Trong mấy năm qua, Trung Quốc đã công khai bách hại các tín hữu Công Giáo tại Hoa Lục, giam cầm hàng giáo sĩ, bắt các ngài gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước, triệt hạ thánh giá, san bằng các nhà thờ và cướp đoạt các cơ sở của Giáo Hội. Trẻ con không được đến nhà thờ, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ bị giật xuống thay bằng ảnh của Mao Chủ Tịch và Tập Đại Đế. Bọn cầm quyền Trung Quốc còn giam cầm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung lao động, buộc phụ nữ Hồi Giáo triệt sản. Để bù đắp những sai lầm của chính sách dân số, nhiều phụ nữ ở các quốc gia láng giềng bị bọn buôn người đưa vào Trung Quốc. Gần đây nhất là tình trạng hạn chế tự do tại Hương Cảng. Những thành tích bất hảo này của Trung Quốc, theo Elise Ann Allen của tờ Crux, đang tạo ra các áp lực rất mạnh trên sự im lặng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Pressure on Francis increases over human rights in China

Áp lực lên Đức Thánh Cha Phanxicô đang gia tăng trước tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc

Elise Ann Allen


Khi chính quyền trung ương Trung Quốc siết chặt quyền tự do ở Hương Cảng và khi thế giới tiếp tục nghe những tin tức về sự đàn áp người dân thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Hoa Lục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang là mục tiêu của các áp lực quốc tế ngày càng gia tăng trước sự do dự của ngài.

Sự im lặng này từ một trong những nhà vô địch chống áp bức mạnh nhất trên thế giới là chủ đề của một bài báo mới trên tạp chí Foreign Policy - Chính Sách Đối Ngoại - của Benedict Rogers - Trưởng nhóm Đông Á tại Christian Solidarity Worldwide và là người sáng lập Hong Kong Watch. Ông Rogers nói trong bài viết rằng ông là một người cải đạo sang Công Giáo và thông cảm với Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng cho biết ông rất bối rối trước những “sai lầm tệ hại” trong việc đối phó với Trung Quốc của ngài.

Trong bài báo, Rogers trích dẫn các tuyên bố của các nhân vật công chúng như Marie van der Zyl, chủ tịch Hội đồng Đại biểu người Do Thái tại Anh, là người hồi đầu tháng này đã viết một lá thư cho Đại sứ Trung Quốc tại London so sánh tình hình của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc với tình cảnh người Do Thái trong vụ Diệt Chủng của Quốc Xã Đức.

Trong lá thư, Van der Zyl đã chỉ ra những gì cô cho là những điểm tương đồng giữa các báo cáo về những chuyện đã xảy ra với những người Duy Ngô Nhĩ và những gì đã xảy ra trong các trại tập trung của phát xít Đức: “Người ta bị tống lên tàu hỏa; râu của những giáo sĩ bị cạo; phụ nữ bị triệt sản; và những bóng ma nghiệt ngã trong các trại tập trung.

Maajid Nawaz, một nhà hoạt động chống chủ nghĩa Hồi giáo nổi tiếng của Anh, đã tuyệt thực và thúc đẩy một cuộc tranh luận tại quốc hội về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì chính sách của chúng đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Trong một tuyên bố đưa ra vào tuần trước, Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon, Miến Điện nói rằng, “Ở Trung Quốc, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt những điều có thể coi là những tội ác tập thể tồi tệ nhất trong thế giới đương đại và tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy điều tra.”

Trong bài viết của mình, Rogers ghi nhận rằng cho đến nay, không có chính quyền nào trong các quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo dám ra mặt lên án tình hình của người Duy Ngô Nhĩ, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Canterbury, người đứng đầu Cộng đồng Anh giáo, cũng không dám làm phật lòng Trung Quốc. Tuy nhiên, Rogers nói, trong tất cả những sự im lặng này, “sự im lặng Đức Thánh Cha Phanxicô là cú sốc lớn nhất”, vì ngài thường thẳng thắn lên tiếng thay mặt cho những người bị áp bức.

Trong quá khứ, Đức Phanxicô đã đưa ra nhiều lời kêu gọi thay mặt cho những người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện. Khi ngài đến thăm nước này vào tháng 12 năm 2017, ngài đã tế nhị tránh sử dụng thuật ngữ “Rohingya” để khỏi kích động người chủ nhà của mình. Tuy nhiên, ngay khi đến Bangladesh cho chặng tiếp theo của chuyến tông du, ngài đã sử dụng tên gọi này khi gặp một nhóm người tị nạn Rohingya.

Ngài cũng không né tránh việc chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ khi sử dụng từ “diệt chủng” trong một Thánh Lễ vào năm 2015 kỷ niệm 100 năm cuộc thảm sát hàng loạt người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ 20. Đó là một hành động đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại sứ về nước trong vài tháng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần ủng hộ việc chấm dứt xung đột ở Syria, Yemen, Ukraine và Nigeria, và gần đây cho biết ngài “đau buồn sâu sắc” trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia của Istanbul thành một đền thờ Hồi Giáo.

Tuy nhiên, trong tất cả các lời kêu gọi của ngài, người ta dễ thấy Trung Quốc đã vắng mặt, bất kể sự chú ý ngày càng gia tăng đối với người Duy Ngô Nhĩ, việc áp dụng luật an ninh mới ở Hương Cảng và sự quấy rối liên tục các giáo sĩ Công Giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã bị chỉ trích mạnh trong những tháng gần đây vì hồ sơ buôn người, đặc biệt là buôn bán cô dâu từ các nước láng giềng và thậm chí đến tận châu Phi.

Trong báo cáo về nạn Buôn Người năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt Trung Quốc lên Cấp 3, cùng với Nam Sudan, Bắc Triều Tiên, Syria, Afghanistan, Eritrea, Nicaragua, Venezuela và Nga, trong số những nước khác.

Theo một báo cáo gần đây từ Human Rights Watch có tựa đề, “Give Us a Baby and We’ll Let You Go: Trafficking of Kachin ‘Brides’ from Myanmar to China”, nghĩa là “Đẻ Cho Chúng Tôi Một Đứa Con Rồi Chúng Tôi Sẽ Trả Tự Do Cho Cô: Nạn Buôn Bán ‘Cô Dâu’ Từ Kachin, Miến Điện Sang Trung Quốc”, Hoa Kỳ cho biết ít nhất 226 phụ nữ đã bị buôn bán từ Miến Điện sang Trung Quốc vào năm 2017, và Bộ phúc lợi xã hội Miến Điện đã hỗ trợ cho khoảng từ 100 đến 200 phụ nữ bị buôn bán trở về từ Trung Quốc mỗi năm.

Đầu năm nay, Bộ Nội vụ Campuchia đã báo cáo rằng ít nhất 112 phụ nữ từ quốc gia này đã bị buôn bán làm cô dâu cho Trung Quốc vào năm 2019.

Nhà hoạt động cho quyền của phụ nữ Reggie Littlejohn, là người sáng lập Women’s Rights Without Frontiers, nghĩa là tổ chức Không Biên Giới Về Quyền Của Phụ Nữ gọi thống kê về tình trạng nô lệ tình dục ở Trung Quốc là “quá đau lòng”.

“Do sự kết hợp chết người giữa thành kiến ưa thích con trai và một giới hạn cưỡng chế về sinh đẻ rất thấp, các bé gái bị phá thai có chọn lọc, bị bỏ rơi, và thậm chí bị giết sau khi đã chào đời” bà nói thêm rằng: “Sự sụp đổ của chính sách kiểm soát dân số này dẫn đến việc hình thành thị trường hôn nhân tại Trung Quốc, trong đó bọn cầm quyền nhắm mắt làm ngơ cho việc buôn bán tình dục - và trong một số trường hợp, thậm chí còn tạo điều kiện cho nó xảy ra”.

Cô cũng lên án hành động của Trung Quốc chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, và nói rằng tội ác chống lại họ bao gồm “lao động cưỡng bức, phá thai cưỡng bức và triệt sản ngoài ý muốn”.

Trong bài viết của mình, Rogers cho rằng sự im lặng của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Trung Quốc về tất cả các vấn đề này là kết quả của thỏa thuận năm 2018 giữa Vatican và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, mà việc gia hạn hiện đang được đàm phán.

Rogers lặp lại những lời chỉ trích của nhiều nhà phê bình Đức Thánh Cha Phanxicô, và nói rằng qua thỏa thuận này, Trung Quốc đã “mua đứt” sự im lặng của Đức Giáo Hoàng, vì ngài khó có thể thực hiện bất kỳ tuyên bố công khai lên án nào trong khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành.

Nhiều chuyên gia đã lập luận rằng rất ít thay đổi sẽ được thực hiện như là kết quả của thỏa thuận, chưa có giáo sĩ bị cầm tù nào đã được thả ra, và thậm chí trên thực tế, một số người đã bị giam giữ hoặc bị bắt trong hai năm qua.

Trong bài viết của mình, Rogers cho rằng bây giờ là thời gian để các nhà lãnh đạo Kitô giáo như Đức Tổng Giám Mục Welby và Đức Thánh Cha Phanxicô “tỉnh thức” và xem xét quan điểm của mình cho đến thời điểm hiện nay.

“Các ngài cần phải là những dấu chỉ rõ ràng cho thấy các ngài tin vào những lời dạy từ đức tin của mình – về nhân phẩm, tự do, và công lý – là những điều quan trọng hơn bất kỳ giao dịch mờ ám nào với một chế độ tàn bạo. Các ngài cần phải từ bỏ sự ngây thơ. Các ngài cần phải nói rằng các ngài sẽ không thỏa hiệp khi nói đến mạng sống và phẩm giá con người, ” ông nói.

Nhắc đến Dietrich Bonhoeffer, một mục sư Tin Lành, là người đã dám đứng lên chống lại Adolf Hitler, Rogers nhấn mạnh rằng Bonhoeffer đã làm đúng khi ông nói rằng “ Im lặng khi đối mặt với cái ác tự nó là một cái ác... không nói thực ra cũng là nói. Không hành động thực ra cũng là hành động.”


Source:CruxPressure on Francis increases over human rights in China