Với những người nặng đầu óc khoa học thì việc người chết sống lại là một chuyện khó tin, thậm chí là vô lý, nhưng với người kitô hữu, điều này là điều có thể chấp nhận và có tính khả tín. Phục Sinh đối với khoa học là một sự phi lý nhưng nó lại là điều then chốt trong niềm tin Kitô Giáo.[1] Vậy thì tại sao Phục Sinh lại là điều then chốt trong niềm tin của Kitô Giáo? Phục Sinh là yếu tố then chốt trong niềm tin của người Kitô hữu bởi lẽ Phục Sinh đặt nền cho nội dung đức tin (tin vào điều gì), xác tín vào đối tượng căn bản của niềm tin Kitô giáo (tin vào ai), đồng thời biến cố này đảm bảo đời sống vĩnh cửu cho những người tin (tin có giá trị gì). Chính biến cố này đã thay đổi số phận của mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại, mở đường cho con người tham sự vào sự sống của Chúa Kitô.
1. Phục Sinh là biến cố đặt nền cho nội dung đức tin
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ I Phục Sinh Gioan 20, 1-9 tường thuật về việc Maria Mađalêna ra thăm mộ từ lúc sáng sớm. Thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ, bà hốt hoảng chạy về báo tín báo tin cho hai môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Hai ông cũng hốt hoảng chạy đến thăm mộ thì thấy xác thầy Giêsu đã biến mất, khăn liệm được xếp riêng ta một chỗ. Người mộn đệ được Chúa yêu mến đã thấy và đã tin rằng Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết. Đứng trước biến cố này, có một số người tin nhưng có một số lại hoài nghi. Chúa Kitô là con người lịch sử có xương có thịt, người đã cùng ăn cùng uống, cùng trò chuyện với các ông, người đã chịu chết và người đã sống lại. Quả thật, đây cũng chính là nội dung căn bản trong niềm tin của Kitô giáo, không có nội dung này niềm tin Kitô giáo trở nên trống rỗng.
Hơn nữa, nội dung căn bản của biến cố về Đức Kitô mang tính lịch sử ngoại thường. Trong bài huấn dụ, Tin Mừng Phục Sinh Một Biến Cố Lịch Sử Ngoại Thường, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: Phục Sinh là biến cố ngoại thường, là hoa trái đẹp nhất của “Mầu Nhiệm Thiên Chúa”, đồng thời nó cũng là một sự kiện có thật và có thể kiểm chứng. Nó là nội dung chính yếu và lý do để chúng ta tin.[2] Như thế, Phục Sinh, biến cố lịch sử ngoại thường, xây nền cho toàn bộ đức tin của chúng ta.
Ngoài ra, Chúa Giêsu sống lại vượt qua giới hạn của không gian, thời gian. Nói đến không thời gian là nói đến sự hư hoại và bất toàn. Còn nói đến siêu việt là nói đến sự trường tồn, vĩnh cửu. Chúa Kitô Phục Sinh vượt quan sự hư hoại của thời gian và cái chết. Cái chết không còn làm chủ đối với Người. Người sống là sống cho Thiên Chúa.
2. Phục Sinh xác định đối tượng căn bản của niềm tin Kitô giáo
Đối tượng căn bản của niềm tin Kitô giáo không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Ki tô vừa là nội dung đức tin (tin vào điều gì) vừa là đối tượng của niềm tin (tin vào ai). Vả lại, nói đến đối tượng của niềm tin Kitô giáo là nói đến tính cá nhân và tính phổ quát. Nói đến tính cá nhân trong biến cố Phục Sinh của Đức Kitô, chúng ta nói đến hai khía cạnh. Cá nhân Chúa Giêsu và cá nhân mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu là một con người, cá nhân cụ thể nhưng lại có tính phổ quát. Bởi lẽ Chúa Giêsu là một con người đặc biệt, một ngôi vị, hai bản tính. Ngài là một con người cụ thể nhưng lại đại diện và ôm ấp toàn thể nhân loại cho nên khi chịu chết và sống lại người mang lại ơn cứu độ phổ quát cho toàn thể nhân loại.
Cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô là cái chết và sự Phục Sinh của một con người cụ thể. Thế nhưng cái chết và sự Phục Sinh đó lại đụng chết đến chiều sâu của hiện sinh và chiều rộng của toàn thể nhân loại, bởi lẽ thiên tính và nhân tính của Đức Kitô đụng chạm đến mỗi người và tất cả mọi người. Đức Kitô chết, sự chết đã chết đi trong thân xác Người để khi Người sống lại, nguồn sung mãn sự sống của Người đã chôn vùi sự chết. Nói như thánh Augustine trong khảo luận về Tin Mừng Thánh Gioan: “Đức Ki-tô là sự sống, thế mà Người đã bị treo trên thập giá. Đức Ki-tô là sự sống, thế mà Người đã chết. Nhưng trong cái chết của Người, sự chết đã chết. Khi Đức Ki-tô chết, sự sống đã tiêu diệt sự chết, nguồn sung mãn của sự sống đã chôn vùi sự chết, sự chết đã bị nuốt chửng trong thân xác của Người.”
Hẳn là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu khác hẳn với sự sống lại tạm thời của Lazarô. Sau khi được Chúa cho sống lại chắc chắn Lazarô sẽ chết như bao người khác, nhưng đối với Chúa Giêsu sự Phục Sinh của Ngài là sự Phục Sinh một lần cho mãi mãi. Ngài sống lại và không bao giờ chết nữa. Cái chết đã chết đi trong thân xác của Ngài để rồi Ngài vực dậy sự sống mới sau khi Phục Sinh.
Vả lại, nói đến Phục Sinh là nói đến biến cố khách quan, và phổ quát mà Chúa Giêsu đã đem đến cho toàn thể nhân loại. Biến cố này chứng thực những gì Chúa đã rao giảng và chứng thực thiên tính của Đức Kitô. Đồng thời biến cố này mở ra khả thể cho con người có thể vươn tới Thiên Chúa bằng ân sủng của Ngài trong Đức Kitô. Tuy nhiên, biến cố khách quan và phổ quát này cần sự đón nhận chủ quan của mỗi người. Mỗi người cần mở lòng để đón nhận thực tại khách quan mà Chúa đem đến.
3. Phục Sinh bảo đảm đời sống vĩnh cửu cho những người tin
Có lẽ một trong những điều đáng sợ nhất trong đời sống con người là cái chết. Cái chết chấm dứt mọi tương quan trần thế, chôn vùi mọi sự trong sự hư vô và đặt con người trong một nỗi cô đơn riêng tư nhất. Mỗi người trải nghiệm cái chết một cách riêng tư và bất khả thông chia. Cho nên nếu không có niềm tin tôn giáo, cái chết thật là đáng sợ. Tuy nhiên với người Kitô giáo, đời sống con người không chấm dứt ở cái chết nhưng cái chết lại là một sự khởi đầu cho một sự mới mẻ, một sự khởi đầu cho đời sống vĩnh cửu.
Với người tín hữu, Phục Sinh bảo đảm cho chúng ta đời sống vĩnh cửu, bởi vì trước hết Phục Sinh đặt nền trên bản tính của Chúa Kitô, Ngài là Chúa và là người. Ngài là Chúa cho nên tất cả những gì Ngài nói và làm đều phát sinh hiệu quả ơn cứu độ. Ngài là một con người sống trong thời gian, Ngài chịu sự tác động của thời gian và sự thay đổi, đồng thời Ngài cũng biến đổi và thánh hóa dòng thời gian. Khi sống lại từ cõi chết, Chúa Kitô cũng thánh hóa và ôm ấp toàn thể nhân loại mà Ngài mang theo trong mình. Ngài đóng đinh tính xác thịt vào Thập Giá để đem lại cho con người sự sống trường tồn. Những ai thấy và tin vào Người Con thì có sự sống đời đời.[3]
Vả lại khi được trở nên thụ tạo mới trong Đức Kitô, chúng ta được mời gọi đem lại sự vĩnh cửu của sự Phục Sinh vào trong giây phút hiện tại. Sứ mạng của chứng nhân Phục Sinh chính là Phục Sinh hóa giây phút hiện tại, biến giây phút hiện tại thành giây phút gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Thế nhưng thách đố thực sự của con người khi đối diện với Mầu Nhiệm Phục Sinh không hẳn là sự thách đố của lý trí nhưng là sự thách đố về sự hoán cải của bản ngã, của sự kiêu ngạo, sự cố chấp và sự hoán cải của con tim. Hãy để ánh sáng Phục Sinh chiếu soi vào trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta để rồi tự nơi cội nguồn ấy chúng bắt gặp ý nghĩa và niềm hạnh phúc đích thực cho đời sống chúng ta.
Để kết thúc, chúng ta thử nhìn vào thế giới: chúng ta đang đối diện với nền “văn hóa vứt bỏ”, một thế giới đầy hận thù và chia rẽ, “những giấc mơ vỡ vụn, xung đột và sợ hãi.” Người ta nhân danh dân chủ để loại bỏ giá trị truyền thống, nhân danh tự do cá nhân để đảo ngược chân lý, nhân danh bình bẳng để loại bỏ sự khác biệt, nhân danh quyền tự quyết để loại bỏ sự sống. Chính những điều này ngăn cản Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô bén rễ trong lòng mỗi người.
Trong thôngiệp Về Tình Huynh Đệ và Tình Thân Hữu Xã Hội số 18, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Dường như một số thành phần trong gia đình nhân loại của chúng ta có thể bị hy sinh bất cứ lúc nào vì ích lợi của những người khác vốn được xem là có quyền sống một cách vô tư.” Cuối cùng, “nhân vị không còn được xem là một giá trị cao nhất…” Tuy nhiên những bóng tối mà chúng ta đang đối diện không thể nào dập tắt Ánh Sáng Phục Sinh, bởi lẽ chính Đức Kitô là Đấng đầu tiên đã đánh bại cái chết và tội lỗi, đã đem lại sự sống và niềm hy vọng bất diệt cho toàn thể nhân loại. Phục Sinh cho thấy sự sống chiến thắng cái chết, tình yêu chiến thắng hận thù, ánh sánh đánh bại sự tối tăm. Ước gì ánh sáng và sự sống của Đấng Phục Sinh sẽ đem lại bình an và hạnh phúc cho toàn thể nhân loại.
Gioan Phạm Duy Anh SJ
[1] Nếu Đức Kitô không Phục Sinh niềm tin của chúng ta trở nên vô nghĩa. Nói như Thánh Phaolô trong thư Thứ I gửi tín hữu Côrintô. “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích.” (1Cr 15,12-19).
[2] Linh Tiến Khải, Radiovaticana (07/04/2010)
[3] (Ga 3, 31-36)
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn