THƯ CỦA MỘT LINH MỤC HẤP HỐI GỬI CHO CHÚA
Con sợ rằng, vào giờ sau hết, con sẽ có chung một ý tưởng như mẹ con đã có khi bà lìa đời. Ý tưởng đó là, con chết mà thấy mình chẳng có công nghiệp gì, có thể nói là trắng tay, vì không gì Chúa gửi đến mà lại quá sức con...
Cha José Luis Martín Descalzo người Tây Ban Nha, một phóng viên, một nhà văn, cũng là con út trong một gia đình công giáo đạo đức gồm bốn anh chị em. Ngài tốt nghiệp khoa Lịch Sử và Thần Học của Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô tại Rome, thụ phong linh mục năm 1953. Ngài làm việc trong tư cách giáo sư và giám đốc tại một công ty kịch nghệ; và trong thời gian diễn ra Công Đồng Vaticano II, cha José Luis Martín Descalzo là một thông tín viên.
Là một nhà báo, cha José đã điều hành nhiều tạp chí khác nhau và một chương trình truyền hình. Ngài đã viết nhiều tác phẩm văn chương, một số được biết đến nhiều nhất là “Cuộc Đời và Mầu Nhiệm Của Chúa Giêsu thành Nazareth”, “Những Lý Do Để Sống”, “Những Lý Do Để Hy Vọng”, “Những Lý Do Để Yêu Thương” và “Những Lý Do Cho Đời Sau”, vốn tích hợp nhiều đề mục liên quan đến các biến cố thực và cuộc sống thường ngày.
Cha José Luis Martín Descalzo đã dâng trọn đời mình cho thiên chức linh mục; ngài nguyện trung thành với ơn gọi một cách đơn sơ nhưng sâu lắng. Từ lúc còn trẻ, trải qua những cơn đau tim và thận suy nghiêm trọng, ngài đã phải lọc máu nhiều năm. Sống trọn vẹn những giờ khắc hiện tại Chúa ban, Ngài không ngừng toả lan niềm hy vọng cho đến lúc lìa đời tại Madrid ngày 11 tháng 6 năm 1991. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết cuối cùng của ngài trước khi ngài ra đi, đó là một lá thư gửi cho Thiên Chúa, chất chứa những tâm tình quý giá đáng cho chúng ta nghiền ngẫm và chia sẻ.
“‘Con cám ơn Chúa’, những lời này sẽ gói trọn tất cả những gì con muốn gửi đến Ngài, lạy Thiên Chúa, tình yêu của con; bởi lẽ, đó cũng là tất cả những gì con muốn thưa lên cùng Chúa, ‘Cám ơn Chúa’, ‘Cám ơn Chúa’. Đứng từ chỏm núi cao nhất của 55 đời mình, con nhìn lại và dường như không thấy gì khác ngoài những dãy núi trùng trùng điệp điệp bất tận của tình yêu Chúa. Lịch sử đời con, chẳng chỗ nào lại không được rọi sáng bởi lòng thương xót Chúa dành cho con; ở đó, đã không một giây phút nào mà con đã không nghiệm ra một sự hiện diện yêu thương đầy tình phụ tử của Chúa đêm ngày chăm bẵm linh hồn con.
Ngay mới hôm qua, một người bạn vừa nghe biết vấn đề sức khoẻ của con gửi cho con một bưu thiếp; trong đó, đầy phẫn nộ, cô bạn viết cho con những lời này, “Một sự giận dữ lớn lao xâm chiếm toàn thân con và con đã nổi loạn với Chúa vì đã để cho một người như cha phải khốn khổ”. Một điều gì đó thật đáng thương! Cảm xúc nơi cô đã khiến cô mù loà để không trông thấy sự thật. Đó là đang khi con chẳng còn quan trọng gì so với bất cứ ai thì trọn đời con đã là một chứng từ cho sự sống và niềm tin. Suốt 55 năm đời con, con đã đau khổ hơn nhiều lần dưới bàn tay người đời; bao lời nộp rủa và sự vô ơn cũng như cô đơn và hiểu lầm. Vậy mà, từ nơi Ngài, con đã không nhận được gì khác ngoài những cử chỉ âu yếm bất tận, kể cả cơn đau sau cùng của con.
Trước hết, Chúa cho con sự sống, kỳ diệu thay con được làm người, để con vui thoả cảm nhận sự mỹ miều của thế giới. Cho con niềm vui trở nên một phần của gia đình nhân loại; cho con vui sướng vì biết rằng, cuối cùng, khi con đặt mọi sự lên bàn cân thì những vết cắt, những thương tích luôn luôn ít hơn tình yêu lớn lao mà cũng chính những con người đó đã đặt lên đĩa cân bên kia của đời con. Dường như con khá may mắn hơn những người khác thì phải. Có thể. Nhưng giờ đây, làm sao con có thể vờ vịt làm một kẻ bị đoạ đày của nhân loại khi biết chắc một điều là, con đã được đỡ nâng và cảm thông nhiều hơn là những khó nhọc.
Hơn thế, cùng với quà tặng làm người, Chúa còn cho con quà tặng đức tin. Ngay từ thời thơ ấu, con cảm nhận sự hiện diện của Ngài hằng bao bọc con; với con, xem ra Chúa thật dịu hiền. Nghe đến danh Ngài, con chẳng hề sợ hãi bao giờ. Linh hồn con, Chúa đã trồng vào đó những khả năng phi thường: khả năng nhận thức, con đang được thương yêu; khả năng cảm biết, mình đang được cưng chiều; khả năng trải nghiệm sự hiện diện mỗi ngày của Chúa trong từng giờ khắc lặng lẽ trôi. Con biết, vẫn có một ít người nguyền rủa ngày họ chào đời, họ thét lên với Chúa rằng, họ không cầu xin để được sinh ra; con cũng chẳng cầu xin điều đó, vì trước đó làm gì có con. Nhưng nếu con biết đời mình là gì, hẳn con vẫn sẽ van nài cho được hiện hữu, một sự hiện hữu như Ngài đang ban cho con.
Con thiết nghĩ, vẫn là tuyệt đối cần thiết để được sinh ra trong mái gia đình mà Chúa đã chọn cho con. Hôm nay con sẽ sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì con sở hữu chỉ để được lại ba mẹ và anh chị em con như con đã được. Tất cả họ là những chứng nhân sống động cho sự hiện diện của tình yêu Chúa; qua những người thân yêu đó, con dễ dàng học biết Chúa là ai. Nhờ họ mà việc kính mến Chúa yêu thương người của con nên dễ dàng hơn rất nhiều. Thật vô lý nếu không yêu mến Chúa cũng như không dễ gì để có thể sống đắng cay. Hạnh phúc, niềm tin và lòng tín thác tựa hồ món bánh kem mà mẹ con luôn luôn dọn sẵn sau bữa cơm chiều, một món gì đó gần như chắc chắn không thể không có; hôm nào không có bánh kem thì thật đơn giản, chỉ vì không có trứng chứ không phải tình yêu đang thiếu đi. Con cũng học biết rằng, đau khổ là một phần của cuộc vui; đau khổ không phải là một lời nguyền rủa nhưng là một phần cho cái giá của sự sống, một điều gì đó vốn không bao giờ đủ để lấy mất niềm vui của chúng con.
Nhờ tất cả những điều ấy, giờ đây con cảm thấy thẹn thùng khi nói lên và rằng, cơn đau không làm con đau, đắng cay không làm con cay đắng. Được như thế, không phải vì con can trường nhưng đơn giản chỉ vì ngay từ tấm bé, con đã học nhìn ngắm những khía cạnh tích cực của cuộc sống và tập bước đi trong những vùng tối tăm; để rồi khi chúng ập đến, chúng không quá tăm tối nhưng chỉ hơi xám một chút. Một người bạn khác vừa viết cho con trong mấy ngày qua rằng, con có thể chịu đựng được việc lọc máu cùng lúc khi “con say Chúa”. Điều này, với con, xem ra hơi quá đáng và cường điệu. Bởi vì ngay từ thuở nằm nôi, con đã ngất say với sự hiện diện tự nhiên của Ngài, lạy Chúa, và trong Ngài, con luôn cảm thấy cứng cáp để chịu đau đớn hoặc cũng có thể chỉ vì đau đớn thật sự Chúa đã không gửi đến cho con.
Đôi khi con nghĩ, con thật “quá đỗi may mắn”. Các thánh đã dâng Chúa bao điều lớn lao, còn con, đã không bao giờ có gì đáng giá để dâng Ngài. Con sợ rằng, vào giờ sau hết, con sẽ có chung một ý tưởng như mẹ con đã có khi bà lìa đời. Ý tưởng đó là, con chết mà thấy mình chẳng có công nghiệp gì, có thể nói là trắng tay, vì không gì Chúa gửi đến mà lại quá sức con; cũng không phải ngay cả sự cô đơn hay phiền muộn Chúa trao cho những ai thực sự thuộc về Ngài. Bỏ lỗi cho con, nhưng con sẽ làm gì đây khi Chúa không bao giờ bỏ con? Đôi lúc con cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng, con sẽ chết mà không được ở bên Chúa trong vườn Ôliu, không được trải qua hấp hối của mình trong vườn cây dầu. Chỉ bởi Chúa, con không hiểu tại sao, không bao giờ để con vắng mặt trong các Chúa Nhật Lễ Lá dù con phải nằm bệnh viện triền miên. Thi thoảng, trong những giấc mơ anh hùng của mình, con từng nghĩ táo bạo rằng, lẽ ra con cần trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin để tự chứng tỏ cho Chúa thấy. Người ta nói, lòng tin đích thực được chứng tỏ nơi thập giá đang khi con chưa bao giờ gặp phải bất kỳ một thập giá nào ngoài đôi tay mơn trớn dịu hiền của Ngài.
Đó chẳng phải vì con tốt lành hơn những người khác. Tội lỗi tiềm ẩn trong con, nó sâu sắc làm sao… Chúa với con cùng biết. Sự thật là ngay cả vào những thời khắc tồi tệ nhất, con vẫn chưa trải nghiệm được cái nghiệt ngã của bóng tối sự dữ, bởi lẽ, ánh sáng Chúa đã đêm ngày chiếu soi con. Ngay trong khổ đau, con vẫn thuộc về Chúa; quả vậy, tình yêu Chúa dành cho con xem ra càng tăng thêm mỗi khi con lỗi tội nhiều hơn.
Con cũng đã tựa nương vào Chúa suốt những thời điểm bách hại và khó khăn. Chúa biết, ngay cả trong những chuyện thế gian, thì ở đó, bên con, luôn luôn có nhiều người tốt hơn kẻ bội phản. Vì lẽ, cứ mỗi lần hiểu lầm, con lại nhận được những mười nụ cười. Con thật may mắn vì sự dữ không bao giờ phương hại được con; và quan trọng nhất, sự dữ không bao giờ có thể làm nội tâm con cay đắng. Ngay đến cả những trải nghiệm tồi tệ cũng làm gia tăng trong con sự khát khao được nên trọn lành và kết quả là, con có những người bạn hết sức bất ngờ.
Rồi, Chúa đã gọi con, kỳ diệu thay! Con là linh mục, một điều không thể, Chúa biết điều đó… nhưng với con, con biết, thật nhiệm mầu. Hôm nay hẳn con không còn nhiệt huyết với mối tình trẻ như những thuở đầu; nhưng may thay, thánh lễ đã không bao giờ chỉ là một thói quen thường nhật và con vẫn run lên mỗi khi giải tội. Con vẫn cảm nhận niềm vui vô bờ khi đang ở đây để có thể nâng đỡ người khác cũng như niềm vui hiện diện để rao truyền danh Chúa cho anh em. Chúa biết, con vẫn sùi sụt khóc mỗi khi đọc lại dụ ngôn đứa con hoang đàng; nhờ ơn Chúa, con vẫn xúc động mỗi lần đọc Kinh Tin Kính ở phần nói đến cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa.
Dĩ nhiên, quà tặng lớn nhất của Chúa là chính Con Một, Chúa Giêsu. Ngay cả khi con là con người đáng thương nhất hoặc khi khổ đau vẫn cứ đeo bám con mọi ngày trong đời thì con biết rằng, con sẽ chỉ nhớ đến Chúa Giêsu mà vượt qua chúng. Việc ý thức Chúa đã nên một người như chúng con giúp con giao hoà với những thất bại và trống rỗng của mình. Vậy tại sao lại có thể buồn một khi biết rằng, Chúa đã bước những bước trên hành tinh này. Còn gì dịu dàng hơn việc chiêm ngắm khuôn mặt sầu bi của Mẹ Maria?
Hẳn con đang hạnh phúc, sao mà không hạnh phúc được? Con đang hạnh phúc ngay đây dẫu đang ở ngoài vinh quang thiên đàng. Chúa hãy nhìn xem, con đâu sợ chết, nhưng con không vội đến đó. Liệu con được gần Chúa hơn khi đến đó so với bây giờ không? Thật là kỳ diệu, có thiên đàng ngay khi chúng con có thể yêu mến Chúa. Cabodevilla, bạn con, nghĩ đến một điều gì đó khi nói, “Chúng ta sắp chết mà không biết đâu là quà tặng tuyệt vời nhất của Chúa, hoặc Chúa yêu mến chúng ta hoặc Chúa cho chúng ta mến yêu Ngài”.
Vì lý do này, con đau lòng biết bao khi ai đó coi thường cuộc sống của họ. Quả thật, mỗi người chúng con đang làm một điều gì đó cao cả hơn vô vàn so với phận mình, phàm phu tục tử; đó là yêu mến Chúa và cộng tác với Chúa trong việc kiến tạo một toà nhà bát ngát bao la của tình yêu.
Con cảm thấy không ổn khi nói rằng, chúng con làm vinh quang Chúa ở thế gian này; nói thế thì thật quá đáng. Con tin rằng, con sẽ vui thoả khi con gối đầu vào tay Chúa để Chúa có cơ hội vỗ về con, thế thôi. Việc nói rằng Chúa sẽ ban thiên đàng cho chúng con như một phần thưởng khiến con thầm cười. Phần thưởng cho cái gì đây? Chúa thật đáo để khi vừa ban thiên đàng vừa cho chúng con cảm thấy mình xứng đáng với điều đó. Chúa quá biết, chỉ tình yêu mới có thể đáp đền tình yêu. Hạnh phúc không là kết quả cũng không là hoa trái của tình yêu; tình yêu tự nó là hạnh phúc. Nhận biết Chúa là Cha của con, và đó là thiên đàng. Dĩ nhiên, Chúa không cần cho con mọi điều, nguyên việc cho con yêu mến Chúa đã là quà tặng lớn lao cho con, Chúa không thể cho con nhiều hơn.
Vì tất cả điều này, lạy Chúa, Thiên Chúa của con, con đã muốn nói về Chúa và với Chúa ở trang cuối cuốn sách “Những Lý Do Để Yêu Thương” của con. Chúa là cùng đích và là lý do duy nhất cho tình yêu của con, con không còn lý do nào nữa. Sẽ không có bất cứ hy vọng nào cho con nếu không có Chúa. Niềm vui của con sẽ được tìm thấy ở đâu, dựa trên cái gì, nếu vắng bóng Ngài. Rượu tình của con sẽ vô vị nhạt nhẽo biết bao nếu không được ủ ấp trong tình yêu Chúa. Chúa cho con sức mạnh và cuộc đời để con biết rất rõ rằng, nhiệm vụ duy nhất của con là như một phát ngôn nhân lặp đi lặp lại danh Chúa mãi mãi. Và như thế, con thanh thản ra đi.
Con, José Luis Martín Descalzo”
Luisa Restrepo
Lm. Minh Anh dịch từ catholic-link.org
(tonggiaophanhue.org 28.04.2020)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn