Mang Chúa và Mẹ trong hành trình Di dân

Thứ năm - 23/05/2019 00:07

Mang Chúa và Mẹ trong hành trình Di dân

2Thế hệ chúng ta không có mặt trong hành trình di dân của thế hệ đi trước. Khi có dịp đọc những tài liệu cũ hay được nghe thân nhân kể lại những cuộc di dân ồ ạt từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam đi nước ngoài, mới thấy những gian khổ biết chừng nào. Có nhiều gia đình đã mất người thân trên đường, trên biển. Không ít người đã rơi nước mắt khi kể lại sự mất mát này. Có những người chị, người anh nhìn thấy em gái mình bị người ta bắt đi mà không làm gì nổi. Cho đến nay, không có tin tức gì về họ. Những người ấy luôn nhớ lại cảnh đau thương này và đặt câu hỏi: Em mình còn sống hay đã chết?

Chính trong gian khổ phải rời bỏ quê hương đến nơi không biết trước, các tín hữu Công giáo chỉ biết mang theo Thánh giá Chúa, tượng ảnh Đức Mẹ. Trên đường đi, họ mang theo tràng hạt Mân Côi, ảnh đeo trên người, đọc kinh lần hạt để xin Chúa và Mẹ gìn giữ. Họ luôn cầu xin sự bình an cho mình và người thân. Họ mong cho được đến một nơi có cuộc sống yên ổn, được giữ đạo tự do.

Khi đã đến được chốn an cư, các tín hữu này bắt đầu xây dựng nơi cầu nguyện tạm. Những đoàn di cư có linh mục đi cùng, họ an tâm hơn và có ngài chỉ dẫn để thành lập xứ đạo sốt sắng. Chúng ta có thể đọc những tác phẩm văn học Công giáo của các tác giả cũng di cư để thấy được những xứ đạo được thành lập như thế nào.

Một vài giám mục miền Nam khi giảng tĩnh tâm cho các linh mục miền Bắc cũng nhắc đến và ca ngợi những giáo dân di cư miền Bắc có lòng nhiệt thành như thế nào. Dù họ quê mùa chất phác, dù giọng nói "l" cũng như "n", nhưng tinh thần chung với giáo họ, giáo xứ rất tốt. Ngay cả khi không có linh mục đến với họ, họ cũng tự quy tụ với nhau để làm những nhà thờ mái tôn, tường gỗ để cầu nguyện. Sau đó, họ mới tìm đến Đức giám mục ở tòa giám mục hoặc linh mục gần nhất để xin các ngài ban lễ và các bí tích cho. Những giáo dân này cũng mang truyền thống rước kiệu, dâng hoa, ngắm đứng... để tôn vinh Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thánh tại thánh đường tạm bợ đó.

Với thời gian, những nơi đó đã trở thành giáo xứ lớn, sốt sắng. Như thế, phải chăng là giáo dân di cư đã làm nên giáo xứ? Nếu có dịp ghé thăm các giáo xứ tại các giáo phận miền Nam, người ta sẽ thấy rất nhiều giáo xứ lớn là những người di cư từ miền Bắc năm 1954. Cho đến nay, chỉ mới 65 năm, con số giáo dân tại miền Nam đã là rất lớn dù tỷ lệ phần trăm không cao so với tổng số dân.

Khi rời bỏ quê hương ra đi, tài sản vốn liếng không có là bao, nhưng họ tin tưởng vào Thiên Chúa. Chỉ cần có Chúa và mang theo hình ảnh Chúa, họ an tâm có Chúa nuôi dưỡng và giúp họ ổn định cuộc sống như ông Abraham nghe theo tiếng Chúa để đến nơi Chúa chỉ cho. Ông Abraham ra đi trong tin tưởng phó thác, ông làm theo những gì Ngài dạy bảo, kể cả việc sát tế con làm của lễ dâng cho Thiên Chúa Giavê.

Nhìn lại lịch sử dân Chúa, không ít lần họ đã ra đi với hai bàn tay trắng. Chẳng hạn, xưa kia dân Chúa rời bỏ Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ; đi trong sa mạc 40 năm. Cuối cùng họ đã đến được Đất Hứa. Người Công giáo ngày nay ở đâu cũng bị bách hại. Họ có Chúa. Chúa phù trợ. Cuộc sống an cư lạc nghiệp sau những biến cố di cư. Trên trái đất xoay tròn này, đâu đâu cũng là nhà Chúa, miễn sao con người tin Chúa và tuân giữ luật Chúa. Ngài sẽ nâng đỡ phù trì và ban cho lương thực đầy dư. Chính những lần di cư như thế là những cuộc truyền giáo mà không phải rao giảng, hô hoán. Đó là những cơ hội mở mang Nước Chúa. Ngay cả khi làm nhà, lập bàn thờ, đặt tượng ảnh Chúa, Đức Mẹ, các thánh cũng là cơ hội giới thiệu đạo Công giáo cho dân bản địa. Hơn nữa, ở đâu có hai ba người họp nhau nhân danh Chúa, Chúa ở giữa họ (x. Mt 18,20).

Tạ ơn Thiên Chúa đã dùng những phương thế khôn ngoan của Ngài để Hội Thánh của Ngài luôn được phát triển. Có những phương thế rất âm thầm nhưng rất hữu hiệu như những giáo dân chất phác không biết giảng dạy giáo lý, nhưng chỉ cần mang hình ảnh Chúa đi, chỉ cần làm dấu hay đọc những kinh học thuộc, lập bàn thờ, dựng nhà nguyện nhỏ... mà lại mở mang được Nước Chúa.

Tác giả bài viết: Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thoả

Nguồn tin: gpbuichu.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây