Gia đình là một sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa. Đó là nơi ta học được những kinh nghiệm ban sơ và tinh tuyền nhất. Chúng ta hiện diện trong cuộc đời này trong bối cảnh của một gia đình, có cha, có mẹ và những người anh chị em chung dòng máu huyết. Không ai từ đất chui lên hay từ trời rơi xuống, hay xuất hiện một cách bâng quơ giữa thế nhân. Có một mối dây gắn kết thiêng liêng nào đó giữa các thành viên trong gia đình đến độ ta có thể nói rằng gia đình chính là ta, là cuộc sống, là sinh mệnh, là ký ức, kỷ niệm, là cái đã góp phần làm nên ta như bây giờ.
Gia đình lại tiếp tục sinh ra gia đình. Lớn lên, ta lại được mời gọi để kết lập hôn phối với người khác, cùng làm nên một gia đình mới, với những mầm sống mới được tạo ra từ tình yêu của đôi bạn. Khi đã quyết định thành bạn đời với nhau, ai cũng khao khát sẽ cùng với người ấy đi đến hết đoạn đường đời, cùng nhau trải qua những đắng cay của cuộc đời, và vui hưởng hạnh phúc khi thấy đàn con là thành quả tình yêu của mình được lớn lên, triển nở không ngừng về mọi mặt, trở thành những con người có ích cho xã hội và đất nước.
Điều trớ trêu là không phải bao giờ ước nguyện của ta cũng thành toàn như ý muốn. Những sóng gió trên đường đời có khi quá mạnh, làm gãy đổ và phai nhoà tình yêu yếu ớt. Những gánh nặng của kiếp mưu sinh có khi làm ta quên đi những cam kết năm nào. Những cám dỗ bởi công danh tiền tài hay sắc dục đã khiến ta quên đi những lời thề non hẹn biển. Bắt đầu có những giọt nước mắt, những hiểu lầm, cãi vả, nghi ngờ. Tình yêu bị bóp nghẹt bởi những ích kỷ. Kết thúc của một cuộc chia tay, là giải thoát cho vợ chồng, nhưng là nỗi đau không thể nào xoa dịu của đàn con. Gia đình lủng củng thì xã hội cũng chẳng an vui. Thế hệ trẻ bị tổn thương thì tương lai của đất nước bị đe doạ. Hơn bao giờ hết, những người có trách nhiệm trong xã hội và Giáo hội gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh và mời gọi con người, đặc biệt những ai đang sống hay chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân cần có một cái nhìn đúng đắn và thận trọng về hôn nhân, để có thể xây dựng một gia đình đúng nghĩa là tổ ấm.
Ngay sau lễ Giáng sinh, Giáo hội đã mời gọi con cái mình nhìn đến gia đình Thánh Gia như một khuôn mẫu. Đức Giêsu – Con Thiên Chúa làm người – đã không tự biến mình trở nên khác biệt nhưng hoà chung dòng chảy của nhân loại. Ngài đến trong thế giới nay nhờ một người phụ nữ và được nuôi dưỡng, giáo dục trong một gia đình có mẹ có cha. Giuse, Maria và Giêsu là một gia đình hoàn hảo và mẫu gương cho các gia đình không phải vì đó là một gia đình giàu có (ai cũng biết gia đình Thánh Gia rất nghèo), cũng không phải vì đó là một gia đình tiếng tăm (chẳng ai biết đến các ngài cả); nhưng vì Giuse, Maria và Giêsu đã là một gia đình, nơi luôn có sự hoà hợp, yêu thương, nâng đỡ: một gia đình hạnh phúc.
Sự hạnh phúc và êm ấm của gia đình Thánh Gia được diễn tả qua những mô tả của Thánh Sử Luca: “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.”(Lc 2,52). Đứa bé Giêsu đã được nuôi dưỡng giáo dục rất cẩn thận bởi cha mẹ mình nên mới có thể trở nên khôn ngoan (phát triển về trí thức và quân bình tâm lý), cao lớn (phát triển về thể lý) và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta (chiều kích thiêng liêng và xã hội). Giuse và Maria đã góp phần khuôn đúc nên Giêsu, để Ngài được triển nở về mọi phương diện mà đủ sức thực thi sứ mạng của mình. Việc giáo dục hoàn hảo này chắc chắn phải đến từ chính mẫu gương xán lạn và tuyệt vời của chính Giuse và Maria.
Thiết nghĩ, muốn có một gia đình hạnh phúc, người chồng người cha trong gia đình phải học nơi Giuse. Giuse được mô tả là người công chính, người trầm tĩnh, luôn suy nghĩ chín chắn trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Và tiêu chuẩn để quyết định của ngài luôn là: dành phần hơn cho người khác. Vì sự an toàn của Maria và Hài Nhi, Giuse đã chấp nhận chọn giải pháp ra đi cách kín đáo (x. Mt 1,19), đã mau mắn thức dậy để đưa vợ con trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,14), nghe ngóng tình hình để quyết định khi nào trở về quê hương (x. Mt 2,19-23). Giuse còn được biết đến là một người lao động để chăm lo cho gia đình. Chính ngài cũng đã huấn luyện cho con trai là Giêsu làm việc để kiếm kế sinh nhai (x. Mt 13,53-58). Nếu người chồng, người cha nào cũng biết điềm tĩnh, suy tính cẩn thận, chăm lo làm việc và quan tâm đến vợ con đến độ hy sinh bản thân mình thì gia đình sẽ trở nên tươi đẹp biết mấy!
Để gia đình được hạnh phúc, không thể không nói đến vai trò của người vợ người mẹ. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Gia đình có được ấm nồng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào người đàn bà trong gia đình. Hãy nhìn đến mẫu gương của Mẹ Maria! Chẳng có người phụ nữ nào đẹp và có phúc như Mẹ. Mẹ là một người phụ nữ có chiều sâu, gặp bất cứ chuyện gì, Mẹ cũng “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Mẹ đã luôn ở bên chồng, cùng chồng vượt qua tất cả những gian lao và thử thách mà cuộc đời gửi đến. Mẹ đã sống một đời rất bình dân, giản dị, hiền lành, cùng đồng hành với con trong mọi biến cố của cuộc đời. Nét đẹp của Mẹ chính là nét đẹp thần thánh tự tâm hồn toả ra. Mẹ đích thực là gương mẫu cho mọi người vợ và người mẹ trong gia đình.
Người ta vẫn hay nói “gia đình là nơi để yêu thương ngự trị”. Vâng, gia đình là nơi để yêu thương, không phải là nơi để thống trị. Gia đình là nơi để sự sống được sinh ra và lớn lên, chứ không phải là nơi giết chết sự sống. Thiên Chúa đã sáng kiến ra gia đình là để con người có thể tìm thấy một nơi để nghiệm được tình yêu thiêng liêng và cao cả mà chính Ngài trao ban. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình nơi đó mọi thành viên thấy mình có chỗ đứng, được yêu thương, được bao bọc, được lớn lên và được sống cách sung mãn, dù có khi mình chẳng giàu, chẳng danh tiếng gì cả.
Đã đành chẳng dễ gì sống được như vậy. Nhưng một gia đình trở nên vững chắc không phải nhờ không gặp phải một khó khăn nào, nhưng là cùng nhau vượt qua những thách đố. Cuộc đời này sẽ luôn gửi tới cho các gia đình những con sóng gió to nhỏ, nhưng bất cứ khi nào bàn tay còn nắm lấy nhau thì sóng gió có lớn cỡ nào cũng không làm cho gia đình bị vỡ, bởi lẽ, còn gần bên nhau là còn yêu, mà tình yêu thì luôn cho ta sức mạnh. Nhưng muốn bàn tay không bao giờ rời xa nhau, gia đình ấy phải đặt Chúa giữa mình. Có Chúa, tức khắc sẽ có bình an, có hạnh phúc vì Ngài là Bình An, là Hạnh Phúc.
Lạy Thánh Gia Thất, xin cầu cho chúng con.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn