Người thân yêu qua đời

Thứ hai - 14/09/2020 02:24

Phải công nhận văn hóa tang lễ ở Việt Nam phong phú hơn nhiều so với các nước Phương Tây. Nhiều nước ở Châu Âu, người nhà chỉ có thể gặp người quá cố trong vài giờ. Họ không được phép để thi thể người thân trong gia đình. Dĩ nhiên, phần lớn họ không được đưa quan tài vào nhà thờ để cử hành thánh lễ an táng. Họ cũng không thể đọc kinh cầu nguyện theo đoàn thể trong giáo xứ.

Kể ra chút chi tiết như trên để chúng ta trân quý những nét đẹp của người Việt khi trong gia đình có người qua đời. Dĩ nhiên, chết chóc chưa bao giờ là chuyện vui mừng. Đó càng không phải là điều mong chờ cho bất kỳ ai. Tiếc rằng đó là thực tế mà không ai tránh khỏi, không gia đình nào lại không có tang lễ. Ai cũng có kinh nghiệm đau thương khi chứng kiến một người thân yêu qua đời. Hiểu được nỗi lòng đau thương này, Giáo Hội Công Giáo ước mong luôn được đồng hành với con cái mình[1].

Theo đó, Giáo Hội không cho phép con cái mình bỏ quên một gia đình đang đau đớn vì có người thân qua đời. Gia đình họ cần được nâng đỡ lúc này. Bằng cách nào? Đó có thể là lời thăm hỏi, cúng viếng; đó là những lời cầu nguyện cá nhân cũng như từng đoàn thể. Trong mấy ngày tang lễ, tình người trong gia đình, họ hàng và bà con lối xóm được gắn chặt hơn. Có lẽ đỉnh cao chính là thánh lễ an táng. Nơi đó, mọi người cầu nguyện đặc biệt với Thiên Chúa đoái thương linh hồn người thân yêu của họ vào nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Với người Công Giáo, dĩ nhiên sự ra đi của người thân cũng là biến cố đau thương. Người ra đi có thể là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu. Dù là ai đi nữa, chúng ta đều thương tiếc khóc than. “Khi ấy thời gian như ngừng lại: vực thẳm như mở ra nuốt lấy cả quá khứ và tương lai. Và có khi đau đớn đến nỗi ta còn lên án Thiên Chúa. Biết bao người nổi giận với Thiên Chúa.[2] Lúc này, gia đình họ thực sự cần Giáo Hội, cần giáo xứ và cộng đoàn tín hữu. Sự hiện diện của mỗi người luôn quan trọng để họ vượt qua thời gian đau buồn này. Qua một hành trình chân thành và kiên nhẫn của cầu nguyện và của giải thoát nội tâm, hy vọng bình an sẽ trở lại với họ.

Nếu để ý, chúng ta thấy trong tang lễ của người Công Giáo luôn chan chứa hy vọng. Đó là niềm hy vọng vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Chính Ngài dẫn đưa linh hồn người thân yêu của gia đình vào Thiên Quốc. Vả lại, chính Đức Giêsu có kinh nghiệm đau thương khi chứng kiến người bạn Lazarô chết. Ngài đã khóc và sau đó cho anh ta sống lại. Bạn nghĩ sao khi Giáo Hội nhắn nhủ:

Biết rằng người chết không bị hủy diệt hoàn toàn là một điều an ủi cho chúng ta. Và đức tin bảo đảm cho chúng ta rằng Chúa Phục Sinh sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Như vậy, chúng ta có thể ngăn cái chết không cho nó làm nhiễm độc cuộc sống, làm tình cảm của ta thành trống rỗng, xô ta rơi vào khoảng không tăm tối nhất.”[3]  

Hai điều quan trọng chúng ta thấy lời khẳng định trên của Giáo Hội:

Hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Tin để đứng vững trước biến cố đau buồn, mất mát này. Tin để cùng nhau tiếp tục cầu nguyện. Lấy lời an ủi mà nâng đỡ nhau. Tin nghĩa là Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta vì tình yêu. Chắc chắn Thiên Chúa không để cuộc sống của chúng ta kết thúc bằng cái chết (x. Kn 3,2–3). Ngài muốn con người được sống, được cứu độ và hưởng niềm vui Nước Trời. Chúng ta tin sau cái chết, sẽ là những tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho người thân yêu của chúng ta. (1 Cr 2,9).  

Đừng để nỗi đau đánh gục chúng ta. Thông thường sự thương tiếc người thân qua đời có thể kéo dài một thời gian. Các nhà tâm lý nói thời gian ấy thường là 6 tháng đến 1 năm. Trong thời gian này, họ cần được an ủi, đỡ nâng và cầu nguyện. Giáo xứ cần đồng hành với họ. Qua những tương quan này, người Công Giáo làm sao cho những người còn ở lại thấy được: “Những người thân yêu của chúng ta không biến mất trong bóng tối hư không: niềm hi vọng bảo đảm với chúng ta rằng họ đang ở trong vòng tay tốt lành và mạnh mẽ của Thiên Chúa.[4]

Tôi rất thích cách nhiều người cầu nguyện trong tang lễ. Lời cầu nguyện ấy không chỉ dành cho người qua đời, mà còn xin họ trên Thiên Quốc cầu nguyện cho những người còn ở lại. Đó là dấu chỉ cho thấy, về mặt thể lý, dĩ nhiên họ đã khuất; nhưng về mặt thiêng liêng, người thân yêu ấy vẫn ở trong gia đình. Chúng ta vẫn nhớ về họ trong lời cầu nguyện. Nhớ những kỷ niệm thật đẹp của họ trên trần gian, trong gia đình. Đồng thời, họ cũng vẫn đang cầu nguyện cho chúng ta trên hành trình dương thế. Ví dụ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cảm thấy mình muốn tiếp tục làm việc lành từ trên Trời. Thánh Đa Minh quả quyết rằng: “Ngài sẽ giúp ích nhiều hơn sau khi qua đời.” Đó thực sự là những mối dây liên kết yêu thương của Giáo Hội vinh thắng, đau khổ và lữ hành.

Điều thú vị là Giáo Hội khuyên các tín hữu chuẩn bị cho ngày ra đi của mình. Chúng ta không trường sinh trên dương thế. Do đó, tỉnh thức và sẵn sàng luôn là thái độ tốt để người tín hữu bước đi trên hành trình đức tin. Cụ thể Giáo Hội mong ước con cái mình: “Chúng ta càng sống tốt trên trái đất này bao nhiêu, thì chúng ta càng có thể chia sẻ hạnh phúc lớn lao hơn với những người thân yêu của chúng ta trên trời bấy nhiêu. Chúng ta càng trưởng thành và triển nở bao nhiêu, thì chúng ta càng có thể mang được nhiều điều tốt đẹp hơn vào bàn tiệc thiên quốc bấy nhiêu.[5] Rồi sau cái chết của chính mình, mình sẽ gặp được người thân trên Thiên Quốc.

Tôi biết một bác sĩ khá nổi tiếng khi mất đi người con út của mình. Lúc đó, ông hoàn toàn sụp đổ. Càng nghĩ về người con thân yêu, ông càng bấn loạn và đau buồn. Trầm cảm và khủng hoảng là nỗi ám ảnh của ông. Ông chia sẻ bỗng một đêm, ông dường như nghe được tiếng nói của con mình: Con muốn ba yêu thương con bằng cách sống phục vụ và yêu thương.” Đó là thông điệp mà ông nhận được từ đứa con thân yêu.  

Từ đó, vị bác sĩ này cầu nguyện nhiều hơn. Càng thấy được Thiên Chúa yêu thương, ông càng dấn thân vào công việc trong ngành y. Ông nổi tiếng với tấm lòng bao dung của vị bác sĩ Công Giáo hết lòng cứu giúp các bệnh nhân. Lúc này, linh hồn người con của ông luôn gần gũi trong trái tim ông. Đó thực sự là điều Giáo Hội mong muốn những ai đã, hoạc đang mất đi người thân!

Chút chia sẻ trên đây để thấy Giáo Hội và Thiên Chúa thực sự gần gũi trong các gia đình. Nhất là trong lúc tang gia đau buồn, cộng đoàn, gia đình và Thiên Chúa cần là nguồn an ủi cho những người còn ở lại. Lúc đó, “tình yêu cũng mạnh mẽ như sự chết” (Dc 8,6) sẽ liên kết các thành viên trong gia đình Giáo Hội.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ  

……….

[1] x. Tông Huấn Niềm Vui Của Tình Yêu số 253-258

[2] Huấn Giáo ngày thứ Tư hằng tuần của Đức Giáo hoàng Phanxicô (17.6.2015).

[3] Tông Huấn Niềm Vui Của Tình Yêu, số 256.

[4] Như trên

[5] Tông Huấn Niềm Vui Của Tình Yêu số 258.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây