Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 5 Mùa Chay

Thứ năm - 31/03/2022 21:00

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY. NĂM C_2022

 
 

Lời Chúa:  Is 43,16-21;  Pl 3,8-14;  Ga 8,1-11

——-

Mục lục

1. Đấng giải phóng con người (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Tha thứ ngọt ngào  (Jorathe Nắng Tím)

3. Ước gì đám đông biết nghe theo tiếng Chúa (Lm. Jos Tạ DuyTuyền)

4. Tha hay không tha  (Lm. Thái Nguyên)

5. Vaccine phòng dịch “Ném đá” (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

6. Sống nơi thiên đường và thiên đàng  (Lm. Bosco Dương Trung Tín)

7. Ai người vô tội?  (Gioan Phạm Duy Anh SJ)

8. Tội nhân  (Lm. Vũ Đình Tường)

9. Chúa tha thứ để con người canh tân (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

10. Chúa Nhật V Mùa Chay C (Lm. Phạm Hồng Thái)

11. Đấng thấu suốt tâm hồn con người (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

12. Vụ án đặc biệt  (Trầm Thiên Thu)

 

ĐẤNG GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Trong trình thuật về người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giêsu vừa được giới thiệu là Đấng nhân từ, đồng thời cũng là Đấng giải phóng nhân loại. Đây chính là dung mạo của Thiên Chúa theo mặc khải của Thánh Kinh. Quả vậy, trong truyền thống Cựu ước, Thiên Chúa vẫn được tuyên xưng và ca tụng là Đấng bao dung nhân từ, và là Đấng giải phóng Dân Ngài khỏi áp bức của các dân hùng mạnh. Ngài vừa là “Chúa các đạo binh”, và cũng là Đấng chỉ “giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời”.

Với nhân vật người phụ nữ ngoại tình, dưới ngòi bút của thánh sử Gioan, ta thấy đây là một vụ xét xử «bất đắc dĩ» đối với Chúa Giêsu. Bởi lẽ lúc đó Người đang giảng cho dân chúng và người ta tuốn đến rất đông. Thánh Gioan viết: toàn dân đến với Người. Những kinh sư và biệt phái muốn gài bẫy Chúa và làm cho người mất mặt trước công chúng. Nếu Chúa đồng ý cho ném đá, thì Chúa hành xử ngược lại với lời giảng dạy của Người. Nếu Chúa không đồng ý cho ném đá, thì sẽ là người chống lại luật Môisen. Đàng nào cũng mắc bẫy và bị phê phán – họ nghĩ thế. Chúa không đồng ý với việc ném đá. Chúa cũng không ngăn cản họ làm việc này. Chúa chỉ nói đơn giản: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nghe câu này, dân chúng tản ra rồi dần dần giải tán. Trước lời tuyên bố của Chúa Giêsu, họ không thể bắt bẻ Người được nữa.

Trọng tâm câu chuyện không phải ở nhân vật người phụ nữ hay những đối phương, mà là ở giáo huấn của Chúa. Với lời tuyên bố: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, Chúa Giêsu đã giải phóng người phụ nữ khỏi một đám đông đang muốn ăn tươi nuốt sống một cách tàn nhẫn. Với lời dặn: “Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”, Chúa Giêsu – thời đó được coi như một bậc thầy về luân lý – đã giải phóng chị khỏi tâm trạng mặc cảm tội lỗi. Bởi lẽ theo tâm lý tự nhiên, người phạm tội đau khổ vừa do lời gièm pha chê trách của người xung quanh, vừa do tự ti mặc cảm vì mình đã làm điều xấu. Chúa Giêsu đã giải phóng các tội nhân khỏi tội, và ban cho họ được thanh thản tâm hồn. Người cũng tuyên bố không kết án chị. Không kết án, tức là tha thứ và cảm thông bỏ qua những lỗi lầm đã phạm.

Lời nói: “Chị cứ về đi” của Chúa Giêsu cũng giống như lời Chúa nói khi làm cho ông Lagiarô đã chết được sống lạ: “Hãy cởi khăn và vải cho anh ấy, để anh ấy đi” (Ga 11,44). Người phụ nữ đã được giải phóng khỏi nấm mồ tăm tối mà người ta đã muốn nhốt chị vào. Đối với chị, vào lúc cùng cực nhất, thì thật may mắn là chị được cứu thoát và cuộc sống mới đã khởi đầu. Như thế, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu đã làm cho chị phục sinh, ra khỏi nấm mồ, như Chúa sẽ gọi ông Lagiarô ra khỏi mồ, ra khỏi cõi chết. Chúng ta thường gọi đây là «trình thuật về người phụ nữ ngoại tình». Cách gọi này xem ra không chính xác cho lắm. Bởi lẽ, khi nhấn mạnh đến tội ngoại tình, là chúng ta như đứng về phía những người đang tố cáo người phụ nữ này. Họ tỏ ra là những người nhiệt thành bảo vệ lề luật. Đúng hơn, nên gọi đây là trình thuật về tình thương của Chúa đối với người phụ nữ ngoại tình.

Một chi tiết nhỏ rất đáng chú ý, đó là ý thâm ý của những kinh sư và biệt phái, như thánh sử Gioan viết: «Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng chứng tố cáo người» (câu 6). Thì ra người bị tố cáo chính thức lại không phải người phụ nữ, nhưng chị chỉ được dùng như một phương tiện để những kinh sư và biệt phái gài bẫy tố cáo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không mắc bẫy họ. Người cũng không chấp nhận làm cho luật Môisen trở thành một phương tiện giết người. Người tỏ cho thấy, lề luật nhằm giáo dục con người, cứu giúp con người để họ hướng thiện. Giáo huấn của Cựu ước đã nêu rõ: Thiên Chúa không muốn ai phải chết. Thiên Chúa yêu thương mọi người và Ngài muốn cho họ được sống. Ngài không vui thích khi thấy con người gặp hoạn nạn khổ đau, nhưng Ngài ra tay cứu giúp họ. Chúa Giêsu đã tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, nhưng điều chỉnh để diễn tả dung mạo một Thiên Chúa nhân từ.

Khi tuyên bố: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, Chúa Giêsu cho thấy, tội lỗi không chỉ là hành vi ngoại tình, mà tội lỗi còn là việc xét đoán tha nhân. Người mời gọi các kinh sư và biệt phái nhận ra thân phận tội lỗi của mình để có cái nhìn bao dung hơn với người khác. Khi xét đoán và phê phán anh chị em mình, con người thuộc về quyền lực của bóng tối. Giữa đám đông hôm đó, có duy nhất Chúa là Đấng Thánh, Đấng vô tội và là Đấng có quyền lên án các tội nhân, nhưng Người lại không kết án người phụ nữ. Sau khi đám đông đã giải tán hết, chỉ còn Chúa Giêsu và người phụ nữ, Chúa đã nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu”. Lời này đã làm cho chị ngạc nhiên và vui mừng. Đây là lời diễn tả tình thương bao la của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Qua ngòi bút của thánh sử Gioan, chúng ta thấy có sự đảo lộn về khái niệm. Ban đầu, xem ra chỉ có chị phụ nữ là người có tội, nhưng về sau, thì Chúa tỏ cho thấy, những kinh sư và biệt phái cũng là những tội nhân, và họ muốn thay quyền Thiên Chúa để xét đoán đồng loại. Việc họ dần dần bỏ đi cho thấy họ là những người còn mang nhiều tội lỗi.

Thiên Chúa là Đấng giải phóng con người. Ngôn sứ Isaia thét vang lên điều đó, vào lúc dân Do Thái đang chán chường bi quan trong cảnh lưu đày (Bài đọc I). Đoạn sách được đọc trong Chúa nhật thứ bốn này được gọi là “Sách an ủi”, vì nó truyền cho dân lưu đày một nghị lực mới. Nghị lực này đến từ niềm tin vào Thiên Chúa. Dân Do Thái hy vọng vào sự can thiệp của Ngài. Họ chắc chắn sẽ được giải phóng để về lại quê hương. Vào lúc đó, đau khổ ê chề sẽ qua, sa mạc sẽ có suối nước, nước mắt sẽ không còn.

Nên lưu ý một chi tiết rất thú vị khi đọc tiếp Tin Mừng của thánh Gioan: nếu Chúa Giêsu cứu người phụ nữ khỏi bị dân ném đá, thì sau đó, cũng ở chương 8, người Do Thái lại định ném đá Người, nhưng Người lánh đi và ra khỏi Đền thờ (x Ga 8,59). Họ muốn ném đá Chúa khi Người phê phán thói giả hình và sự cứng lòng của họ. Vâng, Chúa Giêsu là Đấng vô tội, đã mang lấy trên thân mình tội lỗi của muôn dân. Thập giá mãi mãi là một mầu nhiệm mà con người không thể suy thấu. Con Thiên Chúa chịu mọi khổ hình cho đến chết, chỉ vì yêu thương và muốn cứu độ con người. Trên cây thập giá, Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta.

Mùa Chay giúp ta suy tư về thân phận con người. Mùa Chay cũng nhắc chúng ta suy tư về tình thương của Thiên Chúa. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô sẽ cứu chúng ta khỏi chết. Thánh Phaolô quả quyết với chúng ta như thế trong Bài đọc II. Một khi đã hiểu biết và đã gặp gỡ Chúa Giêsu trong đời mình, vị tông đồ của chúng ta sẵn sàng chấp nhận mất hết mọi sự, miễn là có được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Khi sám hối trong Mùa Chay, chúng ta được nghe Chúa nói: tôi cũng không lên án anh (hay chị, hay ông bà) đâu, hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Với lời Chúa, chúng ta được trở nên con người mới, bước sang một ngã rẽ mới để làm lại cuộc đời. Chúa đã quên tội lỗi của chúng ta. Dù ta tội lỗi đến đâu, Người vẫn ở bên ta, để nâng đỡ và phù trợ với tình yêu thương của Người. Xin cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện kỳ diệu ấy. Amen.

Về mục lục

THA THỨ NGỌT NGÀO

Jorathe Nắng Tím      

Tuy cũng là tha thứ, nhưng không phải tha thứ nào cũng giống nhau, cũng cùng cách thức, mức độ, bởi có những tha thứ một phần, tha thứ kèm theo thử thách, tha thứ có điều kiện, tha thứ nhưng không quên, tha thứ đòi đền trả, tha thứ nhưng phải chịu trừng phạt, tha thứ nhưng không cởi trói, tha thứ không trả tự do, tha thứ không mở ra con đường sống; chưa kể những tha thứ căng thẳng, tha thứ nặng nề, tha thứ bực dọc, tha thứ bất đắc dĩ, tha thứ mà lòng không vui, tim chưa sẵn sàng.

Trước những tha thứ đủ loại, đủ màu sắc, đủ kích cỡ đó, Đức Giêsu mặc khải ơn tha thứ ngọt ngào của Ngài qua sự việc “các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình” (Ga 8, 3).

Theo dõi câu chuyện được thánh Gioan kể lại, thì người đàn bà đã không tỏ ra một thái độ thống hối rõ ràng nào, hoàn toàn khác với người con thứ hoang đàng trong Tin Mừng Luca , khi anh này bày tỏ quyết tâm “đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15,18-19). Mặc dù vậy, Đức Giêsu vẫn rộng lượng bao dung tha thứ và ngọt ngào nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Thái độ tha thứ ngọt ngào của Đức Giêsu không biện hộ cho tội ngoai tình mà chính Ngài đã ngăn cấm (x.Lc 18,20), nhưng không vì thế mà Ngài từ chối cho người đàn bà ngoại tình cơ hội làm mới cuộc đời, cơ may bắt đầu lại tất cả như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm: “Này Ta sắp làm một việc mới. Việc đó bắt đầu rồi, các ngươi không thấy sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43,19-20).

Thái độ tha thứ ngọt ngào của Đức Giêsu được nhận ra ở đề nghị quên đi qúa khứ tội lỗi, khi Ngài bảo người đàn bà: “Thôi chị cứ về đi!”. “Cứ về đi!” là đừng ở lại với những gì đã qua; “Cứ về đi!” là đừng ở lì trong đau buồn, ô nhục của tội lỗi; “Cứ về đi!” là bỏ lại qúa khứ và mau mắn lên đuờng tiến đến tương lai như thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng của ngài với tín hữu thuộc giáo đoàn Philipphê: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).

Thái độ tha thứ ngọt ngào của Đức Giêsu đã mở toang  cánh cửa về tương lai cho người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang, khi bảo chị: “Từ nay uđùng phạm tội nữa”, nghĩa là  từ nay hãy đọan tuyệt với qúa khứ tội lỗi, để từ nay mầm hy vọng cứu rỗi được lớn lên, cây cứu độ  được đơm chồi nẩy lộc, sinh hoa kết trái, vì trên thửa đất tâm hồn của mỗi người, Thiên Chúa đã ươm sẵn những hạt giống cứu độ, mầm sống tin yêu.

Và sau cùng, thái độ tha thứ ngọt ngào của Đức Giêsu đã ban lại tự do trọn vẹn và bình an sâu lắng cho người đàn bà yếu đuối đã ngoại tình, bởi Ngài đã không ràng buộc chị với bất cứ biện pháp ngăn cản, trừng phạt nào, cũng không  kiểm soát sinh hoạt, giới hạn quyền sống, hay xếp chị vào thành phần bất hảo phải theo dõi, canh chừng, cải tạo, nhưng hoàn toàn và  vĩnh viễn trắng án, tha bổng cho con người đã sai phạm vì  yếu đuối hơn cố tình, nên đáng thương hơn đáng trách, đáng được cứu sống hơn chịu hành hình dưới làn mưa  đá  chiếu theo lề luật.

Thực vậy, tình yêu đích thực bao giờ cũng thư thái, tự do, và lòng thương xót bao giờ cũng êm dịu, ngọt ngào, như tình yêu của người cha nhân hậu đã  trước sau như một  tuyệt đối tôn trọng tự do của con và lòng thương xót của ông dành cho con  vẫn muôn đời êm dịu, ngọt ngào.

Đức Giêsu là người cha nhân hậu, giàu lòng thương xót ấy. Chính Ngài đã mang đến trong thế gian ơn tha thứ ngọt ngào để giữa những khốn nạn của cuộc đời cùng khổ, tội nhân còn tìm được đường về, hối nhân còn nhận được ơn cứu sống, nhờ những lời tha thứ ngọt ngào của Thiên Chúa bao dung, nhân hậu: “Tội con đã được tha! Cha không lên án con đâu. Hãy đi bình an và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Về mục lục

ƯỚC GÌ ĐÁM ĐÔNG BIẾT NGHE THEO TIẾNG CHÚA

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Trong ca khúc “Yêu nhau ghét nhau”  của nhạc sỹ Vi Nhật Tảo đã nhắc đến hai từ ‘ném đá’ thật đời thường như sau:

“Yêu nhau kéo áo đắp chung, ghét nhau nắng dãi mưa dầm mặc nhau

Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”

Ném đá theo nghĩa đen là cầm đá ném vỡ đầu nhau ra. Ném đá theo nghĩa bóng còn là vận động đám đông để công kích người mình ghét. Đây là loại “ném đá giấu tay”. Đây là hành vi thường không quang minh chính đại, tiểu nhân, muốn hãm hại người khác nhưng lại giấu mặt, vẫn tỏ vẻ không liên quan, nhưng lại kích động đám đông cuồng loạn để ném đá người mình không ưa.

Ngày nay người ta sợ những hòn đá vật lý một thì người ta cũng sợ “những hòn đá truyền thông” mười. Chỉ cần một động tác nhẹ nhàng qua bàn phím đã có thể sát hại uy tín, tinh thần và cả thể xác người bị ném đá, với sự ‘chứng kiến”, thậm chí “tham gia cùng ném đá” của hàng ngàn hàng vạn người trên khắp thế giới”. Đám đông này thường là thiếu hiểu biết, thiếu lý luận nên gọi là dư luận viên. Họ dẫn dắt dư luận theo ý họ và sẵn sàng thóa mạ những ai khác quan điểm với họ.

Câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình có thể đi đến một án mạng vì bị đám đông cuồng loạn. Đám đông ấy đầy nộ khí đã dẫn người phụ nữ đến trước mặt Chúa Giê-su. Họ muốn Chúa Giê-su đứng về phía đám đông để ném đá người phụ nữ mà họ đang lan truyền bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Nhưng Giê-su, với lời thách thức lương tâm của từng người chứ không phải của đám đông: ai không phạm tội thì hãy ném đá người này đi, rất may những người hôm đó đã nhìn ra sự thật để dám buông bỏ hòn đá. Lương tâm đã không cho phép họ ném đã người tội lỗi, nhưng phải từ bi, tha thứ để cho nhau cơ hội làm lại cuộc đời và sửa đổi , chuộc lại lỗi lầm.

 Ở đây chúng ta thấy trái tim đầy nhân ái nơi Chúa Giê-su. Ngài không hùa theo đám đông để kết án. Dù rằng tội người đàn bà này theo đám đông là “rõ mười mươi”. Nhưng đám đông không là chân lý. Chân lý cần kiểm chứng. Chân lý cần sáng tỏ chứ không chỉ nghe mà hùa theo đám đông. Chúa Giê-su đã chất vấn lương tâm từng người một để rồi đám đông ấy lần lượt bỏ đi vì “ai nên khôn mà không dại một lần”. Cuối cùng chỉ còn lại một mình tội nhân với Chúa, Chúa không kết án mà còn mở ra cho chị một con đường mới: con hãy về, và từ nay đừng phạm tội nữa.

Câu chuyện hùa theo đám đông để kết án lẫn nhau dường như vẫn xảy ra trong thế giới chúng ta. Những cuộc ném đá nhau trên không gian mạng ngày một ác liệt hơn. Người ta có thể dùng những từ nặng nề nhất để thóa mạ nhau. Kẻ ném đá giấu tay thường nên cao chính nghĩa để lôi kéo đám đông triệt hạ người mà họ từng yêu nay lại ghét. Có khi vì gato, có khi vì lợi ích nhóm mà tìm cách ném đá lẫn nhau.

Ước gì những đám đông ấy hãy biết dừng lại để chất vấn lương tâm. Tôi ném đá anh em sẽ mang lại cho tôi điều gì? Hãy suy nghĩ để rồi từng người một đều nhận ra thân phận mỏng dòn của mình mà buông hòn đá xuống. Hãy sống hòa giải và tha thứ thay cho nuôi dưỡng hận thù. Hãy học nơi Chúa Giê-su : Ta muốn lòng nhân từ chứ không cần hy lễ. Vâng, chỉ có lòng nhân từ mới mang lại sự sống, bình an và hạnh phúc.

Xin Chúa cho chúng ta biết sám hối và từ nay đừng phạm tội nữa. Amen

Về mục lục

THA HAY KHÔNG THA

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Thái độ hành xử của Đức Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay được coi như một cuộc cách mạng đối với tâm thức xã hội và luật pháp thời đó. Ngài bênh vực người yếu và phân trần sự bất công mà người phụ nữ phải chịu, cũng như thái độ giả hình của những kẻ luôn dùng quyền để xét xử và kết án. Và Chúa Giêsu đã khơi dậy một ý thức về chính tội lỗi của những kẻ muốn kết án. Trong Tông thư “Mullieris dignitatem” (Về phẩm giá người phụ nữ, 1988), Đức Gioan Phaolô II đã nhắc đến thái độ kỳ thị nữ giới như một hậu quả của tội nguyên tổ (Chương V).

Phúc Âm Thánh Gioan cho thấy đã từng có những cuộc tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu với các Kinh sư và người Pharisêu, và họ đang tìm cách để triệt hạ ảnh hưởng và uy thế của Ngài. Bất ngờ có trường hợp người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, và họ đã lợi dụng việc này để đưa Đức Giêsu vào tròng. Họ mở ra một phiên tòa ngay lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy cho dân chúng, và mời Ngài làm thẩm phán, với câu hỏi được đặt ra: “Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Một câu hỏi bất ngờ, nghe ra chân thành nhưng lại rất nham hiểm. Nếu tha, Ngài chống lại luật Môsê, còn nếu Ngài tuyên bố ném đá, thì  phạm đến quyền của đế quốc Rôma, và đi ngược với Tin Mừng Ngài rao giảng. Cả hai gọng kìm đều siết chặt. Ðức Giêsu cúi xuống viết gì đó trên đất, bầu khí lắng đọng, im lìm. Các đối thủ có vẻ đắc thắng trước sự chần chừ của Ngài.

Họ hỏi mãi nên Ngài lên tiếng: “Ai trong các ông vô tội, thì cứ ném đá trước đi”. Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Câu trả lời của Ngài như âm vang trong tĩnh lặng, thấm vào tim óc của những người đứng chung quanh, dường như bắt người ta phải đối diện với lòng mình. Đứng trước tòa án lương tâm, ai dám tự hào mình vô tội? Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình. Có bao tội ngoại tình nhưng lại không bị bắt quả tang, không chỉ ngoại tình trong hành động mà còn trong tư tưởng, trong ước muốn. Khi lo tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình. Dù sao nhóm người tố giác cũng còn chút lương tâm để nhận ra sự thật về bản thân. Họ đã bỏ đi, một cách nhận mình là kẻ có tội. Và rồi kẻ trước người sau cũng lần lượt rút lui.

Cuối cùng, chỉ còn lại người phụ nữ và Đức Giêsu: người đáng thương và chính Tình Thương (Miseria et misericordia). Ngồi bên cạnh nữ phạm nhân, Chúa Giêsu không một lời khiển trách, Ngài mở lời xoa dịu và trấn an chị:“Tôi không lên án chị đâu….”. Không lên án không có nghĩa là coi nhẹ tội lỗi, hoặc xí xóa cho qua. Nhưng Ngài mời gọi khẩn thiết: “Đừng phạm tội nữa”. Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt đang còn tiềm ẩn nơi người phụ nữ cũng như nơi cả những người biệt phái. Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã, nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ.

Những kẻ có quyền thường thích lên án, thích trừng phạt, thích dựa vào luật lệ để buộc tội người khác. Đang khi đó, bản chất của quyền hành là để cứu giúp và cứu gỡ nạn nhân. Tội lớn nhất của các Kinh sư và người Pharisêu trong sự kiện này là dùng người đàn bà như một thứ đồ vật, để thực hiện ý đồ của họ, là nhằm đưa Đức Giêsu vào bẫy. Nhưng người gài bẫy lại mắc bẫy, vì đó là hành vi phi đạo đức. Chỉ Chúa Giêsu mới có quyền xét xử và kết án, nhưng Ngài lại làm việc đó với tình yêu.

Sứ điệp trong Tin Mừng hôm nay là “cứu sống” chứ không phải “giết chết”, là mở ra một tương lai, một chân trời mới, một niềm hy vọng, chứ không phải khép lại. Ngài xét xử theo lương tâm chứ không theo lề luật; theo lòng nhân hậu chứ không theo tội phạm. Phán quyết của Ngài là lên án tội lỗi chứ không phải tội nhân, là kêu gọi hoán cải và tuyên bố ơn tha tội, để giải thoát chứ không kiềm buộc.

Là môn đệ Chúa, sự hiện diện của chúng ta là để cứu chữa những gì đã hư hỏng, phục hồi những gì đã hư hao, làm mới lại những gì đã hư hại… để đưa mọi người trở lại với đời sống hiệp thông. Chúng ta chỉ có quyền tha, không có quyền buộc. Quyền kết án thuộc về một mình Thiên Chúa, đừng thay Trời hành đạo, vì là thái độ của kẻ kiêu ngạo. Cũng là người yếu đuối và tội lỗi, nên ta càng phải cảm thương nhau.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Người ta đã mở ra một phiên tòa,
mời Chúa xử người đàn bà phạm tội.

Cách Chúa xử án xem ra thật lạ,
không theo luật mà xử với lòng nhân,
một phiên tòa, kẻ phạm tội được tha,
kẻ kiện cáo lại thấy mình có tội.

Một phiên tòa tĩnh lặng và yên ắng,
không ồn ào nặng lý lẽ thắng thua,
một phiên tòa không phải là xử kiện,
nhưng khơi mở cho lương tâm lên tiếng,
đòi người ta đối diện với lòng mình.

Qua đó Chúa dạy con trong mọi chuyện,
không cứ lấy cái đầu ra giải quyết,
mà trước tiên cần cảm nhận của con tim,
với cái nhìn đầy yêu thương trước đã,
rồi tự động mọi cái sẽ sáng ra.

Chúa không muốn lên án tội lỗi con,
chỉ kêu mời từ nay đừng phạm nữa,
để sống vui với Chúa với mọi người,
góp phần cho thế giới được sáng tươi.

Xin cho con luôn trở về bên Chúa,
để hòa nhịp với trái tim nhân hậu,
biết xót thương và quảng đại với nhau,
đừng ngặt nghèo gây thêm nỗi khổ đau,
vì nếu như Chúa cứ công bình chấp tội,
thì bản thân con không thể nào chịu thấu.

Xin cho con cứ sống một tình yêu vô lượng,
như Chúa đã yêu đến mức độ khôn lường. Amen.

Về mục lục

VACCINE PHÒNG DỊCH “NÉM ĐÁ”

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Bệnh dịch “ném đá”

Có một thứ dịch đang lây lan rộng rãi trong xã hội hôm nay, đó là dịch “ném đá”.

Nhiều người xem chuyện công kích, phê bình, nói xấu… người khác như một trò tiêu khiển hằng ngày. Khi nhàn rỗi, bạn bè gặp nhau tại những quán cóc, được gọi đùa là “Thông tấn xã Vỉa hè”, vừa nhâm nhi cà phê, trà sữa… vừa phê bình chỉ trích người khác; và những khi rảnh rang, nhiều bà chụm năm chụm bảy đem chuyện người nọ người kia ra bàn tán, bất cứ ở đâu.

Có người còn lên mạng mắng chửi, mạ lị người khác cách bất công, tạo cớ cho bao người nhảy vào bình luận, mà chủ yếu là hùa nhau mắng chửi một vài nhân vật nào đó cách thậm tệ, dù chẳng rõ thực hư, phải trái thế nào!

Điều đáng buồn là cộng động mạng cũng có lắm người ghiền nghe chửi, khoái xen vào chuyện “ném đá” … nên khi có ai đó lên sóng chửi bới, mạ lỵ người khác, đặc biệt là những người danh tiếng, thì có rất nhiều lượt xem, kèm theo nhiều bình luận độc hại khiến nạn nhân vô cùng đau khổ!

Đây là thứ bệnh dịch tai hại, lây lan nhanh và rất khó chữa. Tìm đâu ra vaccine phòng trị thứ dịch bệnh tai hại nầy?

Phương thuốc của Chúa Giê-su 

Hôm ấy, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?

Họ hối thúc Chúa Giê-su đưa ra một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi. Về phần mình, Chúa Giê-su muốn dẫn dắt những người tưởng mình vô tội trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi mình mà hoán cải trước đã. Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giê-su kêu mời họ hãy xét mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”

Rồi Ngài ngồi xuống thinh lặng, tiếp tục viết, viết trên đất để tạo bầu khí yên tĩnh cho mọi người hồi tâm.

Sau một hồi nhìn lại nội tâm trong yên lặng, những con người hăm hở kết tội người phụ nữ dần dần nhận ra tội lỗi của họ, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là ai nấy xấu hổ lặng lẽ rút lui. Ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì tại sao không “ném đá” mình trước, mà lại đang tâm “ném đá” người khác, có thể còn ít tội hơn mình?

Vì thế, khi ngứa miệng muốn phê bình, công kích người khác, mỗi người hãy nhớ lại lời Chúa Giê-su nói với các kinh sư và người Pha-ri-sêu: “Ai trong các ngươi sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7).

Ngoài ra, Chúa Giê-su cũng cảnh báo chúng ta đừng xét đoán hay lên án người khác để khỏi bị luận phạt. Ngài nói: “Anh em đừng xét đoán thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).

Lạy Chúa Giê-su,

Phê bình, chỉ trích người khác, khi người đó vắng mặt, là điều đáng xấu hổ và bất công. Xin giúp chúng con đừng vướng mắc vào thói xấu tai hại nầy và nếu chúng con không nói tốt cho người khác được thì ít nữa cũng đừng bao giờ nói xấu ai. Amen.

Về mục lục

SỐNG NƠI THIÊN ĐƯỜNG VÀ THIÊN ĐÀNG

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Đức Chúa phán: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc; khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”(Is 43,19).

Việc mới đó là việc gì? Đó là “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc và khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”. Việc mở một con đường giữa sa mạc, đã được nói ở Mùa Vọng. Còn ở Mùa Chay, chúng ta sẽ nói về những dòng sông tại những nơi khô cằn.

Nơi vùng đất gọi là khô cằn là những vùng không có nước; không có những dòng sông. Vì không có những dòng sông; không có nước nên cây cối không mọc được và người ta gọi đó là những nơi khô cằn. Như những vùng sa mạc chẳng hạn. Nơi sa mạc chỉ có cát và cát mà thôi; không có cây cối; không có những dòng sông.

Hình ảnh sa mạc hay những nơi khô cằn đó là con người của chúng ta. Con người chúng ta khô cằn, vì thiếu ơn Chúa; khô cằn vì những việc làm xấu xa của mình. Nơi cuộc sống của chúng ta chỉ có tiền và tiền thôi; không có yêu thương; không có những việc làm tốt.

Chúa sẽ làm một việc mới, nơi con người của chúng ta. Chúa sẽ khơi lại những dòng sông nơi con người của chúng ta; việc đó đã manh nha rồi; đã bắt đầu rồi trong thời điểm của Mùa Chay. Lời Chúa trong sách Ê-dê-ki-en đã nói đến: “Trên hai bờ sông, sẽ mọc mọi giống cây ăn trái; lá không bao giờ tàn và trái không bao giờ hết. Mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ Thánh Điện. Trái dùng làm lương thực, còn lá để làm thuốc” (x.Ed 47,12).

Theo tôi, “hai bờ”, đó là con người của chúng ta, với hai bờ là bờ “sự sống đời đời của linh hồn” và bờ “sự sống đời này của thân xác”.

Nói cách khác, con người của chúng ta có hai phần; nói bóng bẩy là có hai bờ là “Sự sống đời đời của linh hồn và Sự sống đời này của thân xác”. Cũng có thể nói là “con người của đời đời” và “con người của đời này”. Con người của đời đời là con người tinh thần; con người tâm linh; con người của linh hồn. Còn con người của đời này là con người của xác thịt; con người theo xác thịt; theo đời này.

Tôi không dùng linh hồn và thân xác, vì thân xác của ta không tự làm được cái gì xấu hay tốt; nó chỉ là lính, chỉ đâu đánh đó thôi. Thân xác không đối nghịch với linh hồn. Chỉ có con người theo tính xác thịt mới đối nghịch với con người theo tính tinh thần. Ví dụ như đôi tay của ta, nó đâu có tự đánh người khác hay ăn cắp ăn trộm được. Đó là do con người theo tính xác thịt, do cái đầu; do cái tâm xấu xa của ta nghĩ ra và bắt đôi tay làm đấy chứ.

Bởi đó, dù là con người nào đi nữa thì của là con người của ta, ta có trách nhiệm với những quyết định và việc làm của mình; ta quyết dịnh cho sự sống đời này cũng như sự sống đời đời của mình. Trên hai sự sống này, mọi giống cây sẽ mọc; mọi suy nghĩ và việc làm sẽ được thực hiện, sao cho lá không bao giờ tàn và trái không bao giờ hết; chúng sẽ tồn tại mãi mãi.

Mỗi tháng, hay nói cách khác mỗi ngày chúng ta phải sinh trái mới nhờ NƯỚC chảy ra từ Thánh Điện. NƯỚC đây chính là ƠN CHÚA. VìƠN CHÚA, chảy ra từ Thánh Điện; đến từ Chúa. Ơn Chúa làm cho con người khô cằn của chúng ta nên màu mỡ; có đủ điện, đủ nước; có đủ điều kiện để cho con người tinh thần và con người xác thịt của chúng ta phát triển và sinh nhiều hoa thơm trái ngọt.

“Trái của Ơn Chúa” làm lương thực nuôi sống Sự sống linh hồn; Sự sống đời đời của ta; làm cho linh hồn; làm cho Sự sống đời đời của ta khoẻ mạnh, đi về bến thiên đàng. Nếu ta không cho linh hồn ta ăn “Trái của Ơn Chúa”, nó sẽ yếu nhược, chỉ có da bọc xương thì không thể về tới bến được; coi chừng rơi xuống vực thẳm; rơi xuống địa ngục đấy.

“Lá của Ơn Chúa” làm thuốc chữa mọi bệnh tật; mọi tội lỗi của con người theo tính xác thịt của ta. Lá của Ơn Chúa sẽ chữa trị những tính hư tật xấu của ta và nếu ta đã làm những việc xấu xa, gian ác, Lá của Ơn Chúa sẽ tha thứ và tẩy sạch mọi tội lỗi của ta.

Trong sách Tiên Tri Giê-rê-mi-a nói rất hay về việc này. “Phúc thay người đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch nước trong. Mùa nóng đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại và không ngừng trổ sinh hoa trái”(x. Gr 17,7-8).

Đúng vậy, người đặt niềm tin và nương thân vào Chúa sẽ lãnh nhận được nhiều ân sủng của Chúa. Họ như cây được trồng bên dòng nước; đâm rễ sâu vào mạch nước trong. Dù trong cuộc sống có những vất vả, gian truân; có những thất bại, đau thương, họ cũng chẳng sợ chi; họ vẫn vui tươi và bình tâm xử lý. Có gặp thiếu thốn, cùng cực, họ cũng chẳng ngại gì, họ vẫn cứ trổ sinh hoa trái; vẫn cứ sống vui, sống khoẻ; sống công bằng, sống yêu thương.

Vậy chúng ta hãy đặt niềm tin và nương tựa nơi Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện và chuyên cần làm những việc lành phúc đức, để chúng ta lãnh nhận được nhiều ơn Chúa. Ơn Chúa đó có thể là ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết; ơn lo liệu, ơn sức mạnh; ơn đạo đức, ơn kính sợ Chúa; ơn sống khiêm nhường, ơn sống kiên trì; ơn đểyêu người, ơn để làm việc tốt; ơn để giúp đỡ người khác, ơn để cầu nguyện; ơn để can đảm, ơn biết hy sinh; ơn biết chịu thương, chịu khó; ơn tha thứ, ơn thứ tha;  vv….

Với bấy nhiêu ơn Chúa như thế sẽ làm cho con người của ta hết khô cằn, trở nên một miền đất xanh tươi màu mỡ; cây cối đua nhau mọc; bông hoa đua nhau khoe sắc; con người của ta sẽ tốt lành và thánh thiện. Tốt lành từ trong ra ngoài; thánh thiện từ trên đỉnh đầu xuống dưới bàn chân. Nói theo Thánh Kinh, đó là một miền đất đầy sữa và mật; miền đất hứa. Nói theo kiểu người đời, đó là “Đủ điện, đủ nước”. Nơi nào có đủ điện, đủ nước, nơi đó là thiên đường; nơi con người có “đủ điện, đủ nước”, có nghĩa là đầy đủ ơn Chúa, con người đó sẽ tốt lành và thánh thiện. Con người tâm linh sẽ thánh thiện và con người xác thịt sẽ tốt lành. Con người đó sẽ sống nơi thiên đường ở đời này và sẽ sống nơi thiên đàng ở đời sau.

Về mục lục

AI NGƯỜI VÔ TỘI?

Gioan Phạm Duy Anh

Các bạn thân mến,

Nói về tương quan thân thiết và cá vị giữa con người và Thiên Chúa, còn hình ảnh nào gần gũi cho bằng ẩn dụ về hôn nhân. Kinh Thánh thường dùng ẩn dụ hôn nhân để nói về tương quan thân thiết giữa Thiên Chúa và con người. Tương quan này được diễn tả bằng giao ước tình yêu vô điều kiện. Tuy nhiên giao ước này chịu nhiều thử thách cùng với những thăng trầm của cuộc sống. Câu chuyện người phụ nữ bị bắt đang phạm tội ngoại tình phản ánh tình trạng cuộc hôn nhân thiêng liêng của bạn và tôi trên hành trình theo Chúa.

  1. Cuộc hôn nhân thăng trầm

Nếu như lật lại những trang Kinh Thánh, bạn sẽ thấy có vô số những trích đoạn nói về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người được so sánh bằng ẩn dụ về cuộc hôn nhân (St 2, 24), (Is 62, 4-5), (Hs 3, 1-13) (Mt 19, 6), (Eph 5, 30-31). Những trích đoạn Kinh Thánh này phần nào nói về cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa yêu thương Israel đã ra tay uy quyền giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Đồng thời ký kết với họ một giao ước vĩnh cửu. Nhưng thay vì giữ một lòng trung thành Giao Ước với Thiên Chúa, họ đã đơn phương bẻ gẫy giao ước, bất trung, từ bỏ Thiên Chúa, tôn thờ ngẫu tượng, chạy theo thần ngoại, thực hiện lối sống vô luân. Điều này đã làm cho Thiên Chúa giận dữ. Tuy nhiên, thay vì đánh phạt, Thiên Chúa lại xót thương và ra tay cứu giúp. Lịch sử cứu độ từ đó mở ra một chương mới. “Chẳng ai còn réo tên ngươi: “Ðồ bị ruồng bỏ!” Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn.” Nhưng ngươi được gọi: “Ái khanh lòng Ta hỡi!” Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.” Vì ngươi sẽ được Ðức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Ðấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ. (Is 62, 4-5)

Các tông đồ thời Chúa Giê-su cũng thế, trước đó thề sống chết một lòng đi theo Thầy. “Bỏ thầy con biết theo ai, Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6, 68) Nhưng sau đó, khi Thầy bị bắt, các ông mỗi người một nơi, bỏ chạy thoát thân, để Thầy lại một mình trong cô đơn và sầu muộn. Chính lúc Thầy cần có người để chia sẽ nhất, các ông bỏ lại Thầy một mình. Chính trong giờ phút này, Ngài cảm thấy cái giá của sự trung thành và tình yêu tận hiến.

Cũng thế, sau bao nhiêu năm sống đời Ki-tô hữu, bạn và tôi cũng đã bao lần chối bỏ mối dây hôn phối thiêng liêng giữa bạn và Thiên Chúa ngang qua việc chiều theo những cám dỗ, đam mê và sự vị kỷ để rồi bạn và tôi cũng dần xa đường lối Thiên Chúa. Dường như ngay trong tâm hồn con người, nơi không gian thiêng liêng nội tâm có điều gì đó của sự li tâm, điều gì đó xen giữa cuộc hôn nhân thiêng liêng, chia cắt tình yêu và sự trung thành giữa bạn và Thiên Chúa. Điều này dẫn đến sự bất trung và phản bội mà nó được phản ánh rõ nhất trong câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình hôm nay. Vậy mỗi người chúng ta tự hỏi, tôi là ai trong câu chuyện đó.

  1. Tôi là ai trong những người có mặt ở đó

Hẳn rằng trong câu chuyện ngày hôm đó có nhiều khuôn mặt nổi lên, những khuôn mặt đại diện cho sân khấu cuộc đời và tình trạng tâm hồn của bạn và tôi.

Tôi là người phụ nữ bị bắt đang phạm tội ngoại tình. Chắc hẳn tôi cảm thấy bị xấu hổ vì tội lỗi của mình bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ và tòa án lương tâm. Dân chúng đàm tiếu, dè bỉu và giơ tay định ném đá. Phải chăng hình ảnh tội lỗi bị phơi bày, phần nào phản ánh tình trạng công chính nguyên thủy bị tội lỗi làm vấy bẩn. Chính Chúa Giê-su mang lấy sự xấu hổ của con người để trả lại cho con người tình trạng tươi mới.

Tôi là một ai đó trong đám đông có mặt hôm đó. Kẻ hô hào, kẻ giơ đá định ném, kẻ kết án chết cho chị. Nhưng phải chăng họ cũng đang định ném đá vào lòng tự trọng của chính mình và lòng từ bi Chúa, khi hiện trạng của người phụ nữ lại phản ánh chính tâm hồn và trái tim của họ. Hòn đá họ đang định ném người phụ nữ tội nghiệp lại quay lại ném vào trúng trái tim họ. Những cánh tay giận dữ đang nén giận xuống người phụ nữ đáng thương. Đôi khi tôi chuyển trọng tâm, chuyển dịch tỗi lỗi của chính mình vào người khác hòng thoát tội và trốn tránh trách nhiệm. Người đàn ông đã đồng lõa với chị nay ở đâu. Điều nguy hiểm hơn là tôi có khuynh hướng bao dung với chính mình nhưng lại tỏ ta khắc nghiệt với người khác.

Còn Chúa Giê-su, Ngài thinh lặng viết trên cát, để rồi xóa đi những tội lỗi của bạn và tôi. Không gian chuyển từ sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài đến không gian tĩnh lặng bên trong.” Không gian chỉ còn hai con người: một người đáng thương và Đấng đầy lòng xót thương. (Augustine, Tractate XXXIII. (33), Chapter VII. 40–53; VIII. 1–11) Rất may Ngài viết tội của bạn và tôi trên cát, Ngài không viết trên đá. Nếu Ngài viết trên đá chắc có lẽ muôn đời cũng không xóa được. Ngài không kết án, nhưng thông cảm, bày tỏ lòng xót thương và mời gọi chị hoán cải và thay đổi lối sống làm lại cuộc đời. Ngài trả lại nhân phẩm và phẩm giá làm con Chúa cho chị. Ngài ban cho chị ánh sáng và mở ra cho chị một tương lai. Như thế, Đấng là “quan tòa và nhà lập pháp duy nhất là chính Thiên Chúa”. Tôi là ai mà kết án người khác!

  1. Ai người vô tội

Sau khi đọc câu chuyện và nghe Chúa Giê-su hỏi đám đông, có một điều gợi lên cho bạn và tôi suy nghĩ. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8, 7). Ai trong chúng ta là người công chính trước mặt Thiên Chúa. Dĩ nhiên sự công chính không phải đến từ lề luật, mặc dầu lề luật Do Thái cho phép ném đá người phạm tội ngoại tình (Lv 20, 10), nhưng đến từ sự công chính và lòng thương xót của Chúa. Sự công chính đến từ lòng tin vào Chúa Giê-su.

“Ai trong các ông vô tội” mỗi người ý thức mình là một tội nhân được Chúa thương cứu chuộc. Đồng thời khi ý thức những giới hạn của chính mình và những yếu đuối của anh chị em mình, thay vì kết án, bạn và tôi có sự thông cảm và khiêm tốn để vươn mình đến Chúa. Dầu biết rằng tội lỗi kéo bạn và tôi xuống nhưng chúng ta cũng ý thức để cho Chúa kéo chúng ta lên cao.

Tôi và bạn đặt tin tưởng và hy vọng vào lòng từ bi Chúa. Người sẽ mở “một con đường giữa sa mạc, một dòng sông tưới gội đất khô cằn. Sa mạc và vùng đất khô cằn của tâm hồn là vùng đất của sự chết. Chỉ khi vùng đất chết ấy để cho “cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giê-su băng qua, bạn và tôi mới hy vọng được phục sinh với Ngài.

Cũng thế như tảng đá Ma xa và Mơ-ri-va tuôn chảy dòng nước giải tỏa cơn khát cho con cái Israel trong sa mạc, bạn và tôi cũng hãy để dòng nước tuôn chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giê-su trên thánh giá trao ban sự sống và biến đổi trái tim của bạn, từ trái tim chai đá thành trái tim bằng thịt, và nhất là thành ngôi nhà của sự sống, tình yêu và sự thông hiệp.

Về mục lục

TỘI NHÂN

Lm Vũđình Tường

Đức Kitô vào Đền Thờ cầu nguyện để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Nhóm Pharisiêu và kinh Sư đến đền thờ với mục đích riêng tư. Họ không đến để cầu nguyện nhưng đến mong hãm hại Đức Kitô. Họ mang theo một người phụ nữ, họ khai người này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Họ kết án người phụ nữ chết một cách thê thảm, thật chậm, đầy đau thương, bằng hình thức ném đá. Họ đã quyết như thế nhưng vẫn hỏi thử Đức Kitô. Mục đích không phải xin Ngài ủng hộ điều họ định làm. Mục đích là gài bẫy Đức Kitô. Trước đó họ đã âm thầm, họp kín với nhau tìm kế làm sao triệt hạ, hoặc ít nhất làm suy giảm uy tín Đức Kitô nơi dân chúng. Đã nhiều lần họ chê trách Đức Kitô. Họ kết án Đức Kitô là bạn của bọn thu thuế và ăn uống với phường tội lỗi Lc 15:3. Họ đặt điều loan tin Đức Kitô là hoàng tử của Satăng. Lc 11;15. Lần này họ muốn chứng minh Đức Kitô là kẻ tội lỗi. Rất có thể họ có dã tâm một khi chứng minh Đức Kitô có tội họ sẽ ném đá Ngài cùng lúc ném đá người phụ nữ. Họ đưa Ngài vào đường cụt, theo họ tính toán, Ngài không có lối thoát. Chỉ còn con đường chết. Bởi trả lời đồng í hay bất đồng điều họ đưa ra Ngài đều không tránh khỏi chết. Nếu Đức Kitô hỗ trợ việc họ ném đá chết người phụ nữ thì Đức Kitô tự mâu thuẫn điều Ngài rao giảng về lòng Chúa xót thương, thống hối và thứ tha. Hơn nữa một cách nào đó, không nhiều thì ít Ngài cũng dự phần vào việc kết án tử hình người phụ nữ. Trường hợp Đức Kitô phản đối việc ném đá người phụ nữ, Ngài bị kết tội là chống lại luật của tổ phụ Môi Sen đưa ra. Như thế uy tín Ngài bị giảm, đám đông tin theo sẽ mất niềm tin nơi Ngài.

Phạm tội ngoại tình xảy ra giữa hai người. Trong trường hợp này chỉ người phụ nữ bị bắt, còn người nam không hề nhắc đến. Kế hoạch nhóm Pharisiêu và Kinh Sư đưa ra phạm nhiều sai lầm. Thứ nhất là thiên tư trong việc bắt người. Thứ hai, coi thường phụ nữ, không cho người phụ nữ lên tiếng giải thích, biện hộ. Thứ ba, việc tạm giam người phụ nữ là hợp pháp, hay họ bắt cóc người. Thứ tư, bắt gặp người phụ nữ đang phạm tội lúc ngoại tình là việc ngẫu nhiên hay chính họ lập mưu, gài đặt việc bắt người. Thứ năm, làm thế nào họ có tin tức nơi người phụ nữ phạm tội và có người sẵn sàng sai đi bắt.

Ngay từ lúc đầu Đức Kitô không tham gia vào việc họ kết tội người phụ nữ. Ngài cúi xuống lấy tay viết trên đất với mục đích tránh hoặc ít nhất làm giảm mức độ hung hăng, căng thẳng của những người chống đối Ngài. Bằng cách đó Ngài cũng lấy lại thế chủ động và làm chủ thời gian, quyết định khi nào Ngài sẽ đáp lại điều họ đưa ra. Không rõ Đức Kitô viết gì trên đất. Chờ cho họ bớt nóng nảy lúc đó Đức Kitô mới ôn tồn, nhẹ nhàng nhắc họ:

‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’ Gn 8:8.

Nói xong Ngài lại viết tiếp, không để í đến phản ứng của họ. Câu thắc mắc Đức Kitô nêu lên không những phá tan mưu kế hại Ngài, đồng thời nhắc cho họ biết họ cũng là người có tội. Đức Kitô nhắc cho họ nhìn vào nội tâm của họ, xét xem mình trong sạch ra sao. Đang dương dương tự đắc là kẻ công chính, đi tố cáo người khác, giờ họ tự nhận biết chính mình cũng là tội nhân. Điều khác biệt tội của họ chưa bị phanh phui, còn tội người phụ nữ bị vạch trần. Nhận biết sự thật phũ phàng đó, họ âm thầm rút lui. Còn sót lại người phụ nữ đứng đó. Đến lúc này người phụ nữ mới có tiếng nói. Đức Kitô hỏi, bà thưa. ‘Không ai kết án chị sao? Thưa không. Chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Gn 8:11.

Cuộc đàm thoại vắn gọn trên rất đáng chú tâm bởi nó mặc khải về con người, về thiên tính Đức Kitô. ‘Ai sạch tội hãy ném đá trước đi.’ Không có ai, ngoại trừ Đức Kitô. Ngài là Đấng vô tội. Ngài là người duy nhất có quyền ném đá nhưng chọn không ném, không kết án. Ngài tha cho người phụ nữ. Là Đấng không có tội, lại có quyền tha tội, quyền ân xá. Quan trọng hơn nữa, Ngài có quyền ban sự sống đời này và sự sống trường sinh đời sau. Đức Kitô ban cho người phụ nữ cuộc đời mới, sự sống mới và con tim mới.

Chúng ta xin ơn sống trung thành với Đức Kitô. Đấng vô tội, Đấng có quyền ban sự sống.

Về mục lục

CHÚA THA THỨ ĐỂ CON NGƯỜI CANH TÂN

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót, Người đến trần gian mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giàu Lòng Xót Thương, Đấng ghét tội, không dung túng tội lỗi, nhưng yêu thương kẻ có tội và khoan nhân với tội nhân, vì “Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống” (x. Ez 33,11).

Đoạn Tin Mừng (Ga 8,1-11) là bằng chứng hùng hồn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Trong khi con người tố cáo, lên án tử cho tội nhân, còn Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” ( Ga 8,11). Chúa Giêsu cho chị cơ hội để thay đổi đời sống. Chỉ có Thiên Chúa mới tha thứ và chờ đợi con người hoán cải đời sống.

Con người trước tội nhân

Người thiếu phụ phạm tội ngoại tình. Hành vi ngoại tình của chị là một hành vi rất kín đáo, nhưng tại sao lại bị bắt quả tang, mà những nhân chứng quả tang lại là các đấng bậc như kinh sư và pharisêu? Chắc chắn, họ phải kiên nhẫn theo dõi, rình chờ nhiều ngày nhiều đêm thì mới “bắt được quả tang” chị phạm tội ngoại tình. Dường như lối sống của họ là đi rình mò, nhòm ngó và dò xét người khác. Họ bới lông tìm vết, đi tìm sự xấu nơi người khác (qua việc vi phạm Lề Luật). Và khi bắt được quả tang người khác phạm Luật, thì họ lấy làm thích thú vạch trần, kết tội và lên án tử cho tội nhân. Có gì đó không ổn nơi ý hướng đen tối trong lòng họ. Họ giữ Luật đến từng chi tiết, họ có trong tay văn bản Lề Luật và họ “bắt quả tang” với những chứng cớ rõ ràng đối với những người vi phạm Lề Luật. Mọi người trong mắt họ đều là tội phạm thực sự hay “tiềm năng”; trong khi “Tội” nằm trong chính tâm hồn họ.

Con người luôn nhìn thấy tội mà không thấy phúc, không thấy tốt chỉ thấy xấu, không cho cơ hội hối cải mà chỉ kết án, xua đuổi, loại trừ, giết chết…!Chỉ nhìn thấy hành vi bên ngoài đã vội vã lên án rồi. Trong khi không biết tại sao chị lại có hành vi như thế. Hoàn cảnh, quá khứ hay vết thương đau nào đã đưa đẩy chị.

Người có tội trước mặt Thiên Chúa

Với bằng chứng quả tang và rất hùng hồn của họ về tội nhân trước mặt Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 4-5). Hình như Chúa Giêsu không nghe lời tố cáo rất bài bản dựa vào Luật của họ. Người không quan tâm, không thích nghe người ta kể tội nhau. Người ngồi viết trên đất. Chúng ta không biết Ngài đã viết những gì và có lẽ đó không phải là điều quan trọng nhất. Ðiều này gợi nhớ câu chuyện Sinai, khi Thiên Chúa đã viết các bảng Luật bằng ngón tay của mình (x. Xh 31,18). Thiên Chúa đã hứa sẽ không viết trên tấm bia bằng đá nữa, nhưng trực tiếp lên trái tim (x. Gr 31,33), trên tấm bia bằng thịt của trái tim chúng ta (x. 2Cr 3,3). Chúa Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể viết lên trái tim của con người, để mang lại niềm hy vọng cho nỗi khốn khổ của con người. Chúa đã làm như thế với người phụ nữ, chị đã gặp Chúa Giêsu và tiếp tục được sống. Đúng là chị đã phạm điều luật cấm, nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy ở nơi chị, một con người thống khổ đang rất cần lòng thương xót, một bệnh nhân cần được chữa lành, một nạn nhân, cần được giải thoát. Hơn nữa, Người còn biết, và chỉ có mình Người biết đến đến quá khứ đau thương cũng như hoàn cảnh đưa đẩy chị đến hành vi này. Chỉ mình Chúa mới thấu suốt con tim và cuộc đời của chị; vì thế, Người cảm thương chị.

Thiên Chúa tha thứ và cho cơ hội

Lời của Chúa Giêsu với chị thiếu phụ mới đẹp làm sao: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị … Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” ( Ga 8,11). Họ bỏ đi hết, “chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa” (Ga 8, 9b), nghĩa là chỉ còn lại con người khốn khổ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, tội không phải là không trầm trọng, nhưng Người muốn giúp tội nhân canh tân. Người quan tâm tới tình thương hơn là tội lỗi, vì tình thương lớn hơn tội lỗi.

Hành động không lên án của Chúa Giêsu hoàn toàn khác hẳn với quyết định bỏ đi của những người muốn lên án, vì chắc chắn họ vẫn còn muốn lên án và phải lên án cho bằng được để chứng minh mình đúng. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể lên án, Người đã không lên án, vì nếu lên án, Người cũng chẳng khác gì những kinh sư và luật sĩ, và nhất là bởi vì lên án không thuộc về bản chất của Sự Thiện và Tình Yêu, vốn là chính Chúa. Chị không bị Chúa Giêsu kết án, nhưng tha thứ, một sự tha thứ đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa từ bi và hay thương xót giúp chị canh tân cải hóa cuộc đời.

Trong thời gian Mùa Chay thánh này, chúng ta được mời gọi nhận tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY C

Lm. Phạm Hồng Thái

Tin Mừng hôm nay như một vở kịch có 3 hồi:

– Hồi I : Các luật sĩ và Biệt phái giải một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giêsu và yêu cầu Chúa xử tội

– Hồi II: Chúa Giêsu  biết rõ họ muốn gài bẫy Chúa. Chúa ngồi xuống và lấy tay viết trên đất. Họ cứ gặng hỏi mãi nên Chúa  đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội hãy ném đá chị này trước đi”. Chúa ngồi xuống lại và tiếp tục viết trên đất. Nghe câu nói của Chúa Giêsu, họ lặng lẽ rút lui, bắt đầu là những người lớn tuổi nhất

– Hồi III: Chúa Giêsu  khoan nhân: không kết án chị nhưng yêu cầu chị về và từ nay đừng phạm tội nữa

Luật Mosê có điều khoản như sau: “Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết (Dnl  22, 24): họ sẽ bị lôi ra cửa thành và ném đá. Tuy nhiên trong thời kì bị đế quốc Roma đô hộ, Do thái không được quyền xử tử, quyền này thuộc về quan Tổng Trấn Roma. Các luật sĩ và Biệt phái đặt Chúa Giêsu trong thế kẹt: Nếu Chúa bảo phải xử tử: tức là Chúa lấn quyền của quan tổng trấn đồng thời điều này cũng không hợp với lòng khoan dung nhân hậu của Chúa; còn nếu Chúa nói tha, thì Chúa làm trái luật Mosê và truyền thống Do thái. Chúa ngồi xuống và lấy tay viết trên đất để tỏ ra Chúa không quan tâm việc đang xảy ra.

Chúa Giêsu nói: “Ai trong các ngươi sạch tội hãy ném đá chị này trước đi”. Lời nói của Chúa có tác dụng khơi dậy ý thức về tội nơi những người tố cáo khiến họ lặng lẽ rút lui hết, bắt đầu là những người lớn tuổi nhất. Có lẽ càng nhiều tuổi thì tội lỗi càng nhiều, hoặc chính họ đã phạm tội ngoại tình nhưng không bị bắt quả tang nên không bị kết án. Ngoài ra còn những tội khác nữa do thiếu xót thí dụ gặp người đói mà không cho họ ăn, khát mà không cho  uống… và theo thánh Gioan: “Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân (1Ga 3, 15)”. Cho nên mọi người đều là tội nhân và cần được xét xử khoan hồng.

Ngày nay đa số con người chỉ nhận tội khi phạm tội mà bị bắt quả tang, ngoài ra thì họ đều chối tội hết và chúng ta thấy có rất nhiều người phạm tội thầm kín cũng lên mặt đạo đức tố cáo người phạm tội bị bắt quả tang!

Chúa Giêsu nói: “Ta cũng không kết án chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” Chúa tha thứ nhưng đòi người phụ nữ này từ nay đừng phạm tội nữa. Gần đây có một vị thượng tọa Phật giáo nói trên mạng là Chúa Giêsu tỏ ra rất trí tuệ trong cách xử trí này.  Chúa mở cửa tương lai cho chị. Chắc chị sẽ sống cuộc sống mới.

Chúa cũng muốn chúng ta hướng về tương lai sống cuộc sống mới tốt đẹp hơn.Thánh Phaolô trong bài thánh thư hôm nay nói: “Tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đằng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt ơn kêu gọi Thiên Chúa ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô”. Thánh Phaolô đã quên quá khứ bắt đạo Chúa của mình để hăng say rao giảng Tin Mừng theo ơn gọi Tông đồ Ngài mới nhận được. Cũng vậy, khi chúng ta có tội, hãy ăn năn và đi xưng tội rồi hãy xác tín rằng được Chúa tha thứ thì đừng có để cho mình bị dày vò mãi về tội đó nữa nhưng hãy hướng về tương lai vì Chúa muốn chúng ta được sống bình an, có niềm vui và tương lai tươi sáng!

Đức Giáo Hoàng Yoan Phaolô II năm 1980 qua tông thư “Mulieris dignitatem” dịch là “Phẩm giá người phụ nữ” có đoạn nói về những thiệt thòi mà các người phụ nữ phải chịu. Chẳng hạn trong Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy các luật sĩ và biệt phái lôi người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu, thế thì còn người đàn ông đồng phạm đâu, mà theo luật Mosê đàn ông ngoại tình cũng bị ném đá như đàn bà ngoại tình? Trong nhiều trường hợp phụ nữ phải đền tội một mình dù cả hai người phạm tội! rồi có nhiều lần xảy ra người nam bỏ rơi bào thai trong bụng người nữ vì thế mà có rất nhiều bà mẹ đơn thân! có khi một cô gái bị chính bạn trai áp lực phá thai mà chính người đó là tác giả. Từ đó nhiều phụ nữ cảm thấy lương tâm áy náy lâu năm vì mình đã tước đoạt đi sự sống của chính đứa con mình!

Chúng ta đón nhận những điều Chúa muốn dạy chúng ta hôm nay: Chúa Giêsu  đã gợi lên ý thức về tội : chúng ta hãy xét mình và nhận ra những tội lỗi và thiếu xót của mình: tội lỗi đã đành rồi nhưng còn rất nhiều thiếu xót mà chúng ta không quan tâm: như người phú hộ không quan tâm tới Lazarô nghèo khổ ăn xin trước cổng nhà mình. Có lẽ ông phú hộ không trộm cắp giết người, nhưng khi chết ông vẫn phải rớt xuống hỏa ngục vì sự thiếu xót trầm trọng này!

Mỗi lần được Chúa tha tội, chúng ta hãy nhớ lời Chúa: “Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” để chúng ta có sự dốc lòng chừa là một trong 4 việc phải làm trong bí tích giải tội và để chúng ta sống xứng đáng với tấm lòng khoan dung tha thứ của Chúa. Amen

Về mục lục

ĐẤNG THẤU SUỐT TÂM HỒN CON NGƯỜI

Lm Giuse Nguyễn Hữu An 

Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách sạn ngàn sao, sáng sớm Chúa Giêsu trở lại đền thờ. “Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy cho họ”. Bỗng có tiếng xôn xao. Một nhóm Kinh sư và Pharisiêu đang lôi một người đàn bà tới, đám đông dạt ra, họ xô chị ra đứng trước mặt Chúa Giêsu. Họ bất ngờ lập tòa án ngoài trời và mời Chúa Giêsu làm quan tòa. Học đọc cáo trạng: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.

Nghe câu đầu của bản cáo trạng, chúng ta có thể cười thầm: Vậy là các anh đi nhòm qua lỗ khóa nhà người ta hả? Đối với họ thì bản án đã có sẵn trong Luật Môsê: ném đá! Chúa biết họ muốn gì! Chúa trả lời bằng cách: “Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ nói mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Tin Mừng không nói Chúa viết cái gì, chỉ nhắc hai lần “Chúa cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Trước hết, Chúa kéo con mắt và sự chú ý của họ khỏi người đàn bà đang đứng ở giữa, khỏi thái độ quan tòa, tập trung vào ngón tay của Chúa. Chúa thinh lặng, họ cũng thinh lặng. Một lúc sau họ lại hối thúc Chúa trả lời. Chúa ngẩng đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Rồi người lại cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Sau khi kéo sự chú ý của họ khỏi người đàn bà và bắt họ cúi xuống nhìn ngón tay của Chúa di chuyển trên mặt đất, Chúa bỗng lật sự chú ý và cái nhìn của họ quay vào chính mình họ. Hãy nhớ Luật do ông Môsê chuyển đạt cho các ông là do Thiên Chúa ban: “Sau khi phán với ông Môsê trên núi Sinai, Đức Chúa ban cho ông hai tấm bia chứng ước, hai tấm bia này do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18). “Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ viết của Thiên Chúa, khắc trên đá (Xh 32, 16). “Đức Chúa đã ban cho tôi hai bia đá do ngón tay Thiên Chúa viết” (Đnl 9,10). Chúa như nói với họ: Luật Môsê là do Thiên Chúa ban, do ngón tay Thiên Chúa viết, thì Thiên Chúa mới là Đấng xét xử, và người xét xử các ông nữa đấy! Kết quả là họ nhìn vào chính mình… “rồi họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Lối châm biếm thật là sâu sắc: càng già càng lắm tội! Chúa Giêsu chứng tỏ Người có quyền xét xử như Thiên Chúa, soi thấy tâm can mỗi người chứ không theo vẻ bên ngoài.

Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu và người phụ nữa thì vẫn đứng ở giữa”. Ta ngạc nhiên: chỉ còn Chúa Giêsu ngồi đó, người phụ nữ thấy chung quanh mình chẳng còn ai nhưng cũng chưa dám bỏ đi. “Vẫn đứng ở giữa,” có thể hiểu là vẫn đứng yên chỗ đã đứng như trước vành móng ngựa ở tòa án, những kẻ tố cáo đứng vây quanh đã nhận biết họ chẳng tốt gì hơn mà đòi kết án chị; họ đã bỏ đi hết, chị đứng một mình trước Đấng có quyền xét xử. Thánh Augustinô bình luận: Chỉ còn lại hai: con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót.

Chúa hỏi như để mở cho chị thấy hoàn cảnh của mình: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”. Chị đáp: “Thưa ông, không ai cả”. Đấng có quyền xét xử nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa!”. Người không kết án chị, chỉ yêu cầu chị “đừng phạm tội nữa”. Họ không dám kết án chị vì họ tội lỗi hơn chị. Tôi không kết án chị vì tôi là Đấng có quyền xét xử. Lời Chúa Giêsu nghe như vọng lời Thiên Chúa phán trong sách Êdêkien: “Ta lấy mạng sống ta mà thề, Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33, 11; x. 18, 32).

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình không phải chết nhưng được sống, cũng minh họa lời Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với tôi mà uống”. Người ta lôi chị đến trước mặt Chúa, nhưng Chúa đã cho chị uống lòng nhân lành thương xót để chị được sống, và đặt chị trở lại trên con đường đi tới sự sống: “Đừng phạm tội nữa!” (x.Tĩnh tâm với Tin Mừng Gioan, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

Chúa nhật IV, qua dụ ngôn “người cha nhân hậu”, Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương. Chúa nhật V, Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm hồn con người và Ngài luôn mở ngõ cho con người hướng về tương lai.

  1. Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt tâm hồn con người.

Đứng trước câu hỏi thách thức “Thầy dạy sao?” của cánh Biệt phái, Chúa Giêsu biết rằng cạm bẫy đã được trương ra cho Người. Nếu dạy người ta tha cho người phụ nữ, Người sẽ bị kết án chống lại lề luật; còn nếu dạy người ta ném đá bà, giáo lý về lòng nhân ái của Người sẽ sụp đổ hoàn toàn. Tiến thoái lưỡng nan. Chúa Giêsu im lặng. Kẻ thù đắc chí. Dân chúng đợi chờ. Rồi với câu trả lời “Ai vô tội, hãy ném đá chị này trước đi”, Chúa Giêsu đã phá vỡ sự im lặng của mình để đẩy cánh Biệt phái vào một sự im lặng khác đầy ngột ngạt: sự im lặng trước toà án lương tâm.

Sự kiện này hé mở cho thấy Người là Đấng thấu suốt tâm hồn. Chẳng có gì là thầm kín trước Thiên Chúa toàn tri, chẳng có ai là trong sạch trước Thiên Chúa thánh thiện. Người phụ nữ đã để cho dục vọng buông lơi nên dấn thân vào đường tội lỗi, nhưng cánh Biệt phái cũng đã để cho hận thù xâm chiếm nên bài binh bố trận hòng đẩy Chúa Giêsu vào cạm bẫy chết. Họ có hơn gì? Có gia đình mà còn chim chuột trăng hoa, người ta gọi đó là “ngoại tình”, thế thì có đạo mà còn ác tâm mưu hại người khác có thể gọi là “ngoại đạo” chăng?. Coi chừng: quen kết án người khác về điều gì là tự tố giác mình đang có khuynh hướng ngầm nghiêng về điều đó (F.Sheen). Tội lỗi phải bị lên án, nhưng tội nhân cần được đối xử công bình, mà công bình đích thực trước tiên hệ tại việc ổn định lương tâm riêng tư mỗi người. Lẽ công bình là điều kiện để xây dựng tình nhân ái. (x. ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, Nút vòng xoay, tr 53-58).

  1. Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng nhân ái.

Đẩy cánh Biệt phái vào tận lương tâm trách nhiệm để họ lặng lẽ rút lui, Chúa Giêsu đã tạo điều kiện cho người phụ nữ nhìn lại cuộc sống của mình để ăn năn sám hối và nhìn vào lòng của Người mà tin tưởng làm lại cuộc đời. Là Đấng duy nhất không có tội, Người từ chối lên án. Người không được sai đến để kết án, nhưng là để cứu thoát… câu cuối cùng của bài Phúc âm chính là cao điểm kiết thúc cho cả câu chuyện. Người phụ nữ được tha bổng, không phải vì Chúa Giêsu không cho là quan trọng cái tội mà bà vướng mắc, nhưng chỉ vì lòng nhân ái của Người cao cả bao la. Cao hơn tội bà vấp phạm và bao la hơn nỗi lòng hồi hộp đợi chờ của bà phút ấy. Dẫu sao, đi kèm với ơn tha thứ, vẫn là lời mời gọi “từ nay đừng phạm tội nữa” (sđd).

  1. Chúa Giêsu, Đấng mở lối về tương lai 

Người ta đòi ném đá người phụ nữ, đóng khung cuộc đời chị trong quá khứ. Quá khứ được đóng dấu bằng tội lỗi. Người ta đánh giá, phán đoán, hành động trên quá khứ đó. Chúa Giêsu không chấp nhận lối nhìn và cách đánh giá ấy. Tội nhân luôn đáng thương nên cần được thương cho đáng. Đó là chuyện tử tế và cũng là chuyện thực tế. Yêu thương họ là cầu nguyện và giúp đỡ họ trở về đường lành. Chúa Giêsu nhìn nhận người phụ nữ có tội. Nhưng Ngài mở ra một tương lai, gieo vào lòng chị niềm tin tưởng rằng chị có khả năng xây dựng một tương lai mới, một cuộc đời mới, một con người mới: “Chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không kết án cũng như không giảm án, không ân xá cho tội nhân. Chúa mở cho chị một con đường hướng về tương lai, làm lại cuộc đời. Đó là con đường sám hối trở về với tình yêu, trở về với đời sống là con cái Thiên Chúa, trở về với tâm hồn bình an. Người phụ nữ ra về lòng tràn ngập niềm vui hoán cải, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Một truyền thống nói rằng người đàn bà này là Maria Madalena, người được trừ khỏi bảy quỷ (Lc 8,2), và đã bày tỏ tình yêu qua việc dùng nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc mình lau chân Chúa, xức dầu và hôn chân Chúa Giêsu (Lc 7,37). Một truyền thống khác cho rằng đây là Maria làng Bêtania, em của Matta và Lazarô (Lc 10,39), đã xức dầu thơm cho Chúa (Ga 12,3). Có lẽ người đàn bà ngoại tình, Maria Madalena và Maria làng Bêtania cùng là một người. Và cả 4 Phúc âm đều nói đến Maria Madalena ở mộ Chúa như chứng nhân đầu tiên của sự Sống Lại. Và như người loan báo Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên. Chính lòng thương xót của Chúa đã biến đổi từ một người tội lỗi trở thành một môn đệ thân thiết nhất của Chúa Giêsu: “Maria ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người” và trở thành người loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu: Bà Maria Madalena đi báo cho các môn đệ: “tôi đã thấy Chúa” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,18). Tình yêu và lòng Sám hối có quyền lực biến đổi bóng tối thành ánh sáng, biến đổi những tội nhân thành các thánh nhân ‘Lumen Gentinm số 171’ (x.ĐGM Giuse Trần Văn Toản, Lời Chúa và cuộc sống năm 2015).

Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai. Ngài không khoá chặt cuộc đời một con người cũng như lịch sử  nhân loại vào quá khứ, cho dẫu quá khứ ấy có bi thảm và tàn tạ đến đâu chăng nữa. Thiên Chúa luôn luôn mở ngõ và vạch lối cho tương lai.

Vẫn biết tội lỗi trái với đạo giáo, trái với luân thường đạo lý, nhưng đâu chỉ căn cứ vào đạo giáo luân lý để khinh khi, coi thường, kỳ thị sự sống con người được. Đạo giáo luân lý giúp con người sống thăng tiến về mặt tinh thần chứ không bao giờ là bước cản trở nhận chìm con người xuống bùn đen. Đã là người, ai cũng có những khuyết điểm, ai cũng có lúc làm điều lầm lỗi. Nhưng ai cũng có khả năng ý chí ước muốn làm điều lành thánh thiện tốt đẹp. Thiên Chúa dựng nên con người với khả năng như thế.

Chúa Giêsu đã sống và đã nêu gương. Ngài không kết án, không giảm án, nhưng là mở ra con đường hướng về tương lai cho con người tội lỗi làm lại cuộc đời. Lêvi, Giakêu, Mađalêna, Augustinô… và còn biết bao con người đã được Chúa mở ngõ tương lai tươi sáng. Niềm tin đó tạo nên nơi người tín hữu một lối nhìn mới. Đó là nhìn về phía trước, băng mình về phía trước như thánh Phaolô diễn tả: “Tôi chỉ chú ý tới một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Đối với Phaolô quên đi chặng đường đã qua là qua khứ bắt bớ Giáo hội Chúa để lao mình về phía trước, phía tương lai mà Chúa Giêsu đã mở ra, đặt ngài làm khí cụ, làm tông đồ dân ngoại. Và thánh nhân đã sống hết mình cho tương lai mới.

Nhìn về phía đàng trước để luôn hy vọng và tin tưởng. Tin vào chính mình, vào con người, vào cuộc đời. Và trên hết là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai chúng ta.

Về mục lục

VỤ ÁN ĐẶC BIỆT

Trầm Thiên Thu

Không ai là quan tòa trong vụ án của chính mình. Một danh nhân đã nói như vậy. Tại sao? Bởi vì ai cũng có tội, chẳng ai nhân từ trừ một mình Thiên Chúa. (Mc 10,:18) Vì thế, Ngài dạy phải cố gắng sống nhân từ như Chúa Cha (Lc 6:36) và nỗ lực hoàn thiện. (Mt 5:48)

Có nhân từ mới biết yêu thương, có yêu thương mới biết tha thứ. Có tình yêu thương thì người ta có thể làm được mọi chuyện, ngay cả tử thần cũng không thể làm cho họ nao núng, sợ hãi, hoang mang,…

Biết yêu thương là nên giống Thiên Chúa, vì Ngài là tình yêu. (1 Ga 4:8 và 16) Nhà hóa học Orlando Aloysius Battista (1917-1995), người Mỹ gốc Canada và là một tín hữu Công giáo ngoan đạo, nói: “Điểm yếu nhất của hầu hết người ta là do dự nói lời yêu thương người khác khi họ còn sống.” Một nhận xét chính xác, nhưng đó là điều đáng buồn cho loài người chúng ta!

Vấn đề giàu – nghèo liên quan sang – hèn. Giàu sang và nghèo hèn về lĩnh vực gì mới là quan trọng. Có người giàu mà chẳng sang, có người nghèo mà không hèn. Không lấy bậy của ai, đó là người giàu; không bị nhục với ai, đó là người sang. Thi sĩ Rainer Maria Rilke (1875-1926), người Áo, nói: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều thì họ càng có nhiều.” Có nhiều thứ gì cũng là “giàu,” nhưng cái “có” tỷ lệ thuận với cái “cho” ở đây không nên chỉ hiểu về lĩnh vực vật chất. Những người thực dụng và ưa hình thức thì chắc chắn sẽ không thích “kiểu giàu” như vậy.

Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa thì cái giàu là cái nghèo – và ngược lại. Đó là triết-lý-sống của Nước Trời, được đề cập trong Hiến Chương Nước Trời – Bát Phúc, Tám Mối Phúc. (Mt 5:3-12)

  1. VỤ ÁN NHÂN NGHĨA

Abraham Lincoln (1809-1865) nổi tiếng với “Emancipation Proclamation” (Tuyên Ngôn Giải Phóng) năm 1863, giải thoát những người nô lệ. Ông được hậu thế tôn vinh là anh hùng dân tộc, hy sinh vì quyền tự do của con người, và là một trong 4 tổng thống vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ, được khắc chân dung lên núi đá Rushmore cùng Georges Washington, Thomas Jefferson và Theodore Roosevelt.

Xuất thân từ gia đình nghèo, cha mẹ mù chữ, Lincoln trải qua tuổi thơ rất gian khó. Với trí thông minh vượt trội và nghị lực, ông mong theo đuổi con đường học tập để thay đổi số phận nhưng cha mẹ ông muốn con trai tham gia lao động để nuôi sống bản thân và gia đình, ông phải bỏ nhà đi kiếm tiền và học luật. Ông được nhiều người giúp đỡ, trong đó có vợ chồng nông dân Hannah và Jack. Tuần vài lần, Lincoln đến nhà vợ chồng này cùng ăn uống, chuyện trò, trông trẻ và giúp bổ củi. Ra trường, Lincoln luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo.

Năm tháng trôi qua, Lincoln được bầu vào Cơ quan Lập pháp của nước Mỹ và bắt đầu thực hành lật. Con trai của vợ chồng Hannah là William đã là một thanh niên mạnh mẽ, tốt bụng và hào phóng, nhưng khá liều lĩnh.

Một cuộc cắm trại năm 1857 xảy ra vụ ẩu đả giữa William với Metzker và Norris. Không ngờ 3 ngày sau Metzker tử vong. Kết quả giám định cho thấy nạn nhân bị đánh, có hai vết bầm lớn ở đầu và mắt phải. William và Norris bị bắt và bị kết tội sát nhân. Vợ chồng Hannah suy sụp. Ông Hannah vốn ốm yếu và chết, ông dặn vợ kiếm tiền để cứu con.

Lúc này Lincoln đã kết hôn, bận rộn với công việc mới, được bầu vào Quốc hội, là một luật sư giỏi và nhân vật quan trọng của bang Illinois. Ông vẫn dành thời gian quan tâm, theo dõi về vùng đất từng cưu mang ông thời tuổi trẻ. Khi biết tin về vụ án xảy ra với William, ông viết thư cho bà Hannah đề nghị được bào chữa miễn phí.

William không nhận tội và chờ làm việc với luật sư nên Norris được tách ra xét xử trước. Norris bị xét xử trong phiên tòa tháng 5-1958, khai mình và William cùng đánh Metzker, nhưng những cú đánh của William khiến nạn nhân chết. Norris bị kết án tù 8 năm. Luật sư Lincoln xem lời khai được trình bày trong phiên tòa xét xử Norris, biết bằng chứng chống lại thân chủ của mình là Allen, tuyên bố thấy William tấn công Metzker vào đầu bằng súng cao su. Luật sư Lincoln biết đó là chứng cứ mấu chốt của vụ án, ông cũng linh cảm William bị oan.

Phiên sơ thẩm xét xử William diễn ra ngày 7-5-1858. Nhân chứng Allen thề thốt đã thấy bị cáo tấn công Metzker bằng khẩu súng cao su to, cho rằng Norris tiếp tay cho cuộc tấn công, nhưng William mới là sát nhân thực sự. Lincoln điềm tĩnh bước lên, mời nhân chứng trở lại, kể lại mọi chuyện và dồn anh ta với nhiều chi tiết: William dùng loại vũ khí gì, cầm tay nào, đánh vào bên nào đầu nạn nhân, bị cáo mặc quần áo thế nào? Allen ấp úng.

Bất ngờ Lincoln lấy ra cuốn niên giám năm 1857, và chỉ tay vào ngày 29-8, đêm đó xảy ra án mạng. Ông đưa cho nhân chứng và yêu cầu nói to cho bồi thẩm đoàn biết mặt trăng hôm đó đang ở giai đoạn nào. Allen đọc: “Hôm đó trăng khuyết gần như hoàn toàn. Nhân chứng khó có thể nhìn xa 5m, chứ nói chi 50m. Cuộc đối chất đầy kịch tính đến nỗi phiên tòa phải hoãn ngay lập tức.

Lần xử sau, người ta chỉ trích Lincoln, nhưng ông vẫn điềm đạm cởi áo khoác, bước lên và nói: “Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh, tôi không nhận tiền trong vụ bào chữa này.” Ông kể về 6 năm được gia đình William cưu mang, những nông dân bần cùng nhưng lương thiện và hào hiệp. Ông tiếp tục thảo luận về chứng cứ nguỵ tạo trong vụ án. Khi ông ngồi xuống, nhiều bồi thẩm viên đã rơi nước mắt. Bà Hannah bật khóc. Người ta kể lại với vẻ thán phục: “Những lập luận của ông Lincoln như có sức thôi miên, vừa quyết liệt vừa đầy xúc cảm.” Tất nhiên hôm đó William thoát tội sát nhân nhờ luật sư Abraham Lincoln.

Điều gì hợp ý Chúa thì thuận buồm xuôi gió. Thiên Chúa toàn năng có thể làm mọi sự, từ không thành có, từ có hóa không. Ngài là Đấng xót thương, “mau quên” lỗi lầm của tội nhân, nhưng Ngài nhớ mãi những gì tội nhân thực hiện với ý tốt – dù chỉ là điều nhỏ nhoi. Thật lạ lùng, chính sự khốn nạn của chúng ta đã khiến Thiên Chúa động lòng trắc ẩn. Thánh Vịnh gia đã thốt lên: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.” (Tv 126:1-2a) Mơ mà thật. Quá bất ngờ, quá ngạc nhiên, ngay cả dân ngoại cũng bàn tán: “Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126:2b)

Thế cờ cuộc đời chúng ta ở thế bí, bị triệt buộc, nhưng Thiên Chúa đã đảo ngược thế cờ, chuyển bại thành thắng, đổi buồn thành vui, biến nước mắt thành tiếng cười: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.” (Tv 126:5-6) Niềm hạnh phúc quá lớn, vượt ngoài ước mong, trên cả tuyệt vời!

Mất Chúa là mất trắng. Có Chúa là có tất cả. Một khi tin nhận và theo bước Chúa, người ta bất chấp mọi đau khổ, kể cả cái chết. Thánh Phaolô thổ lộ: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3:8-9a) Đối với những người không có đức tin hoặc chưa hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ, họ coi những người “cam chịu đau khổ” là những người “không bình thường,” có thể là “điên khùng” hoặc “có vấn đề” về tâm thần. Tuy nhiên, ai khoe mình khôn ngoan thì lại là điên rồ, ngu xuẩn. (x. Rm 1:22)

Con người vốn dễ ảo tưởng, dễ ngủ quên trong chiến thắng, thế nên phải luôn cảnh giác cao độ, vì tính kiêu ngạo lúc nào cũng chỉ rình “bật lên” bất cứ lúc nào. Thói kiêu ngạo có thể len lỏi vào những công việc đạo đức, nó có thể làm mờ mắt của chúng ta, khiến chúng ta lầm tưởng mình tốt lành, đôi khi chỉ là giả hình. Kiêu ngạo là đốm lửa nhỏ nhưng lại rất mạnh, trong thoáng chốc nó có thể thiêu rụi hết những gì chúng ta đã khó nhọc tạo dựng. Rất khó khăn và tốn thời gian xây dựng, nhưng phá bỏ thì rất mau, một que diêm đủ thiêu rụi tất cả.

Tất cả tín nhân chúng ta phải luôn sẵn sàng để Thiên Chúa chiếm hữu mình, để chúng ta thuộc trọn về Ngài, và học được bài học của Thánh Phaolô: “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang CỐ GẮNG CHẠY TỚI, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt. Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều là QUÊN ĐI CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA, để LAO MÌNH VỀ PHÍA TRƯỚC. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu.” (Pl 3:12-14) Mong lắm thay!

  1. VỤ ÁN THƯƠNG XÓT

Đây là trọng án đặc biệt được Thánh Gioan tường thuật qua trình thuật Ga 8:1-11. Một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Tội rành rành ra đó, nhưng chị được trắng án nhờ Thẩm Phán Giêsu Kitô. Kinh Thánh không cho biết tên phụ nữ này, có lẽ vì tế nhị, thế nên đừng suy diễn ra cô kia, bà nọ!

Đó là Tình Khúc Thương Xót với giai điệu êm đềm của những nốt tha thứ. Thánh sử Gioan cho biết rằng hôm đó Chúa Giêsu trở lại Đền Thờ lúc trời vừa tảng sáng. Toàn dân đến với Ngài để lắng nghe Ngài giảng dạy. Ngay lúc đó, các kinh sư và nhóm Biệt Phái dẫn một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình đến trước mặt Ngài. Họ để chị đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Nghe có vẻ tốt lành, nhưng chỉ là đạo đức giả!

Thật ra họ nói thế để thử Ngài, tìm cách gài bẫy Ngài để có chứng cứ mà tố cáo Ngài. Không hề nói gì, Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Thế nhưng họ cứ hỏi mãi, Ngài ngước lên và nói: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Họ cứng lưỡi. Và rồi chẳng ai bảo ai, họ lần lượt kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Rõ ràng càng nhiều tuổi càng nhiều tội. Bao nhiêu cục đá còn đó cho thấy có bấy nhiêu người bỏ đi…

Cuối cùng không còn ai, chỉ còn lại Chúa Giêsu và nữ tội nhân. Ngài nhìn chị và hỏi: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Chị đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Chắc là chị vẫn run, dù chỉ còn chị đối diện với Chúa Giêsu. Chị run một phần vì chưa hết sợ bị ném đá, một phần vì quá xấu hổ. Chắc hẳn chị cũng đã nghe người ta bàn tán về Ông Giêsu, và hôm nay chính con người đó đang ở bên cạnh chị.

Ánh mắt nhân từ của Chúa Giêsu soi thấu tâm hồn chị và chị nhận ra mình là kẻ tội lỗi khốn nạn. Chị đang hồi sinh và bắt đầu hành trình cuộc đời mới. Chúa Giêsu ôn tồn: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Lúc này chị lại run, nhưng chị không run vì sợ, mà chị run vì hạnh phúc và sung sướng: Chị được trắng án và thoát án tử, nghĩa là chị được tái sinh. Chắc chắn không còn niềm vui nào to lớn hơn và mãnh liệt hơn nữa. Lòng Thương Xót tỏa ánh sáng Tha Thứ, bao la và tròn đầy mãi mãi – từ hồng hoang tới đời đời.

Phụ nữ ngoại tình kia là “hình bóng” mỗi chúng ta. Thiên Chúa không chỉ tha thứ mà còn giải án tuyên công. Chúng ta được trắng án nhờ Chúa thương xót, thế thì chúng ta không thể không xóa án cho nhau – nghĩa là chúng ta cũng phải mau mắn tha thứ cho tha nhân, không chỉ tha 7 lần mà là 70 x 7, (Mt 18:22) tha hằng ngày và tha mãi mãi – bất kỳ lúc nào.

Chúa Giêsu có quyền xét xử nhưng Ngài không kết án, phàm nhân không có quyền xét xử nhưng lại tìm mọi cách để kết án, thích xử mà không thèm xét. Than ôi!

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin cảm tạ Ngài luôn thương tình tha thứ. Xin gia ân tăng lực để chúng con sống làm chứng Lòng Thương Xót của Ngài, mọi nơi và mọi lúc, hôm nay và mãi mãi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây