Cảm hứng từ Tin mừng Ga 21,1-14
Trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, qua bao thế hệ tổ phụ và cha ông, người trẻ vẫn luôn hiện diện đúng lúc, đúng thời, đúng buổi như câu “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Vậy người trẻ là ai? Và nơi họ có điều gì khiến người ta phải quan tâm? Rất nhiều người trẻ đã làm nên sự nghiệp lẫy lừng cho dân Thiên Chúa: Họ là Giuse, đứa con út trong gia đình Giacóp; là Samuen, một cậu bé được Chúa gọi tên; là Đavít được tuyển chọn làm vua khi còn là cậu bé chăn chiên; là Salômôn khôn ngoan, hiếm có; là Phaolô từ bắt đạo đến tông đồ dân ngoại, là đứa con hoang đàng đòi cha chia tài sản trẩy đi phương xa rồi trở về; là Phêrô từ ngư phủ đến chối Chúa ba lần và rồi trở thành đá nền của Hội Thánh…
Rất nhiều mẫu gương tuyệt vời cho những người trẻ của chúng ta hôm nay chọn lựa và bước theo. Nhưng với cá nhân, tôi muốn những “người trẻ hôm nay, thế giới ngày mai” trở thành những người trẻ làm nền móng và gánh vác Giáo Hội, nghĩa là phải trở nên đá nền của Hội Thánh như Phêrô. Tại sao Phêrô đã có vợ (Mc 1,30) mà tôi vẫn kể tên đấng ấy trong danh sách những người trẻ? Bởi vì, Phêrô là môn đệ của Đức Giêsu - “là người trẻ ở giữa những người trẻ để làm gương mẫu cho người trẻ và thánh hiến họ cho Chúa” (Thánh Irênê, Chống lạc giáo). Trong nhóm Mười Hai, Gioan có lẽ là người trẻ nhất, nhưng tại sao Chúa lại chọn Phêrô “để làm gương mẫu cho người trẻ và thánh hiến họ cho Chúa”? Thiết nghĩ vì Phêrô dám ra khơi, dám đứng lên sau mỗi lần vấp ngã và đặc biệt dám gánh vác một Hội Thánh còn non nớt vừa mới được thiết lập. Trên hết, “tuổi trẻ không chỉ là một giai đoạn thời gian; nó là một dạng tâm thức”. Với ý nghĩa đó và với cảm hứng từ Tin Mừng Ga 21,1-14, tôi muốn mời gọi những người trẻ cùng ra khơi với Phêrô để khám phá con đường dẫn tới Thiên Chúa.
Bạn chài với Phêrô
Khi suy niệm về bài Tin Mừng trong bối cảnh Chúa Phục Sinh, tôi thấy có nhiều hình ảnh rất đẹp và gây nhiều ấn tượng trong tôi, vì những hình ảnh này cũng đã từng gắn bó với tôi trong một khoảng thời gian khá dài. Bài Tin Mừng gợi lên trong tôi một cuốn album mà trong đó ghi lại rất nhiều hình ảnh của Thầy trò Đức Giêsu. Trong tất cả các tấm ảnh, tôi bị thu hút bởi hai tấm ảnh các môn đệ cùng nhau lên thuyền ra biển và tấm ảnh Đức Giêsu chỉ dẫn cho các môn đệ thả lưới. Những tấm ảnh này ẩn chứa hai lời mời gọi lên đường với cùng một mục đích là bắt cá.
Tấm ảnh thứ nhất là hình ảnh các môn đệ cùng nhau lên thuyền ra biển. Ở đây, chúng ta có thể thấy được nơi các ngư phủ một sự “đồng tâm nhất trí” rất cao. Khi nghe ông Phêrô chào lên đường “Tôi đi đánh cá đây” (Ga 21,3), thì các bạn chài đã đáp lại ngay “Chúng tôi cùng đi với anh”. Lời chào lên đường của ông Phêrô bỗng trở thành một lời mời gọi đầy hấp dẫn khiến các bạn chài phải lập tức theo ông lên thuyền ra khơi. Hình ảnh các ông lên đường mang dáng dấp một cộng đoàn hiệp nhất tiên khởi. Cộng đoàn đó không ai khác mà chính là các ngư phủ đánh cá nơi biển khơi và sau này trở thành những ngư phủ lành nghề nơi biển đời mênh mông. Thiết nghĩ, chính nhờ thái độ luôn sẵn sàng cùng với sự đồng tâm nhất trí, họ đã trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá”.
Tấm ảnh thứ hai là hình ảnh Đức Giêsu bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21,6). Lại thêm một lời mời gọi. Một lời mời gọi thật hấp dẫn kèm theo một lời hứa sẽ bắt được cá. Ông Phêrô và các bạn chài đã vất vả cả đêm ngoài biển mà không bắt được con cá nào. Chắc hẳn các ngư phủ tâm thần đã rất mệt mỏi, chán chường, vì đã vất vả cả đêm mà không bắt lấy được một con cá nào. Thế nhưng, khi nghe lời mời gọi của Đức Giêsu thì ông Phêrô và các bạn chài đã “vâng lời Thầy, tôi thả lưới” (Lc 5,5). Thầy nói, con nghe. Thầy bảo làm, con sẽ làm. Vâng lời Thầy, đây quả là một hành động chất chứa sự hy sinh và sẵn sàng ra đi không quản ngại. Chính thái độ sẵn sàng cùng với sự đoàn kết, hợp nhất một lòng mà ông Phêrô cùng các bạn chài đã được Chúa cho một mẻ lưới hơn cả mong đợi “các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Ga 21,6).
Thái độ luôn sẵn sàng và sự đồng tâm nhất trí đó không những mang lại cho các ông một mẻ cá lớn, mà còn hướng các ông tới một mẻ cá khác lớn hơn, như Đức Giêsu đã nói: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17). Giờ đây, tương lai các ông không còn là ngư phủ đánh cá giữa biển cả nữa, mà là những ngư phủ đánh cá giữa biển đời mênh mông. Những mẻ cá các ông có không chỉ là cá nữa, mà là đoàn người tiến bước về núi thánh, tiến về quê hương vĩnh cửu. Những con cá đó chính là các linh hồn.
Người trẻ cùng Phêrô
“Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ”. Câu nói này mang đến một sự khiêu khích đầy thú vị cho những người trẻ của chúng ta hôm nay. Họ sợ đánh mất tuổi trẻ quá sớm. Họ sợ tuổi trẻ đi qua mà chưa kịp để lại điều gì đó “đáng giá” với đời. Nhưng là người trẻ, bạn đừng bao giờ ân hận, vì đã sống tốt lành ở tuổi thanh xuân, đã mở lòng ra với Chúa và đã sống khác với thói đời. Những điều đó không làm tuổi xuân ta mất gì cả, thay vào đó chúng ta kiện cường và làm tươi trẻ tuổi xuân như vịnh gia đã nói: “Tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 103,5). Nếu có ân hận, thì hãy như Thánh Augustinô “Con yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là vẻ đẹp thường hằng và mãi mãi tinh khôi! Con đã yêu Chúa quá muộn màng!” (Tự thuật, x. 27: Pl 32,795).
Dường như Phêrô đi ngược lại với đường lối của người trẻ thời hiện đại. Ông đã bỏ cha mẹ, vợ con, nhà cửa và cả sự nghiệp bước theo Đức Giêsu để học hỏi và làm mới chính mình. Ông không ân hận khi đánh rơi tuổi trẻ, nhưng một bề hy vọng và tin tưởng vào Chúa vì ông được học cùng Giêsu: “Lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài” (Tv 71,17). Phêrô là một ngư phủ, thiếu kiến thức, nhưng ông đã chọn đúng Thầy và rồi ông đã trở thành thầy dạy, là vị Giáo Hoàng tiên khởi của Hội Thánh. Thiết nghĩ, những người trẻ chúng ta hôm nay cũng hãy ra khơi với Phêrô, nghĩa là học nơi Phêrô cách thức chọn lựa điều đáng giá, điều đáng phải bỏ hết tất cả để tìm kiếm và chiếm lấy. Nếu có bạn trẻ nào đó đã đánh mất sinh lực bên trong, đánh mất những ước mơ, lòng hăng hái và sự quảng đại, thì hãy noi theo gương sáng Phêrô, để người trẻ chúng ta bước theo. Bởi vì, ngài cũng đã từng đánh mất sinh lực bên trong mỗi khi ra khơi không bắt được cá; đánh mất sự can đảm, lòng hăng hái và sự quảng đại khi Chúa bước vào cuộc khổ hình thập giá. Thế nhưng, ngài đã đứng lên lãnh đạo cộng đoàn Hội Thánh non trẻ và can đảm vâng lời Thầy “đi khắptứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”(x. Mc 16,15), làm chứng cho Chúa.
Thật tuyệt với nếu những người trẻ đầy nhiệt huyết và lửa mến dấn thân cùng một lòng hứng khởi với câu chào lên đường của Phêrô “tôi đi đánh cá đây”, thì hẳn Hội Thánh được thiết lập dựa trên nền tảng Phêrô và các tông đồ sẽ luôn tươi trẻ và mới mẻ cả về chiều kích khách quan lẫn chủ quan. Chiều kích khách quan ở đây muốn nói đến việc những người trẻ dấn thân để làm mới Hội Thánh Chúa. Còn chiều kích chủ quan có thể hiểu là làm mới chính bản thân mình. Câu chào ra khơi của Phêrô không đơn thuần là câu chào lên đường, nhưng đằng sau đó mang một ẩn ý mời gọi bạn chài cùng đi. Dĩ nhiên, bạn chài không làm ông thất vọng “chúng tôi cùng đi với anh”. Đây cũng là lời mời gọi mà Phêrô muốn gửi đến những người trẻ hôm nay. Nếu người trẻ muốn mình trở nên người có ích cho Giáo Hội và xã hội thì cũng hãy nói với Phêrô: “Chúng tôi cùng đi”, để học sự can đảm như ngư phủ và đưa về cho Chúa các linh hồn. Quả thật, ngư phủ ra khơi vất vả cả đêm mà không bắt được cá, thì quả là thất bại, nhưng không bỏ cuộc, chạy trốn. Không ra khơi chắc chắn là không có cá, nhưng nếu ra khơi, thì vẫn còn hi vọng thuyền đầy những cá. Người trẻ cũng vậy, vì nếu không ra khơi làm sao có thể trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá”?
Người trẻ hôm nay sẽ làm gì với lời mời gọi đầy thách thức như vậy? Hành động đáp trả lời mời gọi của ông Phêrô được gói gém trong một câu “vâng lời Thầy con thả lưới”, và chỉ cần có thế thôi là quá đủ. Còn những người trẻ của chúng ta thì sao? Người trẻ ngày nay rất thực tế và khoa học, nên với lời mời gọi cần lòng tin của Đức Giêsu “cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” họ sẽ đáp trả thế nào? Vì biển cả là “biển giả” (sự thất thường), được mất là chuyện thường tình thôi. Thế nhưng, thật tuyệt vời vẫn còn nhiều người trẻ can đảm đáp trả và vâng theo Thầy Giêsu. Họ dấn thân vào đời sống tu trì hay là bậc sống nào đi nữa, thì vẫn bắt chước lời như Phêrô vâng lời Thầy con thả lưới. Họ dấn thân theo ơn gọi của mình, Chúa gọi và họ đáp trả. Phêrô cũng chỉ làm vậy thôi, chỉ vâng lời thả lưới, còn lưới đầy những cá là việc của Chúa. Cũng thế, những Kitô hữu trẻ ra khơi theo cách nào đi nữa, thì mục đích hướng đến, đó là Nước Chúa, tìm kiếm các linh hồn. Như Thánh Gioan Bosco, cha của những người trẻ từng nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác xin Chúa lấy đi”.
Chúng ta cùng với Phêrô
Hai hình ảnh trên đây hẳn đã gắn liền với mỗi người Kitô hữu chúng ta trong sứ vụ của mình, bởi vì cách nào đó, chúng ta cũng là những ngư phủ và cũng là những môn đệ của Đức Giêsu. Chính vì thế, thái độ sẵn sàng và sự đồng tâm nhất trí rất cần thiết trong một cộng đoàn tu trì hay trong một gia đình và rất hữu ích cho “sứ vụ ra khơi” của chúng ta. Sứ vụ ấy rất cần thái độ sẵn sàng lên đường và hết lòng tin cậy vào Lời Chúa như Phêrô đã làm.
Ngày nay, lời đáp trả của Phêrô vâng lời Thầy như một lời đánh thức những người trẻ và các Kitô hữu trong cơn mê trần tục. Vì chúng ta không có một tâm hồn đủ “tĩnh” để nghe thấy tiếng gọi của Chúa. Chúng ta cũng không chú tâm để lắng nghe lời mời gọi trong thâm tâm của các vị mục tử, vì chúng ta quá bộn bề với cuộc sống, công việc làm ăn và của cải vật chất. Lời mời gọi ấy thúc giục chúng ta luôn sẵn sàng ra đi loan báo và kêu gọi các linh hồn về với Chúa. Nếu không ra đi, thì chúng ta vẫn mãi mãi ở trong cái “vỏ bọc an toàn” của cuộc sống vật chất. Biển đời đang chờ đón, những linh hồn đang mong ngóng chúng ta đến giải cứu. Chúng ta không đi thì ai sẽ đi? Hãy can đảm ra đi vì khi ta đi sẽ luôn có người cùng đi “chúng tôi cùng đi với anh”. Bước theo Đức Kitô, ra khơi cùng Phêrô, chúng ta sẽ có rất nhiều người đi cùng.
“Chúng tôi cùng đi với anh” như một lời cam kết giữa những người anh chị em trong một cộng đoàn hiệp nhất, giữa những thành viên trong gia đình với nhau. Với các cộng đoàn tu trì, khi anh chị em đi - là cả cộng đoàn cùng đi; anh chị em rao giảng - là cả cộng đoàn cùng rao giảng. Điều này nói lên một thái độ luôn sẵn sàng và sự đồng tâm nhất trí của một tập thể. Nếu mỗi người luôn sẵn sàng ra đi cho sứ vụ, thì sứ vụ đó sẽ dễ thành công vì có cả một cộng đoàn cùng đi. Còn với các gia đình, nếu các thành viên luôn hiệp nhất, cùng nhau cầu nguyện, thì hẳn là hạnh phúc không ở đâu xa mà đang hiện diện trong chính gia đình đó.
Biển cả là “biển giả”. Được mất là chuyện bình thường đối với nghề ngư phủ. Cho dù nay được, mai mất, thì các ngư phủ vẫn ra khơi mang theo niềm hy vọng đầy những cá. Cũng thế, điều này dường như đang là họa ảnh cuộc sống của những người trẻ và mỗi chúng ta giữa biển đời hôm nay: Khi vui, lúc buồn; thành công hay thất bại; nay trung tín, mai thất trung. Quả thật, biển đời còn ảo diệu hơn biển giả. Được mất ở đây không còn là bình thường nữa. Vì thế, có mất, thì hãy chấp nhận mất mạng sống mình để đem về cho Chúa các linh hồn, theo gương các thánh Tử đạo. Vì theo như Thánh Giacôbê, thì “kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” (Gc 5,20).
Phanxicô, Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, số 34.
x. Ibid., số 17.
x. Ibid., số 20.