Lời Chúa hôm nay – Suy niệm Chúa Nhật III Thường Niên

Thứ năm - 20/01/2022 07:31

Lời Chúa hôm nay – Suy niệm Chúa Nhật III Thường Niên – C

 

Chúa Giêsu trở về quê hương Nagiarét. “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabat, và Người đứng lên đọc Sách Thánh”. Về thăm quê lần này, Chúa Giêsu gặp những người quen thân và sống với những việc quen thuộc. Trong đó có việc đến hội đường vào ngày sabat. Khi đến hội đường có ba việc quen thuộc: cầu nguyện, nghe đọc Sách Thánh và được giảng dạy hoặc đích thân giảng giải Sách Thánh.

Hôm nay, Chúa Giêsu đọc và giảng giải. Người long trọng tuyên bố đoạn Sách Thánh Isaia được ứng nghiệm: “Hôm nay đã ứng nghiệm trang Sách Thánh tai quý vị vừa nghe”. Sấm ngôn của tiên tri nay ứng nghiệm với sứ mệnh của Chúa Giêsu. Đó là sứ mệnh cứu độ nhân loại. Ơn cứu độ nhân loại mong chờ được tiên tri Isaia diễn đạt bằng những hình ảnh: người nghèo hèn được loan báo Tin Mừng, kẻ bị giam cầm được tha, người mù được sáng mắt, người bị áp bức được trả lại tự do, năm hồng ân của Thiên Chúa được công bố. Sứ vụ của Người là mở ra một kỷ nguyên hồng ân, kỷ nguyên của Tin mừng. Đây như là bản tuyên ngôn mô tả sứ mạng và chương trình hành động của Chúa Giêsu. Có lẽ đây là một bài diễn văn ngắn nhất của một nhà lãnh đạo kỳ lạ nhất. Lời công bố của Chúa Giêsu tuy ngắn nhưng lại đầy đủ, bao gồm cả một kế hoạch lớn lao của Người.

Lời Isaia hôm nay được ứng nghiệm làm cho mọi người nhớ lại lời sách Nơkemia. Khi từ lưu đày Babilon trở về, Israel tái thiết thành thánh Giêrusalem và xây lại đền thờ. Esdra và Nơkemia là hai vị lãnh đạo Israel có công lớn trong nỗ lực hồi sinh dân tộc vừa vật chất xây dựng nhà cửa đền đài, vừa tổ chức bộ máy chính trị vừa tái thiết cuộc sống tinh thần.

Sau bao nhiêu năm lưu đày, bon chen tất bật với cuộc sống đầy nhiễu nhương nơi đất khách quê người, cùng với bao nhiêu cám dỗ của các nhu cầu sinh sống, những thói hư tật xấu của dân ngoại… dân Do thái gần như quên lãng Lời Chúa và hiếm khi được cùng nhau cử hành và lắng nghe Lời Chúa cách long trọng. Hôm nay, trên mảnh đất của quê nhà, bên những bức tường thành Thánh Giêrusalem vừa được tái thiết, cộng đoàn hồi hương Do thái được thầy tư tế Esdra công bố Lời Chúa. Họ hết sức cảm động đến bật khóc; họ trân trọng lắng nghe với thái độ cung kính thẳm sâu “cúi mình phủ phục sát đất…”. Chính sức mạnh của Lời Chúa đã quy tụ dân, phục hồi sức mạnh và niềm tin cho dân và đã làm cho dân vượt qua mọi gian nan thử thách để luôn vươn mình đứng vững trong hiện tại và mạnh mẽ tin yêu hướng tới tương lại. Bài đọc 1 hôm nay trích sách Nêhêmia nêu bật thời đại ân phúc đó như thế này: “được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta, anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc… đừng buồn sầu, vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh em”. Trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu áp dụng lời sấm của Isaia vào con người và sứ mạng của Người. Một Tin Mừng làm nức lòng người nghe đem đến cả một bầu trời hy vọng vì thế “mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”. Sứ mạng của Chúa Giêsu là đến để giải phóng con người một cách toàn diện, cả tâm linh lẫn thể xác, cả cá nhân đến xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo : chân lý, công lý và tình thương.

Chúa Giêsu xác định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”. Trải suốt Tin Mừng Luca, từ “Hôm nay” được nói tới 12 lần. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã nghe các thiên thần loan báo “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra” (2,11). Khi Chúa Giêsu gặp ông Giakêu, Người nói với ông “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (19,9). Chúa Giêsu hứa với người trộm bị đóng đinh bên phải rằng “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (23,43). Ý nghĩa của từ “Hôm nay” mà Chúa Giêsu công bố không chỉ là “ngày hôm nay” vào lúc Người tại thế, mà còn là “ngày hôm nay” thì hiện tại của Giáo Hội nữa.

Sau hàng trăm năm, lời của tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Trải qua thời gian hơn hai ngàn năm, lời của Chúa Giêsu đã, đang được Giáo Hội hiện tại hóa trong các hoạt động của mình. Như thế, Chúa Giêsu tiếp tục công cuộc cứu thế trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội.

Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Người. Giáo Hội luôn ý thức về sứ mạng của mình trong thế giới. Giáo Hội nối dài hoạt động của Đức Kitô.

Qua dọc dài lịch sử, Giáo Hội luôn nỗ lực thực hiện sứ mạng đem Tin Mừng cho người nghèo hèn. Giáo Hội đã thiết lập các bệnh viện, các trường học, các cô nhi viện, các trại cùi, nhà dưỡng lão… Những công việc từ thiện, bác ái, xã hội, văn hóa, Giáo Hội đã làm và đang tiếp tục làm: “Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập khó nghèo và đau khổ, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ” (Lumen Gentium, 8).

Thời đại hôm nay, sứ mạng của Giáo Hội còn quan trọng và thiết thực hơn nữa, liên quan đến tự do, công lý, nhân quyền, phát triển và hòa bình. Những hoạt động bác ái và y tế xã hội của Giáo Hội góp phần xoa dịu nỗi đau khổ của những người nghèo hèn.

Còn những người bị giam cầm trong các trại tù cải tạo, những người bị áp bức đến mất tự do ngoài xã hội và những người dân đang bị hạn chế tự do, đói khát nhân quyền, Giáo Hội quan tâm nhiều đến họ và trợ giúp cho họ.

Tin Mừng được rao giảng không những cho những người nghèo khó về vật chất, mà còn cho cả những người nghèo khó về tinh thần, nghèo khó về văn hóa, nghèo khó vì thiếu tình thương, nghèo khó khi phải sống trong bóng đêm lầm lạc của tội lỗi, thiếu ánh sáng thần linh soi chiếu.

Tin Mừng còn được rao giảng cho những người nghèo khó về niềm tin và hy vọng, nghèo khó về tình bạn, tình bằng hữu, tình người.

Tin Mừng cũng được rao giảng không phải chỉ cho những người đang bị giam cầm sau những song sắt nhà tù, mà còn cho những ai đang bị giam cầm trong ích kỷ, trong vòng đam mê tội lỗi, trong xiềng xích của dục vọng và lòng tham lam.

Tin Mừng cũng được rao giảng cho những kẻ đang bị áp bức một cách bất công trong xã hội, và cả những kẻ đang bị tha hoá bởi những tham vọng xấu xa của chính mình.

Tin Mừng cũng đem lại ánh sáng cho cả những người mù lòa tinh thần, sống trong bóng đêm của những mưu toan vị kỷ và sự gian dối. Tin Mừng đang chiếu tỏa ánh sáng “văn minh tình thương” cho một thế giới đang “lãnh cảm” trước những nỗi đau xót của con người.

Phương tiện của Giáo Hội luôn là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tin Mừng là “sự thật giải thoát” (Ga 8,32). “Có nhiều Kitô hữu hiến đời mình để yêu thương những người cô thế, bị gạt ra ngoài lề, bị loại trừ, coi họ là những người đầu tiên cần phải đến gặp và là những người chủ yếu phải được nâng đỡ, vì nơi họ phản chiếu gương mặt của chính Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra gương mặt Chúa phục sinh nơi những người đang mong được chúng ta yêu thương”(Cánh cửa đức tin, số 13).

Ngày nay, Giáo Hội tiếp nối “Năm Hồng Ân” của Chúa Giêsu, Đấng Messia được Thánh Thần xức dầu và sai đi loan báo Tin Mừng, đó là toàn thể Dân Chúa khắp nơi đang tích cực thực hiện tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 vào năm 2023 bắt đầu từ cấp giáo phận, với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông tham gia sứ vụ”. Hai điểm quan trọng của Hiệp Hành là đi con đường Giêsu và phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Lời Chúa không chỉ là Tin Mừng của ngày hôm qua, Tin Mừng cho ngày tận thế, mà còn là Tin Mừng của ngày hôm nay. Tin Mừng của Ngôi Lời Thiên Chúa ở cùng chúng ta. “Ứng nghiệm lời Kinh Thánh” là làm cho lời Kinh Thánh được trở nên hiện thực. Kinh Thánh ghi lại Lời; nhưng Lời đó không chỉ để đọc, để nghe, mà là Lời sống động, Lời ban sự sống, Lời phải được áp dụng vào đời sống, để sinh nhiều hoa trái tốt. Các Kitô hữu cũng được mời gọi tiếp nối chương trình hành động của Chúa Giêsu, để hiện thực hoá sứ điệp tin mừng cho con người trong thế giới “hôm nay”. Tất cả những việc làm để nâng đỡ người nghèo, quan tâm chăm sóc những người bệnh tật về cả thể xác lẫn tinh thần, đem lại sự ủi an cho những người cô đơn, thua thiệt trong xã hội, khoan dung với những kẻ lầm lỡ… đều là những hành động thiết thực để những “năm hồng ân” tiếp tục được lan toả cho con người “hôm nay”.

Lời ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm trong đời Chúa Giêsu và lịch sử Giáo hội. Ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong đời chúng con, để Lời Chúa biến đổi cuộc đời giúp chúng con sống Tin Mừng của ngày hôm nayAmen

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây