THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN & THÁNH LỄ CỘNG ĐỒNG
Trong bài giảng lễ vào sáng ngày 17.4.2020 tại nhà nguyện thánh Matta, Đức Thánh Cha Phanxicô (ĐTC) nói: Thánh lễ trực tuyến không có cộng đoàn chỉ nên được cử hành trong hoàn cảnh khó khăn mà thôi. Điều lý tưởng vẫn luôn là cử hành bí tích với sự hiện diện cụ thể của các tín hữu trong cộng đoàn.
ĐTC đã bày tỏ những lo ngại vì, trong thời gian cách ly nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các tín hữu đã không thể đến với nhau như một cộng đồng sống động để cùng nhau tham dự Thánh lễ hoặc lãnh nhận các bí tích.
Mối quan hệ của một người với Chúa Giêsu phải là thân mật, mang tính cá nhân, nhưng trong một cộng đồng. Vì thế, thật là nguy hiểm khi sự gần gũi này với Chúa Kitô lại không có cộng đồng, không có rước lễ, không có sự quây quần bên nhau của dân Chúa.
Thật là nguy hiểm khi mọi người bắt đầu sống mối quan hệ với Chúa “chỉ để cho riêng bản thân mình, và tách rời ra khỏi dân Chúa.”
Các sách Tin Mừng cho thấy, các môn đệ của Chúa Giêsu luôn sống mối quan hệ của họ với Chúa như một cộng đồng. Họ tập hợp lại chung quanh một cái bàn - là dấu chỉ của cộng đồng, và luôn có bí tích với nghi thức bẻ bánh.
Vì đại dịch, người ta phải sống cách ly - với những hoạt động online - là để tìm cách thoát ra khỏi đường hầm của những khủng hoảng, chứ không phải cứ ở mãi trong hầm tối đó.
Giáo hội, các bí tích và dân Chúa là những gì cụ thể. Mối quan hệ của các tín hữu với Chúa cũng phải cụ thể, vì các tông đồ đã sống với nhau trong tư cách là một cộng đồng và cùng sống với dân Chúa, chứ không sống theo lối ích kỷ như những cá nhân riêng lẻ, hay chỉ sống lây lan trên mạng theo kiểu virus.
Tuy nhiên cho đến nay, tín hữu của rất nhiều nơi trên thế giới vẫn phải tham dự Thánh lễ online và được chăm sóc mục vụ cách trực tuyến, vì Covid 19 vẫn còn đang lan rộng khắp nơi. Vì thế Giáo hội phải suy tư rất nhiều về sinh hoạt mục vụ trong ‘không gian mạng của thời Covid 19’, một không gian có cả tốt lẫn xấu, có những tiện ích lớn lao và cũng hàm chứa nhiều thách đố nan giải. Không gian mạng là chốn đáp ứng những nhu cầu mang tính sống còn - khi con người phải sống cách ly hầu ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh, và cũng là nơi con người huy động tối đa khả năng của mình khi muốn đạt được sự tiến bộ và phát triển trong thế giới hôm nay.
Để thấy rõ hơn về điều này, chúng ta hãy đọc bài viết của hai nữ giáo sư đại học: Laura DeNardis và Jennifer Daskal. Các tác giả này đề cập đến 5 vấn đề của không gian mạng - đã lộ ra rất rõ ở những nơi Covid 19 còn đang hoành hành dữ dội. Dưới đây là những giải trình của họ.
KHÔNG GIAN MẠNG THỜI COVID 19
Khi ngày càng có nhiều trường học và doanh nghiệp Hoa Kỳ đóng cửa, sự phát triển nhanh chóng của đại dịch virus corona đang cho thấy rõ hơn sự phụ thuộc - cả tốt lẫn xấu - của xã hội vào thế giới kỹ thuật số.
Toàn bộ xã hội - bao gồm các lớp của đại học chúng tôi đang giảng dạy - đều đã dần dần chuyển hết sang cách giảng dạy trực tuyến. Khi phần lớn xã hội tạm thời bị cô lập để đạt được sự giãn cách xã hội, internet chính là cửa sổ để người ta có thể nhìn vào thế giới. Các sự kiện xã hội trực tuyến giống như những ‘giờ hạnh phúc ảo’, thúc đẩy cảm giác kết nối trong thời giãn cách xã hội. Nếu trước đây thế giới trực tuyến thường được mô tả như một căn bệnh xã hội, thì đại dịch này lại là một lời nhắc nhở cho ta thấy thế giới kỹ thuật số đã cung cấp cho chúng ta biết bao nhiêu điều cần có.
Nhưng đại dịch cũng cho thấy nhiều tổn thương do sự phụ thuộc của xã hội vào mạng internet. Chúng bao gồm các hậu quả nguy hiểm của sự kiểm duyệt, sự liên tục lây lan thông tin sai lệch, đưa đến hàng loạt những tổn thất và vô số rủi ro do an ninh mạng yếu kém.
1. Kiểm duyệt Trung Quốc gây ảnh hưởng khắp nơi
Đại dịch toàn cầu nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả sự kiểm duyệt cấp địa phương cũng có thể ảnh hưởng đến toàn cầu. Việc Trung Quốc ngăn chặn những thông tin về virus corona đã góp phần gây ra đại dịch trên toàn thế giới. Nếu bác sĩ ở Vũ Hán khi phát hiện ổ dịch có thể tự do phát biểu, thì các cơ quan y tế công cộng đã có thể làm nhiều hơn để ngăn chặn dịch bệnh sớm hơn.
Không chỉ có Trung Quốc. Phần lớn thế giới đang sống trong các quốc gia áp đặt kiểm soát đối với những gì có thể và không thể phát biểu trực tuyến. Kiểm duyệt như vậy không chỉ là vấn đề của tự do ngôn luận, mà còn là vấn đề của sức khỏe cộng đồng, liên quan đến sự sống và sự chết của biết bao nhiêu con người.
2. Thông tin ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn
Trong những lúc nguy cấp cho sức khỏe cộng đồng, việc chia sẻ nhanh chóng những thông tin chính xác là rất quan trọng. Mạng xã hội có thể là một công cụ hiệu quả để làm việc đó.
Nhưng đó cũng là nguồn của những thông tin lệch lạc và thao túng theo những cách có thể đe dọa sức khỏe trên toàn cầu và phá vỡ sự an toàn cá nhân - điều mà các công ty công nghệ đang đang cố gắng chiến đấu để diệt trừ hết mức, nhưng vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết.
Ví dụ, Facebook đã cấm quảng cáo bán khẩu trang hoặc cấm quảng cáo việc hứa hẹn các biện pháp phòng ngừa hoặc chữa bệnh giả dối, đồng thời cung cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới một không gian quảng cáo không giới hạn. Còn Twitter thì đang đặt ưu tiên cho các liên kết đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và các nguồn thông tin đáng tin cậy khác - bên trên những tìm kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, một số nước khác lại được cho là đang lan truyền tin đồn thất thiệt về nguồn gốc virus corona. Nhiều người khác đang sử dụng virus corona để truyền bá sự phân biệt chủng tộc làm cho nhiều cá nhân gặp nguy hiểm.
Covid 19 không chỉ cảnh báo chúng ta về cái giá phải trả do thông tin lệch lạc trên mạng, mà còn nêu bật vai trò và trách nhiệm riêng tư khi đối mặt với những nguy cơ. Tìm ra cách thông tin hiệu quả, mà không đàn áp các nhà phê bình hợp pháp, là một trong những thách thức lớn nhất trong thập kỷ tới.
3. Tính nhạy bén và sự an toàn trên mạng
Trường đại học của chúng tôi đã chuyển công việc giảng dạy thành trực tuyến. Chúng tôi đang tổ chức các cuộc họp bằng cách trò chuyện qua video và tiến hành các khóa học trên mạng. Trong khi nhiều người không có được những điều tốt đẹp này - bao gồm cả những người đang ở những nơi tuyến đầu của dịch bệnh hoặc vừa mới thất nghiệp -, hàng ngàn trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức khác đã chuyển sang trực tuyến. Đây là một minh chứng cho thấy lợi ích của những đổi mới công nghệ về mạng internet.
Đồng thời, những động thái này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ cho không gian mạng được hiệu quả và đáng tin cậy. Ngày nay, việc mất mạng không chỉ là mất quyền truy cập Netflix mà còn làm mất cả sinh kế. Mất an ninh mạng cũng là một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như khi một phần mềm tống tiền đã tấn công và phá vỡ toàn bộ các cơ sở y tế.
4. Công nghệ thông minh như một huyết mạch
Virus corona cũng cho thấy điều hứa hẹn cũng như những rủi ro của ‘internet vạn vật’, một mạng web toàn cầu với hệ thống luôn kết nối gồm các máy rà soát, máy ảnh, bộ điều nhiệt, hệ thống báo động và nhiều vật thể khác. Nhiệt kế thông minh, máy đo huyết áp và các thiết bị y tế khác ngày càng được kết nối với web. Điều này giúp những người có điều kiện có thể dễ dàng quản lý sức khỏe tại nhà hơn là phải điều trị tại một cơ sở y tế - nơi họ có nguy cơ bị lây bệnh cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào ‘internet vạn vật’ cũng mang nhiều rủi ro. Các thiết bị thông minh không an toàn có thể được sử dụng để phá hoại xã hội và nền dân chủ, chẳng hạn như khi hệ thống robot Mirai chiếm quyền điều khiển các thiết bị gia dụng để phá vỡ các trang web thông tin vào mùa Thu năm 2016. Khi các thiết bị kết nối kỹ thuật số bị tấn công, các lợi ích của chúng đột nhiên biến mất - thay vào đó là cảm giác khủng hoảng gửi đến những người phụ thuộc vào các công cụ chẩn đoán tại nhà được kết nối vào các bệnh viện quá tải.
5. Chuỗi cung ứng công nghệ là nơi dễ bị tổn thương
Việc các nhà máy Trung Quốc ngừng hoạt động khi đại dịch xuất hiện đã làm gián đoạn việc cung cấp các bộ phận quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ. Thậm chí, Apple đã phải tạm thời ngừng sản xuất iPhone. Nếu Trung Quốc chưa bắt đầu phục hồi, thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu có thể còn lớn hơn bây giờ rất nhiều.
Sự phụ thuộc lẫn nhau của chuỗi cung ứng không phải là mới và cũng không dành riêng cho công nghệ. Sản xuất, y tế, và nhiều lãnh vực khác, từ lâu đã phụ thuộc vào các bộ phận ở khắp nơi trên thế giới. Cuộc khủng hoảng của virus corona hiện nay nhắc mọi người nhớ đến sự tương tác phức tạp toàn cầu của nhiều công ty sản xuất thiết bị, điện thoại, máy tính và nhiều sản phẩm khác, mà toàn bộ nền kinh tế và xã hội phải phụ thuộc vào. Ngay cả nếu virus corona chỉ hoành hành tại Trung Quốc, các hậu quả xấu vẫn lan rộng khắp nơi – cho thấy ngay cả khủng hoảng cấp địa phương cũng có ảnh hưởng đến toàn cầu.
Chính sách mạng internet trong mọi thứ
Vào giai đoạn tiếp theo của đại dịch, xã hội sẽ phải vật lộn với những vấn nạn ngày càng khó hơn. Một trong số rất nhiều thách thức ấy chính là làm sao kiềm chế được sự lây lan của virus corona mà vẫn bảo vệ được các quyền tự do cốt lõi. Vì thử hỏi, có bao nhiêu người sẵn sàng chấp nhận bị theo dõi và giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa virus lây lan và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng? Cuộc sống riêng tư và tự do cá nhân khi ấy có còn được tôn trọng nữa không?
Chính sách không gian mạng hiện đang vướng mắc vào mọi thứ, bao gồm cả sức khỏe, môi trường và sự an toàn của người tiêu dùng. Các lựa chọn mà chúng ta đưa ra bây giờ, về an ninh mạng, phát biểu trực tuyến, chính sách mã hóa và thiết kế sản phẩm sẽ có ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe, bảo mật và sự phát triển cơ bản của con người.
Đây là những trăn trở của xã hội hôm nay và cũng phải là mối ưu tư của mọi tín hữu – những người muốn chu toàn nghĩa vụ sống và loan báo Tin Mừng trong thời khủng hoảng dịch bệnh cũng như trong thế giới hiện đại.
Lm Giuse Vi Hữu (x. sách Nhịp Sống Tin Mừng 8.2020)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn