Lễ Hiển Dung

Thứ hai - 05/08/2019 08:18

CHÚA HIỂN DUNG năm C. Lễ Kính.

"Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

 

* Bốn mươi ngày trước lễ Suy Tôn Thánh Giá, lễ Hiển Dung nhắc cho các tín hữu nhớ rằng Chúa Kitô đã muốn ‘chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá’. Nhưng đồng thời lễ này cũng loan báo cho mọi tín hữu biết mình được nhận làm con cái Thiên Chúa, nhờ Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, và loan báo ánh sáng diệu kỳ một ngày kia sẽ rạng ngời trên toàn thân thể nhiệm mầu, tức là Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Lc 9, 28b-36

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người.

Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu.

Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

 

 

Suy Niệm 1: Chúa biến hình

(Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Câu truyện Chúa Giêsu biến hình đã được phụng vụ nhắc tới trong ngày Chúa nhật II mùa Chay đề hướng lòng tín hữu về mầu nhiệm Phục sinh hầu biết đi con dường chay tịnh khổ gía của Người. Hôm nay phụng vụ nhắc lại câu truyện ấy có lẽ vì ngày 6 tháng 8 kỷ niệm cung hiến Đền thờ Chúa biến hình trên núi Taibor.

Câu truyện lịch sử

Cả ba sách Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật biến cố này. Sách Tin Mừng Gioan ám chỉ đến trong đoạn kể có một số người Hy lạp bấy giờ muốn được trông thấy Đức Yêsu (12,20-32). Người liền nói: Giờ đã đến cho Con Người được tôn vinh. Và lập tức có tiếng từ trời đến: "Ta đã tôn vinh Danh Ta và Ta sẽ lại tôn vinh". Còn chính thánh Phêrô, một trong ba môn đệ đã được chứng kiến cảnh biến hình, thì đã kể lại một cách vắn tắt như ta đọc thấy trong bài thư hôm nay. Riêng các thư Phaolô không bao giờ trực tiếp nói đến câu truyện này. Nhưng ánh sáng của Chúa Giêsu phủ xuống người trên đường Đama không phải là vinh quang của Đấng đã có lần biến hình sao? Và chắc chắn câu truyện Chúa biến hình đã giúp Phaolô nhiều lắm khi người nói với các tín hữu về việc phải đổi mới và biến dạng sang Chúa Giêsu Kitô. Nói tóm lại, việc Chúa Giêsu biến hình là một biến cố lịch sử trong cuộc đời của Người, đã được nhiều nơi trong các sách Tân Ước hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp mô tả và gợi lên, để chúng ta thấy rõ đây là một mầu nhiệm quan trọng.

Vậy biến cố ấy đã xảy ra như thế nào ?

Bài Tin Mừng Matthêu chúng ta vừa nghe đọc bắt đầu bằng những chữ: "6 ngày sau". Và đọc lên chúng ta thấy đó là 6 ngày sau hôm đức Giêsu lần đầu tiên nói cho môn đệ biết Người sẽ bị nộp, bị bắt, bị đánh. Bị xử, bị giết, nhưng sẽ sống lại ngày thứ ba. Lời tuyên bố ấy khiến môn đệ ngỡ ngàng, chẳng hiểu gì cả và nhất là quả quyết không thể xảy ra. Đức Giêsu không những khẳng định lại mà còn tuyên bố thêm: chính các môn đệ và những ai muốn theo Người cũng phải vác thập giá mình mà đi theo.

Thật là một mạc khải lạ lùng làm cho nhiều người suy nghĩ và có thể bắt đầu buồn phiền. Thấy họ chưa hiểu hết ý của Người vì không phải Người chỉ nói thập giá mà còn khẳng định sẽ Phục sinh. Và thấy họ  vì thế đâm ra buồn phiền, Đức Giêsu đã hứa cho họ được xem thấy vinh quang và quyền năng của Người. Nói đúng hơn, Người chỉ hứa như vậy cho một số người trong bọn họ thôi. Và thế là 6 ngày sau, ba môn đệ được đưa lên núi để xem thấy vinh quang của Người trong lúc biến hình.

Chúng ta hãy khoan quả quyết việc biến hình này kí ý thực hiện lời hứa cách đây 6 hôm. Chúng ta chỉ tạm ghi nhận việc ấy xảy ra 6 hôm sau ngày Đức Kitô tuyên bố lần đầu tiên về cuộc khổ nạn của Người.

Vậy Người đã đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi. Không biết núi nào. Chỉ biết khi ở trên núi, Người đã biến hình trước mặt các ông. Mặt Người chói như mặt trời và áo Người trắng như ánh sáng. Rồi có Elia và Môsê hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ Phêrô lên tiếng xin làm ba lều. Nhưng có tiếng từ một đám mây sáng vừa đến bọc lấy các Ngài át đi. tiếng ấy nghe rõ mồn một : "Ngài là Con Chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ các ngươi hãy nghe Ngài". Ba môn đệ liền sấp mặt xuống đất. Nhưng Đức Kitô đã cúi xuống nâng họ dậy. Khi ngẩng lên, họ chỉ còn thấy Đức Giêsu là một người y như mọi khi.

Câu truyện biến hình chỉ có như vậy. Lâu chừng nào ? Chẳng ai biết. Nhưng ý nghiã của nó thì thật thâm sâu.

B. Ý nghĩa của câu truyện

Ý nghĩa đầu tiên, chúng ta đã đoán được. Đức Giêsu muốn phấn chấn lòng các môn đệ sau một tuần lễ sống nặng nề trong viễn tượng Con Người sẽ bị nộp, bị giết và các môn đệ cũng phải vác thập giá. Chính vì vậy mà Phụng vụ đã nhắc lại câu truyện Chúa biến hình ở đầu mùa Chay. Chúa cho các môn đệ thấy vinh quang của Người để họ không mất niềm tin khi thấy Người bị khổ nhục.

Nhưng theo cách tường thuật của các bản Tin Mừng thì Chúa biến hình sẽ không giống lắm với Chúa phục sinh. Sau khi Người sống lại, các môn đệ sẽ không thấy Người mặt chói như mặt trời, áo trắng như ánh sáng. Ho cũng sẽ không thấy ai tháp tùng Người khi hiện ra và sẽ chẳng nghe thấy tiếng nào phát ra tự một đám mây sáng... Tức là khi thuật lại việc Chúa biến hình, tác giả các sách Tin Mừng không tựa vào những điều đã xem thấy nơi Chúa Giêsu Phục sinh. Thế nên có thể nói khi biến hình, Chúa Giêsu không phải chỉ muốn cho môn đệ được phấn chấn; và có lẽ Người đã không muốn trực tiếp tiên báo việc phục sinh. Có những ý nghĩa ấy, nhưng không phải là những ý nghĩa duy nhất. Còn có thể có những ý nghĩa sâu xa hơn. Hay ít ra phải hiểu các ý nghĩa kia sâu xa hơn nữa.

Chúng ta có thể nói được rằng Đức Giêsu đã muốn phấn chấn lòng các môn đệ thật, nhưng bằng cách mạc khải cho họ hiểu hơn về con người của Ngài hơn là chỉ cho họ thấy trước một điều gì chưa xảy đến ở nơi Ngài và cho Ngài. Cao điểm của câu truyện này là tiếng phán ra từ trong đám mây: Ngài là con Chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ, các ngươi hãy nghe Ngài! Rõ ràng Chúa Cha muốn tuyên bố: Đức Giêsu là Con Một, là Tôi tớ được sủng mộ và là Tiên tri của Người. Cách đây 6 ngày Ngài tuyên bố Ngài sẽ bị nộp, bị giết khiến môn đồ sa sầm nét mặt, tưởng kết cục Ngài sẽ chỉ là người Tôi tớ bị treo trên Thập giá. Nay chính Thiên Chúa công khai mạc khải Ngài là Con Chí ái và người ta phải nghe Ngài. Chúa Cha phán như vậy để công nhận việc tự hạ của Đức Giêsu và nâng Ngài lên; nhưng nhất là để môn đệ luôn luôn tin Ngài là Con Thiên Chúa.

Tiếp theo Chúa Cha còn nói: Đức Giêsu là kẻ được Người sủng mộ. Và điều này cũng rất quan trọng. Nó gợi lên hình ảnh Người Tôi tớ trong sách Isaia, và là Người Tôi tớ làm thỏa mãn Thiên Chúa (Ys 42,1). Nó nhấn mạnh đến việc "làm mãn nguyện lòng Thiên Chúa" hơn là đến tư cách là Tôi tớ. Nghĩa là Chúa Cha tỏ ra hài lòng về lối làm việc của Đức Giêsu, về việc Ngài cứu thế bằng đau khổ, về thái độ khiêm cung nhẫn nhục của Ngài trong mầu nhiệm thánh giá.

Thế nên Đức Giêsu thật là Vị Tiên tri của Thiên Chúa, là Đấng đem sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Sứ điệp này nằm trong mầu nhiệm thánh giá như chúng ta vừa thấy. Mọi người phải nhận lấy, kẻo bị gạt khỏi Nước Trời.

Trước nhưng mạc khải như vậy, môn đệ không có cách nào khác hơn là sấp mặt xuống đất vì kinh sợ. Nhưng đó chỉ là bước đầu. Thiên Chúa không để con người ở trạng thái đó đâu; nếu không, mạc khải của Người chỉ đè bẹp mà không thăng tiến người ta. Kính sợ Chúa chỉ là đầu sự khôn ngoan. Đó là điều kiện để nhận được chính sự khôn ngoan cũng là chính sự cứu độ và hạnh phúc. Khi thấy các môn đệ đã có thái độ ấy, Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc con người, đã đến gần, động vào họ, cho họ ngẩng lên và được an thái.

Ho thật có phúc. Ho đã được mạc khải về Con Người, được sống đầy đủ ơn lành của mạc khải đó, dù trong chốc lát. Thánh Phêrô sau này có thể bỏ rơi mọi yếu tố kỳ diệu của quang cảnh hôm nay. Và trong đoạn thư của người chúng ta vừa nghe đọc, người như không cần nhắc lại nhiều chi tiết. Nhưng nội dung cốt yếu của sự việc thì người đã thuật lại cách rõ ràng. Người nói chính chúng tôi đã được phúc cung chiêm sự uy nghi lẫm liệt của Ngài. Và đó mới thật là ý nghĩa sâu xa của câu truyện Biến hình, để chúng ta thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa rất đẹp lòng Người, nên ai muốn đẹp lòng Thiên Chúa, phải biết nghe lời Ngài, tức là sống theo Ngài.

Và để làm nổi bật lời mạc khải ấy, tác giả các sách Tin Mừng còn bao bọc câu truyện biến hình bằng nhiều chi tiết ý nghĩa.

Như chúng ta đã nói, cuộc biến hình không được mô tả theo khuôn mẫu của các lần Chúa sống lại hiện ra. Vì mục đích của những lần hiện ra này không phải để cho môn đệ nhìn thấy vinh quang của Con Người, mà chỉ cốt. cho họ tin Đấng đã chết bây giờ đang sống. Còn việc Đức Giêsu biến hình có ý nghĩa sâu xa như chúng ta đã trình bày, để môn đệ thấy Người uy nghi lẫm liệt. Do đó tác giả các sách Tin Mừng đã dùng lối văn khải huyền, giống như đoạn sách Đaniel ở bài đọc I.

Nhà tiên tri nhìn thấy một con người được tham dự vinh quang của Thiên Chúa. Đó là Đức Kitô trong ngày được tôn vinh khi thời gian đã mãn, theo lời giải thích của thánh Gioan trong sách Khải huyền. Đó cũng là Đức Giêsu trong mầu nhiệm biến hình vì Con Người mà ba môn đệ nhìn thấy uy nghi lẫm liệt hôm nay, mọi người sẽ được cung chiêm khi lên Núi Thánh.

Các sách không nói Chúa Giêsu đã biến hình trên núi nào. Không phải trên núi Sion. Nhưng trên một núi "rất cao". Và như vậy để nói lên tính cách xuất thế của nơi cao vời chốn thiên cung mà Đức Giêsu sẽ đi vào.

Và cũng chính vì thế mà sắc diện của Chúa Giêsu chói như mặt trời và áo Người trắng như ánh sáng. Đó là những màu sắc vinh hiển của các người công chính ở trong Nước Chúa, theo như các tiên tri thường nói (Đn 12,3). Và điều này làm chứng thêm mục đích của việc biến hình muốn mạc khải thần tính của Đức Giêsu và sự sống của Người nơi vinh quang Thiên chúa, hơn là muốn báo trước sự phục sinh của Người.

Hai nhân vật Môsê và Êlya có thể được coi như hiện thân của Luật pháp và Tiên tri đến chứng tỏ cho uy thế của Đức Giêsu. Nhưng đúng hơn có lẽ nên coi Môsê là là tiên tri uy tín nhất đến nhường chỗ lại cho Vị Tiên tri mới thành Nazarét ; và Êlya theo truyền thống là con người phải trở lại khi Đấng Thiên sai đến. Cả hai nói lên địa vị ưu việt của Đức Giêsu trong chương trình cứu độ vào thời gian sung mãn.

Như vậy Phêrô có lý khi bày tỏ hạnh phúc được tham dự mạc khải cao quý này. Ông chỉ hơi ngây ngô lúc muốn xin làm ba lều. Chắc không phải vì đang sống trong tuần "Lễ Lều" của người Do thái nên ông nghĩ đến điều đó. Ông chỉ muốn được ở mãi trong sự chiêm ngưỡng kia. Ông quên mất rằng mới chỉ có ba môn đệ được thấy. Còn cả nhân loại nữa chứ ! Thiên Chúa muốn rằng tất cả chúng ta sẽ được đưa vào trong vinh quang của Người.

Kìa một áng mây sáng đến bao trùm lấy họ, và giữa đám mây ấy là Đức Giêsu Kitô đang được Chúa Cha tôn vinh bằng những lời cao cả: "Ngài là Con Chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ, các ngươi hãy nghe Ngài". Áng mây và tiếng nói cũng làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa đến dạy bảo chúng ta. Phải, chúng ta hãy nghe lời Đức Giêsu Kitô để có ngày được đưa vào vinh hiền của Thiên Chúa, như các môn đệ trong cuộc biến hình hôm nay. Và cho được như vậy, chúng ta hãy rút ra những bài học cụ thể của câu truyện này.

C. Những bài học cụ thể

Cho dù việc Chúa Giêsu biến hình không trực tiếp muốn tiên báo việc Người phục sinh, nó vẫn muốn phấn chấn lòng các môn đệ để họ tin vào Người hơn. Và điều này Chúa cũng muốn làm cho chúng ta, đặc biệt trong các thánh lễ Chúa nhật. Ở đây cũng có mầu nhiệm biến hình. Hoa màu ruộng đất và lao công vất vả của con người đã biến nên bánh rượu, để rồi qua Lời toàn năng biến thành Thịt Máu Chúa. Không những Chúa nên lương thực nuôi chúng ta, mà lao công vất vả cùng đời sống chúng ta, tuy nhạt như giọt nước, cũng sẽ được hòa vào với rượu để trở nên Máu Thánh.

Chúng ta được đưa vào mầu nhiệm, sâu sắc hơn cả ba môn đệ khi được đưa vào áng mây trên núi biến hình. Vậy nếu Phêrô đã phấn khởi và suốt đời không thể nào quên được diễm phúc ở trên Núi thánh, thì vì sao chúng ta lại không cảm thấy được phấn chấn và khích lệ khi tham dự thánh lễ ? Mầu nhiệm biến hình mạc khải cho môn đệ biết nhìn Đức Giêsu là Con Chí ái của Thiên Chúa là đường lối cứu thế của Người đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Thánh lễ không cho chúng ta thấy danh tính đích thực của chúng ta và của anh em hơn hay sao ? Chúng ta và mọi người, bề ngoài cũng chỉ như "con bác thợ mộc thành Nazarét"; nhưng nhờ việc kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta cũng trở nên những người con yêu dấu, những Kitô hữu phản ánh khuôn mặt Đức Kitô.

Chúng ta đã nhắc đến truyện Saulô trên đường đi Đama. Ông đã được bọc trong ánh sáng của Đức Kitô vinh hiển; và từ trong ánh sáng ấy ông đã được nghe biết mọi Kitô hữu là con chí ái của Ngài. Và Phaolô đã thay đổi hẳn thái độ đối với các tín hữu: thay vì bách hại, từ đó ông chỉ biết phục vụ đến hy sinh cả mạng sống. Đó là điều không đáng ao ước cho chúng ta hay sao ?

Rồi cũng trong thánh lễ, chúng ta được học biết đường lối của Chúa Cứu thế. Người phải đi qua gian khổ để đạt tới vinh quang. Chúng ta muốn được đưa vào vinh quang của Người cũng phải sẵn sàng phấn đấu chống dục vọng và ích kỷ để lột bỏ con người cũ và biến sang con người mới.

Nói tóm lại, ở đây khi cử hành thánh lễ, chúng ta như được đem lên Núi thánh để tham dự vào mầu nhiệm biến hình của Chúa. Người trở thành lương thực cho chúng ta để kết hiệp với chúng ta sâu xa hơn ở trong "lều" như Phêrô đã xin. Và khi biến mình nên lương thực như thế, Người muốn chúng ta đổi mới cái nhìn về anh em. Mọi người rước lấy Mình Thánh Chúa được đưa vào Thân thể mầu nhiệm vinh hiển của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta luôn phải nhìn anh em trong mầu nhiệm Nước Trời và phải có tinh thần phục vụ mọi người. Chính trong viễn tượng ấy, chúng ta tự thấy cũng phải biến mình đi; trở nên tốt hơn cho xứng đáng với vinh dự là con Thiên Chúa.

Cầu xin cho chúng ta được niềm tin sâu xa như thế và hân hoan sống niềm tin ấy trong cuộc đời hiện nay.

 

Suy Niệm 2: Chúa biến hình

(http://www.phatdiem.org)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt các môn đệ, như một dấu hiệu loan báo trước về vinh quang phục sinh của Ngài. Để được phục sinh với Chúa Giêsu, chúng ta phải biến đổi cuộc sống từng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày Chúa nhật, Giáo Hội long trọng cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và phục sinh. Ngày Chúa nhật cũng giúp con tìm lại ý nghĩa của cuộc đời mình: Chúa đã sáng tạo nên con để con dự phần vinh quang với Chúa. Con đang sống và chờ đợi toàn diện con người con – cả thân xác và linh hồn– được phục sinh với Chúa. Và suốt cả quãng đời này, Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với con.

Lạy Chúa Giêsu, vinh quang biến hình không làm quên lãng khổ nạn trên đồi Can-vê. Khuôn mặt sáng chói hôm nay, một ngày kia sẽ “không còn hình tượng” nữa… và áo chói lọi hôm nay, một ngày kia sẽ bị lột trần phân chia! Vì thế, con cũng cần chấp nhận những hy sinh, trái ý trong đời sống như một thanh luyện để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biến hình trên núi như một khởi điểm cho sự biến đổi cả đời sống con. Con phải kiên nhẫn hằng ngày trong ý thức tự thanh luyện chính mình. Xin Chúa giúp con biến đổi tâm hồn bằng thái độ đến với Chúa, bằng tâm tình thống hối ăn năn, và nhất là gia tăng đời sống kết hợp với Chúa trong tình con thảo. Xin Chúa biến đổi thân xác và tâm hồn con nên đồng hình, đồng dạng với Chúa. Amen.

Ghi nhớ :"Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

 

Suy Niệm 3: Chúa biến hình

(http://www.giaophanhunghoa.org // Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa)

“Lạy Thầy chúng tôi được ở đây thì tốt lắm”.

Người ta không thể leo nhanh lên ngọn núi Thabor được, và chính Thabor cũng chỉ là một điểm dừng ngắn ngủi trên chặng đường đến với Thiên Chúa. Mỗi một ngày sống là một chặng đường mà chúng ta cần phải vượt qua. Nhờ vào những gì mà các tông đồ đã sống, chúng ta có thể hiểu rõ hơn chặng đường mà chúng ta cần vượt qua để đến gần với cõi vĩnh hằng hơn.

Và hôm nay trên núi Thabor chúng ta chứng kiến cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Tại sao Ngài lại chỉ đem theo 3 Tông đồ, mà lại  không đem theo thêm những người khác?

Chúng ta, là những người tin Chúa, Chúa mời gọi chúng ta tin vào Người. Tại sao Chúa lại chỉ gọi chúng ta là những người tin Chúa, mà trong khi đó biết bao người đã không tin? Chúng ta cũng là những người Chúa chọn, cũng là những người đặc tuyển leo lên núi Thabor để chứng kiến việc Chúa biến hình. Chúng ta hãy hãnh diện về ơn gọi của chúng ta và sống làm sao để đáp trả ơn gọi đó.

Ba tông đồ đã vượt qua thung lũng và đã được Chúa cho thấy vinh quang của Người trên núi Thabor. Và các ông chỉ muốn thời gian đó kéo dài, đến nỗi Phêrô đã thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, nếu Chúa ưng, chúng tôi xin làm 3 lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Êlia”.

Chúng ta cũng vậy! Có những khoảnh khắc, chúng ta cảm thấy cuộc sống sung mãn, hạnh phúc và bình yên, làm ăn phát đạt. Thế giới chung quanh và trong tâm hồn chứa đầy vẻ hài hoà. Rất có thể đó là lúc ngắm cảnh mặt trời lặn hoặc đứng trên núi chứng kiến vẻ hùng vĩ của thiên nhiên; cũng có thể là lúc rung động do một vần thơ, một giọng ca truyền cảm; cũng có thể là một cuộc gặp gỡ tình cờ,… Trong những hoàn cảnh đó chúng ta có thể thốt lên như Phêrô: “Lạy Thầy chúng tôi được ở đây thì tốt lắm”.

Nhưng dựa vào kinh nghiệm bản thân chúng ta biết rằng: không có tiệc vui nào mà lại không có lúc tàn. Có khi kéo dài dăm ba ngày, có khi chỉ trong khoảnh khắc. Sau đó tất cả lại trở về cuộc sống thường nhật.

Có lẽ những kinh nghiệm đó giúp chúng ta hiểu rõ những gì bài Tin Mừng hôm nay tường thuật. Tác giả mô tả những giây phút quí báu nhất của cuộc đời 3 môn đệ theo chân Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cùng với ba môn đệ và Người hiển dung trước mặt các ông. Trong khoảnh khắc các ông có thể cảm nhận sâu xa Đấng Cứu Thế là ai và dung nhan của Đấng Phục sinh như thế nào. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn bỗng chốc buột khỏi tầm tay tất cả. Tất cả đều muốn nắm giữ lấy, muốn xây dựng ở đó ba lều.

Giây phút thần tiên thường hiếm có và ngắn ngủi! Thoáng chốc, Phêrô phải từ chín tầng mây trở về với cuộc sống muôn ngàn sóng gió. Ông phải học để biết rằng: những giây phút này là quà tặng của Thiên Chúa, không ai có thể giữ lấy bo bo cho mình. Ông phải từ trên núi trở về với cuộc sống thường nhật, trở về với con người và những khó khăn phải đương đầu!

Quả thật, cuộc sống con người đầy thăng trầm, và dường như chìm dần trong thung lũng tối. Ngày qua ngày, sương mù dày đặc! Chuỗi ngày kéo dài lê thê ảm đạm! Tất cả dường như vô nghĩa và tẻ nhạt!…Cũng có những giây phút con người không được yên thân, cuộc sống chao đảo, đầu tắt mặt tối với công việc. Việc này chưa xong, thì việc khác đã đứng chực ngoài cửa.

Đời sống đạo và đời sống nội tâm chúng ta từng có những kinh nghiệm như thế. Cũng chính vì vậy mà người ta thất vọng, xao nhãng công việc của cộng đoàn, bỏ luôn cả kinh hạt lễ lạy. Họ nghĩ rằng lễ lạy và kinh hạt cũng thế thôi. Làm ban hành giáo có được gì đâu, mà chỉ thấy kinh tế gia đình mình càng sa sút.

Trong hoàn cảnh này điều cần thiết nhất là nhớ đến những phút giây thiêng thánh nhất trong đời. Đó là những ngày tĩnh tâm, những giờ chầu Mình Thánh, những giây phút chìm lắng trong thinh lặng giúp chúng ta tái khám phá ra ý nghĩa đích thực của đời sống ơn gọi làm người, ơn gọi tu trì: một cuộc sống sung mãn, hạnh phúc thành công. Chúng ta cần những giây phút thần tiên ấy để giữ gìn cái nhìn toàn diện về cuộc sống. Thiên Chúa hứa đồng hành với chúng ta, đứng về phía chúng ta khi thành công cũng như lúc thất bại, khi vui cũng như lúc buồn tủi.

Điều quan trọng chính là kinh nghiệm trong cuộc sống thường nhật: tìm cho chính mình một mảnh thiên đàng tại thế. Thabor trước tiên không phải là một nơi chốn, nhưng là sự kiện có thể xẩy ra bất cứ ở đâu trong hoàn cảnh nào. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra khi chúng ta sẵn sàng cởi mở tấm lòng tiếp nhận: một cuộc gặp gỡ vô tình, một vẻ đẹp của thiên nhiên, một khoảnh khắc yên tĩnh, một lời khen tặng, một thành công nhỏ, một sự dấn thân cho họ đạo, một kinh nghiệm trong đời sống cầu nguyện. Những lúc chúng ta cảm thấy cuộc đời này còn có nhiều thứ quí báu hơn, chúng ta phải ra sức bảo vệ, duy trì như những kho tàng vô giá trong ký ức. Những kinh nghiệm đó giúp chúng ta thêm can đảm và hăng hái dù phải gặp hoạn nạn éo le. Nhờ đó chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta tới đích điểm tốt đẹp, là Thiên Đàng, là Thabor Vĩnh Cửu!

 

Suy Niệm 4: Xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần (Lc 9, 28b-36)

(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Ngày 6 tháng 8 trong năm phụng vụ, Giáo Hội  mời gọi chúng ta chiêm ngắm một mầu nhiệm vĩ đại là biến cố Biến Hình của Chúa Giêsu. Lịch sử cho thấy ba Tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê là những tấm gương trong việc lắng nghe lời Đức Giêsu và để Chúa Thánh Thần biến đổi. Thánh sử Luca nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện, và đang khi cầu nguyện... bỗng có hai vị đàm đạo với Người, là Môsê và Êlia.... Một số câu hỏi được đặt ra chung quanh biến cố Chúa Biến Hình :

1. Tại sao Đức Giêsu Biến Hình ?

2. Tại sao Môsê và Êlia lại có mặt lúc Chúa Giêsu Biến Hình?Suy

3. Tại sao không phải là các Tông đồ khác mà lại là Phêrô, Giacôbê và Gioan được Đức Giêsu đưa lên núi ?

Chúng ta biết, trước khi Chúa Giêsu biến hình, Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng chừng năm ngàn người ăn no (Lc 9, 14), loan báo cuộc thương khó lần thứ I (Lc 9, 22). Tám ngày sau (Lc 9, 28), Matthêu và Marcô (Mt 17, 1-9) và (Mc 9, 1-9) thì sáu ngày sau. Chúa đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên một ngọn núi và biến hình trước mặt các ông. Vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi Tabore (Lc 9, 33). Và như thế, Phêrô đã muốn biến cái tạm thời trở thành cái vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với khổ đau và thập giá. Chúa biến hình để củng cố niềm tin của các ông trước cuộc khổ nạn.

Trở lại câu hỏi tại sao Đức Giêsu lại chọn ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, phải chăng là vì họ hoàn hảo hơn những người khác?

Theo Thánh Gioan Kim Khẩu, Phêrô được chọn là vì Phêrô đã từng tuyên xưng Đức Giêsu là “Ðức Kitô của Thiên Chúa” và được Đức Giêsu trao cho chìa khóa Nước Trời (Mt 16, 19). Hơn nữa cũng bởi Phêrô đã yêu mến Chúa Giêsu Kitô nhiều hơn, “Lạy Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa!” (Ga 21, 17). Phần Gioan, vì Gioan đã yêu mến nhiều, nên được mệnh danh là “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 21, 20). Còn Thánh Giacôbê, là vì ​​phản ứng của ông đã thực hiện cùng với anh trai mình: “Chúng tôi có thể uống chén của Thầy” (Mt 20,22) ông giữ lời và đã đi đến cùng của lời cam kết, khiến người Do Thái không chịu nổi, đã xử trảm ông.

Tại sao không phải là một tiên tri hay ngôn sứ nào khác mà lại là Môsê và Êlia?

Sứ vụ công khai của Chúa Giêsu tại Galilê đã khiến cho dân chúng đồn đoán về Ngài. Có kẻ cho rằng Ngài là Đấng Kitô, kẻ khác cho là Môsê hoặc Êlia, Giêrêmia hay là một tiên tri (Lc 9,19). Chúng ta biết rằng, người Do Thái không ngừng buộc tội Chúa Giêsu Kitô là người vi phạm luật, kẻ nói phạm thượng, kẻ chiếm đoạt vinh quang, mà theo họ, vinh quang đó không thuộc về Đức Giêsu, vinh quang của Thiên Chúa Cha. Họ thường nói: “Con người ấy không bởi Thiên Chúa được, vì hắn không giữ Hưu lễ!” (Ga 9, 16). Và chỗ khác họ nói : “Không phải vì một việc trọn hảo mà chúng tôi ném đá ông; nhưng vì một lời phạm thượng! ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa” ( Ga 10, 33). Đức Giêsu muốn chỉ cho mọi người biết, vì ghen tương mà họ gán cho Chúa hai tội danh ấy. Khi Ngài biến hình đàm đạo với hai nhân vật là Môsê và Êlia, Ngài khẳng định mình còn hơn cả Môsê và Êlia nữa. Môi-sen là người đã trao ban lề luật cho dân chúng, nên những người Do Thái không thế nói rằng vị tiên tri thánh này đã muốn chịu đau khổ vì một người vi phạm lề luật. Còn Êlia xuất hiện cùng Đức Giêsu, Đức Giêsu dạy chúng ta rằng Ngài là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, cả trên trời và trong địa ngục. Đó là lý do Ngài biến hình cùng với Êlia là người đã không chết.

Đức Giêsu biến hình để cho chúng ta được chiêm ngưỡng :

Vinh quang Ba Ngôi

Vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ trong Biến Cố Chúa Biến Hình." Biến cố Chúa Biến Hình trên núi Tabor là như hình ảnh loan báo trước cho biến cố Chúa Phục Sinh. Trong biến cố Biến Hình, Chúa mạc khải vinh quang mình cho các tông đồ với lời xác nhận của Thiên Chúa Cha: “Ðây là Con Ta Yêu Dấu!” (Lc 9, 35). Trong ánh sáng vinh quang của Người, chúng ta nhìn thấy ánh sáng; và  được Chúa Thánh Thần nâng lên, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi qua mọi muôn thế hệ .

Lắng nghe lời Đức Giêsu

Trong biến cố Chúa Biến Hình, chúng ta không những chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa, mỗi ngày một sâu xa hơn vừa đi từ ánh sáng này sang ánh sáng khác, nhưng chúng ta còn được mời gọi hãy lắng nghe Lời Chúa được gởi đến chúng ta. Ngoài Lời Lề Luật nơi Ông Môsê và Lời Tiên Tri nơi Sứ Ngôn Elia, còn vang lên Lời của Thiên Chúa Cha hướng chúng ta đến Con Thiên Chúa. Khi chỉ cho chúng ta biết “Con Yêu Dấu của Ngài”, và Thiên Chúa Cha mời gọi chúng ta hãy lắng nghe Con Ngài “các người hãy nghe lời Người” (Lc 9, …).

Xin ơn biến đổi

Nhìn xem và lắng nghe, chiêm ngắm và vâng phục, đó là những con đường dẩn dắt chúng ta lên Núi Thánh trên đó Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải trong vinh quang của Chúa Con. Trong Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, Cha phước Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta. Mượn lời thánh Gioan Damasceno chúng ta thưa: “Lạy Chúa Kitô, Chúa đã thu hút con bằng cách làm cho con ao ước Chúa, và Chúa đã biến đổi con bằng tình yêu của Chúa. Xin hãy dùng lửa linh thánh thiêu đốt hết mọi tội lỗi con, và xin thương ban cho con được tràn đầy sự dịu dàng của Chúa, ngõ hầu được đầy tràn niềm vui, con cất lời chúc tụng những thể hiện vinh quang Chúa.” Amen.

 

Suy Niệm 5: Chúa biến hình

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

A. Chúng ta vừa nghe một bài Tin mừng tường thuật cho chúng ta câu chuyện về việc Chuá biến hình trên một ngọn núi cao. Đây là một câu chuyện rất đặc biệt cho nên đã được cả ba Tin Mừng nhất lãm: Mathêô, Marco và Luca đã thuật lại. Nếu đọc lại và so sánh thì chúng ta sẽ thấy cả ba tường thuật lại câu chuyện này theo một bối cảnh chung xuất phát từ truyền thống có trước.

Đại cương thì sự việc diễn tiến như sau:

Phêrô tuyên xưng đức tin,

Chúa loan báo về cuộc tử nạn và Phục sinh của Người lần thứ nhất

Chúa đưa ra những điều kiện để được theo Chúa

Chúa biến hình.

Chúa loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh lần của Người lần thứ hai.

Chúa lên Jêrusalem để chịu tử nạn và sau đó Chúa phục sinh.

Câu chuyện biến hình của Chuá xẩy ra vào giữa những biến cố rất quan trọng vào cuối cuộc đời của Chúa. Như vậy nó phải mang một ý nghĩa nào đó. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

 

B. Chúng ta tự hỏi: Chúa Biến Hình để làm gì?

Mục đích của việc Đức Giêsu biến hình hay hiển dung trên núi trước mặt ba môn đệ không phải là để cho các ông dựng lều ở lại ngay trên đó. Nhưng là để giúp các môn đệ nhận ra thiên tính của một Con Người mà họ đang cùng đồng hành và nói chuyện với họ. Con Người đó không phải chỉ là người nhưng còn là Con Thiên Chúa. Lần thứ nhất Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu là Con của Ngài bên sông Gio-đan. Và đây là lần thứ hai Thiên Chúa Cha xác nhận Đức Giêsu là Con của Ngài trên núi cao. Ngài là Con Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng là Người Tôi Tớ chịu đau khổ bởi vâng lời Thánh ý của Thiên Chúa Cha đến đổ máu chết trên thập giá. Núi Tabor nơi Chúa biến hình tỏ vinh quang của Ngài là dấu báo trước chuẩn bị cho cảnh hy sinh trên núi Can-vê.

Sau khi chứng kiến Chúa biến hình thì các môn đệ đã có cơ hội biết rõ hơn Thầy của họ thực sự là ai, và họ được hưởng nếm trước cái vinh quang và hạnh phúc đang chờ đón họ bởi việc đi theo Ngài. Đây cũng là sự chuẩn bị tinh thần cho họ để khi Thầy của họ bị xỉ nhục bắt bớ thì họ không bị mất niềm tin mà thất vọng.

Thực ra, thoạt đầu khi bước theo Đức Giêsu cả ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng như các môn đệ khác đã không biết cái giá họ phải trả khi theo Chúa như thế nào. Chính vì thế mà khi được chứng kiến dung nhan vinh quang của Đức Giêsu trên núi, họ đã sung sướng ngất ngây và muốn ở lại luôn trên đó. Nhưng chương trình của Đức Giêsu và của Thiên Chúa không như thế. Ngài đã dẫn họ xuống núi trở lại và ngăn cấm không cho họ nói với ai về những gì họ đã thấy cho đến khi "Con Người từ cõi chết sống lại."(Mt 17,9) Ngài đã trích dẫn lời chép về Ngài , "Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ."(Mt 16,21) Nhưng họ vẫn không hiểu và hỏi nhau, "Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?"

 

C. Qua việc tường thuật là biến có Chúa biến hình hôm nay Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta điều gì? Câu trả lời không khó lắm: Giáo Hội muốn cho chúng ta hãy nghe Lời Đức Kitô.

Trách nhiệm của người Kitô hữu chúng ta là mở tai, mở lòng và mở trí để đón nhận những gì Đức Giêsu giảng dạy và làm gương bằng cuộc sống của Ngài. Lắng nghe lời Ngài không có nghĩa là chỉ nghe những gì Ngài nói, nhưng còn phải chú ý đến những gì Ngài đã làm; đi theo con đường Ngài đã đi; bắt chước cách Ngài đã làm trong việc xử sự với Thiên Chúa và với những người khác. Chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài không phải chỉ bằng việc ca hát tôn vinh, xin ơn và tạ ơn. Nhưng còn bằng việc dốc tâm dấn bước sống theo gương của Ngài. Chúng ta đi theo Ngài lên núi để cảm nghiệm niềm hạnh phúc vinh quang để rồi lại cùng Ngài xuống núi trở về với những phận vụ hằng ngày, đi vào vườn cây dầu để đổ mồ hôi máu, hành trình trên khắp nẻo đường để rao giảng Tin Mừng và làm việc thiện. Sau cùng tiến thẳng lên Giêrusalem, nhận lấy bản án, vác thập giá, và tiến lên đồi Can-vê để chịu chết.

Con đường Đức Kitô đi đã thay đổi lịch sử nhân loại.

Con đường Đức Kitô đi đã mang lại ơn cứu độ cho loài người.

Con đường Đức Kitô đi đã làm thỏa lòng Thiên Chúa Cha.

Con đường Đức Kitô đi đã hấp dẫn nhiều tâm hồn.

Đó cũng là con đường mỗi người chúng ta được mời gọi bước theo.

Việc nghe Chúa, đi theo Chúa dứt khoát phải làm cho chúng ta biế đổi. Biến đổi như thế nào thì thánh Phaolô đã gợi ý: “Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”.

Xin đan cử một thí dụ để minh họa.

Một nhóm doanh nhân đi dự một buổi họp ở Chicago. Họ đã dặn vợ con ở nhà là sẽ trở về nhà để kịp bữa tối. Nhưng rồi cứ hết việc này lại giây sang việc kia khiến cho cuộc họp kéo dài hơn dự định. Sau khi kết thúc họ đã vội vàng chạy ra phi trường cho kịp chuyến bay. Khi họ hấp tấp chạy tới cổng phi trường thì không may một người trong họ đụng vào một chiếc bàn có để một rổ táo của một cô bé đang đứng bán. Tất cả đã không dừng lại, cứ cúi đầu chạy thẳng để kịp chuyến bay. Khi đến nơi họ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi một người trong nhóm đã ý thức được mình phải làm gì để cảm thông với cô bé bán táo kia. Anh đã giơ tay ra chào các bạn và quay trở lại. Anh thấy vui vì đã làm như thế. Anh nhận ra cô bé bán táo là một cô gái mù. Anh đã thu lượm các trái táo đổ lăn trên trên lối đi. Anh nhận ra có một số trái táo đã bị dập bể. Anh liền móc túi lấy bóp ra và nói với cô bé bán táo mù đó rằng, "Đây xin cô cầm lấy 10 dollars để đền bù cho thiệt hại chúng tôi đã gây ra. Tôi hy vọng cô không buồn."

Khi người thanh niên vừa quay bước đi thì cô bé mù đó sửng sốt hỏi: "Thưa ông! Ông có phải là Chúa Giêsu không?"

Câu hỏi đó đã làm cho người doanh nhân suy nghĩ.

Bạn và tôi, chúng ta có phải là Giêsu không? Chúng ta có đi con đường Giêsu đã đi không? Chúng ta có hành xử như Giêsu đã hành xử không?

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,

xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa,

xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa,

xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn

sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa

trong nụ cười của con,

thấy sự dịu dàng của Chúa

trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu

có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

cùng đi với Chúa và với tha nhân

trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen. (Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu)

 

Suy Niệm 6: Hiển dung : soi sáng ý nghĩa cuộc đời

(HTMV Khóa 10 - ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn)

Đn 7,9-10.13-14 ; 2Pr 1,16-19 ; Lc 9,28b-36

Vào thời Trung cổ, một tín hữu kitô nọ lên đường đi hành hương đến một nhà thờ được xem là cổ kính nhất trong nước của mình. Sau vài ngày đi đường, người đó lạc vào trong một vùng núi đá nắng cháy khô cằn và hiểm trở. Ông ta thấy ở đó những người thợ đục đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn vuông vắn.

Người khách hành hương đi mon men đến gần một người thợ. Mồ hôi chảy đầm đìa trên tấm thân gầy của người thợ đục đá khiến cho người khách hành hương càng thương cảm. Nhưng khi người khách hỏi truyện, người thợ đục đá liền trả lời một cách nhát gừng : "Ông không thấy tôi đang lao nhọc vất vả hay sao mà còn hỏi ?"

Người khách tìm đến một người thứ hai. Người nầy lại càng có dáng vẻ mệt nhọc hơn. Được hỏi tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ nầy chỉ trả lời : "Người ta thuê tôi làm việc. Tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà tôi đổ mồ hôi xót con mắt là để có cơm bánh cho vợ con tôi mà thôi, còn công trình xây dựng gì thì tôi không cần biết !"

Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi, ông lại gặp một người thợ đục đá khác, người nầy cũng có dáng vẻ mệt nhọc và tiều tụy không kém những người kia. Nhưng nhìn vào ánh mắt của người thợ đục đá nầy, khách hành hương thấy toát lên một vẻ thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Tiến lại, người khách lên tiếng hỏi :

- Ông đang làm gì đó ?

Người đàn ông nhìn ngài mĩm cười và hãnh diện đáp :

- Ông không biết sao ? Tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường.

Nói rồi người thợ đục đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng nơi đó người khách nhận ra một công trình đang được thi công, từng viên đá đang được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của ngôi thánh đường.

Biết được ý nghĩa của cuộc sống là điều quan trọng nhất đối với con người. Nếu không biết tại sao mình sống, sống mà không biết sống để làm gì, sống mà không biết đi về đâu là điều bất hạnh hơn cả. Cuộc sống của chúng ta có lẽ cũng giống như những người thợ đục đá để góp phần vào công trình xây dựng một ngôi thánh đường. Những nỗi vất vả lao nhọc, chán nản, buồn tẻ dệt nên đời thường của mỗi người chúng ta nhiều lúc che khuất hướng đi và ý nghĩa của cuộc đời. Những mất mát, thất bại và khổ đau lại càng làm cho chúng ta choáng ngợp, hụt hẫng giữa giòng đời.

Chúa Giêsu đã đến trong trần gian để giúp chúng ta nhìn ra ý nghĩa của cuộc sống và sống một cách sung mãn cuộc sống tại thế nầy. Ngài đã sống trọn từng thực tế của kiếp sống con người. Ngài đón nhận tất cả mọi biến cố trong cuộc sống nhu hồng 6an của Thiên Chúa. Cả đến đau khổ và cái chết Chúa Giêsu cũng đón nhận để xuyên qua đó con người có thể nhìn ra ý nghĩa của cuộc sống.

Quả thực, trong ánh sáng hiển dung của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi để nhận ra ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Tin Mừng lễ Chúa Hiển Dung hôm nay cho chúng ta thấy : ngay sau khi các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, thì trước mắt các ông hình ảnh một Đấng Cứu Thế oai hùng lẫm liệt theo như các ông quan niệm, bắt đầu tan biến để hiện ra một Đấng Cứu Thế đau khổ, bị đày đọa, bị khai trừ, bị giết chết. Hình ảnh đó thật là khó hiểu đối với các ông. Vì thế, chẳng lạ gì, Phêrô đã lên tiếng khuyên can Thầy đừng đi theo con đường đau khổ đó làm gì ! Rồi giờ đây, trong lúc ngây ngất chiêm ngưỡng dung nhan sáng chói rực rỡ của Thầy, thì lại cũng chính Phêrô đã dám đề nghị cắm lều ở lại luôn trên núi nầy, vì ở đây sướng quá, khỏi phải đi qua con đường đau khổ mà ông đã khuyên can Thầy. Nhưng đến lúc mở mắt ra, ông chỉ còn thấy một mình Thầy trên đỉnh núi. Ánh sáng rực rỡ đã biến mất. Và Thầy còn giục các ông xuống núi, đi về Giêrusalem để Thầy chịu tử nạn như Thầy đã báo trước. Thế là Phêrô đã vỡ mộng ! Chính trong giờ phút hiển dung rực rỡ vừa rồi, ông Môisê và Êlia cũng đã xuất hiện để đàm đạo với Chúa Giêsu về "cái chết" mà Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem, và Chúa Cha cũng đã xác nhận : "Đây là Con Ta yêu dấu, anh em hãy nghe lời Ngài". Lời đó là để công nhận, để tán thành bước đường vượt qua đau thương của Chúa Giêsu. Vì thế, mấy Thầy trò lại xuống núi. Và rồi đây Phêrô cũng như các môn đệ khác phải đi theo sau Thầy, qua con đường đau khổ mới đến vinh quang.

Đau khổ và sự chết tự nó không phải là một giá trị. Thiên Chúa không tạo ra sự dữ để đày đọa con người. Do tội lỗi của mình, con người đã tạo ra đau khổ cho chính mình. Nhưng Thiên Chúa quyền năng và khôn ngoan đã biến đau khổ và sự chết thành nguồn ơn cứu thoát cho con người. Qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, cũng như mọi khổ đau, thất bại trong cuộc sống không phải là ngõ cụt mà là nẻo đường dẫn đến vinh quang và sự sống. Đó là cái nhìn mới mẻ mà Chúa Giêsu hiển dung đã soi sáng cho chúng ta. Từ nay chúng ta được mời gọi đón nhận tất cả mọi biến cố trong cuộc sống như hồng ân của Thiên Chúa và như dịp may được cộng tác vào công trình cứu chuộc và tái tạo của Ngài.

Như thế, vinh quang của Chúa hiển dung hôm nay chưa phải là vinh quang trọn vẹn của Thiên Chúa. Đó chỉ là một thoáng vinh quang báo trước vinh quang của ngày phục sinh mà thôi. Cũng vậy, trên núi Chúa hiển dung chưa phải là nơi định cư vĩnh viễn của những người đi theo Chúa Giêsu. Đừng để mình rơi vào cơn cám dỗ của Phêrô : đừng vội cắm lều ! Vì đây chỉ là nơi dừng chân để lấy sức tiến về Trời Mới Đất Mới. Trong cuộc hành trình về vĩnh cửu có những bóng mát cho đời và chúng ta được phép dừng chân lấy sức để rồi lại tiếp tục ra đi. Nếu cắm lều ở lại, sẽ chẳng bao giờ tới đích.

Sống mà không biết tại sao mình sống, sống mà không biết sống để làm gì, sống mà không biết mình sẽ đi về đâu, đó là điều bất hạnh nhất. Chúa hiển dung hôm nay đã soi sáng cho chúng ta nhận ra ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Ngài là ánh sáng, trong ánh sáng ấy chúng ta thấy ý nghĩa của cuộc sống. Trong cuộc hành trình gian khổ trên trần thế, hãy cứ tin tưởng, vì đã có Chúa Giêsu vừa là người chỉ đạo, vừa là người bạn đồng hành của chúng ta. Vẫn biết rằng con đường Ngài dẫn chúng ta đi là con đường hẹp, đường thập giá, nhưng lại chính là đường sự sống, đường ánh sáng và "những đau khổ đời nầy không đáng là gì so với vinh quang dành để cho chúng ta mai sau trên trời". (Rm 8,18)

 

SUY NIỆM

« Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy » (c. 28a), nghĩa là từ lúc Đức Giê-su hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (9, 20) và cùng với lời tuyên xưng căn tính thần linh của Người, Người mời gọi các môn đệ đón nhận Ngài vào cuộc đời của mình, bằng cách đi theo Ngài trên con đường Thập Giá: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (c. 23).

Chúng ta có thể hình dung ra tâm trạng băn khoăn lo lắng của các môn đệ trong tám ngày qua, khi nghe những lời này của Đức Giê-su. Để đáp lại, mầu nhiệm Đức Giê-su biến hình mặc khải cho các vị, và cho các môn đệ thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, cả một con đường thiêng liêng, một “linh đạo”, để tín thác, yêu mến và đi theo Đức Giê-su trong bình an và niềm vui.

 1. Đức Giê-su lên núi”

Các tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan được chọn để đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa tỏ hiện và con người đi lên núi để gặp gỡ Ngài. Núi có ý nghĩa như thế, vì đó là hình ảnh diễn tả việc giữ khoảng cách với những vấn đề của cuộc sống, vốn hay trói buộc con người, để có thể hướng về trời cao và những gì thuộc về trời cao. Chính vì thế, Đức Giê-su hay lên núi cầu nguyện, giảng ở trên núi (Bài Giảng Trên Núi trong Mt 5-7), và đặc biệt lần này, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa Cha và lịch sử cứu độ, ở trên núi.

Trong đời sống đức tin và nhất là trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi cụ thể, chúng ta cũng được Chúa mời gọi, và phải nói mạnh hơn, được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới « ngọn núi cao » biểu tượng, nghĩa là tới nơi Thiên Chúa tỏ hiện và ngỏ lời với chúng ta, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, qua đó, có thể biết ơn, ca tụng và phụng sự Người trong mọi sự, và cũng để xin Ngài chữa lành, soi sáng, thêm sức và tái tạo chúng ta, và có khi một cách đơn sơ, để ở với Ngài một cách nhưng không. Cuộc sống của chúng ta vốn đầy thách đố đủ loại, vì thế, chúng ta cần biết bao, cùng với Chúa, đi riêng ra một nơi, lên “ngọn núi cao”.

Thật ra, những lúc đi riêng ra một nơi với Chúa, vẫn được ban cho chúng ta đấy thôi, nhưng chúng ta lại thường không đón nhận cách quảng đại như một ơn huệ Chúa ban.

  • Đó là thời gian cầu nguyện cá nhân hằng ngày.
  • Đó là thời gian chúng ta cùng cử hành Thánh Lễ, đọc kinh Phụng Vụ, thời gian chúng ta cầu nguyện chung với nhau.
  • Đó là thời gian tĩnh tâm, tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm; hay vì lòng khao khát, chúng ta sắp xếp được thời gian để sống riêng cho một mình Chúa.

Ước gì trong những lúc « đi riêng ra một nơi » với Chúa, Chúa ban cho chúng ta có cùng kinh nghiệm thiêng liêng như các tông đồ, đó là cảm nếm căn tính chói ngời của Chúa, để có thể nói :

Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay. (c. 33)

2. “Dung mạo Người bỗng đổi khác”

Chính lúc dung mạo Đức Giê-su đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa, là lúc có sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Elia, tượng trưng cho lịch sử cứu độ. Chúng ta hãy lắng nghe các ngài đàm đạo. Theo thánh sử Lu-ca trong trình thuật Tin Mừng về mầu nhiệm Chúa Hiển Dung, các vị đàm đạo về cuộc Xuất Hành Người sẽ hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem:

Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. (Lc 9, 31)

Như thế, lịch sử cứu độ, mà Lề Luật và ngôn sứ kể lại và là cách diễn tả, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ. Mà lịch sử cứu độ là gì? Là lịch sử kể lại sự hiện diện, sự quan phòng và cách dẫn đưa của Thiên Chúa giầu lòng thương xót trong hành trình làm người của những cuộc đời, của một dân tộc, đầy thăng trầm và tội lỗi, bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ (x. Ds 21, 4-9 và St 3, 1-7). Nếu là như thế, cuộc đời của chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ” loan báo Mầu Nhiệm Vượt Qua và được Mầu Nhiệm Vượt Qua hoàn tất.

Chúng ta hãy chiêm ngắm dung mạo Đức Giê-su đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa; và theo lời kể của thánh Mát-thêu, Ngài trở nên chói lọi như mặt trời: « Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục người trở nên trắng tinh như ánh sáng » (Mt 17, 2). Như thế, chính khi lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Giê-su, dung nhan của Ngài trở nên Mặt Trời, Mặt Trời chiếu tỏa ánh sáng và sức nóng để thông ban và duy trì sự sống, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả: “Chẳng có chi tránh được ánh dương nồng” (Tv 19, 7).

Chúng ta được mời gọi nhận ra hành trình làm người của chúng ta nơi lịch sử cứu độ, nhận ra cuộc đời của chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ”, và tin rằng, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô hoàn tất hành trình làm người của chúng ta, như thánh sử Gioan ước ao: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 31) Chúng ta hãy xin ơn được nhận ra hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời chúng ta được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Ki-tô; vì chính khi đó, chúng ta sẽ có được kinh nghiệm chiêm ngắm Dung Nhan chói ngời của Đức Ki-tô.

Trên hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay trong đời sống dâng hiến, chúng ta hãy ước ao và xin Chúa ban cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng này : Đức Ki-tô trở nên chói ngời trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; và ước gì cuộc sống hằng ngày của chúng ta, dù phải đối diện với những thăng trầm, thử thách và khó khăn, là lời diễn tả tâm tình vui sướng : “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay!” Bởi vì, ánh sáng chói lòa của Đức Giêsu trên đỉnh núi muốn nói cho chúng ta về kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc của lựa chọn cho đi sự sống của mình, đánh liều cuộc đời mình trong một ơn gọi, vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, như chính Ngài đã nói tám ngày trước (x. Lc 9, 23-26).

Chúng ta hãy cảm nếm và mặc lấy tâm tình của các môn đệ, để hiểu hết lời nói này của ông Phê-rô:

Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a. (c. 33)

Có người hiểu ông Phê-rô có ý nói: « Rất hay, vì có chúng con ở đây để phục vụ các Ngài… ». Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó đơn giản là lời diễn tả “ơn an ủi thiêng liêng”, diễn tả niềm hạnh phúc khôn tả được chiêm ngắm vĩnh cửu ngay trong thời gian ; và ông Phê-rô muốn duy trì hạnh phúc này mãi mãi, bằng cách dựng lều cho các vị. Lều là biểu tượng của sự an nghỉ cánh chung. Và đối với ông Phê-rô, cánh chung là đây.

Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này khi chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giê-su, và nhất là Cuộc Thương Khó của Ngài, vì có một lúc nào đó, Ngài sẽ trở lên chói lọi đối với chúng ta, nghĩa là “sức mạnh và khôn ngoan” thần linh của Người trở nên rạng ngời và cuốn hút chúng ta, đến độ có thể nói như thánh Phao-lô: “tôi coi mọi sự là thiệt thòi!”. Và chính với kinh nghiệm chiêm ngắm Đức Ki-tô chói ngời trong Tin Mừng và trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra Chúa chói ngời, ngay trong hành trình đi theo Người trong một ơn gọi đầy thách đố của chúng ta.

3. “Hãy vâng nghe Lời Người”

Đám mây thần linh bao phủ các ông, là hình ảnh thật đẹp diễn tả tình yêu Thiên Chúa bao bọc, mời gọi con người đi vào trong kế hoạch cứu độ của Người. Hình ảnh đám mây còn diễn tả là điều Chúa Chúa muốn, đối lại với lòng ước ao “dựng lều” của ông Phê-rô. Bởi vì, khi ông còn đang nói, có đám mây sáng ngời bao phủ các ông. Đám mây là hình ảnh của sự di động, không thể làm chủ hay nắm bắt được, thay vì cố định, dễ làm chủ và nắm bắt như căn lều ; và từ đám mây, Thiên Chúa Cha lên tiếng :

Đây là Con Ta, Người đã được tuyển chọn,
hãy vâng nghe lời người. 
(c. 35)

Như thế, chính khi chúng ta vâng nghe Đức Giê-su, và đi theo Ngài trên con đường Thập Giá, trong ơn gọi của chúng ta với tâm tình biết ơn và yêu mến, chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa. Và khi đó chúng ta có thể nói :

Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay !

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Đây là Con yêu dấu của Ta – Hãy lắng nghe lời Người!

Tuesday (August 6): “This is My Son, the Beloved – Listen to Him!”

 

Gospel Reading: Luke 9:28-36 

28 Now about eight days after these sayings he took with him Peter and John and James, and went up on the mountain to pray. 29 And as he was praying, the appearance of his countenance was altered, and his raiment became dazzling white. 30 And behold, two men talked with him, Moses and Elijah, 31 who appeared in glory and spoke of his departure, which he was to accomplish at Jerusalem. 32 Now Peter and those who were with him were heavy with sleep, and when they wakened they saw his glory and the two men who stood with him. 33 And as the men were parting from him, Peter said to Jesus, “Master, it is well that we are here; let us make three booths, one for you and one  for Moses and one for Elijah” — not knowing what he said. 34 As he said this, a cloud came and overshadowed them; and they were afraid as they entered the cloud. 35 And a voice came out of the cloud, saying, “This is my Son, my Chosen; listen to him!” 36 And when the voice had spoken, Jesus was found alone. And they kept silence and told no one in those days anything of what they had seen.

Thứ Ba –  6-8          Đây là Con yêu dấu của Ta – Hãy lắng nghe lời Người!

 

Lc 9,28-36

28 Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê.29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a.31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người.33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì.34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ.35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người! “36Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

Meditation: 

 

Are you prepared to see God’s glory? God is eager to share his glory with us! We get a glimpse of this when some of the disciples see Jesus transfigured in glory on a high mountain. [In the Eastern Orthodox, Catholic, and Anglican churches, this event is celebrated as a major feast on August 6.] Jesus often went to a lonely place to pray – to seek solitude and sanctuary away from the crowds. But on this occasion, Jesus face radiated with light and his clothing became dazzling white (Luke 9:29).

 

When Moses met with God on Mount Sinai the skin of his face shone because he had been talking with God (see Exodus 34:29). Paul says that the Israelites could not look at Moses’ face because of its brightness (2 Corinthians 3:7). In the Gospel account Jesus appeared in glory with Moses, the great lawgiver of Israel, and with Elijah, the greatest of the prophets, in the presence of three of his beloved apostles – Peter, James, and John. 

What is the significance of this mysterious appearance? Jesus went to the mountain knowing full well what awaited him in Jerusalem – his betrayal, rejection and crucifixion. Jesus very likely discussed this momentous decision to go to the cross with Moses and Elijah. God the Father also spoke with Jesus and gave his approval: This is my beloved Son; listen to him. The Father glorified his son because he obeyed. The cloud which overshadowed Jesus and his apostles fulfilled the dream of the Jews that when the Messiah came the cloud of God’s presence would fill the temple again(see Exodus 16:10, 19:9, 33:9; 1 Kings 8:10; 2 Maccabees 2:8). 

The Lord wants to share his glory with each of us

The Lord Jesus not only wants us to see his glory – he wants to share this glory with us. And Jesus shows us the way to the Father’s glory: follow me – obey my words – take the path I have chosen for you and you will receive the blessings of my Father’s kingdom – your name will be written in heaven. Jesus succeeded in his mission because he went to Calvary so that Paradise would be restored to us once again. He embraced the cross to obtain the crown of glory that awaits each one of us, if we will follow in his footsteps.

 

Origen of Alexandria (185-254 AD), an early church bible scholar and writer, shows us how the transfiguration can change our lives: 

“When he is transfigured, his face also shines as the sun that he may be manifested to the children of light who have put off the works of darkness and put on the armor of light, and are no longer the children of darkness or night but have become the sons of day, and walk honestly as in the day. Being manifest, he will shine unto them not simply as the sun, but as demonstrated to be the sun of righteousness.”

Stay awake spiritually – Don’t miss God’s glory and action

Luke’s Gospel account tells us that while Jesus was transfigured, Peter, James, and John were asleep (Luke 9:32)! Upon awakening they discovered Jesus in glory along with Moses and Elijah. How much do we miss of God’s glory and action because we are asleep spiritually?  There are many things which can keep our minds asleep to the things of God: Mental lethargy and the “unexamined life” can keep us from thinking things through and facing our doubts and questions. The life of ease can also hinder us from considering the challenging or disturbing demands of Christ.  Prejudice can make us blind to something new the Lord may have for us. Even sorrow can be a block until we can see past it to the glory of God. 

 

 

 

Are you spiritually awake? Peter, James, and John were privileged witnesses of the glory of Christ. We, too, as disciples of Christ are called to be witnesses of his glory. We all, with unveiled face, beholding the glory of the Lord, are being changed into his likeness from one degree of glory to another; for this comes from the Lord who is the Spirit (2 Corinthians 3:18). The Lord wants to reveal his glory to us, his beloved disciples. Do you seek his presence with faith and reverence?

“Lord Jesus, keep me always alert and awake to you, to your word, your action, and your daily presence in my life. Let me see your glory.”

Suy niệm:

 

Bạn có sẵn sàng nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa chưa? Thiên Chúa mong muốn chia sẻ vinh quang của Người với chúng ta! Chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về điều này khi các môn đệ nhìn thấy Đức Giêsu biến hình trong vinh quang trên núi cao. (Trong các Giáo hội Chính Thống, Công Giáo, và Anh Giáo, sự kiện này được mừng như ngày lễ lớn vào ngày 6 tháng 8) Đức Giêsu thường đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện – tìm kiếm sự cô tịch và thánh thiên xa cách đám đông. Nhân cơ hội này, Đức Giêsu biến hình và áo của Người trở nên trắng vô cùng (Lc 9,29).

Khi Môisen gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Sinai,da mặt ông chiếu sáng, bởi vì ông được nói chuyện với Thiên Chúa (Xh 34,29). Thánh Phaolô nói rằng dân Israel không thể nhìn vào mặt ông Môisen, bởi vì ánh sáng của nó (2Cor 3,7). Trong câu chuyện Tin mừng, Đức Giêsu hiện ra trong vinh quang với Môisen, người lập luật vĩ đại của dân Israel, và với Êlia, vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong các ngôn sứ, trước sự hiện diện  của ba vị tông đồ yêu dấu của Người – Phêrô, Giacôbê, và Gioan.

Ý nghĩa của sự xuất hiện thần bí này là gì? Đức Giêsu lên núi và biết rõ những gì đang chờ Người ở Giêrusalem – sự phản bội, chống đối, và đóng đinh của Người. Đức Giêsu dường như thảo luận quyết định đi tới thập giá quan trọng này với Môisen và Êlia. Chúa Cha cũng nói với Đức Giêsu với sự chứng nhận: Đây là con yêu dấu của Ta, hãy vâng nghe lời Người. Chúa Cha đã tỏ vinh quang cho Con vì Người đã vâng phục. Đám mây che phủ Đức Giêsu và các tông đồ đã thực hiện giấc mơ của người Dothái rằng khi Đấng Mêsia đến, đám mây của sự hiện diện của Chúa sẽ bao phủ đền thờ một lần nữa (Xh 16,10; 19,9; 33,9; 1V 8,10; 2Mcb 2,8).

 

Chúa muốn chia sẻ vinh quang của Người cho mỗi người chúng ta

Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta nhìn thấy vinh quang của Người – Người muốn chia sẻ vinh quang này với chúng ta. Và Đức Giêsu tỏ cho chúng ta con đường tới vinh quang của Cha: Hãy theo Ta – hãy vâng phục lời Ta – hãy theo con đường Ta đã chọn cho anh em và anh em sẽ nhận được những phúc lành vương quốc của Cha Ta – tên anh em sẽ được viết trên trời. Đức Giêsu hoàn thành sứ mạng của mình bởi vì Người đã lên núi Canvê, để Thiên đàng được trả lại cho chúng ta một lần nữa. Người đã ôm lấy thập giá để có được triều thiên vinh quang, đang chờ đợi mỗi người chúng ta, nếu chúng ta đi theo các vết chân của Người.

Ôrigênê, nhà chú giải Kinh thánh nổi tiếng ở thế kỷ thứ 3, cho chúng ta thấy sự biến hình có thể thay đổi đời sống chúng ta như thế nào:

 

Khi Người biến hình, mặt Người cũng chiếu sáng như mặt trời, đến nỗi Người có thể được biểu lộ cho con cái sự sáng, những người từ bỏ những công việc của bóng tối, và mang lấy áo giáp sự sáng, và không còn là con cái của bóng tối hay đêm đen nữa, nhưng trở nên con cái ban ngày, và mạnh dạn bước đi như giữa ban ngày. Rõ ràng, Người sẽ chiếu sáng trên họ không chỉ đơn giản như mặt trời, nhưng như sự biểu lộ của mặt trời công chính.”

Tâm hồn bạn hãy tỉnh thức – Đừng bỏ qua vinh quang và hành động của Thiên Chúa

Tin mừng Luca kể lại cho chúng ta rằng khi Đức  Giêsu biến hình, Phêrô, Giacôbê, và Gioan đang ngủ (Lc 9,32)! Khi thức dậy, họ thấy Đức Giêsu trong vinh quang với Môisen và Êlia. Biết bao lần chúng ta đã bỏ qua sự vinh quang và hành động của TC, bởi vì chúng ta đang ngủ về phần thiêng liêng? Có nhiều thứ có thể làm cho tâm trí chúng ta mê ngủ trước những việc của Thiên Chúa: tính thờ ơ tinh thần và cuộc đời không kiểm điểm” có thể ngăn cản chúng ta không suy nghĩ đến các việc một cách thấu đáo, khi đứng trước những hoài nghi và vấn nạn. Cuộc sống dễ dãi cũng có thể  ngăn cản chúng ta không suy nghĩ tới sự thách đố hay những đòi hỏi khó chịu của Đức Kitô. Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng trước những điều mới mẽ mà Chúa muốn cho chúng ta biết. Thậm chí đau khổ có thể là chướng ngại vật cho tới khi chúng ta nhìn thấy vinh quang TC đàng sau nó.

Tâm hồn bạn có tỉnh thức không? Phêrô, Giacôbê, và Gioan đã được diễm phúc chứng kiến vinh quang của Đức Kitô. Chúng ta, các môn đệ của Đức Kitô, cũng được mời gọi làm chứng cho vinh quang của Người. Như vậy, tất cả chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí(2Cor 3: 18). Chúa muốn tỏ lộ vinh quang của Người cho chúng ta, là các môn đệ yêu dấu của Người. Bạn có tìm kiếm sự hiện diện của Chúa với lòng tin và lòng sốt mến không?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn tỉnh thức với Chúa, với lời Chúa, với hành động của Chúa, và với sự hiện diện hằng ngày của Chúa trong cuộc đời con. Xin Chúa cho con được thấy vinh quang của Người.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây