Giọt nước mắt hy vọng

Thứ hai - 22/04/2019 23:27

Giọt nước mắt hy vọng

gCuộc sống con người dường như đã gắn liền với nước mắt, vào đời bằng tiếng khóc, buồn vui cũng khóc. Trong Kinh thánh cũng nói nhiều đến nước mắt, nước mắt của thống hối ăn năn, nước mắt hạnh phúc được gặp Chúa, nước mắt khi nhận được sự thứ tha. Từ đó ta thấy giọt nước mắt nào cũng đong đầy cảm xúc của con người. Chúa Giê-su tỏ thái độ trước những giọt nước mắt con người dành cho Ngài ra sao ?

Trường hợp bà Ma-ri-a Mác-đa-la khóc bên mộ Chúa ta thấy có vẻ như Ngài muốn từ chối những giọt nước mắt ấy : “Này bà, sao bà lại khóc ?” (Ga 20, 15). Khi một người mình yêu thương lìa xa, thì khóc là chuyện bình thường, nước mắt của bà có dư vị của nỗi nhớ, niềm thương thấy Chúa chịu “chết oan”. Cũng là nước mắt của một người nhưng thái độ của Chúa khi bà khóc bên mộ và lúc khóc tại nhà người Pha-ri-sêu hoàn toàn trái ngược. Trước mặt những người Pha-ri-sêu Chúa để cho bà khóc và làm những gì bà muốn (x. Lc 7, 36-38). Ngài hiểu bà khóc vì tháng ngày xa Chúa trong tội lỗi, và nay được gặp Ngài trong cảm thông và tha thứ. Cùng là nước mắt của Ma-ri-a Ma-đa-lê-na nhưng nước mắt này có ý nghĩa biết bao.

Tuy đã từ chối nước mắt của Ma-ri-a bên mộ mình, nhưng chính Chúa Giê-su đã có lần khóc bên mộ La-za-rô. Chúa Giê-su khóc không chỉ vì thương tiếc người bạn thân thiết đã ra đi. Ngài cũng không rơi lệ chỉ để tỏ bày lòng thương cảm đối với hai chị em, Mat-ta và Ma-ri-a. Nhưng Chúa khóc thương cho thân phận con người, vì cảm thương ấy Ngài đã đến trần gian để chung chia kiếp người. Ngài sẽ đi vào cõi chết như một tên tội phạm, nhưng đó là cái giá để cứu vớt con người. Sau đó Ngài sẽ sống lại. Khi Ma-ri-a Ma-đa-lê-na khóc bên huyệt đá, lúc ấy bà chưa có niềm tin Phục Sinh. Hay mắt bà đang nhoà lệ, nên không nhận ra sự hiện diện của Chúa rất gần. Ngài đến sau lưng nhưng bà lại ngỡ là người làm vườn, nên quay ra đòi xác Thầy. Nước mắt trở thành màn sương che lấp ánh sáng Phục Sinh, chính vì vậy ta hiểu vì sao lúc này Chúa không muốn bà rơi nước mắt.

Trước sự ra đi của người thân yêu, ai mà chẳng khóc. Khóc vì thương, vì nhớ, vì hối tiếc. Hối tiếc vì những tháng ngày vui vẻ bên nhau giờ đã xa mãi. Hối tiếc vì những lời đã nói và những gì chưa kịp nói, hối tiếc vì mình chưa làm được những điều tốt đẹp cho người. Nhạc sĩ Huy Hoàng nhắc nhở chúng ta rằng : “... hãy trân trọng tất cả những gì mà ta đang có. Đừng để khi người chết đi ta mới nói lời yêu thương người. Đừng để khi người mất đi ta mới biết trọng quý ân tình. Đừng để khi người mất đi ta mới quý tháng ngày bên nhau. Đời người tháng ngày qua mau với bao bất ngờ bể dâu. Phận người rất là mỏng manh, ai cũng biết không phải thần thánh. Dù người có nhiều lỗi sai, ta cũng lỗi bao lần như ai. Mở rộng tâm hồn với người ta sẽ thấy phúc lộc an vui. (Huy Hoàng, ca khúc Đừng để...)

Sao bà lại khóc? Con mong lời Chúa hỏi bà Maria năm xưa cũng là lời Chúa nói với con hôm nay trước sự ra đi của người thân yêu. Con sẽ luôn nhớ lời ấy như một lời an ủi nhắc con về niềm tin Phục Sinh sau những chia ly vĩnh biệt. Trước giờ từ biệt Chúa căn dặn các môn đệ: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em,Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó” (Ga 14,3). Chúa đã đi trước để dọn chỗ, vậy khi có người thân yêu nào của chúng con từ giã cõi trần xin Chúa rộng giang tay đón.Thánh Augustinô đã viết : “Có một thời để sống, một thời để chết và một thời để đi vào vĩnh cửu. Thời để sống là lúc chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa. Thời để chết là lúc chúng ta đến gặp gỡ Ngài. Thời đi vào vĩnh cửu là lúc chúng ta chiếm hữu Ngài cách trọn vẹn”.

Con tạ ơn Chúa vì đã luôn thương yêu, dạy dỗ con trong mọi biến cố. Xin cho những giọt nước mắt đã nhỏ xuống trước mộ phần những người thân yêu tăng thêm niềm hy vọng cho chúng con. Hy vọng sẽ được thấy lại người thân yêu trong Chúa Ki-tô Phục sinh. Và hy vọng những giọt nước mắt sẽ rửa sạch sự mờ tối trong con, để cặp mắt tâm hồn con trở lên trong sáng luôn nhận ra thánh ý Chúa qua mọi biến cố buồn vui trong đời.

Tác giả bài viết: Maria Thanh Thảo, Đaminh Bùi Chu

Nguồn tin: gpbuichu.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây