Gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo trong tiến trình hiệp hành

Thứ ba - 11/10/2022 20:40

Gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo trong tiến trình hiệp hành

10/10/2022
  •  
  •  


GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI, LẮNG NGHE
VÀ LOAN BÁO TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Thông
WHĐ (10.10.2022) - Câu chuyện về sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su tại Sa-ma-ri (Ga 4, 7-42) được đóng khung bởi hai đoạn chuyển tiếp (4, 1-6 và 4, 44-45). Hai đoạn chuyển tiếp này xác định lộ trình của Chúa Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê mà Sa-ma-ri như một nơi băng qua, một chỗ dừng chân tạm nghỉ: “Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê. Do đó, Người phải băng qua Sa-ma-ri” (4, 3-4).
Trong câu chuyện về sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su tại Sa-ma-ri, “giếng của ông Gia-cóp” nơi Đức Giê-su dừng chân tạm nghỉ hình thành nên điểm quy tụ của những cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su. Giếng này định vị câu chuyện xảy ra tại “một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha” (4, 5), miền đất ngoại giáo và lạc giáo. Qua việc xác định khoảng cách giữa giếng Gia-cóp và thị trấn Xy-kha, người đọc sẽ tham dự vào các chuyển động luân phiên đi và đến của các nhân vật: giếng Gia-cóp nơi Đức Giê-su đang ngồi tạm nghỉ và mở ra những cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo, trước hết với người phụ nữ Sa-ma-ri từ thị trấn Xy-kha đến giếng múc nước (4, 7-26); tiếp đó với các môn đệ sau khi từ thị trấn Xy-kha mua thức ăn trở về với Thầy mình bên bờ giếng (4, 27-38); và sau cùng với dân chúng Sa-ma-ri rời thị trấn Xy-kha đến bên giếng để gặp gỡ Đức Giê-su (4, 30), chi tiết này loan báo cuộc đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su với dân Sa-ma-ri (4, 39-42).
Tuy nhiên, thật khó vạch rõ ranh giới của ba cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo vì chúng được đặt chồng chéo lên nhau, đan xen vào nhau do sự hoán chuyển vai diễn của các nhân vật. Trong khi người phụ nữ Sa-ma-ri từ thị trấn Xy-kha đến giếng Gia-cóp để múc nước (4, 7) thì các môn đệ rời giếng Gia-cóp vào thị trấn Xy-kha mua thức ăn (4, 8) để nhường không gian và thời gian cho cuộc trao đổi riêng tư của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri (4, 9-26). Trong khi các môn đệ từ thị trấn Xy-kha trở về giếng
Gia-cóp (4, 27) thì người phụ nữ Sa-ma-ri rời giếng Gia-cóp (4, 28) trở về thị trấn Xy-kha làm chứng cho Đức Giê-su để nhường không gian và thời gian cho cuộc trao đổi riêng tư của Đức Giê-su với các môn đệ (4, 31-38). Từ lời chứng của chị, dân Sa-ma-ri rời thị trấn lên đường đến gặp gỡ Đức Giê-su bên bờ giếng Gia-cóp (4, 30), trong khi các môn đệ vắng mặt để nhường không gian và thời gian cho cuộc trao đổi riêng tư của Đức Giê-su với dân Sa-ma-ri (4, 39-42).
Từ những nhận xét trên, chúng ta có thể khẳng định rằng câu chuyện về sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su tại Sa-ma-ri khởi đi từ cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri (4, 7-26) và kết thúc với cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su với dân Sa-ma-ri (4, 30.39-42). Cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su với các môn đệ (4, 27-38) được xen vào giữa đóng chức năng không chỉ soi sáng sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su tại Sa-ma-ri, nhưng còn mở ra viễn cảnh truyền giáo của Giáo Hội với thế giới trong tương lai. Thật vậy, cuộc trao đổi riêng tư của Đức Giê-su với các môn đệ được trình bày như một tiết mục xen vào để lấp đầy khoảng thời gian chờ đợi việc dân Sa-ma-ri, sau khi nghe lời chứng của người phụ nữ, rời thị trấn Xy-kha lên đường đến gặp gỡ Ngài bên bờ giếng Gia-cóp (4, 30) và trao đổi riêng tư với Ngài (4, 39-42), như liên từ: “Trong lúc đó” (4, 31) khai mở cuộc trao đổi riêng tư giữa Thầy và trò cho thấy điều đó.
Trong bài viết này, tôi xin được giới hạn trước hết vào cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri (4, 7-26) và sau đó vào cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su với dân Sa-ma-ri (4, 30.39-42). Mục đích của cuộc tìm hiểu này chính là để cho thấy trình tự gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su tự nó cũng là tiến trình hiệp hành của Giáo Hội với Đức Ki-tô trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
 
 

I- CUỘC GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI, LẮNG NGHE VÀ LOAN BÁO CỦA CHÚA GIÊ-SU VỚI NGƯỜI PHỤ NỮ SA-MA-RI (4, 7-26)

      1- Nước Hằng Sống (4, 7-14)
      2- Đời tư của người phụ nữ Sa-ma-ri (4, 15-19)
      3- Thờ phượng đích thật (4, 20-26)
II- CUỘC GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI, LẮNG NGHE VÀ LOAN BÁO CỦA CHÚA GIÊ-SU VỚI DÂN SA-MA-RI (4, 30.39-42)
      1- Niềm tin của người phụ nữ Sa-ma-ri
      2- Niềm tin của dân Sa-ma-ri
KẾT LUẬN
 

I- CUỘC GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI, LẮNG NGHE VÀ LOAN BÁO CỦA CHÚA GIÊ-SU VỚI NGƯỜI PHỤ NỮ SA-MA-RI (4, 7-26)

Câu chuyện về sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su tại Sa-ma-ri bắt đầu với câu 7, tác giả giới thiệu người phụ nữ Sa-ma-ri, nhân vật chính của cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo thứ nhất của Đức Giê-su: “Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước” (4, 7). Khi người phụ nữ bước vào hoạt cảnh, “các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn” (4, 8) để nhường tất cả không gian và thời gian cho cuộc trao đổi riêng tư của Chúa Giê-su với chị. Những trao đổi giữa Đức Giê-su và người phụ nữ đề cập đến hai chủ đề lớn: “Nước Hằng Sống” (4, 7-14) và “Thờ Phượng Đích Thật” (4, 20-24). Xen vào giữa là một cuộc trao đổi ngắn về đời tư của người phụ nữ (4, 15-19). Chủ đề này xem ra không ăn nhập gì với chủ đề “Nước Hằng Sống” đi trước và chủ đề “Thờ Phượng Đích Thật” theo sau, tuy nhiên chủ đề này đóng vai trò trung gian: chuyển từ chủ đề “Nước Hằng Sống” sang chủ đề “Thờ Phượng Đích Thật”.

1- Nước Hằng Sống (4, 7-14)

Chủ đề “Nước Hằng Sống” được khai triển thành hai bước căn cứ trên hai lời phát biểu của Đức Giê-su (4, 10 và 4, 13-14). Trong lời phát biểu thứ nhất (4, 10), “nước hằng sống” mà Chúa Giê-su ban cho người phụ nữ Sa-ma-ri ngay từ bây giờ, nếu chị nhận ra chân tính của Ngài. Trong lời phát biểu thứ hai (4, 13-14), “nước hằng sống” mà Đức Giê-su hứa ban cho những ai tin vào Ngài trong tương lai.
A- Nước Hằng Sống, ân ban Mặc Khải (4, 10):
Câu chuyện của Chúa Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri mở ra rất tự nhiên. Một khách lữ hành đã trải qua một chặng đường dài dưới ánh nắng như thiêu như đốt, vừa mệt vừa khát, ngồi nghỉ bên bờ giếng Gia-cóp, xin người phụ nữ đến múc nước: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (4, 7), đó là lẽ thường tình. Tuy nhiên, câu trả lời của người phụ nữ ngay từ đầu xem ra không thân thiện cho lắm, nếu không muốn nói chị thẳng thắn khước từ, không muốn tiếp chuyện với người khách lạ: Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một người phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông uống nước sao?”. Câu trả lời của người phụ nữ dưới dạng nghi vấn vừa biểu lộ thái độ thách thức vừa nêu bật hai điều cấm kỵ: giữa nam (“ông”) và nữ (“tôi”) và giữa hai dân tộc thù địch: Do Thái và Sa-ma-ri.
- Điều cấm kỵ thứ nhất nhắc đến phong tục tập quán miền Cận Đông xưa, theo đó một người nam và một người nữ cấm không được trò chuyện với nhau, đặc biệt ở những nơi vắng vẻ. Truyền thống kinh sư dạy rằng: “Người nam cấm ở một mình với một người nữ trong quán trọ, ngay cả với chị hay con gái của mình, vì người ta có thể dị nghị. Người nam cấm nói chuyện với một người nữ trên đường, ngay cả với vợ của mình, nhất là với người vợ của một người khác, vì người ta có thể dị nghị”[1]. Dường như Đức Giê-su không quan tâm đến phong tục tập quán này và người phụ nữ Sa-ma-ri cũng không, bởi vì, tuy nói thế, chị cũng không từ chối tiếp tục nói chuyện với người khách lạ này.
- Điều cấm kỵ thứ hai nhắc lại một lịch sử dài của mối thù hận truyền kiếp giữa hai dân tộc anh em này: dân Do Thái và dân Sa-ma-ri. Sách các Vua quyển hai cho chúng ta biết nguồn gốc của dân Sa-ma-ri. Vào năm 722 tCn, vương quốc miền Bắc mà thủ đô là Sa-ma-ri bị đế quốc Át-sua chiếm đóng. Để dễ bề cai trị, vua Át-sua đã dùng chính sách hoán chuyển dân cư bằng cách “đưa người từ Ba-by-lon, Cu-tha, A-va, Kha-mát và Xơ-phác-va-gim đến định cư ở các thành xứ Sa-ma-ri, thế vào chỗ con cái Ít-ra-en. Họ chiếm Sa-ma-ri và ở trong các thành của xứ này… Họ kính sợ Đức Chúa nhưng cũng phụng thờ các thần của họ, theo cách tôn thờ của các dân mà họ đã rời bỏ khi bị đi đày. Cho đến ngày nay họ vẫn theo cách tôn thờ xưa kia của họ” (2V 17, 24-34). Vì thế, dân Do Thái coi dân Sa-ma-ri là “không tinh sạch đồng cùng một tước hiệu như dân ngoại”[2]. Hoàn cảnh thù địch lại càng trở nên trầm trọng hơn sau cuộc lưu đày từ Ba-by-lon trở về, khi người Do Thái từ chối sự thân thiện của người Sa-ma-ri muốn được góp phần vào việc tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem; vì thế, người Sa-ma-ri công phẫn tìm cách ngăn cản cuộc tái thiết này (Er 4, 2-6). Sau cùng, dân Sa-ma-ri đã mượn thế lực của Sy-ri chống lại dân Do Thái (1Mcb 3, 10). Vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, tác giả sách Huấn Ca đã viết: “Hồn tôi giận ghét hai dân tộc, còn dân thứ ba chẳng phải là một dân: Đó là bọn người sống trên núi Xê-ia, rồi người Phi-li-tinh, và đám dân ngu xuẩn ở vùng Si-khem” (Hc 50, 25-26).
Vì thế, công việc truyền giáo của Đức Giê-su ở xứ Sa-ma-ri được định vị không chỉ ở vùng đất được xem là ngoại giáo và lạc giáo, nhưng còn trong bối cảnh của sự thù hận truyền kiếp giữa hai dân tộc này như lời giải thích của chính tác giả: “Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri” (Ga 4, 9). Thái độ dè chừng cảnh giác của người phụ nữ minh chứng cho điều đó. Làm thế nào Đức Giê-su có thể vượt qua vực thẳm của những khác biệt đến như vậy để có thể thực hiện sứ vụ phổ quát của mình? Ngay cả việc bắt chuyện làm quen xem ra bất khả thi. Phải nhấn mạnh ở đây cuộc đối thoại khởi đi từ sáng kiến của Đức Giê-su (4, 7). Không những Ngài có sáng kiến bắt chuyện với chị, nhưng còn điều khiển cuộc đối thoại từ đầu cho đến cuối ngõ hầu chị có thể nhận ra chân tính của người đang nói với chị.
Trước lời từ chối đầy thách thức của người phụ nữ Sa-ma-ri, Đức Giê-su đáp: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (4, 10). Trong lời phát biểu thứ nhất của mình, Đức Giê-su đồng hóa “ân huệ Thiên Chúa ban” với “nước hằng sống Ngài (người ấy) ban”, đồng thời hoán chuyển vai trò giữa người xin và người cho: Đức Giê-su, người xin chị một chút nước uống, đề nghị ban cho chị “nước hằng sống”, với điều kiện là “nếu chị nhận ra” chân tính của Ngài, “người nói với chị”.
Ngay từ đầu câu chuyện, Chúa Giê-su xin người phụ nữ một chút nước để giải khát (4, 7), nước mà Ngài xin không gì khác hơn là nước mát trong chảy ra từ giếng Gia-cóp. Chỉ ở nơi lời mời gọi của Ngài (4, 10), nước mà Ngài đề nghị ban cho chị là “nước hằng sống”, không thuộc cùng một bình diện giá trị với nước mà Ngài xin chị. Như vậy cuộc đối thoại phát triển theo một sự đối lập giữa “nước giếng Gia-cóp” mà Ngài xin chị và “nước hằng sống” mà Ngài đề nghị ban cho chị. Vì thế, cần thiết phải khảo sát ý nghĩa của “nước hằng sống” mà bản văn muốn nói với chúng ta ở đây.
“Nước hằng sống” quy chiếu đến những biểu tượng rất phong phú. Trong ngôn ngữ dân gian, “nước hằng sống” chỉ nước mát trong chảy ra tận nguồn, đối lập với nước chứa đựng trong ao hồ tù đọng, trong các bể chứa nước. Đối với xứ Pa-lét-tin bao quanh bởi sa mạc, nước là yếu tố tất yếu đem lại một cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc.[3] Trong môi trường mà nước đem lại sự sống, thịnh vượng và hạnh phúc cho muôn loài muôn vật, dân Cựu Ước gặp thấy ở nơi “nước hằng sống” một hình ảnh tuyệt vời để tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa (X. Tv 1, 1-3; Gr 17, 7-8).
Kể từ thời lưu đày ở Ba-by-lon, người ta quan niệm hạnh phúc vượt lên trên những thực tại vật chất và phú túc trần thế, lúc đó “nước hằng sống” biểu tượng những giá trị tinh thần. Đối với truyền thống kinh sư và minh triết, “nước hằng sống” biểu tượng những ân huệ lớn lao nhất Đức Chúa ban cho dân Ngài, đó là Lề Luật, Lời Thiên Chúa hay Mặc Khải ban sự sống.[4] Đối với truyền thống ngôn sứ,“nước hằng sống” biểu tượng những ân huệ thiện hảo Thiên Chúa ban cho dân Ngài vào thời Thiên Sai.[5] Sách “Khải Huyền”, cùng một truyền thống với sách Tin Mừng Thứ Tư, giới thiệu Đức Giê-su là “Con Chiên đang ngự ở giữa ngai, sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước hằng sống”.[6]
Đức Giê-su lợi dụng biểu tượng phong phú của “nước hằng sống” để mời gọi người phụ nữ khám phá chân tính của Ngài, Đấng ban “nước hằng sống”, tức là Lời của Ngài, Mặc Khải thần linh. Với lời mời gọi này, giếng Gia-cóp ban nước mát trong tận nguồn cho dân Sa-ma-ri vẫn ở đó, nhưng nhường chỗ cho sự hiện diện của Đấng “từ nguồn sung mãn của Người, chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (1, 16). Cặp đối kháng: “ông là người Do Thái” và “tôi là người phụ nữ Sa-ma-ri”, vẫn hiện diện ở đó, nhưng bị vượt qua bởi sự hiện diện của Đấng là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (1, 14) và là hiện thân của Thiên Chúa: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (1, 18).
B- Nước Hằng Sống, ân ban Thánh Thần (4, 13-14):
Trong lời phát biểu thứ nhất, lời mời gọi của Chúa Giê-su ở thể “điều kiện” diễn tả lời đề nghị. Nếu chị nhận ra chân tính của người đang nói với chị, lời đề nghị này tức khắc sẽ trở thành hiện thực. Lúc đó, nước hằng sống Ngài ban chính là Mặc Khải của Ngài.
Nhưng người phụ nữ chưa nắm bắt được thực tại tinh thần của biểu tượng, chị vẫn còn nghi ngại trước vẻ bên ngoài của người khách lạ, vì thế chị vẫn còn bám chặt vào thực tại vật chất của nước giếng mà tổ phụ Gia-cóp đã ban cho dân Sa-ma-ri một cách phong phú. Trong câu đáp của mình, người phụ nữ “nhắm hai mục đích”: trước hết, lời của chị vang lên như thách thức: “Thưa ông, ông không có gàu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?” (4, 11); thứ nữa, khi hỏi vặn lại: “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này?” (4, 12), chị ngụ ‎ý rằng truyền thống tâm linh của dân tộc chị có từ lâu đời lên đến tận tổ phụ Gia-cóp, qua đó chị bác bỏ những phê phán của dân Do Thái xem dân tộc chị là ngoại giáo hay lạc giáo.[7]
Ở đây, tác giả sử dụng “phương pháp ngộ nhận” như trước đây trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô (3, 4) và sau này trong cuộc đối thoại với các môn đệ của Ngài (4, 33). Phương pháp này không nhằm nhấn mạnh sự chậm hiểu của người đối thoại, nhưng là một cơ hội giúp Đức Giê-su khai triển sâu xa hơn và rõ ràng hơn điều Ngài muốn nói ngõ hầu người đối thoại nắm bắt được thực tại mà Ngài muốn hướng đến. Sự ngộ nhận của chị cho phép Đức Giê-su khai triển sâu xa hơn khi trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (4, 13-14).
Trong lời phát biểu thứ nhất của Đức Giê-su (4, 10), đối tượng mà Chúa Giê-su trực tiếp nhắm đến không ai khác hơn là người phụ nữ Sa-ma-ri ở nơi danh xưng xác định: “chị”. Trái lại, trong lời phát biểu thứ hai của Đức Giê-su (4, 13-14), đối tượng mà Ngài nhắm đến là “ai” một danh xưng không xác định, và các động từ không còn ở thể điều kiện (“nếu chị nhận ra”) nhưng ở thời tương lai để diễn tả lời hứa. Vì thế, mối quan hệ mà Đức Giê-su nhắm đến với “ai” này ở bên kia người phụ nữ và trong tương lai.
Trong lời phát biểu thứ hai, Đức Giê-su phân biệt rất rõ nước giếng Gia-cóp: “Ai uống nước này, sẽ còn khát”, với nước mà Ngài ban: “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”, lý do là “nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (4, 13). Như vậy, nước mà Ngài ban khác với nước giếng Gia-cóp, không còn ở trên bình diện tự nhiên của nước mát trong chảy ra tận nguồn, nhưng thuộc về bình diện siêu nhiên. Qua câu phát biểu này, Đức Giê-su tỏ mình ra Ngài chính là Đấng ban ân huệ tuyệt hảo của Thiên Chúa cho nhân loại. Vì thế, Ngài mời gọi hãy thủ đắc và nội tâm hóa ân huệ Ngài ban để ân huệ ấy “sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Vậy ân huệ tuyệt hảo mà Đức Giê-su hứa ban là gì?
Kiểu nói: “Ai uống nước này sẽ lại khát” đã được tác giả sách Huấn Ca sử dụng rồi: “Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát (Hc 24, 21) để diễn tả rằng ai đã một lần được diễm phúc nếm sự Khôn Ngoan thần linh, tức “Lề Luật” hay “Lời Thiên Chúa”, sẽ ước muốn được nếm mãi không thôi. Kiểu nói: “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa được gặp thấy trong viễn cảnh thời Thiên Sai mà ngôn sứ I-sai-a đã loan báo: “Chúng sẽ không phải đói phải khát… vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào” (Is 49, 10). Trong Tin Mừng Thứ Tư, kiểu nói phủ định kép nhấn mạnh ân huệ tuyệt hảo thời Thiên Sai mà Đức Giê-su ban: “Tôi là bánh hằng sống. Ai đến với tôi, không hề đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ (Ga 6, 35).
Để khám phá ân huệ tuyệt hảo Đức Giê-su hứa ban, các nhà chuyên môn đối chiếu Ga 4, 13-14 với Ga 7, 37-39. Trong Ga 7, 37-39, khi mọi người đang long trọng cử hành nghi thức rước nước vào ngày bế mạc lễ Lều, Chúa Giê-su cất tiếng mời gọi: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi hãy đến mà uống” (7, 37), “nước” mà Đức Giê-su muốn nói ở đây là Lời của Ngài, tức là Mặc Khải mà Ngài ban ngay từ bây giờ. Tiếp đó, Đức Giê-su trích dẫn Kinh Thánh: “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (7, 38), được tác giả giải thích: “Đức Giê-su muốn nói đến Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận, và xác định thời điểm: “Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh (7, 39). Như vậy, tác giả phân biệt hai thời kỳ: trong thời kỳ hiện nay Đức Giê-su ban Mặc Khải của Ngài và trong thời kỳ tương lai Ngài ban Thánh Thần.
Như vậy, ân huệ tuyệt hảo mà Đức Giê-su hứa ban là Thánh Thần vào giờ Ngài được tôn vinh, giờ Tử Nạn của Ngài: “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19, 30), được biểu tượng bởi “nước và máu” tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài (19, 34). Ân ban Thánh Thần liên kết với giờ Đức Giê-su được tôn vinh tức khắc “sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”. Lúc đó, cốt yếu là một cuộc sống mới, một thực tại mới vốn nội tại trong lòng người tín hữu. Vì thế, người tín hữu sẽ không còn phải uống nơi mạch nước bên ngoài bởi vì họ đã sở hữu trong họ một mạch nước thường hằng tuôn trào mọi nhu cầu cần thiết cho một đời sống sung mãn. Đó là “những của tốt lành” theo thánh Mát-thêu (Mt 7, 11) và là “Thánh Thần” theo thánh Lu-ca (Lc 11, 13) được ban cho những ai kêu xin với Cha trên trời.
Cũng như Ga 7, 37-39, cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ Sa-ma-ri được phân biệt thành hai thời kỳ. Trong thời kỳ thứ nhất, “nước hằng sống” Đức Giê-su đề nghị ban cho chị ngay từ bây giờ nếu chị nhận ra chân tính của Ngài, người đang nói chuyện với chị, đó là ân ban Mặc Khải. Trong thời kỳ thứ hai, “nước hằng sống” mà Chúa hứa ban cho ai tin vào Ngài trong tương lai, đó là ân ban Thánh Thần vào giờ Ngài được tôn vinh trên thập giá. Tuy phân biệt hai thời kỳ, nhưng chỉ có một Mặc Khải duy nhất của Đức Giê-su tại thế được Thánh Thần hướng dẫn và soi sáng vào thời của Giáo Hội.
Trong Tiệc Ly, Đức Giê-su đã hứa với các môn đệ về ân ban Thánh Thần, “Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (14, 17), “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14, 26) và “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn… Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (16, 13). Thánh Thần này sẽ được ban cho Giáo Hội mà các Tông Đồ đại diện trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (20, 22).

2- Đời tư của người phụ nữ Sa-ma-ri (4, 15-19)

Chủ đề “nước hằng sống” xem ra đến hồi kết thúc khi chị chấp nhận lời đề nghị của Đức Giê-su ở câu 10 về sự hoán chuyển vai trò giữa người xin và người cho: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (4, 15). Tuy nhiên, lời đáp lại của chị cho thấy chị vẫn chưa nắm bắt biểu tượng của “nước hằng sống” mà Ngài muốn chị đạt đến và chân tính của Ngài mà Ngài muốn chị nhận ra. Vì thế, để cuộc đối thoại vẫn tiếp tục, Chúa Giê-su nói với chị: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây” (4, 16). Trước lời yêu cầu của Ngài, chị đáp: “Tôi không có chồng”. Đức Giê-su vén mở đời tư của chị: “Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị nói đúng” (4, 17-18).
Người đọc tự hỏi chủ đề “chồng” (4, 16-19) được xen vào đây có mối liên hệ nào với chủ đề “nước hằng sống” đi trước, và với chủ đề “thờ phượng đích thật” theo sau. Vài nhà chuyên môn đối chiếu câu chuyện của người phụ nữ hồn nhiên, thẳng thắn và bạo dạn này (4, 16-19) với câu chuyện của ông Na-tha-na-en (1, 43-49). Để cuộc nói chuyện có thể tiếp tục, Đức Giê-su chứng tỏ cho chị thấy là Ngài có một sự hiểu biết siêu phàm về đời tư của chị như Ngài đã làm đối với Na-tha-na-en. Cho dù đã không đạt được lời tuyên xưng như Na-tha-na-en (1, 49), chị nhận ra rằng người này không thể biết được đời tư của chị, nếu không là sứ giả của Thiên Chúa; vì thế, chị tuyên xưng: “Thưa ông, tôi thấy ông là một ngôn sứ” (4, 19). Khởi đi từ đó, chị bắt đầu thổ lộ với Đức Giê-su một vấn nạn về cuộc xung đột nơi thờ phượng giữa hai tôn giáo. Như vậy, phân đoạn này đóng chức năng chuyển tiếp giữa chủ đề “nước hằng sống” đi trước và chủ đề “thờ phượng đích thật” theo sau.
Tuy nhiên, những nhà chuyên môn khác bác bỏ cách giải thích trên, vì toàn bộ câu chuyện này thuộc trật tự biểu tượng, nên không thể giới hạn vào cuộc sống riêng tư được. Vì thế, họ quy chiếu đến 2V 17, 24-34 kể lịch sử tôn giáo của dân Sa-ma-ri. Để dễ bề cai trị các dân tộc trong đế quốc rộng lớn của mình, vua Át-sua dùng chính sách hoán chuyển dân cư bằng cách lưu đày năm dân tộc khác đến Sa-ma-ri và lưu đày dân Sa-ma-ri đến Át-sua. Vì thế, “họ kính sợ Đức Chúa nhưng cũng phụng thờ các thần của họ, theo cách tôn thờ của các dân mà họ đã rời bỏ khi bị lưu đày. Cho đến ngày nay họ vẫn theo cách tôn thờ xưa kia của họ” (2V 17, 33-34).
Khi Chúa Giê-su trả lời người phụ nữ Sa-ma-ri: “Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (4, 18), Ngài ám chỉ tôn giáo hỗn hợp của dân Sa-ma-ri: hiện nay họ không chỉ tôn thờ Đức Chúa, nhưng còn cả năm thần minh của các dân tộc. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã thường chỉ trích nặng lời cách sống của dân Chúa vì họ vừa thờ phượng Đức Chúa của mình vừa chạy theo các thần minh của các dân ngoại.[8] Vì thế, chị nhận ra chân tính của Ngài: “Thưa ông, tôi thấy ông là một ngôn sứ” (4. 19). Điều này chuẩn bị cho một cuộc tranh luận về chủ đề thờ phượng đích thật theo sau.

3- Thờ phượng đích thật (4, 20-26)

Trong cuộc trao đổi riêng tư của Chúa Giê-su với người phụ nữ về chủ đề “thờ phượng đích thật”, trước hết Đức Giê-su mặc khải thờ phượng mới (4, 20-24), cuối cùng Ngài tỏ mình ra Ngài chính là Đấng Mê-si-a mà dân tộc của chị đang mong đợi (4, 25-26).
A- Chúa Giê-su mặc khải thờ phượng mới (4, 20-24):
Trong phân đoạn 4, 20-26, các câu 4, 20-24 được cấu trúc thành “cặp đối xứng xen kẽ” như sau:
a- “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa” (4, 20).
b- “Này chị, chị hãy tin tôi: đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha, không phải trên núi này cũng không tại Giê-ru-sa-lem” (4, 21).
a’- “Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ Do Thái” (4, 22).
b’- “Nhưng giờ đến – và chính lúc này đây – giờ những người  thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha trong thần khí  và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những người thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (4, 23-24).
Trong cặp đối xứng xen kẽ của a và a’, người phụ nữ nêu ra vấn đề về sự xung đột nơi thờ phượng giữa dân Do Thái và dân Sa-ma-ri (a: 4, 20), trong khi Đức Giê-su trả lời cho chị về vấn nạn này (a’: 4, 22). Cả a và a’ được liên kết với nhau bởi cặp danh xưng: “cha ông chúng tôi” và “các ông” ở nơi vấn nạn mà người phụ nữ nêu lên và bởi cặp danh xưng: “các người” và “chúng tôi” ở nơi câu trả lời của Chúa Giê-su.
Trong cặp đối xứng xen kẽ của b và b’, Đức Giê-su loan báo việc thờ phượng mới (b: 4, 21), và tiếp đó Ngài giải thích việc thờ phượng mới này (b’: 4, 23-24). Cả b và b’ được liên kết với nhau bằng diễn ngữ thời gian: “đã đến giờ” và “giờ đã đến” được tăng cường “và chính là lúc này đây”.
a- Sự xung đột nơi thờ phượng (a-4, 20 và a’-4, 22):
Trước hết, chúng ta phải ghi nhận cuộc xung đột nơi thờ phượng mà người phụ nữ nêu lên đi từ quá khứ đến hiện tại: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa” (4, 20).
Trong vế thứ nhất, động từ ở thì quá khứ với chủ từ ngôi thứ ba số nhiều: “cha ông chúng tôi”, nhấn mạnh truyền thống lâu đời của việc thờ phượng trên núi Ga-ri-dim; còn trong vế thứ hai, động từ ở thì hiện tại với chủ từ ngôi thứ hai số nhiều: “các ông”, nhấn mạnh cuộc xung đột hiện nay giữa hai dân tộc này về nơi thờ phượng: đền thờ Ga-ri-dim và đền thờ Giê-ru-sa-lem.
Đối với dân Do Thái, nơi thờ phượng Thiên Chúa xứng đáng duy nhất là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đối với dân Sa-ma-ri, nơi thờ phượng Thiên Chúa xứng đáng duy nhất là Đền Thờ Ga-ri-dim, bởi vì chính nơi đó tổ phụ Áp-ra-ham và tổ phụ Gia-cóp dựng bàn thờ (St 12, 7; 33, 20), chính nơi đó dân được chúc phúc (Đnl 11, 29; 27, 12), và chính nơi đó Thiên Chúa đã đích thân truyền lệnh xây cất một đền thờ (Đnl 27, 4-5).[9](1) Trong kinh Tin Kính của dân Sa-ma-ri, họ tuyên xưng: “Niềm tin của tôi ở nơi Ngài, Đức Chúa, và ở nơi Mô-sê, con của Am-ram, tôi tớ của Ngài, và trong To-ra thánh, và trong núi Ga-ri-dim, nhà Thiên Chúa, nơi được chọn và được hiến thánh.[10]
Để trả lời cho sự xung đột nơi thờ phượng mà người phụ nữ nêu ra, Chúa Giê-su đưa ra một sự đối lập: “Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết” (4, 22). Qua câu trả lời đối lập, Đức Giê-su khẳng định quyền ưu tiên thờ phượng của dân Do Thái. Việc thờ phượng của dân Sa-ma-ri có giá trị riêng của nó. Tuy nhiên, Mặc Khải Cựu Ước mà dân Sa-ma-ri bảo tồn chỉ giới hạn vào Ngũ Thư (“To-ra”) mà không có các ngôn sứ và các sách thánh khác,[11] vì thế họ không biết rằng Thiên Chúa đã mặc khải ý định cứu độ của Ngài qua các ngôn sứ và trong “lịch sử của dân Ngài”. Do đó, dân Sa-ma-ri biết rõ bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, nhưng họ không biết kế hoạch cứu độ của Ngài.
Tóm lại, quyền ưu tiên của Do Thái giáo không đơn giản là “thờ phượng Thiên Chúa”, nhưng cốt ở nơi việc chuẩn bị dần dần mầu nhiệm Nhập Thể: “Vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái” (4, 22). Lời xác quyết ngắn gọn này có một tầm quan trọng đối với độc giả thời Giáo Hội tiên khởi. Khi sống trong sự đoạn tuyệt đau đớn giữa Giáo Hội và Hội Đường, người Ki-tô hữu có nguy cơ loại bỏ Mặc Khải Cựu Ước, trong đó sứ điệp Tin Mừng được cắm rễ sâu. Mặc Khải Cựu Ước chuyển tải lịch sử cứu độ và lời hứa mà Đức Giê-su đến để thực hiện và hoàn thành.
b- Thờ phượng mới mà Đức Giê-su loan báo (b-4, 21 và b’-4, 23-24):
Tuy nhiên, Đức Giê-su không để cho mình bị vướng mắc vào một cuộc tranh luận không có lối thoát giữa hai dân tộc này. Điều mà Ngài muốn mặc khải là một thờ phượng mới ở bên kia những phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia, đồng thời mở ra một viễn cảnh phổ quát. Viễn cảnh này được diễn tả bởi những diễn ngữ thời gian và phủ định kép: “Này chị, chị hãy tin tôi: đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha, không phải trên núi này cũng không tại Giê-ru-sa-lem (4, 21) và được Ngài giải thích: “Nhưng giờ đã đến  và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những người thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (4, 23-24).
Câu trả lời của Chúa Giê-su về sự thờ phượng mới ở 4, 21 và ở 4, 23-24 đều bắt đầu với cặp diễn ngữ chỉ thời gian: “đã đến giờ” và “giờ đã đến” được theo sau bởi các động từ đều ở thời tương lai. Đặc biệt ở câu 23, diễn ngữ “giờ đã đến” được tăng cường bởi “chính là lúc này đây” để diễn tả điều đang xảy ra và sắp trở thành hiện thực trong một tương lai gần. Đối với Đức Giê-su, sự thờ phượng mới được liên kết với “giờ” mầu nhiệm khi Ngài hoàn thành công trình cứu độ của Ngài được gợi ra ở 2, 4: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” và được tái khẳng định ở 13, 1:
“Trước lễ vượt qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha”. Khi thêm vào: “chính là lúc này đây”, tác giả nhấn mạnh giờ này được ban ngay lúc này cho người phụ nữ Sa-ma-ri tùy theo mức độ chị khám phá chân tính của “người đang nói với chị”, Đấng mà Chúa Cha sai đến với mục đích là “mặc khải Chúa Cha”.
Việc thờ phượng mới này được xác định bởi cụm từ “trong thần khí và sự thật”. Cụm từ Hy-lạp này được hình thành bởi một cặp từ: “thần khí” và “sự thật” không có mạo từ muốn nói lên điều gì? Theo các nhà chú giải, đây là kỹ thuật văn chương rất quen thuộc của Tin Mừng Gioan được gọi là “phép thế đôi” (“hendiadys”), theo đó hai từ ngữ có cùng một chức năng văn phạm như nhau, thì từ ngữ thứ hai đóng chức năng bổ nghĩa cho từ ngữ thứ nhất để diễn tả một khái niệm duy nhất: ví dụ “trong quyền năng và Thánh Thần”, nghĩa là “trong quyền năng của Thánh Thần”, như vậy “trong thần khí và sự thật”, nghĩa là “trong thần khí của sự thật”.
Tuy nhiên, các nhà chú giải hiểu cụm từ này theo hai cách khác nhau, tùy thuộc vào cách hiểu “thần khí” như thế nào. Theo cách hiểu thứ nhất, “thần khí” ở đây chỉ “tinh thần phàm nhân” được xác định phẩm chất bởi “sự thật”, nghĩa là “thờ phượng Chúa Cha với trọn tấm lòng chân thật”. Như vậy, theo cách hiểu này, đây là lời kêu gọi thờ phượng Chúa Cha với trọn tấm lòng chân thật đối lập với việc thờ phượng vụ hình thức cả trong đền thờ Giê-ru-sa-lem lẫn trong đền thờ Ga-ri-dim. Vì thế, “thờ phượng Chúa Cha với trọn tấm lòng thành” không gì khác hơn là “nên một lòng một ‎dạ với ý muốn của Chúa Cha”. Cách giải thích này được nâng đỡ bởi truyền thống ngôn sứ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Is 29, 13) hay “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2, 13).
Tuy nhiên, cách giải thích này nêu lên vấn đề. Từ ngữ “thần khí” được hiểu theo nghĩa “tinh thần phàm nhân” thì xa lạ với Tin Mừng Gioan. Trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, từ ngữ “thần khí” chỉ rõ “Thánh Thần” (3, 5-8; x. 3, 34). Trong cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ về nước hằng sống (4: 13-15), “nước hằng sống” biểu tượng một ân ban kép: Mặc Khải (trước giờ Ngài được tôn vinh) và Thánh Thần (sau giờ Ngài được tôn vinh). Vì thế, trong cuộc đối thoại với chị về việc thờ phượng đích thật, ân huệ mà Đức Giê-su ban cho chị ngay từ bây giờ là “Mặc Khải” của Ngài và ân huệ Ngài hứa ban qua chị cho các tín hữu trong tương lai gần không gì khác hơn là “Thần Khí sự thật”.
Như vậy, thờ phượng đích thật vào thời Thiên Sai được nuôi dưỡng bằng Mặc Khải của Đức Ki-tô dưới tác động của “Thần Khí sự thật”, Đấng mà Đức Giê-su sẽ vén mở nhiều lần cho các môn đệ trong Tiệc Ly (x. Ga 14, 23-26; 16, 13-14), Đấng mà Ngài sẽ ban cho toàn thể nhân loại khi Ngài hoàn tất chương trình cứu độ trên thập giá: “Đức Giê-su nói: ‘Thế là đã hoàn tất!’ Rồi Người gục đầu xuống và trao ban Thần Khí” (19, 30) và Đấng mà Ngài sẽ trao ban cho các Tông Đồ sau khi Ngài sống lại: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).
“Thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí sự thật” là thờ phượng căn cứ trên Mặc Khải của Đức Giê-su, Đấng hiện thân “Sự Thật của Chúa Cha” ở giữa loài người (x. Ga 1, 14, 17; 8, 31; 14, 16). Mặc Khải này được ban một lần cho tất cả trong cuộc đời tại thế của Đức Giê-su, nhưng có tính quyết định vĩnh viễn cho vận mệnh của toàn thể nhân loại. Chính Thần Khí sự thật nội tâm hóa Mặc Khải của Đức Giê-su vào trong lòng của những người tín hữu để “trở thành một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (4, 15).
Như vậy, “thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí sự thật” không còn quy chiếu đến việc thờ phượng được cử hành tại đền thờ Giê-ru-sa-lem hay tại đền thờ Ga-ri-dim nữa, nhưng thờ phượng mới được xây dựng vững chắc trên Mặc Khải của Đức Giê-su dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng hiện diện giữa Giáo Hội và trong lòng của mỗi tín hữu. Vì thế, hai chủ đề của cuộc đối thoại: “nước hằng sống” (4, 7-15) và “thờ phượng đích thật” (4, 20-25), được nối kết chặt chẽ với nhau để diễn tả ân huệ kép mà Đức Giê-su ban: Mặc Khải và Thánh Thần. Cả hai đều quy chiếu đến chân tính của “Đấng đang nói với chị đây”.
B- Chúa Giê-su tỏ mình ra Ngài là Đấng Mê-si-a mà dân tộc chị mong đợi (4, 25-26):
Khởi đi từ đó, người phụ nữ Sa-ma-ri gởi gắm cho Chúa Giê-su niềm tin của dân tộc mình: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đấng Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự” (4, 25). Lời thú nhận của chị cho thấy Đấng Mê-si-a mà dân Sa-ma-ri mong đợi không phải là vua thuộc hậu duệ Đa-vít như dân Do Thái, nhưng là một vị ngôn sứ mà Thiên Chúa đã hứa với ông Mô-sê: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó” (Đnl 18, 18-19).
Trên bình diện cấu trúc và ngữ nghĩa, lời của người phụ nữ: “Tôi biết” ở 4, 25 đáp trả cho lời đề nghị của Đức Giê-su:“Nếu chị nhận ra” ở 4, 10. Ngay ở đầu câu chuyện, Đức Giê-su mời gọi chị khám phá chân tính của “người đang nói với chị”, giờ đây chị bày tỏ tâm thế sẵn sàng nhận ra Ngài: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến” (4, 25). Vì thế, để đáp lại lòng mong ước của dân Sa-ma-ri, Đức Giê-su tỏ mình ra cho người phụ nữ Sa-ma-ri Ngài là Đấng Mê-si-a mà chị vừa mới thổ lộ với Ngài: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (4, 26).
Trong miền đất được xem là ngoại giáo và lạc giáo này, Đức Giê-su tỏ mình ra là Đấng Mê-si-a mà dân Sa-ma-ri trông chờ, một Đấng Mê-si-a ở bên kia dân Do Thái. Cuộc đối thoại khởi đi từ lời mời gọi khám phá chân tính của “người đang nói với chị” (4, 10) và hoàn tất ở nơi lời công bố của Đức Giê-su: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (4, 26). Đó chính là Đấng mà sau này chị sẽ đích thân loan báo Ngài cho những người đồng hương của chị: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (4, 29).

II- CUỘC GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI, LẮNG NGHE VÀ LOAN BÁO CỦA CHÚA GIÊ-SU VỚI DÂN SA-MA-RI (4, 30.39-42)

Chúng ta ghi nhận rằng câu chuyện của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri và câu chuyện của Đức Giê-su với dân Sa-ma-ri không đơn giản được đặt chồng lên nhau, nhưng được đan quyện vào nhau đến mức cả hai trở thành một câu chuyện về sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su tại Sa-ma-ri. Quả thật, trong câu chuyện của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri, dân Sa-ma-ri hiện diện ở nơi vấn nạn về sự xung đột nơi thờ phượng mà chị nêu ra với Chúa Giê-su qua danh xưng: “cha ông chúng tôi” đối lại với “các ông”, cũng như ở nơi câu trả lời của Đức Giê-su với chị qua danh xưng: “các người” đối lại với “chúng tôi”. Cũng như trong câu chuyện của Đức Giê-su với dân Sa-ma-ri, người phụ nữ cũng không hoàn toàn biến mất, nhưng chị hiện diện như nhân chứng đầu tiên khởi động niềm tin của dân Sa-ma-ri qua lời thú nhận của dân Sa-ma-ri ở cuối câu chuyện: “Không phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (4, 42). Trong Tin Mừng của mình, tác giả thường nói về một cá nhân đại diện cho tập thể, như ông An-rê đại diện cho hai môn đệ đầu tiên gặp gỡ Đức Giê-su (1, 41), ông Ni-cô-đê-mô đại diện cho dân Do Thái (3, 11), người môn đệ Chúa Giê-su yêu mến đại diện cho Giáo Hội của Ngài (19, 27), cô Ma-ri-a Mác-đa-la đại diện cho nhóm các người phụ nữ trung tín với Đức Giê-su (20, 2), ngay như Đức Giê-su cũng nói thay cho Ki-tô giáo (3, 11) và Do Thái giáo (4, 22).

1- Niềm tin của người phụ nữ Sa-ma-ri

Chuyển động niềm tin của dân Sa-ma-ri được mô tả rất tích cực và năng động: “Họ ra khỏi thành và đến gặp Đức Giê-su” (4, 30), “họ xin Người ở lại với họ” (4, 40), “họ lắng nghe lời Ngài” và cuối cùng “họ tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu Độ thế gian” (4, 42) như đỉnh cao niềm tin của người Ki-tô hữu vào Đức Giê-su. Sự chuyển động tích cực và năng động của niềm tin dân Sa-ma-ri khiến Đức Giê-su phấn khởi mời gọi các môn đệ: “Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái” (4, 35). Không ai chối cãi rằng tác nhân khởi động niềm tin của dân Sa-ma-ri là do bởi lời chứng của người phụ nữ Sa-ma-ri: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (4, 29). Chính lời chứng của chị là chất xúc tác thúc đẩy chuyển động niềm tin của dân Sa-ma-ri vào Đức Giê-su: “Họ ra khỏi thành và đến gặp Người” (4, 30). Vì thế, chúng ta sẽ tìm hiểu niềm tin của người phụ nữ trước khi tìm hiểu niềm tin của dân Sa-ma-ri. Niềm tin của người phụ nữ được đánh giá theo hai cách khác nhau:
A- Nhận xét tiêu cực:
Căn cứ trên lời loan báo của chị dưới dạng thức nghi vấn: “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?”, H. van Bussche nhận xét rằng “Người phụ nữ xứ Sa-ma-ri của bản văn không là người loan báo Tin Mừng, cũng không là người tín hữu đích thật”, bởi vì lời loan báo của chị vẫn còn rất xa tiếng kêu phấn khởi của ông An-rê: “Chúng tôi đã gặp được Mê-si-a (nghĩa là Đấng Ki-tô)” (1, 41) và lời tuyên xưng tràn đầy niềm tin của ông Na-tha-na-en: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en” (1: 49).[12]
B- Nhận xét tích cực:
Trái lại, theo Adrien Lenglet,[13] lịch sử niềm tin của người phụ nữ Sa-ma-ri đóng chức năng như “quan hệ nhân quả” đối với lịch sử niềm tin của dân Sa-ma-ri. Căn cứ trên bản văn, cách diễn tả của dân Sa-ma-ri: “vì lời người phụ nữ làm chứng” (4, 39) và “vì lời chị kể” (4, 42), tự nó khẳng định quan hệ nhân quả giữa người loan báo với người nhận lời loan báo. Chính cũng một động từ Hy-lạp “làm chứng” mà trước đây tác giả đã sử dụng để mô tả sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, chứng nhân đích thật của Đức Giê-su (x. Ga 1, 6-8.15.32.34; 3, 26), giờ đây được dùng để mô tả hành động của chị, người đầu tiên được diễm phúc khám phá Đức Giê-su, Đấng mà dân tộc chị đang mong đợi. Không một chút chậm trễ, chị vội vã trở về thị trấn để loan báo Tin Mừng cho đồng hương của chị và đồng hương của chị đón nhận cách tích cực (x. Ga 4, 28-29.39.42).
Theo Léon Dufour,[14] còn hơn cả nguyên nhân khí cụ, chị là “nguyên nhân mẫu mực”, vì cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su với chị bên bờ giếng Gia-cóp đóng chức năng “hoàn cảnh-tiêu biểu” cho mỗi lộ trình của niềm tin. Quả thật, tác giả đã gói ghém tất cả tác động tích cực của cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Đức Giê-su trên cuộc đời của chị ở nơi chi tiết chắt lọc này: “Người phụ nữ để vò nước lại” (4, 28). Phải thấy ở nơi chi tiết chọn lọc này một sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời của chị. Ở đầu câu chuyện, chị đến giếng Gia-cóp không nhằm mục đích nào khác ngoài việc múc nước giếng Gia-cóp (4, 7). Trong cuộc đối thoại với Đức Giê-su, chị xem giếng Gia-cóp như gia sản quý‎ giá nhất ban nước mát trong chảy ra tận nguồn cho dân Sa-ma-ri (4, 12), và khi ngỏ lời xin nước hằng sống mà Ngài đề nghị ban cho chị, chị xác định l‎ý do rõ ràng “để tôi hết khát và khỏi đến đây lấy nước” (4, 15). Như vậy, khi trở về với đồng hương của mình, việc để lại vò nước làm chứng rằng chị không cần đến nơi giếng Gia-cóp này để múc nước nữa, bởi vì chị đã gặp thấy ở nơi Đức Giê-su nguồn mạch mà chị và dân tộc chị khao khát. Chi tiết này chỉ ra rằng từ nay chị có thể đặt trọn niềm tin tưởng vào Lời của Đức Giê-su. Không một chút trì hoãn, chị đặt mình vào việc phục vụ Mặc Khải bên cạnh đồng hương của chị.
Thật ra, lời loan báo của chị được diễn tả dưới dạng thức nghi vấn nói lên thái độ thận trọng của chứng nhân. Nhưng rõ ràng lời loan báo của chị được đồng bào của chị hoan hỷ đón nhận và đáp trả bằng thái độ tích cực. Vì thế, không thể nào chối cãi, lời chứng của chị phải có sức hấp dẫn lôi cuốn đủ mới có thể thuyết phục đồng hương của mình “ra khỏi thành và đến gặp Đức Giê-su” (4, 30). Điều này cho thấy chị thật sự là người loan báo Tin Mừng mẫu mực: niềm tin của chị phải có sức nồng nàn đủ mới có thể thôi thúc sự chuyển động niềm tin của dân Sa-ma-ri cất bước lên đường đến gặp gỡ Đức Giê-su bên bờ giếng. Chúng ta có thể gặp thấy ở nơi chị dáng dấp của bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, bà vội vã ra đi loan báo Tin Mừng cho các môn đệ. Lời loan báo của bà được tác giả thuật lại vừa trực tiếp: “Tôi đã thấy Chúa”, vừa gián tiếp: “và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20, 18).

2- Niềm tin của dân Sa-ma-ri

Tác giả không lý tưởng hóa nhân vật của mình. Niềm tin của người phụ nữ Sa-ma-ri thật sự cần thời gian để đạt đến độ chín mùi. Tuy nhiên, không ai chối cãi rằng niềm tin của chị vừa là khởi điểm niềm tin của dân Sa-ma-ri: “Họ ra khỏi thành và đến gặp Người”(4, 30) vừa là đích điểm niềm tin của họ như lời thú nhận của họ: “Không phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (4, 42).
A- Khởi điểm niềm tin của dân Sa-ma-ri
Việc dân Sa-ma-ri lên đường đến với Đức Giê-su liệu có thể được giải thích một cách đơn giản là do bởi tính hiếu kỳ? Nhưng đâu là nguyên do của tính hiếu kỳ này, nếu không được thúc đẩy bởi lời loan báo này: “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (4, 29). Do đó, tính hiếu kỳ đánh thức niềm tin về Đấng mà dân Sa-ma-ri khát khao mong chờ trong cõi lòng sâu thẳm nhất của họ. Vì thế, việc họ lên đường đến với Ngài hàm chứa khởi điểm niềm tin rồi.
B- Đích điểm niềm tin của dân Sa-ma-ri
Niềm tin của dân Sa-ma-ri xuất phát từ lời chứng của người phụ nữ, tuy nhiên, niềm tin của họ không dừng lại chỉ ở nơi lời chứng này như lời nhận xét của tác giả: “Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa” (4, 41) và như lời thú nhận của họ: “Không phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (4, 42). L’Eplattenier nhận xét rằng: “Họ biết diễn tả bằng những lời mộc mạc đơn sơ tiến trình thông thường của lối vào đức tin: cuộc lên đường mà lời của chứng nhân thúc đẩy dẫn đến cuộc gặp gỡ cá nhân và lắng nghe Đức Giê-su đích thân”.[15]
Do đâu mà niềm tin của dân Sa-ma-ri vượt qua lời chứng của người phụ nữ nếu không phải là họ đã biết tận dụng hai ngày Đức Giê-su ở lại với họ để gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo của Ngài? Vì thế, niềm tin của họ không còn căn cứ trên lời chứng của người phụ nữ, nhưng từ kinh nghiệm cá nhân trong cuộc trao đổi riêng tư với Đức Giê-su. Lúc đó, câu 40: “Dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày” phải là trọng tâm của cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với dân Sa-ma-ri, trong đó động từ “ở lại” phải là động từ chủ chốt của cuộc gặp gỡ này. Vậy động từ “ở lại” có nghĩa gì ở đây? Đây là động từ tiêu biểu của Tin Mừng Gioan được dùng để định vị một sự hiện diện ở một nơi chốn vào một thời điểm nhất định. Ý nghĩa vật lý của thời gian và không gian này dẫn đến ‎ý nghĩa tinh thần của mối tâm giao. Thánh Gioan sử dụng động từ này theo ý nghĩa thần học để diễn tả mối quan hệ gắn bó với những thực tại thần linh như điểm đến của một trình tự tiếp cận.
Xin trích dẫn một ví dụ ở 1, 37-39: “Hai môn đệ nghe ông Gioan Tẩy Giả nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: ‘Các anh tìm gì thế?’. Họ đáp: ‘Thưa Thầy, Thầy ở đâu?’. Người bảo họ: ‘Đến mà xem’. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”. Đó là lộ trình đức tin mẫu mực của người tín hữu trong Tin Mừng Gioan, được mô tả qua một trình tự như sau: Trước hết, “Nghe lời chứng nhân, họ đến với Đức Giê-su”, đó là khởi điểm niềm tin. “Họ đến xem chỗ Người ở”, đó là xây dựng nền tảng đức tin trên kinh nghiệm của cuộc trao đổi riêng tư với Ngài. “Ở lại với Người”, đó là xác định cách sống của người môn đệ, khởi đi từ “ở lại với Người” cho đến “ở trong Người”“Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (14, 20).
Như câu chuyện của chúng ta, khi nghe lời chứng của người phụ nữ, “họ ra khỏi thành và đến gặp gỡ Người” (4, 29-30), đó là khởi điểm niềm tin của dân Sa-ma-ri. “Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người đến ở lại với họ” (4, 40a), trong đó động từ “ở lại” mang một ‎ý nghĩa không gian và thời gian vật lý được bổ túc bởi chiều kích quan hệ do động từ “xin” của dân Sa-ma-ri. Như vậy, động từ “ở lại” trên môi miệng của dân Sa-ma-ri, còn hơn cả lòng hiếu khách, diễn tả mối quan hệ gắn bó của dân Sa-ma-ri với Đức Giê-su và mối quan hệ này được Đức Giê-su đáp lại: “Và Người ở lại đó hai ngày” (4, 40b).
Câu chuyện về sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su tại Sa-ma-ri cho thấy một trình tự nghịch lý: nơi mà Đức Giê-su phải băng qua để thi hành sứ vụ của mình là lôi kéo dân cư này đến với Ngài, thì nơi đó Ngài để cho mình bị lôi kéo ở lại với họ. Như vậy, “Lời Loan Báo” trở thành “Lời Ở Lại” và “Nơi Qua Đường” trở thành “Nơi Cư Ngụ”. Thật kỳ diệu, “ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái” được đón tiếp nồng hậu ở miền đất ngoại giáo và lạc giáo ngoài Do Thái giáo và được tuyên xưng là “Đấng cứu độ trần gian”, nghĩa là Đấng ở bên kia tất cả mọi xung đột chủng tộc và tôn giáo. Sự nghịch lý này vang dội ngay ở đầu Tin Mừng của Gioan: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (1, 11-12).

KẾT LUẬN

Câu chuyện về sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su tại Sa-ma-ri mang đậm nét nhân bản và tôn giáo: độ nhạy bén trước nhu cầu vật chất và tinh thần của tha nhân. Câu chuyện này đòi hỏi phải kính trọng con người trong hai chiều kích: những giá trị trần thế và những giá trị tâm linh, những giá trị nhân bản và những giá trị tôn giáo. Khởi đầu là cuộc gặp gỡ. Cuộc “gặp gỡ” tự nó đòi hỏi sự hiện diện đích thân. Trong cuộc “đối thoại” với người phụ nữ, nhân vật đầu tiên của dân Sa-ma-ri đến giếng Gia-cóp, Đức Giê-su bắt chuyện với chị khởi đi từ nhu cầu cốt thiết nhất và chung nhất giữa hai người: nước vật chất mà người phụ nữ cần để đáp ứng cho cuộc sống thường ngày và người lữ hành cần để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Cuộc đối thoại bắt đầu cách tự nhiên và cũng phát triển cách tự nhiên từ nước vật chất đến nước tinh thần, từ nhu cầu thể lý đến nhu cầu tôn giáo. Nhờ “lắng nghe” nhau, cả hai, Đức Giê-su và người phụ nữ, đều “cho” và “nhận”: Đức Giê-su cho Mặc Khải của Ngài và đón nhận niềm tin của người phụ nữ Sa-ma-ri vào Ngài, còn người phụ nữ thì cho Ngài niềm khát vọng tôn giáo của chị cũng như của dân tộc chị và đón nhận Đấng là nguồn mạch của khát vọng này. Nhờ lời “loan báo” của Ngài: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (4, 26), Đức Giê-su đón nhận niềm tin của người phụ nữ, và nhờ lời loan báo của chị: “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (4, 28), Ngài đón nhận sự chuyển động niềm tin của dân Sa-ma-ri (4, 30) và cuối cùng lời tuyên xưng của dân Sa-ma-ri: “Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (4, 42).
Câu chuyện về sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su tại Sa-ma-ri cũng là khuôn mẫu sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội nối bước Đức Giê-su trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Đối với Giáo Hội, Lời của Đức Giê-su là Mặc Khải, nhưng cần phải có một hoàn cảnh và một miền đất cụ thể để Lời được loan báo. Hoàn cảnh trong câu chuyện là hoàn cảnh Đức Giê-su đã tạo ra khi quyết định băng qua miền Sa-ma-ri (4, 4). Miền đất được kể ra ở đây là xứ Sa-ma-ri được nuôi dưỡng bởi một bề dày của một lịch sử khác, một truyền thống văn hóa khác và một cách thức diễn tả niềm tin khác. Trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Sa-ma-ri, chính Chúa Giê-su là người chủ động bắt chuyện với chị và nắm bắt cơ hội mở ra cuộc đối thoại. Trong cuộc trao đổi riêng tư, người phụ nữ Sa-ma-ri thẳng thắn nêu lên với Chúa Giê-su những khác biệt này như một chướng ngại không thể vượt qua giữa dân Do Thái và dân Sa-ma-ri, còn Đức Giê-su thì vén mở cho chị chân tính và sứ vụ thần linh của Ngài. Nhưng nhờ lắng nghe nhau cách chân thành mà cuối cùng chính ở nơi mảnh đất này Đức Giê-su được tiếp đón nồng hậu và được tuyên xưng là “Đấng cứu độ trần gian” (4, 42).
Điều mà chúng ta muốn giữ lại từ câu chuyện này như khuôn mẫu sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội nối bước Đức Giê-su chính là trình tự “gặp gỡ”“đối thoại”“lắng nghe” và “loan báo”“Gặp gỡ” đòi hỏi sự hiện diện đích thân. Sự hiện diện đích thân tự nó nói lên sự kính trọng và thương yêu đối với người đối thoại. “Đối thoại” chính là thời gian thổ lộ tâm can, thời gian cởi mở tấm lòng từ hai phía. “Lắng nghe” chính là thời gian hiểu biết lòng nhau, thời gian vun đắp mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, thời gian phân định điều gì cần phải vượt qua để đạt được sự thật tròn đầy.
Để đáp ứng nhu cầu thiết thực của sự hiện diện đích thân, Ngôi Lời Vĩnh Cửu đã trở thành một phàm nhân và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1, 14). Trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giê-su như một nhà du thuyết rảo bước khắp nơi trong chốn hang cùng ngõ hẻm để gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng của họ và từ hoàn cảnh thực tế của họ mà Ngài loan báo Tin Mừng cho họ. Trong câu chuyện của chúng ta, để đáp ứng sự hiện diện đích thân này mà Chúa Giê-su đi một quãng đường xa trong cái nóng như thiêu như đốt đến bên bờ giếng Gia-cóp để gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri. Trong cuộc trao đổi riêng tư của Đức Giê-su với chị, chị đã hồn nhiên chân thành trao gởi cho Đức Giê-su vấn nạn của dân tộc chị về chủng tộc và tôn giáo, trong khi Đức Giê-su vén mở cho chị chân tính mầu nhiệm và sứ vụ của Ngài. Như vậy, trình tự gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tự nó cũng là tiến trình “loan báo”.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng đối thoại phải nhắm đến “loan báo” như đỉnh cao, nếu không, đối thoại không thể được gọi là sứ vụ truyền giáo: “Ước muốn đối thoại không phải chỉ là một kế hoạch để sống chung hòa bình giữa các dân tộc; nhưng còn là một phần thiết yếu trong sứ mạng Giáo Hội, vì nó xuất phát từ chính cuộc đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chỉ có thể hoàn thành sứ mạng của mình theo một cách tương ứng với cách Thiên Chúa đã làm trong Đức Giê-su Ki-tô: Ngài trở thành con người, chia sẻ cuộc sống con người với chúng ta và nói bằng ngôn ngữ loài người để truyền thông sứ điệp cứu độ. Cuộc đối thoại mà Giáo Hội đề xuất được xây dựng trên nền tảng là lẽ tất nhiên của mầu nhiệm Nhập Thể. Bởi đó, không phải vì điều gì khác nhưng là do liên đới một cách nhiệt tình, vô vị lợi mà Giáo Hội đã mở cuộc đối thoại với những con người Á Châu đang tìm kiếm sự thật trong tình thương yêu”.[16]
Từ quá trình tìm hiểu trên, chúng ta có thể kết luận rằng công cuộc truyền giáo của Đức Giê-su ở xứ Sa-ma-ri là hình ảnh của Giáo Hội sau này. Ngày nay, dù có nhiều phương tiện truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình, online…, nhưng không thể thay thế sự hiện diện tự thân của các vị thừa sai tại miền đất truyền giáo. Trình tự: gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và loan báo, không đơn giản diễn tả Giáo Hội nối bước Đức Giê-su, nhưng còn “hiệp hành với Đức Giê-su” trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Thánh Phao-lô, vị Tông Đồ của dân ngoại, hiểu rõ hơn ai hết chân lý này: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta. Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một… Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2, 14-18).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 130 (Tháng 7 & 8 năm 2022)
 

[1] L. MORRISThe Gospel According to John, New York: Gordon D. Fee, 1990, p. 242.
[2] M. GOURGUESPour que vous croyiez, pistes d’exploration de l’Evangile de Jean, Paris: Cerf, 1982, p. 143.
[3] X. Ds 24, 6-7; St 49, 22-26; Tv 107, 33-38; Ed 19, 10-14.
[4] X. Cn 13, 14; 16, 22; 18, 4; Tv 1, 2-3; x. Gr 17, 7-8.
[5] X. Dcr 14, 8; Ed 47, 1-12; Is 5, 4; 12, 3.
[6] X. Kh 8, 10; 14, 7; 16, 4; 21, 6.
[7] Theo các nhà chú giải, để có thể thưởng thức ý vị dí dỏm đầy thách đố trong lời đáp của người phụ nữ ở đây, chúng ta phải biết “Truyền thuyết về giếng Gia-cóp”. Kinh Thánh kể rằng khi tổ phụ Gia-cóp thấy cô Ra-khen dẫn đàn gia súc đến giếng nước, ông liền vội chạy đến lăn tảng đá đậy miệng giếng và múc nước cho đàn gia súc của cô uống (St 29, 10). Trên nền tảng của câu chuyện Kinh Thánh này, truyền thống dân gian đã thêu dệt một truyền thuyết về giếng Gia-cóp, theo đó, kể từ khi Gia-cóp đến đây, nước tự động phun “vọt lên” đến tận miệng giếng một cách kỳ diệu trong suốt hai mươi năm như là quà cưới của Gia-cóp cho cô Ra-khen. Qua truyền thuyết này, dân Sa-ma-ri tự hào rằng truyền thống tâm linh phong phú của dân tộc họ có cội nguồn từ tổ phụ Gia-cóp.
[8] X. Gr 2, 2.20; Hs 2-3; Is 54, 4-8; 61, 10; 62, 4-5.
[9] Đnl 27, 4-5. Trong Kinh Thánh của người Do Thái, núi trên đó một bàn thờ được xây là núi Ê-van, nhưng trong Kinh Thánh của dân Sa-ma-ri, núi Ê-van được thay thế bởi núi Ga-ri-dim. Sự thay thế này là một sự xúc phạm không thể nào tha thứ được đối với dân Do Thái, theo M. E. BOISMARD và A. LAMOUILLE, L’Evangile de Jean; Synopse des quatres Evangiles, t. III, Cerf  1977, p. 142
[10] Trích từ M. E. BOISMARD và A. LAMOUILLE, L’Evangile de Jean; Synopse des quatres Evangiles, t. III, Cerf 1977, p. 142.
[11] X. L. MORRIS, Reflection on the Gospel of John, Hendrickson, 2000, p. 140.
[12] H. van BUSSCHE, Jean, Bible et vie chrétienne, Desclée de Brouwer, 1967, p. 195.
[13] A. LENGLET, Jesus de passage parmi les Samaritains (Jn 4, 4-42), in: Biblica, 66/4, 1985, p. 497-498.
[14] X. LEON-DUFOUR, Lecture de l’Evangile selon Jean, t. I (ch. 1-4), Paris: Seuil, 1988, pp. 377-379.
[15] C. L’EPLATTENIER, L’Evangile de Jean, Labor et Fides, 1993, p. 106.
[16] J. PAUL II, L’Eglise en Asie, Exhortation Apostolique Post-Synodale, le 6 novembre, 1999, n. 29.
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây