Theo dòng chảy rất tự nhiên về sự lớn lên và phát triển của một người trẻ hiện đại, kết thúc việc học cấp ba là thời gian chuẩn bị thi Đại Học hoặc tìm kiếm một công việc cho tương lai. Đó cũng là trào lưu chung của xã hội ngày nay: học để có cái nghề, ra trường đi làm có công ăn việc làm ổn định, lương cao. Đây là mơ ước của biết bao bạn trẻ và các bậc phụ huynh. Vậy nên cũng là điều dễ hiểu khi ta thường nghe những lời đồn đại, những tiêu chí đánh giá về sự thành công của một người như lương tháng của nó bao nhiêu, mới ra trường mà nó đã làm giám đốc, lương mấy chục triệu… Nghe thì cũng có vẻ ổn nhưng liệu đó có phải là tất cả đối với một người có đức tin, đặc biệt là những người trẻ? Lối nghĩ về kiểu thành công này có gì bất ổn chăng?
Dường như điều này cũng làm tăng thêm áp lực cho những bạn sinh viên nào chưa có công việc ổn định, hoặc lương tháng còn lẹt đẹt…. Có khi “sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó”: các em học sinh cấp ba chuẩn bị tốt nghiệp cũng dễ dàng được hướng nghiệp như thế, và chỉ như thế, theo một cách thức và lối nghĩ như thế. Đây thực sự là mối nguy ngại cho những người có đức tin khi đang sống trong một môi trường tràn ngập hệ tư tưởng vô thần hoặc thuần thế tục. Lý do là bởi trong việc nhìn nhận ngành nghề hiện nay, ta vô tình dễ có xu hướng bỏ chiều kích đức tin sang một bên; hoặc nếu không thì Chúa cũng có thể chỉ là một hình bóng theo sau, phụ giúp cho những kế hoạch và toan tính của ta trong cuộc đời. Nói cách khác, Chúa có thể được biến thành “phương tiện” cho những lối nghĩ rất “đời” của ta nếu không muốn nói là “môn đệ của ta” thay vì “ta là môn đệ của Chúa”.
Tại sao chúng ta không để đức tin đi đầu và dẫn dắt mọi đường lối, việc làm, dự tính của chúng ta? Khi đó, Chúa sẽ làm chủ mọi dự tính của ta và mọi việc ta làm đều được quy hướng về Chúa và việc phụng sự Ngài. Điều này đã được thánh I- Nhã diễn tả như Nguyên Lý Nền Tảng trong Linh Thao số 23: “ Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa”. Sự thành công và hạnh phúc thực sự khi đó sẽ không còn phụ thuộc vào những giá trị thế gian như tiền bạc, địa vị, danh vọng hay sự thành công ở đời của người khác…
Trong đức tin vào Thiên Chúa toàn năng là Cha yêu thương, chúng ta được mời gọi để quy hướng toàn bộ đời sống của mình vào Thiên Chúa, không chỉ trong những lúc khó khăn hay thành công nhưng cả trong những lựa chọn mang tính quyết định dài lâu trong cuộc đời. Cũng như người con khi bước đến tuổi phải chọn hướng đi cho cuộc đời cần tham khảo ý kiến của những người đi trước, có thể là cha mẹ mình nếu họ là những người có kinh nghiệm, thì chúng ta cũng được mời gọi để lắng nghe tiếng Chúa khuyên bảo trong một cách thức nào đó. Nơi Ngài, ta có thể khám phá ra sự thật về bản thân mình cách rõ nét hơn để nhờ đó ta có thể bước vào đời với những chọn lựa vững chắc hơn và tự tin hơn. Đó có thể là một tiếng gọi để thấy một tầm nhìn lâu dài trong những con đường của kiếp nhân sinh: ơn gọi sống đời tu, ơn gọi lập gia đình hay ơn gọi sống độc thân giữa đời. Nhiều bạn trẻ khi nghe đến hai chữ “ơn gọi” thì nghĩ ngay đến hình ảnh đời tu, còn mình thì không có “ơn gọi”. Như thế, họ đang hiểu sai và tự tách mình ra khỏi ân sủng của Thiên Chúa khi chỉ tâm niệm những người đi tu mới được gọi, mới có “ơn gọi”. Nhưng trong đức tin, mỗi người đều được gọi vào một bậc sống nào đó và đều có chỗ đứng trong kế hoạch của Thiên Chúa. Đời sống của mỗi người đều là sứ mạng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vậy nên, học sinh sinh viên, nếu được định hướng và gắn kết trong đức tin thì mỗi bạn trẻ cũng đang thi hành sứ mạng của mình trong kế hoạch và ơn gọi của Thiên Chúa. Các bậc sống khác cũng tương tự như vậy.
Đó là những bậc sống và hướng đi “đường dài”, xuyên xuốt một đời người và chắc chắn sẽ cần đến thời gian nhất định để có thể đạt đến quyết định chín muồi. Nhưng điểm xuất phát để bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm là rất cần thiết. Đặc biệt trong giai đoạn người trẻ chuẩn bị tạo lập sự nghiệp. Nếu không có xuất phát, không bao giờ nghĩ đến nó thì cũng khó có thể quyết định chín chắn và trưởng thành. Song song với đó là việc xác định điều mình thực sự muốn học trong thời kì tích lũy và học hỏi trên giảng đường. Nhưng làm thế nào để xác định được điều này? Đây thực sự là một câu hỏi khó! Thật không dễ để xác định được trong một sớm một chiều đối với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên chúng ta có nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau. Thường thì xu hướng chung là sẽ xem xã hội nay cần gì và ngành gì đang hót, lương cao, ra trường dễ kiếm việc,… Đây có thể được coi là yếu tố “địa lợi”. Ấy vậy mà có những bạn khi đã chọn rồi thì sau một vài năm học thấy không hợp và không thực sự thích nữa; một phần có thể là do yếu tố xã hội thay đổi làm cho ngành đó không còn “hot” nữa. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bạn ra trường thì quay cuồng, làm gì cũng được… Như thế là yếu tố “nhân hòa” chưa có.
Vậy cần thêm điểm gì? Thiết nghĩ, yếu tố đầu tiên và cũng tối quan trọng mà chúng ta dễ bỏ quên là “thiên thời”. Đó là ý Chúa nơi mỗi người chúng ta. Như đã nói ở trên, điểm xuất phát là điều quan trọng trên hành trình tìm kiếm ý Chúa trong cuộc đời. Nơi phát xuất ấy là chính trong thâm tâm của mỗi người. Quả thực, Thiên Chúa đã đặt để và mặc khải về mỗi người chúng ta qua sự phát triển tự nhiên. Bạn có thể thường xuyên đặt những câu hỏi: Tôi thực sự muốn gì trong cuộc đời này? Chúa muốn tôi làm gì cho đẹp lòng Người nhất? Tôi muốn làm gì cho Chúa? Đâu là điểm mạnh của tôi? Và thậm chí đâu là điểm yếu của tôi?… Đó là những điểm chốt hé mở cho ta ý định của Thiên Chúa trong cuộc đời. Những câu hỏi như thế có thể được hỏi trên suốt hành trình làm người và trên hành trình tìm kiếm ý Chúa; cho dù bạn đang là học sinh, sinh viên hay đã ra trường và thậm chí đang theo đuổi ơn gọi trong một bậc sống nào đó. Kế đến, bối cảnh xã hội quanh ta và các xu hướng thời đại mới nên được đưa vào cân nhắc và xem xét để tạo nên yếu tố “địa lợi”. Chắc chắn ý hướng để phục vụ Chúa thì cao cả hơn nhiều so với việc chỉ “đơn thuần” làm thế nào để kiếm được việc làm lương cao. Mặc dù điều đó là tốt và chính đáng, nhưng thiết tưởng cái gì cũng có trật tự đúng của nó. Cuối cùng mới là yếu tố “nhân hòa”- thời điểm mà chính bạn phải là người cân đong đo đếm và đưa ra quyết định cho chính mình về tất cả những dữ liệu đã được Thiên Chúa trao tặng và mời gọi. Như vậy, tiến trình này gần như đi ngược hẳn với tiến trình của não trạng trước đó: “Thiên- Địa- Nhân” thay vì “Nhân- Địa- Thiên”. Chắc chắn tiến trình này cần thời gian và nỗ lực tìm kiếm bản thân trong đức tin và Thánh ý Chúa, nhưng nó am hợp với một đức tin sống động thay vì một đức tin “chết”. Đồng thời, một khi đã tìm ra rồi thì bạn xứng đáng sống một cuộc sống tròn đầy theo ý Chúa và trong sự cộng tác đắc lực với kế hoạch của Ngài.
Hy vọng trước cánh cửa tương lai tràn đầy hy vọng và sự năng động của sức trẻ, mỗi người, nhất là các bạn trẻ sẽ sớm khởi hành hành trình tìm kiếm ấy để đến một lúc viên mãn sẽ đi đến việc chọn lựa cho mình một con đường, một sứ mệnh trong kế hoạch của Thiên Chúa. Bất cứ người Kitô hữu nào cũng được mời gọi phải phân định đâu là con đường Chúa mời gọi mình, đâu là tương lai mà Chúa đang đón đợi… Như thế, người trẻ dám tuyên xưng niềm tin của mình trong thế giới thực: nơi trường học, giảng đường, công sở hay trên bất cứ nẻo đường mà mỗi người đang dò dẫm và bước đi. Bởi chính nơi đó, Chúa Giêsu xưa cũng đã có một thời trẻ trung và khắc khoải như bạn để tìm ra con đường được Chúa Cha mời gọi và Ngài đã tiến bước, đưa đức tin hòa nhập vào cuộc sống, biến cuộc sống thành sứ mạng. Ngày nay, Người cũng đang đồng hành với mỗi người chúng ta trên bước đường xây dựng và bảo vệ Nước Trời – một “Tổ Quốc linh thiêng”. Vậy đâu là vị trí, vai trò, trách nhiệm và bổn phận của tôi trong Vương Quốc ấy? Sứ mạng của tôi với tư cách là người trẻ là gì? Câu trả lời sẽ tùy thuộc ở bạn trong nỗ lực khám phá bản thân dưới ánh mắt của Chúa!
Văn Toàn, S.J.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn