Trong bữa ăn, anh bạn chia sẻ nỗi lo lắng: “Không biết sau đợt dịch Covid-19 dài ngày như thế này, giáo dân có còn giữ được thói quen đến nhà thờ nữa hay không?” Tôi lại nghĩ khác, biết đâu thời gian đối mặt với dịch bệnh lại giúp người ta có kinh nghiệm sâu xa hơn về Thiên Chúa! Sau này có khi nhiều người đến nhà thờ hơn trước.
Người tín hữu Công Giáo sống mùa Chay năm nay trong một thời khắc thật đặc biệt. Cả thế giới đang phải vật lộn chống chọi với trận đại dịch Covid-19. Tôi thiết nghĩ đây cũng là một cơ hội để mỗi người chúng ta phản tỉnh về ý nghĩa của mùa Chay trong hoàn cảnh hiện nay.
Ở những nước có dịch bệnh đang hoành hành, người ta được khuyên là nên hạn chế tiếp xúc, đi lại nếu không thực sự cần thiết. Cuộc sống gần như bị đảo lộn: học sinh không đến trường, buôn bán ế ẩm, nhiều nhà máy phải cho công nhân nghỉ việc tạm thời, các cơ quan chỉ làm việc với lực lượng nhân sự nòng cốt, v.v. Nếu như trong cuộc Xuất hành, dân Do Thái có kinh nghiệm được dẫn dắt ra khỏi Ai Cập để sống lữ hành trên sa mạc, thì Covid-19 lại cho người ta có kinh nghiệm phải từ bỏ lối sống cũ để thích nghi với hoàn cảnh mới với không ít khó khăn thách đố. Do vậy, những ngày đại dịch lại cho chúng ta sống kinh nghiệm của dân It-ra-en trong hành trình tiến về Đất Hứa. Họ phải đối diện với những thiếu thốn vật chất và tinh thần. Họ biết nâng đỡ chia sẻ cho nhau vào những thời điểm khó khăn. Quan trọng hơn hết, họ có kinh nghiệm luôn được Thiên Chúa ở cùng.
1. Kinh nghiệm thiếu thốn – ăn chay
Nơi tôi đang ở hiện nay, nhiều siêu thị và chợ phải đóng cửa. Một phần vì họ lo sợ dịch bệnh, một phần vì không có khách hàng. Trong nhà, nếu trước đây có thể mua được nhiều thứ phục vụ nhu cầu của mọi người, thì bây giờ chỉ ưu tiên mua những nhu yếu phẩm. Ai cũng lo đáp ứng nhu cầu ăn uống xong rồi mới tính chuyện tiện nghi. Phải lo bữa ăn chính trước đã, rồi mới quan tâm đến nhu cầu tráng miệng, tiệc tùng. Nói chung là mọi người ai cũng tự ý thức về nhu cầu cắt giảm chi tiêu trong sinh hoạt. Ngầm hiểu đó là điều cần phải làm trong tình trạng hiện nay. Trước khi dịch bệnh xảy ra, không ai nghĩ rằng gạo, mì gói hoặc giấy vệ sinh lại cháy hàng. Cái người ta quan tâm nhất trong điều kiện thiếu thốn không còn là ăn ngon mặc đẹp, nhưng là nhu cầu sinh tồn, phục vụ sự sống.
Kinh nghiệm thiếu thốn giúp người ta nhận ra điều gì thực sự cần thiết nhất cho cuộc sống của họ. Có thể dịch bệnh khiến chúng ta phải bỏ lỡ những cuộc nhậu thâu đêm cùng bạn bè ở nhà hàng sang trọng. Bù lại điều này giúp chúng ta biết trân trọng hơn giây phút hạnh phúc bên mâm cơm đạm bạc với người thân trong gia đình. Cũng vậy, dịch bệnh buộc chúng ta hạn chế mua sắm. Đó lại là cơ hội giúp chúng ta nhận ra chúng ta thường tiêu xài phung phí, mua những thứ không thực sự cần thiết.
Trong những ngày dài lưu đày trong sa mạc, dân It-ra-en thèm khát nồi thịt khi còn làm nô lệ ở đất Ai Cập. Thiên Chúa đã cho họ biết điều gì cần thiết hơn với họ lúc này. Thiên Chúa đã cho bánh man-na từ trời xuống vào mỗi buổi sáng để nuôi dân. Buổi chiều họ lại được ăn thịt chim cút. Sau này Chúa Giê-su đến để ban cho dân một thứ bánh đích thực từ trời, mang lại sự sống đời đời. Đó chính là mình và máu Ngài trong Bí Tích Thánh Thể. Như thế, cuộc sống đầy đủ vật chất, dư thừa của cải có thể khiến chúng ta không nhận ra hoặc không biết trân trọng: lương thực nuôi dưỡng thể xác và linh hồn.
2. Chia sẻ tình thân – bố thí
Dường như chưa bao giờ thế giới đoàn kết với nhau chống dịch như lúc này. Dịch bệnh không còn là “chuyện của riêng ai” nữa. Các nước đã chia sẻ tiền bạc, kinh nghiệm, gửi các chuyên gia nghiên cứu để cùng giúp nhau ngăn chặn dịch bệnh. Xét ở khía cạnh kinh tế, toàn cầu hóa đã khiến không một nước nào có thể tránh được tác hại của dịch bệnh. Một số nơi trước đây vốn bị kỳ thị vì yếu tố chính trị, tôn giáo hay sắc tộc thì bây giờ lại nhận được quan tâm, hỗ trợ từ nhiều nơi khác. Dịch bệnh xảy ra ở một nước nhỏ lại nhận được sự an ủi, động viên từ mọi người trên khắp thế giới. Có thể nói dịch bệnh đã giúp nối kết con người lại với nhau. Những ranh giới chia rẽ trước đây gần như đang bị lu mờ.
Điều trên gợi lại cho chúng ta lời Thiên Chúa phán với dân It-ra-en khi họ được ban Man-na: “Mỗi người hãy tuỳ theo sức mình ăn được bao nhiêu mà lượm, mỗi người một đấu, tuỳ theo số người; mỗi người hãy lấy luôn cho những người ở cùng lều với mình. Và dân đã làm theo lời Chúa dạy: Con cái Ít-ra-en đã làm như thế; họ lượm kẻ nhiều người ít. Rồi họ lấy đấu đong: kẻ có nhiều thì không dư, người có ít thì không thiếu. Mỗi người đã lượm tuỳ theo sức mình ăn được bao nhiêu.” (Xh 16,16-17)
Cách hành xử như trên của dân It-ra-en giúp chúng ta nhìn lại mình. Nhiều khi vì lo lắng thái quá và thiếu đức bác ái với người khác, nên người ta mua sắm tích trữ quá mức cần thiết khiến. Hậu quả là hàng hóa trở nên khan hiếm. Chúng ta lấy dư để cho người khác phải thiếu. Chúng ta không mua theo nhu cầu thực tế mà lại mua theo cảm tính của mình. Ước gì người ta đừng để tâm lý đám đông tác động. Ngược lại, sự nguy hiểm dịch bệnh không nên là yếu tố làm cho chúng ta trở nên ích kỷ, chỉ lo cho an toàn của mình mà bất chấp lợi ích của tha nhân. Đây là lúc chúng ta thể hiện tình liên đới giữa con người một cách cụ thể bằng việc sẻ chia vật chất, thăm hỏi động viên lẫn nhau mỗi khi có thể.
3. Kêu xin – cầu nguyện
Trong suốt cuộc Xuất hành, dân It-ra-en đã nhiều lần kêu lên Thiên Chúa nhờ sự giúp đỡ. Đôi khi những lời kêu cầu này được thể hiện ra bằng lời kêu trách nặng nề khi thiếu thức ăn hoặc nước uống. Thậm chí họ còn dám thử thách Thiên Chúa rằng: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17,7) Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng có kinh nghiệm tương tự như thế trong lúc này. Một mặt, chúng ta tin tưởng mọi sự đều nằm trong kế hoạch yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng đặt câu hỏi về sự hiện diện của Chúa nơi những gì đang xảy ra. Chúa ở đâu khi dịch bệnh càng ngày càng lan rộng, nhiều người chết? Dù không nói ra, nhưng có thể trong thâm tâm chúng ta đang kêu trách Thiên Chúa không khác gì dân It-ra-en xưa!
Lịch sử cứu độ đã cho thấy con người từng chối bỏ Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh đó, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương che chở dân Người. Trên núi Si-nai, Thiên Chúa đã ban cho dân Mười Điều Răn vừa để dạy dỗ họ, vừa là một cam kết gìn giữ bảo vệ họ nếu họ giữ các giới răn. Thậm chí Thiên Chúa còn cho dựng Lều Hội Ngộ để Ngài có thể ở giữa và gặp gỡ dân Ngài. Như chúng ta đã biết, dân It-ra-en đã không giữ được các giới răn, ngay cả giới răn đầu tiên và quan trọng nhất là “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.” (Xh 20,3). Họ đã đúc con bê vàng để thờ lạy. Dù vậy, vì lòng thương xót vô bờ bến, Thiên Chúa vẫn giữ lời hứa. Dân vẫn được Thiên Chúa đưa tới miền Đất Hứa, làm cho họ trở thành một dân tộc đông đúc.
Chúng ta cần nhìn vào lịch sử cứu độ để tự tra vấn mình trong hoàn cảnh hiện nay. Xin đừng than trách, hay nghi ngờ tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa! Nhất là khi đối diện với đại dịch Covid-19 này, mong đừng ai quên lời hứa cứu độ của Thiên Chúa! Mùa Chay, Mùa Dịch, thật tốt để cầu nguyện cho mỗi người tin vào sự tín trung của Thiên Chúa.
Tạm kết
Dân It-ra-en ngày xưa lang thang trong sa mạc mà không biết ngày nào sẽ tới được miền Đất Hứa. Chúng ta không biết khi nào trận đại dịch này sẽ kết thúc. Chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn ở với con người trong những khổ đau của họ. Phía trước sẽ là một tương lai tốt đẹp hơn. Khác với dân It-ra-en, chúng ta không cần phải chờ đợi một miền Đất Hứa nào khác. Thay vào đó, chúng ta có thể cùng nhau làm cho cuộc sống hiện tại trở thành miền Đất Hứa bằng: thái độ sống tạ ơn, tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.
Miền Đất Hứa đó không phải dành riêng cho bạn hoặc cho tôi, mà là cho chúng ta. Chúa không bỏ những người con của Ngài. Do vậy, trong thời điểm dịch đang hoành hành, chúng ta cần nâng đỡ chia sẻ với nhau. Mong thay!
Giuse Lê Đắc Thắng SJ
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn