, dầu trái bơ, dầu mù tạt.

2. Bảo vệ sức khỏe đường ruột

Giữ đường ruột khỏe mạnh bằng cách nuôi dưỡng hệ vi khuẩn tốt chống lại tác nhân lạ, bao gồm virus gây COVID-19. Ăn chất xơ (như tỏi, dâu, hành tây, táo...) và men vi sinh (như yogurt, kefir) sẽ giúp vi khuẩn tốt sinh sôi. Hãy dùng các loại rau và trái cây có màu sắc khác nhau trong bữa ăn.

3. Ngủ ngon

Hãy nghe theo nhịp sinh học của mỗi người, đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày. Ngủ sớm và thức dậy sớm tốt hơn ngủ trễ dậy trễ. Cần ngủ ngon 6-7 tiếng mỗi đêm để giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh.

4. Hãy vận động, Tập thở

Tập thể dục giúp giảm tình trạng viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Nếu nhà có chút khoảng sân, hãy ra ngoài để hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
Phương pháp thở bụng (huy động cả cơ hoành)
- Hít vô thật chậm, cho tới khi bụng phình lên
- Rồi thở ra thật chậm như thổi lửa, cho tới khi bụng xẹp xuống
- Ngày làm 2-3 lần, mỗi lần 15-20 nhịp.[13]

5. Tư duy lạc quan tích cực, tránh căng thẳng, lo lắng

Căng thẳng sẽ làm cơ thể tiết ra các cytokines gây viêm, khiến hệ miễn dịch phải làm việc quá mức. Ngồi thiền và tập thở sẽ giúp giảm nhịp tim, huyết áp và tình trạng viêm, kích thích tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh tốt như serotonin, dopamine.
Những ngày tháng đại dịch này, tôi thường gặp các bệnh nhân đi khám vì các loại bệnh khác nhau, nhưng một điểm nổi bật chung là tâm trạng lo lắng. Biết rằng nỗi lo chính đáng, với lý trí Thiên Chúa ban cho, con người cần có những lo liệu cho đời sống hiện tại và tương lai. Tuy nhiên sau khi đã làm hết sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, Cha chúng ta trên Trời.

6. Đẩy nhanh hồi phục bằng bổ sung vitamin

Vitamin D chống oxy hóa và kháng viêm tốt, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D sẽ khiến phổi hoạt động không tốt. Vitamin C thì giúp giảm protein CRP - dấu hiệu thường gặp khi cơ thể bị viêm nặng do COVID-19.
Tình trạng viêm mãn tính ở những người mắc bệnh nền là nguyên nhân khiến COVID-19 trầm trọng. Cần nâng cao sức khỏe và đề kháng của bạn. Chúng ta chưa thực sự kiểm soát được virus nhưng chúng ta có thể cải thiện sức khỏe bằng nhiều phương thức trong tầm tay.[14]

7. Giữ gìn sức khỏe tinh thần, tâm linh

Trong đời sống, tinh thần và thể xác gắn liền mật thiết với nhau. Sức khỏe tốt là khả năng cảm nhận sự thoải mái về hai phương diện thể xác và tinh thần.[15] Thí nghiệm y khoa, đo EEG (điện não đồ) của một em bé sơ sinh, nếu tách rời khỏi mẹ, EEG của bé xuất hiện những đợt sóng rối loạn; cho bé nằm cạnh mẹ, EEG của bé trở về ổn định.
Chúng ta cũng kinh nghiệm gặp ngày buồn phiền thì ăn uống khó tiêu, công việc suy tưởng sẽ bị ngưng trệ, ngay cả cầu nguyện cũng khó khăn. Ngày nay khoa học chứng minh được rằng tinh thần và thể xác ảnh hưởng qua lại lẫn nhau một cách chặt chẽ. Những yếu tố tâm lý cảm xúc tác động mạnh mẽ đến hệ thống miễn nhiễm (cơ chế phòng chống bệnh tật chính của cơ thể). Các tình cảm tích cực như yêu thương, yên ổn, thỏa mãn trong công việc và tin tưởng dường như tăng cường khả năng chống đỡ của hệ thống miễn nhiễm, giúp cơ thể tránh được bệnh. Trái lại các tình cảm tiêu cực, âm tính như lo âu, căng thẳng, thất vọng, chán nản…có xu hướng làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm, và do đó giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.[16]

8. Giữ vững niềm hy vọng

 
Bên cạnh những điểm tiêu cực không thể tránh do đại dịch mang đến, hãy tìm ra những điểm tích cực do hoàn cảnh đại dịch mang lại để không bị stress. Chúa là nguồn sức mạnh, là ánh sáng, là lẽ sống, là nguồn vui, là niềm hy vọng của cuộc sống người Kitô hữu.

TẠM KẾT

Cũng như bệnh COVID-19, HC hậu COVID còn rất mới, y học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Các nhà khoa học cho rằng HC hậu Covid là hiện tượng khó lý giải nhất của đại dịch. HC hậu COVID gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tầm soát các bệnh nhân hậu COVID, cũng như cần có chiến lược điều trị, chăm sóc, nâng đỡ lâu dài cho các bệnh nhân này. Giới y khoa cần lưu ý hơn đến tình trạng HC hậu COVID và xây dựng các chương trình giúp người hậu COVID-19 phục hồi chức năng.[17] Đối với người hậu COVID-19, bên cạnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn, tập luyện hợp lý, nhất là củng cố niềm tin và hy vọng, cần khám định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường để được chẩn đoán và điều trị kịp thời hữu hiệu. WHO cũng khuyến nghị những người có HC hậu COVID nên tìm sự hỗ trợ từ bác sĩ, để phân tích nguyên nhân và các triệu chứng, rồi mới có phương án điều trị phù hợp.[18] Những ai khỏi bệnh COVID-19 được hồi phục không có di chứng thì mừng tạ ơn Chúa, cám ơn bác sĩ, y tá và gia đình, xã hội, và đừng lo sợ vu vơ khi nghe nhiều người hay các phương tiện truyền thông kể chuyện HC hậu COVID.
WHĐ (12.10.2021)
 

[2] Bảo Duy, “50% bệnh nhân Vũ Hán còn triệu chứng sau 1 năm khỏi COVID-19”,
<https://tuoitre.vn/50-benh-nhan-vu-han-con-trieu-chung-sau-1-nam-khoi-covid-19-20210827153306873.htm>, (27/08/2021); BS Phương Thy, Bs Vũ Quang, Bs Tấn Lộc, “Thế giới có đến 80 % bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng hậu COVID”, <https://tuoitre.vn/the-gioi-co-den-80-benh-nhan-covid-19-mac-hoi-chung-hau-covid-20211006151056184.htm>, (7/10/2021).
[4] BS Phương Thy, Bs Vũ Quang, Bs Tấn Lộc, “Thế giới có đến 80 %bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng hậu COVID”, <https://tuoitre.vn/the-gioi-co-den-80-benh-nhan-covid-19-mac-hoi-chung-hau-covid-20211006151056184.htm>, (7/10/2021)
[5] BS Phương Thy, Bs Vũ Quang, Bs Tấn Lộc, “Thế giới có đến 80 %bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng hậu COVID”, <https://tuoitre.vn/the-gioi-co-den-80-benh-nhan-covid-19-mac-hoi-chung-hau-covid-20211006151056184.htm>, (7/10/2021)
[6] BS Phương Thy, Bs Vũ Quang, Bs Tấn Lộc, “Thế giới có đến 80 %bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng hậu COVID”, <https://tuoitre.vn/the-gioi-co-den-80-benh-nhan-covid-19-mac-hoi-chung-hau-covid-20211006151056184.htm>, (7/10/2021)
[7] Thục Linh (theo AFP), “Hội chứng Covid-19 kéo dài 'đánh đố' giới khoa học”, <https://vnexpress.net/hoi-chung-covid-19-keo-dai-danh-do-gioi-khoa-hoc-4336470.html>(06/08/2021).
[8] BS Phương Thy, BS Thanh Lịch, BS Huyền Trâm, “Khoảng 50 triệu chứng hậu COVID: thở gấp, ho, nhức đầu, trầm cảm, và gì nữa?” <https://tuoitre.vn/khoang-50-trieu-chung-hau-covid-tho-gap-ho-nhuc-dau-tram-cam-va-gi-nua-20211006215627167.htm>, (09/10/2021). 
[9] Hồng Đậu, “Phát hiện mới về các F0 khỏi bệnh Covid-19”, <https://zingnews.vn/phat-hien-moi-ve-cac-f0-khoi-benh-covid-19-post1268435.html>, (07/10/2021) .
[10] BS Phương Thy, BS Thanh Lịch, BS Huyền Trâm, “Khoảng 50 triệu chứng hậu COVID: thở gấp, ho, nhức đầu, trầm cảm, và gì nữa?” <https://tuoitre.vn/khoang-50-trieu-chung-hau-covid-tho-gap-ho-nhuc-dau-tram-cam-va-gi-nua-20211006215627167.htm>, (09/10/2021).
[11] Trà Linh, “Phát hiện thêm biến chứng nguy hiểm hậu Covid-19”, <https://thanhnien.vn/phat-hien-them-bien-chung-nguy-hiem-hau-covid-19-post1388240.html>, (08/10/2021).
[12] BS Phương Thy, BS Thanh Lịch, BS Huyền Trâm, “Khoảng 50 triệu chứng hậu COVID: thở gấp, ho, nhức đầu, trầm cảm, và gì nữa?” <https://tuoitre.vn/khoang-50-trieu-chung-hau-covid-tho-gap-ho-nhuc-dau-tram-cam-va-gi-nua-20211006215627167.htm>, (09/10/2021).
[13] BS Trương Hữu Khanh, “ Bị nhiễm Covid-19 phải làm thế nào?”
[14] Phúc Long, “6 lời khuyên giúp hồi phục sức khoẻ sau khi hết COVID-19”, <https://tuoitre.vn/6-loi-khuyen-giup-hoi-phuc-suc-khoe-sau-khi-het-covid-19-20210712141716895.htm>, (12/07/2021).
[15] Nguyễn thị Hải Phượng biên sọan, Giảm Stress, (Nhà Xuất bản Tổng hợp Tp Hồ chí Minh, 2005), 4.
[16] Bác Sĩ Anthony J. Suttilaro, Living Well naturally (Houghton Mifflin com. Boston, 1986), bản dịch tiếng việt
[17] “50% bệnh nhân Vũ Hán còn triệu chứng sau 1 năm khỏi COVID-19”; “Thế giới có đến 80 %bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng hậu COVID”.
[18] Thục Linh (Theo AFP), “Hội chứng Covid-19 kéo dài 'đánh đố' giới khoa học”, <https://vnexpress.net/hoi-chung-covid-19-keo-dai-danh-do-gioi-khoa-hoc-4336470.html>, (06/08/2021); Thúy Quỳnh - Lê Cầm, “Nhiều người mắc 'hội chứng Covid kéo dài' sau khỏi bệnh”, <https://vnexpress.net/nhieu-nguoi-mac-hoi-chung-covid-keo-dai-sau-khoi-benh-4353030.html>, (08/09/2021).
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây