Lòng sùng kính Thánh Tâm trong truyền thống Dòng Tên (3)

Thứ hai - 14/06/2021 18:13

Lm. Giuse Đỗ Quang Chính, S.J.

II. TỪ THÁNH COLOMBIÈRE ĐẾN KHI DÒNG BỊ GIẢI THỂ

….

  1. Có những người chỉ trích việc tôn sùng Thánh Tâm, và cũng có nhiều người viết sách bênh vực.
  2. Nhưng sự nghiệp tông đồ của cha Joseph Gallifet (1663-1747) sẽ là cơ sở để việc tôn sùng Thánh Tâm được bành trướng gần như trên toàn thế giới vào thế kỷ XVIII. Đây là người cổ võ thứ ba và quan trọng nhất cho sứ điệp Paray.
  3. Ngày 31/07/1723, trên đường đi Roma nhận chức Trợ lý Tổng Quản về vùng Pháp, cha Gallifet dừng chân ở nhà Tập Avignon và gặp lại người bạn cũ là cha Croiset. Hai người bàn bạc với nhau về những dự tính lớn đối với việc tôn sùng Thánh Tâm. Các ngài vui mừng nhận thấy (1) các Giám mục Marseille đã dâng hiến giáo phận cho Thánh Tâm năm 1720, và (2) Giám mục Lyon truyền mừng lễ Thánh Tâm trong khắp giáo phận, kể cả trong các tu viện. Sáng kiến này một phần do sự thúc đẩy của cha Gallifet.
  4. Năm 1690, đang khi làm Năm Tập Ba tại Lyon, cha Gallifet bị đau nặng. Một người bạn, có lẽ là cha Croiset đã khấn (mà cha Gallifet lúc ấy không biết) nếu người bệnh khỏi sẽ dâng hiến đời mình cho Thánh Tâm và trở thành tông đồ của Thánh Tâm. Qua cơn bệnh, được biết lời khấn này, cha Gallifet chấp nhận và tự coi mình như người tôi trung của Thánh Tâm. Năm 1706, khi làm viện trưởng ở Granoble, ngài đã lập một bàn thờ trong nhà thờ của Dòng để dâng kính Thánh Tâm, và cũng thành lập một Liên Minh Thánh Tâm. Sau đó, khi làm viện trưởng ở Lyon rồi Giám tỉnh Lyon, ngài đã xin cho các nữ tu Thăm Viếng được mở nhà tạm chầu Thánh Thể vào ngày lễ Thánh Tâm. Chính ngài cũng soạn một lễ kính Thánh Tâm. Sau khi đọc bản tự thuật của chị Margarita Maria, và đã cứu xét vụ án phong thánh cho chị ở Lyon năm 1715, ngài hứa với các nữ tu Thăm Viếng sẽ giới thiệu vụ án tại Giáo triều Roma và làm cho việc tôn sùng Thánh Tâm được Giáo Hội chính thức nhìn nhận.
  5. Được gọi làm Trợ lý Tổng Quản, cha Gallifet coi là đã được chính Thánh Tâm gọi để phát triển việc tôn sùng này. Sau đó ít lâu, chính ngài viết: “Tôi thấy hình như Thiên Chúa đã đưa tôi đến Roma chỉ để làm việc đó.” Ngài thành công dễ dàng trong việc thành lập chính thức các Liên Minh Thánh Tâm ở Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Đức, Áo, Tiệp Khắc, cũng như nơi các vùng truyền giáo của Dòng Tên ở Ấn Độ, Nam Mỹ, Canađa, Mêhicô, Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, đảo Martinique… Nhưng mục tiêu chính yếu của ngài vẫn là xin Tòa Thánh chính thức chấp thuận cho công khai phát triển việc tôn sùng Thánh Tâm và lập lễ trọng kính Thánh Tâm. Trong những năm ở Roma (1723-1730), ngài hoạt động ráo riết: (1) vận động chuẩn bị cuộc thảo luận trước bộ Lễ nghi, (2) xuất bản tác phẩm vĩ đại De Cultu Sacrosancti Cordis Dei et Domini Nostri Iesu Christi in Variis Orbis Provinciis jam propagato. Cuốn sách này được 3 nhà thần học Dòng Tên duyệt xét cẩn thận. Rồi qua kiểm duyệt của Giáo triều, và một hồng y đã bỏ tiền ra in. Cùng năm đó, 315 Liên Minh Thánh Tâm đã được cha Gallifet thành lập. Ở Roma, ngài được mọi người coi như trạng sư cho việc tôn sùng Thánh Tâm. Nhưng mục tiêu chính yếu của ngài vẫn chưa đạt được trong lúc sinh thời. Mặc dầu được các triều đình Ba Lan, Pháp và Tây Ban Nha hỗ trợ, thỉnh nguyện của các nữ tu Thăm Viếng xin lập lễ Thánh Tâm với thánh lễ và kinh thần vụ riêng đã bị Tòa Thánh từ chối 2 lần vào các năm 1727 và 1729. Nhưng ngài không ngã lòng. Ngài dịch tác phẩm của mình qua tiếng Pháp, sửa chữa và bổ sung, rồi xuất bản tại Lyon năm 1733 với nhan đề L’exellence de la dévotion au Coeur adorable de Jésus Christ. 10 năm sau, trong một ấn bản mới, ngài lập được một danh sách 700 Liên Minh Thánh Tâm trên khắp thế giới. Đó là dấu hiệu tỏ tường cho thấy việc tôn sùng Thánh Tâm tiến triển không ngừng.
  6. Nhiều anh em Dòng Tên, nhất là ở các xứ truyền giáo đã góp phần vào sự tiến triển ấy.
  7. Ở Châu Âu, phần lớn các tác giả Giêsu hữu cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm là người Pháp, nhưng cũng có những tác giả là người Đức.
  8. Ở Tây Ban Nha, nhờ sách của cha Gallifet, việc tôn sùng Thánh Tâm phát triển mau lẹ, mặc dầu khởi sự trễ hơn.

Năm 1726, Augustino Cardaveraz (1703-1770), lúc đó là thần sinh, được đọc cuốn De Cultu của Gallifet, bỗng cảm thấy bừng cháy lửa yêu mến Thánh Tâm. Sau khi làm linh mục, ngài được nhiều ơn thần bí, cho in “một tuần 9 ngày kính Thánh Tâm với một ảnh Thánh Tâm và phân phát khắp nơi”. Chuyên đi giảng tuần đại phúc, ngài truyền bá việc tôn sùng Thánh Tâm khắp Tây Ban Nha, đặc biệt tại miền Basque. Ngài thu phục được nhiều người lỗi lạc, trong đó có cha Calatayud (1689-1773) cũng là Giêsu hữu chuyên giảng đại phúc: chỉ mình ngài đã lập được hơn 100 Liên Minh Thánh Tâm và xuất bản một cuốn sách nhỏ chỉ dẫn thực hành việc lập Liên Minh Thánh Tâm.

  1. Mặc dầu tài ba và đức hạnh, cha Cardaveraz gần như thất bại trong nỗ lực phổ biến việc tôn sùng Thánh Tâm. Nhưng ngài đã nhóm lên ngọn lửa đầu. Người sẽ làm bùng cháy là Hoyos (1711-1735).

Theo lời yêu cầu của một số bạn bè, Hoyos dịch một số trong cuốn De Cultu của Gallifet liên quan đến những khó khăn chân phước Giuliana Cornillon đã gặp trong việc xin lập lễ Thánh Thể. Thấy hay, Hoyos đọc tiếp và bị đảo lộn. Theo sự thúc đẩy vô hình, ngài vào nhà nguyện dâng mình cho Thánh Tâm để lo mở mang Nước Chúa. Đó là ngày 03/05/1733 tại Valladolid. Lúc đó, Hoyos mới 22 tuổi và chưa làm linh mục.

Hai hôm sau, Chúa Giêsu hiện ra với Hoyos và sai đi nói với cha Tập sư Gioan Loyola: Chúa muốn tỉnh dòng Castilla có kinh thần vụ và lễ kính Thánh Tâm như nhiều miền khác. Hoyos run sợ. Ngày 12/06, thứ Sáu cuối tuần 8 ngày lễ Thánh Thể, Hoyos làm lễ tôn vương Thánh Tâm. Sau đó, ngài còn thấy thánh Phêrô, thánh Phanxicô de Sales, thánh Margarita Maria đến nói chuyện về việc tôn sùng Thánh Tâm. Cuối cùng, ngày 31/07, sau rước lễ, ngài thấy thánh Inhã và thánh Phanxicô Xaviê hiện ra và tỏ lòng tôn sùng Thánh Tâm. Thánh Inhã cho biết “Chúa Quan Phòng muốn cho Dòng vinh dự thấy con cái mình phổ biến việc tôn sùng Thánh Tâm, xin Giáo Hội chấp nhận lễ Thánh Tâm, và có nhiệm vụ làm vui lòng Thánh Tâm”.

  1. Hoyos sợ vì nghĩ rằng tất cả những điều đó là ảo tưởng và trò lừa bịp của ma quỷ. Sau khi cởi mở với những người hữu trách trong Dòng, ngài yên tâm hơn. Vị Giám tỉnh xác tín: Chúa đã nói.

Cardaveraz và Calatayud nhận lãnh sứ mạng của Hoyos. Ngày 09/09, Liên Minh Thánh Tâm đầu tiên được thành lập tại Tây Ban Nha. Nhưng Hoyos nhìn xa hơn: xin cha Gioan Loyola dịch tác phẩm của cha Gallifet. Vị này lại đề nghị cùng soạn một tác phẩm khác. Sau đó, sách được Trung Ương Dòng kiểm duyệt và phê chuẩn, được Giám mục Valladolid cho phép in và xuất bản năm 1734: Kho Tàng Ẩn Giấu Trong Thánh Tâm Được Tìm Thấy Tại Tây Ban Nha. Theo lời xin của Hoyos, Tổng Giám mục Burgos gửi cho mỗi Giám mục Tây Ban Nha một bản với lời tha thiết đề nghị xin Tòa Thánh cho các địa phận của mình được mừng lễ Thánh Tâm với thánh lễ và kinh thần vụ riêng. Và các Giám mục Tây Ban Nha đã làm như vậy. Điều mà cha Gallifet không làm được thì học viên 23 tuổi đã làm được ở Tây Ban Nha, mặc dầu 2 năm trước đó anh chưa biết gì về Thánh Tâm và cũng chẳng biết gì về sự kiện Paray.

  1. Ngày 02/01/1735, Hoyos chịu chức linh mục. Chìm sâu trong đời sống hy sinh và kết hiệp với hy tế Thánh Thể, một hôm đang cám ơn rước lễ, ngài nghe được Chúa Giêsu nói (với Chúa Cha): “Con đã chọn linh hồn này để nó tận hiến hoàn toàn cho việc đền tạ trái tim Con, để nó làm Cha nguôi giận bằng việc dâng chính Con lên cho Cha trong hy lễ.” Một lần khác, Chúa Giêsu đã đội mũ gai cho trái tim của Hoyos và sau đó mỗi thứ Sáu đầu tháng, cử chỉ này được lặp lại.
  2. Với một bản kinh tuần 9 ngày do cha Gioan Loyola soạn và tấm ảnh Thánh Tâm, Hoyos phổ biến việc tôn sùng Thánh Tâm trên khắp nước Tây Ban Nha. Được Giám mục cho phép, chính ngài khởi xướng tuần 9 ngày công khai kính Thánh Tâm trước Thánh Thể, với việc rước lễ và đọc kinh đền tạ. Ngài thành công lớn. Nhưng thỉnh nguyện của các Giám mục Tây Ban Nha vẫn chưa được Tòa Thánh phê chuẩn, thì ngài qua đời ngày 29/03/1735 đang khi làm Năm Tập Ba, lúc mới 24 tuổi.
  3. Ít lâu sau khi cha Hoyos qua đời, cha Cardaveraz trình bày với cha Gioan Loyola về việc Dòng Tên được Chúa chọn để phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm. Thêm xác tín, vị này xuất bản một tập lịch sử về việc tôn sùng Thánh Tâm, rồi cuốn Các bài suy niệm về Thánh Tâm theo phương pháp Linh Thao của thánh Inhã, cũng như nhiều tác phẩm khác. Các tác phẩm của ngài làm cả Tây Ban Nha sôi nổi. Các cuộc tĩnh tâm, các tuần đại phúc, tuần 9 ngày… được tung ra khắp nơi. Riêng số các Liên Minh Thánh Tâm đã lên tới hơn 1000.

Ngày 26/01/1765, thánh bộ Lễ nghi cho phép mừng lễ Thánh Tâm với thánh lễ và kinh thần vụ riêng, nhưng giới hạn trong nước Ba Lan và Tổng hội Liên Minh Thánh Tâm Roma.

  1. Phái Jansénistes tức giận cho rằng thành công đó là do Dòng Tên. Điều đó quá đáng, nhưng quả thực Dòng đã góp phần quan trọng hạng nhất.
  2. Ở Ý có cha Calvi (1715-1788) say mê Thánh Tâm và thu phục được cả vị Hồng y Tổng đại diện Giáo phận Roma. Cùng với Giám mục Bruni, ngài soạn Thánh lễ và kinh thần vụ kính Thánh Tâm, và vẫn được dùng trong Giáo Hội cho tới năm 1929. Ngài nêu bật 2 đối tượng của việc tôn sùng: trước trái tim bằng thịt của Chúa Giêsu và tình yêu của Người mà trái tim là biểu tượng. Ngài nhấn mạnh đến việc người ta quên lãng tình yêu của Chúa Giêsu và đòi phải đền tạ. Thánh Thể và Khổ Nạn là những dấu lớn nhất của tình yêu Chúa Giêsu đối với con người.
  3. Năm 1766, Dòng Tên được Tòa Thánh cho phép mừng lễ Thánh Tâm vào thứ Sáu cuối tuần 8 ngày lễ Thánh Thể.
  4. Giữa những “tai họa đã khởi đầu”, Dòng cảm thấy được an ủi mãnh liệt với việc mừng trọng thể lễ Thánh Tâm.
  5. Sau bao nhiêu năm đấu tranh chống chủ thuyết Jansénisme, sau những cố gắng bênh vực Giáo Hội bị tấn công do khuynh hướng Giáo Hội tự trị, do nền triết lý vừa duy lý vừa thực nghiệm và hoài nghi, sau một thế kỷ rưỡi cổ võ việc tôn sùng Thánh Tâm, Dòng thấy tất cả những người thù ghét đổ xô lại chống mình. Những thù hận, tức giận, ghen ghét, hiểu lầm, được tích lũy chống lại Dòng quyết tâm loại bỏ Dòng.
  6. Sắc lệnh ngày 26/01/1765 của Tòa Thánh cho phép mừng lễ Thánh Tâm làm cho những người không thích Dòng Tên và không thích việc tôn sùng Thánh Tâm hết sức bất mãn.
  7. Ở Đức và Áo, hoàng đế Joseph II cấm việc tôn sùng Thánh Tâm. Nhiều tác giả Dòng Tên viết sách báo bênh vực và cổ võ việc tôn sùng Thánh Tâm.
  8. Tranh luận về giáo thuyết dần dần biến thành đả kích cá nhân. Người ta gắn liền việc chống đối tôn sùng Thánh Tâm với việc chống đối Dòng Tên. Dòng can đảm chịu đựng với các thử thách.
  9. Năm 1759, Dòng bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha. Hơn 1000 anh em bị lôi ra khỏi môi trường hoạt động và bị bỏ vào nước Tòa Thánh. Cha Malagrida bị treo cổ và hỏa thiêu ở quảng trường lớn kinh đô Lisbon, dù đã trên 80 tuổi. 115 anh em chết trong hầm tàu trên đường lưu đày. Đang khi đó, các anh em chuyền tay nhau bức ảnh Chúa Giêsu Hài Đồng chỉ vào trái tim và thập giá. Trước khi tai họa xảy đến, nhà Thệ sĩ ở Lisbon đã cam kết thực hành và phổ biến việc tôn sùng Thánh Tâm.

Sau đó, Dòng bị giải thể ở Pháp năm 1762, rồi ở Tây Ban Nha năm 1767. Ngày 21/07/1773, do áp lực của các vua chúa, Đức Clêmentê XIV ký sắc lệnh giải thể toàn bộ Dòng Tên trên thế giới.

  1. Vào những giờ phút thử thách cực độ, bị cướp đoạt hết mọi sự, các Giêsu hữu đã không nổi loạn, cũng không quỵ ngã. Họ không quên truyền thống. Ngày 03/06/1767, khi giông tố đã nổi lên ở chân trời, Tổng Quản Ricci đã gửi cho cả Dòng một lá thư cảm động, chỉ thị cử hành hết sức sốt sắng lễ Thánh Tâm, vì “chỉ ở đó Dòng mới tìm được nơi trú ẩn an toàn.”
  2. Mặc dầu Dòng bị giải thể, nhưng trong lòng hầu hết các Giêsu hữu vẫn còn một hy vọng thầm kín và càng ngày càng lớn mạnh: Dòng sẽ hồi sinh. Nhiều anh em tin rằng Thánh Tâm không bỏ những người đã được chọn làm tông đồ của Người và trước sau vẫn một lòng trung tín. Trong thực tế, nhờ một sự che chở kỳ diệu của Thiên Chúa, Dòng vẫn sống sót ở Nga.

Năm 1786, trong một tác phẩm về việc tôn sùng Thánh Tâm trong Dòng Tên ở Nga, cha Magnani viết: “Chính lòng nhân lành, lòng quảng đại của Trái Tim rất đại lượng và rất yêu mến của Chúa Giêsu cho phép chúng ta xin ơn đó ‘cho Dòng hồi sinh’ và hy vọng điều đó với lòng khiêm tốn và táo bạo.” Điều Thánh Tâm nói với thánh Margarita Maria trở thành rất gần gũi: “Đừng sợ gì hết, Ta sẽ hiển trị, bất chấp những kẻ thù nghịch và chống đối.”

  1. Năm 1848, Tổng Quản Roothaan, người đã từ Hà Lan đến Nga để xin vào Dòng năm 1808, thuật lại: “Tôi thấy được ghi khắc sâu đậm trong trái tim tất cả anh em chúng ta xác tín này là, nếu Dòng đã được gìn giữ một cách kỳ diệu tại đây và bắt đầu từ từ tăng tiến, ơn trọng đại ấy chính là của Thánh Tâm; và ngoài ra, tất cả những gì người ta hy vọng về việc Dòng được tái lập trên toàn thế giới, người ta chỉ hy vọng ở Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ý tưởng ấy từ trời đến với chúng tôi và chúng tôi thấy là chắc chắn. Vì vậy, để tôn vinh Thánh Tâm, anh em chúng tôi đã nghiêm chỉnh tuân giữ việc thực hành đã được chỉ thị từ nhiều năm trước, và cố gắng phổ biến việc tôn sùng này, bằng cách lập các Liên Minh Thánh Tâm trong các trường học, mừng lễ Thánh Tâm hết sức long trọng. Mọi người đều hoàn toàn xác tín rằng, sự thịnh vượng và tăng tiến của Dòng tùy thuộc nhiều nhất vào nhiệt tình phổ biến việc tôn sùng này giữa anh em chúng ta cũng như cho giáo dân.”
  2. Năm 1784, Tổng đại diện Dòng tại Nga viết một thư mà hằng năm anh em vẫn đọc lại vài ngày trước lễ Thánh Tâm. Ngài khuyên nên cầu xin với các thánh của Dòng, và nhất là với Thánh Tâm, để Dòng được tái lập: “Vì các thánh không đáp ứng lời cầu xin của chúng ta, chúng ta tin rằng một ngày kia chúng ta sẽ được phép thưa với các ngài lời than phiền vô tội của thánh Scholastica với anh mình là thánh Biển Đức: Chúng tôi đã xin các ngài mà các ngài không muốn nghe, nên chúng tôi đã xin với Chúa và Chúa đã nhận lời.” Ngoài ra, lá thư cũng thêm: “Tin rằng Dòng sẽ được tái lập toàn vẹn, đó không phải là điều hy vọng hão huyền, khi việc tôn sùng Thánh Tâm được lan rộng khắp nơi nhờ nỗ lực của chúng ta.”
  3. Sau đó, các vị Tổng đại diện của Dòng ở Nga cũng bày tỏ xác tín tương tự. Các ngài khuyên anh em trong việc hướng dẫn các linh hồn nơi tòa giải tội hay ở trường học, nên kín đáo nhưng chăm chú lo phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm, vì đó là “nguồn bất tận mọi ơn lành.” Mỗi nhà thờ của Dòng được khuyến khích có một bàn thờ kính Thánh Tâm, một tượng Thánh Tâm, một hội Liên Minh Thánh Tâm.
  4. Trong suốt thời gian hơn 40 năm sống sót ở Nga, anh em trong Dòng đều có cảm giác là số phận của Dòng ngàn cân treo sợi tóc chỉ vì người ta tấn công tới táp. Nhưng đáp lại, Dòng càng phó thác cho Thánh Tâm là “nơi trú ẩn an toàn, thành trì kiên cố, nơi nương tựa vững chắc nhất để được bình an.”
  5. Việc tôn sùng Thánh Tâm bị đả kích mãnh liệt trong thời gian Dòng bị giải thể. Người ta gọi đó là “việc đạo đức của Dòng Tên”. Nếu nó chưa bị tiêu diệt đó là vì những “tàn dư” của Dòng đang được kết hợp lại để bênh vực và Dòng đang cố gắng hồi sinh dưới cờ Thánh Giá.
  6. Người ta tố cáo việc tôn sùng Thánh Tâm là rối đạo, do Colombière học được của một người Tin Lành ở Anh. Người ta dùng truyền đơn, sách báo, tòa giảng… để gia tăng những lời vu cáo, bôi bác, nhạo báng. Giám mục Spicio Ricci (là anh hay em ruột của Tổng Quản Laurenzo Ricci) họp hội nghị và viết thư kết án việc tôn sùng Thánh Tâm. Nhưng Tòa Thánh lại kết án hội nghị đó và bênh vực việc tôn sùng Thánh Tâm.
  7. Các cựu Giêsu hữu vẫn trung thành với việc cổ võ tôn sùng Thánh Tâm. Ở Ý, nhiều tác giả xuất bản những tác phẩm nhỏ, các bài thuyết trình, các tuần 9 ngày về việc tôn sùng Thánh Tâm. Dưới danh hiệu liên hiệp linh mục thánh Phaolô, người ta phát động cả một phong trào đền tạ Thánh Tâm rộng lớn. Ở Pháp, các chân phước Verron và Lanfant tổ chức việc chầu Thánh Thể liên tục để đền tạ Thánh Tâm và phổ biến ảnh Thánh Tâm đến cả triều đình Louis XVI. Ở Hoa Kỳ, vị Giám mục tiên khởi là một cựu Giêsu hữu tên John Carroll cũng phổ biến việc tôn sùng Thánh Tâm khi ngài tổ chức sinh hoạt trong Giáo Hội tại đó.
  8. Đồng thời với việc xả thân vì lòng tôn sùng Thánh Tâm, các Giêsu hữu cũng tìm thấy ở đó một hứng khởi táo bạo và một bảo đảm để chuẩn bị cho Dòng được tái lập. Nổi bật nhất là cha Pierre de Clorivière (1735-1820) người Pháp. Khấn trọng sau khi sắc lệnh giải thể Dòng đã được ký nhưng chưa được chính thức công bố, chừng hai mươi năm sau, ngài lập hai tu hội đời đầu tiên trong Giáo Hội, nam dâng cho Trái Tim Chúa Giêsu, nữ dâng cho Trái Tim Đức Mẹ. Ngài chịu ảnh hưởng sâu đậm thánh Colombière: “Để yêu mến cho phải lẽ, tim tôi và tim Chúa Giêsu phải nên một… Phải bình tâm trước mọi phương tiện. Nếu được chọn, tôi sẽ chọn điều nào Thánh Tâm thích hơn.” Ngài tận dụng mọi cơ hội để truyền bá việc tôn sùng Thánh Tâm.
  9. Ngoài ra, cũng có những tu hội khác như hội các linh mục của Thánh Tâm, hội các linh mục của Đức tin cũng nhiệt thành thực hành và truyền bá việc tôn sùng Thánh Tâm đồng thời tích cực chuẩn bị cho Dòng được tái lập.

 

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây