Thời nào cũng có: “Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Có nhiều người chạy đến với Thiên Chúa để được chúc phúc trong công việc làm ăn, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhiều người chẳng tin vào Thiên Chúa, họ vẫn được giàu sang. Trong thực tế đó, chúng ta có lý khi “chất vấn” Thiên Chúa rằng: Liệu Ngài có công bằng?
Nếu mở Tin Mừng[1] Chúa Nhật 25 hôm nay, chúng ta cũng dễ dàng “trách Chúa”. Số là ông chủ (Thiên Chúa) mướn người vào làm Vườn Nho. Sáng sớm, nhiều người đã vào. Buổi trưa, ông chủ tiếp tục nhận công nhân. Thậm chí gần hết giờ làm, ông chủ vẫn chấp nhận người ta vào làm công. Mâu thuẫn đã xảy ra. Ông chủ trả công từ người vào sau hết với mức lương như những người trước hết. Đó là nghịch lý mà chỉ có nơi ông chủ lạ lùng này!
Dĩ nhiên Thánh sử Mátthêu không ghi lại chuyện làm ăn kinh tế, cách trả lương. Trái lại, chúng ta hãy nhìn câu chuyện Tin Mừng này dưới khía cạnh trong sứ mạng của Đức Giêsu. Ngài đến trần gian để kêu gọi hết mọi người. Lịch sử cứu độ ghi nhận số người được chọn trước hết là dân tộc Israel. Đó là dân được Thiên Chúa ưu ái cho hưởng nhiều ân huệ. Tiếc là có nhiều người không trân quý hồng ân ấy. Cao trào là giới lãnh đạo tìm cách giết “người con của ông chủ”, là Đức Giêsu. Phải chăng họ là những người đang càm ràm với ông chủ trong câu chuyện này. Họ không biết rằng Tin Mừng cứu độ, lời gọi của Thiên Chúa lúc này cũng dành cho hết thảy mọi người.
Khi vào làm trong Vườn Nho của Chúa, chúng ta thuộc về thành phần của Giáo Hội. Đó là Giáo Hội công giáo. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người đều được kêu gọi trở thành dân Chúa và Hội Thánh là phương tiện cứu rỗi cần thiết mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Những ai muốn được dự phần vào sự sống đời đời cần phải thuộc về Hội Thánh qua những cách thế khác nhau. (x. LG 14–16). Thật may mắn là Thiên Chúa luôn sẵn lòng kêu gọi hết mọi người trở nên con Chúa. Kẻ trước người sau đều nhận được sự ưu ái này.
Khi đó chúng ta có một Người Cha tốt lành, và chúng ta là anh em với nhau. Dù nên con Chúa sớm hay muộn, mỗi người đều xứng đáng hưởng những phần thưởng Chúa trao. Chỉ những ai yêu mến đủ, họ mới vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15). Nếu những người vào làm trước chúc mừng cho những người vào làm sau, trong bối cảnh này, thì thật đẹp biết mấy. Bởi vậy, người con của Chúa hạnh phúc khi thấy ai đó gia nhập vào Giáo Hội. Ước sao chúng ta cùng nhau đón nhận những gì Thiên Chúa ban cho.
Ai cũng nhận được “một quan tiền”. Đó là ân sủng của Thiên Chúa luôn đổ xuống trên con người. Ai cũng nhận như nhau. Bạn nghĩ sao khi chúng ta so sánh ơn Chúa lớn hoặc nhỏ. Mọi ơn lành của Chúa đều như nhau! Đừng quên Ngài biết điều gì tốt cho từng người. Trong ý hướng này, có nhà thần học ví von rằng: “Công bằng mà không thương xót là không yêu thương, thương xót mà không công bằng là giảm giá cả hai.” (Friedrich Von Bodelschwingh). Trong hoàn cảnh này, tôi và bạn nhận được ân huệ của Chúa như thế là tốt nhất. Trong hoàn cảnh khác, Chúa lại ban cho chúng ta sự trợ giúp cần thiết. Ân huệ để nói lên rằng Thiên Chúa luôn công bằng và Ngài “biết” cách để cứu độ con người. Thật đúng như lời Thánh Phaolô chia sẻ với chúng ta: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1 Tx 5,18).
Thật lãng phí thời gian nếu ngồi so bì người này may mắn, người kia được yêu mến hơn. Thiên Chúa muốn mỗi người sống như chính mình. Hãy nên thánh theo phong cách của mình. Chúa chọn gọi bạn và tôi vào làm vườn nho của Chúa là một may mắn. Chúa càng vui hơn khi chúng ta có những cách nên thánh, cách riêng để chăm bón cho Vườn Nho của Chúa. Bạn nghĩ sao khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ:
“Các con phải khám phá ra các con là ai và phát triển cách sống riêng của mình để nên thánh, bất chấp người khác nói gì hay nghĩ gì. Nên thánh có nghĩa là trở nên chính mình cách đầy đủ hơn, trở thành con người mà Thiên Chúa đã muốn mơ ước và dựng nên, chứ không phải một bản sao.” (Đức Kitô Sống 162).
Trong ý nghĩa đó, Thiên Chúa có cách rất riêng để làm cho mỗi người hạnh phúc trong Vườn Nho. Chúa sẽ trách tôi và bạn, nếu chúng ta có lối nhìn so bì, đòi hỏi và ghen tuông. Nhiều khi chúng mình quên mất: “Thiên Chúa có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của Ngài!” (Mt 20,15). Sẽ bi đát nếu chúng ta cứ đòi Thiên Chúa ban ân sủng cho mình như người khác. Trong khi đó, Chúa đang đối xử, đang ưu ái dành nhiều tình yêu cho bạn và tôi. Lúc này và ở đây.
Nếu cứ chăm chú vào cách ông chủ trả lương, chúng ta sẽ quên mất khía cạnh tốt lành của Thiên Chúa. Chẳng lẽ Ngài tốt lành lại ưu đãi người này, trù dập người khác. Không! Ông Chủ là Thiên Chúa luôn đối xử với con người bằng tình yêu. Công bằng và tình yêu luôn đi với nhau. Bởi thế từ xa xưa, dân chúa đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin xử cho con theo lẽ công bình của Chúa.” (Tv 35,24).
Để kết thúc, rõ ràng cách Thiên Chúa đối xử với con người luôn dựa trên tình yêu và lòng thương xót. Ngài chẳng bất công với người được gọi vào trước. “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao?” (Mt 20,13). Chìa khóa cho cách hành xử của ông chủ là tình yêu. Chúa chẳng ghét người vào trước, không ruồng bỏ người vào sau. Trong ánh mắt Chúa, mỗi người đều quý giá và độc nhất. Tuy nhiên, các Chúa ban ân sủng cho mỗi người có khi khác nhau. Lý do là Ngài hiểu thân phận của từng người, biết nhu cầu của mỗi người.
Lạy Chúa Giêsu, được Chúa gọi vào làm trong Vườn Nho của Chúa là một hạnh phúc lớn lao. Nơi ấy chúng con được chung chia hạnh phúc với anh chị em đồng loại. Giả như có ai đó “may mắn” hơn con, xin giúp con chia vui với họ. Nếu ai đó “bất hạnh” hơn con, xin cho con chia bớt nỗi đau của họ. Được như thế, con thấy lúc nào Chúa cũng dành phần tốt nhất cho con người. Ngài trả công theo cách của tình yêu, của con tim đầy lòng trắc ẩn. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Chúa Nhật 25 mùa TN. Mt 20,1-16.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn