Thứ Ba tuần 16 thường niên.

Thứ hai - 18/07/2022 08:38

Thứ Ba tuần 16 thường niên.

"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".

 

Lời Chúa: Mt 12, 46-50

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia".

Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?"

Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".

 

 

Suy Niệm 1: Ai là mẹ tôi?

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.

Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.

Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.

Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.

Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.

Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.

Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.

Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.

Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.

Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,

thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.

Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,

hơn những người đứng ở ngoài kia.

Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:

“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).

Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,

đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.

Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.

Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:

“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).

Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,

và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.

Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.

Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.

Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.

Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.

Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.

Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).

Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.

Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.

Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu

nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,

cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).

Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.

Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.

Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.

Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,

bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,

bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,

người ấy là mẹ Đức Giêsu.

Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,

Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

 

Suy Niệm 2: Mẹ và anh em của Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tình yêu thương của Chúa thật lạ lùng cao sâu khôn lường. Vì yêu thương Chúa tuyển chọn dân Israel. Một nhóm người bé nhỏ, một đoàn người nô lệ, một đám đông ô hợp, nhưng dưới sự dẫn đưa của Chúa, đã trở thành một dân tộc hùng mạnh chiến thắng Pha-ra-ô.

Tình yêu thương dịu dàng qua việc chăm sóc họ. Ít-ra-en là dân riêng, là đoàn chiên được Chúa dẫn đưa. Tình yêu thương mãnh liệt qua việc tha thứ những phản bội bất trung. Mỗi khi gặp khốn khổ, họ ăn năn sám hối kêu cầu: “Lạy Chúa,... Xin đừng giữ mãi cơn giận. Xin lại thương xót chúng con”, thì Chúa lại tha thứ và ban ơn nâng đỡ.

Hôm nay, với lời: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi”, Chúa muốn nối lại tình yêu thương với một Dân Mới trong một liên hệ mới.

Đó là mối liên hệ cao hơn và sâu hơn. Không còn là tuyển chọn một dân, hôm nay Chúa nâng liên hệ lên một tầm cao mới: Cho ta được trở thành gia đình của Chúa, trở thành mẹ và anh em của Chúa. Như Đức Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa, đã cưu mang Lời Chúa trước khi cưu mang Ngôi Lời, nhờ vâng lời Chúa mà trở thành Mẹ Thiên Chúa, thì tất cả chúng ta, nếu biết lắng nghe và thực hành thánh ý Chúa, cũng sẽ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã vâng lời Đức Chúa Cha nên được Đức Chúa Cha khen tặng là Con Yêu Dấu, bất cứ ai vâng lời Đức Chúa Cha cũng được trở nên Con Yêu Dấu của Đức Chúa Cha, trở thành anh em chị em của Chúa Giêsu.

Đó là mối liên hệ rộng lớn hơn. Cuộc tuyển chọn không còn giới hạn vào dân Israel nữa, nhưng mở rộng trên khắp toàn cầu. Không còn là một dòng dõi theo chủng tộc, huyết thống, nhưng là một dòng dõi thiêng liêng. Bất cứ ai trên thế giới này thi hành thánh ý Thiên Chúa đều thuộc về gia đình Thiên Chúa. Vì thế Dân Mới, gia đình Thiên Chúa sẽ mở rộng trên toàn thế giới, qui tụ đủ mọi người thuộc mọi chủng tộc, ngôn ngữ khác nhau.

Thật lạ lùng tình thương của Thiên Chúa. Thật cao sâu ý định cứu độ của Thiên Chúa. Xin cho con biết thi hành thánh ý Chúa để được trở thành gia đình của Chúa và được góp phần vào công cuộc cứu độ tốt đẹp này.

 

Suy Niệm 3: Thực Hành Lời Chúa

Mỗi tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.

Trong Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.

Ðoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỷ. Ma quỷ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỷ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỷ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.

Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.

Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.

Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.

Ước gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thiếu Nữ Ðầy Ơn Phúc

Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe trên đây, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho những người đương thời và cho mỗi người chúng ta về mối tương quan mới giữa Chúa và những kẻ thuộc về Người. Dân chúng đến nghe Chúa giảng dạy, có lẽ biết rõ và quan trọng hóa gia đình theo huyết thống của Người. Tuy nhiên, Chúa muốn mở rộng cái nhìn của Người để lắng nghe Chúa, mạc khải cho họ mối tương quan mới quan trọng hơn giữa Chúa và những ai thuộc về cộng đoàn mới mà Người đang thiết lập. Ðó là mối tương quan dựa trên việc thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Ðây là mẹ, là anh em tôi, là những ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời". Ðó là đại gia đình mới của Chúa Giêsu, được mở rộng cho tất cả mọi người, mỗi thành viên trong gia đình mới này liên kết với nhau, không phải bằng mối dây thân tình ruột thịt, nhưng bằng một mối dây thần thiêng, liên kết vững bền và trường tồn, phát sinh từ việc thi hành thánh ý của Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời.

Khi trả lời cho đám đông muốn Chúa dành ưu tiên cho mẹ và anh em đang đến tìm Chúa, cho gia đình tự nhiên của Chúa, một gia đình nhỏ, được xây trên tình thân ruột thịt, Chúa Giêsu không chối bỏ mối quan hệ giữa Chúa và Mẹ Maria cũng như những anh chị em thân thuộc, nhưng Người mạc khải cho thấy mối tương quan quan trọng hơn, trọn vẹn hơn, và trong tương lai sẽ được mở rộng ra cho tất cả những ai chấp nhận thực hành thánh ý Thiên Chúa. Phẩm vị của Mẹ Maria không chỉ hệ tại nơi mối liên hệ ruột thịt với Chúa Giêsu, nhưng còn, và nhất là dựa trên mối dây thiêng liêng thực hiện thánh ý Thiên Chúa.

Hơn ai hết, Mẹ Maria đã chấp nhận thực hiện thánh ý Thiên Chúa ngay từ đầu với lời thưa "Xin Vâng" trong biến cố truyền tin. Mẹ là người đã luôn thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa, Mẹ đã phó thác cả cuộc đời Mẹ trong hai tiếng "Xin Vâng", và đã để Thiên Chúa dùng Mẹ như khí cụ mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Vì thế, Mẹ đã được gọi là "Người Ðầy Ơn Phước". Ðầy Ơn Phước đã trở thành tên của Mẹ. Thiên thần đã gọi Mẹ là "Thiếu Nữ Ðầy Ơn Phước".

Có thể nói, Chúa Giêsu đã xác nhận trước mặt mọi người phẩm vị cao cả của Mẹ Maria khi Người trả lời cho đám đông: "Ðây là mẹ, là anh em tôi, là những ai thi hành thánh ý của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời". Và một cách gián tiếp, chúng ta có thể nói thêm rằng chính giây phút đó, Chúa Giêsu như muốn đề ra mẫu gương của Mẹ Maria cho tất cả những ai muốn bước vào sống trong đại gia đình mới của Người, đó là hãy sống vâng phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha như Mẹ Chúa đã nêu gương.

Lạy Mẹ Maria,

Mẹ là Mẹ Ðấng Cứu Thế và là Mẹ chúng con. Mẹ đã thi hành trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa. Xin thương dạy chúng con biết nhận ra thánh ý Chúa trong đời sống và khiêm nhu thực thi trong mọi hoàn cảnh, để chúng con và tất cả những người chúng con gặp gỡ cũng cảm nếm được niềm vui của đại gia đình Chúa hôm nay và cho đến muôn đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Hiệp Nhất Nên Một Nhờ Cùng Thưa Vâng Với Chúa

Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt. 12, 48-50)

Để đánh tan mọi hiều lầm, Chúa chúng ta đã không cần bảo cho người ta biết Người là con trai duy nhất của thân mẫu Người. Về vấn đề này, ở Ca-phát-na-um cũng như ở Nagiarét, người ta đã nhất mực cho rằng: Mọi người đều coi Đức Giêsu là “Con bà Ma-ri-a”

Cha chúng ta …

Thiết tưởng là điều thiển cận khi cho rằng Chúa Giêsu coi nhẹ những mối dây liên hệ gia đình tự nhiên. Trái lại, Chúa Giêsu không lãnh đạm với thân mẫu Người, và luôn bày tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ; Người cũng dạy phải luôn luôn tôn trọng những mối tương quan liên hệ giữa các thành viên của cùng một gia đình.

Nhưng trong đại gia đình của Chúa Cha mà Người là Con Một, và chúng ta tất cả đều là nghĩa tử, thì không còn sự phân biệt kỳ thị nữa. Cả điều này chính Chúa cũng giảng dạy nhiều lần.

Luật yêu thương và tôn trọng anh em trong một gia đình tiềm ẩn trong (tư tưởng) thần học trên đây về tình yêu đại đồng, bởi lẽ mọi người bốn bể đều là anh em con một cha: “Tứ hải giai huynh đệ” Bởi vậy chúng ta có hai lý do để tôn kính và yêu mến cha mẹ ta: Các Ngài có quyền được ta tôn kính và yêu mến vì là cha mẹ; Các Ngài cũng có quyền được ta mến yêu và trọng kính vì là thành viên của đại gia đình Thiên Chúa. Đối với người cận thân cũng thế! Người cận thân cũng có thể được gọi là anh em ta một cách chính đáng, vì người ấy thực sự nằm trong ý định của Thiên Chúa. Ta hãy nhớ lại lời thánh Phao-lô nhắc nhở ta là con cái Thiên Chúa, là anh em với Chúa Giêsu Kitô, là người cùng thừa hưởng Nước Trời.

Ý Cha.

Mối dây liên kết ta với Chúa Giêsu Kitô không phải là mối liên hệ tự nhiên theo huyết tộc; liên hệ tự nhiên này dù rất cao quý vẫn không phải là liên hệ tạo lên tình huynh đệ giữa ta, mà chính là sự vâng phục ý Cha trên trời. Trong cuộc sống của tôi, khi tôi từ chối ý Chúa hoặc uốn nắn ý Người theo sở ước của tôi, tôi không thuộc về gia đình của Người. Tôi không được quyền gọi người thân cận tôi là anh em của tôi, nếu tôi không sống và thực thi ý Chúa.

Khi đưa ra điều kiện trên đây để được làm anh em, chị em Người, mẹ Người. Chúa Giêsu quả thực biết rõ và muốn mời gọi ta tham dự vào sự sống vô cùng quý giá, vô cùng phấn khởi: Sự sống Thiên Chúa vậy.

J.M

 

Suy Niệm 6: Mẹ và anh em của Đức Giêsu

Xem lại thứ Ba tuần 3 TN

Trong cuộc sống, vì nhiều hoàn cảnh, các thành viên trong gia đình nhiều khi phải phân tán để ra đi đến nơi xa lạ nhằm kiếm miếng cơm manh áo hay học hành hoặc vì sứ vụ... Nỗi lòng nhớ quê hương và người thân hẳn không bao giờ vơi đi trong lòng người xa quê! Như vậy, nếu may mắn có cơ hội gặp được người thân nơi đất khách quê người thì thật là hạnh phúc, nhất là người đó lại là cha mẹ hay anh chị em thân thiện với mình.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy phản ứng ngược lại tình cảm tự nhiên của Đức Giêsu. Khởi đi từ việc Mẹ Maria và anh em của Đức Giêsu đến gặp Ngài. Khi được tin báo, thay vì hồ hởi, tay bắt mặt mừng để ra chào đón Mẹ và anh em của mình, thì Đức Giêsu lại chỉ tay vào các môn đệ và những người đang nghe giảng mà nói: “Đây là mẹ và anh em của ta”. Phải chăng có phũ phàng quá không???

Thực ra, qua câu nói này của Đức Giêsu không có ý hạ thấp, giảm nhẹ vai trò Đức Maria là thân mẫu của mình, cũng như không hề phủ nhận tình nghĩa anh em trong dòng họ. Nhưng mặt khác, Ngài muốn đề cao Đức Mẹ và anh em mình cách cụ thể, bởi vì chính các ngài là những người đã vâng theo thánh ý Chúa cách triệt để. Cũng qua câu nói này, Đức Giêsu đã đưa dân chúng đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt, đó là những người nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa thì đáng được gọi là mẹ hay anh chị em của Ngài hơn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để trở thành thành viên trong đại gia đình của Chúa thực sự. Chỉ những ai được tháp nhập vào trong đại gia đình này mới là những người được ơn cứu độ, vì con cái thì mới được ở trong nhà.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn thánh của Chúa xuống trên chúng con, để chúng con trở nên những con chiên ngoan ngoãn nhờ biết mau mắn thi hành Lời Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Mẹ Ta và là anh em Ta

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới. Dân riêng mới được quy tụ không theo tiêu chuẩn huyết thống, nhưng theo tiêu chuẩn tin và thi hành ý muốn Chúa Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dân riêng thời Cựu ước bao gồm những con cháu của gia đình tổ phụ Gia-cóp. Họ liên kết với nhau nhờ tình máu huyết. Còn Chúa, Chúa quy tụ dân riêng của Chúa theo một tiêu chuẩn khác. Ai sống theo thánh ý Chúa Cha, người đó trở nên dân riêng, trở nên người thân của Chúa. Nhờ đó, tất cả mọi người đều có cơ hội trở nên con cái trong đại gia đình Chúa thiết lập.

Thoáng nghe Tin Mừng hôm nay, con có cảm tưởng dường như Chúa lạnh lùng với thân bằng quyến thuộc. Nhưng suy gẫm thêm, con mới hiểu rằng: tình máu mủ dù có thắm thiết đến đâu cũng không thể chặt chẽ bằng mối tình thiêng liêng được liên kết bằng tình yêu Chúa. Chúa không dạy con bỏ tình ruột thịt, nhưng dạy con biết cùng nhau sống thánh ý Chúa Cha để mọi mối tình nhân loại được vững bền và có giá trị cao cả.

Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai là tấm gương quý báu cho con. Họ đã trở nên anh chị em vì cùng tin và cùng sống Tin Mừng của Chúa. Họ đã góp tất cả của cải để chia đều cho nhau. Chúng con là anh chị em ruột thịt cũng không thể làm được như vậy.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội, vì nhờ đó, con được dẫn vào mối liên hệ thân thích mới. Nhưng nhất là xin Chúa giúp con sống bí tích Rửa Tội, thực thi Thánh Ý Chúa trong cuộc sống, để nhờ đó con được thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Amen.

Ghi nhớ: “Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta”.

 

Suy Niệm 8: Xin đến, để thực thi ý Chúa

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần chia sẻ hành trình ơn gọi giám mục của Ngài:

‘‘Khi tôi được gọi làm giám mục phó giáo phận Long Xuyên, đất nước và Giáo hội Việt Nam đang sôi động chuyển biến từng ngày, từng giờ. Tình hình thì rất nghiêm trọng, còn tôi thì rất hèn mọn, yếu đuối.

Tôi vâng lời Toà Thánh trong muôn vàn lo âu. Với tâm tình phó thác, tôi nói với Chúa: “Này con xin đến, để thực thi ý Chúa”.

Suy niệm

Ðức Giêsu không bao giờ coi nhẹ tình cảm gia đình, Ngài càng không hề lãnh đạm với mẹ và anh em của Ngài. Tuy nhiên Ngài luôn đề cao mối liên hệ thiêng liêng trong niềm tin và lòng yêu mến theo Tin Mừng.

Cho nên Ngài khẳng định: “Ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”, cao hơn mối liên hệ thiêng liêng dựa trên Lời Chúa mà Ngài đang mang sứ mạng rao truyền, sẽ dệt nên niềm tin và lòng yêu mến cho người lãnh nhận. Ngài khẳng định trong tương quan với nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin khi biểu lộ thực thi ý Chúa. Đại gia đình thiêng liêng mà các thành viên đều mang tiêu chuẩn nghe và thi hành ý Thiên Chúa.

Khi khẳng định, Mẹ và anh em Ngài chính là người nghe và thực hành Lời, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy Mẹ Maria chính là người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành hơn ai hết. Thật thế, Mẹ Maria là người đầu tiên đã lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa với sứ thần đến truyền thánh ý Chúa trong cuộc đời Mẹ, khi đáp trả: “Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền”, lời xin vâng đã khai mở ơn cứu rỗi và sự sống mới cho thế giới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô: Lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.

Chính Mẹ cũng đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ truyền: “Hãy làm theo lời Ngài truyền”, hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh… Mẹ luôn suy gẫm trong lòng các biến cố cuộc đời Đấng Cứu Thế, đặc biệt, dưới chân thập tự, Mẹ sống đức tin vào Thiên Chúa mãnh liệt nhất. Cho nên, trên phương diện gia đình đức tin: Nghe và thực hành Lời Chúa, Đức Maria xứng đáng là Mẹ hơn ai hết.

Chúng ta cùng ý thức mình thực sự là anh chị em với Chúa, khi sống: Xin vâng theo thánh ý Chúa (Lc 1,38).

Ý lực sống:

‘‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10,7).

 

Suy Niệm 9: Gia đình thiêng liêng

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Theo Chúa Giêsu, tình huyết nhục là tình rất cần thiết. Chính Ngài là con người nên cũng sống theo tình cảm đó. Tuy nhiên, ở đây, không phải Chúa Giêsu coi nhẹ tình gia đình tự nhiên, cũng không phải Ngài lãnh đạm với Mẹ và anh em của Ngài, nhưng Ngài đề cao mối liên hệ thiêng liêng trong niềm tin và lòng yêu mến. Thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong chuyện này nhằm đề cao những người lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Chúa quí chuộng họ còn hơn những kẻ có liên hệ huyết nhục với Ngài nữa.

Trong cuộc sống, vì nhiều hoàn cảnh, các thành viên trong gia đình nhiều khi phải phân tán để ra đi đến nơi xa lạ nhằm kiếm miếng cơm manh áo hay học hành hoặc vì sứ vụ... Nỗi lòng nhớ quê hương và người thân hẳn không bao giờ vơi đi trong lòng người xa quê. Như vậy, nếu may mắn có cơ hội được gặp người thân nơi đất khách quê người thì thật là hạnh phúc, nhất là người đó lại là cha mẹ hay anh chị em thân thiện với mình.

Hôm nay, bài Tin mừng cho thấy phản ứng ngược lại tình cảm tự nhiên của Chúa Giêsu. Khởi đi từ việc Mẹ Maria và anh chị em của Chúa Giêsu đến gặp Ngài. Khi được tin báo, thay vì hồ hởi, tay bắt mặt mừng để ra chào đón Mẹ và anh em của mình, thì Chúa Giêsu lại chỉ tay vào các môn đệ và những người đang nghe giảng mà nói: “Đây là mẹ và anh em của ta”, phải chăng có phũ phàng không?

Có người khi đọc đoạn Tin mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao Mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi: “Đức Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Chúa Giêsu coi việc những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em của Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.

Thật vậy, chúng ta trở thành mẹ Chúa – bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Giêsu Kitô, nhờ Tin mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,15) (Hiền Lâm).

Thật ra, thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong câu chuyện hôm nay rõ ràng là nhằm đề cao những người biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chúa quí trọng họ hơn những người có liên hệ huyết nhục với Ngài.

Mátthêu không nêu lên lý do tại sao mẹ và anh em Chúa Giêsu lại đến tìm Ngài. Điều đó có lẽ không cần thiết. Mátthêu chỉ muốn tạo cho Chúa Giêsu một dịp để bộc lộ tư tưởng của Ngài về mối liên hệ mới, mối liên hệ đích thực của mọi người với Chúa: “Ai là mẹ ta và anh em ta?” (Mt 18,48)

Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa người nghe đến một sự so sánh giữa liên hệ huyết thống và liên hệ đức tin. Chúa không phủ nhận Đức Maria là thân mẫu của mình cũng không phủ nhận anh em trong dòng họ của mình, nhưng từ dòng họ huyết thống, Chúa Giêsu đưa mọi người nghe đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em của Ngài: Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ Ta, đây là anh em Ta”(Mt 12,49). Và Chúa còn giải thích thêm: “Phàm ai thi hành ý muốn của cha Ta, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em Ta, là mẹ Ta” (Mt 12,50). Nói cách khác, quan hệ với Thiên Chúa phải được coi là quan trọng hơn quan hệ huyết thống rất nhiều (Lm. Đinh Tất Quý).

Thánh Mátthêu mô tả “mẹ và anh em” Chúa là những người “đứng bên ngoài” (x. Mt 12,46), còn các môn đệ, những người đang nghe Ngài giảng là những người ở vòng trong. Một cách công khai, Chúa Giêsu cho biết nếu chỉ dựa vào mối liên hệ huyết thống thì chưa phải là người thân thiết chưa thuộc về gia đình Thiên Chúa với Ngài. Đúng hơn, gia đình của ngài gồm tất cả những ai “thi hành ý muốn của Cha”. Đó là một cơ hội cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia dân tộc, không phân biệt giàu nghèo, đều có thể thuộc về gia đình của Chúa nếu thi hành ý muốn của Cha trên trời. Nhưng ý muốn của Cha là gì? Xin thưa đó là tin vào Chúa Giêsu và làm theo lời Ngài dạy (x.Ga 6,40) (5 phút Lời Chúa).

Truyện: Bà có phải là Mẹ của Giêsu không?

Vào một buổi tối mùa đông nọ, một người phụ nữ đang ngồi trên xe hơi đi ngang qua một con đường trong thành phố. Bà thấy một em bé trai, đi chân không, áo quần rách rưới, nhìn chăm chú và thèm muốn các đôi giày để sau tủ kính của một hiệu buôn. Bà cho dừng xe lại, bước xuống xe, lại gần vỗ nhẹ vào má em, vừa cười vừa nói:

-Em làm gì ở đây vào giờ lạnh buốt thế này?

-Em xin Chúa Giêsu cho em một đôi giày. Bé trả lời.

-Vậy thì đi theo cô.

Bà vừa nói vừa cầm tay em bé dẫn đi.

Hãy thử xem Đức Giêsu cứu giúp những đứa trẻ như em và làm chúng hạnh phúc không?

Bà đi vào tiệm buôn, một nơi quá quen thuộc đối với bà. Bà mua cho em một đôi tất len dày và một đôi giày chắc chắn rồi tự tay bà xỏ cho em. Em bé đứng há hốc miệng nhìn, chẳng nói được một lời nào. Khi người đàn bà sắp từ giã em, em chăm chăm nhìn bà, nước mắt trào ra, và hỏi bà:

-Bà ơi! Bà có phải là Mẹ của Giêsu không?

 

Suy Niệm 10: Lắng nghe và thực thi lời Chúa quan trọng hơn

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

Mỗi tác giả Tin mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa.

Đối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn nhóm mười hai. Trong nhóm mười hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nỗi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những ngưới có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.

Trong Tin mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.

Đoạn Tin mừng Mattêu hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được lời Chúa và thần khí của Ngài. Đức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vì Mẹ đã lắng nghe lời Chúa.

Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Đức Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.

Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.

Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi lời Chúa của Đức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.

 

Suy Niệm 11: Thi hành ý muốn của Cha Ta

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong câu chuyện hôm nay rõ ràng là nhằm đề cao những người biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chúa quý trọng họ hơn những người có liên hệ huyết nhục với Ngài.

Matthêô không nêu lên lý do tại sao mẹ và anh em Chúa Giêsu lại đến tìm Ngài. Cái đó có lẽ không cần thiết. Matthêô chỉ muốn tạo cho Chúa Giêsu một dịp để bộc lộ tư tưởng của Ngài về mối liên hệ mới, mối liên hệ đích thực của mọi người với Chúa: “Ai là mẹ tôi và anh em tôi?” (Mt 18,48).

Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa người nghe đến một sự so sánh giữa liên hệ huyết thống và liên hệ đức tin. Chúa không phủ nhận Đức Maria là thân mẫu của mình cũng như không phủ nhận anh em trong dòng họ của mình, nhưng từ dòng họ theo huyết thống, Chúa Giêsu đưa mọi người nghe đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em của Ngài: Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi”. (Mt 12,49). Và Chúa còn giải thích thêm: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên Trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50). Nói cách khác, quan hệ với Thiên Chúa phải được coi là quan trọng hơn quan hệ huyết thống rất nhiều.

2. Suy gẫm đến đây tự nhiên một câu hỏi được đặt ra cho mỗi người chúng ta là: Vậy thì tôi đã là anh em của Chúa chưa? Trong cuộc sống, tôi đã thi hành thánh ý Chúa chưa? Và ai trong chúng ta dám mạnh dạn trả lời là có?

Một lần nữa, Lời Chúa lại cật vấn chúng ta, bắt chúng ta phải suy nghĩ lại cách sống của chúng ta, ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Bởi vì, như Chúa nói: “Con cái thì mới được ở trong nhà” (Ga 8,35).

Nhìn lại cuộc sống cụ thể của chúng ta, chúng ta phải thú nhận rằng, thường chúng ta hay làm theo ý ta hơn là ý Chúa. Có những lúc chúng ta biết đó là không hợp ý Chúa vậy mà chúng ta vẫn cứ làm. Cũng có những lúc chúng ta biết Chúa muốn cho chúng ta làm thế này nhưng chúng ta vẫn lại làm thế khác.

Đây là dịp chúng ta phải điều chỉnh lại, củng cố lại mối giây liên hệ của chúng ta đối với Chúa. Cách tốt nhất vẫn là thực hành những gì Ngài muốn.

Thánh François De Sale nói: “Làm theo Thánh ý Chúa chưa đủ, mà còn phải làm một cách vui vẻ và nhiệt tình nữa.”

Abraham Lincoln là tổng thống Hoa Kỳ lần kia vào một bệnh viện, tổng thống thấy một thương binh trẻ, chân bị bó bột trông rất đau đớn. Tổng thống thông cảm và tỏ ra lòng biết ơn đối với người lính trẻ đã hy sinh cho tổ quốc và đồng bào. Tổng thống cúi xuống hỏi:

 - Bạn cần tôi giúp gì không?

 Người lính không nhận ra người hỏi mình là ai, nhưng cũng khiêm tốn đáp lại rằng:

- Nhờ ông viết dùm cho tôi lá thư, gởi về thăm cha mẹ tôi.

Tổng thống đã viết theo lời đọc của người lính: Ba mẹ kính mến, con là Josepth đã bị thương nặng, nhưng may còn sống. Con gửi lời thăm mến ba mẹ, nhất là con cám ơn ba mẹ đã dạy dỗ, nên con đã biết làm trọn bổn phận của người Công giáo. Bác sĩ bảo: chắc con khó lành hẳn được. Con cầu Chúa chúc lành cho ba mẹ, xin Chúa cho ba mẹ cũng như con được lòng vâng theo thánh ý Chúa. Cho con hôn hai em con là Jean và Marie.

Ký tên: Josepth.

Tiếp đó tổng thống ghi thêm “thư này do Abraham Lincoln viết giùm”. Khi anh thương binh trẻ đọc lại lá thư, anh rất kinh ngạc, vì thấy tên tổng thống ký ở dưới, anh liền nhìn tổng thống với lòng kính phục và hỏi:

- Thưa Ngài, vậy Ngài là tổng thống nước Mỹ?

Tổng thống trả lời:

- Phải.

Rồi tổng thống nói tiếp.

- Bạn đã nhận ra tôi là tổng thống, bạn còn muốn tôi giúp gì nữa?

- Xin Ngài nâng đỡ cẳng chân đau của tôi một chút,

Tổng thống ngồi xuống giường, bên cạnh thương binh với tấm lòng biết ơn của một vị Tổng thống. Tổng thống đã nâng đỡ cẳng chân đau của người thương binh trẻ suốt đêm mà ngủ.

Vâng, một tấm gương quá đẹp.

Để kết thức tôi xin gửi mọi người lời cầu nguyện của một người bệnh nhân:

Lạy Chúa Giêsu, cơn bệnh Chúa gởi đến con,

Con xin vâng nhận như một hồng ân từ tay Chúa.

Tuy nó hành hạ xác con, nhưng nó làm con nên giống Chúa hơn.

Xin dạy con biết cam chịu nỗi đau đớn này như Chúa.

và xin biến những đau khổ thành lợi ích cho những người con yêu thương.

Một lần nữa, con xin dâng Chúa xác thân,

ý chí, ưu tư, thao thức, những chiến đấu, và cả đời sống con.

Con tin tưởng

đặt quãng đời quá khứ con trong tay Chúa,

nó là bạn con để Chúa thanh luyện,

còn hiện tại để Chúa thánh hóa

và tương lai con để Chúa uốn nắn,

chăm lo như lòng Ngài mong ước.

Lạy Chúa, con chỉ còn một ý muốn đó là chu toàn Thánh Ý Chúa. (Ludovic Giraud)
 

Whoever does the will of my heavenly Father… – The WAU 19.7.2022
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – July 2022

Tuesday July 19th 2022
Meditation: Matthew 12, 46-50

 

Whoever does the will of my heavenly Father is my brother, and sister, and mother. (Matthew 12:50)

Jesus was a “family man”—he loved and honored his parents and his relatives. So when his family arrived on the scene, we might have expected him to interrupt his teaching to enthusiastically greet them. Instead, he took the opportunity to teach an important lesson: as blessed as it is to be a member of Jesus’ immediate family, it is even more of a blessing to be united to him by doing the Father’s will.

To understand why Jesus would say this, we only have to look at the Gospels. His entire life was centered around doing the will of his Father. Even as a boy, Jesus was drawn to the Temple—“my Father’s house”—despite the fact that Mary and Joseph were frantically searching for him (Luke 2:49). He spent entire nights in communion with his Father, even after what must have been exhausting days of preaching and healing. Before making big decisions, like choosing the twelve apostles, he sought God’s will in prayer (6:12-13). He taught his disciples to pray that the will of his heavenly Father be done (Matthew 6:10). Jesus had come to do the will of his Father, and he urged us to do the same.

So how do you become Jesus’ “brother, and sister, and mother” (Matthew 12:50)? You follow in Jesus’ footsteps. You center your life on doing the will of the Father by listening to him each day in prayer and then acting on whatever he tells you. You carve out extra time to spend with him when you are facing a big decision. And like Jesus, you obey God even when it means that you might not be understood by the people closest to you.

This is by no means easy, but the reward is great. When you do your Father’s will, you are as close to Jesus as any of his blood relations ever were. These are family bonds that will endure into eternity. God is truly your Father and Jesus is truly your brother, now and forever.

“Jesus, I want to do the will of your Father today.”

Thứ Ba tuần XVI Thường Niên
ngày 19.7.2022

Suy niệm: Mt 12, 46-50

 

Ai thực hiện ý muốn của Cha tôi là anh tôi, là chị tôi, là mẹ tôi (Mt 12,50)

Chúa Giêsu là một “người của gia đình” – Ngài yêu thương và kính trọng cha mẹ và những người thân của Ngài. Vì vậy, khi gia đình Ngài đến hiện trường, chúng ta có thể mong đợi Ngài sẽ gián đoạn việc giảng dạy của mình để nhiệt tình chào đón họ. Thay vào đó, Ngài đã tận dụng cơ hội để dạy một bài học quan trọng: trở thành thành viên trong gia đình trực hệ của Chúa Giêsu là điều phúc, còn phúc hơn nữa khi được kết hợp với Ngài bằng cách làm theo ý muốn của Chúa Cha.

Để hiểu tại sao Chúa Giêsu lại nói điều này, chúng ta chỉ cần xem lại các sách Tin mừng. Toàn bộ cuộc đời của Ngài tập trung vào việc làm theo ý muốn của Cha Ngài. Ngay từ khi còn là một cậu bé, Chúa Giêsu đã bị lôi kéo đến Đền thờ – “nhà của Cha tôi” – bất chấp sự thật là Maria và Giuse đang nóng lòng tìm kiếm Ngài (Lc 2,49). Ngài đã dành cả đêm để hiệp thông với Cha của mình, ngay cả sau những ngày phải rao giảng và chữa lành mệt mỏi. Trước khi đưa ra những quyết định lớn, như chọn mười hai tông đồ, Ngài đã cầu nguyện tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa (6,12-13). Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện để ý muốn của Cha trên trời được thực hiện (Mt 6,10). Chúa Giêsu đã đến để làm theo ý muốn của Cha Ngài, và Ngài thúc giục chúng ta cũng làm như vậy.

Vậy làm thế nào để bạn trở thành “anh chị em và mẹ” của Chúa Giêsu (Mt 12,50)? Bạn hãy noi gương Chúa Giêsu. Bạn tập trung cuộc sống của mình vào việc làm theo ý muốn của Cha bằng cách lắng nghe Ngài trong sự cầu nguyện mỗi ngày và sau đó hành động theo bất cứ điều gì Ngài nói với bạn. Bạn dành thêm thời gian để dành cho Ngài khi bạn đang phải đối mặt với một quyết định lớn. Và giống như Chúa Giêsu, bạn vâng lời Thiên Chúa ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn có thể không được những người thân cận nhất thông hiểu.

Điều này không có nghĩa là dễ dàng, nhưng phần thưởng là rất lớn. Khi bạn làm theo ý muốn của Cha mình, bạn gần gũi với Chúa Giêsu như bất kỳ mối tương quan huyết thống nào của Ngài. Đây là những mối tương quan gia đình sẽ tồn tại vĩnh viễn. Thiên Chúa thực sự là Cha của bạn và Chúa Giêsu thực sự là anh em của bạn, bây giờ và mãi mãi.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con muốn làm theo ý muốn của Chúa Cha.

 

Who are my brothers and sisters? – SN Song ngữ 19.7.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Tuesday (July 19): 

Who are my brothers and sisters?

Scripture:  Matthew 12:46-50

( 46 While he was still speaking to the people, behold, his mother and his brothers stood outside, asking to speak to him. 48 But he replied to the man who told him, “Who is my mother, and who are my brothers?” 49 And stretching out his hand toward his disciples, he said, “Here are my mother and my brothers! 50 For whoever does the will of my Father in heaven is my brother, and sister, and mother.”

Thứ Ba ngày 19.7.2022           

 

Ai là anh em và chị em của tôi?

Mt 12,46-50

46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.”48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? “49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Meditation: Who do you love and cherish the most? God did not intend for us to be alone, but to be with others. He gives us many opportunities for developing relationships with family, friends, neighbors, and co-workers. Why does Jesus seem to ignore his own relatives when they pressed to see him? His love and respect for his mother and his relatives is unquestionable. Jesus never lost an opportunity to teach his disciples a spiritual lesson and truth about the kingdom of God. On this occasion when many gathered to hear Jesus he pointed to another higher reality of relationships, namely our relationship with God and with those who belong to God.

 

God offers the greatest of relationships

What is the essence of being a Christian? It is certainly more than doctrine, precepts, and commandments. It is first and foremost a relationship – a relationship of trust, affection, commitment, loyalty, faithfulness, kindness, thoughtfulness, compassion, mercy, helpfulness, encouragement, support, strength, protection, and so many other qualities that bind people together in mutual love and unity. God offers us the greatest of relationships – union of heart, mind, and spirit with himself, the very author and source of love (1 John 4:8,16).

God’s love never fails, never forgets, never compromises, never lies, never lets us down nor disappoints us. His love is consistent, unwavering, unconditional, unrelenting and unstoppable. There is no end to his love. Nothing in this world can make him leave us, ignore us, or withhold from us his merciful love and care (Romans 8:31-39). He will love us no matter what. It is his nature to love. That is why he created us – to be united with him and to share in his love (1 John 3:1).

God is a trinity of divine persons – one in being with the eternal Father, Son, and Holy Spirit – and a community of undivided love. God made us in his image and likeness (Genesis 1:26,27) to be a people who are free to choose what is good, loving, and just and to reject whatever is false and contrary to his love and righteousness (moral goodness). That is why Jesus challenged his followers, and even his own earthly relatives, to recognize that God is the true source of all relationships. God wants all of our relationships to be rooted in his love and goodness.

The heavenly Father’s offer of friendship and adoption

Jesus Christ is God’s love incarnate – God’s love made visible in human flesh (1 John 4:9-10). That is why Jesus describes himself as the good shepherd who lays down his life for his sheep and the shepherd who seeks out the sheep who have strayed and lost their way. God is like the father who yearns for his prodigal son to return home and then throws a great party for his son when he has a change of heart and comes back (Luke 15:11-32).

Jesus offered up his life on the cross for our sake, so that we could be forgiven and restored to unity and friendship with God. It is through Jesus that we become the adopted children of God – his own sons and daughters. That is why Jesus told his disciples that they would have many new friends and family relationships in his kingdom. Whoever does the will of God is a friend of God and a member of his family – his sons and daughters who have been ransomed by the precious blood of Jesus Christ.

Our brothers and sisters redeemed in the blood of Christ

An early Christian martyr once said that “a Christian’s only relatives are the saints” – namely those who have been redeemed by the blood of Christ and adopted as sons and daughters of God. Those who have been baptized into Jesus Christ and who live as his disciples enter into a new family, a family of “saints” here on earth and in heaven. Jesus changes the order of relationships and shows that true kinship is not just a matter of flesh and blood.

Our adoption as sons and daughters of God transforms all of our relationships and requires a new order of loyalty to God first and to his kingdom of righteousness and peace. Do you want to grow in love and friendship? Allow God’s Holy Spirit to transform your heart, mind, and will to enable you to love freely and generously as he loves.

“Heavenly Father, you bless us with many relationships and you invite us into the community of your sons and daughters who have been redeemed by your son, Jesus Christ. Help me to love my neighbor with charity, kindness, compassion, and mercy, just as you have loved me. In all of my relationships, and in all that I do and say, may I always seek to bring you honor and glory.”

Suy niệm:  Ai là người bạn yêu thương nhất? Thiên Chúa không có ý định cho chúng ta sống một mình nhưng sống với những người khác. Người ban cho chúng ta nhiều cơ hội để phát triển những mối quan hệ với gia đình, bạn bè, hàng xóm, và đồng nghiệp. Tại sao Ðức Giêsu xem ra phớt lờ những người bà con của mình khi họ muốn gặp Người? Tình yêu và lòng kính trọng của Người dành cho Mẹ và bà con thân thuộc thì thật là chắc chắn. Ðức Giêsu không bao giờ để mất một cơ hội để dạy các môn đệ bài học và chân lý thiêng liêng về nước Thiên Chúa. Trong dịp này, khi nhiều người đến nghe Ðức Giêsu, Người đã nói đến thực tại khác cao hơn về những mối quan hệ, đó là mối quan hệ với Thiên Chúa và những ai thuộc về Thiên Chúa.

Thiên Chúa ban cho các mối quan hệ tốt đẹp nhất

Đâu là yếu tố căn bản của người Kitô hữu? Chắc chắn nó còn hơn cả học thuyết, những khái niệm, và những mệnh lệnh. Đó chính là mối quan hệ đầu tiên và trên hết – mối quan hệ về sự tin cậy, tình cảm, lời cam kết, lòng trung thành, lòng khoan dung, sự quan tâm, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự trợ giúp, sự khích lệ, sự ủng hộ, sức mạnh, sự bảo vệ, và nhiều phẩm chất khác trói buộc người ta với nhau trong tình yêu và sự hiệp nhất. Thiên Chúa ban cho chúng ta những mối quan hệ lớn lao nhất – sự kết hiệp của lòng, trí, và linh hồn với chính Người, là Tác giả và Nguồn mạch của tình yêu (1Ga 4,8.16).

Tình yêu Thiên Chúa không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng, không bao giờ quên lãng chúng ta, không bao giờ làm chúng ta tổn thương, không bao giờ lừa dối chúng ta, không bao giờ để chúng ta bị đè bẹp hay thất vọng. Tình yêu của Người luôn kiên định, không thay đổi, không điều kiện, và không bao giờ hết. Không gì có thể ngăn cản Người bao giờ rời bỏ chúng ta, phớt lờ chúng ta, hay đối xử tệ bạc với chúng ta. Người vẫn mãi yêu thương chúng ta cho dù thế nào đi chăng nữa. Đó chính là bản tính yêu thương của Người. Đó là lý do tại sao Người tạo dựng nên chúng ta – để kết hiệp với Người và chia sẻ tình yêu của Người và sự hiệp nhất với người khác (1Ga 3,1).

TC có 3 Ngôi – một hữu thể với Cha, Con, và Thánh Thần – là một cộng đồng tình yêu không thể chia cắt. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo và giống hình ảnh của Người (St 1,26-27) trở nên một dân tự do chọn lựa những gì là tốt lành, yêu thương, và công chính và khước từ những gì là sai trái và trái ngược với tình yêu và sự công chính của Người (tốt lành luân lý). Đó là lý do tại sao Ðức Giêsu thách đố các môn đệ và thậm chí những người bà con thân thuộc của mình nhận ra rằng Thiên Chúa chính là nguồn mạch đích thật của tất cả mọi mối quan hệ. Thiên Chúa muốn tất cả mọi quan hệ của chúng ta phải được ăn rễ trong tình yêu và sự tốt lành của Người.

Đề cử tình bằng hữu và nghĩa tử của Cha trên trời

Ðức Giêsu Kitô là hiện thân tình yêu Thiên Chúa – tình yêu Thiên Chúa thể hiện cách minh nhiên nơi xác phàm (1Ga 4,9-10). Đó là lý do Ðức Giêsu mô tả mình như người mục tử tốt lành, người dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, và là người mục tử đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa giống như người cha chờ mong đứa con hoang đàng quay về nhà, và thiết đãi bữa tiệc lớn cho người con, khi hắn đổi lòng và trở về (Lc 15,11-32).

Ðức Giêsu dâng hiến mạng sống mình trên thập giá vì phần rỗi chúng ta, để chúng ta có thể được tha thứ và được phục hồi sự kết hiệp và tình bằng hữu với Thiên Chúa. Ngang qua Ðức Giêsu mà chúng ta trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa. Đó là lý do Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng họ sẽ có nhiều bạn bè và những mối quan hệ gia đình trong nước Ngài. Ai thực hiện thánh ý Chúa là bạn hữu của Chúa, và là thành viên trong gia đình của Người – con trai và con gái đã được mua chuộc bằng giá máu châu báu của Đức Kitô.

Anh chị em chúng ta đã được cứu chuộc trong máu của Đức Kitô

Một tín hữu tử đạo thời xưa đã nói rằng “Bà con thân thuộc của người tín hữu chính là các thánh” – tức là những người đã được cứu chuộc bằng giá máu của Đức Kitô và được làm dưỡng tử của Thiên Chúa. Những ai đã được thanh tẩy trong Đức Giêsu Kitô và những ai sống như những người môn đệ của Người sẽ được gia nhập vào một gia đình mới, một gia đình của “các thánh” tại đây ở thế gian và trên Thiên đàng. Ðức Giêsu thay đổi trật tự của những mối quan hệ và bày tỏ cho thấy rằng mối quan hệ họ hàng thật sự không chỉ dựa trên vấn đề thân xác và huyết thống.

Ơn làm con Thiên Chúa biến đổi tất cả mọi mối quan hệ của chúng ta và đòi hỏi một trật tự mới của lòng trung thành với Thiên Chúa trước hết, và với vương quốc công chính và bình an của Người. Bạn có muốn lớn lên trong tình yêu và tình bằng hữu không? Hãy để cho Thánh Thần  của Thiên Chúa biến đổi lòng, trí, và ý chí của bạn để giúp bạn yêu thương cách tự do và quảng đại như Người yêu thương.

Lạy Cha trên trời, Cha chúc lành cho chúng con với nhiều mối quan hệ và Cha mời gọi chúng con tham dự vào cộng đồng của những người con cái của Cha, những người đã được Con Cha là Ðức Giêsu Kitô cứu chuộc. Xin giúp con yêu thương tha nhân với lòng bác ái, khoan dung, trắc ẩn, và thương xót, như Cha đã yêu thương con. Trong tất cả mọi mối quan hệ của con và trong tất cả những gì con làm và nói, chớ gì con luôn tìm cách để đem lại cho Cha sự tôn kính và vinh quang.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây