Trong bài giảng thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa. Để trở về, chúng ta cần nhận ra „tình trạng sống đạo” của chính mình. Nói một cách khác, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trọng tâm của Mùa Chay là phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu. Mùa Chay không chỉ là những hy sinh nhỏ bé mà chúng ta thực hiện, nhưng là lắng nghe và nhận ra tôi đang đi về đâu. Đức Thánh Cha gợi ý: „Chúng ta hãy tự hỏi: Hệ thống định vị của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu – về phía Chúa hay về phía chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa hay để được chú ý, khen ngợi và tìm kiếm địa vị? Có phải tôi đang có một trái tim “dao động”, tiến một bước rồi lùi lại một bước? Có phải tôi yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay lòng tôi vững vàng nơi Chúa? Có phải tôi bằng lòng với thói đạo đức giả của mình hay tôi đang cố gắng giải thoát trái tim mình khỏi sự giả hình và giả dối đang trói buộc nó?”[1]
Những lời mời gọi của Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta ý thức về động lực của những điều chúng ta thực hành trong Mùa Chay. Nếu chúng ta chỉ thực hiện các việc đạo đức ấy cách hời hợt và nông cạn, thì chúng chẳng đem lại ích lợi thiêng liêng gì. Mặt khác, nếu chỉ chú ý tới bề ngoài, thì sớm muộn gì những việc đạo đức này biến chúng ta trở thành những người sống có vẻ đạo đức, nhưng trong lòng thì đầy cay đắng, hận thù và thích chỉ trích người khác.
Bước vào những tuần đầu Mùa Chay, Giáo hội giới thiệu cho chúng ta chân dung Abraham, một người luôn luôn thi hành theo Ý muốn của Thiên Chúa mà không một lời càm ràm, hay là một lời thương lượng, hoặc van xin nào cả.[2] Ông quảng đại dâng cho Chúa tất cả những gì mà lòng tin đòi hỏi. Ông sẵn sàng dâng cả đứa con duy nhất cho Thiên Chúa. Khi Abraham chuẩn bị ra tay sát tế Isaac, thì thiên thần của Thiên Chúa hiện ra và ngăn cản. Abraham tự hỏi rằng: đây chẳng phải là điều Chúa muốn con thực hiện đó sao? Không. Ngươi không được đụng đến Isaac. Và Abraham ngỡ ngàng về Ý muốn của Thiên Chúa, không giống gì với những điều ông suy nghĩ. Abraham tưởng rằng Thiên Chúa đòi buộc ông sát tế người con yêu quý duy nhất làm của lễ, nhưng ông đã lầm! Còn may là Abraham luôn mở lòng để lắng nghe tiếng Chúa, và vâng theo lời Người.
Trong đời sống đạo, chúng ta cũng có những kinh nghiệm tương tự như Abraham. Chúng ta quảng đại sẵn sàng thi hành mọi điều mà lòng tin đòi buộc và không ngần ngại hy sinh cả những điều quý giá nhất cho Thiên Chúa. Nhưng đôi khi, Chúa lại nói với chúng ta rằng: Hãy để Ta là Ta. Các ngươi đừng „đóng khung” Thiên Chúa, hoặc tự vẽ lên một Thiên Chúa cho riêng mình. Nói một cách khác, kinh nghiệm của Abraham muốn nói với chúng ta rằng, con người có giới hạn, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những điều trong tương lai gần thôi. Chúng ta không thể nhìn thấy mọi sự trong một khoảng thời gian như Thiên Chúa. Cho nên, con người chúng ta cần tin tưởng vào Thiên Chúa.
Đây cũng là sứ điệp trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay.[3] Sau khi chứng kiến sự biến hình của Đức Giê-su, các môn đệ nhận được một lời chỉ dẫn từ Trời: „Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7b). Nhưng có lẽ các môn đệ và cả chúng ta nữa, hoặc là do mắc tật hay quên, hoặc là do cố tình bỏ qua những điều mà không thuận theo ý riêng của mình.
Lời nhắc nhở quan trọng „hãy vâng nghe lời Người” đã bị các môn đệ bỏ ngoài tai. Không chỉ một lần Đức Giê-su nói với họ rằng Ngài sẽ chịu đau khổ, chết nhục nhã, nhưng họ không nghe. Ngay cả sau khi đã nghe được tiếng nói này từ đám mây, họ vẫn không nghe Đức Giê-su, khi Ngài nói về sự đau khổ và cái chết.[4] Có lẽ vì con đường mà Đức Giê-su sẽ đi, khác với sự mong đợi của họ, đến nỗi Ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần, họ vẫn không nhận ra lời Ngài. Điều thú vị, là ngay trước và sau biến cố biến hình, Đức Giê-su đã chữa lành hai người mù.[5] Tuy nhiên, các môn đệ vẫn tiếp tục không thấy, không nghe và không hiểu. Chỉ sau khi Chúa Giê-su chịu khổ hình và đã phục sinh, họ mới bắt đầu hiểu ra chân lý: con đường đau khổ là con đường dẫn đến vinh quang.[6]
Ngày nay, đến lượt chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng bỏ ngoài tai lời nhắc nhở quan trọng này: „hãy vâng nghe lời Người”, vì trong cuộc sống có rất nhiều tiếng nói có vẻ khôn ngoan và hấp dẫn khác. Đó là những tiếng nói đến từ những học giả, nhà bình luận xã hội, nhà phân tích chính trị, nhà chuyên gia tôn giáo, người nổi tiếng… Họ đều hứa đem đến cho chúng ta sức khỏe, hạnh phúc và sự giàu có… Nhưng bệnh dịch mà chúng ta đang trải qua, cho thấy sự vinh hoa phú quý và sự sống ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua.[7] Chúng ta có thể tự hỏi: Liệu có một giọng nói nào đáng tin cậy giữa những lời hứa này không?
Mùa Chay là thời gian để chúng ta đi tìm và tái khám phá những giá trị vĩnh cửu. Những giá trị ấy không chỉ giúp chúng ta vượt qua những chông gai khốn khó ở cuộc đời này, mà còn cho chúng ta hưởng nếm hạnh phúc đích thực và bền vững. Giá trị ấy tùy thuộc vào hình ảnh Thiên Chúa, mà chúng ta có về Ngài. Nếu bạn xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu, thì không có gì có thể tách bạn ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.[8] Mùa chay là thời gian để tái khám phá lại hình ảnh của Thiên Chúa, là gột rửa đi những gì không phải là Thiên Chúa, và trả lại cho Ngài như chính Ngài là.
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Ngài thấy rõ trái tim các môn đệ. Ngài biết rằng họ đang tìm cách phớt lờ những gì đang nói về Đức Giê-su trong biến cố biến hình. Đó là về sự đau khổ của Đức Giê-su và của cả họ nữa, nhưng họ không nhận ra. Đó là lý do tại sao Ngài nhắc nhở họ: „hãy vâng nghe lời Người!”
Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này, xin cho con ơn hoán cải, để con trở về với Chúa. Xin cho con biết lắng nghe và mau mắn thi hành Ý Chúa. Amen.
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
……………..
[1] Trích bài giảng thứ Tư lễ Tro của Đức Thánh Cha Phanxico: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa (https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-02/dtc-phanxico-le-tro-mua-chay-hanh-trinh-tro-ve-voi-chua.html).
[2] Bài đọc 1 (St 22: 1-2, 9a, 10-13, 15-18).
[3] Mc 9,2-10.
[4] Mc 9,31; 10,33-34.
[5] Đức Giê-su chữa người mù ở Bết-xai-đa (Mc 8,22-26); & Người mù ở Giê-ri-khô (Mc 10,46-52).
[6] Điều này không có nghĩa là Đức Giê-su cổ vũ một tôn giáo tìm kiếm đau khổ và vinh danh đau khổ bằng mọi giá. Đúng hơn, Đức Giê-su dạy chúng ta con đường tình yêu và không trốn tránh thập giá. Đau khổ và hy sinh là những đòi hỏi của một tình yêu đích thực.
[7] Ở điểm này không có ý phủ nhận hoặc gạt bỏ mọi giá trị và những chân lý khoa học đang đóng góp cho cuộc sống con người trở nên tốt hơn. Nhưng chỉ muốn xác nhận vai trò và chức năng của những ngành khoa học là trợ giúp cho đời sống của con người mà thôi, chứ chúng không phải là những chân lý tối hậu và là cùng đích của cuộc sống con người.
[8] Rm 8,35.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn