Nhà khảo cổ người Anh tin rằng ông đã tìm thấy ngôi nhà thời thơ ấu của Chúa Giêsu

Thứ sáu - 04/12/2020 07:09

Nhà khảo cổ người Anh tin rằng ông đã tìm thấy ngôi nhà thời thơ ấu của Chúa Giêsu

04/12/2020
  •  
  •  
Copyright K.R.Dark



NHÀ KHẢO CỔ NGƯỜI ANH TIN RẰNG ÔNG ĐÃ TÌM THẤY NGÔI NHÀ THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU
Tác giả: John Burger
Xuất bản ngày: 25/11/20
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org

WHĐ (4.12.2020) - Ngôi nhà có tất cả các dấu ấn của một nghệ nhân lành nghề như Thánh Giuse.
Năm năm nghiên cứu chuyên sâu về dữ liệu khảo cổ học đã củng cố bằng chứng cho thấy một ngôi nhà thuộc thế kỷ thứ nhất ở Nazareth thuộc về Thánh Gia Thất, một nhà nghiên cứu người Anh kết luận.
Ngôi nhà, được phát hiện cách đây hàng chục năm bên dưới một tu viện, được khai quật lần đầu vào những năm 1880, nhưng một cách không chuyên nghiệp. 
Các Nữ tu ở Nazareth đã xây dựng một tu viện, phát hiện ra một bể chứa nước cổ và tiến hành công việc đào xới sơ sài với sự hỗ trợ của công nhân và học sinh.
Tu viện vẫn đang hoạt động, gần Vương cung Thánh đường Truyền tin của Nazareth. 
Trong một cuốn sách mới, The Sisters of Nazareth Convent: A Roman-period, Byzantine and Crusader site in central Nazareth,  (ND: Các Nữ tu của Tu viện Nazareth: Một địa điểm thời La Mã, Byzantine và Thập tự chinh ở trung tâm Nazareth), Giáo sư Ken Dark, một nhà khảo cổ học đến từ Đại học Reading ở Anh, nói rằng rất có thể Thánh Giuse là người đã xây dựng ngôi nhà, một nơi trú ngụ bằng đá và vữa, một phần được khoét sâu vào sườn đồi đá vôi.
Copyright K.R.Dark 



Dark, người đã dành 14 năm nghiên cứu địa điểm này, nói rằng có khả năng là Thánh Giuse đã xây dựng ngôi nhà. Các tường thuật trong Phúc âm đề cập đến Cha nuôi của Chúa Giêsu là một tekton, một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa vừa là thợ mộc và vừa là thợ thủ công liên quan đến xây dựng. 
“Rõ ràng rằng bất cứ ai xây dựng ngôi nhà này đều hiểu rất rõ về công năng của đá,” Dark nói với Daily Mail. 
Một số đặc điểm của ngôi nhà cho thấy người xây dựng nó “có hiểu biết rõ về các đặc tính của đá địa phương và biết làm thế nào để sử dụng được nó,” Dark nói.
Giáo sư Ken Dark 


Lịch sử sau đó của địa điểm cho thấy nó có ý nghĩa to lớn đối với những người theo Chúa Giêsu. Đến thế kỷ thứ 4, một nhà thờ dạng hang động đã được xây dựng ở đó, được trang trí bằng các bức khảm và có một bức bình phong ngăn cách với cung thánh. 
Gần như bị bỏ qua
Ngoài một số vật thủ công mà các nữ tu trưng bày trong bảo tàng của họ, người ta ít chú ý đến địa điểm này, ngoại trừ một số nghiên cứu được thực hiện vào năm 1936 bởi một tu sĩ Dòng Tên người Pháp, Henri Senès. Những ghi chép của ông chỉ được các nữ tu biết đến mãi cho đến năm 2006, khi họ chia sẻ chúng với Dark và Dự án Khảo cổ Nazareth của ông. Một số bằng chứng gây phấn khích và hấp dẫn bắt đầu xuất hiện khi nhóm của Dark khảo sát lại toàn bộ địa điểm.
Cụ thể, họ đã tìm thấy "các mảnh vỡ có thể là của các bình đựng bằng đá vôi" tại địa điểm. Theo lề luật Do Thái, các bình đựng bằng đá vôi không được dùng cho việc không thanh sạch, cho thấy rằng những người ở ngôi nhà từ thế kỷ thứ nhất này có thể là người Do Thái.
Copyright K.R.Dark 


Đồ gốm cũng cung cấp bằng chứng về sự phân chia văn hóa rộng rãi hơn trong khu vực Nazareth, nơi Chúa Giêsu lớn lên. Các địa điểm khảo cổ ở phía bắc có nhiều đồ thủ công, bao gồm cả đồ gốm nhập khẩu, cho thấy đó là thế giới thị tứ của đế chế La Mã, trong khi các địa điểm gần Nazareth có các đồ thủ công bao gồm các bình đựng bằng đá vôi như nói trên cho thấy đó là văn hóa Do Thái. Điều này cho thấy “một thái độ dè dặt hơn giữa niềm tin tôn giáo cùng các quan niệm về sự thanh sạch và văn hóa “La Mã”, nói chung, bị khước từ”, Dark đã nói như thế trong quá khứ.
Không nơi nào khác trong Đế chế La Mã có một ranh giới dường như rõ ràng như vậy giữa những người chấp nhận và những người từ chối văn hóa La Mã, ngay cả dọc theo biên giới của đế quốc La Mã. Điều này gợi ý rằng khu vực Nazareth là khác lạ, cho thấy sức mạnh của tình cảm chống lại La Mã và / hoặc sức mạnh của bản sắc Do Thái của nó.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây